Nhảy, nhảy, nhảy

Chương 25



Lúc bảy giờ, Yuki đi dạo về. Con bé tản bộ suốt trên bãi biển. Con bé có muốn ăn tối không? Không đói, con bé nói. Nó muốn về nhà.

“Thôi được, ghé qua đây khi nào con thích nhé,” bố con bé nói. “Bố sẽ ở Nhật cả tháng tới.” Sau đó ông ta quay sang tôi, cám ơn vì đã đi cả một quãng đường dài và xin lỗi vì đã không thể tỏ ra hiếu khách hơn.

Gã Thứ Sáu tiễn chúng rồi ra cửa. Khi chúng tôi rẽ khỏi sân sau, tôi thấy một chiếc Jeep Cherokee bốn cầu, một chiếc Honda bảy trăm năm mươi phân khối, và một chiếc xe máy địa hình leo núi đỗ trong góc sân.

“Vận động không ngừng nhỉ?” tôi nói với Thứ Sáu.

“Ồ, không quá nhạt nhẽo,” một lát sau Thứ Sáu mới trả lời. “Ông Makimura không sống trong tháp ngà đâu. Ông ấy thích hành động, ông ấy sống để phiêu lưu.”

“Ngớ ngẩn,” Yuki lầm bầm.

Cả Thứ Sáu và tôi đều giả vờ không nghe thấy gì.

Ngay khi chúng tôi trèo lên chiếc Subaru, Yuki bảo nó đói ngấu rồi. Tôi đỗ vào một quán Hungry Tiger trên bờ biển và gọi thịt nướng.

“Chú nói chuyện gì với bố cháu thế?” con bé hỏi lúc chúng tôi ăn tráng miệng.

Chẳng có lý do gì để giấu giếm nên tôi kể tóm tắt.

“Vớ vẩn!” con bé nói, giọng đầy chế nhạo. “Chỉ ông ấy mới nghĩ ra những thứ như thế. Chú đã nói gì với ông ấy?”

“Chú nói chú không thoải mái với một sự sắp xếp như thế. Dẫu vậy cũng không tồi, chúng ta sẽ gặp nhau và đi chơi bất cứ lúc nào tùy thích. Như thế thì thật là vui, nhưng không nên có sự sắp xếp nào cả. Cháu biết đấy, bên cạnh cháu chú chỉ là một ông già, nhưng chúng ta vẫn có vô khối thứ để nói với nhau, cháu có nghĩ thế không?”

Con bé nhún vai.

“Nếu cháu không muốn gặp chú, chỉ cần bảo chú một câu. Người ta không nên cảm thấy bị ép buộc khi gặp ai đó. Hãy gặp chú khi cháu muốn. Chúng ta có thể kể cho nhau nghe những thứ mà chúng ta không kể được cho ai khác, chia sẻ bí mật. Được không?”

Con bé có vẻ chần chừ, sau đó gật đầu “Ừm.”

“Không nên giữ mọi thứ trong lòng. Sẽ đến lúc cháu không thể kiểm soát. Cháu cần phải giải phóng những áp lực đó nếu không chúng sẽ nổ tung. Bùm! Hiểu chú muốn nói gì chứ? Cuộc sống vốn đã khó khăn. Cứ giữ mãi những vấn đề cho riêng mình thì thật khổ sở. Ngay cả chú cũng thấy như thế thật là vất vả. Nhưng hai chúng ta, chú nghĩ hai chúng ta có thể hiểu nhau. Hai ta có thể nói chuyện với nhau khá thành thật đấy.”

Con bé gật đầu.

“Chú không ép cháu. Nhưng nếu cháu muốn nói chuyện thì cứ gọi cho chú nhé. Chẳng liên quan đến những gì bố cháu và chú đã nói với nhau. Và đừng nghĩ chú là một người anh lớn hay cái gì tương tự. Chúng ta là bạn. Chú nghĩ chúng ta có thể có ích cho nhau đấy.”

Yuki không trả lời. Con bé ăn nốt món tráng miệng và uống sạch cốc nước. Sau đó quay sang nhìn gia đình béo tốt ngồi bàn bên đang nhồm nhoàm thức ăn. Bố mẹ, con gái và con trái. Tất cả đều tròn trĩnh mập mạp.

Tôi đặt khuỷu tay lên bàn và uống cà phê, quan sát Yuki khi nó quan sát họ. Con bé quả thực rất xinh xắn. Tôi tưởng như có một viên đá đang chìm sâu vào vùng nước tối đen trong trái tim mình. Đó là những đường kênh rạch chằng chịt sâu đến vô cùng, vậy mà con bé vẫn có thể ném được một hòn đá nhỏ xuống tận đáy. Nếu tôi mười lăm tuổi, chắc chắn tôi đã rơi vào lưới tình rồi, tôi nghĩ đến điều đó lần thứ hai mươi.

Tại sao đám bạn học của con bé lại tồi tệ đến thế? Có phải vì con bé quá xinh đẹp để ở cạnh bọn chúng? Quá nổi bật? Quá mãnh liệt? Quá xa cách? Hay con bé làm chúng sợ?

Chắc chắn là con bé không hấp dẫn kiểu như Gotanda. Cậu ta hoàn toàn ý thức được việc mình có ảnh hưởng đến người khác, và cậu ta giữ nó không tác động đến mình. Cậu ta biết kiểm soát khả năng ấy. Gotanda không bao giờ thao túng người khác, không bao giờ khiến họ sợ hãi. Ngay cả khi bản thân hơi bị thổi phồng quá, cậu ta thậm chí còn có thể cười và đùa cợt về điều đó. Đó là bản chất của cậu ta. Như thể mọi người xung quanh có thể cười theo và nghĩ, một anh chàng đáng yêu. Và Gotanda thực sự là một anh chàng đáng mến. Nhưng Yuki thì lại khác. Yuki không dễ mến cho lắm.

Yuki không có thói quen theo dõi cảm xúc của người khác để thể hiện cảm xúc của mình sao cho phù hợp mà không khiến họ phật lòng. Tất cả những gì con bé có thể làm chỉ là nghĩ đến bản thân. Và kết quả là, Yuki làm tổn thương mọi người, và khiến chính nó còn bị tổn thương hơn. Một cuộc sống khó khăn. Quá khó khăn đối với một cô bé mười ba tuổi. Thậm chí cũng khó khăn đối với cả người lớn.

Lúc này, tôi không dám đoán định xem con bé sẽ làm gì. Có lẽ con bé sẽ tìm cách để bộc lộ mình, giống như mẹ nó, và dấn thân vào nghệ thuật. Hay có thể nó sẽ tập trung năng lượng của mình vào điều gì đó tích cực. Tôi không chắc, nhưng cũng giống như bố con bé, tôi có thể cảm thấy tài năng và tinh hoa trong con bé. Nó thật sự rất khác biệt.

Tuy nhiên, Yuki cũng có thể trở thành một thiếu nữ mười tám hoàn toàn bình thường. Đó cũng không phải chuyện gì lạ.

Con người ta đạt đến đỉnh cao theo nhiều cách khác nhau. Nhưng cho dù có là ai, một khi đã qua thời đỉnh cao, phần còn lại chỉ là giai đoạn xế bóng. Chẳng ai khác được. Và điều tệ nhất là ta không bao giờ biết đỉnh điểm đó ở đâu. Ta cứ nghĩ rằng mình vẫn đang ở thời kỳ phong độ, rồi đột nhiên nhận ra mình đã đi hết phần lớn chặng đường. Chẳng ai nói trước được điều gì. Một số người lên đến đỉnh cao đời mình vào tuổi mười hai, để rồi sau đó sống một cuộc sống chẳng mấy biến động gì nữa. Một số khác đấu tranh đến tận lúc chết; có những người lại chết ngay khi họ lên đến đỉnh cao. Những thi sĩ, nhạc sĩ sống gấp gáp, và đến ba mươi họ coi như đã qua thời của mình. Lại cũng có những người như Picasso, tiếp tục sống và sáng tác cho đến tận tám mươi tuổi.

Còn tôi thì sao?

Đỉnh cao của tôi? Tôi có không? Tôi chẳng có gì đáng để gọi là một cuộc đời cả. Một ít sóng gió. Vài thăng trầm. Nhưng chỉ thể thôi. Không có gì sinh ra từ trống rỗng, tôi đã yêu và đã được yêu, nhưng cũng chẳng có gì để khoe khoang, Đó là một bức tranh đơn giản, hầu như không có chi tiết gì. Tôi cảm thấy mình đang ở trong một trò chơi điện tử. Hóa thân thành một chú Pacman đang mù quáng ăn những chấm nhỏ tạo nên một mê cung rắc rối. Điều duy nhất chắc chắn là cái chết của tôi.

Chẳng có gì chắc chắn là anh sẽ được hạnh phúc, Người Cừu đã nói vậy. Vì vậy anh cần phải khiêu vũ. Khiêu vũ để mọi thứ xoay vần.

Tôi ngừng suy nghĩ và nhắm mắt lại.

Khi mở mắt ra, tôi thấy Yuki đang nhìn mình.

“Chú vẫn ổn chứ?” con bé hỏi vẻ lo lắng. “Trông chú mất tinh thần quá, cháu không nói gì quá đáng chứ?”

Tôi cười. “Không, cháu không nói gì sai cả.”

“Chú vừa nghĩ đến chuyện gì không vui à?”

“Không, chú chỉ vừa nghĩ cháu thật là xinh đẹp.”

Yuki nhìn tôi với với ánh mắt trống rỗng y như bố nó. Sau đó nó im lặng lắc đầu.

Yuki trả tiền bữa ăn. Bố con bé đã cho nó rất nhiều tiền, nó bảo với tôi như vậy. Con bé mang hóa đơn đến quầy tính tiền, rút ra một tờ bạc mười nghìn yên từ trong một cuộn tiền có chừng năm hay sáu tờ, đưa cho người thu ngân, rồi cầm đống tiền trả lại nhưng thậm chí không thèm liếc qua.

“Bố luôn cho rằng tất cả những gì ông ấy phải làm là xùy tiền ra thế là mọi chứ đều ổn cả,” con bé nói, hơi có vẻ dỗi. “Ông ấy hâm thật, nhưng nhờ thế hôm nay cháu mới khao chú được. Thế là chúng ta hòa nhé? Lúc nào chú cũng phải trả tiền cho cháu, cần phải tính toán cho công bằng hơn.”

“Cám ơn cháu.” tôi nói. “Nhưng như vậy là ngược lại với nghi thức trong một cuộc hẹn hò kiểu truyền thống đấy.”

“Vậy ạ?”

“Trong một cuộc hẹn ăn tối, ngay cả khi cô gái trả tiền, cô ấy sẽ không cầm hóa đơn chạy đến quầy thanh toán. Cô ấy sẽ để chàng trai làm việc đó, rồi sau đó trả lại tiền cho chàng trai, hoặc là cô ấy sẽ đưa tiền trước cho anh ta. Đó là lẽ thường. Đàn ông là những sinh vật rất nhạy cảm. Tất nhiên, chú không phải cái kiểu thích vơ hết vào mình như thế, nên chú không quan tâm. Nhưng cháu nên biết rằng trên đời có rất nhiều anh chàng cực kỳ nhạy cảm rất quan tâm đến điều đó.”

“Gớm!” con bé nói. “Cháu sẽ không bao giờ hẹn hò với kiểu người như thế đâu.”

“Ồ, đó cũng chỉ là một cách nhìn thôi mà,” tôi nói trong khi lái chiếc Subaru ra khỏi bãi đỗ. “Người ta yêu chẳng vì lý do gì, dẫu cho họ có không muốn thế. Cháu không thể đoán trước được đâu. Tình yêu là thế đấy. Khi nào cháu đến tuổi phải mặc áo ngực, cháu sẽ hiểu.”

“Cháu nói với chú rồi, đồ ngốc, cháu đã mặc thứ đó rồi!” con bé hét lên và đấm thùm thụp lên vai tôi.

Tôi suýt thì đâm vào đống rác và phải dừng lại. “Chú chỉ đùa thôi mà,” tôi nói. “Đó là một câu đùa ngớ ngẩn, nhưng dù sao cháu cũng phải để cơ cười trên mặt có thêm cơ hội hoạt động chứ.”

“Hứ,” Yuki bĩu môi.

“Hứ,” tôi nhại.

“Thật ngớ ngẩn,” con bé nói.

“Thật ngớ ngẩn,” tôi đáp lại.

“Chú dừng xe đi!” con bé la lên.

Tôi định không làm theo, nhưng lại thôi, tôi tấp vào lề. “Yuki, có điều này chú muốn nói, và không phải là đùa đâu. Đừng có đánh người khác khi họ đang lái xe,” tôi nói. “Cháu có thể khiến chúng ta cùng chết đấy. Cho nên bài học hẹn hò thứ hai: Đừng có chết, sống tiếp đi.”

Trên đường về, Yuki không nói lời nào với tôi. Con bé như tan chảy trên ghế, ra vẻ suy tư. Tuy nhiên cũng không biết chắc được là con bé vẫn đang thức hay đã ngủ rồi. Con bé không bật đống băng của nó. Nên tôi bật vài bản ballad của Coltrane(29) đã mang sẵn theo từ trước. Yuki không nói lời nào, và cũng chẳng để ý xem có chuyện gì đang xảy ra.

29. John William Coltrane: nghệ sĩ nhạc jazz người Mỹ.

Tôi ngân nga theo những đoạn độc tấu.

Đường về tẻ ngắt. Tôi nhìn chăm chú vào đèn hiệu của những xe đằng trước. Khi ra đến đường cao tốc, Yuki ngồi thẳng dậy và bắt đầu nhai kẹo cao su. Sau đó con bé châm một điếu thuốc. Nó hút ba, bốn hơi ngắn rồi vứt điếu thuốc ra ngoài cửa sổ. Tôi định sẽ nói điều gì đó nếu con bé châm điếu thứ hai, nhưng nó không làm thế. Con bé biết tôi nghĩ gì.

Khi dừng xe trước căn hộ ở Akasaka, tôi thông báo: “Chúng ta đến nơi rồi, công chúa.”

Ngay sau đó, con bé vê tròn bã kẹo cao su, gói vào vỏ kẹo và đặt lên bảng điều khiển. Rồi nó uể oải mở cửa xe, chui ra và đi. Không tạm biệt, chẳng buồn đóng cửa và cũng không ngoái lại. Được thôi, con bé đang ở độ tuổi nhạy cảm, tôi tự nhủ. Con bé có vẻ giống một nhân vật trong phim của Gotanda. Một cô bé nhạy cảm và phức tạp. Chẳng phải nghi ngờ gì hết. Gotanda có thể vào vai của tôi tốt hơn tôi rất nhiều. Nếu vậy hẳn là Yuki đã điên đảo thần hồn vì cậu ta rồi cũng nên. Nếu không thì chẳng còn là phim ảnh nữa rồi. Chết thật, tôi không thể thôi không nghĩ đến Gotanda! Tôi với lại chỗ con bé ngồi và sập cửa xe. Rầm! Trên đường về nhà, tôi nghe “Red Clay” của Freddie Hubbard.

Thức dậy vào sáng hôm sau, tôi ra ga tàu diện. Đã gần chín giờ, khu Shibuya bắt đầu nhộn nhịp người đi làm. Bất chấp không khí mùa xuân đang tràn ngập nơi nơi, những khuôn mặt vui vẻ thì đếm được trên đầu ngón tay. Tôi mua hai tờ báo ở quầy, rồi đến cửa hàng Dunkin’ Donuts, và đọc trong lúc nhâm nhi cà phê. Lễ khai trương công viên Disney ở Tokyo, chiến tranh giữa hai nước ở Đông Nam Á, bầu cử thị trưởng Tokyo, bạo lực học đường. Chẳng có đến một dòng tin nào về cô gái trẻ xinh đẹp bị thắt cổ trong một khách sạn ở Akasaka. Một vụ giết người thì có là gì so với khai trương công viên Disney? Chỉ là thêm một chuyện để quên.

Tôi xem mục phim ảnh và thấy “Tình đơn phương” đã ngừng chiếu. Việc này lại làm tôi nghĩ đến Gotanda. Tôi phải báo cho cậu ta biết về Mei.

Tôi thử gọi cho cậu ta bằng cái điện thoại màu hồng trong cửa hàng Dunkin’ Donuts, cố nhiên là cậu ta đi vắng, tôi để lại lời nhắn trong máy. Tin khẩn. Sau đó tôi nhét tờ báo vào thùng rác rồi về nhà. Trên đường về, tôi cố tưởng tượng xem thế quái nào mà mấy nước ở Đông Nam Á, vốn là láng giềng, lại gây chiến với nhau. Một thế giới phức tạp.

Hôm ấy là ngày để tôi sửa soạn lại mọi thứ.

Có hàng tấn việc tôi phải làm. Toàn những việc thiết thực. Tôi vận dụng đầu óc thực tế của mình hết mức có thể và đâm đầu vào công việc.

Tôi đem áo sơ mi ra tiệm giặt là và lấy mấy chiếc khác về. Ghé qua ngân hàng, rút ít tiền trong ATM, trả tiền điện thoại, tiền gas và tiền thuê nhà. Đến cửa hàng thay đế giày. Mua pin cho đồng hồ báo thức. Về nhà dọn dẹp trong lúc nghe đài FEN(30). Cọ bồn tắm, lau tủ lạnh, lò nướng, quạt, sàn nhà và của sổ. Thu gom rác rưởi, thay khăn trải giường rồi chạy máy bút bụi. Lúc hai giờ, tôi đang giũ rèm cửa và hát theo bài “Mister Roboto” của Styx thì điện thoại reo.

30. Far East Network: một mạng lưới các đài truyền thành và truyền hình của quân đội Mỹ, chủ yếu phục vụ cho lính Mỹ đang ở Nhật Bản, đảo Guam và Philippin.

Đó là Gotanda.

“Gặp nhau được không. Tôi không thể nói qua điện thoại được,” tôi nói.

“Tất nhiên. Nhưng gấp đến mức nào? Hiện tôi đang quay dở. Để hai ba ngày nữa được không?”

“Tôi nghĩ là không, có người đã bị giết,” tôi nói. “Người cả hai chúng ta đều biết và cảnh sát đã vào cuộc rồi.”

Đầu dây bên kia im lặng. Một sự im lặng hùng hồn mà chỉ Gotanda mới tạo ra được. Lịch duyệt, đúng kiểu và thông minh. Tôi tưởng như nghe thấy cả tiếng thần kinh cậu ta kêu lầm rầm vì hoạt động ở tốc độ cao. “Được thôi, tối nay được không? Có lẽ sẽ hơi muộn đấy. Được chứ?”

“Được.”

“Khoảng một, hai giờ tôi sẽ gọi cho cậu. Xin lỗi, nhưng tôi không có giây nào rảnh trước giờ ấy cả.”

“Không sao, tôi sẽ đợi.”

Cả hai gác máy và tôi tua lại đoạn đối thoại trong đầu.

Có người bị giết. Người cả hai chúng ta đều biết và cảnh sát đã vào cuộc rồi.

Một bộ phim đại chúng. Dính vào Gotanda là mọi thứ đều trở thành cảnh quay trong phim hết. Hiện thực dần dần trôi dần đi khỏi tầm mắt. Tôi có cảm giác mình đang diễn y như trong kịch bản. Gotanda đeo kính đen, cổ áo choàng không thấm mưa dựng lên, đưa người vào chiếc Maserati. Quyến rũ. Y như trong quảng cáo lốp dành cho xe chạy tốc độ cao. Tôi gạt hình ảnh đó khỏi đầu và quay lại với những tấm rèm cửa.

Năm giờ, tôi đi bộ đến Harajuku và dạo qua những gian hàng dành cho đám trẻ sành điệu dọc phố Takeshite. Có vô số những thứ gắn biểu tượng của Kiss, Iron Maiden, hay AC/DC, Motorhead, và cả Michael Jackson, nhưng còn Elvis? Không hề có. Cuối cùng, sau khi ghé qua vài cửa hàng, tôi hiểu ra mình đang đi tìm cái gì: một chiếc huy hiệu có chữ Elvis The King.

Sau đó tôi đến Tsuruoka dể ăn món tempura(31) và uống bia. Mặt trời lặn, từng giờ trôi qua. Nhân vật Pacman của tôi tiếp tục nuốt những hàng chấm nhỏ. Tình thế của tôi không tiến triển chút gì. Chẳng ra đâu vào đâu. Thậm chí ngay cả khi đầu mối có vẻ như đang nhân lên gấp bội. Nhưng đường dẫn tới chỗ Kiki lại tuyệt chẳng thấy đâu. Tôi đang lạc lối. Tinh lực toàn hao phí vào những sự kiện bên lề, chẳng thể tập trung cho sự kiện chính. Nhưng mà sự kiện chính đang ở chỗ nào chứ? Liệu thực sự có tồn tại sự kiện chính không.

31. Cá, tôm, hải sản, rong biển và rau nhúng vào bột và đem chiên xù.

Hoàn toàn rảnh rỗi cho đến tận nửa đêm, thế là tôi đi xem “Phán quyết” của Paul Newman. Một bộ phim không tồi, nhưng tôi bị dòng suy nghĩ cuốn đi nên không thể theo được tình tiết trong phim. Tôi cứ mong chờ tấm lưng trần của Kiki sẽ lại bất chợt hiện ra trên màn ảnh. Kiki, Kiki em muốn gì ở anh?

Phần giới thiệu cuối phim hiện lên và tôi rời rạp, không hiểu gì mấy nội dung bộ phim. Tôi đi dạo, ghé vào một quán bar uống hai ly vodka chanh. Sau đó, tôi về nhà lúc mười giờ, đọc sách và chờ Gotanda gọi.

Rốt cuộc tôi để cuốn sách sang một bên và ngả xuống giường. Tôi nghĩ đến con Kipper. Đã chết và được đem chôn, nó đang im lặng dưới nền đất im lìm.

Điều tiếp theo tôi nhận thức được là căn phòng bao trùm trong tĩnh lặng. Những làn sóng bất lực phủ lên người tôi. Tôi phải phấn chấn lên. Tôi nhắm mắt lại và đếm từ một đến mười bằng tiếng Tây Ban Nha, kết thúc bằng một tiếng finito(32) và vỗ tay thật mạnh. Cách riêng của tôi để chống lại cảm giác cô đơn. Đó là một trong những kỹ năng tôi học được khi sống một mình. Nếu không có những mẹo ấy chắc tôi khó mà sống sót nổi mất.

32. Finito: tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản, nghĩa là “xong”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.