Những Người Đàn Bà Ở Missalonghi

CHƯƠNG 7



Octavia tìm thấy lá thư của Missy lúc dì gõ cửa phòng để coi cô cháu cưng đang làm gì. Lá thư nằm trơ trọi trên giường, nổi bật màu trắng trên nền vải phủ màu nâu với chữ MÁ băng ngang qua tấm giấy. Tim dì tựa hồ như rớt luôn xuống đôi ủng đang mang: tất cả những giấy tờ gì mà đề là gởi cho MÁ đều chẳng mang tin vui.
Vì vậy, khi vừa nghe tiếng chân Drusilla bước vào của trước dì vội hớt ha hớt hải chạy ra phòng khách với tấm giấy khư khư trong tay, hai con mắt màu xanh nhạt trợn trừng lên và có cơ sắp tiến đến việc tuôn ra hàng loạt giọt nước mắt do nội dung lá thơ bày tỏ.
– Missy bỏ đi rồi, và nó để lại cho chị lá thơ nầy.
Drusilla cau mày, chẳng tỏ ra hoảng hốt:
– Bỏ đi?
– Bỏ đi rồi. Nó gói theo tất cả quần áo và lấy luôn cả cái túi du lịch của mình.
Phần da trên má Drusilla bắt đầu co giật và dậm dựt một cách rất khó chịu: bà giằng lấy tờ giấy trên tay Octavia và đọc lớn để Octavia đừng hiểu lầm nội dung.
“Má thương yêu”, lá thư viết,
“Xin má tha lỗi vì con đã ra đi không một lời từ giã, nhưng con thiết nghĩ tốt hơn con không nên nói cho má biết con định làm gì trước khi kịp tính toán là có bắt tay vào kế hoạch hay không. Con sẽ có mặt tại nhà vào ngày mai hoặc ngày mốt ít nhứt cũng để thăm má. Xin đừng lo lắng gì cho con cả. Con không sao hết. Con gái cưng của má, Missy”.
Nước mắt Octavia tuôn ra đầm đìa nhưng Drusilla không hề khóc lóc gì cả. Bà xếp lá thư lại và đem lá thư vô nhà bếp, cẩn thận đặt nó lên thành ống khói.
– Chắc là phải gọi cảnh sát – Octavia thổn thức nói.
– Không cần thiết đâu – Drusilla phản đối và đặt ấm nước lên bếp lò – Ôi, em ơi, chị thấy thèm một tách trà kinh khủng!
– Nhưng, Missy có thể bị nguy hiểm!
– Tôi không tin là cháu bị nguy hiểm. Chẳng có điểm nào trong lá thư chỉ rõ là cháu bị bất thường – Bà vừa thở dài vừa ngồi xuống chiếc ghế – Lau nước mắt đi, Octavia! Những sự kiện trong mấy ngày qua tỏ cho chúng ta thấy Missy là người biết tính toán. Chị tin rằng Missy vẫn an toàn, và, có lẽ ngày mai chúng ta sẽ gặp lại cháu. Trong thời gian đó chúng ta đừng nói cho ai biết là Missy không có ở nhà.
– Nhưng nó đang lưu lạc ở đâu đó, không có ai bên cạnh để bảo vệ nó khỏi bọn đàn ông.
– Missy đã yêu cầu đừng ai theo dõi và bảo vệ nó khỏi đàn ông – Drusilla nói bằng giọng ráo hoảnh – Nào, như chị đã yêu cầu, Octavia, ngưng khóc ngay và pha cho chị một tách trà. Chị có nhiều điều nói với em là không nên làm bất cứ điều gì về sự mất tích của Missy.
Sự tò mò đã thắng lòng lo sợ: Octavia rót một ít nước nóng vào bình trà và để bình lên mặt lò:
– Ô, chuyện gì? Dì phấn khởi hỏi lại.
– Chà, chị đã đưa tiền cho Cornelia và Julia và chị đã mua cho chị một cái máy may hiệu Singer.
– Drusilla!
Và thế là hai người đàn bà còn lại ở Missalonghi bắt đầu uống trà và bàn bạc về những biến cố trong nhà rồi sau đó trở lại với công việc hàng ngày để cuối cùng lui vô phòng ngủ.
Sau đó bà leo lên giường, cái giường đôi duy nhất trong nhà vì bà là người phụ nữ duy nhứt đã thành hôn. Và bà phải thao thức một lúc khá lâu trước khi ngủ thiếp đi.
Chính cây đàn oọc-găng đã cứu Missy khỏi bị phát hiện khi John Smith thả cô trước cổng Missalonghi: không ai nghe thấy tiếng bánh xe lăn lạo xạo và rời đi, và chẳng ai nhận ra tiếng chân rón rén của Missy đi từ phía ngoài băng qua sân sau và hướng về phía chuồng gia súc. Chẳng có lấy một nơi nào có thể trú ngụ cả, cô vội nhét chiếc túi du lịch xuống dưới đống cỏ khô rồi lánh xa khỏi chuồng gia súc núp kín trong vườn cây chờ cho đến khi mẹ cô vắt sữa bò xong mới quay vào. Dĩ nhiên con bò cái nhận ra tiếng chân quen thuộc của cô và bắt đầu khuỵu xuống chờ vắt sữa nhưng, trước khi con Mao Lương Hoa Vàng thật sự làm ầm ĩ lên thì Drusilla đã bước ra khỏi nhà với cái xô trong tay.
Missy nằm rúc vào một thân cây táo cành lá sum suê, nhắm nghiền mắt lại lòng thầm mong sao cơn đau tim trỗi dậy kịch liệt nhất đủ để cô đừng bao giờ nhìn thấy buổi sáng ngày mai.
Mãi cho đến khi bóng tối bao phủ vạn vật: không khí lạnh lẽo của mùa xuân trên dãy Núi Xanh cao vút đã xua Missy từ vườn cây vào trong không gian ấm áp quen thuộc của chuồng gia súc. Con bò Cây Mao Lương Hoa Vàng nằm duỗi chân dưới bầu vú trống rỗng điềm tĩnh nhai lại. Vì thế Missy đặt cái túi lên trên nền đất ở gần chỗ con bò nằm, gối đầu lên cái túi, vai tựa lên bên hông ấm áp của con Cây Mao Lương Hoa Vàng.
Dĩ nhiên cô cũng có tập trung hết can đảm để lướt qua nhà ngay sau khi John Smith vừa quay về nhưng lúc cô đặt chân lên hiên không có mẹ và dì ở đó. Biết ăn nói thế nào với mẹ về việc vừa đề nghị kết hôn với người lạ mới dọn đến ở gần nhà mà bị người ta từ chối vì thấy mình bị đau ốm liên miên? Hoặc thất bại vì bịa đặt một câu chuyện khá thuyết phục người nghe? Missy chẳng phải là người chuyên thêu dệt các câu chuyện, cô chỉ có khả năng thưởng thức truyện. Có lẽ sáng ngày mai cô đành thú nhận mọi việc, Missy nhủ thầm, nhưng thật là tồi tệ biết bao khi đã ngủ lang đâu đó mà không phải ngủ ở Missalonghi? Liệu có ai chịu tin là cô đã ngủ chung chỗ với con bò? Cô thì thầm với chính mình: vô nhà ngay lập tức, đó là cô Missy nền nếp hiền lành thầm quyết định nhưng cô Missy hư hỏng hoang đàng không có can đảm thực hiện dự định đó.
Nước mắt lại bắt đầu doanh tròng và sắp rớt xuống, Missy đã kiệt sức: chẳng phải vì đã sử dụng quá nhiều sức lặn lội mà chính do vận dụng tất cả ý chỉ để tự động viên mình tìm gặp John Smith.
– Ôi, Cây Mao Lương Hoa Vàng ơi, ta phải làm gì bây giờ? Cô thổn thức khóc.
Cây Mao Lương Hoa Vàng chỉ giận dỗi ậm ừ.
Chỉ một lát sau Missy chìm vào giấc ngủ.
Đến lúc hừng sáng cô đã quyết định được việc cần làm, ngồi bật dậy, co chân lại rồi duỗi ra làm một động tác khởi động. Rút từ túi du lịch một chiếc lược và cái bàn chải, cô chải gỡ lại tóc với tất cả phương tiện sẵn có nhưng sau mọi nỗ lực làm đẹp cô nhận ra một sự thật đáng buồn là cô hoàn toàn bốc mùi chuồng bò.
Chưa có một tiếng động của sự sống nào vẳng ra từ ngôi nhà ở Missalonghi khi cô rón rén ra đi ngoại trừ tiếng ngáy khe khẽ vẳng ra từ cửa sổ phòng ngủ của Drusilla. Hú hồn.
Lại một lần nữa lặn lội xuống thung lũng John Smith, không một sự trợ lực của giấc mơ hạnh phúc như sáng hôm qua cũng như chẳng còn ảo vọng về tình yêu sẵn có trong tay như hôm qua khi mà cô còn tơ tưởng rằng chẳng chuyện gì cô không thực hiện được và mọi việc dường như sắp kết thúc tốt đẹp. Lần này Missy len lách trong rừng với một chút hy vọng rất mong manh nhưng quyết tâm thì sắt đá: người ấy sẽ không cách chi cự tuyệt được cô đâu cho dù cô có phải đêm đêm ngủ vạ vật trong chuồng bò của mẹ với con Cây Mao Lương Hoa Vàng suốt một năm trời và ngày ngày phải lần mò xuống thung lũng của John Smith để đặt vấn đề lần nữa, lần nữa…
Cô sẽ ngỏ ý với anh lần nữa vào ngày mai nếu hôm nay anh vẫn khăng khăng từ chối, và ngày mốt, và bữa kia…
Cuối cùng, khi cô đến được khoảng trống trước nhà thì đã gần mười giờ; vẫn làn khói lam ẻo lả toả ra từ ống khói, nhưng, y hệt hôm qua, John Smith không có ở nhà. Cô ngồi phịch xuống thân cây cụt để chờ.
Dường như người ta không biết đói thì phải: khi trời đứng bóng và nga xế chiều mà vẫn không thấy bóng dáng John Smith đâu, Missy nhứt định ngồi suốt buổi chiều đợi chủ nhà. Thật ra, mặt trời đã khuất khỏi vách núi từ lâu và ánh nắng cũng nhạt màu hẳn trước khi người ấy quay về nhà. Có vẻ khẩn trương và nghiêm nghị hơn hôm qua, chỉ có điều là anh cũng không nhận ra Missy đang ngồi thu lu trên gốc cây của cô.
– Ông Smith!
– Quỷ thần ơi!
Anh lập tức băng qua sân đứng ngó cô, không tức giận mà cũng chẳng tỏ vẻ vui mừng.
– Cô trở lại đây mà làm gì?
– Ông sẽ cưới tôi, phải không, ông Smith?
Lần này, người ấy không đỡ nhẹ khuỷu tay cô để dìu cô vào gian nhà nhỏ của anh nữa mà chỉ xoay người nhìn thẳng vào mắt cô khi cô đứng bật dậy.
– Ai đã bày cho cô cái ý định này? Anh hạch hỏi.
– Không.
– Đây có phải thật sự là ý muốn của cô?
– Nói thật tình, đây là lẽ sống của tôi. Tôi sẽ không quay về đâu. Tôi sẽ trở lại đây mỗi ngày để hỏi ông mỗi một điều này thôi.
– Cô đang đùa với lửa, cô Wright à! Anh thốt lên qua đôi môi mỏng mím chặt – Bộ cô chưa bao giờ ngờ được là có lúc đàn ông phải dùng đến sức mạnh khi có người phụ nữ cứ đeo đẳng không để anh ta yên thân?
Missy mở một nụ cười trầm mặc, tươi tắn và thanh cao như nụ cười của một thiên thần:
– Một vài người nào khác thì có thể, nhưng ông thì sẽ không cầu cứu đến vũ lực đâu, ông Smith à!
– Ông sẽ cưới tôi, phải không? Cô hỏi.
Miệng anh méo xệch đi, thở phì phì bằng lỗ mũi và ngẩng đầu ngó mông lung qua đầu cô về một điểm vô hình nào đó mà cô không tài nào đoán được. Và chẳng thèm thốt ra một lời nào. Sau đó anh nhún vai, cúi xuống ngó cô:
– Tôi công nhận rằng từ hôm qua tới giờ tôi đã nghĩ ngợi nhiều đến cô, ngay cả những lúc làm việc nặng nhọc nhứt tôi vẫn không sao thôi suy nghĩ về cô. Và tôi bắt đầu tự hỏi liệu tôi có nên dàn xếp với sự dâng tặng và biết đâu vận may của tôi cũng biến mất cùng với việc tôi chối bỏ sự dâng tặng ấy.
– Tìm cách dàn xếp? Dàn xếp cái gì?
– Đó chỉ mới là lập luận thôi. Ai cũng có một điều gì để thoả thuận và chẳng ai hoàn toàn là tội lỗi. Trong lúc đề nghị chung sống với tôi cô đã đưa ra một hiệp ước, cô có nhận ra điều đó không?
– Có.
– Nhưng chẳng có gì thay đổi so với đề nghị ban đầu ư?
– Ông Smith ơi, tôi sẽ chấp nhận mọi thứ một cách tự nguyện và vui vẻ nếu tôi có ông chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống.
– Như vậy thì tốt lắm. Tôi sẽ cưới cô.
Mọi sự đau đớn và tê tái như biến mất.
– Ô, cảm ơn ông, ông Smith, ông sẽ không bao giờ hối tiếc vì điều này, tôi cam đoan với ông như vậy.
John Smith lầm bầm:
– Cô chỉ là một đứa trẻ thôi, cô Wright à, cô chẳng hề là người lớn bao giờ cả và có lẽ đó là lý do khiến tôi cần phải đàn áp cô thì tốt hơn. Tôi không thể tin rằng có một thủ đoạn thường tình nào đó xuất hiện trong cô. Xin đừng bao giờ buộc tôi phải thay đổi ý kiến.
Và thế là bàn tay anh lại đỡ lấy cánh tay cô, dấu hiệu muốn đi dạo.
– Ông Smith, có một điều tôi cần phải yêu cầu.
– Điều gì?
– Chúng ta đừng bao giờ nhắc lại chi tiết là tôi sắp chết cũng như không được để cho ý nghĩ đó ảnh hưởng đến cách cư xử của chúng ta. Tôi muốn được tự do. Và tôi cho rằng khó mà hưởng tự do một khi cứ bị ám ảnh thường xuyên về cái chết sắp xảy đến cho mình qua một lời lẽ hay hành động nào đó.
– Đồng ý – John Smith trả lời.
Không muốn rời ra vận may vì cảm thấy mình đã đi quá xa ranh giới của sự thận trọng, Missy bước vào gian nhà nhỏ và lặng lẽ ngồi xuống một cái ghế kê cạnh bàn ăn trong khi John Smith đi tới đi lui trong nhà rồi đứng dừng lại ngó ra ngoài nơi có màn sương mờ nhạt bắt đầu dâng lên trên nền trời đen xanh thẫm.
Cô lẳng lặng ngắm nghía tấm lưng người ấy, tấm lưng dài và rộng và ngay trong lúc đó, có vẻ như là biết nói. Nhưng chỉ sau đó khoảng năm phút cô thử cất tiếng hỏi, giọng nhỏ xíu và gần như xin lỗi.
– Chuyện gì vậy, ông Smith?
– Tôi tên là John – anh nói và đứng dậy châm hai ngọn đèn, đặt cả lên bàn để có thể nhìn rõ mặt cô – Bây giờ để đi vào trọng tâm vấn đề chúng ta cần phải làm hôn thú và tổ chức lễ cưới.
– Bao lâu thì tiến hành?
Anh nhún vai:
– Tôi không rõ nữa bởi vì sẽ chẳng cần đăng bố cáo ở nhà thờ. Chắc là chỉ vài ngày thôi chớ gì? Có thể sớm hơn nếu làm hôn thú đặc biệt. Trong thời gian đợi chờ tôi phải đưa em về nhà thôi.
– Ồ, không! Em ưng ở đây hơn – Missy kêu lên.
– Nếu em thích ở lại đây có lẽ em cũng ưng bắt đầu tuần trăng mật khó non trẻ của chúng ta ngay bây giờ chớ gì – Anh nói với niềm hy vọng tràn trề.
Chà, ý kiến hay ho dữ! Cô cảm thấy cô không hăng hái hưởng ứng đề nghị đó. Hơn nữa, tất cả phụ nữ cũng chẳng thích như vậy. Và có lẽ người ấy sẽ trải qua đôi chút khó khăn, không hẳn là phải cưỡng bức cô nhưng chắc là phải ép buộc đôi chút: một trinh nữ ở tuổi cô thì rất dễ hoảng sợ. Về việc này thì rõ ràng anh đã phạm sai lầm khi ngắm nghía sự phản ứng của cô. Và rồi đây, động vật nhỏ bé gần như chiếc điếng, chỉ biết ngơ ngác ngó anh với lòng ái mộ rồ dại và mù quáng như một con chó con không cách chi cưỡng lại tình thương mến của mình đối với chủ. Trái tim băng giá của John Smith xao động dữ dội, trong một niềm đau đớn cay đắng lạ thường. Bởi vì cô gái đã thực sự ám ảnh anh suốt cả ngày hôm nay, anh đã cố làm lụng hùng hục nhằm xua đuổi hình ảnh cô ra khỏi tiềm thức và thay thế bóng dáng đó bằng việc vận động thể lực. Anh cũng có nhiều điều bí mật, có đôi điều anh chôn sâu trong quên lãng đến nỗi anh đâm ra ngờ vực rằng anh chưa bao giờ nếm trải chúng, đến nỗi anh tưởng rằng anh được tái sinh với tất cả sự mới mẻ và trong trắng của một cuộc sống mới bắt đầu. Nhưng suốt ngày hôm nay tất cả đã giày vò, thôi thúc và gặm nhấm tâm hồn anh, và cái niềm hứng thú mà anh vừa tìm thấy ở cái thung lũng đã biến mất. Có lẽ anh phải tìm cách giải quyết vấn đề thôi, và có lẽ đó cũng là lý do vì sao cô tìm anh. Chắc là chỉ có mỗi mình anh ở cõi đời này lại không cố tìm cách dàn xếp với một thứ hạnh phúc quá lớn lao như vậy, quá hấp dẫn như vậy. Anh không thể, anh không thể! Ô, anh không thể.
Có thể nàng cũng không thích như vậy đâu. John Smith, hãy bế nàng vào giường, chứng tỏ cho nàng thấy những vùng hoang dã trên thân thể là như thế nào, lấp đầy nàng bằng chính sự hiện hữu của mi và sự kinh tởm về điều sắp xảy ra ấy. Dầu sao thì nàng cũng chỉ là một người đàn bà.
Missy ngủ say như chết và choàng tỉnh dậy trước John Smith bởi vì giấc ngủ đã tránh né anh khá lâu sau khi đã cuốn hút được Missy. Anh có nhiều chuyện phải suy nghĩ hơn.
Một tia nắng nhợt nhạt lọc qua cửa sổ, do đó cô rón rén chuồi ra giường và đứng run cầm cập cho đến khi lôi ra được từ trong túi xách bộ quần áo mới. Chao ôi, thật là tuyệt diệu làm sao! Anh đúng là một người thực tế hơn cô tưởng tượng và hy vọng nhiều, cô lại bỏ cơn đau nhói ban đầu và thay vào đó là sự hồi tưởng đến hai bàn tay to ráp vì làm lụng nhiều, vuốt ve, mơn trớn và vỗ về. Cảm xúc, cảm giác, các va chạm và những nụ hôn, sức nóng rực và tỏa sáng… Ô, tuyệt vời!
Cô cố đi thật nhẹ nhàng trong gian nhà, nhóm lò và bắc ấm nước để chuẩn bị nấu sôi. Nhưng, mọi hoạt động ấy đã đánh thức anh và anh cũng nhoài ra khỏi giường, không nhận ra sự trần truồng của mình, thế là Missy bỗng nhiên được một cơ hội nghiên cứu sự khác biệt về cơ thể giữa đàn ông và đàn bà.
Hành động của anh biểu lộ sự đặc biệt ưa thích về sự có mặt của cô. Anh bước thẳng lại phía cô, ôm ghì cô vào lòng và đứng tựa vào cô một cách hết sức êm ái, vẫn còn như ngái ngủ và nặng nề áp sát vào cô, râu anh cọ vào cổ cô.
– Chào anh – cô thì thầm, đôi môi thấp thoáng nụ cười chạm nhẹ vào vai anh như một nụ hôn.
– Chào em – anh lầu bầu, đặc biệt thích thú kiểu đáp ứng của cô.
Dĩ nhiên cô thấy đói cồn cào vì chẳng ăn uống gì đã hai ngày nay.
– Để em dọn đồ ăn sáng – cô nói.
– Tắm không? Anh thì thào, có vẻ như tỉnh hơn nhưng vẫn không tỏ vẻ muốn rời cô ra.
Chắc là anh cũng ngửi được mùi con Cây Mao Lương Hoa Vàng rồi! Ôi, tội nghiệp anh quá đi! Cơn đói bay đi ngay lập tức.
– Dạ, anh dắt em ra nhà tắm với. Cả toa-lét nữa.
– Mang giày vô đi, cưng.
Trong khi cô xỏ chân vô đôi ủng không cần cột dây giày, anh lục lạo một hồi trong một cái ngăn tủ lớn rồi đưa ra hai cái khăn choàng, cũ và thô nhưng sạch.
– Toa-lét hơi nhếch nhác – anh lưu ý cô, chỉ cho cô thấy chỗ anh đào một cái hố sâu và đặt mấy tảng đá vây quanh để làm chỗ ngồi và mấy tấm giấy trải trên một cái hộp để khỏi bị ướt: anh không dựng vách cũng không mái che.
– Đây là toa-lét tốt nhứt mà em được biết – cô vui vẻ nói.
Anh bật cười:
– Lâu hay mau đây?
– Mau thôi, cảm ơn.
– Vậy anh sẽ chờ ở trong kia – Anh trỏ về phía khoảng sân trống xa xa.
Chỉ một phút sau, khi Missy trở vô gặp anh, cô đã run lập cập vì băng giá dâng lên trong dòng sông sau nhà, anh đúng là kẻ có vẻ thích tắm gội trong sương giá. Chắc là, cô thầm nghĩ, biết đâu mình lại sa vào cạm bẫy của chính mình, và có lẽ sẽ phải lăn đùng ra như một tảng băng vì rét cóng.
Nhưng thay vì đưa cô ra phía bờ sông John Smith dẫn cô trở ngược vào giữa đám dương xỉ rập rạp có chen cây ông lão bông trắng như lông chim. Và ở đó trước mặt cô là một phòng tắm nhất thế giới, một dòng suối phun nằm giữa hai tảng đá, có đỉnh nhọn nhô ra rồi hẹp lại thành một dòng suối chảy vô một bể tắm rộng phủ đầy rêu.
Missy lập tức cởi bỏ chiếc váy đang mặc ra và chỉ hai giây sau cô đã bước vào cái hồ tắm trong vắt như pha lê và ấm ngang nhiệt độ cơ thể, hơi nóng từ hồ tắm lảng đảng toả vào không gian ẩm ướt. Chiều sâu hồ khoảng mười tám inchơ, đáy hồ trong vắt với những tảng đá phẳng lì. Mà chẳng có đỉa nữa!
– Cứ xài xà-bông! John Smith dặn dò cô và chỉ một bánh xà-bông to tướng đắt tiền nằm trong cái hốc nhỏ ven hồ. Nước hồ tẩy xà-bông rất tốt bởi vì mực nước trong hồ không khi nào cao bằng mực mạch nước suối nên đừng ngại gì hết.
– Bây giờ thì em biết vì sao anh bao giờ cũng sạch sẽ rồi.
Cô vừa nói vừa nhớ lại gian nhà tắm của Missalonghi, chỉ vỏn vẹn có hai inchơ nước tận dưới đáy cái thùng rỉ sét cho mỗi lần tắm, nước từ trong ấm thì nóng nhưng hễ rót ra thùng thì lập tức lạnh ngắt. Và còn một chế độ phân phối không đồng đều rất khắc nghiệt được áp dụng giữa ba người đàn bà ở Missalonghi trong đó Missy, kẻ nhỏ người nhất thì bao giờ cũng nhận phần ít ỏi nhất.
Không ý thức rằng mình quyến rũ đến dường nào, cô mỉm cười với anh và đưa hai cánh tay lên cho đến khi hai núm vú hồng hồng của khuôn ngực nhỏ mập mờ dưới làn nước trong veo.
– Sao anh không cùng tắm với em? Cô hỏi với giọng tình tứ như thể cô chính là một người phụ nữ đầy sức quyến rũ – Còn trống chỗ đây nầy.
Thế là chẳng cần phải thúc giục lần thứ hai, và như quên mất lời chỉ dẫn về việc sử dụng xà-bông, anh hoạt động nhiệt tình làm như là mọi nơi trong cơ thể của cô cần phải được bàn tay anh và bánh xà-bông chăm sóc tới, cô thì nghĩ rằng anh cần hành động như vậy nhằm mục đích tẩy xoá mùi vị của Cây Mao Lương Hoa Vàng. Cô chấp nhận sự chăm sóc ấy với vẻ thích thú rất ngây thơ và cũng muốn trả công anh y như thế. Và vậy là buổi tắm táp kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, sau bữa điểm tâm, anh vội đi vào nội dung chính:
– Nếu em cùng đi bằng xe ngựa về Missalonghi rồi đi bộ vô Byron để đón xe lửa đi Katoomba thì có lẽ em sẽ tới nơi cùng lúc với anh trong khi anh cứ việc đánh xe ngựa – Missy bảo – Em phải thăm má một chút, em cũng định mua sắm bánh trái và trả sách lại thư viện.
Anh ngó cô với vẻ ngạc nhiên:
– Em không tính làm một đám cưới rình rang chớ?
Cô bật cười:
– Không. Chỉ có anh với em thôi cũng đủ lắm rồi. Nhưng vì em có để lại cho má một lá thơ, em không muốn má kinh hoàng. Với lại em có một người bạn thân làm ở thư viện… anh có đồng ý để em mời chị ấy đến dự đám cưới của chúng ta không?
– Tuỳ em. Mặc dù vậy anh vẫn lưu ý với em là theo sự tính toán của anh anh vẫn ưng tiến hành mọi việc xong xuôi ngay ngày hôm nay.
– Ở Katoomba à?
– Đúng.
Áo cưới màu nâu! Chớ cô còn đỏi gì nữa bây giờ? Missy thở dài:
– Thôi được, với điều kiện là anh phải hứa với em một điều.
– Điều gì? Anh thận trọng hỏi lại.
– Khi em chết, xin anh vui lòng chôn cất em với một chiếc áo bằng ren màu đỏ. Còn nếu không thể kiếm được trang phục như em yêu cầu thì chỉ mong anh nhớ cho là bất cứ màu gì cũng được miễn đừng là màu nâu.
Anh có vẻ ngạc nhiên:
– Em không thích màu nâu à? Vậy mà anh có thấy em mặc màu nào khác đâu?
– Em mặc màu nâu là vì em nghèo và tự trọng. Màu nâu sẽ chẳng bao giờ để lộ vết bẩn, màu ấy chẳng phải thời trang cũng chẳng bị lỗi thời, nó khó phai hơn các màu khác, không phải loại rẻ tiền mà cũng chẳng đến nỗi xuềnh xoàng hoặc không đúng đắn.
Điều cô nói làm anh bật cười nhưng rồi anh trở lại câu chuyện:
– Em có mang giấy khai sinh theo không?
– Có, trong túi đây nè.
– Tên thật của em là gì?
Phản ứng của cô thật lạ lùng: cô đỏ mặt, xoay trở người trên ghế, cắn răng lại với nhau:
– Anh không thể gọi em là Missy được hay sao? Mọi người vẫn hay kêu em là Missy, thật mà.
– Sớm muộn rồi thì tên thật của em cũng bị tiết lộ thôi – Anh nhe răng ra – Thôi mà, nói phứt đi cho rồi! Có gì khó khăn đâu? Chắc chẳng phải là một cái tên xấu xí nào phải không?
– Missalonghi.
Anh phá lên cười sặc sụa:
– Chắc là định trêu ghẹo anh chớ gì?
– Nếu mà được như vậy thì hay biết mấy.
– Cùng tên với nhà à?
– Giống hệt với tên nhà. Ba cho đó là cái tên đẹp nhất thế giới, vì ba ghê tởm kiểu đặt tên theo từ Latin của dòng họ Hurlingford. Má thì muốn kêu em là Camilla nhưng ba cứ nhứt quyết đòi cho được cái tên Missalonghi.
– Đúng là chằn tinh cái!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.