Những Kẻ Xuất Chúng

Phần kết. Câu chuyện Jamaica



“NẾU NHỮNG ĐỨA TRẺ DA MÀU ĐƯỢC SINH RA, CHÚNG SẼ ĐƯỢC GIẢI PHÓNG.”

1.

Ngày 9 tháng Chín năm 1931, một người phụ nữ trẻ tên Daisy Nation đã hạ sinh một cặp bé gái. Cô và chồng − Donald cùng là giáo viên của ngôi trường trong một khu làng nhỏ bé có tên Harewood ở giáo xứ Saint Catherine vùng trung Jamaica. Họ đặt tên cho hai bé gái sinh đôi là Faith và Joyce. Khi Donald được tin anh đã là cha của hai đứa trẻ sinh đôi, anh quỳ xuống và thành kính dâng lên Chúa lời cầu xin bảo hộ cuộc sống cho chúng.

Gia đình Nation sống trong một căn nhà nhỏ trên địa phận của nhà thờ Anh giáo vùng Harewood. Trường học ở ngay bên cạnh, đó là một ngôi nhà thô sơ chỉ có một phòng dựng trên những cây cột bê tông. Vài ngày trong năm có tới ba trăm đứa trẻ chen chúc trong căn phòng đó, nhưng thường thì chỉ chưa đầy hai chục đứa. Lũ trẻ đọc thật to hoặc tụng thuộc lòng bảng cửu chương viết trên bảng đá đen. Bất cứ lúc nào có thể, lớp học sẽ được chuyển ra ngoài trời, dưới những cây xoài. Nếu bọn trẻ lộn xộn mất trật tự, Donald Nation sẽ bước từ bên này qua bên kia căn phòng, tay vung vẩy chiếc roi da sang trái sang phải trong khi lũ trẻ nháo nhào xô về chỗ ngồi.

Donald là một người bệ vệ, ít nói và đáng tôn kính, một người yêu mến sách cuồng nhiệt. Trong thư viện nhỏ của ông là những tác phẩm thi ca, triết học và cả tiểu thuyết của những tác giả như Somerset Maugham . Ông đọc báo hàng ngày, bám sát dòng sự kiện diễn ra trên khắp thế giới. Vào buổi tối, người bạn thân thiết nhất của ông là Archedeacon Hay, một mục sư Anh giáo sống ở bên kia quả đồi thường đến chơi. Ngồi ở hiên nhà Donald, họ cùng nhau mổ xẻ những vấn đề của đất nước Jamaica. Vợ của Donald, bà Daisy, đến từ giáo xứ Saint Elizabeth. Họ thời con gái của bà là Ford, cha bà sở hữu một cửa tiệm tạp hóa nhỏ. Bà là một trong số ba người con gái của gia đình và nổi tiếng xinh đẹp.

Lên mười một tuổi, cặp song sinh giành được học bổng của một trường nội trú có tên Saint Hilda gần vùng duyên hải phía nam. Đó là một trường tư Anh giáo dành riêng cho tiểu thư thuộc các gia đình tăng lữ, điền chủ và đốc công người Anh. Từ trường Saint Hilda, hai cô bé nộp đơn ứng tuyển và được nhận vào học tại trường University College ở London. Không lâu sau đó, Joyce, cô chị của cặp sinh đôi, được mời tới dự bữa tiệc sinh nhật hai-mươi-mốt tuổi của Graham, một nhà toán học người Anh. Chủ nhân bữa tiệc đứng lên ngâm một bài thơ nhưng lại quên mất mấy câu, Joyce cảm thấy ngượng ngùng thay cho anh − mặc dù chẳng có lý do gì để cô phải cảm thấy xấu hổ, cô không hề quen biết anh. Rồi Joyce và Graham phải lòng nhau và họ làm đám cưới. Họ chuyển tới sống ở Canada. Graham là giảng viên Toán, còn Joyce trở thành một nhà văn và bác sĩ chuyên khoa gia đình thành công. Họ có ba cậu con trai và sống trong ngôi nhà xinh đẹp trên một ngọn đồi ở vùng thôn quê. Họ của Graham là Gladwell. Ông chính là cha tôi − còn Joyce Gladwell là mẹ tôi.

2.

Đó chính là câu chuyện về con đường dẫn tới thành công của mẹ tôi − nhưng nó không chân xác. Nó không dối trá theo nghĩa là một câu chuyện bịa đặt. Nhưng nó sai lầm, giống như việc kể câu chuyện về Bill Gates mà không nhắc đến chiếc máy tính ở Lakeside là sai lầm, hay giải thích về sự tinh thông toán học của người châu Á mà không quay trở về xem xét những ruộng lúa nước là một việc sai lầm. Câu chuyện ở trên cũng đã bỏ qua rất nhiều cơ hội và cả vai trò quan trọng của di sản văn hóa đối với mẹ tôi.

Ví như, vào năm 1935, khi mẹ tôi và người chị em song sinh của bà lên bốn tuổi, một nhà sử học có tên William M. MacMillan đã đến thăm Jamaica. Ông là giáo sư tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi. MacMillan là một người đi trước thời đại: ông quan tâm sâu sắc tới những vấn đề xã hội của cộng đồng da đen ở Nam Phi, ông tìm đến vùng Caribe để thực hiện đề tài tương tự mà ông đã làm ở quê nhà Nam Phi.

Vấn đề chủ đạo trong những mối bận tâm của MacMillan chính là hệ thống giáo dục của Jamaica. Giáo dục nhà trường chính quy − nếu bạn có thể gọi những gì xảy ra trong ngôi nhà gỗ thô sơ ngay bên cạnh nhà ông bà tôi là “giáo dục nhà trường chính quy” − chỉ kéo dài đến năm mười bốn tuổi. Jamaica không hề có trường trung học công hay các trường đại học. Những học sinh ham học sẽ tham gia các lớp bồi dưỡng thêm với vị hiệu trưởng trong những năm tháng thiếu niên và nếu may mắn, họ có thể được vào học ở những trường cao đẳng như của các giáo viên mình. Những em có tham vọng lớn hơn bằng cách này hay cách khác buộc phải tự tìm đường vào một trường công và từ đó chuyển tiếp lên một trường đại học ở Mỹ hoặc Anh.

Nhưng học bổng quá ít ỏi và nhỏ giọt, còn chi phí của trường học tư cao tới mức không kham nổi với tất cả mọi người, trừ một số ít người có điều kiện. “Chiếc cầu nối từ các trường tiểu học” đến trung học “quá nhỏ hẹp và bấp bênh”, như MacMillan sau này viết trong một tác phẩm phê bình với tựa Warning from the West Indies (Tạm dịch: Lời cảnh báo từ miền Tây Ấn) chỉ trích về cung cách hành xử của nước Anh đối với các thuộc địa của mình.” Hệ thống trường học không hề làm được điều gì cho những tầng lớp “bần cùng nhất.” Ông tiếp tục: “Những ngôi trường này không là thứ gì khác ngoài một nhân tố làm sâu sắc thêm sự phân cách xã hội.” Nếu chính phủ không mang lại cho người dân của mình những cơ hội thì − ông cảnh báo, sẽ nảy sinh rắc rối.

Một năm sau khi MacMillan xuất bản cuốn sách, một làn sóng bạo động và bất ổn tràn vào vùng Caribe. Mười bốn người đã bị giết và năm mươi chín người khác bị thương ở Trinidad. Mười bốn người bị giết và bốn mươi bảy người bị thương ở Barbados. Ở Jamaica, hàng loạt cuộc tấn công bạo lực đã khiến đất nước đình trệ, phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Quá lo sợ, chính quyền Anh quốc đã phải xem xét cẩn thận toa thuốc mà MacMillan đã kê, trong số rất nhiều cải cách khác, họ đã đưa ra một loạt các học bổng “trên-toàn-đảo-quốc” dành cơ hội cho những học sinh có tư chất được đến học tại các trường trung học công. Học bổng bắt đầu được trao từ năm 1941. Mẹ tôi và người chị em sinh đôi của bà tham gia cuộc thi nhận học bổng vào năm sau đó. Đó là con đường để họ đạt được giáo dục bậc trung học; nếu họ ra đời sớm trước đó hai, ba hay bốn năm, có thể họ sẽ không bao giờ được học hành đầy đủ. Mẹ tôi, với diễn tiến cuộc đời bà − phải chịu ơn thời điểm ra đời thích hợp, chịu ơn những kẻ gây bạo động hồi năm 1937 và chịu ơn W.M. MacMillan.

Tôi đã từng miêu tả bà tôi − Daisy Nation − là “nổi tiếng bởi nhan sắc của mình.” Thực sự đó chỉ là những lời hoa mỹ nghèo nàn để nói về bà. Bà là người có ảnh hưởng to lớn tới mọi việc. Thực tế việc mẹ tôi và người chị em sinh đôi có thể rời Harewood để tới Saint Hilda’s học chính là nhờ công sức của bà tôi. Ông tôi có thể là một người khả kính và có học, nhưng ông chỉ là một người lý tưởng chủ nghĩa và mơ mộng. Ông chôn vùi bản thân vào sách vở. Nếu ông có tham vọng nào đó dành cho các cô con gái, ông cũng không có đủ viễn kiến và nghị lực để biến chúng thành hiện thực. Bà ngoại tôi thì có. Saint Hilda’s chính là ý tưởng của bà: một vài gia đình giàu có trong vùng đã gửi con gái họ tới đó, và bà hiểu một ngôi trường tốt có ý nghĩa ra sao. Các con gái của bà không chơi với lũ trẻ trong làng. Chúng đọc sách. Tiếng Latinh và môn Đại số là cần thiết cho trường trung học, vậy nên bà giao các con gái của mình cho Archdeacon Hay kèm cặp.

“Nếu bạn hỏi bà về những mục tiêu bà đặt ra cho các con gái mình, bà sẽ nói rằng bà muốn chúng thoát ra khỏi nơi đó,” mẹ tôi nhớ lại. “Bà cảm thấy bối cảnh Jamaica không có gì hứa hẹn. Và nếu có sẵn cơ hội thăng tiến và đủ khả năng nắm bắt, thì đối với bà, chỉ có bầu trời mới là giới hạn.”

Khi kết quả báo về, chỉ có dì tôi nhận được học bổng. Mẹ tôi thì không. Đó lại là một thực tế khác mà bản miêu tả ban đầu của tôi đã sơ suất bỏ qua. Mẹ tôi vẫn nhớ rằng ông bà ngoại đứng ở cửa ra vào và trò chuyện với nhau. “Chúng mình không còn tiền nữa.” Họ đã trả học phí cho kỳ đầu tiên, mua đồng phục và đã vét sạch những khoản tiết kiệm. Họ phải làm thế nào khi tới hạn phải trả học phí kỳ hai cho mẹ tôi? Nhưng nói đi cũng phải nói lại, họ không thể cho một đứa đi học còn đứa kia lại không. Bà ngoại tôi vẫn trước sau như một. Bà cho cả hai người đi học − và cầu nguyện − đến cuối kỳ một, đột nhiên có một nữ sinh trong trường giành được tới hai học bổng, vậy là suất học bổng thứ hai được nhường cho mẹ tôi.

Đến thời điểm vào đại học, dì tôi − người có khuynh hướng kinh viện hơn trong cặp sinh đôi, giành được một suất gọi là Học bổng Bách niên (Trăm năm). Từ “Trăm năm” ở đây ám chỉ thực tế rằng học bổng này được thành lập một trăm năm sau sự kiện bãi bỏ chế độ nô lệ ở Jamaica. Quỹ này được dành cho những học sinh tốt nghiệp từ các trường tiểu học công và, như một thước đo thể hiện nước Anh cảm nhận sâu sắc tới mức nào việc trân trọng hồi ức về sự kiện thủ tiêu chế độ nô lệ, tổng cộng có một học bổng Bách niên được trao tặng mỗi năm trên toàn đảo quốc, phần thưởng thuộc về nam sinh hoặc nữ sinh xuất sắc nhất luân phiên nhau. Năm dì tôi ứng tuyển lại đúng là năm dành cho “nữ sinh.” Bà đã gặp may. Mẹ tôi thì không. Mẹ phải đối mặt với việc phải kiếm ra món tiền lớn để chi cho việc di chuyển sang Anh, tiền phòng ở, tiền đi lại và sinh hoạt phí cùng học phí tại Đại học London. Để hiểu được xem con số ấy khiến người ta nản chí đến cỡ nào, bạn nên biết rằng giá trị của suất học bổng Bách niên mà dì tôi giành được gần như bằng với tổng thu nhập lương hàng năm của ông ngoại tôi. Ngân hàng không có chương trình cho sinh viên vay, không có những loại hình dịch vụ dành cho các giáo viên ở vùng nông thôn. “Nếu mẹ có hỏi ông con,” mẹ tôi kể, “thì ông cũng chỉ trả lời, ‘Chúng ta không còn tiền.’’’

Vậy Daisy làm gì? Bà đến gặp một người chủ tiệm ở thị trấn láng giềng. Từ thế kỷ XIX, ở Jamaica cộng đồng người Trung Quốc đông đảo đã thống trị đời sống giao thương của cả hòn đảo. Trong phương ngữ Jamaica, một cửa tiệm không đơn thuần là một cửa tiệm, nó là một “Tiệm-Tàu”. Daisy tìm đến một “Tiệm-Tàu” để gặp ông Chance hỏi mượn tiền. Không ai biết được chính xác bà vay bao nhiêu nhưng đó ắt hẳn phải là một khoản lớn. Và cũng không ai hiểu tại sao ông Chance lại cho Daisy vay tiền, ngoại trừ việc bà là Daisy Nation, bà đã dạy những đứa trẻ nhà Chance tại trường Harewood và bà trả những khoản nợ của mình một cách sòng phẳng. Không mấy dễ dàng khi là một đứa trẻ người Trung Hoa giữa khuôn viên trường học Jamaica. Lũ trẻ người Jamaica sẽ trêu chọc đám trẻ con Trung Quốc. “Bọn Tàu ăn thịt chó.”

Daisy là một mẫu người hiền hòa và đáng kính, một ốc đảo hiếm hoi giữa bầu không khí thù nghịch ấy. Ông Chance có lẽ cảm thấy chịu ơn bà.

“Bà có nói với mẹ xem bà đang làm gì không? Mẹ thậm chí còn chẳng hỏi bà nữa,” mẹ tôi hồi tưởng. “Nó cứ thế diễn ra thôi. Mẹ chỉ đơn giản là nộp đơn vào trường đại học và trúng tuyển. Mẹ hành động hoàn toàn dựa trên niềm tin rằng mẹ có thể dựa dẫm vào mẹ mình mà thậm chí còn không hề nhận ra rằng mẹ đã nương tựa vào bà nữa.”

Để được học hành tử tế, Joyce Gladwell phải chịu ơn trước hết của W. M. MacMillan, tiếp đến là cô bạn ở trường Saint Hilda’s đã nhường suất học bổng cho mình, tiếp đến là ông Chance, và, trên tất cả, chịu ơn Daisy Nation.

3.

Daisy Nation xuất thân từ vùng địa đầu tây bắc của Jamaica. Ông tổ của bà là William Ford. Ông từ Ireland đặt chân tới Jamaica vào năm 1874 và mua lại một đồn điền cà phê. Không lâu sau khi đến nơi, ông đã mua một nữ nô lệ và lấy làm thiếp. Ông đã để mắt đến bà ở một bến tàu tại Alligator Pond, một làng chài vùng duyên hải phía nam. Bà vốn là một thổ dân Igbo có gốc gác từ Tây Phi. Họ có một đứa con trai đặt tên là John. John, theo ngôn ngữ của thời đó − là một “mulatto” − “người da trắng lai đen”; ông là người da màu − và tất cả những người nhà Ford từ thời điểm đó trở đi đã hòa vào tầng lớp da màu của Jamaica.

Cũng vào thời kỳ đó, ở miền Nam nước Mỹ, việc một chủ đồn điền da trắng quan hệ công khai với một nô lệ sẽ là chuyện động trời ghê gớm. Quan hệ tình dục giữa người da trắng với người da đen bị coi là đáng ghê tởm về đạo đức. Các quy định pháp luật đã được phê chuẩn, ngăn cấm hôn nhân khác chủng tộc, và cho tới tận năm 1967, quy định cuối cùng trong số đó mới được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ. Một chủ đồn điền chung sống công khai với một nô lệ nữ sẽ bị tẩy chay trong khắp cộng đồng, và bất cứ đứa con nào sinh ra từ sự kết hợp đa chủng tộc này cũng sẽ bị đẩy xuống làm nô lệ.

Ở Jamaica, thái độ của cộng đồng với sự việc kiểu này rất khác. Vùng Caribe trong những năm tháng ấy chỉ khá hơn trại nô lệ ô hợp một chút. Tỉ lệ người da đen và người da trắng là mười trên một. Phụ nữ da trắng rất hiếm hoi để lấy làm vợ, và kết quả tất yếu là đa số áp đảo đàn ông da trắng tại vùng Tây Ấn đều có thê thiếp là người da đen hoặc nâu. Một chủ đồn điền người Anh ở Jamaica cẩn thận lưu giữ một cuốn nhật ký chi tiết về thành tích tình dục chói lọi của mình, ông này đã ngủ với 138 phụ nữ khác nhau trong suốt ba mươi bảy năm sinh sống trên hòn đảo, hầu hết trong số đó đều là nô lệ. Và có người đã nghi ngờ rằng, không phải tất cả bọn họ đều là những bạn tình tự nguyện. Người da trắng coi những người lai đen-trắng − con cái sinh ra từ những mối quan hệ ấy − là các đồng minh tiềm năng, một cầu nối giữa họ và số lượng nô lệ đông đúc trên hòn đảo. Các phụ nữ lai đen-trắng được kính trọng như những nữ chủ nhân, con cái của họ, với màu da sáng hơn, đã di chuyển dần lên những nấc thang xã hội và kinh tế cao hơn. Người lai đen-trắng hiếm khi phải làm việc trên đồng ruộng. Họ được hưởng đời sống làm việc dễ dàng hơn ở trong “nhà.” Họ chính là những người có nhiều khả năng được trả tự do. Có nhiều nữ chủ nhân lai đen-trắng được thừa kế những khối tài sản kếch xù theo di chúc từ những điền chủ da trắng đến mức cơ quan lập pháp Jamaica đã từng phải thông qua một đạo luật hạn chế tài sản để lại bằng chúc thư ở mức dưới hai nghìn bảng (một khoản tiền khổng lồ tính theo thời giá khi đó).

“Khi một người châu Âu đặt chân đến vùng Tây Ấn và định cư hoặc lưu trú với khoảng thời gian dài bất kể bao lâu, anh ta cũng cảm thấy cần thiết phải tự tìm kiếm cho mình một quản gia hoặc nữ chủ nhân,” một nhà nghiên cứu lịch sử thế kỷ XVIII đã viết. “Cơ hội cho anh ta lựa chọn rất phong phú, người da đen, một người da vàng nâu, một người lai đen-trắng hoặc một mestee (con của một người da trắng với một người mang 1/4 dòng máu da đen)… mỗi người trong số đó có thể mua với giá 100 hay 150 bảng Anh… Nếu những đứa trẻ da màu được sinh ra, chúng sẽ được giải phóng, hầu hết trong số đó đến năm lên ba hay bốn tuổi đều được những ông bố có điều kiện gửi đi học ở Anh quốc.

Đây chính là môi trường mà John − ông của Daisy đã sinh trưởng. Ông thuộc vào lứa được rút ra khỏi một tàu chuyên chở nô lệ, sống ở một đất nước được miêu tả chính xác nhất là chốn lưu đày châu Phi, và ông là một người tự do được thừa hưởng mọi ích lợi từ giáo dục. Ông kết hôn với một phụ nữ lai đen-trắng, một người mang nửa dòng máu châu Âu và một nửa Arawak, một tộc người Anh-điêng bản xứ ở Jamaica, họ có với nhau bảy đứa con.

“Rất nhiều người da màu có vị thế trong xã hội,” nhà xã hội học Jamaica Orlando Patterson nói. “Đến năm 1826, họ có đầy đủ quyền tự do công dân. Trên thực thế, họ đã có được quyền tự do công dân cùng thời điểm với người Do Thái ở Jamaica. Họ có quyền bỏ phiếu, có quyền làm bất cứ công việc gì mà một người da trắng được làm − và điều này diễn ra trong bối cảnh nơi đó vẫn là một xã hội nô lệ”.

“Lý tưởng nhất thì họ sẽ cố gắng trở thành thợ thủ công. Hãy nhớ rằng, Jamaica có những đồn điền mía đường, khác biệt rất lớn so với những đồn điền trồng bông ở miền Nam nước Mỹ. Bông vải chính là loại hình canh tác nông nghiệp chiếm ưu thế. Bạn thu hái bông, và hầu như toàn bộ quy trình đều được thực hiện ở Lancashire hay ở miền Nam. Đường lại là một sản phẩm phức hợp nông-công nghiệp. Bạn buộc phải có nhà máy ở ngay đó, vì mía bắt đầu mất dần sucroza sau vài tiếng kể từ khi thu hoạch. Bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải sẵn sàng chế biến ở ngay đó, nhà máy chế biến đường mía đòi hỏi hàng loạt loại hình công việc. Thợ đóng thùng, thợ đun, thợ mộc − và rất rất nhiều công việc khác được lấp kín chỗ bởi những người da màu.”

Đó cũng là nguyên do giải thích vì sao tầng lớp tinh hoa Anh quốc − không hề giống với những người cùng thời với họ ở nước Mỹ, họ chẳng mấy hứng thú với thứ dự án lập quốc vĩ đại. Họ chỉ muốn kiếm tiền và rồi quay trở về nước Anh. Họ không có ham muốn gì lưu lại cái nơi mà họ coi là một mảnh đất dữ dằn. Vậy nên nhiệm vụ dựng xây một xã hội mới chất chứa trong mình thật nhiều cơ hội − lại cũng đổ lên vai những người da màu.

“Đến năm 1850, thị trưởng của Kingston (thủ đô Patterson nói tiếp. “Và cả người sáng lập tờ báo Jamaica) là một người da màu,” Daily Gleaner (tờ báo chính của Jamaica) cũng là người da màu. Họ đều là những người da màu, và đã thống trị các ngành nghề chuyên nghiệp từ thuở sơ khởi. Người da trắng thì mải mê với kinh doanh và đồn điền. Những người trở thành bác sĩ, luật sư đều là da màu. Đó cũng chính là những người điều hành các trường học. Tu viện trưởng của Kingston cũng là một người da nâu theo phong cách cổ điển. Họ không phải tầng lớp tinh hoa về kinh tế. Nhưng họ là tầng lớp tinh hoa văn hóa.”

Bảng dưới đây thể hiện tình trạng phân tách giữa hai nhóm nghề nghiệp ở Jamaica − các luật sư và các thành viên nghị viện hồi đầu thập niên 1950. Tiêu chí phân loại là tông màu da. “Trắng và sáng” là chỉ những người hoặc hoàn toàn da trắng, hoặc nhiều khả năng hơn là những người có ít nhiều gốc gác da đen nhưng đến giờ không còn thể hiện rõ rệt nữa. “Olive” ở dưới đó một bậc và “nâu sáng” lại ở dưới olive một bậc (mặc dù khác biệt giữa hai sắc độ ấy không mấy rõ rệt với bất cứ ai ngoại trừ một người Jamaica). Có một thực tế cần phải ghi nhớ là thập niên 1950, “người da đen” chiếm 80% dân số Jamaica, vượt trội so với người da màu với tỉ lệ năm trên một.

Hãy nhìn vào thứ lợi thế phi thường mà một chút sắc tố da trắng mang tới cho thiểu số da màu. Việc có được một vị tổ tiên làm công việc trong nhà chứ không phải ngoài đồng ruộng, giành được quyền công dân trọn vẹn vào năm 1826, được tôn trọng thay vì bị đè ép dưới ách nô lệ, được thử vận may rủi với một công việc có ý nghĩa thay vì phải phó thác số mệnh cho những cánh đồng mía đường đã tạo nên sự khác biệt về thành công nghề nghiệp trải suốt hai hay ba thế hệ sau đó.

Nói cách khác, tham vọng của Daisy Nation đặt vào các con gái của bà không phải từ trên trời rơi xuống. Bà chính là người kế thừa cả một di sản đặc quyền đặc lợi. Ông anh trai Rufus, người mà bà đến sống cùng khi còn bé − là một giáo viên, một người học hành nghiên cứu. Cậu em trai Carlos sang Cuba và rồi quay trở về Jamaica, mở một nhà máy may mặc. Cha bà − Charles Ford là một ông chủ bán buôn. Mẹ của bà − Ann, vốn là con gái nhà Powell, lại một gia đình da màu khác, có học và không ngừng thăng tiến − chính là nhà Powell mà hai thế hệ sau đó sản sinh ra Colin Powell . Chú của bà − Henry thì sở hữu cả một sản nghiệp lớn. Ông nội của bà – John Ford, là con trai của William Ford với người tì thiếp châu Phi, đã trở thành một linh mục. Không dưới ba thành viên của đại gia đình Ford cuối cùng đã giành được Học bổng Rhodes . Nếu mẹ tôi phải chịu ơn W. M. MacMillan và những kẻ gây bạo động hồi năm 1937 cũng như ông Chance và bà ngoại tôi − Daisy Ford, thì bà Daisy phải chịu ơn của Rufus, Carlos, Ann, Charles và John.

4.

Bà ngoại tôi là một người phụ nữ đáng chú ý. Nhưng cũng cần nhớ rằng con đường tiến lên những nấc thang xã hội vững vàng mà gia đình Ford dấn bước bắt đầu với một hành động phức tạp về mặt luân lý: William Ford đã say sưa để ý đến bà cụ tổ của tôi tại một chợ nô lệ ở Alligator Pond và mua bà về.

Những nô lệ không được lựa chọn sẽ chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi và bất hạnh. Ở Jamaica, các điền chủ cảm thấy hợp lý nhất là phải vắt kiệt đến mức tối đa nỗ lực có thể từ nguồn nhân lực trong khi những lao động ấy vẫn còn trẻ trung − phải ép buộc đám nô lệ của họ làm việc cho đến khi những người đó trở nên vô dụng hay chết đi − và rồi đơn giản là đi ra chợ mua một loạt người khác về thay. Họ chẳng gặp vấn đề gì với mối mâu thuẫn về mặt triết học giữa một bên là nâng niu chiều chuộng những đứa trẻ sinh ra nhờ chung đụng cùng một nữ nô lệ với việc đồng thời coi đám nô lệ như tài sản của mình. William Thistlewood − một điền chủ đã ghi chép kỹ lưỡng thành tích chói lọi về tình dục của mình − lại có một mối quan hệ lâu dài bền chặt với một người nô lệ tên Phibbah mà theo như tất cả các tư liệu ghi chép lại, thì ông rất yêu thương, cũng là người đã hạ sinh cho ông một cậu con trai. Nhưng đối với những nô lệ “ngoài đồng”, ông ta thực sự là một tên quái vật, hình phạt ưa thích của ông ta dành cho những kẻ cố gắng đào thoát là thứ mà ông ta gọi là “liều lượng Derby.” Kẻ bỏ trốn sẽ bị đánh đập, bị xát muối, nước quả chanh và ớt hiểm vào vết thương hở của anh ta/cô ta. Một nô lệ khác sẽ bĩnh vào miệng kẻ dám cả gan đào thoát, và hắn sẽ bị bịt miệng trong suốt bốn hay năm tiếng đồng hồ.

Không có gì đáng ngạc nhiên là dần dần về sau tầng lớp da nâu của Jamaica trở nên ưa chuộng vẻ sáng sủa của mình. Đó là lợi thế to lớn của họ. Họ săm soi kĩ lưỡng sắc độ da của kẻ khác và rút cuộc cũng bày trò chơi màu da không khoan nhượng hệt như cách người da trắng đã làm. “Nếu như có chuyện, như thường vẫn hay xảy ra, là những đứa con với sắc độ da khác nhau ở trong cùng một gia đình,” nhà xã hội học Jamaica Fernando Henriques từng viết:

Đứa trẻ có màu da sáng nhất sẽ được ưu ái ngay trên sự thiệt thòi của những đứa con khác. Trong giai đoạn thanh thiếu niên cho tới tận khi kết hôn, những thành viên gia đình có màu da tối hơn sẽ bị buộc phải tránh đi khi các thành viên da trắng hoặc da sáng hơn tiếp đãi bạn bè. Đứa con có màu da sáng hơn được kỳ vọng sẽ cải thiện màu da của gia đình và để đạt được thành công ấy, không gì khác hơn là một cuộc hôn nhân có khả năng cải thiện tốt hơn nữa cục diện màu da cho gia đình. Một người da trắng sẽ phải cố gắng cắt đứt những mối quan hệ xã hội mà anh ta có thể có với những người bà con da đen… những thành viên có nước da sẫm màu hơn trong một gia đình da đen sẽ khuyến khích người thân vốn có sắc da sáng sủa nỗ lực nhằm “được coi” là da trắng. Những thói lệ của những mối quan hệ trong nội bộ gia đình đã hình thành nên nền tảng cho kiểu cách biểu lộ công khai định kiến về màu da.

Gia đình tôi cũng không phải là ngoại lệ. Daisy từng tự hào thái quá về một thực tế rằng chồng bà có màu da sáng hơn bà. Nhưng thói định kiến tương tự cuối cùng lại chĩa vào chính bà: “Daisy thì ổn thôi, con cũng biết mà,” bà mẹ chồng của Daisy sẽ nói thế, “nhưng da nó sậm màu quá.”

Một người bà con của mẹ tôi (tôi sẽ gọi là cô Joan) cũng lâm vào cảnh bế tắc với kiểu sùng bái màu da thái quá như vậy. Cô “trắng trẻo và sáng sủa.” Nhưng chồng của cô vốn là một người mà dân Jamaica gọi là “Injun” − một người đàn ông với nước da sẫm màu và mái tóc đen thẳng mượt − con gái của họ mang màu da sẫm giống hệt bố. Sau khi người chồng qua đời, một ngày nọ cô đi tàu tới thăm cô con gái. Trên chuyến tàu cô tình cờ gặp và nảy sinh tình cảm với một người đàn ông nước da sáng màu đi cùng toa. Nhiều năm sau, với sự tủi hổ ghê gớm, cô kể lại cho riêng mẹ tôi nghe chuyện xảy ra sau đó. Khi xuống tàu, cô Joan bước qua con gái như một người không quen vì cô không muốn người đàn ông có nước da sáng màu và đáng ao ước nhường đó biết rằng mình đã sinh ra một đứa con gái đen thui.

Đến những năm 1960, mẹ tôi đã viết một cuốn sách về những trải nghiệm của bà. Cuốn sách có nhan đề Brown Face, Big Master (Tạm dịch: Gương mặt nâu, Đấng tối thượng), “gương mặt nâu” ám chỉ chính bản thân bà, còn “Đấng tối thượng” thì, theo phương ngữ Jamaica, ám chỉ đến Chúa. Có một đoạn, bà miêu tả lại khoảng thời gian ngay sau khi cha mẹ tôi vừa kết hôn, lúc đó hai người sống ở London và anh trai tôi vẫn còn là một nhóc sơ sinh. Cha mẹ tìm thuê một căn hộ và sau cuộc truy tầm miệt mài, cha tôi đã kiếm được một căn ở vùng ngoại ô London. Thế mà, ngay sau hôm dọn đến, bà chủ đã bắt họ trả lại nhà. “Anh không hề nói với tôi vợ anh là người Jamaica,” bà ta quát vào mặt cha tôi trong cơn thịnh nộ.

Trong cuốn sách của mình, mẹ miêu tả lại quá trình đấu tranh lâu dài của chính bà để lý giải thái độ khinh miệt này, để dung hòa trải nghiệm ấy với đức tin của bà. Cuối cùng, bà buộc phải thừa nhận rằng nỗi giận dữ không phải là một lựa chọn và rằng, ở vị trí là một người Jamaica da màu mà gia đình suốt nhiều thế hệ đã thừa hưởng lợi ích từ tôn ti sắc tộc, bà khó có thể chỉ trích người khác về cơn bốc đồng phân loại mọi người dựa vào sắc độ màu da của họ:

Tôi đã thở than với Chúa bằng biết bao nhiêu lời lẽ: “Con ở đây, một kẻ đại diện đầy thương tích của chủng tộc da đen trong cuộc vật lộn hòng được thừa nhận tự do và bình đẳng như những kẻ da trắng thống trị!” Nhưng Chúa chỉ thấy nực cười, lời cầu nguyện của tôi không đúng sự thật. Tôi thử lại lần nữa. Và rồi Chúa cất lời, “Chẳng phải con cũng làm việc tương tự hay sao? Hãy nhớ đến người này, người kia, những kẻ con đã từng coi khinh, hay né tránh, hay cư xử kém tôn trọng so với người khác chỉ bởi họ sai biệt với con ở bề ngoài, và con lấy làm hổ thẹn vì bị đồng nhất với họ. Chẳng phải con đã từng vui mừng rằng con không mang màu da sậm hơn? Hay hoan hỉ rằng con không phải da đen?” Nỗi tức giận và căm ghét của tôi đối với bà chủ nhà tan biến. Về khía cạnh ấy, tôi chẳng tốt đẹp và cũng chẳng tệ hại gì hơn… Chúng tôi đều mắc lỗi vì thói tự cao, kiêu hãnh và coi mình khác biệt mà bởi nó, chúng tôi đã đẩy một số người ra xa mình.

Chẳng dễ dàng gì để thành thực về việc chúng ta xuất thân từ nơi nào. Sẽ đơn giản hơn rất nhiều với mẹ tôi nếu chỉ đơn thuần họa nên thành công của bà như một chiến thắng thẳng thừng trước hoàn cảnh nạn nhân của tội ác, cũng giống như sẽ đơn giản hơn nếu chỉ nhìn vào Joe Flom và xưng tụng ông là luật sư vĩ đại nhất mọi thời − mặc dù thành tựu cá nhân của ông không thể nào không gắn quện chặt chẽ với chủng tộc, thế hệ, những đặc thù của ngành nghề may mặc cũng như những thành kiến khác thường của các hãng luật thành thị. Bill Gates có thể đón nhận danh hiệu thiên tài và cứ để mặc đó thôi. Việc nhìn lại cuộc đời mình và nói “Tôi đã thật may mắn” đòi hỏi ở Bill Gates mức khiêm nhường không hề nhỏ bé. Nhưng sự thật đúng là như thế khi Câu lạc bộ Các bà mẹ của trường Lakeside đã mua cho cậu chàng Gates một chiếc máy tính hồi năm 1968. Đối với một vận động viên khúc côn cầu, hay Bill Joy hay Robert Oppenheimer hay bất kỳ kẻ xuất chúng nào khác, không thể có chuyện họ nhìn xuống từ vị trí cao nghễu nghện của mình và bày tỏ chân thành: “Tôi đã làm được tất cả những điều này chỉ nhờ vào chính bản thân mình.” Trong suy nghĩ ban đầu của chúng ta, những luật gia hàng đầu hay các thần đồng toán học, những doanh nhân phần mềm… vốn nằm ngoài những kinh nghiệm thông thường. Nhưng họ không hề. Họ chính là những sản phẩm của lịch sử, của cộng đồng, của cơ may và di sản. Thành công của họ không phải là biệt lệ và kỳ bí. Nền tảng của nó là cả một mạng lưới lợi thế và kế thừa, một vài người xứng đáng, một số thì không, một vài người giành được, số khác đơn thuần may mắn − nhưng tất cả đều đóng vai trò không thể chối bỏ trong việc làm nên những con người ấy. Kẻ xuất chúng, xét cho cùng, chẳng hề xuất chúng.

Bà cố tổ của tôi được mua về từ chợ nô lệ Alligator Pond. Hệ quả từ hành động ấy đã mang lại cho con trai bà − John Ford, một đặc ưu về màu da − thứ đã giải phóng ông khỏi kiếp nô lệ. Nền tảng văn hóa triển vọng mà Daisy Ford kiên trì theo đuổi và đưa vào ứng dụng đầy khôn ngoan trên danh nghĩa các con gái mình thực ra đã được truyền lại cho bà nhờ vào những đặc điểm dị biệt của cấu trúc xã hội Tây Ấn. Còn việc học hành của mẹ tôi lại là sản phẩm sinh ra từ những cuộc bạo động năm 1937 cũng như sự cần cù chăm chỉ của ông Chance. Đây chính là những món quà lịch sử dành cho gia đình tôi − và nếu như tài tháo vát của người chủ tiệm Tàu ấy, kết quả của những cuộc bạo động ấy, những triển vọng của nền văn hóa ấy cũng như những đặc ưu của sắc da ấy được mở rộng tới những người khác, liệu chúng ta sẽ có thêm bao nhiêu người nữa đang tận hưởng một cuộc sống đủ đầy trong căn nhà xinh đẹp cao cao trên một quả đồi?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.