Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại

3. CÁI NGHÈO DAI DẲNG



Người ta thường chỉ nhớ tới là các đầu lĩnh cai quản PMU 18 như những quái kiệt vung tiền nhà nước làm bậy và đua nhau ăn chơi hưởng thụ. Lẽ ra, tôi nghĩ, phải kết tội họ – cũng như các đồng nghiệp hư hỏng của họ trong ngành giao thông vận tải – ở một khía cạnh quan trọng hơn: vì sự kém cỏi và thiếu hiệu quả của toàn ngành mà khi gia nhập WTO (= hòa mạng với nền thương mại toàn cầu), chúng ta đang có một hệ thống giao thông thuộc loại cổ lỗ nhất thế giới. Hậu quả xảy ra trông thấy nhãn tiền. Các vùng sâu vùng xa vẫn sống như những hoang đảo. Các công ty nước ngoài không thể lên đó đầu tư. Thế mạnh của kinh tế thị trường không phát huy tác dụng. Nông thổ sản của từng vừng dừng lại ở dạng tự cung tự cấp. Mà người dân vùng đó đại khái xưa thế nào nay vẫn thế. Họ đã bị tước đi cơ hội tham gia vào cuộc cạnh tranh lành mạnh trong phạm vi cả nước.
Những suy nghĩ đó đến với tôi, khi đọc lại bài tạp bút Cái cốc ba mươi năm trong tập Giấc mơ ông thợ dìu do nhà xuất bản Hội nhà văn cho in, 2006. Trong bài này, Tô Hoài kể chuyện, có lần đến một vùng núi, vùng đất quá nghèo, có mỗi chuyện lo nước ăn ở sinh hoạt cũng chật vật, mấy lần tỉnh huyện về giúp cũng không làm nổi. Ghé vào một gia đình xin nước, Tô Hoài đưa cho ông cụ chủ nhà một đôi cốc thô, loại cốc thủy tinh cầm đi từ một cửa hàng bia. Vậy mà ba chục năm sau, đi qua thì đó vẫn là một vùng thiếu nước. Tại các chợ vẫn thấy bán loại chậu gỗ, các gia đình mua về, vo gạo rửa thịt khô, rửa chân cũng chậu nước ấy. Gia đình thay đổi, ông cụ già xưa đã chết, người con trai ngồi đấy trông cũng nhang nhác như ông bố ngày trước, và giữa đống gọi là tài sản gia đình vẫn đôi cốc xưa, như một của gia bảo.

Hai mốc thời gian mà Tô Hoài kể là những năm sáu mươi và chín mươi của thế kỷ trước. Giờ đây thì sao? Bản tin VTVI tối 24.4.2007 cho thấy: dân Mèo Vạc thiếu nước. Các bể nước do UNICEF tài trợ đã bé tí mà vẫn cạn khô. Dân cả tuần mới được tắm một lần. Học sinh phải bỏ học đi gùi nước. Quý cô giáo lắm thì san sẻ cho cô mấy bát.

Còn bao nhiêu bản miền núi phải sống trong cảnh tương tự, chứ đâu phải riêng Mèo Vạc?

Tưởng như có buông bao nhiêu lời oán trách đối với những người tham nhũng trong giao thông cũng là không đủ. Vì họ một phần mà trong xã hội sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo, giữa các vùng đô thị ngày càng tăng lên. Và đứng ngoài mà nói thì cả xã hội có lỗi. Nếu chưa đến nỗi vô cảm dửng dưng thì chúng ta cũng đang bất lực trước mọi đau khổ tưởng như không còn trong thời đại hiện nay.

Thế là lan man lại nhớ sang những đợt làm từ thiện xã hội vẫn phát động. Không phải đợi đến những kỳ lũ lụt mà hàng ngày chúng ta vẫn nghe có sự kêu gọi giúp đỡ người nghèo. Cái cảnh người đứng xếp hàng bỏ phong bì vào hòm kính để quyên góp đã thành quen thuộc trên các chương trình truyền hình. Mấy tháng trước, còn nghe có chính sách cho các hộ nghèo được vay với mức lãi 0%, điều kiện được vay là phải thật nghèo, tổng giá trị tài sản không quá ba triệu đồng, cố nhiên phải có họp hành bình tuyển xác minh trước khi cho vay chính thức.

Thế nhưng thử hỏi chúng ta đã có thể an tâm với cái việc đó chưa? Đáng lẽ phải lo đường sá cho đàng hoàng để đưa khoa học kỹ thuật và nền nếp làm ăn mới tới những vùng đó. Đáng lẽ phải lo mở trường đưa con em đồng bào đi học. Đáng lẽ phải giúp để người dân địa phương có thể tự trưởng thành lên, tự lo lấy đời sống của mình và với thế mạnh tiềm tàng, đóng góp vào hoạt động chung của đất nước… Đáng lẽ phải như thế! Đó là trách nhiệm chung mà chính đó mới là sự giúp đỡ nhau thiết thực. Những việc cơ bản đó, ta đã làm được bao nhiêu?

Nếu xem xét sự việc theo kiểu ấy thì chắc chắn còn lâu chúng ta mới có thể an tâm với lòng từ thiện mà chúng ta đang tự hào, một thứ từ thiện đắp điếm tạm thời hơn là có ý nghĩa lâu dài. Đài báo lại còn tố cáo nhiều nơi quỹ từ thiện quản lý lỏng lẻo, người ta xà xẻo ngay vào số tiền thu được từ quỹ trước khi đưa nó tới các địa chỉ cần tới. Liệu có phải các sáng kiến loại đó chỉ có tăng lên chứ không giảm? Rồi còn trường hợp các công ty tham gia quyên góp cốt để quảng cáo tiếp thị nữa chứ. Nghĩa là họ chỉ lấy cớ làm từ thiện để trục lợi. Từ hồi 1936-1939, trong Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng đã nói tới cảnh mỗi lần làm từ thiện là một dịp để con cái các ông quan huyện quan tỉnh trưng diện, lăng-xê những mốt quần áo mới, và khoe khoang về một nếp sống xa hoa vừa du nhập từ nước ngoài về. Sáu bảy chục năm qua đi mà lòng người có khác được bao nhiêu?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.