Ngọn hải đăng nơi cuối trời

Chương IV: BĂNG CƯỚP KONGRE



Nếu như Vasquez, Felipe và Moriz mà đến được bờ phía tây của đảo Đa Quốc gia, họ sẽ thấy phần đất ấy khác xa với phần đất từ mũi Saint – Jean đến mũi Several. Ở đấy toàn là những vách đá dựng đứng cao khoảng sáu mươi mét, chúng đứng sừng sững ngay trên bờ nước sâu, ngày đêm bị sóng biển đập vào, ngay cả những hôm biển lặng. Đằng trước những bờ đá cằn cỗi đó có các khe hở, các hang hốc được các bầy chim biển chọn làm chỗ ẩn náu, là những vỉa đá lởm chởm, có những cái còn chạy ra ngoài khơi đến vài hải lý và chỉ phô mình ra khi triều xuống.

Chỗ những vỉa đá ngầm đó là những luồng lạch, những lối đi không thuyền bè nào qua nổi, kể cả những chiếc xuồng nhỏ bé. Rải rác đó đây là những kè đá, những trảng cát với lơ thơ vài đám cỏ biển xơ xác, trên mặt cát đầy rẫy những vỏ sò vỏ ốc luôn bị nước biển mài mòn những khi nước triều lên. Bên trong những vách đá đó là rất nhiều hang động trong đó có những hang rất sâu, lối vào lại hẹp, lòng hang lúc nào cũng khô ráo, không sóng biển nào vào trong đó được ngay cả khi biển động. Người ta đi vào hang qua những quãng dốc đứng, qua những đám đất đá sụt lở mà đôi khi nước triều cũng len lỏi tới. Muốn đến các mỏm đá cao phải vượt qua những thung lũng sâu, còn nếu muốn đến vùng cao nguyên ở trung tâm đảo thì phải vượt qua những ngọn núi cao tới chín trăm mét, và khoảng cách phải đi qua cũng không dưới hai mươi lăm cây số. Nói tóm lại, về tính cách hoang dã, hiu quạnh thì ở đây rõ nét hơn nhiều so với phần bờ biển đối diện, nơi trông ra vịnh Elgor.

Mặc dầu bên bờ biển phía tây hòn đảo Đa Quốc gia, từng phần đã được những ngọn núi cao ở vùng Đất lửa và quần đảo Magellan che chắn khỏi bị gió tây bắc quét, nhưng sóng biển ở đây cũng luôn gào thét dữ dội không kém vùng biển ở mũi San Juan kéo dài từ mỏm Diegos đến mỏm Several. Nếu như phần biển phía Đại Tây dương đã có một ngọn hải đăng soi đường thì phần biển bên phía Thái Bình dương cũng cần có một chiếc khác để dẫn đường cho các con tàu muốn đi vào eo biển Lemaire, sau khi đã vượt qua mũi Horn. Có thể là chính phủ Chilê vào lúc ấy cũng dự tính một ngày nào đó, sẽ theo gương của Argentina. Tuy nhiên, nếu việc xây dựng hải đăng được tiến hành đồng thời tại hai đầu Đa Quốc gia thì điều này sẽ đặc biệt nguy hiểm cho tình cảnh của băng cướp đang trốn quanh mũi Saint – Barthélemy.

Nhiều năm trước, bọn bất lương này đã vào cửa ngõ của vịnh Elgor và phát hiện ra một hang sâu được thiên nhiên tạo ra trong dãy vách đá dựng đứng ven biển. Cái hang ấy đã trở thành nơi ẩn náu rất an toàn cho chúng và vì lúc ấy không có tàu thuyền nào vào neo đậu ở hòn đảo Đa Quốc Gia nên chúng được tuyệt đối an toàn.

Bằng cướp này có mười hai đứa mà tên cầm đầu là Kongre, và một đứa khác tên Carcante làm phó. Bọn chúng đến từ nhiều vùng ở Nam Mỹ. Năm đứa trong bọn có quốc tịch Argentina hay Choé. Đám còn lại đều từ Fuégie đến và đều được Kongre thu nạp. Chúng chỉ việc băng qua eo Lemaire để đến hòn đảo mà chúng biết quá rõ những khi đến đấy để đánh cá vào mùa biển lặng.

Về Carcante, điểm duy nhất mà mọi người biết là hắn người Chilê, còn về làng xóm, gia đình ở đâu, ra sao, không ai biết được. Tuổi hắn khoảng bốn mươi, dáng người tầm thước trung bình, hơi gầy. Tính tình hắn rất nóng nảy, dối trá, lừa lọc và chưa bao giờ ngán chuyện trộm cắp và giết người.

Về thủ lĩnh băng cướp, không ai biết gì về hắn. Hắn người ở đâu, chưa bao giờ hắn nói với ai về chuyện này. Có đúng hắn tên Kongre hay không thì cũng chưa chắc lắm.

Điều duy nhất chắc chắn là cái tên đó khá phổ biến trong đám thổ dân vùng Magellan và vùng Đất lửa. Trong một chuyến hải hành từ Astrolabe đến Zélée, ông thuyền trưởng Du mont – d’Urville, sau khi ghé lại cảng Reckett ở eo biển Magellan, đã nhận lên tàu của ông một người vùng Patagonie mang cái tên như thế. Nhưng chưa chắc Kongre có quê quán ở Patagonie. Hắn không có khuôn mặt thót lại ở phía trên và banh ra ở cằm của những người vùng đó, trán hơi hẹp, cặp mắt kéo dài, mũi tẹt, dáng người nói chung là cao. Ngoài ra, mặt hắn không có nét dịu dàng vốn gặp ở những thổ dân vùng này.

Tính tình Kongre vừa hung dữ vừa quyết đoán. Điều này dễ nhận thấy ngay qua những đường nét dữ tợn trên khuôn mặt mà bộ râu rậm đã có vài chấm bạc trên đó cũng không che chắn được. Hắn là một tên cướp thực sự. Một tên vô lại đáng sợ với đôi tay nhuốm máu đủ loại tội ác. Hắn không thể tìm được nơi trốn tránh nào khác ngoài hoang đảo này, nơi người ta chỉ biết mỗi vùng bờ biển. Nhưng, từ khi đến ẩn náu nơi đây, làm thế nào mà Kongre cùng đồng bọn lại có thể trụ lại được? Điều này sẽ được lược giải ngay sau đây.

Sau khi nhúng tay vào những phi vụ tội ác, những tội ác mà giá của nó là sợi dây treo cổ, thì Kongre và tên đồng lõa Carcante của hắn đã trốn khỏi Punta – Arénas, cảng chính của eo Magellan để đến ẩn náu tại vùng Đất lửa, nơi không ai có thể lần ra tung tích của chúng. Ở nơi này nhờ sống giữa những người thổ dân vùng Fuégie, bọn chúng biết được là vùng chung quanh đảo Đa Quốc gia thường có nhiều tàu thuyền bị đắm, lúc chưa có ngọn hải đăng. Như vậy là không còn gì nghi ngờ nữa, các bờ biển ở đây đầy rẫy đủ loại xác tàu, với các hàng hóa trong đó có cái hẳn là rất có giá. Kongre và Carcante bèn nảy ra ý định lập một băng nhóm để đi vơ vét của cải ở các tàu thuyền bị nạn. Chúng đã thâu nạp được vài ba tên cướp ở Fuégie chuyên làm nghề này từ trước, cộng thêm khoảng chục thổ dân vốn trước đây đánh cá, nay bỏ xứ để theo chúng. Bọn chúng dùng một chiếc thuyền đánh cá để đi sang bờ bên kia của eo biển Lemaire. Mặc dầu Kongre và Carcante đã từng là thủy thủ, đã từng dọc ngang đi về trên những vùng bể hiểm nguy của Thái Bình dương, chúng cũng vẫn không tránh khỏi tai nạn. Một cơn bão đã cuốn thuyền của chúng về phía đông và sóng đã đánh va thuyền của chúng vào bờ đá gần mũi Calnett, giữa lúc chúng tìm cách neo đậu lại ở vùng nước lặng của cảng Parry. Và thế là cả bọn đều phải lội bộ đến vịnh Elgor. Nơi đây chúng đã thấy lại niềm hy vọng. Bờ biển ở đây suốt từ mũi San Juan đến mỏm Several đầy rẫy xác tàu đắm, từ cái mới đắm lẫn cái đã đắm từ lâu, nhiều kiện hàng còn nguyên, nhiều thùng lương thực còn đầy ăm ắp, có thể giúp chúng sống trong nhiều tháng, lại có cả vũ khí, súng lục, súng trường, đạn dược bảo quản kỹ trong các thùng sắt. Rồi còn cả vàng, bạc, châu báu đến từ các tàu thuyền Úc châu, các đồ gỗ như giường, tủ, bàn, ghế… rải rác đó đây còn sót lại vài bộ xương, nhưng không còn ai sống sót trong những thảm họa hàng hải đó.

Thực ra, khi đã là dân đi biển thì chẳng ai còn lạ gì cái hòn đảo đáng sợ này. Tất cả tàu thuyền khi bị gió bão thổi đến đây thì xem như xong, mất từ người cho đến của cải.

Kongre và băng nhóm của hắn chẳng cần vào sâu trong đảo để tìm chỗ cư trú, bọn chúng ở ngay con đường vào đảo, như vậy sẽ thuận tiện cho công việc của chúng và đồng thời có thể canh chừng mũi San Juan. Do ngẫu nhiên, bọn chúng tìm được một cái hang mà lối vào được che khuất bởi các loài cây mọc ở bờ biển như các loài tảo bẹ, tảo giạt; hang này đủ lớn đế có thể chứa cả bọn. Hang được che khuất bởi những vách đá dựng đứng trên bờ bắc của vịnh, do đó không còn lo gì gió bão. Bọn chúng bèn khuân về đó đủ các thứ lấy được từ các xác tàu đắm, từ giường tủ, quần áo cho đến các thức ăn rất dồi dào, nào bánh bích quy, thịt muối cho đến rượu vang, rượu mạnh. Hang thứ nhì, ngay cạnh hang đầu, chúng dùng để chứa các đồ đặc biệt như vàng, bạc, nữ trang. Nếu sau này mà Kongre tìm cách đánh cắp được một con tàu bị dụ dỗ vào trong vịnh thì hắn sẽ chất tất cả những của cải ăn cắp được lên đó rồi dong buồm trở về những hòn đảo trên Thái Bình dương, nơi khởi đầu sự nghiệp trộm cắp của mình.

Cho đến nay, cơ may ấy chưa đến với chúng, đám vô lại này chưa thể rời khỏi đảo Đa Quốc gia. Rõ ràng là trong khoảng hai năm trên đảo, của cải của chúng không ngừng gia tăng. Đã có thêm tàu bị đắm và từ đó bọn chúng càng giàu thêm nhiều. Ngoài ra, bọn chúng còn học theo cách của những tên cướp biển trên các vùng biển nguy hiểm ở lục địa cũ cũng như ở Tân thế giới, đấy là dụ dỗ những con tàu dẫn xác nạp mình cho tai họa.

Ban đêm, trong khi gió bão đang gầm thét ngoài khơi, nếu thấy có chiếc tàu nào xuất hiện trước đảo, chúng liền đốt lửa lên và tìm cách dẫn dắt tàu vào chỗ có đá ngầm, và nếu có ai thoát chết vì tai nạn, thì cũng không thoát khỏi bàn tay lũ cướp. Đấy là những hành vi phạm tội của lũ cướp mà nhiều người còn chưa biết.

Tuy nhiên, băng cướp vẫn tiếp tục bị cầm chân trên đảo. Kongre tuy đã có thể làm cho vài con tàu bị đắm, nhưng bọn chúng vẫn chưa lừa được tàu nào đi vào vịnh Elgor để cho chúng cướp. Hơn nữa, ít có tàu nào dám liều lĩnh vào neo đậu trong vịnh, nơi mà các thuyền trưởng chưa quen luồng lạch; ngoài ra lại còn phải lựa cho được con mồi nào có thủy thủ đoàn không đủ sức chống lại chúng, chúng mới dám ra tay! Thời gian cứ trôi và cái hang đá càng ngày càng đầy ắp của cải. Ta có thể hình dung ra nỗi sốt ruột, sự tức giận của Kongre và lũ cướp như thế nào. Và đấy cũng là đề tài của câu chuyện trao đổi giữa Carcante và tên đầu sỏ.

– Cứ mắc kẹt mãi trên đảo này y như tàu mắc cạn! Biết đến bao giờ tụi mình mới có thể khuân về nhà đống của cải này!…

– Được rồi – Kongre đáp – bằng mọi giá chúng ta phải đi!

– Bao giờ và làm thế nào mà đi? – Carcante sốt ruột hỏi.

Và câu hỏi này vẫn không được trả lời.

– Lương thực của chúng ta rồi sẽ hết – Carcante nhắc lại. Khi câu được cá thì đi săn lại về không?… Và còn nữa, chúng ta còn phải chịu mấy mùa đông nữa đây? Lạy Chúa! Cứ nghĩ đến chuyện phải ở đây mãi là tao không chịu nổi!

Trước những câu hỏi đó, Kongre còn biết trả lời ra sao. Hắn vốn ít nói và không mấy cởi mở. Nhưng gan ruột hắn thì luôn sôi lên sùng sục khi thấy mình bất lực! Không, hắn không thể làm gì cả!… Không!… Vì không tài nào gặp được một con tàu vào neo đậu trong vịnh, nếu có thấy được một chiếc thuyền đánh cá của dân Fuégien đi về phía đông của đảo, Kongre cũng chẳng ngần ngại gì mà không đoạt lấy nó. Khi ấy, nếu không phải hắn thì Carcante cùng vài tên Chile khác có thể đi đến eo biển Magellan. Đến được đó rồi thì có nhiều cơ hội để tới Buenos Aires hoặc Valparaiso. Với tiền bạc rủng rỉnh, bọn chúng có thể mua hẳn một con tàu chở được từ trăm rưỡi đến hai trăm tấn, sau đó Carcante cùng với thủy thủ đoàn sẽ đưa tàu tới vịnh Elgor. Tàu vào được vịnh rồi, bọn hắn sẽ thủ tiêu toàn bộ thủy thủ đoàn… Sau đó cả băng sẽ lên tàu cùng với đống của cải để đến tận quần đảo Salomon hay Nouvelles Hébrides.

Nhưng mọi toan tính chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Bởi vì, mười lăm tháng trước lúc bắt đầu của câu chuyện này, tình hình đã đột ngột thay đổi.

Vào đầu tháng mười năm 1858, một chiếc tàu thủy mang cờ Argentina xuất hiện trước đảo và tìm cách vào neo đậu trong vịnh Elgor.

Kongre và đồng bọn lập tức nhận ra ngay đây là một chiếc tàu chiến, mà với loại tàu này, bọn chúng chẳng làm gì được cả. Sau khi xóa sạch mọi dấu vết chứng tỏ sự hiện diện của chúng và cho tạm lấp đi hai cửa hang, bọn cướp rút vào phía trong của đảo để chờ đến khi chiếc chiến hạm ấy bỏ đi.

Đó chính là chiếc Santa-fé, đến từ Buenos Aires, trên tàu có một kỹ sư với nhiệm vụ xây dựng một hải đăng trên hòn đảo Đa Quốc gia, và lúc đó ông kỹ sư vừa mới xác định được vị trí để xây tháp đèn.

Chiến hạm chỉ neo lại có vài ngày trong vịnh Elgor, sau đó nó rời vịnh mà không hề phát hiện ra sự có mặt của Kongre và băng cướp.

Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối, Carcante đã lần ra tận nơi tàu đậu và hắn đã tìm ra lý do chiếc Santa-fé vào neo đậu trong đảo. Đó là một ngọn hải đăng sẽ được xây dựng trong lòng vịnh Elgor!… Vậy là sẽ phải rời bỏ nơi này. Chắc chắn là cần phải làm ngay, nếu có thể.

Kongre nhanh chóng đi đến một quyết định. Hắn đã biết rõ phía tây của đảo, vùng lân cận với mũi Saint – Barthélemy, nơi đó có nhiều hang động có thể dùng làm nơi trú ngụ cho toàn thể. Không được chậm ngày nào cả, vì chiếc chiến hạm sẽ mau chóng trở lại đảo cùng với đám thợ xây dựng hải đăng, hắn đã cho di chuyển ngay tới chỗ mới tất cả những vật phẩm cần thiết, đủ dùng cho một năm. Hắn có lý khi cho rằng với khoảng cách từ đây cho đến mũi Saint – Jean, cả nhóm sẽ không còn lo bị phát hiện.

Tuy nhiên, thời gian không đủ cho hắn mang hết mọi thứ cất trong hai cái hang đó đi. Hắn đành bằng lòng với việc chỉ mang đi phần lớn chỗ lương thực, đồ hộp, đồ uống, quần áo và một số báu vật. Hai cửa hang được lấp lại bằng đá và cành cây. Của cải còn lại trong đó thì phó mặc cho trời đất quỉ thần.

Năm ngày sau hôm bọn cướp rời đi, chiếc Santa-fé xuất hiện từ sáng tinh mơ nơi cửa vịnh Elgor và sau đó vào neo đậu trong vịnh. Đám công nhân xây dựng cùng vật liệu được chuyển lên bờ. Địa điểm xây dựng tháp đều đã được chọn, nằm trên một ụ đất cao, công việc xây dựng được khởi công ngay tức thì và như ta đã biết, công trình xây dựng đã mau chóng hoàn tất.

Chính vì vậy mà băng cướp Kongre buộc phải lui vào ẩn náu trong mũi Saint – Barthélemy. Chúng dùng nước từ một con suối do tuyết tan tạo thành. Câu cá và săn bắn đã giúp chúng có thể tiết kiệm được phần lương thực mang theo từ khi rời vịnh Elgor.

Nhưng không nói, mọi người cũng hình dung ra sự sốt ruột của Kongre, Carcante và đồng bọn khi chờ cho hải đăng được xây xong để sau đó chiếc Santa-fé lại ra đi và chỉ trở lại sau ba tháng với toán bảo vệ mới.

Dĩ nhiên là Kongre và Carcante phải theo dõi mọi diễn biến ở trong lòng vịnh, nơi đây thi công hải đăng. Bằng cách đi dọc theo bờ biển, từ phía nam hay từ phía bắc lại, hoặc tiếp cận công trường từ bên trong đảo, hoặc từ các đỉnh núi cao bao bọc phía nam của cảng New – Year, bọn chúng có thể nắm vững tiến độ xây dựng tháp đèn để tính xem đến lúc nào thì việc xây dựng sẽ hoàn tất. Qua công việc theo dõi nói trên, có thể Kongre sẽ thực hiện một kế hoạch đã được nung nấu trong nhiều ngày. Sau đó, ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra một khi vịnh Elgor đã được chiếu sáng, và lúc đó biết đâu chả có một con tàu sẽ đến neo đậu trong vịnh, Kongre sẽ tìm cách chiếm tàu, và thủ tiêu thủy thủ đoàn?

Còn về khả năng các sĩ quan của chiến hạm có nghĩ đến chuyện đi thám hiểm mạn tây của đảo không thì Kongre cho là khó xảy ra. Không có ai lại muốn mạo hiểm đi về phía mũi Saint – Barthélemy khi phải vượt qua những khu đồi trọc, những thung lũng sâu rất khó đi qua. Tất cả phần núi non đó, nếu muốn qua cũng phải trả giá bằng nhiều nỗi nhọc nhằn. Thực ra, cũng có khả năng viên thuyền trưởng của chiến hạm sẽ cho tàu làm một vòng quanh đảo. Nhưng khó xảy ra chuyện ông ta cho các thủy thủ đổ bộ lên phần bờ biển lởm chởm những đá ngầm và trong mọi trường hợp, băng cướp sẽ luôn đề phòng đã không bị phát hiện.

Cuối cùng thì chuyện đó đã không xảy ra và tháng Chạp đã tới gần, trong thời gian đó mọi công việc có liên quan đến tháp đèn phải được hoàn tất. Sau đó chỉ còn lại những người gác đèn và Kongre biết điều đó khi thấy những tia sáng đầu tiên mà hải đăng chiếu lên bầu trời trong đêm tối.

Cho nên, trong những tuần lễ cuối cùng này, một tên trong băng cướp phải đến phục chờ sẵn trên một trong những đỉnh đồi mà từ đó chúng có thể trông thấy hải đăng từ một khoảng cách từ bảy đến tám hải lý; tên này sẽ trở về báo tin ngay cho Kongre biết, càng nhanh càng tốt, ngay lúc ánh đèn đầu tiên được phát ra.

Thế rồi, chính xác là vào đêm mùng 9 rạng ngày mùng 10 tháng Chạp mà Carcante báo tin này về mũi Saint – Barthélemy:

– Thế là xong – Hắn kêu to lên như vậy khi đến gặp Kongre trong hang đá – cuối cùng thì lũ quỉ cũng phải xây xong và thắp đèn lên, cây đèn quỉ ấy sẽ phải tắt.

– Chúng ta không cần đến nó! – Kongre vừa đáp vừa vung nắm tay đe dọa về phía đông.

Sau đó vài ngày, đó là vào đầu tuần lễ tiếp theo, Carcante, trong một chuyến đi săn ở gần cảng Parry, đã bắn bị thương một con nai nhưng lại để con nai đó xổng mất. Chuyện xảy ra tiếp theo thì chúng ta đã rõ ở phần trên, con nai đã chạy đến gục chết dưới chân Moriz ở bìa rừng sồi. Và cũng bắt đầu từ hôm đó mà Vasquez cùng các bạn anh, vì biết trên đảo có người, đã canh phòng cẩn mật hơn vùng xung quanh vịnh Elgor.

Ngày hôm đó, Kongre quyết định sẽ đưa cả bọn rời mũi Saint-Barthélemy để trở lại mũi San-Juan. Băng cướp bỏ lại mọi thứ trong hang đá. Chúng chỉ mang theo lương thực đủ dùng cho cả bọn trong ba hay bốn ngày đi đường, sau đó đã có dự trữ của tổ bảo vệ tháp đèn. Hôm ấy là vào ngày 22 tháng Chạp. Xuất phát từ sáng sớm, bọn chúng đi theo con đường nằm ở trong núi, ngày đầu tiên chúng dự tính đi một phần ba đoạn đường, chặng này dài khoảng mười hải lý, toàn đường núi lại có nhiều cây che phủ, đêm sẽ ngủ lại ở một ngóc ngách nào đó. Sau chặng dừng chân này, ngày hôm sau cũng sẽ đi từ sớm trên một đoạn đường thứ hai cũng dài xấp xỉ chặng thứ nhất, rồi trong ngày cuối cùng, chúng sẽ đến thẳng vịnh Elgor vào lúc chiều tối.

Kongre cho là chỉ có hai người gác ở tháp đèn, thực ra là có đến ba người, nhưng điều ấy đâu có gì là quan trọng, cả ba ngươi: Vasquez, Moriz và Felipe làm sao chống cự nổi cả một băng cướp khi họ không ngờ đến sự có mặt của chúng ở đây. Vậy thì có hai đứa sẽ gục ngã ngay trong khu nhà ở, còn đứa thứ ba, bọn chúng sẽ giải quyết trong phòng trực một cách dễ dàng.

Sau đó Kongre sẽ trở thành chủ nhân của hải đăng. Và hắn tha hồ mang các thứ để lại ở Saint – Barthélemy trước đây về cất trong cái hang trước cửa vịnh Elgor.

Đó chính là kế hoạch được phác họa ra trong đầu tên cướp đáng sợ này, chắc chắn nó phải thành công, điều ấy là hiển nhiên, nhưng vận may có đến tiếp không, thì chưa chắc lắm.

Thực ra đến đây thì chuyện sẽ không còn tùy thuộc vào hắn nữa vì còn phải có một chiếc tàu nào đấy neo đậu ở vịnh Elgor đã chứ. Chắc chắn là nơi neo đậu này được các nhà đi biển biết đến sau chuyến đi của chiếc Santa-fé. Như vậy sẽ không còn trở ngại nào cho con tàu có trọng tải trung bình vào neo đậu trong một vùng biển đã được hải đăng đặt cọc tiêu. Dĩ nhiên như vậy sẽ tốt hơn là phải vượt thêm một cung đường đầy sóng gió hoặc qua eo biển, hoặc vòng lên phía nam của đảo… Kongre nhất quyết là con tàu ấy sẽ rơi vào tay hắn, đem lại cho hắn khả năng mà hắn chờ đợi bấy lâu nay. Hắn sẽ lái tàu chuồn sang Thái Bình dương, nơi hắn tin chắc rằng những tội lỗi hắn đã phạm trước đây sẽ không bị trừng phạt.

Nhưng mưu đồ trên muốn trót lọt điều tiên quyết là thời gian, cần phải làm sao để mọi chuyện xong xuôi trước khi chiếc chiến hạm Santa-fé mang tổ gác mới trở lại thay thế. Nếu không may rời đảo vào đúng lúc này thì Kongre và đồng bọn buộc phải quay lại mũi Saint – Barthélemy.

Và rồi tình hình sẽ càng phức tạp hơn nếu viên thuyền trưởng phát hiện ra việc ba người gác đèn đã mất tích, ông ta sẽ nghĩ ngay đến một vụ bắt cóc hay ám sát nào đó. Và cuộc tìm kiếm sẽ được thực hiện. Chiến hạm sẽ chưa rời đảo chừng nào chưa lùng sục tung cả đảo lên. Làm thế nào có thể chạy thoát khỏi cuộc truy tìm đó, và làm thế nào có thể nuôi sống cả bọn nếu tình hình ấy kéo dài?… Khi cần, chính phủ Argentina có thể phái thêm những chiến hạm khác. Ngay cả khi bọn Kongre đã có trong tay một chiếc thuyền đánh cá của thổ dân – điều này rất dễ thực hiện – thì eo biển cũng sẽ bị canh phòng rất cẩn mật, và như thế thì làm sao thoát ra khỏi đây để đến được vùng Đất lửa và không biết cả bọn có còn đủ may mắn để thực hiện được mưu đồ trên khi còn đủ thời gian?

Buổi tối ngày 22 tháng Chạp, Kongre và Carcante vừa đi dạo vừa nói chuyện ở gần mũi Barthélemy, và theo thói quen của dân đi biển, chúng quan sát trời và biển.

Thời tiết hôm đó không có gì đặc biệt. Nhiều mây đêm xuất hiện ở chân trời, gió thổi mạnh từ hướng đông bắc tới. Lúc ấy vào khoảng sáu giờ rưỡi tối, Kongre và đồng bọn vừa toan về nơi ẩn náu như mọi hôm thì bỗng Carcante nói:

– Như vậy là phải bỏ lại tất cả ở mũi Saint – Barthélemy.

– Chứ còn gì nữa – Kongre đáp – Sau này, khi đã làm chủ được tình hình thì việc mang đi sẽ dễ dàng hơn…

Hắn chưa kịp nói hết câu, cặp mắt hắn bỗng nhìn chăm chú ra biển, rồi nói:

– Này Carcante… nhìn xem có cái gì ở ngoài vịnh kìa…

Carcante nhìn theo hướng tay chỉ của Kongre.

– A! – hắn reo lên – Nếu tao không lầm thì đấy là một con tàu!

– Mà nó đang định ghé vào đảo đấy – Kongre tiếp – nó đang chạy chậm, vì ngược gió…

Đúng là có một chiếc tàu đang dong buồm tiến vào, còn khoảng hai hải lý thì tới bờ vịnh.

Mặc dầu gió thổi ngược, con tàu cũng từ từ tiến vào và nếu nó muốn tìm eo biển, thì phải đến đêm mới vào đấy được.

– Đó là một chiếc thuyền buồm dọc – Carcante nói.

– Đúng, một chiếc thuyền buồm dọc trọng tải khoảng hai trăm tấn – Kongre đáp.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chiếc thuyền buồm đang tìm cách vượt qua eo biển thay vì đi tới mũi Saint – Barthélemy. Tất cả vấn đề là ở chỗ liệu nó có thể tới được đó trước khi trời tối mịt hay không. Với hướng gió như thế này, liệu có nguy cơ tàu sẽ bị sóng đánh xô vào bãi đá không? Cả bọn giờ đây túm tụm lại ở đầu mũi đất. Kể từ ngày chúng tới đây, đây không phải là lần đầu tiên có một chiếc tàu vào gần đảo đến thế. Trước đây, khi gặp trường hợp thế này thì bọn chúng sẽ đùng ánh lửa để dụ cho tàu va phải bãi đá. Nhưng bây giờ liệu bọn chúng có còn dám dùng cách này nữa không?

– Không được – Kongre đáp – không được để cho chiếc này bị đắm mà phải tìm cách bắt lấy nó… Hiện giờ gió đang thổi ngược sóng và trời thì tối đen. Tàu không thể nào vượt qua eo biển được. Sáng mai nhất định nó sẽ còn trong vịnh, lúc đó ta sẽ biết cần phải làm gì.

Một giờ sau đó, chiếc tàu biến mất trong bóng tối dầy đặc, không một ngọn đèn hiệu nào cho ta thấy sự hiện diện của nó.

Đêm hôm đó, gió đổi hướng, chuyển sang tây nam.

Sáng sớm hôm sau, khi Kongre và đồng bọn đi xuống bờ đá, bọn chúng thấy chiếc thuyền buồm đang nằm mắc cạn trong bãi đá của vịnh Saint – Barthélemy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.