Những Kẻ Xuất Chúng

Chương IV. Mối phiền phức với các thiên tài, Phần II



“SAU NHỮNG CUỘC ĐÀM PHÁN KÉO DÀI, NGƯỜI TA ĐỒNG TÌNH RẰNG ROBERT SẼ PHẢI CHỊU QUẢN CHẾ”.

1.

Mẹ của Chris Langan xuất thân từ San Francisco và vốn bị gia đình ghẻ lạnh. Bà sinh ra bốn đứa con, mỗi đứa có một ông bố khác nhau. Chris là con cả. Cha mất tích trước khi Chris chào đời và có tin đồn rằng ông đã chết ở Mexico. Người chồng thứ hai của bà bị sát hại. Người chồng thứ ba tự vẫn. Người chồng thứ tư là một anh kí giả thất thế tên Jack Langan.

“Tới tận giờ tôi cũng chưa từng gặp một ai mà hồi thơ ấu gia đình lại nghèo khổ tới nỗi như nhà chúng tôi,” Chris Langan nói. “Chúng tôi không có nổi hai cái tất lành cùng một đôi. Giày nham nhở. Quần áo thủng lỗ chỗ. Chúng tôi chỉ có độc một bộ quần áo. Tôi vẫn nhớ tôi với các em vào nhà tắm để giặt bộ quần áo duy nhất. Lúc ấy bọn tôi trần nồng nỗng bởi chẳng có cái gì khác để mặc.”

Jack Langan sau đó triền miên khướt khơ rượu chè và rồi mất tích. Ông ta vẫn thường khóa chặt tủ chạn để mấy đứa bé không thể lấy trộm thức ăn. Ông ta dùng roi da để trấn áp và sai khiến lũ trẻ. Ông ta kiếm được việc rồi lại thất nghiệp, rồi chuyển cả nhà đến thị trấn khác. Có mùa hè cả nhà ở trong một căn lều rách tại vùng dành riêng cho người Da đỏ, gắng gượng qua ngày bằng bơ lạc với bột ngô chính phủ trợ cấp. Có thời gian, họ sống ở thị trấn Virginia, bang Nevada. “Chỉ có mỗi một tay cảnh sát trong cả thị trấn, và khi bọn đầu trộm đuôi cướp tràn đến, ông ta trốn biệt ở phía sau văn phòng,” Mark Langan nhớ lại. “Tôi vẫn nhớ có một quán bar ở đó tên là Bucket of Blood Saloon.”

Khi bọn trẻ đang tuổi đi học, cả nhà lại chuyển tới Bozeman, bang Montana. Một cậu em của Chris ở lại gia đình đỡ đầu còn những đứa trẻ khác đến trường giáo dưỡng.

“Tôi không nghĩ là trường học đã có lúc nào đó biết được Christopher có tài năng thiên bẩm,” cậu em Jeff nói. “Chắc như đinh đóng cột là anh ấy không thể hiện ra chút gì. Đấy là ở Bozeman. Nó chẳng giống bây giờ chút nào hết. Khi chúng tôi lớn lên ở đó, nó vẫn chỉ là một thị trấn bé xíu và quê mùa. Ở đó chúng tôi không được đối xử tử tế mấy. Họ coi cả nhà tôi chỉ là một lũ ăn bám.” Để bảo vệ bản thân mình và các em, Chris bắt đầu tập nâng tạ. Một hôm, lúc ấy Chris 14 tuổi, Jack Langan lại gây gổ và đánh đập bọn nhỏ. Ông ta vẫn thường như thế. Chris hạ gục ông ta ngay lập tức. Jack bỏ đi và không bao giờ trở lại nữa. Sau khi tốt nghiệp trung học, Chris nhận được hai học bổng toàn phần, của Đại học Reed ở Oregon và của Đại học Chicago. Anh đã chọn Reed.

“Đó là một sai lầm lớn,” Chris nhớ lại. “Tôi rơi vào tình trạng sốc văn hóa thực sự. Tôi chỉ là một thằng bé đầu húi cua vốn làm việc chăn nuôi gia súc trong mùa hè ở Montana, thế mà tôi lại ở đó, giữa cả một đám trẻ thành phố tóc dài và hầu hết chúng đến từ New York. Lũ trẻ này có phong cách khác hẳn với lối tôi vốn quen. Tôi không thể xen vào lời nào trong giờ học. Chúng nó rất tọc mạch. Lúc nào cũng hỏi han lia lịa. Tôi bị nhồi vào một phòng ngủ tập thể. Có bốn đứa tất cả, ba đứa kia lối sống hoàn toàn khác với tôi. Chúng nó hút canabis (một loại thuốc phiện-ND). Chúng nó còn dẫn cả bạn gái về phòng. Tôi chưa từng hút canabis bao giờ cả. Nên về cơ bản, tôi bắt đầu trốn biệt trong thư viện.”

Anh kể tiếp: “Thế rồi tôi để lỡ mất học bổng… Đáng ra mẹ tôi phải điền vào bản khai tình trạng tài chính để xin gia hạn học bổng nhưng bà lại lơ là việc ấy. Mẹ tôi rất lúng túng với các yêu cầu kiểu như vậy. Đến khi phát hiện ra học bổng không được gia hạn, tôi đến văn phòng trường để hỏi lý do. Họ nói với tôi là, à, chẳng có ai gửi cho họ bản khai tình trạng tài chính hết nên họ đã cấp phát xong tiền học bổng rồi, hết sạch rồi, tôi không còn học bổng ở đây nữa. Cái kiểu ở đó là vậy. Đơn giản là họ không thèm để ý. Họ không thèm đếm xỉa gì đến sinh viên của họ cả. Không có khuyên răn, không có tư vấn, chẳng gì hết.”

Chris rời khỏi Reed trước đợt thi cuối kỳ, mang theo mình một bảng toàn điểm chữ F (điểm kém). Trong học kỳ đầu tiên, cậu đạt toàn điểm A. Cậu trở lại Bozeman và làm việc trong ngành xây dựng, rồi làm việc như một lính cứu hỏa bảo vệ rừng trong suốt một năm rưỡi. Tiếp đó cậu vào học ở trường của bang Montana.

“Tôi theo học lớp toán và triết học,” anh nhắc chuyện cũ. “Và rồi trong kì học mùa đông, khi tôi lái xe cách thị trấn tới mười ba dặm, trên đường Beach Hill, hộp truyền động của xe bị long ra. Lúc tôi đi vắng hồi mùa hè, mấy đứa em đã sử dụng xe. Chúng nó làm việc ở công ty đường sắt và đã lái xe trên đường ray. Tôi không có tiền để sửa xe. Tôi tìm đến giáo viên hướng dẫn và cả chủ nhiệm khoa nữa để trình bày về việc rắc rối mình đang vướng phải. Em có tiết học vào bảy rưỡi sáng và tám rưỡi sáng, nhưng hộp truyền động của chiếc xe bị long ra. Vì thế, nếu thầy có thể làm ơn chuyển em xuống buổi học chiều của các lớp ấy, em sẽ rất cảm kích. Có một người hàng xóm là chủ trại gia súc sẽ ghé qua đón em vào mười một giờ hàng ngày. Thầy giáo hướng dẫn của tôi là người đàn ông ngoại hình cao bồi với bộ râu gọng, vận chiếc áo vét vải tuýt trong ảnh này đây. Ông ta nói, ‘Này con trai, sau khi xem bảng điểm của cậu ở Trường Reed, tôi cho rằng giờ hẳn cậu đã ngộ ra việc mọi người buộc phải chấp nhận hi sinh để có được ít nhiều kiến thức. Đề nghị của cậu không thể chấp nhận được.’ Tôi đến gặp chủ nhiệm khoa. Kết quả vẫn vậy.”

Giọng anh đanh lại. Anh đang kể lại những chuyện đã xảy ra hơn ba mươi năm trước, nhưng ký ức vẫn khiến anh giận dữ. “Lúc ấy tôi nhận ra rằng, tôi ở đây, giữa mùa đông Montana, quăng mình bươn chải kiếm tiền hòng tìm mọi cách quay lại trường. Tôi tình nguyện đi nhờ xe vào thị trấn hàng ngày, làm bất cứ thứ gì có thể, chỉ để đến được trường. Vậy mà họ chẳng bằng lòng làm điều gì vì tôi hết. Thật điên tiết. Đến lúc ấy tôi quyết định rằng tôi có thể xoay xỏa mà không cần đến hệ thống giáo dục bậc cao. Thậm chí nếu tôi không thể làm gì được, thì cả cái hệ thống đó đã tàn tệ quá sức với tôi đến mức tôi sẽ không gắng gượng thêm chút nào nữa. Thế là tôi bỏ học, đơn giản vậy thôi.”

Những trải nghiệm của Langan ở Đại học Reed và Montana đóng vai trò bước ngoặt trong cuộc đời anh. Khi còn là một đứa trẻ, anh đã luôn ước mơ trở thành một viện sĩ. Đáng lẽ ra anh đã có được học vị Tiến sĩ; các trường đại học chính là những cơ sở giáo dục chủ yếu được xây dựng nên để dành cho những người có niềm hứng thú và lòng ham hiểu biết sâu sắc với tri thức như anh vậy. “Khi anh ấy vào được đại học, tôi đã nghĩ rồi anh ấy sẽ thành công, tôi thực lòng nghĩ thế,” cậu em Mark nói. “Tôi nghĩ bằng cách nào đấy anh ấy sẽ tìm ra được một ngách hẹp. Vì thế, lúc anh ấy rời khỏi trường, tôi hoàn toàn không hiểu nổi.”

Không một mảnh bằng trong tay, Langan không biết nên làm gì. Anh làm việc ở công trường xây dựng. Một mùa đông giá lạnh anh làm việc trên con thuyền mò trai sò ở Long Island. Anh nhận việc vặt trong nhà máy rồi làm nhân viên quèn trong ngành dân chính, cuối cùng còn trở thành một tay bảo kê một quán bar ở Long Island. Đó là công việc chủ yếu trong hầu hết những năm tháng trưởng thành của anh. Dù vậy, anh vẫn tiếp tục đọc sâu về triết học, toán học và anh miệt mài viết một chuyên luận mà anh gọi là CTMU − Cognitive Theoretic Model of the Universe (tạm dịch: Mô hình lý thuyết liên quan đến nhận thức về vũ trụ). Nhưng do không có bằng cấp chứng chỉ đại học, anh không có chút hi vọng gì công bố công trình của mình trên một tạp chí chuyên ngành.

“Tôi chỉ là một gã tay mơ mới trải qua một năm rưỡi ở trường đại học,” anh nói, với một cái nhún vai. “Và lúc nào đó khi chuyên luận này lọt vào tầm chú ý của tổng biên tập, khi ông ta lấy bài viết và gửi cho những người thẩm định, họ sẽ cố gắng tìm kiếm và tra cứu về tôi nhưng chắc chắn sẽ chẳng tìm thấy tôi đâu. Rồi họ sẽ nói rằng, tay này chỉ có năm rưỡi học đại học. Làm sao anh ta biết anh ta đang viết về cái gì chứ?”

Đó là một câu chuyện đau lòng. Tôi hỏi Langan, giả định Đại học Harvard đưa ra đề nghị một công việc với anh, liệu rằng anh có nhận. “À, một câu hỏi khó đấy,” anh trả lời. “Đương nhiên, là một giảng viên ở Harvard thì tôi sẽ có giá trị. Những ý kiến của tôi sẽ có trọng lượng, tôi có thể sử dụng vị thế và tư cách của mình ở Harvard để truyền bá ý tưởng. Một cơ sở đào tạo như thế chính là một nguồn năng lượng tri thức dồi dào, và nếu tôi ở một nơi như vậy, tôi có thể hấp thụ mọi rung động tinh tế nhất của bầu không khí học thuật đó.” Tôi bỗng nhiên cảm nhận rõ rệt rằng Chris cô độc biết bao. Anh ở đây, một con người với khát khao học hành vô tận, thế mà trong hầu hết phần đời trưởng thành lại bị ép buộc sống trong cảnh cô lập về tri thức. “Trong một năm rưỡi học đại học, tôi thậm chí còn cảm nhận được thứ năng lượng tri thức ấy,” anh nói, gần như là tiếc nuối buồn bã. “Những ý tưởng có sẵn trong bầu không khí. Đó là một nơi chốn đầy kích thích.”

“Nhưng mặt khác,” anh tiếp tục, “Harvard về cơ bản là một thứ tập đoàn được tô son trát phấn, vận hành với động cơ lợi nhuận. Đó là thứ thúc đẩy nó. Trường được cấp vốn hàng tỷ đô la. Những người điều hành ngôi trường không nhất thiết phải kiếm tìm chân lý và tri thức. Họ chỉ muốn trở thành những nhân vật đình đám, và khi bạn đón nhận một chi phiếu lương từ tay những người này, mọi sự sẽ là giằng co giữa điều bạn muốn làm, điều bạn cảm thấy đúng nhưng mâu thuẫn với những cái họ bảo bạn có thể làm để rồi nhận được một chi phiếu lương khác. Khi bạn ở đó, họ sẽ được quyền khống chế bạn. Họ gắng sức đảm bảo rằng bạn không bước ra khỏi vòng.”

2.

Câu chuyện của Chris Langan nói lên điều gì với chúng ta? Những lời giải thích đau lòng của anh, giống như chính câu chuyện, cũng có đôi phần lạ lùng. Mẹ anh quên điền vào đơn xin trợ cấp tài chính − và như thế − không có học bổng. Anh gắng sức chuyển giờ học buổi sáng sang buổi chiều, một việc mà mọi sinh viên vẫn làm hàng ngày, nhưng bị từ chối. Và tại sao các giáo viên của Langan ở Reed và Montana lại cư xử khắt khe như thế với cảnh ngộ khốn khổ của anh? Giáo viên thông thường rất hứng thú với những bộ não thông minh xuất sắc như anh. Langan nói về việc phải đối mặt với trường Reed và Montana như thể các trường đó là kiểu bộ máy quan liêu chính phủ cồng kềnh và cứng nhắc. Nhưng các trường cao đẳng, đặc biệt là trường cao đẳng nghệ thuật độc lập như Reed, thì thường không có khuynh hướng trở thành những bộ máy quan liêu cứng nhắc. Thậm chí các giáo viên ở đó còn thường gây dựng các khoản trợ cấp dưới danh nghĩa giúp đỡ ai đó ở lại trường học.

Ngay trong cách luận bàn về Harvard, dường như Langan cũng không hề có khái niệm gì về văn hóa và những nét riêng biệt của cơ sở giáo dục mà anh đang nói đến. Khi bạn đón nhận một chi phiếu lương từ tay những người này, mọi sự sẽ là giằng co giữa điều bạn muốn làm, điều bạn cảm thấy đúng nhưng mâu thuẫn với những cái họ bảo bạn có thể làm để rồi nhận được một chi phiếu lương khác. Gì thế này? Một trong những lý do chính mà các giảng viên đại học chấp nhận mức lương thấp hơn mức họ có thể nhận được từ các trường tư là bởi môi trường đại học đem lại cho họ sự tự do để làm bất cứ điều gì họ muốn và họ cảm thấy đúng đắn. Langan đã hiểu lầm về Harvard.

Khi Langan kể tôi nghe câu chuyện cuộc đời anh, tôi không thể tránh khỏi việc nghĩ về cuộc đời của Robert Oppenheimer , nhà vật lý trứ danh đi đầu trong nỗ lực của nước Mỹ nhằm phát triển bom hạt nhân thời kì Thế chiến thứ hai. Theo những thông tin thu thập được, Oppenheimer vốn là một đứa trẻ có trí não rất giống với Chris Langan. Cha mẹ ông coi cậu con trai là thiên tài. Một giáo viên của ông nhớ lại : “Cậu bé đón nhận tất cả mọi ý tưởng mới theo cách đẹp đẽ và hoàn hảo.” Robert đã làm các thí nghiệm khoa học từ hồi lớp ba, học vật lý và hóa học hồi lớp năm. Lúc lên chín, có lần cậu đã yêu cầu mấy người anh em họ: “Hỏi em một câu bằng tiếng Latinh đi rồi em sẽ trả lời bằng tiếng Hy Lạp.”

Oppenheimer vào học ở Harvard và tiếp đến là Đại học Cambridge để theo đuổi học vị tiến sĩ ngành vật lý. Ở đó, Oppenheimer − vốn đã phải tranh đấu với nỗi tuyệt vọng ám ảnh suốt cả cuộc đời, đã ngày càng nản chí. Tài năng của ông vốn dành cho vật lý lý thuyết, và người hướng dẫn của ông − giáo sư Patrick Blackett (người sau này giành được giải Nobel vào năm 1948), đã ép Robert phải làm những công việc vật lý thực nghiệm vụn vặt, thứ Robert rất căm ghét. Robert ngày càng trở nên bất ổn định về cảm xúc, và sau đó, trong một động thái kỳ quặc đến mức tới tận ngày nay cũng chưa có ai hiểu thấu đáo, Oppenheimer đã lấy một ít hóa chất ở phòng thí nghiệm rồi tìm cách đầu độc thầy giáo hướng dẫn.

Rất may mắn là Blankett phát hiện ra điều gì đó bất thường nên đã thông báo cho trường. Oppenheimer bị gọi lên quở trách. Và điều xảy ra sau đó cũng hoang đường chẳng kém gì so với bản thân âm mưu tội ác. Dưới đây là những tình tiết liên quan được miêu tả trong cuốn sách American Prometheus (tạm dịch: Promethe của nước Mỹ) − cuốn tiểu sử Oppenheimer của hai tác giả Kai Bird và Martin Sherwin: Sau những cuộc đàm phán kéo dài, người ta đồng tình rằng Robert sẽ phải chịu quản chế và có những cuộc tiếp xúc thường xuyên theo một liệu trình điều trị tâm lý với một chuyên gia tâm thần học trứ danh Phố Harley ở London.

Bị quản chế?

Ở đây chúng ta có hai sinh viên trẻ tuổi cực kỳ thông minh, mỗi người đều vướng vào một rắc rối nào đó khiến cho sự nghiệp học hành của họ gián đoạn. Mẹ của Langan thì quên nộp đơn xin hỗ trợ tài chính cho anh. Còn Oppenheimer thì tìm cách đầu độc thầy giáo hướng dẫn. Để có thể học tiếp, họ bị yêu cầu phải giải thích trước những người có thẩm quyền. Nhưng điều gì xảy ra? Langan bị tước mất học bổng, còn Oppenheimer bị gửi đến bác sĩ tâm lý. Oppenheimer và Langan có thể đều là thiên tài, nhưng xét về những khía cạnh còn lại, họ khác xa nhau.

Câu chuyện Oppenheimer được bổ nhiệm làm giám đốc khoa học của Dự án Manhattan hai mươi năm sau đó có lẽ là một thí dụ tốt đẹp nhất cho những khác biệt này. Vị tướng phụ trách Dự án Manhattan là Leslie Groves đã lùng sục khắp nước Mỹ, cố gắng tìm cho ra một người phù hợp để chỉ đạo nỗ lực chế tạo bom nguyên tử. Thẳng thắn mà nói, Oppenheimer chẳng có mấy cơ may. Khi ấy ông mới ba mươi tám tuổi, chỉ là đàn em so với rất nhiều người mà ông sẽ phải lãnh đạo. Robert chỉ là một nhà lý thuyết, mà đây lại là công việc đòi hỏi những nhà thực nghiệm và kỹ sư. Lai lịch chính trị đầy vết đen: từng thân thiết với đủ loại bạn bè. Nhưng điều đáng kể nhất là ông chưa từng có chút kinh nghiệm điều hành dự án nào cả. “Anh ta là một gã thiếu thực tiễn lắm,” một trong số những người bạn của Oppenheimer về sau đã nói vậy. “Anh ta cứ đi loăng quăng với đôi giày mòn quẹt và cái mũ nực cười, và, quan trọng hơn, anh ta chẳng biết gì về máy móc thiết bị cả.” Như lời một nhà khoa học ở Berkeley tóm lại rất súc tích ngắn gọn là: “Anh ta còn chẳng điều hành nổi một quầy bán dạo hamburger.”

Ồ, mà trong lúc đang học tiến sĩ, ông còn cố gắng khử giáo viên hướng dẫn của mình. Đây chính là bản lý lịch của người đàn ông đang cố nắm bắt một công việc − có thể nói không chút khoa trương là − một trong những công việc quan trọng bậc nhất của thế kỉ XX. Và điều gì đã xảy ra? Một thứ tương tự với điều từng xảy ra ở trường Cambridge hai mươi năm về trước: Robert Oppenheimer bắt phần còn lại của thế giới phải nhìn nhận mọi thứ theo cách của riêng ông.

Lại dẫn lời của Bird và Sherwin: “Oppenheimer hiểu rằng Groves canh giữ cánh cửa dẫn vào Dự án Manhattan, và bởi thế anh vận dụng mọi tài phép và trí thông minh của mình. Đó là một màn trình diễn không thể chối từ.” Groves choáng váng. Sau này Groves tâm sự với một kí giả. “’Anh ta là một thiên tài. Một thiên tài thực sự.’“ Groves là một kỹ sư qua đào tạo bài bản với một tấm bằng cao học tại MIT và Oppenheimer đã suy nghĩ cực kỳ khôn ngoan khi quyết định phải lôi cuốn phần con người đó của Groves. Bird và Sherwin tiếp tục: “Oppenheimer chính là nhà khoa học đầu tiên mà Groves gặp mặt trong số những ứng viên tiềm năng sẽ nắm trong tay việc nghiên cứu chế tạo quả bom hạt nhân, một công việc đòi hỏi tìm kiếm những giải pháp thực tiễn cho một loạt những vấn đề phức tạp chồng chéo… Groves nhận ra mình đã gật đầu đồng ý khi Oppenheimer say sưa quan sát phòng thí nghiệm trung tâm được dành cho mục đích này, nơi mà sau đó ông đã nhận xét là, ‘chúng ta có thể bắt đầu nỗ lực nghiên cứu các vấn đề hóa chất, luyện kim, cơ khí và quân nhu − những thứ cho tới lúc đó vẫn không được coi trọng mấy”.

Liệu Oppenheimer có đánh mất học bổng của mình ở Reed không? Liệu ông có rơi vào cảnh lực bất tòng tâm khi muốn thuyết phục giáo viên cho chuyển xuống lớp học buổi chiều không? Đương nhiên là không và đó không phải bởi Robert Oppenheimer thông minh hơn Chris Langan. Chỉ bởi Robert nắm trong tay một thứ hiểu biết cho phép có được điều ông muốn từ cuộc sống.

“Họ bắt tất cả mọi người phải học nhập môn tích phân,” Langan nói về quãng thời gian ngắn ngủi ở Montana State. “Và tôi tình cờ gặp phải một ông thầy dạy rất khô khan, vụn vặt. Tôi chẳng hiểu tại sao ông ấy lại dạy như vậy. Thế nên tôi đặt câu hỏi ngược cho ông ấy. Thực ra tôi đã phải chạy theo tới tận văn phòng của ông ấy. Tôi hỏi, ‘Tại sao thầy lại dạy như thế? Tại sao thầy lại nghĩ là phương pháp này phù hợp với môn tích phân cơ chứ?’ Và người giáo viên này, một người cao lêu đêu, lòng bàn tay luôn rịn mồ hôi, quay lại nhìn tôi và nói, ‘Cậu biết đấy, cậu chắc chắn phải thẳng thắn đối mặt rằng: Một số người không có được thứ đòn bẩy để trở thành các nhà toán học.’“

Họ ở đó, một giáo viên và một thiên tài, và điều thiên tài mong mỏi rõ ràng là được gắn bó, sau biết bao sóng gió trở ngại, với một đầu óc yêu chuộng toán học nhiều như mình vậy. Nhưng Langan đã thất bại. Thực tế − và đây cũng là khía cạnh đau lòng nhất − Chris đã cố gắng để có một cuộc đối thoại trọn vẹn với giáo viên môn tích phân nhưng lại không hề đả động đến một yếu tố nào có nhiều khả năng thu hút nhất với một giáo viên tích phân. Người giáo viên ấy không bao giờ nhận ra được rằng Chris Langan giỏi môn tích phân.

3.

Thứ kỹ năng chuyên biệt cho phép bạn có thể biện hộ cho mình thoát khỏi tội sát nhân, hoặc thuyết phục giáo viên chuyển bạn từ lớp học buổi sáng xuống buổi chiều chính là thứ mà nhà tâm lý học Robert Sternberg gọi là “trí thông minh thực tiễn” (practical intelligence). Đối với Sternberg, trí thông minh thực tiễn bao gồm các thứ như “biết nói điều gì với ai, biết khi nào thì nói, và nói ra sao để đạt được hiệu quả tối đa.” Nó mang tính quy trình: tự biết làm một điều gì đó như thế nào mà không cần thiết phải hiểu xem tại sao bạn lại biết hoặc đủ khả năng giải thích điều đó. Đó không phải là sự hiểu biết vì mục đích kiến thức mà là nắm được bản chất sự việc. Sự hiểu biết khiến bạn có thể nắm bắt được chính xác yêu cầu tình huống và cách thức đạt được thứ mình muốn. Tóm lại đó là thứ trí thông minh tách rời khỏi năng lực phân tích được đo lường bằng chỉ số IQ. Nói theo thuật ngữ kỹ thuật thì, trí thông minh nói chung và trí thông minh thực tiễn “trực giao” với nhau: sự tồn tại của cái này không bao gồm cái còn lại. Bạn có thể sở hữu trí thông minh phân tích dồi dào nhưng lại có rất ít trí thông minh thực tiễn, hoặc rất nhiều trí thông minh thực tiễn nhưng lại chẳng có mấy trí thông minh phân tích − hoặc, trong những trường hợp may mắn như ai đó kiểu Robert Oppenheimer − bạn thừa thãi cả hai loại trí thông minh.

Vậy những thứ kiểu như trí thông minh thực tiễn có nguồn gốc từ đâu? Chúng ta biết trí thông minh phân tích có từ nơi nào. Chí ít thì phần nào nó cũng bắt nguồn từ mã di truyền (gene). Chris Langan bắt đầu biết nói từ khi mới sáu tháng tuổi. Langan tự dạy mình đọc khi lên ba. Anh là người thông minh bẩm sinh. Ở mức độ nào đó, IQ chính là thứ thước đo năng lực thiên phú. Nhưng thái độ khôn ngoan trong ứng xử với xã hội lại là một loại kiến thức. Đó là một bộ kỹ năng buộc người ta phải học. Nó phải bắt nguồn từ đâu đó, và gia đình dường như là nơi chúng ta học được những thái độ và kỹ năng như thế.

Có lẽ cách giải thích tốt nhất mà chúng ta có được về quá trình này đến từ nhà xã hội học Annette Lareau, giáo sư xã hội học trường Temple, bang Pennsylvania, người vài năm trước đã có nghiên cứu thú vị về một nhóm học sinh lớp 3. Cô lựa ra nhóm trẻ em da trắng, da đen, nhóm từ các gia đình giàu có và cả nghèo khó, tập trung nghiên cứu vào khoảng hai mươi gia đình. Lareau và cộng sự đã đến thăm mỗi gia đình ít nhất hai mươi lượt, mỗi lần kéo dài hàng tiếng đồng hồ trong suốt một thời gian tiến hành nghiên cứu. Lareau và các trợ tá của mình yêu cầu các đối tượng nghiên cứu không phải quan tâm đến họ, chỉ cần coi họ như “chó nuôi của gia đình”. Cả nhóm theo chân các thành viên gia đình đến nhà thờ, đến các trận bóng đá và các cuộc hẹn với bác sĩ, một tay thủ sẵn máy ghi âm và tay kia cầm sổ ghi chép.

Có thể bạn sẽ mong chờ rằng đã bỏ ra cả một khoảng thời gian dài như thế vào hai mươi gia đình, thứ bạn thu lượm lại được sẽ phải là hai mươi ý kiến khác nhau về cách nuôi dạy con cái: sẽ có những bậc cha mẹ nghiêm khắc và những người dễ dãi, những bậc phụ huynh can thiệp thái quá và những người dịu dàng mềm mỏng, vân vân và vân vân. Vậy mà, điều Lareau phát hiện ra lại rất khác biệt. Chỉ có đúng hai “triết lý” làm cha mẹ, và chúng phân tách gần như hoàn toàn theo đúng giai tầng xã hội. Các bậc cha mẹ giàu có nuôi dạy con một kiểu, và những người nghèo túng dạy con theo một cách khác.

Những vị phụ huynh giàu có can thiệp mạnh mẽ vào thời gian rảnh rỗi của con trẻ, họ đưa con mình qua lại như thoi từ hoạt động này sang hoạt động khác, căn vặn con về giáo viên, các huấn luyện viên và bạn bè đồng đội. Một trong những đứa trẻ nhà giàu mà Lareau theo dõi chơi trong một đội bóng chày, hai đội bóng đá, một đội bơi và cả một đội bóng rổ vào mùa hè, cộng thêm cả chơi trong một dàn nhạc và dự lớp dương cầm.

Kiểu sắp xếp lịch trình chặt chẽ như thế hầu như vắng bóng hoàn toàn trong đời sống những đứa trẻ nhà nghèo. Vui chơi với các em này không phải là tập bóng đá hai lần một tuần. Đó chỉ là bày trò chơi bên ngoài với các anh chị em cùng đám trẻ con láng giềng. Những thứ bọn trẻ làm bị cha mẹ chúng coi là điều gì đó vớ vẩn và chẳng có mấy giá trị. Một em gái xuất thân từ gia đình lao động − Katie Brindle có hát trong dàn đồng ca sau giờ học ở trường. Nhưng em tự mình đến đăng ký và cũng tự đi đến chỗ luyện tập đồng ca. Lareau viết:

Điều mà bà Brindle không làm − một chuyện vốn thường tình với các bà mẹ ở tầng lớp trung lưu, − là coi sở thích hát hò của con gái như một dấu hiệu để tìm kiếm những cách thức khác giúp em phát triển thú vui ấy trở thành tài năng thực sự. Tương tự như thế, bà Brindle cũng không bàn luận về sở thích diễn kịch của Katie hay bày tỏ nuối tiếc rằng bà không có đủ điều kiện để chăm bẵm cho tài năng của cô con gái. Thay vào đó, bà chắp nối những kỹ năng và sở thích của Katie như thể những nét đặc trưng của một nhân vật − hát hò và diễn kịch là một phần khiến Katie “đúng là Katie.” Bà chỉ thấy những vở diễn mà con gái sắm vai là “dễ thương” và như một cách để Katie “thu hút sự chú ý.”

Các bậc cha mẹ trung lưu trò chuyện đến nơi đến chốn với con cái, lập luận và phân tích với chúng. Họ không đơn thuần ra mệnh lệnh. Họ mong đợi con cái trò chuyện với họ, để đàm phán, để đặt câu hỏi với những người lớn ở vai trò của người có thẩm quyền. Nếu bọn trẻ đạt kết quả kém cỏi ở trường, các bậc cha mẹ giàu có sẽ chất vấn giáo viên. Họ thay mặt con cái can thiệp vào mọi chuyện. Một đứa trẻ mà Lareau theo dõi vừa bị loại khỏi một chương trình thi học sinh giỏi thì mẹ của em này đã dàn xếp để em được thi lại riêng, kiến nghị với nhà trường và làm cho con gái mình trúng tuyển. Còn các bậc cha mẹ nghèo thì ngược lại. Bị quyền hành dọa dẫm và sợ hãi nhà trường, họ phản ứng thụ động và chỉ rụt rè đứng nấp phía sau. Lareau viết về một bậc phụ huynh có thu nhập thấp:

Lấy thí dụ, trong một cuộc họp của phụ huynh và giáo viên, bà McAllister (một người đã tốt nghiệp cấp ba) tỏ vẻ thờ ơ. Bản tính ham thích giao du và thân mật suồng sã mà bà thể hiện ở nhà được giấu kín trong khung cảnh này. Bà ngồi thu người trên ghế và kéo khóa áo khoác lên kín cổ, ngồi rất lặng lẽ. Khi giáo viên thông báo Harold − cậu con trai bà − không nộp bài tập, bà McAllister lặng đi vì kinh ngạc, nhưng tất cả những gì bà nói chỉ là “Thằng bé làm bài ở nhà rồi mà.” Bà không hề theo sát giáo viên hay thử thay mặt Harold xem lại điều giáo viên nói. Trong suy nghĩ của bà, quản lý việc học hành của con trai hoàn toàn tùy thuộc vào các giáo viên. Đó là việc của họ, không phải của bà.

Lareau gọi phong cách nuôi nấng con cái của tầng lớp trung lưu là “nuôi dạy có tính toán” (converted cultivation). Đó là nỗ lực chủ động “bồi dưỡng và ước định tài năng, quan điểm và kỹ năng của một đứa trẻ”. Các bậc cha mẹ túng bấn thì ngược lại − có xu hướng thuận theo một chiến lược “thực hiện trưởng thành tự nhiên.” Họ nghĩ mình có trách nhiệm quan tâm đến con cái nhưng để chúng tự trưởng thành và phát triển.

Lareau nhấn mạnh rằng phong cách này không hề ưu việt hơn về đạo đức so với phong cách khác. Trong suy nghĩ của bà, những đứa trẻ nghèo thường cư xử tốt hơn, ít nhõng nhẽo, sáng tạo hơn trong việc sử dụng thời gian rất hiệu quả, và sở hữu một ý thức độc lập được phát triển lành mạnh. Nhưng xét về khía cạnh thực tế, việc nuôi dạy có tính toán lại có những ưu thế rất lớn. Một đứa trẻ trung lưu với lịch trình được sắp xếp chặt chẽ được đặt vào một loạt những trải nghiệm biến đổi liên tục. Đứa trẻ sẽ học được cách làm việc theo nhóm, học cách hòa nhập trong những hoàn cảnh được bố trí chặt chẽ. Nó được dạy cách giao tiếp mềm mỏng với người lớn, và cả cách lên tiếng khi cần. Trong ngôn ngữ của Lareau, trẻ em tầng lớp trung lưu học được thứ ý thức về “quyền được làm” (entitlement).

Dĩ nhiên, từ ấy cũng có ý nghĩa tiêu cực xét trong bối cảnh ngày nay. Nhưng Lareau muốn đề cập đến những ý nghĩa tốt đẹp nhất của thuật ngữ này: “Các em cư xử như thể chúng có quyền theo đuổi sở thích cá nhân và chủ động kiểm soát những mối tương tác trong các bối cảnh trường sở đó; chúng sẵn sàng chia sẻ thông tin và đòi hỏi sự chú ý… Một kỹ năng thông thường ở các trẻ em tầng lớp trung lưu là biến đổi các mối tương tác sao cho phù hợp với sở thích của chúng.” Chúng biết rõ quy luật. “Thậm chí ngay cả ở lớp 4, các em nhỏ trung lưu có vẻ đã hành động trên danh nghĩa của chính mình để giành ưu thế. Chúng đưa ra những yêu cầu đặc biệt để các giáo viên và bác sĩ điều chỉnh thủ tục sao cho phù hợp với những mong muốn của mình.”

Ngược lại, những trẻ em thuộc tầng lớp lao động hoặc nhà nghèo lại được mô tả đặc điểm là “một cảm giác xa cách, ngờ vực và bị kiềm thúc chặt.” Các em không biết phải làm thế nào để theo ý mình, hoặc làm thế nào để “tùy biến” (customize) − nói theo một thuật ngữ tuyệt hảo mà Lareau sáng tạo ra − để đạt được những mục đích của mình, bất kể các em đang ở trong môi trường nào.

Lareau miêu tả chuyến đi khám bác sĩ đặc biệt ấn tượng của Alex Williams, một cậu bé chín tuổi cùng với mẹ em, Christina. Gia đình Williams là một nhà giàu có.

Trên đường đến phòng khám bác sĩ, Christina nói với con: “Alex, con phải nghĩ xem con muốn hỏi bác sĩ vấn đề gì. Con có thể hỏi bác sĩ bất cứ thứ gì con muốn. Con có thể hỏi bất cứ điều gì.”

Alex suy nghĩ một phút, rồi nói, “Con có mấy chỗ nổi cục ở dưới cánh tay vì cái lăn khử mùi.” Christina: “Thật à? Ý con là tại cái lăn khử mùi mới hả?” Alex: “Vâng.” Christina: “Ừ, thế thì con nên hỏi bác sĩ.”

Lareau viết, mẹ của Alex “dạy cậu bé rằng cậu có quyền lên tiếng” − rằng cho dù cậu sắp có mặt trong một căn phòng với một người lớn tuổi hơn và là một nhân vật có quyền năng, thì vẫn hoàn toàn ổn thỏa nếu cậu bé muốn đòi hỏi quyền lợi cho mình.

Họ gặp bác sĩ, một người đàn ông trạc tứ tuần hiền hậu. Ông bảo Alex rằng cậu bé nằm trong nhóm 95% về chiều cao. Alex liền ngắt lời:

Alex: Cháu thuộc nhóm gì cơ?

Bác sĩ: Thế nghĩa là trong số một trăm cậu bé mười tuổi thì cháu cao hơn chín mươi lăm đứa.

Alex: Cháu không phải mười tuổi.

Bác sĩ: À ừ, họ minh họa cháu ở độ tuổi lên mười. Cháu chín tuổi và mười tháng. Họ thường lấy năm gần sát nhất để đưa vào đồ thị.

Hãy xem Alex ngắt lời bác sĩ dễ dàng ra sao − “Cháu không phải mười tuổi.” Đó chính là quyền được làm: mẹ cậu bé cho phép thái độ bất kính bình thường như thế bởi cô muốn con trai mình học cách đòi hỏi quyền lợi cho bản thân nó trước những người ở vị thế có thẩm quyền.

Bác sĩ quay về phía Alex: Nào, giờ sẽ đến câu hỏi quan trọng nhất. Cháu có điều gì muốn hỏi trước khi bác khám cho cháu không?

Alex: Ừm… chỉ một thôi ạ. Cháu bị nổi cục mấy chỗ dưới cánh tay, ngay chỗ này ạ (chỉ phần dưới cánh tay).

Bác sĩ: Phía dưới phải không?

Alex: Vâng ạ.

Bác sĩ: Được rồi. Bác sẽ thử xem chỗ đó trước khi khám kỹ hơn để kết luận. Bác sẽ xem vết đó thế nào và có thể làm gì. Có đau hay ngứa không cháu?

Alex: Không, chỉ thế thôi ạ.

Bác sĩ: Ừ, bác sẽ xem mấy vết đấy cho cháu.

Với những đứa trẻ ở tầng lớp dưới, kiểu tương tác này đơn giản là không xảy ra, Lareau nói. Chúng sẽ lặng im, ngồi ngoan ngoãn, mắt hướng ra chỗ khác. Alex kiểm soát được thời điểm ấy. “Bằng cách nhớ việc đưa ra câu hỏi đã chuẩn bị từ trước, cậu bé đã thu hút được sự chú ý của bác sĩ và xoáy vào một vấn đề mà nó lựa chọn,” Lareau viết.

Bằng cách đó, cậu bé đã chuyển dịch thành công cán cân quyền lực xa khỏi những người lớn và hướng về phía mình. Sự chuyển đổi ấy diễn ra êm ru. Alex đã quen với việc được đối xử với thái độ tôn trọng. Cậu được coi là đặc biệt và xứng đáng nhận được sự chú ý và niềm vui thích từ phía người lớn. Đây chính là những đặc điểm mấu chốt của chiến lược nuôi nấng có tính toán. Alex không hề khoe mẽ trong buổi khám. Cậu bé cư xử giống như đối với cha mẹ − cậu lập luận, đàm phán và cả trêu đùa với sự thoải mái tương tự.

Việc hiểu xem khả năng kiểm soát tình huống đặc biệt ấy có nguồn gốc từ đâu là rất quan trọng. Đó không phải là di truyền. Alex Williams không hề được di truyền những kỹ năng giao tiếp với các nhân vật uy quyền từ cha mẹ và ông bà giống như cách cậu thừa hưởng màu mắt. Cũng không phải vấn đề chủng tộc: đây không phải là phương pháp riêng biệt của người da đen hay da trắng. Thực tế, Alex Williams là người da đen còn Katie Brindle da trắng. Đây chính là lợi thế văn hóa. Alex có được những kỹ năng ấy bởi trong suốt quãng thời gian thơ ấu của cậu, cha mẹ cậu − với nề nếp của những gia đình có giáo dục − đã dạy bảo cậu bé cẩn thận, thúc đẩy, khích lệ và chỉ cho cậu thấy những quy tắc của trò chơi, đơn cử là cuộc tập dượt ngay trong xe hơi trên đường đến phòng khám bác sĩ.

Khi nói về ưu thế thuộc về tầng lớp xã hội, Lareau lập luận, chúng ta chủ yếu ám chỉ điều nói trên. Alex Williams trội hơn Katie Brindle bởi cậu bé giàu có hơn và bởi cậu được học ở trường tốt hơn, nhưng cũng vì một lý do − có lẽ còn đóng vai trò then chốt hơn − ý thức về quyền được làm mà cậu bé được dạy dỗ chính là thứ thái độ phù hợp hoàn hảo cho việc giành được thành công trong thế giới hiện đại.

4.

Đây chính là lợi thế mà Oppenheimer sở hữu còn Chris lại thiếu hụt. Oppenheimer được nuôi nấng ở một trong những khu vực ngoại ô giàu có nhất của Manhattan, là con trai của một họa sĩ thiết kế và nhà sản xuất đồ may mặc thành công. Tuổi thơ của Oppenheimer chính là hiện thân của phương pháp dạy có tính toán. Vào dịp cuối tuần, cả gia đình Oppenheimer sẽ dạo quanh vùng nông thôn trên một chiếc xe Packard có tài xế lái. Đến mùa hè, cậu bé Oppenheimer được đưa đến châu Âu thăm ông nội. Cậu học tại trường Văn hóa Luân lý ở Central Park West, có lẽ là một trong những cơ sở giáo dục tiên tiến nhất cả nước, mà theo lời những người chấp bút tiểu sử cho Oppenheimer thì đó là nơi các học sinh “thấm nhuần ý niệm rằng họ được chuẩn bị để cải cách cả xã hội.” Khi giáo viên môn toán của Robert nhận thấy cậu tỏ ra buồn chán, cô đã chuyển cậu học trò sang làm bài tập độc lập.

Khi còn là một đứa trẻ, Oppenheimer đã đam mê sưu tập các loại đá. Lên mười hai tuổi, cậu bắt đầu trao đổi thư từ với các nhà địa chất học địa phương về các hệ đá mà cậu nhìn thấy ở Central Park, và cậu gây ấn tượng mạnh tới mức họ mời cậu đến diễn thuyết tại Câu lạc bộ Khoáng vật học New York. Như lời Sherwin và Bird viết, cha mẹ Oppenheimer phản ứng với sở thích của cậu con trai bằng một cách thức gần như là ví dụ chuẩn mực cho sách giáo khoa về chiến lược nuôi dạy có tính toán:

Khiếp đảm với suy nghĩ phải nói chuyện trước thính giả người lớn, Robert van nài cha cậu giải thích giúp để Câu lạc bộ hiểu rằng họ đã mời một cậu bé mới mười hai tuổi. Vô cùng thích thú, Julius khích lệ con trai mình đón nhận vinh dự này. Vào buổi tối được hẹn, Robert xuất hiện tại câu lạc bộ với cha mẹ mình, những người tự hào giới thiệu con trai mình là J. Robert Oppenheimer. Thính giả gồm các nhà địa chất học và những người sưu tập đá nghiệp dư giật mình ngạc nhiên và ồ lên cười khi Robert bước lên khán đài: người ta phải tìm một chiếc thùng gỗ cho cậu đứng lên, nhờ thế mà thính giả có thể trông thấy nhiều hơn mớ tóc thô xoắn bù xù nhoi lên phía trên bục diễn thuyết. Ngượng ngùng và lúng túng, nhưng Robert cuối cùng vẫn đọc hết những ghi chép đã chuẩn bị và được tặng cho cả tràng pháo tay nồng nhiệt.

Liệu có phải là kỳ tích khi Oppenheimer đã xuất sắc vượt qua những thử thách trong cuộc đời mình? Nếu bạn có sẵn một người cha thành công trong thế giới kinh doanh, đến lượt bạn sẽ biết phải đàm phán thế nào để thoát ra khỏi một tình huống khó khăn. Nếu bạn được gửi đến học tại Trường Văn hóa Luân lý, vậy thì bạn sẽ không sợ hãi trước một dãy các vị tai to mặt lớn trường Cambridge dàn hàng chất vấn bạn. Nếu bạn học vật lý tại Đại học Harvard, vậy thì bạn sẽ biết phải làm thế nào để trò chuyện với một vị tướng đã từng học ngành cơ khí ngay tại trường MIT.

Chris Langan thì hoàn toàn trái ngược, chỉ biết tới sự ảm đạm ở Bozeman, một mái nhà độc đoán và gia trưởng dưới tay một người cha dượng giận dữ và say khướt. “(Jack) Langan độc đoán và hành hạ tất cả chúng tôi,” Mark nói. “Mỗi chúng tôi đều nuôi lòng oán giận sự độc đoán đó.” Đó chính là bài học mà Langan có được từ tuổi thơ: nghi ngờ quyền lực và tỏ ra độc lập. Langan chẳng bao giờ có được người cha người mẹ dạy anh trên đường tới phòng mạch bác sĩ xem phải tự lên tiếng ra sao hay lập luận thế nào, để đàm phán với những người có chức, có quyền. Langan không hề có cơ hội học về quyền được làm. Anh chỉ học được sự kiềm thúc. Đó có vẻ là một điều nhỏ nhặt, nhưng lại là một bất lợi méo mó cản trở việc xác định phương hướng giữa một thế giới rộng lớn bên ngoài Bozeman.

“Tôi cũng không thể tìm được bất cứ khoản trợ cấp tài chính nào,” Mark nói tiếp. “Chúng tôi không có chút kiến thức nào, thậm chí mù tịt về quy trình. Làm thế nào để nộp đơn, các biểu mẫu giấy tờ… Đó đâu phải môi trường của chúng tôi.”

“Nếu Christopher được sinh ra trong một gia đình giàu có, nếu anh là con trai của một bác sĩ uy tín và có vị trí chủ chốt, tôi đảm bảo với bạn rằng anh đã trở thành một trong số những nhân vật mà bạn vẫn đọc thấy − một người nhận tấm bằng Tiến sĩ ở tuổi mười bảy,” cậu em tên Jeff của Chris nói. “Chính môi trường mà bạn nhận thấy mình tồn tại trong đó quyết định điều ấy. Khó khăn với Chris là anh luôn cảm thấy quá buồn chán khi phải ngồi yên và lắng nghe giáo viên giảng dạy. Nếu ai đó nhận ra trí thông minh của anh và nếu anh xuất thân từ một gia đình coi trọng giáo dục, họ ắt sẽ giúp anh không thấy chán ngán.”

5.

Khi Nhóm Mối bước vào tuổi trưởng thành, Terman xem xét các ghi chép về 730 người và chia họ thành ba nhóm. Trong đó 150 người − chiếm 20% rơi vào một nhóm mà Terman gọi là Nhóm A. Họ đều là những người thành công thực sự − luật gia, nhà vật lý, kỹ sư và viện sĩ. 90% nhóm A tốt nghiệp đại học và họ giành được 98 tấm bằng bậc sau đại học. 60% ở giữa thuộc vào Nhóm B, những người đạt mức độ “hài lòng.” 150 người dưới cùng là Nhóm C, những người Terman đánh giá là phát huy được ít nhất năng lực trí tuệ siêu việt của mình. Họ chỉ là các công nhân bốc vác hoặc những nhân viên kế toán làng nhàng và cả những người nằm chèo queo trên ghế bành tại nhà mà chẳng có nghề ngỗng gì.

Một phần ba của Nhóm C đã bỏ dở đại học hay cao đẳng. Một phần tư chỉ có bằng trung học, và tất cả 150 người ở Nhóm C − những người từng có lúc được gán cho cái mác thiên tài − tổng cộng lại chỉ có tám tấm bằng bậc sau đại học.

Vậy điểm khác biệt giữa những người Nhóm A và Nhóm C là gì? Terman đã phân tích tất cả những cách lý giải có thể hiểu được. Ông xem xét sức khỏe thể chất và tinh thần, “các chỉ số nam tính/nữ tính” và cả những sở thích cũng như hứng thú nghề nghiệp của họ. Ông so sánh độ tuổi họ bắt đầu tập đi và tập nói cũng như mức IQ chính xác họ đạt được ở tiểu học và trung học. Cuối cùng, nổi lên một thứ đóng vai trò quan trọng: hoàn cảnh gia đình.

Đa số áp đảo của Nhóm A xuất thân từ tầng lớp trung và thượng lưu. Nhà của họ đầy chật sách vở. Một nửa số người cha của Nhóm A có trong tay tấm bằng đại học hoặc trên đại học và điều đó xảy ra vào thời điểm mà giáo dục đại học vẫn là hiếm hoi. Ở phía bên kia, Nhóm C lại xuất thân từ một hoàn cảnh khác hẳn. Gần một phần ba nhóm này có cha hoặc mẹ bỏ học trước lớp tám.

Đến một thời điểm, Terman cho các chuyên viên của mình đến thăm tất cả các em trong nhóm A và C, xếp loại tính cách và hành vi của chúng. Điều họ phát hiện ra cũng chính là tất cả những gì bạn có thể mong đợi nếu đem so sánh con trẻ được nuôi dưỡng trong bầu không khí nuôi dạy có tính toán với trẻ em nuôi dạy theo cách để cho phát triển tự nhiên. Các em nhóm A được đánh giá là hoạt bát, tự chủ, lôi cuốn và cả ăn mặc đẹp hơn. Sự thực là điểm số trên cả bốn chiều kích này cách biệt đến nỗi đủ khiến bạn nghĩ là bạn đang nhìn vào hai loại người khác hẳn nhau. Tất nhiên là không phải thế. Đơn giản là bạn đang nhìn thấy sự khác biệt giữa những em được gia đình giáo dục để thể hiện mặt tốt đẹp nhất trước cuộc đời và một bên là những em bị chối từ trải nghiệm ấy.

Những kết quả nghiên cứu của Terman thật đáng đau buồn. Đừng quên rằng các đối tượng nhóm C đã từng tài năng ghê gớm đến mức nào. Nếu bạn đã gặp các em ở tuổi lên năm hay sáu, bạn ắt bị áp đảo bởi sự hiếu kỳ, đầu óc lanh lợi và vẻ lấp lánh toát ra từ trí thông minh của chúng. Các em là những kẻ xuất chúng thực thụ. Sự thật hiển hiện trong nghiên cứu của Terman là, hầu như không có thần đồng nào xuất thân từ tầng lớp dưới lại đạt được thành công to lớn trong cuộc đời sau này.

Vậy thì các đối tượng nhóm C thiếu hụt điều gì? Chẳng phải thứ gì đắt đỏ hoặc vô phương tìm kiếm; không phải thứ gì đó được mã hóa trong DNA hoặc nối cứng vào các vi mạch của não bộ. Các em thiếu đi một thứ mà nếu biết chúng cần, ta hoàn toàn có thể mang tới cho chúng: một cộng đồng ở xung quanh giúp chúng chuẩn bị thật thích hợp với thế giới. Nhóm C đã bị lãng phí tài năng. Điều mà chúng không đáng phải chịu.

6.

Bây giờ, Chris Langan sống trong một nông trại nuôi ngựa ở vùng nông thôn Missouri. Anh chuyển về đây vài năm trước, sau khi kết hôn. Anh giờ đã ở vào độ tuổi ngũ tuần, nhưng trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thực. Anh có tầm vóc to khỏe, ngực vồng nở nang với bắp tay to bự, tóc chải ngược từ trán ra phía sau. Anh có một bộ ria gọn gàng màu xám và đeo kính kiểu phi công. Nếu nhìn vào mắt anh, bạn có thể thấy vẻ thông minh rừng rực trong đó.

“Một ngày điển hình của tôi là thế này: thức dậy và pha cà phê, rồi đi vào phòng, ngồi trước máy tính và bắt đầu với bất cứ thứ gì tôi đang làm dở hồi đêm trước,” anh kể tôi nghe không lâu trước đây. “Tôi nghiệm ra là nếu tôi đi ngủ với một câu hỏi treo sẵn trong đầu, thì tất cả những gì tôi phải làm là tập trung vào câu hỏi đó trước khi lên giường và chắc chắn là tôi luôn có được câu trả lời vào buổi sáng. Đôi khi tôi tìm ra câu trả lời bởi tôi đã mơ thấy và tôi có thể nhớ được nó. Những lần khác thì tôi chỉ cần cảm giác được câu trả lời, tôi bắt đầu gõ bàn phím và câu trả lời hiện lên trên mặt giấy.”

Anh đã bắt đầu đọc các tác phẩm của giáo sư ngôn ngữ học Noam Chomsky. Có hàng chồng sách chất ngất trong phòng làm việc của anh. Anh liên tục mượn sách ở thư viện. “Tôi luôn cảm thấy là càng tiếp cận gần hơn với những nguồn thông tin lớn, bạn sẽ càng có điều kiện tốt hơn,” anh nói.

Langan có vẻ mãn nguyện. Anh có trong tay lũ ngựa trong trang trại để chăm nom, những cuốn sách để đọc và cả người vợ mà anh yêu thương. Đó là một cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều so với việc làm một anh bảo kê.

“Tôi không nghĩ là ngoài kia có ai đó thông minh hơn tôi,” anh tiếp tục. “Tôi chưa từng gặp một ai như tôi hay chưa từng nhận ra một dấu hiệu nào cho thấy có ai đó thực sự sở hữu năng lực nhận thức cao siêu hơn. Chưa bao giờ gặp và tôi không nghĩ tôi sẽ gặp được. Tôi có thể − đầu óc tôi hoàn toàn cởi mở trước mọi khả năng. Nếu ai đó thách thức tôi − ‘Này, tôi nghĩ rằng tôi thông minh hơn anh đấy’ − tôi nghĩ là tôi có thể đánh bại người đó.”

Những gì anh nói có vẻ khoe mẽ, nhưng không hẳn vậy. Mà là điều ngược lại − một chút tâm thái phòng ngự. Suốt mấy chục năm nay anh đã thực hiện một dự án với mức độ tinh vi ghê gớm − nhưng hầu như chưa có phần nào trong công trình nghiên cứu của anh từng được công bố, các nhà vật lý, các nhà triết học và toán học − những người có khả năng kiểm định giá trị của những nghiên cứu đó − cũng chưa bao giờ đọc. Langan đây, một người sở hữu trí não có một không hai, nhưng đến giờ vẫn chưa hề có bất cứ ảnh hưởng nào lên thế giới. Anh chưa từng diễn thuyết ở một buổi hội thảo chuyên ngành, chưa từng chủ trì một buổi báo cáo tốt nghiệp tại một trường đại học danh tiếng nào. Anh vẫn sống trong một trang trại nuôi ngựa khá tồi tàn ở phía bắc Missouri, mặc quần jeans và áo ba lỗ ngồi trong chiếc ghế tựa. Hơn ai hết anh hiểu rõ: đây chính là tình cảnh trớ trêu ghê gớm của thiên tài Chris Langan.

“Tôi chưa từng đeo đuổi một nhà xuất bản danh tiếng nào, điều mà đáng ra tôi nên làm,” anh thừa nhận. “Vo ve xung quanh, đặt vấn đề với các nhà xuất bản, cố gắng tìm ra một đại diện giúp tôi xuất bản. Tôi chưa từng làm thế, và tôi cũng chẳng hứng thú gì với việc đó.”

Đó là một lời thú nhận về thất bại. Mọi trải nghiệm anh đã từng có bên ngoài trí óc của mình rút cục đều nhuốm vẻ buồn thảm. Anh hiểu mình cần phải hoà nhập với thế giới tốt hơn nữa, nhưng anh không biết phải làm thế nào. Anh thậm chí chẳng thiết lập nổi một cuộc trò chuyện với giáo viên dạy môn tích phân. Có những điều mà người khác − với trí tuệ kém hơn lại giải quyết dễ dàng. Nhưng đó là bởi họ nhận được sự giúp đỡ trong suốt quá trình, còn Langan thì chưa bao giờ. Đó không phải một cái cớ, mà là hiện thực. Anh phải tự xoay xỏa một mình. Và không ai − không một ngôi sao ca nhạc, không một vận động viên chuyên nghiệp, không một tỷ phú phần mềm, thậm chí không có thiên tài nào − đơn thương độc mã lại có thể thành công.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.