Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại
LỜI DẪN
Chúng ta đang sống như thế nào? Tại sao lại có cái tình trạng nhân thế như chúng ta đang thấy? Ta đã hiện hành ra sao trong sự vận động của thời gian? Điều gì có thể thay đổi và điều gì sự phải chấp nhận mãi?
Có lẽ không riêng tôi mà nhiều bạn đọc cũng đang đối diện với những câu hỏi loại đó.
Để tìm cho mình câu trả lời, mươi năm gần đây tôi đã hướng ngòi bút của mình vào thể phiếm luận. Sở dĩ tôi chọn thể tài này vì ở đó tôi cảm thấy viết cho mình mà cũng như là đang được đối thoại với bạn đọc.
Cả quan sát thể nghiệm lẫn những kiến thức sách vở mà tôi đọc được trong vai trò một người chuyên viết phê bình văn học đã được huy động. Những trang sách của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải và có những F.Dostoievsh, A.Tchekhov, Lỗ Tấn… mà tôi đã tiếp xúc suốt thời trai trẻ thường xuyên trở về có mặt trong các câu chuyện.
Khi cảm thấy có một mối liên hệ rõ rệt giữa ngày hôm nay với những thời gian đi qua, cũng là lúc người ta có thể sáng rõ hơn trong việc nhìn nhận chung quanh, có thể hiểu và đỡ bất ngờ hơn trước những diễn biến của đời sống trước mắt.
Những con người khác nhau trong tôi vừa nghĩ vừa bàn với nhau, tranh cãi với nhau. Và tôi ghi nó ra đây vì tôi biết rằng đó là cách tốt nhất để mời những bạn khác cùng nghĩ tiếp.
Phần lớn các bài phiếm luận tôi viết từ 2004 về trước đã được in ra trong cuốn sách Nhân nào quả ấy (NXB Hội nhà văn, 2004 & NXB Phụ Nữ, 2006)
Tập Những chấn thương tâm lý hiện đại này chủ yếu gồm các bài từ 2005 tới nay.
Khi được đưa vào sách, các bài vốn đã in lẻ trên các tờ báo như Nông thôn ngày nay, Người đại biểu nhân dân, Tuổi trẻ, Thời báo kinh tế Sài Gòn… chỉ sửa chữa chút ít để tránh những sự lặp lại không cần thiết. Trong một số trường hợp tên bài đã được thay đổi. Tôi cũng đã cố gắng tìm cách sắp xếp để các bài nối tiếp nhau trong một mạch chung tạm coi là liên tục.
Khi mở đầu tập Nhân nào quả ấy, tôi đã có lời thưa với bạn đọc thân mến, “nếu bạn đã có lần cầm tới cuốn sách thì xin bớt chút thời giờ đọc tới trang cuối và hiểu cho cả những điều người viết chưa kịp trình bày trên mặt giấy”.
Lần này tôi cũng muốn lặp lại lời đề nghị như thế.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.