Người yêu cũ có người yêu mới

13. Đồng tính – Trên nóc nhà là thiên đường



Đồng tính

Tôi có rất nhiều bạn bè là người đồng tính.

Đa phần họ đều rất giỏi, một phần là vì bản chất được sinh ra với sự nhạy cảm, rung động nhiều hơn những người khác nên việc gì họ làm cũng trôi chảy hơn, một phần vì họ muốn được tôn trọng, muốn được sống ngang hàng với những định kiến xã hội.

Đồng tính không phải là một căn bệnh.

Điều này tôi nghe sách báo giải thích nhiều rồi nhưng trong suy nghĩ một số người thì cái gì cứ khác đi bình thường thì là “bệnh” và trong vô vàn những lý luận thiếu bao dung thì đồng tính là “bệnh”.

Một căn bệnh lạ không cần kê toa, cũng chẳng thể chữa trị bằng thuốc. Căn bệnh được hình thành từ suy nghĩ hạn hẹp và trái tim ích kỷ của rất nhiều người.

Đồng tính không phải là một cái tội.

Nếu đó là một cái tội thì chắc tòa án sẽ đông nghẹt người và các luật sư sẽ chẳng biết đưa ra mức án nào với những con người đôi khi mắc tội lúc vừa lọt lòng mẹ.

Chẳng ai tuyên án tử hình một người đàn ông không thể yêu phụ nữ. Hay xử chung thân một người phụ nữ vô cảm với đàn ông.

Đồng tính không phải điều bất hạnh.

Ít nhất với một số người tìm ra chính mình giữa bề bộn những ngược xuôi đã là một điều hạnh phúc rồi.

Chẳng ai muốn đi trái với tự nhiên.

Chẳng ai muốn sống cuộc đời khác biệt.

Chỉ là nấc xúc cảm rung động cùng tần số với những người cùng giới, thế thôi.

Quy đổi ra tình yêu, hóa ra nhân loại vẫn vô tội. Cái sinh tử mong manh, ai cũng sẽ trải qua hết một kiếp người. Có người loay hay hơn nửa đời người vẫn không biết mình là ai, có người nhắm mắt xuôi tay vẫn mang một nỗi đau không thể nói.

Vũ trụ bao la và thượng đế yêu quý tất cả nhân loại như con ngài.

Người đồng tính đa phần không thích bị thương hại và không cần lòng thương hại, tự họ vẫn sẽ sống và vươn lên cùng với số phận của họ, với rất nhiều định kiến trong xã hội của họ.

Thế nên, nếu không thể đồng cảm xin hãy… im đi! – đó đã là một việc làm rất tốt rồi hỡi những con người tưởng mình lành lặn như lại thiếu mất trái tim.

Trên nóc nhà là thiên đường

Tôi ra đời khi gia đình chưa khá giả, nghe mẹ kể rằng ba tôi có một thói quen là rất hay vứt những đồng xu lên nóc tủ, vì thế khi nhà hết tiền ba lại trèo lên nóc tủ gom những đồng xu lại và mua sữa cho tôi.

Ngày bé tôi lại còn rất khó ăn, bữa nào mẹ cũng trầy trật đủ các loại cháo, sữa. Ba thì hết ca hát lại lấy đồ trùm tivi múa lân cho tôi xem.

Chắc vì thế mà tôi lớn nhanh trong tình thương yêu vô bờ bến của ba mẹ tôi.

Trước cửa phòng ba mẹ là một cái giếng trời, mà theo trí nhớ tôi ngày đó thì không bao giờ tôi nhìn thấy nóc cả. Cái giếng trời đối với tôi là một điều gì đó rất kì bí, nơi mà ba tôi có thể bịa ra hàng trăm câu chuyện cổ tích về những đứa bé ngoan sẽ được đến thiên đường dạo chơi.

Ba nói: “Thiên đường là một nơi rất xa mà không phải ai cũng tới được, chỉ những người nào sống thật tốt mới có cơ hội lên thiên đường.”

Tôi hỏi: “Xa là ở đâu vậy ba?”

Ba: “Trên nóc nhà mình.”

Tôi: “Wow, thật xa ba nhỉ…”

Rồi tôi lớn lên, cao dần, theo năm tháng tôi lại nhìn thấy xa hơn cái giếng trời, rồi tôi có thể nhìn thấy nóc nhà mình. Tôi đã bật ra thành tiếng: “Thiên đường, nó nằm ngay trên kia.”

Cho đến ngày khi tôi biết trên nóc nhà chỉ là một bầu trời xanh cao bát ngát, còn thiên đường là nơi chưa hẳn tồn tại thì tôi đã lớn lên rất mạnh mẽ và ngoan ngoãn với suy nghĩ “trên nóc nhà là thiên đường”.

Hãy sống như một đứa trẻ nhỏ. Chúng chỉ cần một niềm tin bé xíu đã có thể sống mãnh liệt vì điều chúng tin, không hoài nghi, không nôn nóng và cho dù đôi khi điều chúng thấy không như tưởng tượng thì chúng cũng sẽ không buồn lâu vì thực ra điều chúng muốn thấy đã luôn nằm trong tim chúng mỗi ngày một cách rõ ràng và tinh khiết.

Có phải ai cũng đã từng có một giấc mơ rất ngô nghê ngày thơ bé mà dù sau này lớn lên khi biết sự thật về nó chúng ta cũng vẫn rất yêu thương nó, đơn giản vì nó đã sống cùng chúng ta qua suốt những ngày tháng êm đềm nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.