Người Tình Sputnik

Chương 11



TÀI LIỆU 1
Bạn đã bao giờ thấy ai đó bị bắn mà không chảy máu?
Số phận đã đẩy tôi đến một quyết định – một quyết định không (một câu hỏi lý thú, nhưng tôi dành nó cho lúc khác) – và tôi đang ở đây trên một hòn đảo Hy Lạp. Một hòn đảo nhỏ mà mãi đến gần đây tôi mới nghe nhắc đến tên. Thời gian là…hơn bốn giờ sáng một chút. Cố nhiên bên ngoài vẫn còn tối đen. Những con dê vô hại đang say trong giấc ngủ bầy đàn êm đềm của chúng. Hàng cây ôliu ngoài đồng đang hấp thụ chất dinh dưỡng do màn đêm cung cấp. Và vầng trăng, như một vị linh mục u sầu nào đó, đang nghỉ ngơi phía trên mái nhà, duỗi hai tay tới mặt biển buồn bã.
Dù ở bất cứ nơi đâu, đây là khoảng thời gian trong ngày tôi thích nhất. Khoảng thời gian chỉ của riêng tôi. Trời sắp sáng, và tôi ngồi đây viết. Giống như Đức Phật được sinh ra từ sườn mẹ (sườn phải hay sườn trái tôi không nhớ nữa), vầng mặt trời ban mai sẽ nhô lên và hiện ra trên mép đồi. Và người phụ nữ kín đáo tên Miu sẽ lặng lẽ thức dậy. Khoảng sáu giờ chúng tôi sẽ cùng ăn bữa điểm tâm đơn giản rồi đi qua đồi đến bãi biển yêu thích. Trước khi vòng quay đều đặn đó bắt đầu, tôi muốn xắn tay áo lên làm cho xong một vài việc.
Trừ mấy bức thư ra thì khá lâu rồi tôi không viết cái gì cho riêng mình, và tôi rất không tin mình có thể diễn đạt ý kiến theo cách mình thích. Chưa khi nào tôi có niềm tin ấy. Tuy nhiên, không biết vì sao, tôi luôn cảm thấy buộc phải viết.
Tại sao? Thật sự đơn giản thôi. Đối với tôi để nghĩ về điều gì đấy thì trước hết tôi phải viết nó ra.
Cách này tôi có từ hồi nhỏ. Cứ mỗi khi không hiểu điều gì tôi lại gom các từ ngữ vung vãi dưới chân minh và xếp nó lại thành câu. Nếu không có tác dụng, tôi lại tung chúng ra rồi xếp lại theo trật tự khác. Lặp đi lặp lại vài lần, và tôi đã có thể suy nghĩ được như hầu hết mọi người. Viết đối với tôi không bao giờ khó cả. Những đứa trẻ khác thì gom nhặt những hòn sỏi hay những quả đấu đẹp, còn tôi thì viết. Tôi nguệch ngoạc hết câu này đến câu khác tự nhiên như hít thở vậy. Và tôi sẽ suy nghĩ.
Hiển nhiên bạn sẽ nghĩ đấy là một quá trình tiêu tốn nhiều thời gian để đi tới một kết luận, khi bạn thấy hễ cứ nghĩ về điều gì là tôi phải trải qua tất cả các bước như vậy. Hoặc cũng có thể bạn không nghĩ thế. Nhưng trong thực tiễn việc đó cần phải có thời gian. Tới mức khi vào tiểu học mọi người đã nghĩ tôi là đứa đần độn. Tôi không thể theo kịp những đứa trẻ khác.
Khi học hết tiểu học cảm giác bị xa lánh mà nó gây ra cho tôi đã giảm đáng kể. Khi đó tôi đã học được cách bắt kịp với thế giới xung quanh. Thế nhưng cho đến trước khi tôi bỏ trường đại học và cắt đứt mọi quan hệ với chế độ quan liêu hành chính, khoảng trống này vẫn hiện diện trong tôi – như một con rắn câm lặng trong bãi cỏ.
Đề tài tạm thời của tôi ở đây: dựa trên những câu chuyện hàng ngày, tôi dùng ngòi bút để xác định tôi là ai.

o O o

Đúng không?
Đúng thế!
Cho đến nay tôi đã viết một khối lượng không thể tin nổi. Hầu như hàng ngày. Tôi như kẻ đứng giữa bãi cỏ rộng lớn, một mình cắt cỏ nhưng vừa cắt xong cỏ đã lại mọc lên ngay.
Nay cắt chỗ này, mai cắt chỗ kia… Khi đã cắt hết một vòng cả bãi cỏ quay lại chỗ đầu tiên thì cỏ đã lại tốt tươi như lúc ban đầu.
Nhưng từ khi gặp Miu họa hoằn lắm tôi mới viết. Vì sao vậy? Lý thuyết Hư cấu = Truyền đạt[1] mà K. kể cho tôi là có lý. Nó đúng ở cấp độ nào đó. Nhưng không giải thích được mọi thứ. Đến đây tôi phải đơn giản hóa suy nghĩ của mình.
Đơn giản hóa, đơn giản hóa.
Việc xảy ra sau khi tôi gặp Miu là tôi ngừng suy nghĩ. (Tất nhiên tôi dùng định nghĩa riêng của mình về suy nghĩ). Miu và tôi luôn ở bên nhau, hai cái thìa ngoắc vào nhau, và tôi bị cuốn theo chị đến đâu đó – một nơi nào đó tôi không thể đoán biết được – và tôi nghĩ, được thôi, cứ trôi theo dòng đi.
Nói cách khác, tôi phải vứt bỏ nhiều hành trang để đến gần chị hơn. Ngay cả hành động suy nghĩ cũng trở thành gánh nặng. Tôi nghĩ mình hiểu tại sao lại xảy ra chuyện đó. Cỏ có mọc cao thế nào tôi cũng không thể lo lắng. Tôi duỗi người nằm ngửa, dán mắt lên trời, ngắm những đụn mây trôi. Phó mặc số phận mình cho mây trời. Thả mình theo mùi cỏ hăng hăng, theo tiếng gió thì thầm. Và một lúc sau thì tôi đã chẳng thèm quan tâm đến sự khác biệt giữa cái tôi biết và cái tôi không biết.
Không, điều đó không đúng. Ngay từ đầu tôi đã chẳng thèm quan tâm. Tôi phải nói rõ ràng hơn suy nghĩ của mình ở đây.
Rõ ràng, rõ ràng.

o O o

Bây giờ tôi hiểu rằng nguyên tắc cơ bản mà tôi tự đặt ra cho mình trong việc viết lách luôn là viết về mọi việc như thể tôi không biết chúng – và điều này đúng cho cả những điều tôi biết hoặc tôi nghĩ là biết. Nếu tôi nói ngay từ đầu Ôi, mình biết mà, chẳng cần phải tiêu tốn thì giờ quý giá của mình để viết về nó thì chuyện viết lách của tôi sẽ chẳng bao giờ có được một khởi đầu tốt đẹp. Chẳng hạn, nếu tôi nghĩ về ai đó, Mình biết cậu chàng ấy, khỏi phải tốn thời gian nghĩ về cậu ta, mình đã hạ gục cậu ta rồi, thì tôi có nguy cơ bị đánh lừa (và điều này cũng áp dụng cả cho bạn nữa). Trong mọi chuyện chúng ta nghĩ là đã hiểu toàn bộ vẫn luôn ẩn giấu chừng ấy những điều chúng ta chưa hiểu.
Sự hiểu biết chẳng là gì ngoài tổng số những sự hiểu nhầm của chúng ta.
Nói nhỏ với nhau, đấy chính là cách tôi hiểu thế giới. Tóm tắt là thế.
Trong thế giới chúng ta sống, cái ta biết và cái ta không biết giống như cặp song sinh dính liền, không thể chia tách, tồn tại ở trạng thái lẫn lộn.
Lẫn lộn, lẫn lộn.
Ai có thể thực sự phân biệt được biển cả và cái phản chiếu trong nó? Hay nói lên sự khác biệt giữa cơn mưa và sự cô đơn?
Vậy là, tôi nghiễm nhiên không còn quan tâm đến sự khác biệt giữa biết và không biết nữa. Nó trở thành xuất phát điểm của tôi. Một điểm xuất phát kinh khủng, có lẽ – nhưng ai mà chẳng phải cần đến một tấm nhún tạm thời, đúng không? Tất cả những cái đó giải thích cách tôi bắt đầu nhìn các cặp nhị nguyên như đề tài và phong cách, khách thể và chủ thể, nguyên nhân và hậu quả, các khớp tay và phần cơ thể còn lại của tôi không phải như những cặp đen – trắng, mà như một tổng thể không thể phân biệt cái này với cái kia. Tất cả đã đổ tràn xuống sàn bếp – muối, hạt tiêu, bột mì, tinh bột. Tất cả trộn lẫn vào nhau thành một viên tròn.

o O o

Các khớp tay tôi và phần cơ thể còn lại của tôi…Khi ngồi đây trước máy vi tính, tôi nhận thấy mình đang quay lại với thói quen xấu ngày trước là bẻ đốt ngón tay. Thói quen xấu này mới trở lại sau khi tôi bỏ thuốc lá. Đầu tiên tôi bẻ năm đốt ngón tay phải – rắc, rắc – sau đó bẻ sang các đốt ngón tay trái. Tôi không khoác lác, nhưng tôi bẻ đốt ngón tay kêu to đến nỗi bạn mà nghe thấy thì tưởng ai đó bị gãy cổ. Tôi là vô địch bẻ đốt ngón tay ở trường tiểu học. Làm bọn con trai xấu hổ.
Khi tôi vào đại học, K. cho tôi biết một cách dứt khoát rằng đây là một kỹ năng mà thật sự tôi không nên lấy làm tự hào. Khi một cô gái đến một độ tuổi nhất định thì không thể bạ đâu cũng bẻ đốt ngón tay. Nhất là trước mặt người khác. Nếu không bạn sẽ có kểt cục giống như nhân vật Lotte Lenya trong phim From Russia with Love. Sao trước đó chẳng ai nói với tôi như vậy nhỉ? Tôi cố dứt bỏ thói quen đó. Tôi muốn nói, tôi thật sự thích Lotte Lenya nhưng chưa đến mức muốn thành cô ấy. Tuy nhiên khi đã bỏ thuốc thì tôi lại nhận thấy hễ ngồi vào viết là bất giác tôi lại bẻ đốt ngón tay. Rắc, rắc, rắc.
Tên tôi là Bond. James Bond.
Để tôi quay lại vấn đề mình đang nói. Thời gian hạn hẹp – không có chỗ để mà vòng vo. Quên Lotte Lenya đi. Xin lỗi, các ẩn dụ – cần phải tách ra. Như tôi đã nói ở trên, bên trong chúng ta cái ta biết và cái ta không biết cùng chung nhau một chỗ ở. Để cho tiện hầu hết mọi người dựng lên một bức tường giữa chúng. Nó khiến cuộc sống dễ dàng hơn. Nhưng tôi thì xóa đi bức tường đó. Tôi phải làm. Tôi căm ghét các bức tường. Tôi là kiểu người vậy đấy.
Dừng lại ở hình ảnh cặp song sinh dính liền, không phải lúc nào chúng cũng hòa hợp với nhau. Không phải lúc nào họ cũng cố hiểu nhau. Trái lại thì đúng hơn. Tay phải không cố biết tay trái đang làm gì – và ngược lại. Sự hỗn độn ngự trị và kết cục chúng ta lạc lối – chúng ta đâm sầm vào cái gì đó. Ầm!
Điều tôi muốn nói ở đây là mọi người cần phải có một chiến lược khôn ngoan nếu họ muốn cái họ biết và cái họ không biết chung sống hòa bình với nhau. Chiến lược đó – vâng, bạn biết rồi đấy! – là suy nghĩ. Chúng ta phải tìm được một cái neo an toàn. Nếu không chắc chắn chúng ta sẽ đi theo một quá trình dẫn tới va chạm đáng sợ.
Một câu hỏi.
Vậy mọi người phải làm gì nếu họ muốn tránh sự va chạm (ầm!) nhưng vẫn nằm trên đồng ngắm mây bay, nghe cỏ mọc – nói cách khác là không suy nghĩ? Nghe có vẻ khó? Hoàn toàn không. Xét một cách logic, việc này dễ thôi. C’est simple(1). Câu trả lời là những giấc mơ. Cứ mơ mãi. Bước vào thế giới của những giấc mơ và không bao giờ quay ra. Sống trong mơ suốt quãng thời gian còn lại.
Trong mơ bạn không cần phải phân biệt vạn vật với nhau. Hoàn toàn không. Biên giới không tồn tại. Vì thế trong mơ hiếm khi có va chạm. Mà nếu có thì cũng không gây tổn thương. Thực tại thì khác. Thực tại làm đau đớn.
Thực tại, thực tại.
Quay trở lại thời điểm chiếu ra mắt bộ phim The Wild Bunch của đạo diễn Sam Peckinpah, tại cuộc họp báo một nữ phóng viên đã giơ tay đặt câu hỏi: “Sao trong phim các ngài lại cho thấy máu đỏ khắp nơi nhiều đến thế?” Cô hỏi một cách khá gay gắt. Một diễn viên trong đoàn, Ernest Borgnine, có vẻ hơi bối rối và trả lời: “Thưa cô, cô có bao giờ thấy người nào bị súng bắn mà không chảy máu chưa?” Bộ phim này được công chiếu vào thời điểm căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tôi thích câu trả lời đó. Đó là một trong những nguyên tắc của thực tại. Chấp nhận những điều đó có thể hiểu được, và để mặc chúng như vậy. Và máu đổ. Súng nổ và máu đổ.
Bạn đã bao giờ thấy ai đó bị bắn
mà không chảy máu?
Điều này giải thích quan điểm của tôi với tư cách một nhà văn. Tôi suy nghĩ – theo một cách rất bình thường – và đi đến chỗ, trong một vương quốc tôi không thể gọi tên, tôi hình thành nên một giấc mơ, một bào thai vô hình được gọi là sự hiểu biết, đang trôi nổi trong thứ nước ối không hiểu đầy tràn của tất cả mọi người. Chắc hẳn chính vì vậy mà các tiểu thuyết của tôi thường dài một cách phi lý và, cho đến tận bây giờ, ít nhất, vẫn chưa bao giờ có được một kết cục rõ ràng. Những kỹ năng cần có thuộc về tinh thần và chuyên môn để giữ được đường đi nước bước của truyện đều nằm ngoài tầm với của tôi.
Tất nhiên ở đây tôi không viết tiểu thuyết. Tôi không biết gọi nó là gì. Chỉ viết vậy thôi. Tôi hay độc thoại nên không cần thiết phải gói ghém gọn gàng mọi thứ. Tôi không có những nghĩa vụ của lương tâm. Tôi chỉ – hừm – suy nghĩ. Lâu lắm rồi tôi không có bất cứ một suy nghĩ thật sự nào, và có lẽ sắp tới cũng không. Nhưng bây giờ, ngay lúc này, tôi đang nghĩ. Và đó chính là việc tôi sẽ làm cho đến khi trời sáng. Suy nghĩ.
Tuy nhiên cần phải nói rằng tôi vẫn không sao tránh được những mối ngờ vực u ám lâu nay vẫn bám theo mình. Có phải tôi đang tốn thời gian và năng lượng theo đuổi một việc vô ích không? Đang xách xô nước đến nơi đã sắp tràn? Tôi có nên từ bỏ mọi nỗ lực vô ích và để mặc mình trôi đến đâu thì đến?
Va chạm? Nó là gì vậy?

o O o

Để tôi diễn đạt theo cách khác.
Được rồi – Tôi định dùng cách nào khác đây?
Ồ, tôi nhớ ra rồi – nó là thế này.
Nếu tôi chỉ định viết lan man, có lẽ tôi nên chui vào chăn ấm, nghĩ về Miu và vuốt ve mình. Đó là điều tôi muốn nói.
Tôi thích những đường cong phía sau của Miu. Sự tương phản mạnh mẽ giữa chòm lông mu đen tuyền và mái tóc bạc trắng của chị, cặp mông tròn trịa bó mình trong chiếc quần lót đen của chị, chòm lông mu hình chữ T của chị, mọi thứ đều đen.
Tôi phải thôi nghĩ về chuyện này. Phải thoát ra khỏi những tưởng tượng miên man về tình dục (nhắp chuột) để tập trung vào viết. Không thể để những giờ khắc quý giá trước rạng đông này trôi mất. Tôi sẽ để ai đó khác, ở một nơi nào đó khác, quyết định cái gì có ích, cái gì không. Ngay lúc này đây, tôi chẳng có chút hứng thú nào với những gì họ nói.
Đúng không?
Đúng thế!
Vậy thì – tiếp tục tiến lên.
Người ta bảo đưa giấc mơ (nói cách khác là giấc mơ thực sự) vào truyện là điều mạo hiểm. Chỉ rất ít nhà văn – và tôi đang nói đến những người tài năng nhất – có khả năng tái tạo được kiểu kết hợp phi lý thấy trong mơ. Nghe có lý. Nhưng tôi vẫn muốn kể lại một giấc mơ gần đây của tôi. Tôi muốn ghi lại giấc mơ này một cách đơn giản như sự kiện liên quan đến tôi và cuộc đời tôi. Nó có văn vẻ hay không, tôi không quan tâm. Tôi chỉ là người thủ kho thôi.
Tôi đã nhiều lần mơ cùng một kiểu giấc mơ. Chi tiết khác nhau, kể cả khung cảnh, nhưng chúng cùng theo một mô hình. Và nỗi đau của tôi cảm thấy khi thức dậy luôn giống nhau. Một chủ để duy nhất được lặp đi lặp lại, giống như đoàn tàu hỏa hết đêm này sang đêm khác đều kéo còi khi qua cùng một khúc cua không nhìn rõ được ấy.
Giấc mơ của Sumire (Đoạn này tôi viết ở ngôi thứ ba. Như thế có cảm giác chân thực hơn).
Sumire đang trèo lên một cầu thang dài hình xoắn ốc để gặp người mẹ vốn đã chết từ lâu. Mẹ cô đang đợi trên đầu cầu thang. Bà có điều muốn nói với Sumire, một thông tin cực kỳ quan trọng mà Sumire đang vô cùng cần để sống. Trước đây Sumire chưa từng gặp người chết nên cô thấy sợ. Cô không biết mẹ cô là người trông thế nào. Có thể – vì một lý do nào đó
Sumire không thể hình dung được – mẹ cô căm ghét cô. Nhưng cô phải gặp bà. Đây là cơ hội tốt nhất và duy nhất của cô.
Cầu thang dài vô tận. Trèo mãi, trèo mãi mà cô vẫn chưa lên được tới đầu cầu thang. Sumire leo lên cầu thang, đứt cả hơi. Cô phải chạy đua với thời gian. Không phải lúc nào mẹ cô cũng ở đây, trong tòa nhà này. Trán Sumire đẫm mồ hôi. Và cuối cùng cô cũng lên được tới nơi.
Đầu cầu thang rộng rãi, ngay đầu lối đi đối diện với cô có một bức tường đá dày. Ngang tầm mắt có một lỗ tròn giống như lỗ thông gió. Một lỗ nhỏ đường kính khoảng 50cm. Và mẹ Sumire như đang bị nắm chân kéo vào cái lỗ ấy. Sumire nhận ra thời gian của bà sắp cạn.

o O o

Trong khoảng không gian chật hẹp ấy, mẹ cô nằm ngửa, hướng mặt về phía cô. Bà nhìn mặt Sumire như muốn cầu khẩn điều gì. Thoạt nhìn Sumire biết ngay bà là mẹ cô. Bà là người đã trao cho mình da thịt, cuộc sống, cô biết thế. Nhưng chẳng hiểu sao người phụ nữ ở đây lại không phải người mẹ trong album ảnh gia đình. Mẹ thật của mình đẹp và trẻ. Vậy thì rốt cuộc cái người trong album đó không phải mẹ thật của mình, Sumire nghĩ. Bố đã lừa gạt mình.
“Mẹ!” Sumire can đảm thốt lên. Cô cảm thấy bức tường trong người mình đã tan chảy. Ngay khi cô thốt ra từ đó, mẹ cô bị kéo sâu hơn vào trong cái lỗ, dường như có một khoảng chân không rộng lớn nào đó bên kia đang hút bà vào. Miệng bà há ra, và bà hét lên gì đó với Sumire. Nhưng tiếng gió thoát ra từ cái lỗ đã thổi bạt lời bà. Ngay sau đó, mẹ cô bị lôi mạnh vào bóng tối của cái lỗ và biến mất.
Sumire ngoái lại thì chẳng thấy cầu thang đâu nữa. Cô bị bao vây giữa những bức tường đá. Chỗ cầu thang lúc nãy giờ là một cánh cửa gỗ. Cô vặn nắm đấm mở cửa, và phía xa kia là bầu trời. Cô đang ở trên đỉnh một tòa tháp cao. Cao đến mức nhìn xuống cô thấy chóng mặt. Rất nhiều vật thể nhỏ tí xíu, giống như máy bay, đang bay trên trời. Loại máy bay nhỏ đơn giản bằng tre nứa và những mảnh gỗ nhẹ mà ai cũng có thể làm được. Phía đuôi mỗi máy bay có một động cơ nhỏ cỡ nắm tay và cánh quạt. Sumire hét to với một phi công đang bay ngang qua hãy đến giải cứu cô. Nhưng chẳng người phi công nào chú ý.
Chắc tại mình ăn mặc thế này, Sumire nghĩ. Chẳng ai có thể nhìn thấy mình. Cô mặc chiếc áo choàng bệnh viện trắng nhạt nhòa. Cô cởi nó ra, và trần truồng – không mặc gì bên trong. Cô vứt chiếc áo xuống đất cạnh cánh cửa và lúc này, như một linh hồn được tháo cũi sổ lồng, nó bay lên theo gió và biến khỏi tầm nhìn. Cũng cơn gió ấy vuốt ve cơ thể cô, thổi lạo xạo lớp lông giữa hai chân cô. Cô chợt nhận ra tất cả những chiếc máy bay nhỏ kia đã biến thành chuồn chuồn. Bầu trời dày đặc chuồn chuồn đủ màu sắc, cặp mắt lồi to tướng sáng long lanh khi chúng nhìn chằm chằm xung quanh. Tiếng vỗ cánh của chúng mỗi lúc một to giống như chiếc radio được tăng âm lượng. Cuối cùng nó biến thành một tiếng gầm không chịu nổi. Sumire cúi xuống, nhắm mắt và bịt chặt hai tai.
Và cô thức giấc.
Sumire có thể nhớ lại từng chi tiết của giấc mơ này. Cô có thể vẽ một bức tranh về nó. Điều duy nhất cô không tài nào nhớ nổi là khuôn mặt mẹ cô khi bà bị hút vào cái lỗ đen ấy. Và tiếng kêu khẩn thiết của bà cũng vĩnh viễn biến mất trong khoảng trống bao la đó. Sumire nằm trên giường, cắn chặt chiếc gối và òa khóc.
Người thợ cạo không đào cái lỗ nào nữa
Sau giấc mơ này tôi đi đến một quyết định quan trọng. Mũi cuốc chim có phần chăm chỉ của tôi cuối cùng sẽ bắt đầu làm mẻ tảng đá rắn. Rắc. Tôi quyết định nói rõ cho Miu biết tôi muốn gì. Tôi không thể lơ lửng như thế này mãi được. Tôi không thể làm một người thợ cạo nhỏ bé yếu đuối đào một cái lỗ ở vườn sau, không tiết lộ cho ai biết sự thật tôi yêu Miu. Nếu cứ hành động theo cách này thì tôi sẽ biến mất, từ từ nhưng chắc chắn. Mọi bình minh và hoàng hôn sẽ cướp đoạt của tôi từng mảnh, từng mảnh bản thân tôi, và chẳng bao lâu nữa cuộc đời tôi sẽ bị bào mòn hoàn toàn – và kết cục tôi sẽ chẳng là gì.

o O o

Mọi việc rõ ràng như pha lê.
Pha lê, pha lê.
Tôi muốn được làm tình với Miu và được chị ấy ôm. Tôi đã từ bỏ nhiều thứ quan trọng đối với mình. Tôi không còn gì để có thể bỏ nữa. Vẫn chưa quá muộn. Tôi phải ở với Miu, đi vào chị ấy. Và chị ấy phải đi vào tôi. Như hai con rắn lấp lánh, đầy ham muốn.
Và nếu Miu không chấp nhận tôi thì sao?
Tôi sẽ đi qua cây cầu đó khi thời gian đến.
“Bạn đã bao giờ thấy ai đó bị bắn mà không chảy máu?”
Máu phải chảy. Tôi sẽ mài sắc dao để sẵn sàng cắt cổ một con chó ở nơi nào đó.
Đúng không?
Đúng thế!
Những điều tôi viết đây là thông điệp cho chính tôi. Tôi tung nó vào không trung giống như một chiếc boomerang. Nó cắt ngang bóng tối, làm giá lạnh linh hồn nhỏ bé của một con kangaroo khốn khổ nào đó rồi cuối cùng quay lại chỗ tôi. Nhưng cái boomerang quay về không phải cái boomerang tôi đã ném đi.
Boomerang, boomerang
Chú thích
[1] Đây là một trong những lý thuyết của tự sự học – bộ môn nghiên cứu các văn bản tự sự, bản chất, hình thức và hoạt động của tự sự, các đặc điểm chung tạo nên các kiểu tự sự, các tiêu chí để phân biệt chúng với nhau, cũng như hệ thống quy tắc theo đó chúng được tạo ra và phát triển. Tự sự là hình thức chủ yếu để hư cấu sống trong văn hóa. Nhờ tự sự con người đem lại cho kinh nghiệm một hình thức và ý nghĩa, sắp xếp nó, chia nó ra thành điểm đầu, điểm giữa, điểm cuối và đề tài trung tâm. Khả năng con người biết kể một câu truyện là cách thức chính để họ có thể sắp xếp và suy xét thế giới xung quanh. (Theo chú thích bản tiếng Nga).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.