Nhảy, nhảy, nhảy

Chương 17



Tôi dựa người vào bồn rửa trong bếp mà nốc whiskey. Tôi nên làm gì bây giờ? Làm thế nào mà Yuki biết về Người Cừu? Có nên gọi lại cho con bé không? Nhưng tôi đã thực sự kiệt sức. Hôm nay là một ngày dài. Có lẽ tôi nên đợi nó gọi lại. Mà tôi biết số điện thoại của nó không nhỉ?

Tôi leo lên giường và nhìn chằm chằm chiếc điện thoại. Tôi có cảm giác rằng Yuki sẽ gọi. Nếu không phải Yuki thì sẽ là ai đó. Những lúc như thế này, chiếc điện thoại biến thành quả bom hẹn giờ. Không ai biết được khi nào sẽ nổ. Nhưng tồn tại khả năng xảy ra điều đó. Và nếu coi chiếc điện thoại như một đồ vật, thì hình dạng của nó thật là kỳ quái. Thông thường ta chẳng bao giờ để ý nhưng nếu nhìn chăm chú một lúc, hình dạng quái đản của nó như gợi lên gì đó. Cái điện thoại trông cứ như đang cố để nói lên điều gì đó hay đang oán hận vì bị giam giữ trong cái hình dạng ấy. Ý niệm thuần túy bên trong một vỏ bọc nặng nề. Đó là cái điện thoại.

Giờ tới lượt công ty điện thoại. Tất cả các đường dây đều nối kết với nhau. Từ chính căn phòng này, chúng tỏa khắp nơi. Về nguyên tắc, chúng kết nối tôi với bất kỳ ai và tất cả mọi người. Tôi có thể gọi tới tận Anchorage nếu muốn. Hay là gọi cho khách sạn Cá Heo, hay gọi cho vợ cũ. Có vô số khả năng. Tất cả nối với nhau nhờ bộ chuyển mạch của công ty điện thoại, tất nhiên là sử dụng công nghệ máy tính hiện đại. Thông tin được mã hóa thành những dãy số, sau đó truyền qua đường dây điện thoại tới cáp ngầm dưới đất hay dưới biển hoặc vệ tinh liên lạc, cuối cùng tìm đến với chúng ta. Một hệ thống quản lý bằng máy tính khổng lồ.

Tuy nhiên, dẫu hệ thống có phát triển và chính xác đến mấy, nếu ta không có mong muốn giao tiếp thì sẽ chẳng có sự kết nối nào cả. Và thậm chí cứ cho là có mong muốn đi chăng nữa, thì cũng có những lúc ta không biết số điện thoại của đối phương như lúc này. Hoặc thậm chí là dẫu có biết số, ta cũng bị ấn nhầm số. Nhưng cứ cho là ta gạt bằng được những chướng ngại đó, cứ cho là tôi cố để liên lạc được với Yuki, con bé cũng có thể nói,” bây giờ cháu không muốn nói chuyện, tạm biệt.” Kịch! Kết thúc đối thoại, ngay cả khi nó còn chưa bắt đầu. Đây gọi là đối thoại một chiều.

Thực sự thì trông cái điện thoại có vẻ rất khó chịu.

Nó – hay cứ gọi nó là “nàng” – có vẻ như rất khó chịu vì thậm chí không thể là một ý niệm đơn thuần. Giận dữ với cái nền không chắc chắn và thiếu hoàn hảo làm cơ sở cho sự tương thông hữu ý. Thật không hoàn hảo, thật quá bốc đồng, quá sức thụ động.

Tôi dựa người vào gối và cáu kỉnh nhìn cái điện thoại. Một hành động hoàn toàn không mục đích. “Không phải lỗi của tôi,” cái điện thoại như đang nói chuyện với tôi. Ừm, đó là sự giao tiếp. Không hoàn hảo, bốc đồng, thụ động. Những lời ai oán của một thứ không phải là ý niệm đơn thuần. Nhưng cũng không thể trách tôi được. Có lẽ cái điện thoại nói điều này với tất cả các chàng trai. Hoặc chỉ là, việc là một phần của căn nhà này khiến cho nàng – hay nó – thấy càng khó chịu gấp bội. Điều đó làm tôi áy náy. Như thể là tôi góp phần và tiếp tay cho sự không hoàn hảo này vậy.

Hãy lấy người vợ trước của tôi làm ví dụ. Cô ta chỉ ngồi đó, không nói năng gì và đặt tôi ở đúng vị trí của mình. Tôi từng yêu cô ta. Và chúng tôi đã có những khoảng thời gian rất đẹp bên nhau. Cùng đi du lịch. Cùng làm tình hàng trăm lần. Cùng cười vui rất nhiều. Nhưng thỉnh thoảng, cô ta dùng biện pháp yên lặng. Thường là vào ban đêm, không quá đáng nhưng dai dẳng. Như thể đó là sự trừng phạt cho sự thiếu hoàn hảo, sự bốc đồng và thụ động của tôi.

Tôi biết điều gì đang gặm nhấm vợ tôi lúc ấy. Chúng tôi đã từng vui vẻ, nhưng thứ mà vợ tôi theo đuổi, hình ảnh trong đầu cô ta, là một nơi nào đó khác chứ không phải một nơi có tôi. Cô ta muốn một viễn cảnh mà ở đó giao tiếp tự do hoàn toàn ngự trị. Một cảnh tượng mà trong đó vị anh hùng – tên là “chia sẻ” – dẫn đám đông hỗn loạn đến một cuộc cách mạng huy hoàng không đổ máu với lá cờ trắng không tì vết tung bay. Để sự hoàn hảo nuốt chửng cái không hoàn hảo và khiến nó trở nên toàn vẹn. Với tôi, tình yêu là một ý niệm đơn thuần được khuôn vào trong xác thịt, có lẽ hơi bất tiện, vậy mà nó phải kết nối với máu đổ, bất chấp những mối vặn và những điểm vòng của đường dây cáp ngầm. Và điều đó quá là không hoàn hảo. Thỉnh thoảng đường dây bị chèn ngang. Hoặc ta bị nhầm số. Nhưng đó chẳng phải lỗi ai. Nó sẽ luôn như vậy chừng nào chúng ta còn tồn tại ở trong nhục thể này. Như một nguyên tắc căn bản.

Tôi đã giải thích cho cô ta. Đã bao lần lặp lại như vậy.

Rồi một ngày cô ta bỏ đi.

Hoặc có lẽ là do tôi đã khuếch đại sự không hoàn hảo ấy lên, vì vậy mà giúp cô ta bước khỏi cửa.

Tôi nhìn cái điện thoại và nhớ lại những tháng ngày sống cùng vợ cũ. Trong suốt ba tháng trước khi bỏ đi, vợ tôi không hề muốn ngủ với tôi. Bởi vì cô ta đã ngủ với gã đàn ông khác. Còn tôi hoàn toàn không hề hay biết.

“Xin lỗi cưng, nhưng tại sao anh không ngủ với ai khác nhỉ? Em sẽ không giận đâu,” cô ta nói. Và tôi đã nghĩ cô ta đang nói đùa. Nhưng cô ta nghiêm túc. Tôi đã nói mình không muốn ngủ với người phụ nữ khác và đó là sự thật. Nhưng cô ta muốn tôi làm vậy, cô ta nói thế. Rồi chúng tôi có thể nghĩ cho thông những vấn đề khác.

Rốt cuộc, tôi không ngủ với ai cả. Tôi không phải là một gã cả thẹn, nhưng tôi sẽ không ngủ với phụ nữ chỉ để thông suốt được vấn đề. Tôi ngủ với ai đó là bởi vì tôi muốn thế.

Không lâu sau đó, cô ta bỏ rơi tôi. Nhưng thử xem, nếu tôi thực sự ngủ với người phụ nữ khác thì liệu có ngăn được cô ta bỏ đi hay không? Phải chăng cô ta tin rằng điều đó có thể đưa sự giao tiếp giữa chúng tôi tới những nền tảng tự trị hơn đôi chút? Thật nực cười.

Đã quá nửa đêm, nhưng từ xa lộ vẫn vọng lại không ngớt tiếng ồn. Thỉnh thoảng lại có một cái xe máy phóng vèo qua. Kính cách âm có giảm bớt tiếng ồn, nhưng cũng không ích gì mấy. Tiếng ồn vẫn ở ngay ngoài kia, ngáng trở cuộc sống của tôi, đè nặng lên tôi. Kìm hãm tôi trong mình

Tôi dần chán nhìn chằm chằm mãi vào cái điện thoại, nên nhắm mắt lại.

Ngay sau đó, sự nhượng bộ mà tôi chờ đợi từ lâu lặng lẽ phủ kín bầu không khí. Thật khéo léo và nhanh chóng. Giấc ngủ đến với tôi.

Sau bữa sáng, tôi lục sổ điện choại tìm số của một gã thuộc công ty quản lý tài năng mà tôi từng gặp khi cần phỏng vấn những ngôi sao trẻ. Tôi gọi cho gã lúc mười giờ sáng, và theo lẽ thường gã vẫn còn ngái ngủ. Giới nghệ sĩ mà. Tôi xin lỗi, rồi ngỏ ý muốn gặp Gotanda. Gã lầm bầm than vãn một hồi, nhưng rốt cuộc vẫn cho tôi số điện thoại của công ty đại diện cho Gotanda, đó là một hãng sản xuất giải trí tầm trung.

Tôi gọi đến và gặp tay quản lý của Gotanda. Tôi nói mình chuyên viết cho các tạp chí và muốn nói chuyện với Gotanda. Có phải tôi định viết bài về cậu ta không à? Không hẳn, đây là việc riêng. Riêng tới mức nào? Hừm, tôi là bạn học cấp II với cậu ấy, việc này rất gấp. Được thôi, anh ta nói sẽ chuyển lời hộ. Không, tôi phải nói chuyện trực tiếp với Gotanda. Có đến bao nhiêu người đòi như vậy thì biết làm sao?

“Nhưng việc này rất quan trọng,” tôi cố nài nỉ. “Và nếu anh giúp tôi liên lạc với Gotanda, tôi đảm bảo sẽ trả ơn theo cách thức của một người chuyên nghiệp.”

Tay quản lý cân nhắc đề nghị của tôi. Tất nhiên đó là một lời nói dối. Tôi chẳng có lá bài nào để lật cả. Công việc của tôi đối với cánh biên tập chỉ là đi phỏng vấn những người được chỉ định. Nói hoa mỹ thì là một tên chạy việc. Nhưng tay quản lý đâu biết điều đó.

“Anh có đảm bảo rằng sẽ không có gì bị lộ ra ngoài?” Anh ta nói. “Bởi vì tất cả những gì liên quan đến truyền thông đều phải được tôi thông qua. Công khai và chính thức.”

Không, đây là chuyện riêng một trăm phần trăm.

Tay quản lý hỏi số điện thoại của tôi. “Bạn học cấp II phải không?” gã thở dài hỏi. “Cậu ấy sẽ gọi cho anh tối nay hoặc ngày mai. Nếu cậu ấy thích.”

“Tất nhiên,” tôi đáp.

Tay quản lý ngáp rồi gác máy. Không thể trách gã được. Mới mười rưỡi sáng.

Trước bữa trưa, tôi lái xe tới Aoyama để mua sắm ở siêu thi Kinokuniya rực rỡ lòe loẹt. Khi đậu chiếc Subaru giữa những chiếc Saabs và Mercedes, tôi có cảm giác như thể mình đang trần trụi, cặp đôi với cái xe cũ kỹ thấp cổ bé họng này của tôi. Tuy thế, tôi thừa nhận: tôi thích mua sắm ở Kinokuniya. Thật khó tin nhưng rau diếp mua ở đây giữ được tươi lâu hơn rau diếp mua ở bất cứ nơi nào khác. Đừng hỏi tôi tại sao. Có thể họ tập hợp rau lại sau khi đóng cửa và bắt chúng tập huấn đặc biệt. Điều đó chẳng khiến tôi ngạc nhiên. Rốt cuộc đây cũng là chủ nghĩa tư bản bậc cao mà.

Về nhà, không có tin nhắn nào trong máy trả lời tự động của điện thoại. Không ai gọi tôi cả. Tôi để mớ rau vừa mua sang một bên và nghe “Theme from Shaft” trên đài. Gã đó là ai? Shaft! Đúng rồi!(25)

25. Lời bài hát trong phim Shaft.

Sau đó tôi đi xem “Tình đơn phương” lần nữa. Là lần thứ tư rồi. Tôi không thể không xem nó. Tôi tập trung vào cảnh then chốt, cố gắng nắm bắt từng chi tiết.

Không có gì thay đổi. Sáng Chủ nhật. Vạn vật tắm trong nắng Chủ nhật thanh bình. Rèm cửa sổ được kéo ra. Tấm lưng trần của một người đàn bà. Những ngón tay đang âu yếm của người đàn ông. Ảnh của Le Corbusier treo trên tường. Một chai Cutty Sark đặt trên cái bàn cạnh giường. Hai cái ly, gạt tàn, một bao Seven Stars. Dàn stereo. Bình hoa. Hoa cúc. Quần áo cởi ra nằm trên sàn. Giá sách. Máy quay lướt qua. Đó là Kiki. Bất giác tôi nhắm mắt. Sau đó lại mở mắt. Gotanda đang ôm nàng. Dịu dàng và nhẹ nhàng. “Không đời nào,” tôi buột miệng. Thành tiếng. Một thằng nhóc ngồi cách tôi bốn hàng ghế ném cho tôi ánh mắt khó chịu. Diễn viên nữ chính xuất hiện trong khung hình. Tóc cột đuôi ngựa. Áo gió và quần jeans. Giầy Adidas đỏ. Cô gái ôm bịch bánh bích quy. Cô đi thẳng vào trong, rồi lao vụt ra. Gotanda choáng váng. Cậu ta ngồi dậy trên giường, nheo mắt nhìn về phía ánh sáng, dõi theo hướng cô gái. Kiki gác một tay lên vai Gotanda, giọng uể oải chán chường. “Chuyện gì thế?”

Rời rạp chiếu phim, tôi đi bộ lòng vòng quanh khu Shibuya.

Tôi bước đi, qua đám học sinh ồn ã, trong đầu lởn vởn hình ảnh những ngón tay mảnh dẻ và thanh nhã của Gotanda lướt trên thân thể nàng. Tôi đi qua khu Harajuku. Sau đó đến Sendagaya, vòng qua sân vận động, băng qua đại lộ Aoyama về hướng nghĩa trang, đi ngang qua bảo tàng Nezu. Tôi đi qua quán Café Figaro, rồi Kinokuniya và vòng ra sau tòa nhà Jintan để tới ga Shibuya. Mỗi quãng đường tương đối dài. Trời bắt đầu tối. Từ trên đỉnh đồi, tôi thấy ánh đèn neon sáng lên khi đám đông công chức mặc đồ sẫm màu băng qua ngã tư đường như những con cá hồi bị mù bẩm sinh. Về đến nhà, tôi thấy đèn đỏ báo hiệu có tin nhắn của máy trả lời tự động đang nhấp nháy. Tôi bật đèn, cởi áo khoác và lấy một chai bia từ trong tủ lạnh. Tôi ngồi xuống giường uống một ngụm bia và nhấn nút PLAY.

“Cũng lâu rồi nhỉ.” Đó là Gotanda.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.