Những Kẻ Xuất Chúng

Phần Hai: DI SẢN – Chương VI. Harlan, Kentucky



“HÃY CHẾT NHƯ MỘT THẰNG ĐÀN ÔNG, NHƯ CÁCH ANH TRAI MÀY ĐÃ LÀM”.

1.

Ở mỏm đông nam của Kentucky, phần kéo dài của dãy núi Appalachia, vốn được biết tới với cái tên cao nguyên Cumberland − tọa lạc thị trấn Harlan nhỏ bé.

Cao nguyên Cumberland là một vùng hoang dã, trập trùng với khu đỉnh phẳng, những vách núi cao từ năm trăm đến một nghìn bộ, các thung lũng hẹp, có nơi chỉ đủ rộng cho con đường một làn men theo một nhánh sông. Khi vùng này được khai phá lần đầu tiên, cao nguyên vẫn còn được bao phủ bằng cả một khu rừng nguyên sinh rậm rạp. Những cây bạch dương tulip vươn cao ở những nơi kín đáo và phía chân đồi, một số thân cây có đường kính rộng tới bảy hay tám bộ. Kế bên chúng là những cây sồi trắng, cây dẻ, cây phong, cây óc chó, cây tiêu huyền, cây bulô, liễu, tuyết tùng, thông và cả độc cần, tất cả mắc cuộn vào một tấm lưới dệt nên bởi những thân nho dại, chứa đựng ở đó một trong những quần thể thực vật to lớn nhất trên khắp bán cầu Bắc. Trên mặt đất là gấu, sư tử núi và rắn chuông; trên ngọn cây, cả một bầy sóc dàn hàng ngang thật lạ lùng; dưới lòng đất, những vỉa than dày xếp lớp lớp lên nhau.

Hạt Harlan được thành lập năm 1819 nhờ tám gia đình nhập cư từ vùng phía Bắc nước Anh. Họ đến Virginia thế kỷ XVIII và rồi chuyển về phía tây tới dãy Appalachia để tìm kiếm đất đai. Hạt này chưa bao giờ giàu có. Trong suốt một trăm năm đầu tiên, dân cư ở đây rất ít ỏi, chẳng mấy khi vượt qua con số mười nghìn người. Những người định cư đầu tiên ở đây nuôi lợn và chăn thả cừu ở các vùng đồi, kiếm kế sinh nhai trên những trang trại nhỏ bé giữa vùng thung lũng. Họ ủ và chưng cất rượu whiskey ở vườn sau nhà, đốn hạ cây, thả chúng xuôi theo dòng sông Cumberland vào mùa xuân, khi con nước lên cao. Cho tới tận thế kỷ XX, đi đến trạm xe lửa gần nhất cũng phải mất hai ngày xe súc vật kéo. Lối duy nhất để ra khỏi thị trấn là đi ngược lên núi Pine, vốn là sườn dốc dài tới chín dặm trên một con đường thi thoảng vẫn lầy lội và lổng chổng đá. Harlan là một nơi khuất nẻo và lạ lùng, chẳng hề được cộng đồng rộng lớn xung quanh nó biết tới, và có lẽ nó vẫn sẽ tiếp tục như vậy nếu không tồn tại một thực tế là hai trong số các gia đình sáng lập thị trấn − nhà Howard và nhà Turner cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt với nhau.

Vị trưởng tộc của dòng họ Howard là Samuel Howard. Ông đã xây dựng tòa án và nhà tù của thị trấn. Người đồng nhiệm với ông là William Turner, vốn sở hữu một quán trọ và hai cửa hàng tạp hóa. Một lần trận bão kéo sập hàng rào bao quanh đất đai nhà Turner, một con bò nhà hàng xóm loăng quăng trên đất của họ. Cháu trai của William Turner có tên là Jim Quỷ sứ (Devil Jim) bắn chết con bò. Nhà hàng xóm quá khiếp hãi để khiếu nại và đã bỏ trốn khỏi hạt. Lần khác, có người thử mở một cửa hàng cạnh tranh với tiệm nhà Turner. Gia đình Turner lớn tiếng nạt nộ tới nỗi ông này phải đóng cửa hàng và chuyển đến Indiana. Những người này thật chẳng dễ chịu gì.

Một đêm Wix Howard và “Little Bob” Turner − cháu trai của Samuel và William, giành nhau phần thắng lúc chơi bài xì phé. Người nọ tố cáo kẻ kia gian lận. Họ đánh lộn. Ngày hôm sau họ đụng độ trên đường và sau một cơn mưa súng đạn, “Little Bob” Turner gục ngã với một phát đạn xuyên vào ngực. Một tốp người nhà Turner kéo đến cửa hàng nhà Howard lăng mạ bà Howard. Bị sỉ nhục, bà liền kể lại cho con trai Wilse Howard, tuần sau đó anh ta đấu súng với một cháu trai khác nhà Turner − Will Turner trẻ tuổi − ngay trên đường dẫn tới Hagan, Virginia. Đêm đó, một người nhà Turner cùng đứa bạn tấn công nhà Howard. Hai gia đình sau đó đụng độ ngay bên ngoài tòa án Harlan. Trong trận đấu súng, Will Turner bị bắn chết. Rất đông người gia đình Howard sau đó đến gặp bà Turner − mẹ của Will Turner và “Little Bob” để đề nghị ngừng bắn. Bà cự tuyệt: “Chúng mày không thể nào rửa sạch chỗ máu đó được,” bà nói, chỉ ngay ra chỗ vệt máu nơi con trai đã chết.

Mọi thứ nhanh chóng chuyển từ tồi tệ sang kinh hoàng. Wilse Howard lao đến chỗ “Little George” Turner và bắn chết anh ta gần thị trấn Sulphur Springs. Người nhà Howard phục kích ba người bạn nhà Turner − thuộc gia đình Cawood và giết sạch cả ba. Một đội vũ trang được cử đến để kiếm tìm người họ Howard. Trong trận đấu súng chung cuộc, thêm sáu người nữa bị giết hoặc bị thương. Wilse Howard biết tin nhà Turner đang truy đuổi anh ta, anh ta cùng một người bạn dong đến Harlan và tấn công nhà Turner. Quay trở lại, người nhà Howard lại bị phục kích. Trong trận chiến, lại thêm một người nữa bị chết. Wilse Howard chạy đến nhà “Little George” Turner và bắn anh ta nhưng trượt, lại giết chết một người khác. Một đội cảnh sát bao vây nhà Howard. Lại một trận đấu súng nữa. Lại thêm người chết. Cả hạt rơi vào một cơn náo động. Tôi nghĩ là bạn đã nhìn thấy bức tranh. Thế kỷ XIX, trên đất Hoa Kỳ, có những nơi chốn con người sống hòa thuận. Nhưng Harlan, Kentucky không phải là một nơi như thế.

“Thôi đi!” bà mẹ của Will Turner đã ngắt lời ngay lúc anh ta lết về nhà, rú lên đau đớn sau khi bị bắn trúng trong cuộc đấu súng ở tòa án với nhà Howard. “Hãy chết như một thằng đàn ông, như cách anh trai mày đã làm!” Bà thuộc về một thế giới vốn quá quen thuộc với súng đạn tàn khốc đến mức bà đã có sẵn dự tính về việc phải chịu đựng ra sao với những sự tình kiểu đó. Will bắn vào miệng mình, và anh ta chết.

2.

Giả sử bạn được cử tới Harlan hồi cuối thế kỷ XIX để điều tra nguyên nhân của mối cừu hận Howard-Turner. Bạn tra hỏi tất cả những người dự phần còn sống sót cẩn thận hết mức có thể. Bạn đòi cung cấp mọi tư liệu, lấy lời khai và nghiền ngẫm các biên bản phiên tòa cho tới khi đã thu được những giải thích cặn kẽ và chính xác nhất về từng giai đoạn trong cuộc tranh chấp đầy chết chóc này.

Bạn sẽ biết được bao nhiêu đây? Câu trả lời là, chẳng được mấy. Bạn sẽ chỉ biết rằng có hai gia đình ở Harlan không ưa gì nhau lắm, bạn sẽ xác nhận rằng Wilse Howard − kẻ phải chịu trách nhiệm cho biết bao nhiêu hành động bạo lực, chắc chắn phải đứng sau vành móng ngựa. Những việc xảy ra ở Harlan sẽ vẫn chưa trở nên rõ ràng cho tới khi bạn quan sát tình trạng bạo lực ấy ở một phạm vi rộng lớn hơn.

Một hiện thực đóng vai trò then chốt trước hết ở Harlan là cùng thời gian hai nhà Howard và Turner đánh giết lẫn nhau, thì những cuộc đụng độ gần như vậy cũng xảy ra ở những thị tứ nhỏ bé rải rác trên dưới dãy Appalachia. Mối hận thù khét tiếng giữa hai nhà Hatfield − McCoy vùng giáp ranh giữa Tây Virginia, Kentucky không xa Harlan đã khiến hàng chục người bị giết hại trong cả một chuỗi hành động bạo lực kéo dài suốt hai mươi năm trời. Còn mối cừu hận French − Eversole ở hạt Perry, Kentucky thì đã khiến hai mươi người chết, sáu trong số đó bị giết hại dưới tay “Bad Tom” Smith (Tom Xấu xa − trong cuốn Days of Darkness − Những ngày đen tối, John Ed Pearce đã viết đó là một gã, “đủ ngu đần để không biết sợ là gì, đủ thông minh để trở nên nguy hiểm và là một tay thiện xạ cừ khôi”). Mối cừu hận Martin − Tolliver ở hạt Rowan, Kentucky hồi giữa thập niên 1880 đã dẫn tới ba cuộc đấu súng, ba cuộc phục kích, hai lần tấn công vào nhà và kết thúc với một cuộc đấu súng suốt hai tiếng đồng hồ có sự tham gia của một trăm người đàn ông được vũ trang. Mối thù Baker − Howard ở hạt Clay, Kentucky bắt đầu từ năm 1806, với việc một cuộc săn nai sừng tấm đột nhiên trở nên tồi tệ, và không chấm dứt cho tới tận những năm 1930, khi vài người nhà Howard giết chết ba người Baker trong một cuộc đột kích.

Và đây chỉ mới là những mối hận thù được biết tới nhiều. Nghị sĩ bang Kentucky là Harry Caudill có lần đã xem xét phòng làm việc của một thư ký phiên tòa lưu động tại một thị trấn vùng cao nguyên Cumberland, ông tìm ra đến một nghìn cáo trạng sát nhân trải dài từ hồi cuối Nội Chiến, thập niên 1860 cho tới tận đầu thế kỷ XX − và đây chỉ là đối với một khu vực chưa bao giờ đạt tới con số hơn mười lăm nghìn dân, nơi rất nhiều hành vi bạo lực thậm chí chưa cấu thành tội sát nhân. Caudill viết về một phiên tòa xét xử tội giết người ở hạt Breathitt − hay “Breathitt đẫm máu,” cái tên nó dần được biết tới − cuối cùng kết thúc đột ngột khi người cha của bị cáo, “một người đàn ông với lọn râu gọng to bự và hai khẩu súng lục tổ chảng,” bước lên chỗ quan tòa và chộp lấy cây búa.

Con người thấu hiểu thời thế đó gõ vào bàn quan tòa và tuyên bố, “Phiên tòa kết thúc và mọi người có thể về. Chúng ta sẽ không có bất cứ phiên tòa nào ở đây hết, bà con ạ.” Vị quan tòa mặt đỏ tía tai vội vàng ưng thuận lời tuyên bố phi thường ấy và ngay lập tức rời khỏi thị trấn. Khi phiên tòa được triệu tập lần sau đó, bồi thẩm đoàn và cảnh sát trưởng được bảo vệ bởi sáu mươi lính, nhưng bị cáo không thể có mặt tại buổi xét xử. Hắn đã bị giết trong một cuộc tập kích.

Khi gia đình này gây lộn với gia đình khác, đó là một mối thù hằn. Khi nhiều gia đình ở những thị tứ nhỏ bé như nhau trên cùng một rặng núi gây chiến lẫn nhau, thì đó là một hình mẫu.

Vậy đâu là nguyên cớ sản sinh ra hình mẫu Appalachia? Trong suốt nhiều năm trời, nhiều cách lý giải tiềm năng đã được kiểm nghiệm và tranh cãi, rồi sự đồng thuận lộ diện rằng khu vực này bị gây phiền nhiễu bởi một khuynh hướng đặc biệt độc hại mà các nhà xã hội học gọi tên là “nền văn hóa danh dự” (Culture of Honor).

Nền văn hóa danh dự có xu hướng ăn sâu bắt rễ ở cao nguyên cũng như các vùng ít màu mỡ khó trồng trọt khác, như Sicily hay xứ Basque trập trùng đồi núi ở Tây Ban Nha. Nếu bạn sinh sống trên một khu đồi núi lổn nhổn đá sỏi nào đó, thì ắt hẳn, bạn không thể trồng trọt. Bạn chắc phải nuôi dê hoặc cừu, và thứ văn hóa nảy nở khi bạn là một anh chăn cừu sẽ rất khác với thứ văn hóa nảy sinh xung quanh việc cày cấy trồng trọt. Sự sống còn của một người nông dân tùy thuộc vào sự cộng tác của những người khác nhau trong cùng một cộng đồng. Nhưng một người chăn gia súc thì tự mình xoay xỏa. Người nông dân cũng không phải lo lắng rằng sinh kế của mình sẽ bị ăn cắp vào buổi đêm, bởi vì cây trồng không thể dễ dàng bị cuỗm mất, trừ phi, đương nhiên − có chuyện một tên trộm muốn chuốc phiền phức vào thân bằng việc tự mình gặt sạch cả thửa ruộng. Nhưng một người chăn gia súc thì có nhiều điều phải lo lắng. Anh luôn bị đặt dưới mối đe dọa tán gia bại sản triền miên do mất mát gia súc. Vậy nên anh ta phải quyết liệt: anh ta phải tỏ ra rành mạch, thông qua lời nói và hành động

− rằng anh ta không yếu ớt. Anh sẽ phải bằng lòng chiến đấu để đáp trả với thách thức dù là nhỏ nhất đối với thanh danh của mình − và “nền văn hóa danh dự” mang nghĩa đó. Đó là một thế giới nơi danh dự một người đàn ông ở vị trí trọng tâm giữa kế sinh nhai và lòng tự trọng của anh ta.

“Thời điểm then chốt đối với sự phát triển của thanh danh người chăn gia súc trẻ tuổi chính là cuộc gây hấn đầu tiên của anh ta,” nhà dân tộc học J. K. Campbell đã viết về một nền văn hóa mục súc ở Hy Lạp. “Các cuộc cãi cọ tất yếu xảy ra nơi công cộng. Nó có thể diễn ra tại quán cà phê, quảng trường làng hay thường xuyên nhất là ở vùng vành đai chăn thả nơi một câu chửi thề hoặc hòn đá mà một mục đồng khác ném vào con cừu lơ ngơ đi lạc của anh chính là một sự sỉ nhục nhất thiết đòi hỏi cách đáp trả bằng vũ lực’’.

Vậy tại sao Appalachia lại như thế? Nguyên do là từ nơi chốn mà những cư dân ban đầu của khu vực này xuất thân. Những nơi được gọi là các bang nông nghiệp thưa người của nước Mỹ − miền nam và tây biên giới Pennsylvania cho tới Virginia và Tây Virginia, Kentucky và Tennesse, Bắc Carolina và Nam Carolina, và vùng cực bắc của Alabama và Georgia − được định cư đa phần bởi những người nhập cư đến từ một trong những nền văn hóa danh dự dữ dội nhất thế giới. Họ là những người “Scotland-Ireland” − xuất thân từ những vùng đất thấp xứ Scotland, các hạt phía bắc nước Anh và tỉnh Ulster ở Bắc Ireland.

Những vùng biên giới − như cách người ta vẫn gọi những khu vực này − là những lãnh địa xa xôi và vô trật tự vốn đã giao chiến liên miên hàng trăm năm ròng. Người dân của khu vực này đắm chìm trong bạo lực. Họ là những người chăn gia súc, kiếm kế sinh nhai trên đất đai đá sỏi và ít màu. Họ nặng tình thị tộc, đáp trả với sự khắc nghiệt và tình trạng lộn xộn của môi trường mình sinh sống bằng cách xây dựng những mối cố kết gia đình bền chặt và đặt sự trung thành huyết thống lên vị trí thượng tôn. Và khi họ nhập cư vào Bắc Mỹ, họ di chuyển vào sâu trong nội địa Mỹ, đến những vùng hẻo lánh, không luật pháp, đá sỏi lổn nhổn và ít màu mỡ như Harlan cho phép họ được tái sản sinh ngay tại Tân Thế Giới một nền văn hóa danh dự mà họ đã gây dựng nên ở Cựu Thế Giới.

“Đối với những người định cư trước nhất, vùng nông thôn thưa người của nước Mỹ là một môi trường nguy hiểm, giống hệt vùng biên nước Anh,” nhà sử học David Hackett Fischer viết trong cuốn Albion’s Seed (Tạm dịch: Hạt mầm thi ca).

Phần lớn vùng cao nguyên phía nam đều là “đất đai có thể tranh chấp” về khía cạnh đường biên của những lãnh địa ở trong tình trạng tranh đoạt mà không hề có sự can thiệp của chính quyền chính thức hay bất cứ quy định pháp luật nào. Những người dân vùng biên quen thuộc hơn hẳn những kẻ khác với môi trường hỗn loạn nơi đây, vốn rất phù hợp với hệ thống gia đình của họ, tinh thần chiến binh của họ, nền kinh tế trồng trọt và chăn thả của họ, thái độ của họ đối với đất đai và của cải cũng như ý tưởng về công việc và quyền lực. Nền văn hóa vùng biên thích nghi với môi trường này đến mức những tộc người khác có khuynh hướng sao chép lại nó. Những đặc tính của vùng biên giới phía nam nước Anh dần dần thống trị “mảnh đất tăm tối và máu me” này, một phần bởi sức mạnh tạo ra từ số lượng đông đúc, nhưng chủ yếu bởi nó là một cách thức sinh tồn giữa thế giới nguyên sơ và nguy hiểm này.

Chiến thắng của nền văn hóa danh dự giúp giải thích tại sao kiểu phạm tội ở miền nam nước Mỹ lại luôn khác biệt đến thế. Tỉ lệ sát nhân cao hơn so với toàn bộ phần còn lại của đất nước. Nhưng trộm cắp tài sản và kiểu tội phạm “người lạ” − ví như bóp cổ từ đằng sau để cướp của − lại thấp hơn. Như nhà xã hội học John Shelton Reed đã từng viết, “Miền Nam nước Mỹ có vẻ chuyên với kiểu hành động giết người mà trong đó một kẻ xấu số bị giết bởi tay một người nào đó mà anh ta (hoặc thường là cô ta) biết, vì những nguyên cớ mà cả kẻ giết người và nạn nhân đều hiểu.” Reed nói thêm: “Số liệu cho thấy rằng những người miền Nam nào có thể né khỏi những vụ tranh cãi hoặc tội ngoại tình thì cũng an toàn như mọi người dân Mỹ khác, thậm chí hầu như chắc chắn là an toàn hơn thế.” Ở những vùng nông thôn thưa người, bạo lực không phải nhằm kiếm chác về kinh tế. Nó là chuyện cá nhân. Anh chiến đấu vì danh dự của mình.

Nhiều năm về trước, một chủ bút tờ báo miền nam Hodding Carter đã kể câu chuyện về việc một anh chàng trẻ tuổi được đối xử ra sao trước ban bồi thẩm. Như Reed miêu tả thì:

Vụ xử án đặt trước mặt bồi thẩm đoàn có liên quan đến một tay nóng nảy sống ngay cạnh một trạm bơm. Trong suốt vài tháng trời anh ta đã là cái bia cho biết bao trò trêu cợt bày vẽ bởi những người phục vụ cũng như đủ thành phần vô công rỗi nghề tạp nham lượn lờ quanh trạm bơm, bất chấp những lời cảnh báo và cả những cơn giận thoáng qua nhưng rõ rệt của anh ta. Một buổi sáng, anh ta xả sạch đạn của khẩu súng ngắn hai nòng vào những kẻ châm chọc phiền nhiễu, giết chết một, gây thương tật vĩnh viễn cho một kẻ khác và làm bị thương kẻ thứ ba… Khi ban bồi thẩm được trưng cầu ý kiến do yêu cầu của vị quan tòa vẫn còn hoài nghi, Carter là bồi thẩm viên duy nhất bỏ phiếu kết tội. Như lời của một trong số những người còn lại kết luận, “Anh ta sẽ chẳng phải thằng đàn ông cho lắm nếu không xả súng vào mấy anh chàng kia.”

Chỉ có trong một nền văn hóa danh dự thì mới khiến một anh chàng nóng tính chắc mẩm trong đầu rằng bắn vào ai đó là cách đáp trả tương xứng với một trò xúc phạm cá nhân. Và cũng chỉ có trong một nền văn hóa danh dự thì mới khiến bồi thẩm đoàn nghĩ rằng một tên sát nhân − trong những điều kiện hoàn cảnh đó − không phải là tội phạm.

Tôi nhận ra rằng chúng ta thường vẫn cảnh giác với việc đưa ra những khái quát hóa rộng rãi như thế về những nhóm văn hóa khác nhau − và với nguyên do hợp lý. Đây là lề lối mà các khuôn mẫu sắc tộc, chủng tộc lựa chọn. Chúng ta muốn tin rằng chúng ta không phải là những kẻ bị cầm tù bởi lịch sử chủng tộc mình.

Nhưng sự thực giản đơn là nếu bạn muốn hiểu xem điều gì đã xảy ra ở những thị trấn nhỏ bé bang Kentucky hồi thế kỷ XIX, bạn buộc phải ngược trở lại quá khứ − và không chỉ là một hay hai thế hệ. Bạn phải quay trở lại hai, ba hay bốn trăm năm, tới một đất nước bên kia bờ đại dương, quan sát thật gần xem chính xác là những cư dân ở một khu vực địa lý đặc thù ấy kiếm kế sinh nhai ra sao. Giả thuyết về “nền văn hóa danh dự” nói rằng việc bạn đến từ đâu rất quan trọng, không chỉ liên quan đến việc bạn sinh trưởng ở đâu hay cha mẹ bạn sinh trưởng ở đâu, mà còn liên quan đến việc cụ, kị bạn sinh trưởng ở đâu, thậm chí là cụ tổ tám đời dòng tộc bạn sinh trưởng ở đâu nữa. Đó là một thực tế kỳ lạ và đầy sức mạnh. Dầu vậy, đó cũng chỉ mới là khởi đầu, bởi vì qua những kiểm nghiệm sát sao hơn, những di sản văn hóa còn lạ lùng và quyền năng hơn thế.

3.

Hồi đầu những năm 1990, hai nhà tâm lý học ở Đại học Michigan − Dov Cohen và Richard Nisbett − quyết định chủ trì một cuộc thực nghiệm về văn hóa danh dự. Họ biết rằng những gì xảy ra ở các nơi như Harlan hồi thế kỷ XIX, xét trên mọi khả năng, đều là sản phẩm của những hình mẫu vốn ngầm ẩn ở những vùng biên viễn nước Anh hàng nhiều thế kỷ về trước. Nhưng mối quan tâm của họ lại là thời hiện tại. Liệu có khả năng tìm ra những tàn dư của nền văn hóa danh dự trong thời hiện đại? Vậy nên họ quyết định tập trung một nhóm những người trẻ tuổi và sỉ nhục họ. “Chúng tôi ngồi xuống và cố tìm ra xem trò xúc xiểm nào sẽ đi thẳng vào tim óc một người mười-tám-đến-hai-mươi-tuổi,” Cohen nói. “Chẳng mất thời gian lắm để đưa ra được từ ‘đồ khốn’’’.

Cuộc thực nghiệm diễn tiến như thế này. Khu giảng đường ngành khoa học xã hội của Đại học Michigan có một hành lang dài, hẹp ở dưới tầng hầm với những tủ đựng tài liệu sắp hàng la liệt. Những sinh viên trẻ được gọi vào một phòng học, từng người từng người một, và được yêu cầu điền vào một bảng hỏi. Sau đó họ bị bắt phải đặt bản câu hỏi ở cuối hành lang và quay trở lại phòng học − một bài tập giản đơn và dường như trong sáng.

Đối với một nửa số sinh viên trẻ tuổi thì đúng là vậy. Họ là nhóm được khống chế. Đối với nửa còn lại, có một cái bẫy. Khi họ bước dọc xuống hành lang với bảng hỏi, một người đàn ông − kẻ đồng mưu với những người thực hiện thực nghiệm − bước vượt lên họ và lôi một ngăn kéo trong tủ tài liệu ra. Hành lang vốn đã chật hẹp giờ càng trở nên chật hẹp hơn. Khi những người trẻ tuổi gắng sức chen qua, người đồng mưu kia nhướn mắt lên, chọc tức. Ông ta đẩy cái ngăn kéo tủ tài liệu vào, dùng vai xô những người kia, và, bằng một giọng hạ thấp nhưng đủ nghe rõ, văng ra từ khóa: “Đồ khốn.”

Cohen và Nisbett muốn đo lường, càng chính xác càng tốt xem bị gọi bằng từ “đồ khốn” là như thế nào. Họ quan sát khuôn mặt của các đối tượng và ước tính xem họ thấy cơn giận đến cỡ nào. Họ bắt tay những sinh viên kia để xem liệu cái xiết tay có chặt hơn bình thường không. Họ lấy các mẫu nước bọt từ sinh viên, cả trước và sau khi bị xúc phạm, để xem việc bị gọi là “đồ khốn” có khiến cho mức độ testosterone và cortisol − những hormone quyết định sự tỉnh thức và hung hăng gây hấn − tăng lên không Cuối cùng họ yêu cầu các sinh viên đọc câu chuyện dưới đây và đưa ra kết luận:

Lúc Jill kéo Steve ra ngoài, họ mới có mặt tại bữa tiệc được khoảng hai mươi phút, rõ ràng là cô bị phiền phức vì một việc gì đó.

“Sao thế em?” Steve hỏi.

“Là Larry. Ý em là, anh ta biết mình đã đính hôn, nhưng anh ta cứ cố tình sượt qua em hai lần buổi tối nay đấy.”

Jill bước trở lại vào đám đông, còn Steve quyết định sẽ để mắt đến Larry. Tất nhiên, chỉ trong vòng năm phút, anh đã thấy Larry sáp lại và cố hôn Jill.

Nếu bạn đã bị sỉ nhục, liệu bạn có xu hướng tưởng tượng Steve sẽ ra hành động vũ lực nào đó với Larry không?

Kết quả không có gì phải bàn cãi. Có những khác biệt rõ ràng trong cách thức những sinh viên trẻ đáp trả lại việc bị hạ nhục bằng một từ xấu. Đối với một vài người, câu sỉ nhục thay đổi hành vi của họ. Đối với một số người thì không. Nhân tố quyết định trong cách họ phản ứng không phải là ở chỗ họ vững vàng về cảm xúc ra sao, họ là người làm việc trí óc hay vận động viên thể thao, hoặc chuyện về thể chất họ có cao to đường bệ hay không. Thứ đóng vai trò quan trọng − và tôi nghĩ là bạn có thể đoán được thứ này bắt nguồn từ đâu − chính là việc họ xuất thân từ nơi nào. Hầu hết những người trẻ tuổi đến từ miền bắc nước Mỹ đều ứng xử trước tai nạn ấy bằng thái độ vui vẻ. Họ cười phá lên. Cái xiết tay của họ không thay đổi. Mức độ cortisol thực sự giảm xuống, cứ như thể là họ đã vô thức gắng sức làm dịu cơn giận dữ của mình. Chỉ một vài trong số họ để cho Steve gây hấn bạo lực với Larry.

Nhưng còn những người miền nam? Ôi, trời. Họ giận dữ. Mức cortisol và testosterone tăng vọt. Cái xiết tay của họ chặt lại. Steve sẽ xử đẹp Larry.

“Chúng tôi còn bày trò chơi kẻ nhát gan (game of chicken),” Cohen nói. “Chúng tôi bảo các sinh viên quay xuống hành lang và ở đầu kia có một kẻ đồng mưu khác bước tới. Hành lang bị khóa chặt, vậy nên chỉ đủ chỗ trống cho một người đi qua. Người đàn ông mà chúng tôi sử dụng cao một mét tám chín, nặng trên 100 kg. Anh ta từng chơi trong đội tuyển bóng đá của trường đại học. Giờ đây anh ta là nhân viên bảo vệ của quán bar trong trường. Anh ta bước dọc hành lang với dáng điệu đang thực thi nhiệm vụ − kiểu sải bước khi anh cố gắng dập tan một cuộc đánh lộn trong quán bar. Câu hỏi là: họ sẽ tới gần tay bảo vệ kia tới mức nào trước khi tránh đường? Và hãy tin tôi, họ sẽ luôn luôn nhường đường.”

Đối với những người miền bắc, hầu như chẳng có tác động gì hết. Họ tránh đường trước đó năm hay sáu bộ, bất kể họ có bị xúc xiểm hay không. Những người miền nam thì ngược lại, thể hiện sự tôn trọng rõ rệt trong những tình huống thông thường, bước sang một bên trong khoảng hơn chín bộ. Nhưng nếu họ vừa mới bị xúc phạm xong? Dưới hai bộ. Cứ thử gọi một người miền nam là “đồ khốn” mà xem, chắc chắn anh ta sẽ ngứa ngáy đánh lộn ngay. Điều mà Cohen và Nisbett quan sát thấy trong hành lang dài ấy chính là nền văn hóa danh dự thể hiện ra bằng hành động: những người miền nam phản ứng hệt như cách Wix Howard hành xử khi Little Bob Turner buộc tội anh ta gian dối trong trò xì phé.

4.

Nghiên cứu ấy thật kỳ lạ, phải không nào? Dễ dàng để kết luận rằng những nhóm người sống trong các hoàn cảnh giống với tổ tiên mình cũng hành xử rất giống tổ tiên họ. Nhưng những sinh viên miền nam trong nghiên cứu thực hiện tại dãy hành lang đó không hề sống trong các điều kiện tương tự như tổ tiên người Anh của họ. Thậm chí không chắc rằng họ đã có tổ tiên là người Anh. Họ chỉ tình cờ sinh trưởng ở miền Nam. Không có ai trong số họ từng làm nghề chăn gia súc. Cha mẹ của họ cũng chẳng phải người chăn gia súc. Họ sống vào cuối thế kỷ XX chứ không phải cuối thế kỷ XIX. Họ là sinh viên của Đại học Michigan, tọa lạc ở một trong những bang vùng cực bắc nước Mỹ, điều đó đồng nghĩa với việc xuất phát từ miền nam họ đủ lang bạt để vượt qua hàng trăm dặm đường tới trường đại học. Không điều nào trong số đó đóng vai trò quan trọng. Họ vẫn cứ hành xử giống như họ sống tại Harlan, Kentucky hồi thế kỷ XIX vậy.

“Sinh viên trong những nghiên cứu đó của bạn xuất thân từ một gia đình kiếm được một trăm ngàn đô-la mỗi năm, mà đó là thu nhập vào năm 1999,” Cohen nói. “Những chàng sinh viên miền nam mà chúng tôi thấy xuất hiện hiệu ứng này không phải những đứa trẻ đến từ vùng đồi núi Appalachia. Họ có nhiều khả năng là con cái của những lãnh đạo điều hành trung-cao cấp của hãng Coca-Cola tại Atlanta. Và đó là một câu hỏi lớn. Tại sao chúng ta lại thấy những hiệu ứng đó ở họ? Tại sao một người nào đó lại có những hiệu ứng kiểu vậy sau hàng trăm năm? Tại sao những đứa trẻ vùng ngoại ô Atlanta lại biểu hiện ra lối hành xử vốn thuộc về vùng biên giới?

***

Các di sản văn hóa là những nguồn lực đầy quyền năng. Chúng ăn sâu bám rễ và trường tồn. Chúng tồn tại, từ thế hệ này qua thế hệ khác, có thể thấy chẳng suy suyển gì mấy, thậm chí ngay cả khi các điều kiện kinh tế, xã hội và nhân khẩu học vốn sinh ra chúng đã biến mất, và chúng đóng vai trò đáng kể trong định hướng thái độ và hành vi đến mức con người sẽ không thể nào hiểu được thế giới của mình nếu thiếu vắng chúng.

Tính đến giờ, trong cuốn Những kẻ xuất chúng này, chúng ta đã thấy thành công nảy sinh từ sự tích lũy vững chắc các ưu thế: thời điểm và nơi chốn bạn ra đời, thứ công việc cha mẹ bạn làm để kiếm sống, những hoàn cảnh trong quá trình nuôi nấng trưởng thành của bạn là tất cả những gì tạo nên sự khác biệt rõ rệt xem bạn sẽ sống ổn tới mức nào trong xã hội. Câu hỏi dành cho phần thứ hai của cuốn Những kẻ xuất chúng là liệu các truyền thống và thái độ mà chúng ta thừa hưởng từ các bậc tổ tiên tiền bối có đóng vai trò tương tự không. Liệu chúng ta có thể, thông qua việc nhìn nhận các di sản văn hóa thật sự nghiêm túc, hiểu thêm được tại sao một người lại thành công và cách thức nào khiến người đó đạt được kết quả tốt hơn trong những việc họ làm? Tôi nghĩ là chúng ta có thể.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.