Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại
11 . ĐỘC ĐÁO VỚI BẤT CỨ GIÁ NÀO!
Hồi còn chuyên mục Gặp nhau cuối tuần, VTV3 từng cho diễn một chương trình khá thú vị mang tên Hội ơi là hội! Chuyện kể về một làng nọ có cái tên là làng Cự Phách làm hội. Làm như thế nào? Nói nôm na là không có cũng vẽ ra mà làm, cái gì sẵn có thì tưởng là mình đã quá tài, làm liều làm ẩu, làm một cách bôi bác. Còn cái gì không có thì bảo nhau bắt chước người khác (ai đó đạo văn, đạo nhạc thì ở đây người ta sẵn sàng đạo hội). Như thấy các làng khác có chọi trâu chọi gà thì nghĩ ra việc… chọi lợn. Đến là lắm trò nhố nhăng, không ai nhịn cười nổi!
Ngay sau tiếng cười, cố nhiên, màn kịch cũng làm cho người ta phải nghĩ. Thấy có chút gì nhoi nhói trong lòng. Thấy thoáng qua một chút xấu hổ. Trong không khí Việt Nam gia nhập WTO, đi vào hội nhập với thế giới, có thể từ vở kịch đọc ra vài nét tâm lý hiện thời.
Sau những năm tháng bao cấp, ngủ dài trong uể oải, nay ai cũng trở nên cực kỳ năng động, không ai bảo ai cùng cuống cuồng lên cả một lượt, mê mải sống mê mải hưởng thụ. Thay đổi với bất cứ giá nào. Nhanh nhảu đến mức giả tạo. Ma mãnh đủ trò. Đắp điếm vay mượn đủ kiểu. Miễn sao gây được sự chú ý, miễn sao thu về tiền bạc.
Trong cơn say kiếm ăn, người ta mang quá khứ ra để làm thương mại. Không phải tết nhất cũng nấu bánh chưng. Và không có đỗ thì lấy ngô lấy khoai, không có nhân thịt lợn thì lấy thịt trâu thịt chuột. Nhân danh một mục đích tốt đẹp, tự cho rằng có gian dối một tí rồi thần phật cũng tha bổng cho hết.
Khi tiếp xúc với nước ngoài, không chịu chuẩn bị nghiên cứu kỹ càng, mà quen lối láu vặt học đòi, nhiều khi bê nguyên xi về mình những cái rất xa lạ, mà vẫn không thấy chướng và càng lạ càng coi là hay. Như trên đã nói, trong kịch có cảnh mấy người phỏng theo lối đấu bò ở Tây Ban Nha, tổ chức đấu lợn. Đấu thế nào? Người ra đấu ngồi xổm trên mặt đất tay cầm miếng vải đỏ khiêu khích lợn, tay kia cầm cái gì na ná như cái khiên để tự che đỡ.
Tận trong tâm lý sâu xa, rõ là con người ở đây ẩn giấu rất nhiều mặc cảm. Cái sự làm liều ở đây vốn được bắt đầu từ một nguyện vọng có vẻ rất chính đáng. Đó là khi tiếp xúc muốn gây ấn tượng với người. Song do chỗ trong thâm tâm thừa biết mình kém sẵn, và không bao giờ có thể bằng người, nên chỉ còn cách cố ý tạo ra sự lập dị, nói chệch đi là độc đáo. Rồi nhận ra đây là ngón võ có vẻ hiệu quả, người ta còn hùa nhau nâng nó – cái sự độc đáo ấy lên thành lý tưởng, sùng bái nó, cho nó là quan trọng nhất trên đời.
Sự độc đáo hay bản sắc vốn không xa lạ với con người hiện đại. Nó thường được lưu ý khi người ta tìm cách phân biệt các cộng đồng. Nhưng theo các nhà xã hội học có độc đáo hay và độc đáo dở, độc đáo đáng triển khai tiếp tục và độc đáo như một cục bướu đáng cắt bỏ đi. Chỉ khi đằng sau cái bản sắc đó, thấy toát lên ý nghĩa phổ biến, người ta mới cảm thấy gần gũi, và coi đó là cái bản sắc chân chính.
Một điều quan trọng nữa là tự nó độc đáo trong bản sắc sẽ đến chứ không cần đi tìm. Để tự nó đến thì nó sẽ tự nhiên. Lấy nó là mục đích, tìm sai, tìm nhầm, rồi lại tô vẽ cho nó, thì sẽ gây nhiều phản cảm.
Không thể nói rằng chỉ cần độc đáo là có giá trị. Trong việc này dân văn chương bọn tôi cũng có một ít kỷ niệm. Hồi đó là vào khoảng đầu những năm sáu mươi, ở Hà Nội, một số bạn trẻ mới tập viết, trong khao khát muốn tự khẳng định, cũng có cái lối đi tìm bằng được sự độc đáo để gây ấn tượng và coi đó là sáng tạo. May mà các bậc đàn anh đã sớm nhắc nhở. Nhà thơ Xuân Diệu “đả” mạnh nhất. Với lối nói riết róng vốn có, ông bảo nên nhớ là hai con lợn khác nhau cũng mỗi con một cá tính, nghĩa là chẳng con nào giống con nào; vậy đừng có lẫn cá tính với cá tật… Sự độc đáo chỉ đến qua con đường học hỏi khổ luyện hòa nhập với chung quanh, rút ra từ kẻ khác những điều tinh túy và phù hợp để tự làm giàu thêm bản thân.
Nói cho vui, không chừng cái làng Cự Phạm trong chương trình Hội ơi là hội! đã ăn phải đũa bọn tập tọng học nghề chúng tôi mấy chục năm trước. Nhưng hồi ấy chúng tôi làm thế vì sống trong một xã hội khép kín, tìm tòi không có đường ra nên phải tự mình lừa mình. Nay đã sang một thời buổi khác, cuộc sống lúc nào cũng trình ra trước mắt bạn bè xa gần, chẳng lẽ chúng ta không rút được ít kinh nghiệm?
Đọc tin du lịch, thấy có hiện tượng khách nước ngoài vào Việt Nam, một số bỏ cuộc sớm và hầu hết không tính chuyện quay lại. Lúc đầu thắc mắc, nay thì tôi đã hiểu. Không chỉ bị kéo vào đám hội tương tự như trong chương trình truyền hình nọ, mà họ còn vấp phải cả một cách nghĩ ấu trĩ, xuất hiện ở bất cứ nơi nào có thể. Ra họ có cái lý của họ!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.