Thời gian biểu đến Tokyo, các vé máy bay, phiếu đặt phòng trước tại khách sạn đã tới qua đường bưu điện vào buổi sáng. Lúc mười giờ, tôi điện thoại cho Dyer tại địa chỉ của Vidal. Hắn trả lời, sau khi để tôi phải chờ một lúc.
– Tôi đã có những gì liên quan đến các chuyến bay tới Tokyo. – Tôi thông báo. – Ông có muốn tôi chuyển nó qua bưu điện, hay ông sẽ đích thân đến nhận?
– Anh phải đích thân mang nó đến! – Hắn trả lời cộc lốc. – Tôi có nhiều vấn đề khác để thảo luận với anh. Từ đây về sau, tôi sẽ không mất thời gian để nói tào lao tại phòng giấy của anh.
Sau mấy lời này, hắn đột ngột dập ống nói.
Tôi không ngạc nhiên trước phản ứng ấy, nó là một phần trong sự trả thù vặt vãnh. Bây giờ đến lượt hắn bắt buộc tôi phải chờ đợi. Tôi ra khỏi bàn viết để hội ý với Sue.
– Nếu khách hàng đến không quá đông, em có thể sẽ tự lo liệu. – Nàng nói.
– Nhưng họ sẽ kéo đến tấp nập và tôi không muốn có sự khiếu nại. Hơn nữa ông chủ khách sạn ở đây rất tốt với chúng ta, để tôi gọi điện thoại nói chuyện với Massingham.
Massingham đã nắm được ngay tình huống:
– Anh còn nhớ Bill Olson, nhân viên ở Boston chứ? – Ông hỏi tôi. – Hắn vừa đến Florida để làm quen công việc ở đấy. Tôi sẽ gửi hắn đến chỗ của anh. Hắn sẽ rất ăn cánh với tôi cũng như với anh. Hắn sẽ đến anh trong vòng một giờ đồng hồ nữa.
Tôi giật mình, vì đã lâu không gặp Olson kể từ khi Valérie rời Boston một cách khó hiểu. Nghe đến tên hắn, những kỷ niệm xưa đã bùng dậy trong tôi.
Tôi thông báo Jue biết quyết định này:
– Kê một chiếc bàn nữa. – Tôi ra lệnh. – Nếu em chịu khó đẩy chiếc bàn sang bên trái, chúng ta sẽ còn chỗ.
Nàng gật đầu, đồng ý:
– Em sẽ lo ngay. – Nàng vừa đáp vừa đưa tay đến điện thoại.
Cầm xấp giấy tờ trong tay, tôi rời văn phòng và bước thẳng tới bãi đỗ xe. Trên đường đi, tôi đứng lại và liếc vào tiệm “Trendie”. Rhoda đang ngồi trên chiếc ghế cao, nhìn vào tờ tạp chí.
– Coi chừng, cưng ơi. – Tôi nói to. – Nếu em cứ tự lặm mệt như thế, không khéo sẽ bị đau đôi chân đấy.
Nàng ngẩng mặt lên, đưa cặp mắt trống rỗng vào tôi:
– Cái gì?
– Chẳng có gì sất. Có lẽ anh không trở lại để cùng ăn trưa, đừng chờ. Anh đi gặp ông Henry Vidal.
– Chà, làm ăn lớn, đúng không? – Nàng hỏi, rồi cúi đầu xuống tiếp tục đọc báo.
Paradise Largo là một eo đất nối liền hai xa lộ E1 và A1. Con đường dẫn vào Largo được bảo vệ bằng một nhà gác và một hàng rào điện tử. Không một ai, ý tôi muốn nói bất cứ người nào, muốn bước vào mà không xuất trình giấy chứng minh và lý do thăm viếng.
Nằm bên trong những hàng đậu đơm hoa rực rỡ cao khoảng một mét và những cánh cổng bằng gỗ sồi lỗ chỗ đinh đồng, hiện lên ba hoặc bốn mươi dinh thự lộng lẫy của các nhà tỷ phú kếch xù ở Florida.
Tôi đỗ chiếc Plymouth trước căn nhà gác và gã bảo vệ mặc đồng phục xanh đang ngồi bên trong ném cho tôi cái nhìn soi mói.
Tôi đứng trước gã và tự giới thiệu:
– Tôi là Clay Burden, muốn vào gặp Vernon Dyer ở chỗ ngài Henry Vidal. Ông Dyer đang chờ tôi.
– Giấy phép lái xe của ông. – Hắn nói.
Tôi xuất trình và sau khi xem qua, hắn trả lại tôi rồi với tay nhấc điện thoại. Lúc sau, hắn ấn vào một cái nút và cổng rào điện tử từ từ cất lên, rồi làm hiệu cho xe tôi vào:
– Cánh cổng thứ tư, bên trái.
Tôi khởi động máy, cho chiếc Plymouth tiến vào một lối đi rộng trải cát, rẽ qua trái và đến trước một cổng rào sắt cao khoảng mét rưỡi. Tại đây một gã bảo vệ khác cũng đồng phục xanh, ấn nút điện cho cổng mở.
– Lái xe thẳng vào, ông Burden. Đỗ xe nơi bãi số bốn.
Tôi làm theo, đi vào con đường ngoằn ngoèo rợp bóng cây cọ, hai bên trồng hoa mộc lan và nguyệt quế đỏ. Một sân cỏ cắt xén công phu và những bụi hoa phẳng lì khoe sắc thắm dưới ánh mặt trời đã hiện ra, cho thấy ngôi biệt thự một tầng kiến trúc Tây Ban Nha, phủ đầy hoa hồng và đỏ với một dãy hành lang dài màu hổ phách uốn quanh. Thật là chốn lưu cư xa hoa tráng lệ và bề thế nhất, biểu tượng của cao sang sung mãn.
Theo chỉ dẫn, tôi đỗ xe vào bãi số bốn, cạnh chiếc Rolls Corniche và chiếc Lamborghini Espana. Nằm giữa hai anh chàng đẹp mã, chiếc Plymouth của tôi như một mụ già nhà quê cằn cỗi.
Một người làm công da đen, quần vải xô dài đen riềng trắng, áo vét đỏ sẫm, từ trong bóng râm bước ra, nhoẻn miệng cười, phô hàm răng trắng phau:
– Ông Burden?
Tôi gật đầu.
– Làm ơn đi lối này, thưa ông.
Hắn hướng dẫn tôi dọc theo một lối đi, hai bên trồng hoa kết thành một mái vòm như dải trắng đỏ rực, dài hừng hực tới một kiến trúc bằng gỗ đàn hương đánh vecni trắng.
Hắn nói, trước khi biến đi:
– Cánh cửa thứ ba, thưa ông. Tôi đi thông báo ông Dyer.
Tôi bước vào một gian phòng rộng với chiếc bàn hình bầu dục ở chính giữa, bên trên đầy ngập sách báo, tập san. Tám gã đàn ông béo, gầy, già trẻ đủ cả, đều mặc những bộ complé đang ngồi chờ đợi trên những chiếc ghế bành, các cặp da đặt trên đầu gối. Họ ném cho tôi những cái nhìn ngờ vực như vừa nhìn thấy một địch thủ. Nhưng khi tôi ngồi vào một chiếc ghế, tất cả đều quay mặt đi và đều giữ im lặng. Năm phút sau, giọng nói của một phụ nữ phát ra từ loa phóng thanh vô hình.
– Ông Hedger, xin mời đến phòng số năm.
Một gã đàn ông cao lớn, có tuổi đứng lên và vội vã bước ra.
Nhiều phút chậm chạp trôi qua. Một gã đàn ông khác được gọi đến, rồi đến lượt người khác. Trong phòng chỉ còn lại một gã hói và tôi.
“Giống như ở phòng nha khoa. Tôi nhận xét vừa thấy thêm người thứ tư. Bà thực vậy, nhưng tôi thích chọn phòng trám răng hơn”.
Hắn lấy khăn mùi xoa lên lau mặt đang nhễ nhại mồ hôi.
Nhìn vào đồng hồ tay, tôi đã ở đây được một tiếng mười phút. Lần sau, nếu có lần sau, – tôi nghĩ thầm, – mình sẽ mang công việc theo để làm. Gã hói được gọi. Hắn ta làm hiệu cho tôi bằng cái hất đầu và bước ra. Một giờ ba mươi lăm phút sau, tên của tôi được xướng lên.
– Xin mời ông Burden hãy đến phòng số mười lăm.
Vernon Dyer ngự phía sau một chiếc bàn lớn, bên trên có ba chiếc điện thoại, một máy thu âm, một máy nội đàm với ba mươi nút bấm. Một lọ hoa, một đĩa lạc rang muối, ba cái gạt tàn bằng inox, một hộp đựng thuốc lá bằng bạc và một cái hộp nhỏ đựng xì gà cũng có thể hắn vừa đọc cho người khác viết vừa nhai đậu lạc.
– Anh đấy hả? – Hắn nói, giọng uể oải. – Ngồi xuống đi.
Tôi đặt trước mặt hắn một tấm giấy thẳng, chiếc phong bì đựng bảng thời gian biểu, các vé máy bay, giấy giữ chỗ trước trong khách sạn và tôi ngồi vào ghế. Hắn dành thời gian để xem các văn kiện. Dĩ nhiên hắn tìm cái cớ gì đó để hạch học tôi. Bất thần hắn ngước đầu lên, cặp mày cau lại:
– Tại sao anh thuê các phòng nghỉ ở khách sạn Pacific Hotel? – Hắn cật vấn. – Khách sạn có một khu vườn tuyệt đẹp, một phong cách phù tang hấp dẫn, rất yên tĩnh hơn ở Imperial.
– Đặt cho họ ở đó ngay! Họ không có thời gian để thưởng ngoạn miếng vườn và lo nghĩ tới sự hấp dẫn, trời ạ!
Tôi phát cáu nhưng giữ bình tĩnh:
– Chuyện nhỏ, thưa ông Dyer.
Hắn ném cho tôi cái nhìn sấm sét:
– Phải có cho tôi những chỗ đặt trước vào mười sáu giờ, không được trễ một phút.
– Ông sẽ có ngay. Có thể lần sau ông nên chỉ cho tôi biết trước những khách sạn nào ông tuyển chọn.
– Đây là bổn phận, ông phải chọn những chỗ tốt nhất.
– Theo tôi Magnifigne là tuyệt.
Mặt hắn đỏ sậm:
– Lấy những phòng ở Imperial. – Hắn vất lại tôi các giấy đặt phòng rồi nhìn đồng hồ lúc này là mười ba giờ mười phút. – Trễ quá rồi, đúng không? – Hắn ném cho tôi nụ cười châm chọc. – Tôi buộc phải mời anh trở lại dây. Tôi sẽ hẹn với anh đi ăn. Hãy có mặt ở đấy lúc mười lăm giờ. Được chứ?
Tôi đứng lên:
– Tôi có cái hẹn vào giờ ấy, thưa ông Dyer. Tôi rất tiếc.
Hắn nghiêng chiếc đầu thăm dò nhìn tôi, mắt khép lại:
– Với một số tài khoản quan trọng đến thế, tôi chờ đợi được đáp trả lại. Tôi muốn anh phải có mặt ở đấy lúc mười lăm giờ.
– Tôi xin lặp lại rằng, nếu chuyện này gấp gáp đến thế, tại sao ông không đến văn phòng của chúng tôi, sau khi ông ăn xong?
Chúng tôi nhìn nhau chòng chọc. Hắn là người đầu tiên quay nơi khác, mặt co rúm vì tức giận:
– Hừ, bởi vì tôi đã trễ thì có thể chịu đựng thêm một chút, tôi sẽ cho anh những chỉ dẫn ngay. – Hắn rút trong ngăn kéo một phong bao dày cộm và đưa qua tôi. – Xem đi, nếu có điều gì cần hỏi hãy điện thoại cho tôi vào ngày mai. Đừng chọn phòng ở khách sạn trước khi hỏi ý kiến của tôi.
– Được. – Tôi nói trước khi ra cửa.
– A, tôi quên. Tôi muốn anh hoàn toàn không vướng bận công việc trong năm ngày, kể từ ngày thứ ba.
– Hoàn toàn rảnh rỗi? – Tôi nhìn hắn và hỏi lại.
– Đấy là điều tôi muốn nói. Ông Vidal sẽ đi San Salvador có bà Vidal đi theo. Trong khi ông Vidal bận rộn công việc, anh sẽ hộ tống bà Vidal đi viếng thăm thành phố. Một xe lộng lẫy trang bị máy lạnh, một căn phòng tiện nghi trong khách sạn. ông Vidal muốn hai vé du lịch hạng nhất của hãng hàng không Intercontinental và một vé du lịch thông thường cho anh. Các chỉ dẫn đều có trong phong bì.
Chương trình này sẽ thật sự là một trái khoái với những ước muốn của tôi. Tôi tự biết mình sẽ làm một hướng dẫn viên tồi nhất, vì, chưa bao giờ đặt chân tới San Salvador và hơn nữa không phải công việc của tôi.
– Tại San Salvador chúng tôi có một hãng đại lý sẽ lo việc này cho bà Vidal.
– Ông Vidal không muốn như thế. – Dyer nói gằn giọng. – Ông ấy không muốn một gã lai châu Mỹ la tinh hộ tống bà Vidal. Ông ấy muốn chính anh làm việc này. Anh có phản đối gì không?
– Nếu vì món tài khoản quan trọng của ông Vidal, thì tôi không phải là người duy nhất đặt trách nhiệm này. – Tôi phản bác. – Chúng tôi phải xem lại nên làm thế nào. Tại Miami, hãng của chúng tôi có một hướng dẫn viên du lịch xuất sắc sẽ cùng đi với bà Vidal!
– Tôi đã nói với ông Vidal rằng anh sẽ rất vui sướng được làm tròn nhiệm vụ này. Thế thì anh chỉ còn mỗi việc là thi hành.
– Nếu tôi vắng mặt trong năm ngày, sẽ không có người để tuân theo các chỉ dẫn của ông. – Tôi lưu ý hắn để tìm cớ khước từ.
– Anh đã có trong tay đầy đủ những chỉ dẫn của tôi vào tuần lễ tới. – Hắn nói vẻ hết kiên nhẫn. – Sẽ không có công việc nào khác phải giải quyết đến lúc anh trở về.
Tôi tự nhận rằng mình đã thất bại:
– Tôi sẽ xem lại điều gì có thể làm. – Tôi đáp và chấm dứt buổi nói chuyện.
Tôi dừng xe trước nhà hàng Howard Johnson, gọi một đĩa tôm trộn với rau cải tươi và một chai Coca. Trong lúc ăn, tôi đọc lướt qua những yêu cầu hắn đưa ra. Chúng bao gồm một khối công việc đến choáng ngợp: đặt hai vé hạng nhất trên phi cơ, chọn chỗ khách sạn cho mười người thăm viếng London trong vòng một tuần lễ. Một chuyến đi cũng như thế cho năm người đến viếng Paris, trong khi hai người khác muốn đi Moscou. Tất cả việc này phải được hoàn chỉnh. Tôi sang qua phần chương trình của Vidal. Vợ chồng lão lên đường vào ngày thứ hai, một chiếc xe gắn máy lạnh đón họ ở phi trường Ilopango và đưa họ về khách sạn Intercontinental. Ngày thứ ba hôm sau, tôi sẽ đến gặp họ và đi theo bà Vidal. Tôi được đặt dưới sự điều động của bà này trong suốt thời gian lưu ngụ ở San Salvador. Chúng tôi sẽ trở về Paradise City vào ngày chủ nhật.
Tôi vòng xe chạy về văn phòng của hãng, nơi Bill Olson đang bắt đầu làm việc. Sue và hắn đang bận rộn tiếp các khách hàng. Olson ngước đầu lên nhìn tôi và mỉm cười. Hắn có phần già hơn từ khi chúng tôi gặp nhau lần chót. Hắn cao khỏng, gầy đét, cương nghị, hắn có nụ cười cởi mở và dễ mến.
Không muốn quấy rầy hắn, tôi chỉ giơ tay chào rồi bước vào phòng mình. Ở đây tôi điện thoại thông báo cho Massingham, cho lão biết có sự thay đổi trong việc thuê khách sạn và yêu cầu lão gửi giấy đặt trước các phòng nghỉ ở Imperial đến cho Dyer trước mười sáu giờ chiều, rồi tôi nói với lão về chuyến đi đến San Salvador.
– Nếu Dyer không để chúng tôi yên trong lúc anh vắng mặt, thì tôi nghĩ là anh nên đi Massingham. Đây cũng là một thay đổi nhỏ cho anh.
– Nhưng khổ nỗi, chẳng biết tí gì về nơi ấy thì nhất định tôi sẽ là một hướng dẫn viên tồi.
– Gửi một điện báo đến hãng đại lý ở San Salvador, yêu cầu họ chuyển cho anh một chương trình tham quan, đồng thời cung cấp một lái xe biết hướng dẫn. Vidal sẽ đồng ý nhận hắn đi chung với anh, phải không?
– Chưa rõ, để tôi thử xem. Khi nhân viên văn thư của ông giữ các giấy thuê phòng thì hắn sẽ phải đến đây. Tôi còn nhiều việc phải giải quyết và cũng đang hối thúc bảng định giá.
Massingham nghiến răng và nguyền rủa:
– Bây giờ tôi mới hiểu tại sao American Express xem hắn là thằng rác rưởi.
– Đấy là đơn đặt hàng đáng kể khiến ông phải quan tâm.
– Được, sáng mai anh sẽ có bảng định giá. – Ông hứa và gác máy.
Tôi gửi một điện báo đến hãng đại lý du lịch ở San Salvador và người ta cho biết mọi thứ sẽ sẵn sàng cùng với người lái xe hướng dẫn, khi Vidal đến nơi.
Mãi đến mười bảy giờ bốn mươi phút, tôi ra khỏi phòng, bước tới chào đón Olson. Chúng tôi siết tay nhau và hắn nở rộng nụ cười:
– Rất vui được gặp lại anh, Clay. – Hắn nói. – Lâu như vô tận chúng ta không nhìn thấy nhau, phải không? Sáu năm.
– Gần như thế. Anh có được vài xếp đặt gì chưa, Bill? Đêm nay anh ngủ ở đâu?
Olson liếc mắt sang Sue, cô này đang xếp lại trật tự trên bàn làm việc:
– Cô gái này đã thuê giúp tôi một căn hộ có cả đồ đạc, ở đường Biscayne Avenue.
– A, rất gần nơi tôi. Nghe này, Bill, chờ tôi xếp đặt giấy tờ xong chúng ta sẽ về nhà tôi ăn tối. Tôi muốn giới thiệu anh Rhoda, vợ tôi.
– Hay quá, tôi chỉ còn hai việc để dứt điểm. Sau đó, tôi sẽ sẵn sàng.
Rhoda trở nên sinh động và hoạt bát khi chúng tôi có khách viếng thăm. Olson và nàng rất hợp nhau, tôi thấy anh tán dương sắc đẹp và phong cách tao nhã của nàng. Lúc đứng pha chế Martini, tôi hơi chua chát nghĩ rằng anh ấy sẽ cụt hứng thế nào khi suốt ngày nghỉ cuối tuần, nàng chỉ lượn lờ trong phòng với chiếc quần jean bẩn thỉu và chiếc áo pull lem luốc dầu mỡ. Đã thế, nàng lười biếng ngay cả vệ sinh cá nhân.
– Anh có gặp lại Valérie không, sau ngày nàng bỏ rơi chúng ta? – Tôi hỏi Olson bằng giọng thờ ơ, trong khi rót rượu.
– Không, tôi chẳng được tin tức nào về nàng.
Rhoda đưa bàn tay tới đĩa đậu phọng rang:
– Valérie là ai thế? – Nàng hỏi giọng tò mò tọc mạch.
Olson bật cười:
– Hóa ra chồng của bà chưa nói bà nghe về Valérie Dart?
– Anh ấy không hề nói với tôi gì cả. – Rhoda bĩu môi, rồi nhận ly rượu tôi trao. – Cô ấy có điểm nào đặc biệt không?
– Em nghĩ rằng tôi không bao giờ cho em biết. – Tôi đưa chiếc ly cho Olson. – Nhưng trên thực tế, em đã không nghe điều gì anh nói.
– Đừng nói rằng anh đã kể em nghe về cô ấy, bởi vì em tin chắc là không. – Nàng thét, giọng bực tức.
– Dù thế nào, cô ấy vẫn không đáng để em quan tâm. Cô ấy là thư ký lúc anh còn làm việc ở Statler Hilton, trước khi anh quen biết em. – Tôi nói, cố gắng giữ giọng tự nhiên. – Chúc sức khỏe Bill.
– Chà, cô thư ký độc đáo. – Olson trầm trồ, trong khi chúng tôi đang nâng cốc. – Một cô gái có khả năng nhất mà tôi may mắn được làm việc chung với nàng.
Tôi thấy những lời này tuyệt đối không làm hài lòng Rhoda. Nàng rất ghét ai đó tâng bốc một người đàn bà khác.
– Em cược rằng anh đã mê mệt cô ta. – Nàng nhìn tôi nói. – Anh có quyền yên chí.
– Thật vậy sao?
Tôi bước tới cánh cửa sổ, nhìn xuống con kênh. Thật ra tôi đã yêu Valérie và vẫn còn yêu nàng.
– Thật tình tôi không biết tại sao Clay cưới tôi, – Rhoda nói với Olson, – anh ấy luôn trách cứ tôi từ sáng tới tối. Rất tiếc anh ấy đã không hỏi cưới cô Valérie kia, mà dường như theo anh ấy, rất đảm đang và đôn hậu.
Nàng nói giọng chanh chua, khiến Olson phải khó chịu:
– Tôi không bao giờ tin rằng bà không đủ khả năng trên mọi bình diện, bà Burden. – Anh gượng gạo nói.
Tôi không đồng ý điều này. Một thoáng im lặng, rồi chính Rhoda lên tiếng:
– Có tài năng, nhưng người ta vẫn bất cần. Đấy là chuyện nhàm chán nhất thế giới. Tại sao tôi phải vất vả trong cái nhà này, trong khi tôi có một bà tớ già? Một khi anh chấm dứt ngẩng mặt nhìn trời, có lẽ anh sẽ nghĩ tới việc rót rượu cho chúng ta, Clay.
Lại một thoáng bối rối trong khi tôi pha Martini.
– Sue có nói với tôi về tài khoản của Vidal. – Olson lên tiếng. – Anh không nghĩ mình đang ngập ngụa trong mớ bòng bong à, Clay?
Tôi nhún đôi vai:
– Massingham đã làm hết cách rồi. Tôi chỉ nghe những lời trách cứ và cũng đã chịu đựng chúng rồi. – Tôi quay sang Rhoda và thông báo. – Em yêu, nhân đề cập công việc, tuần tới anh sẽ rời em trong sáu ngày.
– Anh nói gì chứ?
Tôi thuật cho nàng nghe về chuyến đi tới San Salvador. Nàng chưng hửng, đây là cuộc xa cách đầu tiên của chúng tôi từ khi lấy nhau.
– Còn em thì thế nào đây? – Nàng hét lên. – Ai sẽ đưa rước em đi làm?
– Xe buýt sẽ đưa em đến chỗ làm và sẽ đưa em về tận nhà.
– Xe buýt! Chỉ nghĩ đến việc bị nhốt kín trong chiếc hộp ấy đủ khiến em phát bệnh.
– Tôi sẽ rất hân hạnh được chở bà, bà Burden. – Olson can thiệp. – Không vấn đề gì cả. Tôi rất vui.
Nàng mỉm cười biết ơn Olson:
– Clay không hề nghĩ đến em. Cám ơn, Bill. Em rất có thể gọi anh là Bill chứ? Xin cứ gọi em là Rhoda.
– Xin sẵn lòng.
Khi bị nàng tấn công, tôi không ngạc nhiên điều này:
– Thế nào, anh đi với mụ phù thủy phu nhân Vidal đấy chứ? Đúng mụ đàn bà đang trù kéo anh lên giường!
Tôi không bao giờ thịnh nộ đối với Rhoda, cho dù nàng có làm tôi bực tức cho mấy, nhưng đêm nay phải hết sức cố gắng, tôi mới giữ được sự điềm tĩnh.
– Xem nào, đừng nói ngốc nghếch, em yêu. Anh có công việc phải làm và em không có lý do nào để ca thán.
– Em đoán chắc anh sẽ rất vui khi nghĩ rằng em đang mệt nhừ trong cái tiệm chết tiệt kia.
Tôi quay sang Olson đang hết sức bối rối:
– Anh thấy đói chưa?
– Hơn thế nữa. Tôi đang chờ sự sắp đặt của anh.
– Em sẵn sàng chưa, Rhoda?
– Chưa, em chưa sẵn sàng!
Nàng đứng bật dậy, bước nhanh vào phòng và khua cửa đanh tai.
– Ôi, đàn bà! – Tôi lẩm bẩm, cố gắng nặn nụ cười.
– Anh nói thế chứ chỗ ở của anh đẹp, cảnh trí ngoạn mục biết bao. – Hắn ngưng nói, im lặng một chốc, rồi bước ra ngoài hành lang.
– Ừ.
– Lão Vidal, – Olson nói tiếp, dĩ nhiên để thay đổi đề tài, – chính là con người kỳ quặc.
– Về mặt nào chứ? Rõ ràng lão là tay sừng sỏ.
– Năm năm về trước, lão chẳng là gì cả. Đấy là một trong số khách hàng của tôi ở Staler Hilton. Thời kỳ ấy, lão đi du lịch bằng vé phi cơ hạng thường. Lão muốn mở một trương mục vãng lai ở chỗ của chúng tôi, nhưng lão chẳng đưa ra một đảm bảo nào cả.
Tôi nhìn hắn, hết sức ngạc nhiên:
– Bằng cách nào Massingham có thể không biết tới lão?
– Tôi không thông báo vì lúc đó ông ấy ở New York. Tôi có kiểm tra ở quỹ tín dụng, được nơi đây khuyên không làm ăn với lão, do đó tôi đã khước từ mọi đề xuất của lão. Thế nên tôi cũng không bao giờ đề cập về vấn đề này nữa.
– Thế mà Massingham đang có những thông tin khác từ quỹ tín dụng.
Olson bật cười:
– Chuyện này đã xảy ra năm năm rồi, Clay, có quá nhiều diễn biến trong thời gian này. Dĩ nhiên người ta phải nói với Massingham những việc bây giờ, chứ không phải như ngày trước, thời gian chúng tôi đã khai trừ Vidal.
– Ngày thứ ba tới đây, tôi sẽ có một đặc lợi không thú vị. Vậy anh có thể cho tôi biết lão thế nào không?
– Một mẫu người kỳ lạ. Trước tiên lùn tịt, cao không quá mét rưỡi và hay gây sự, giống như những ai có thể hình thấp bé, lão để râu và hói đầu, nhưng vô cùng năng động, hãnh tiến, nói nhanh kèm theo động tác và đôi mắt có sức thôi miên người ta. Thời kỳ, tôi biết Vidal, lão đã tạo không ít hàng khối chuyện. Khi lão lấy vé đi New York thì người ta sẽ phải nói lão đang xếp đặt lên cung trăng. Nhưng từ dạo ấy trở đi, tôi cho rằng lão đã thay đổi nhiều. Người ta đồn đãi lão đã thu được rất nhiều triệu. Khi anh nhặt được số tiền nhiều đến thế, thì vô ích để phải máy mở hai bàn tay vì đã có bọn người dưới trướng làm thay cho anh rồi.
– Anh nói đúng. – Tôi xác nhận và lấy Dyer làm điển hình.
Rhoda bước ra khỏi phòng, nàng luôn tỏ ra gắt gỏng:
– Thế nào, có đi ăn không? – Nàng hoạnh họe. – Em đang đói.
– Bọn anh đang đợi đây, cưng. – Tôi nói.
– Vậy, xin ơn chúa chúng ta nên đến tiệm ăn nào đó kha khá để thay đổi không khí. Em chán ngấy cái cảnh này rồi.
Nàng đi như bơi ra khỏi nhà. Olson và tôi trao nhau cái nhìn bất đắc dĩ, rồi bước theo nàng.