Người Tình Sputnik

Chương 10



Khi tôi thức dậy, Miu đang ngồi bên bàn ăn sáng ở ngoài hiên. Lúc đó là 8h30, vầng mặt trời sớm mai đang tỏa nắng tràn ngập thế gian. Miu và tôi ngồi ở hiên ăn sáng, vừa ăn vừa ngắm nhìn mặt biển lấp lánh. Chúng tôi ăn bánh mì nướng với trứng và uống cà phê. Hai con chim trắng lướt xuống con dốc dẫn ra bờ biển. Chiếc đài phát thanh đang bật quanh đó, văng vẳng tiếng phát thanh viên đọc nhanh tin tức bằng tiếng Hy Lạp.
Một cảm giác tê liệt mệt mỏi lạ lùng choán hết đầu tôi. Tôi không thể tách biệt được ranh giới giữa cái thực và cái chỉ hình như là thực. Tôi đang ở đây trên một hòn đảo nhỏ Hy Lạp, ăn sáng cùng một phụ nữ xinh đẹp lớn tuổi hơn mà tôi chỉ mới gặp ngày hôm trước. Người phụ nữ này yêu Sumire, nhưng không thể có bất kỳ ham muốn tình dục nào với cô. Sumire yêu người phụ nữ này và ham muốn chị ta. Tôi yêu Sumire và có ham muốn tình dục với cô. Sumire thích tôi, nhưng không yêu, và không có bất kỳ ham muốn gì với tôi. Tôi có ham muốn tình dục với một phụ nữ được giấu tên. Nhưng tôi không yêu cô ta. Thật rối rắm, hệt như trong một vở kịch hiện sinh. Mọi thứ kết thúc ở đó, không có sự lựa chọn nào khác. Và Sumire đã rời sân khấu.
Miu lại rót đầy cốc cà phê đã cạn của tôi. Tôi cám ơn chị.
“Anh thích Sumire phải không?” Miu hỏi tôi. “Ý tôi là như thích một phụ nữ.”
Tôi khẽ gật đầu trong khi phết bơ vào bánh mì nướng. Bơ lạnh và cứng nên phải một lúc mới phết đều lên bánh được. Tôi ngước lên nói thêm. “Tất nhiên đấy không phải là việc có thể chọn mà được. Nó tự đến thôi.”
Chúng tôi tiếp tục ăn sáng trong im lặng. Bản tin đã hết, chiếc radio chuyển sang chơi nhạc Hy Lạp. Gió thổi đung đưa giàn hoa giấy. Nếu nhìn kỹ có thể thấy những con sóng bạc đầu ngoài xa.
“Tôi đã suy tính lại và cho rằng mình nên đến Athens ngay,” Miu nói trong khi gọt hoa quả.
“Có lẽ ở đây rất khó liên lạc bằng điện thoại nên tốt hơn là tôi đi thẳng đến đại sứ quán nói chuyện trực diện với họ. Có thể người bên đại sứ quán sẽ sẵn lòng quay lại với tôi hoặc tôi có thể chờ bố mẹ Sumire đến Athens rồi quay lại với họ. Dù gì đi nữa tôi cũng muốn anh ở lại đây chừng nào có thể. Cảnh sát có thể liên lạc, và Sumire có thể trở về bất cứ lúc nào. Anh giúp tôi chứ?”
Tất nhiên, tôi đáp.
“Tôi sẽ lại đến đồn cảnh sát xem việc điều tra thế nào, sau đó thuê thuyền tới Rhodes. Chuyến khứ hồi từ Athens sẽ cần thời gian, vì vậy tôi sẽ nghỉ lại khách sạn vài ngày.”
Tôi gật đầu.
Miu đã gọt xong quả cam và lấy khăn ăn lau cẩn thận. “Anh đã bao giờ gặp bố mẹ Sumire chưa?”
Chưa bao giờ, tôi nói.
Miu thở dài như ngọn gió nơi rìa thế giới. “Tôi không biết phải giải thích chuyện này với họ sao đây.”
Tôi có thể hiểu sự bối rối của chị. Làm sao bạn có thể giải thích một chuyện không thể giải thích được chứ?
Miu và tôi xuống bến cảng. Chị xách một cái túi nhỏ đựng quần áo để thay đổi, đi giày da cao gót và khoác chiếc túi hiệu Mila Schon. Chúng tôi ghé vào đồn cảnh sát. Tôi nói mình là bà con của Miu tình cờ đi du lịch gần đây. Họ vẫn chưa tìm ra manh mối nào. “Nhưng ổn cả thôi,” họ vui vẻ nói. “Đừng lo gì cả. Nhìn quanh các vị mà xem. Đây là một hòn đảo thanh bình. Tất nhiên chỗ chúng tôi cũng có vài vụ phạm tội – tình nhân cãi cọ, say rượu, đụng độ chính trị. Xét cho cùng thì chúng ta đang đề cập đến con người mà, và ở đâu thì cũng thế thôi. Nhưng chúng chỉ là những vụ ẩu đả giữa người địa phương. Mười lăm năm gần đây trên đảo này chưa có người ngoại quốc nào là nạn nhân của tội ác.”
Có lẽ đúng như vậy. Nhưng khi yêu cầu giải thích sự biến mất của Sumire thì họ không nói gì.
“Bên bờ Bắc của đảo có một động đá vôi lớn,” viên cảnh sát đánh bạo nói. “Nếu lang thang ở đấy thì có lẽ cô ấy không tìm được đường ra. Cái động đó bên trong như mê cung vậy. Nhưng nó ở rất xa. Một cô gái như thế không thể đi bộ xa đến thế được.”
Có thể cô ấy bị chết đuối? Tôi hỏi.
Đám cảnh sát lắc đầu. Quanh đây không có dòng chảy xiết, họ nói. Thời tiết tuần qua ôn hòa, biển lặng. Nhiều ngư dân ra khơi đánh cá hàng ngày, và nếu cô gái bị chết đuối thì trong số họ đã có thuyền đi ngang qua xác cô ấy.
“Còn giếng thì sao?” tôi hỏi. “Chẳng lẽ cô ấy không thể ngã xuống một cái giếng sâu đâu đó trên đường đi dạo sao?”
Viên cảnh sát trưởng lắc đầu. “Trên đảo này không có cái giếng nào cả. Chúng tôi có nhiều con suối tự nhiên nên không cần đào giếng. Vả lại đây toàn đá cứng nên đào giếng phải tốn rất nhiều công sức.”
Sau khi rời đồn cảnh sát, tôi bảo Miu tôi muốn đến bãi biển chị và Sumire thường đến, nếu có thể thì trong sáng nay. Chị mua một tấm bản đồ đảo loại thường ở quầy báo và chỉ đường cho tôi; mỗi chiều đi về mất bốn mươi lăm phút, chị báo trước, nên cần phải mang giày cứng.
Chị ra cảng và bằng thứ tiếng nửa Pháp nửa Anh đã nhanh chóng thương lượng được với một chiếc thuyền máy chở chị đến Rhodes.
“Cầu cho mọi chuyện kết thúc tốt đẹp,” chị nói với tôi khi chia tay. Nhưng mắt chị nói khác. Chị biết mọi việc không hề đơn giản. Tôi cũng biết thế. Máy đã nổ, chị bỏ mũ xuống cầm ở tay trái, tay phải vẫy chào tôi. Khi chiếc thuyền đã mất hút ngoài xa, tôi cảm giác như bên trong mình vừa mất mát cái gì đó. Tôi lang thang quanh cảng một lúc rồi ghé vào cửa hàng lưu niệm mua cặp kính râm sẫm màu. Rồi tôi leo lên các bậc thang dốc về nhà nghỉ.
Mặt trời càng lên cao, không khí càng trở nên nóng nực. Tôi khoác chiếc áo cotton ngắn tay, đeo kính râm và đi giày, rồi trèo qua con đường đồi dốc ra bãi biển. Chẳng mấy chốc tôi đã thấy hối hận vì không mang theo mũ nhưng vẫn tiếp tục đi. Vừa leo dốc một lúc tôi đã thấy khát. Tôi dừng lại uống nước và lấy kem chống nắng Miu đưa cho xoa lên mặt và cánh tay. Con đường trắng xóa bụi, hễ có gió là lại tung lên mù mịt. Thỉnh thoảng tôi đi ngang qua những người dân đảo đang chăn lừa. Họ cất cao giọng chào tôi “Kali mera!” và tôi cũng đáp lại họ như vậy. Tôi đoán đó là điều nên làm.
Sườn đồi phủ đầy cây thấp, quăn queo. Cừu và dê núi chạy nhảy trên những tảng đá lởm chởm, mặt cau có. Những chiếc chuông đeo ở cổ chúng khẽ phát ra tiếng leng keng. Người chăn hoặc là trẻ con hoặc là người già. Khi tôi đi ngang qua họ liếc mắt nhìn và ngập ngừng giơ tay lên ra ý gì đó. Tôi cũng giơ tay lên đáp lại. Sumire không thể tự mình đi theo đường này được. Chẳng có chỗ nào mà trốn, vả lại sẽ có người nhìn thấy cô.
Bãi biển vắng ngắt. Tôi cởi quần áo, khỏa thân xuống biển. Nước biển trong vắt, dễ chịu. Lúc nào bạn cũng có thể nhìn thấy sỏi dưới đáy. Một chiếc du thuyền bỏ neo ở cửa lạch, buồm xếp lại, cột buồm cao lắc lư như cái máy đếm nhịp nhạc khổng lồ. Không thấy bóng ai trên boong. Mỗi khi thủy triều xuống, vô số những viên sỏi nhỏ trơ ra, va vào nhau lạo xạo. Bơi một lúc tôi lên bờ, trải khăn tắm nằm phơi trần ngửa mặt nhìn trời trong xanh trên cao. Những con chim biển bay lượn quanh vịnh tìm cá. Bầu trời không một gợn mây. Tôi nằm lơ mơ ở đó có lẽ khoảng nửa tiếng, suốt thời gian đó không thấy ai đi ra bãi biển. Chẳng mấy chốc tôi đã bị bủa vây trong sự im lặng kỳ lạ. Bãi biển này lặng lẽ đến mức người ta chẳng thể ra đây một mình, nó lại quá đẹp nữa. Nó khiến tôi tưởng tượng ra một cách chết. Tôi mặc quần áo và lại theo đường đồi trở về nhà nghỉ. Trời còn nóng hơn trước. Vừa bước đi một cách máy móc tôi vừa cố hình dung Miu và Sumire nói chuyện gì với nhau khi cả hai đi trên con đường này.
Sumire chắc hẳn trầm tư suy nghĩ về ham muốn tình dục của mình. Y như tôi suy nghĩ về ham muốn của tôi mỗi khi ở bên cô. Tôi dễ dàng biết được cô cảm thấy như thế nào. Sumire sẽ hình dung cảnh Miu trần truồng bên cạnh mình và cô không muốn gì hơn là ôm chị thật chặt. Một sự trông chờ, trộn lẫn nhiều cảm xúc khác – sự phấn khích, cam chịu, do dự, bối rối, sợ hãi – dâng trào rồi dần suy sụp. Bạn lạc quan được một lát rồi sụp xuống vì biết chắc tất cả sẽ tan ra từng mảnh. Và rốt cuộc nó đã xảy ra như thế.
Tôi leo lên đỉnh đồi, nghỉ ngơi uống nước rồi đi xuống. Khi mái nhà nghỉ vừa hiện ra trong tầm mắt, tôi nhớ Miu có nói là sau ngày hai chị em ra đảo Sumire cứ ngồi ở phòng say sưa viết cái gì đấy. Cô ấy viết gì? Miu không nói gì thêm mà tôi cũng không thúc giục. Có lẽ – chỉ có lẽ thôi – trong những gì Sumire viết có manh mối nào đó. Tôi giận mình đã không đoán ra điều này từ trước.
Khi về tới nhà nghỉ tôi vào phòng Sumire, bật máy tính của cô lên và mở ổ cứng. Chẳng thứ gì có vẻ hứa hẹn cả. Có một danh sách chi tiêu cho chuyến đi châu Âu của họ, các địa chỉ, lịch làm việc. Mọi vấn đề liên quan đến công việc của Miu. Không có hồ sơ cá nhân. Tôi mở bảng chọn NHỮNG VĂN BẢN GẦN ĐẤY – không có gì. Có lẽ cô không muốn ai đọc nên đã xóa hết. Có nghĩa là lưu các hồ sơ cá nhân của mình trong một chiếc đĩa mềm nằm ở đâu đó. Có vẻ như cô không mang đĩa theo mà biến mất; vì một lý do, bộ quần áo ngủ của cô mặc không có túi.
Tôi lục các ngăn kéo bàn. Có mấy cái đĩa nhưng chúng chỉ sao lại những thứ trong ổ cứng hoặc các hồ sơ khác liên quan đến công việc. Chẳng thứ gì có vẻ hứa hẹn. Tôi ngồi xuống cạnh bàn suy nghĩ. Nếu mình là Sumire thì mình sẽ để cái đĩa đó ở đâu. Phòng thì nhỏ, chẳng có nhiều chỗ để cất giấu vật gì. Sumire vốn rất cầu kỳ trong việc quyết định xem ai là người có thể đọc được những gì cô viết.
Tất nhiên, cái vali đỏ. Đó là thứ duy nhất trong phòng có thể bị khóa.
Cái vali mới của cô dường như chẳng có gì bên trong vì nhẹ bỗng; tôi lắc nó, nhưng chẳng có âm thanh gì. Tuy nhiên ổ khóa bốn số của nó đã khóa. Tôi thử vài tập hợp số mà tôi biết Sumire ưa dùng – sinh nhật, địa chỉ, điện thoại, mã bưu điện – nhưng đều không được. Không có gì lạ, vì một số người khác có thể dễ dàng đoán được thì sẽ chẳng mấy khi được lấy làm mã khóa. Nó phải là số nào đó cô có thể nhớ được, nhưng không liên quan gì đến cá nhân. Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu và rồi bừng tỉnh. Tôi thử mã số vùng Kunitachi – nói cách khác, mã vùng của tôi. 0-4-2-5.
Ổ khóa lách cách mở ra.
Một chiếc túi vải nhỏ màu đen được nhét ở túi trong vali. Tôi kéo khóa và thấy bên trong có một cuốn nhật ký màu xanh lá cây và một chiếc đĩa mềm. Tôi mở cuốn nhật ký trước. Nó được viết bằng nét chữ quen thuộc của cô. Chẳng có gì khiến tôi chú ý. Chỉ là thông tin về những nơi họ đến. Những người họ gặp. Tên các khách sạn. Giá xăng. Các thực đơn ăn tối. Các nhãn rượu và mùi vị của chúng. Về cơ bản chỉ là một bản danh sách. Nhiều trang bỏ trống. Có vẻ như ghi nhật ký không phải một trong những điểm mạnh của Sumire.
Chiếc đĩa không có tên. Trên nhãn của nó chỉ có đề ngày tháng bằng nét chữ rõ ràng của Sumire. Tháng Tám 19**. Tôi cho đĩa vào máy tính và mở ra. Menu cho thấy có hai tài liệu, không cái nào có đầu đề. Chúng chỉ là Tài liệu 1 và Tài liệu 2.
Trước khi mở chúng ra, tôi chậm rãi ngó quanh phòng. Áo khoác của Sumire treo trong tủ. Tôi thấy chiếc kính râm, quyển từ điển tiếng Ý và hộ chiếu của cô. Trên bàn làm việc có chiếc bút bi và bút chì bấm. Ngoài khung cửa sổ phía trên bàn viết có thể nhìn thấy con dốc thoai thoải, lởm chởm đá. Một con mèo đen đang thả bước trên tường nhà hàng xóm. Căn phòng nhỏ trống trơn này chìm trong bầu khôbg khí tĩnh mịch buổi chiều muộn. Tôi nhắm mắt lại và vẫn có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ vào bãi biển hoang vắng sáng nay. Tôi mở mắt, và lần này chăm chú lắng nghe cuộc đời thực. Tôi không thể nghe thấy gì.
Tôi cho con trỏ vào Tài liệu 1 và nháy đúp biểu tượng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.