Ơn Cha Nghĩa Mẹ

Bố Của Con



Thuở con còn nhỏ nhà mình đã chia hai, mẹ phụ giúp người ta ở trên phố; ngoại, con và anh, chị ở quê với bố. Lương thương binh 61% còm cõi của bố chẳng được bao nhiêu. Ngoại đau ốm, chúng con xin tiền đóng tiền học cũng hết. Cái ăn, cái mặc vì vậy phải tính từng bữa.

Ngày ngày, bố bán sức lao động ít ỏi của mình cho xí nghiệp gạch ngói để lấy 15.000 đồng. Không những vậy, bố còn xin chú Ba chân chở gạch buổi đêm, thấy chú e ngại bố nài nỉ: “Tôi khỏe lắm, chú khỏi lo”. Bữa cơm của bố lúc nào cũng vội vàng vì trong đầu bố đã hình thành việc tiếp theo mình cần phải làm. Có lúc sau bữa ăn, bố đi bón phân lúa, làm cỏ, giặm lại mái tranh, đan rổ hay bện chổi… Ðôi tay bố chẳng có việc gì không làm được cả.

Những đêm bố đang ngon giấc, ngoại lại đánh thức bố bằng bệnh đãng trí tuổi già. Ngoại đòi ăn, đòi đi chơi… Bố lại chăm sóc ngoại, dỗ dành ngoại. Những lúc tỉnh, ngoại lại ôm đôi tay bố khóc: “Mẹ xin lỗi”. Một ngày, dường như chẳng có lúc nào bố nghỉ.

Một lần người ta tới báo bố đi nghe điện thoại, con được bố cho theo cùng. Ðã gần hai năm con chưa được nghe giọng nói của mẹ, con đã khóc khi mẹ dặn “ngoan nghe lời bố nghe không”. Mẹ ơi! Lúc nào con cũng ngoan hết. Thấy con khóc, bố ngoảnh mặt đi chỗ khác. Con biết lúc đó bố rất đau, còn đau hơn những vết thương chiến tranh để lại. Chở con về, trưa hôm đó bố đã làm một chiếc chong chóng lá dứa đẹp nhất để con khoe với chúng bạn. Lúc đó, con muốn nói với bố rằng “lần sau, dù nhớ mẹ đến đâu con cũng không khóc nữa”.

Thương bố ngày một gầy, da ngày một sạm đen, chị Cả và anh con đều muốn bỏ học để bớt gánh nặng trên vai bố. Bố nói gằn từng tiếng: “Dù nhịn ăn nhịn mặc, bán hết sức lao động của mình, bố cũng không muốn các con nghỉ học giữa chừng”. Ðêm đó bố đã khóc. Ðó là lần đầu tiên con thấy bố khóc.

Mẹ về quê vì bệnh tụt huyết áp, gánh nặng trên vai bố lại thêm trĩu xuống. Những lúc bố quần quật làm ngoài đồng, chạy đua với thời gian để đi làm thuê cho người ta, mẹ lại nói: “Ông làm để chết à?”. Bố chỉ cười: “Bom rơi đạn nổ còn không chết, huống chi ba việc cỏn con này”.

Ngày con nhận tấm bằng đại học, con muốn san sẻ niềm hạnh phúc đó với bố đầu tiên. Nhưng tai nạn giao thông mang bố đi mãi… Con chỉ biết cầm tấm bằng và khóc trong câm lặng. Con không được sinh ra trong gia đình giàu có, không thừa hưởng gen thông minh vượt trội… Nhưng con thấy mình thật giàu có vì những tài sản tinh thần mà bố đã để lại cho chúng con.

PHẠM THỊ TÌNH ( Nam Ðịnh )

Chú thích :


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.