Ngọn hải đăng nơi cuối trời
Chương XV: ĐOẠN KẾT CỦA CỦA CHUYỆN
Chiếc tuần dương hạm Santa-fé chở tổ thay thế ra làm nhiệm vụ ở đảo Đa Quốc gia đã rời cảng Buenos Aires ngày 19 tháng Hai. Được thuận gió và thuận con nước nên cuộc vượt biển diễn ra nhanh chóng. Cơn bão lớn kéo dài tám ngày đã không gây ảnh hưởng gì ngoài eo biển Magellan. Thuyền trưởng Lafayate đã không hề chịu ảnh hưởng nào của bão nên có thể tới nơi sớm hơn dự định khá nhiều ngày. Chỉ cần tới chậm một ngày nữa là chiếc thuyền buồm đã đi xa, và chắc là khi đó, việc truy đuổi Kongre và băng cướp sẽ không thể thực hiện.
Thuyền trưởng Lafayate nôn nóng. Không thể chờ đến hết đêm để biết chuyện gì đã xảy ra trong vịnh Elgor từ ba tháng nay.
Tại sao chỉ có Vasquez có mặt trên tàu, còn hai đồng đội Felipe và Moriz của anh ở đâu. Còn người đàn ông cùng lên tàu cùng với Vasquez là ai mà cũng chưa bao giờ trông thấy.
Thuyền trưởng Lafayate liền cho gọi hai người tới tháp chỉ huy, câu nói đầu tiên của ông là:
– Tại sao cây đèn biển lại được thắp lên trễ vậy, Vasquez?
– Đã từ chín tuần lễ nay, đèn không hề được thắp sáng – Vasquez đáp.
– Chín tuần lễ! Điều đó nghĩa là gì? Thế còn hai đồng đội của anh đâu?
– Felipe và Moriz đã chết rồi. Hai mươi mốt ngày sau khi chiếc Santa-fé ra khơi, hải đăng chỉ còn lại một người gác, thưa thiếu tá.
Rồi Vasquez kể lại những sự kiện trên đảo Đa Quốc gia.
Một băng cướp biển mà tên cầm đầu tên là Kongre đã nhiều năm nay ẩn náu ở vịnh Elgor, sống bằng cách dụ các tàu thuyền vào các bãi đá của mũi San Juan để cướp xác tàu, tàn sát những người sống sót sau khi tàu của họ bị đắm. Không một ai biết đến sự có mặt của chúng trong suốt thời gian xây dựng hải đăng vì chúng ở tận mũi Saint-Barthélemy nằm ở đầu phía tây của đảo. Khi chiếc Santa-fé ra đi, để lại tổ bảo vệ hải đăng trên đảo, bọn cướp Kongre tiến vào vịnh Elgor trên một chiếc thuyền buồm tình cờ đã lọt vào tay chúng. Sau khi bọn chúng vào vũng đậu tàu vài phút, Moriz và Felipe đã bị bọn chúng sát hại trên chiếc thuyền buồm. Còn Vasquez thì lúc đó đang ở lại trong phòng trực nên thoát chết. Sau khi trốn khỏi hải đăng, Vasquez đã tạm trú gần mũi San Juan để trốn bọn cướp. ở đó anh sống nhờ vào chỗ lương thực tìm được trong một hang đá mà băng cướp cất giấu các thứ đã cướp được.
Đoạn Vasquez kể tiếp vụ lâm nạn của chiếc Century, mà anh đã rất sung sướng khi cứu được vị phó chỉ huy của tàu, rồi làm thế nào mà hai người sống được để chờ chiếc Santa-Fé đến. Niềm ham muốn cháy bỏng của cả hai là làm sao cho chiếc thuyền buồm, vì phải sửa chữa nhưng hư hỏng quan trọng, không thể nào ra khơi để chạy về Thái Bình dương; trước khi chiếc tuần dương hạm quay lại vào đầu tháng ba. Chiếc thuyền buồm không thể rời đảo vì hai trái phá mà John Davis đã bắn vào vỏ thuyền làm nó phải ở lại trong vài hôm.
Vasquez ngừng câu chuyện kể ở chỗ đó, không hề nói tới chiến công đặc biệt của riêng anh. Nhưng John Davis đã lên tiếng:
– Điều mà Vasquez quên chưa nói, thưa ông thuyền trưởng, đó là khi thấy hai trái đạn đại bác chưa đủ gây hư hại nặng cho con thuyền và lẽ ra nó có thể nhổ neo từ sáng nay, Vasquez không quản nguy hiểm đến tính mạng của mình, đã bơi ra tận chỗ neo đậu của chiếc thuyền buồm để cho nổ một quả mìn tự tạo ở gần bánh lái tàu. Nói cho đúng ra thì vụ nổ đó cũng không đạt yêu cầu mà Vasquez mong muốn, chỗ hư hại đó không quá nặng và cũng chỉ cần mười hai tiếng đồng hồ là sửa chữa xong. Nhưng chính nhờ mười hai tiếng quý báu đó mà chiếc Santa-fé đã tới kịp trước khi chiếc thuyền buồm ra khơi. Công lao chính trong việc này là của Vasquez, và cũng chính anh là người phát hiện ra chiếc tuần dương hạm từ xa, và có sáng kiến chạy lên hải đăng để thắp lên chùm tia sáng vẫn bị tắt từ lâu.
Thuyền trưởng Lafayate nồng nhiệt bắt tay John Davis và Vasquez là những người mà, nhờ sự can thiệp táo bạo của họ, mà chiếc Santa-fé đã đến trước lúc chiếc thuyền buồm ra khơi. Đoạn ông cũng kể lại trong những điều kiện nào mà một giờ trước khi mặt trời lặn, chiếc tuần dương hạm có thể nhận ra hòn đảo Đa Quốc gia.
Thuyền trưởng Lafayate, sau khi điểm lại tình hình trong buổi sáng, có thể yên tâm về vị trí của tàu. Chiếc tuần dương hạm chỉ cần trực chỉ mũi San Juan là có thể đến đó trước khi đêm xuống.
Thực ra vào lúc bóng hoàng hôn bắt đầu buông xuống, nếu như thuyền trưởng Lafayate không còn nhìn rõ bờ phía đông của đảo thì, ít ra ông cũng trông thấy những ngọn núi cao ở phía xa hơn. Ông chỉ còn cách bờ biển khoảng mười hải lý và ông dự tính vào trong vũng đậu tàu hai giờ sau. Chính lúc Vasquez và John Davis phát hiện ra chiếc Santa-fé thì cũng là lúc Carcante từ trên tháp đèn báo cho Kongre về chiếc chiến hạm và tên này đã tìm mọi cách ra khỏi trước khi chiết Santa-fé có thể vào vịnh. Trong khi đó, chiếc Santa-fé vẫn trực chỉ mũi San Juan…
Biển lặng và có gió nhẹ từ khơi thổi vào.
Đương nhiên là trước khi có ngọn hải đăng đặt ở nơi tận cùng trái đất này thì ông thuyền trưởng Lafayate đã chẳng dại gì mà cho tàu đến gần bờ như vậy trong đêm, càng không bao giờ đi vào vịnh Elgor mà tìm vũng đậu.
Nhưng theo ông nghĩ thì giờ đây bờ biển và vịnh biển này đã được hải đăng soi sáng, vậy cần gì phải chờ đến sáng hôm sau.
Như vậy là chiếc chiến hạm cứ việc thẳng đường theo hướng tây nam và khi trời bắt đầu tối sầm, nó chỉ còn cách cửa vịnh không đến một hải lý.
Tốc độ của tàu được giảm bớt xuống trong khi chờ hải đăng bật sáng lên. Nhưng một giờ đã trôi qua mà không một tia sáng nào lóe lên từ phía đảo. Thuyền trưởng Lafayate không thể nào lầm được, vịnh biển Elgor đang mở ra trước mặt ông. Mà tàu ông đang ở trong vùng sáng của đèn. Nhưng hải đăng vẫn chưa bật sáng!…
Từ trên chiến hạm, người ta nghĩ gì về sự cố này nếu không phải là đèn bị hỏng? Có thể là do ảnh hưởng của cơn bão khủng khiếp vừa qua mà đèn bị vỡ, bộ phận tụ quang bị hư hại… Không một ai nghĩ đến tình huống tổ ba người gác đèn bị tấn công bởi một băng cướp, rằng hai trong số ba người đã ngã xuống do bàn tay bọn chúng và người thứ ba đã phải trốn đi để tránh một kết cục bi thảm.
– Tôi không biết là phải làm gì nữa – thuyền trưởng Lafayate kể lại – Bóng đêm thì dày đặc. Tôi không dám liều lĩnh đi vào vịnh. Cần phải chờ ở ngoài khơi đợi trời sáng. Các sĩ quan và thủy thủ dưới quyền tôi, ai nấy đều vô cùng lo ngại, và chúng tôi linh cảm thấy một tai họa nào đó. Nhưng sau cùng, đến chín giờ tối thì đèn bật sáng… Sự chậm trễ này hẳn là do có trục trặc kỹ thuật… Tôi cho tàu tăng tốc và trực chỉ lối vào vịnh. Sau một giờ, tàu đã ở trong vịnh. Cách vũng đậu tàu khoảng một hải lý rưỡi, tôi bắt gặp chiếc thuyền buồm đang buông neo, trông nó có vẻ bị bỏ không… Tôi đang định phái vài người sang đó thì bỗng nghe những tiếng nổ vang lên, và những tiếng súng lại vang lên từ trong tháp đèn?… Chúng tôi vụt hiểu ra là tổ gác đèn bị tấn công, họ đã chống cự lại đám người tấn công họ, chắc chúng từ chiếc thuyền buồm mà ra… Tôi cho kéo còi để uy hiếp tinh thần kẻ tấn công… và thế là sau mười lăm phút, chiếc Santa-fé đã vào nơi neo đậu.
– Thật đúng lúc, thưa thuyền trưởng – Vasquez nói.
– Điều đó chiếc Santa-fé không thể làm được – thuyền trưởng đáp – nếu các anh không liều mạng sống của mình để thắp lại cây đèn. Và như vậy thì giờ này chiếc thuyền buồm đã ở ngoài khơi. Chúng ta không thể gặp nó ở cửa vịnh và bọn cướp sẽ thoát khỏi tay chúng ta.
Toàn thể diễn biến của câu chuyện chả mấy chốc đã lan ra trên chiếc tuần dương hạm, và những lời chúc mừng nồng nhiệt đã không ngớt vang lên, dành cho cả Vasquez lẫn John Davis.
Đêm đầu qua trong sự yên tĩnh và ngày hôm sau Vasquez đi làm quen với ba nhân viên bảo vệ mới mà chiếc Santa-Fé mang ra đảo.
Dĩ nhiên cũng cần phải nói đến chuyện trong đêm hôm đó. Một toán thủy thủ khá đông được phái ra chiếm cứ chiếc thuyền buồm. Nếu không làm thế thì Kongre và băng cướp còn lại có thể đổ quân lên đó và lợi dụng nước triều xuống, chúng có thể nhanh chóng chuồn ra khơi.
Về phía thuyền trưởng Lafayate, để đem lại an toàn cho tổ bảo vệ mới của đèn, ông chỉ có một mục tiêu đề ra: đó là lùng sục, tảo thanh bọn cướp biển mà sau cái chết của Carcante và Vargas, còn lại mười ba tên, trong đó có tên cầm đầu Kongre.
Vì diện tích của đảo khá rộng, cuộc tảo thanh sẽ kéo dài và có thể không đi đến đâu. Làm thế nào mà thủy thủ đoàn của chiếc Santa-Fé có thể lùng sục cho hết đảo? Chắc chắn là Kongre và đồng bọn không khờ dại gì mà quay lại mũi Saint – Barthélemy, sự bí mật cửa chiếc hang đá nơi chúng ẩn náu trước đây đã bị phát hiện. Nhưng chúng còn có cả núi rừng trên đảo và phải nhiều tuần lễ, nhiều tháng sau mới thanh toán hết băng cướp. Tuy nhiên, thuyền trưởng Lafayate sẽ chưa chịu rời đảo chừng nào chưa đem lại sự an toàn cho những nhân viên bảo vệ đèn.
Nói cho đúng ra, điều có thể dẫn đến một kết quả nhanh chóng lại chính là cái kết cục mà Kongre và đồng bọn phải chấp nhận. Về lương thực, chúng chẳng còn gì, cả những thứ trữ trong hang đá ở vịnh Saint – Barthélemy, lẫn chỗ chứa trong hang ở vịnh Elgor.
Ngay sáng sớm hôm sau, thuyền trưởng Lafayatel dưới sự dẫn đường của Vasquez và John Davis đã xác nhận là trong hang đá ở vịnh Elgor chẳng còn thứ gì ăn được, dù là bánh bích quy hay thịt sấy. Tất cả những gì gọi là thực phẩm đều được chúng chuyển lên thuyền buồm, và các thủy thủ của chiến hạm đã mang cả về tàu.
Hang đá chỉ còn chứa những đồ tạp nhạp không có giá trị gì như giường, nệm, áo quần, đồ nấu ăn… Cứ cho là Kongre đã quay lại đó trong đêm thì hắn cũng chẳng tìm được gì khả dĩ nuôi sống được toàn băng nhóm. Bọn chúng cũng chẳng còn gì để săn bắn thú rừng, nếu căn cứ vào số vũ khí tìm được trên chiếc Carcante. Bọn chúng chỉ còn có thể đi câu cá! Trong những điều kiện như vậy, nếu Kongre và đồng bọn không muốn chết đói thì chúng chỉ còn cách ra đầu hàng.
Tuy nhiên, một cuộc lùng sục đã được bắt đầu. Từng toán lính thủy, dưới sự chỉ huy của các sĩ quan, phân công nhau đi tìm kiếm hoặc ở trong rừng, hoặc bên vách đá bờ biển. Đích thân thuyền trưởng Lafayate cũng tìm kiếm ở mũi Saint – Barthélemy, nhưng ông chẳng thấy dấu vết gì của bọn cướp.
Nhiều ngày trôi qua, trong lúc không thấy tên cướp nào thì bỗng nhiên sáng ngày mùng 10 tháng Ba có bảy tên thổ dân Pécherais dẫn xác ra hàng. Nom chúng đứa nào cũng hốc hác, tiều tụy vì bị đói khát hành hạ. Chúng được đem lên tàu Santa-fé để được cho ăn uống, bọn này chắc không bao giờ nghĩ đến chuyện đi trốn nữa.
Bốn ngày sau, ông thuyền phó Riegal, trong lúc đi thăm bờ biển phía nam của đảo, gần mũi Webster đã phát hiện năm xác chết mà trong số đó Vasquez còn nhận dạng được hai tên người Chilé.
Những thứ rác rưởi tìm thấy xung quanh bọn chúng chứng tỏ bọn chúng đã ăn tôm cá để sống qua ngày, nhưng không hề có dấu tích gì của bếp núc, than tro. Thì ra chúng chẳng còn phương tiện gì để có lửa đốt.
Sau cùng, vào khoảng chiều hôm sau, trước lúc mặt trời lặn một chút, có một người đàn ông xuất hiện giữa những mỏm đá ven bờ vịnh, cách tháp đèn chừng năm trăm mét.
Chỗ ấy đúng là nơi mà John Davis và Vasquez đứng canh chừng chiếc thuyền buồm, trước hôm chiếc Santa-fé tới nơi, vào buổi tối mà Vasquez đã quyết định bơi ra tấn công chiếc thuyền buồm.
Người đàn ông đó chính là Kongre.
Vasquez đang dạo chơi trong khuôn viên hải đăng cùng với các nhân viên bảo vệ mới, nhận ngay ra hắn và kêu lên:
– Nó kia kìa!… Nó kia kìa!…
Nghe tiếng kêu, thuyền trưởng Lafayate, lúc đó đang đi trên bờ đá cùng thuyền phó, bèn chạy vội đến. John Davis và vài lính thủy nữa cũng nhào ra theo và tất cả mọi người cùng tụ họp lại bên tháp đèn, họ đều trông thấy tên tướng cướp, người sống sót duy nhất của băng cướp.
Hắn định đến đây làm gì? Tại sao hắn xuất đầu lộ diện? Hay hắn có ý định đầu hàng? Tuy nhiên hắn không thể hiểu lầm về số phận đang đợi hắn. Hắn sẽ bị dẫn độ về Buenos Aires và sẽ trả giá bằng mạng sống của mình cho tất cả những tội ác mà hắn gây ra.
Kongre đứng im lặng trên một tảng đá nhô lên cao hơn cả và sóng biển đang tan ra dưới chân hắn. Ánh mắt hắn đảo quanh bờ vịnh. Hắn có thể trông rõ, ngay cạnh chiếc chiến hạm là chiếc thuyền buồm mà số phận đã run rủi đem đến cho hắn, và rồi cũng chính một vận rủi khác đã lấy đi của hắn. Biết bao ý nghĩ đang lởn vởn trong đầu óc hắn!
Biết bao nhiêu nuối tiếc!
Không có chiếc tuần dương hạm tới nơi, hắn đã vùng vẫy ngoài Thái Bình dương từ lâu, nơi hắn dễ dàng thoát khỏi mọi cuộc truy đuổi, để tránh khỏi sự trừng phạt.
Phải tóm cổ hắn, thuyền trưởng Lafayate nhất định phải bắt bằng được Kongre.
Ông ra lệnh cho thuyền phó Rieval chỉ huy một toán mười hai người lính thủy tiến vào rừng sồi, mà từ đó, sau khi vòng qua một bức tường đá chắn ngang sẽ dễ dàng tiếp cận tên cướp. Vasquez hướng dẫn đoàn thủy binh đó đi tắt bằng con đường ngắn hơn.
Họ vừa mới tiến lên chưa được một trăm bước chân thì bỗng một tiếng nổ vang lên và một thân hình lao vào khoảng không, rơi thẳng xương biển giữa đám bọt nước bắn tung tóe.
Kongre đã vừa rút súng lục ra khỏi thắt lưng, áp nòng súng vào trán và bấm cò. Tên cướp khốn nạn đã tự thi hành công lý cho mình; và giờ đây nước triều xuống, đang cuốn xác hắn ra biển khơi.
Đó chính là đoạn kết của tấn thảm kịch ở hòn đảo Đa Quốc gia. Và đương nhiên là kể từ đêm mùng 3 tháng Ba, ngọn hải đắng luôn tỏa sáng hằng đêm. Những người gác đèn mới đến đã được Vasquez bàn giao công việc. Giờ đây, không một tên cướp nào còn sót lại.
John Davis và Vasquez cùng trở về Buenos Aires trên chiếc tuần dương hạm; từ đó người thứ nhất sẽ trở lại thành phố Mobile quê hương anh mà ở đó anh sẽ được đề bạt lên chức thuyền trưởng, một chức vụ rất xứng đáng với nghị lực lòng can đảm và nhân cách của anh.
Còn Vasquez, anh sẽ trở lại thành phố quê hương mình để nghỉ ngơi sau những thử thách rất khắc nghiệt mà anh đã trải qua… Nhưng anh sẽ trở lại nơi đó chỉ có một mình, những người bạn đáng thương của anh đã nằm lại vĩnh viễn trên đảo!
Và thế là vào buổi chiều ngày 18 tháng Ba, sau khi đã chắc chắn là sự an toàn đã trở lại với đảo, thuyền trưởng Lafayate phát lệnh nhổ neo, lúc này mặt trời đang chìm dần dưới chân trời phía tây.
Vừa lúc đó, từ phía bờ vịnh, một chùm tia sáng bừng lên, ánh sáng của chiếc hải đăng như múa nhảy trên sóng.
Và chiếc tuần dương hạm xa dần trên mặt biển tối sẫm, hình như nó muốn mang theo cùng với mình một vài tia sáng trong muôn vàn tia sáng tỏa ra từ ngọn hải đăng nơi cuối trời.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.