West Street ở West Palm Beach thuộc khu dân cư da đen là một con đường dài chật hẹp, hai bên có những dãy nhà ọp ẹp, phía trước mỗi nhà có khoảnh vườn con, cỏ mọc um tùm và được che chắn băng những rào gỗ mục nát.
Những người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một vài gia đình người da đen nhàn rỗi ngồi đánh bài hoặc ngủ gật dưới mái hiên. Còn cánh phụ nữ thì bế con đi nhàn tản.
Đi trên con đường, tìm số nhà 1141, tôi cảm nhận có những cặp mắt tò mò quan sát với vẻ thiếu thiện cảm hoặc dửng dưng, vô tích sự.
Trông thấy một chiếc lều nằm cuối con đường huyết mạch, tôi dừng xe lúc lâu, quan sát tấm biển gỗ viết chữ lờ mờ, khiến tôi không thể tin được rằng mình đang đứng trước cơ ngơi của bác sĩ Hugo Rappach, nhà thần kinh học. Những thanh sắt gỉ sét chèn quanh phên vách, vài tấm bạt cũ rách phủ trên mái nhà để chống gió mưa, đã đủ cho thấy tình trạng sa sút của chủ nhân. Không thấy chuông điện, tôi đập tay vào cánh cửa gỗ. Trong khi chờ đợi dưới bầu không khí ẩm ướt, tôi cảm thấy những người hàng xóm bên cạnh, đủ mọi lứa tuổi đủ mọi màu da đang đổ xô ra ngồi đứng trên lan can, im lặng đong đưa những cặp mắt tò mò.
Cánh cửa mở ra và một người đàn ông xuất hiện trước mặt tôi. Gầy nhom cao khỏng, bạc nửa mái đầu, sắc nét của dân da đen và chằng chịt những nốt sẹo rỗ đậu mùa. Tôi đoán số tuổi của ông ta ít ra có đến tám mươi lăm hoặc tám mươi sáu. ông đứng thẳng lưng như thách thức với thời gian và khi nhìn vào đôi mắt đen tuyền, sắc bén của ông ta, tôi ý thức được một sức mạnh khó chống lại được.
– Ông Fellows đây, phải không? – Ông hỏi và tôi nhận ra giọng trầm và rõ nét của ông.
– Thưa, đúng vậy. – Tôi đáp. – ông là bác sĩ Rappach?
– Vâng, xin mời ông vào. Tôi thấy các con tôi, chúng muốn biết ông là ai. Chúng rất tò mò và ít khi được thỏa mãn.
Ông đưa tôi vào một căn phòng đầy bụi bặm và bề bộn, gồm một bàn viết, một ghế dựa, một số sách vở, một chiếc đi văng và ghế gỗ đặt trước bàn viết.
– Đây là phòng tư vấn bệnh lý của tôi, ông Fellows. – Ông nói và dẫn tôi tới trước chiếc bàn. – Mời ông ngồi lên đi văng, chiếc ghế thô kệch kia, dành cho các bệnh nhân.
Ông ngồi phía sau chiếc bàn, đặt hai bàn tay gân guốc lên, và chăm chăm nhìn tôi.
Hơi bối rối, tôi ngồi lên chiếc giường trơ cứng vì đã mòn nhẵn lò xo. Bằng cách nào lão già nửa trắng nửa đen và nghèo kiết xác này lại là bạn của ông Vernon Dyer thanh lịch được? Ông ta có thật sự là nhà thần kinh học hay không?
– Tôi biết ông ngạc nhiên lắm, ông Fellows. Điều này dễ hiểu thôi, xin cho tôi giải thích. – Ông ta bắt đầu nói. – Nếu tôi không sống trong hoàn cảnh thế này, các con tôi sẽ không đến với tôi. Khi đến gặp tôi, chúng quan niệm đã cho tôi một ân huệ và vì chúng cần tôi giúp đỡ, nên đấy là sự trao đổi thỏa đáng cả đôi bên. Tôi lấy hai mươi lăm xu tiền thù lao mỗi chuyến viếng thăm của chúng. – Ông cười, chìa hàm răng vàng khứu.
– Thực tế, tôi chẳng làm gì nhiều. Trước kia tôi có một dưỡng đường, giờ thì tôi đã già rồi. Tôi sống trong cái xó xỉnh này để có một số tiền ít ỏi chi dùng cho các nhu cầu khiêm tốn bằng cách chăm sóc các con bệnh và giúp đỡ những người bất hạnh. Đấy không phải hoàn toàn vì lòng thương người, nhưng với tôi là một đảm bảo vì cuộc sống tương lai.
Tôi bớt căng thẳng.
– Đấy là một vinh hạnh của ông, thưa bác sĩ. – Tôi nói. – Xin thành thật biểu dương.
– Tôi không cần những lời tán dương. – Ông ta nhìn vào chiếc đồng hồ rẻ tiền trên cườm tay gầy đét. – Tôi chỉ có thể tiếp ông trong hai mươi phút thôi, ông Fellows. Tôi có thể giúp được gì cho ông đây?
Lúc ở tiệm ăn, tôi đã soạn sẵn một câu chuyện và tin rằng lão sẽ chấp nhận.
– Như đã giải thích sơ với ông qua điện thoại rằng tôi đang bố cục một quyển tiểu thuyết. – Tôi bắt đầu nói. – Và đây là tình huống: một gã đàn ông, – cho nó cái tên là Dokes, – hắn có nhiều năng lực về thôi miên, và làm việc trong các hộp đêm. Một cô gái trẻ, – tôi đặt là Mary, – đêm nọ đã đi cùng các bạn vào vui chơi ở hộp đêm ấy và do thách thức, cô chịu để cho Dokes thôi miên. Sau đó gã ảo thuật gia ma mãnh này tìm đến nhà Mary và vì chịu ảnh hưởng của thôi miên học, cô gái đã bị hắn cưỡng hiếp. Sáng ngày hôm sau, khi tỉnh dậy, Mary hoàn toàn không nhớ những gì đã xảy ra cho mình. Từ lúc đó, khi thèm khát nhục dục, Dokes điềm nhiên đến nhà Mary và tiếp tục lạm dụng nàng. Đây là nội dung quyển tiểu thuyết tôi muốn sáng tác. Nhưng trước khi đặt bút, tôi muốn biết điều này có thể xảy ra không.
Cặp mắt đen xì của ông lão quan sát tôi:
– Cho phép tôi nói, thưa ông Fellows, soạn phẩm của ông không hoàn toàn mới lạ. Các sự kiện của ông mô phỏng đã xảy ra vào thế kỷ XVIII, về chuyện một bá tước phu nhân bị người học trò của Cagliostro, một nhà thôi miên học khét tiếng, mê hoặc.
Tôi tái mặt:
– Thế thì, chuyện này có thể xảy ra?
– Vâng, có thể xảy ra.
Tôi không chịu tin:
– Theo những gì tôi được đọc, thưa bác sĩ, giả thuyết một ai đó có bị thôi miên đi chăng nữa, cũng không nhất thiết phải làm những điều người ấy không muốn. Trong trường hợp này, một phụ nữ không thể bị cưỡng bức do ảnh hưởng của thôi miên học.
– Trong đa số trường hợp, điều ông vừa nói là đúng, ông Fellows, nhưng cũng có những ngoại lệ. Điều này tùy thuộc một phần lớn vào kỹ năng của nhà thôi miên và của đối tượng. Một bên có đầy đủ nghị lực, còn bên kia sức đề kháng quá yếu ớt…
Tôi cảm thấy khó chịu, muốn nhanh chóng kết thúc câu chuyện:
– Một câu hỏi khác. Nếu Mary rời khỏi thành phố, Dokes có thể duy trì được ảnh hưởng đối với nàng không? Các khoảng cách có quan hệ chăng?
– Nếu hắn có một quyền năng đáng kể, cho dù nàng bỏ xứ đi xa chăng nữa, hắn vẫn duy trì được thôi miên học, tác động lên nàng.
– Đấy có phù hợp với khoa học không?
Lão làm một cử chỉ mất kiên nhẫn:
– Tất cả những gì tôi trình bày đều khoa học cả, thưa ông Fellows. Tôi có nhiều con bệnh đã rời khỏi vùng này và hiện đang ở khá xa nơi đây, nhưng tôi luôn luôn giữ được mối quan hệ với họ qua thôi miên học. Họ viết thư hoặc điện thoại cho tôi và tôi có thể chữa trị căn bệnh của họ nhờ vào ảnh hưởng của thôi miên.
Những điều lão nói càng làm tôi tin tưởng Valérie nhiều hơn, đồng thời một nỗi thất vọng gặm nhấm hồn tôi.
– Làm cách nào để Mary nhẹ bớt ảnh hưởng của Dokes? Phải tuyệt đối có phần tiếp theo cho cuốn tiểu thuyết của tôi.
– Trên thực tế, điều này không thể có được, thưa ông Fellows. Ông đã tạo ra một tình huống không có lối thoát. Môn thôi miên học rơi vào tay những người không tương xứng rất cực kỳ nguy hiểm. Trừ phi Dokes đích thân muốn giải phóng nàng, hoặc giả hắn chết đi, còn ngoại ra người phụ nữ nhân vật trong cốt truyện của ông sẽ mãi mãi nằm trong quyền lực của hắn.
– Nhưng nếu nàng tìm được ai đó, thí dụ như ông chẳng hạn, thưa bác sĩ? – Tôi hỏi, cố bám víu vào tấm ván cứu hộ cuối cùng. – Một chuyên gia lành nghề có thể hành động chông lại ảnh hưởng của sự thôi miên tác hại ấy không?
Lão lắc đầu khẳng định:
– Tôi e rằng không và người ấy cũng đừng nên thử qua. Riêng tôi, chắc chắn sẽ không nhúng vào. Cho dù ông đưa ra giả thiết ngỡ hầu tác phẩm của ông có thể chấp nhận được, rằng Dokes chỉ là một tay thôi miên học gà mờ. Trường hợp này càng tai hại hơn, vì cái cách của hắn sẽ tạo cho Mary một tác động khủng khiếp, chắc chắn sẽ khiến nàng bị rối loạn thần kinh rất trầm trọng.
Tôi rút mùi xoa ra lau đôi tay ướt rịn.
– Có biện pháp nào làm cho Dokes phải buông tha nàng không?
– Trừ phi hắn chết do một cơn đau tim đột biến.
– Đây không phải là ý đồ xây dựng cốt truyện của tôi.
Lão nhún vai, và một lần nữa nhìn vào đồng hồ:
– Thế thì, nếu muốn duy trì giải pháp buộc Dokes phải giải phóng Mary thì chỉ còn cách làm cho hắn chết, thí dụ một tai nạn nào đó chẳng hạn. Tôi tin chắc rằng ông có thừa tưởng tượng để rứt bỏ Dokes, mà không phải cầu cứu đến lời khuyên nhủ của tôi, ông Fellows. – Lão cười mỉm. – Nếu ông viết truyện trinh thám, thì người hùng Mary của ông sẽ tự thanh toán hắn, đúng không?