Ơn Cha Nghĩa Mẹ
Hôm Qua – Hôm Nay
“Hôm qua” của tôi là sáng sáng hai cha con đi trên chiếc xe đạp sườn ngang, đến công trình xây dựng thì dừng lại, để cha vào bán mồ hôi và sức lực cho manh áo chén cơm của cả gia đình. Tôi lại “tót” lên xe đi 4km nữa mới đến trường học, chiều về hai cha con lại về chung. (Mẹ sinh em bé, tôi phải nghỉ học từ lớp 6. Năm năm sau đi học lại ở trường bổ túc, trường lúc đó còn học chương trình “nhảy lớp” nên tôi học cả buổi chiều). Có một lần không phải học chiều, tôi trở về và ghé lại công trình của cha, thấy cha ngồi ăn cơm mà tôi suýt khóc, cảm giác rưng rưng ấy đã qua 10 năm rồi mà mỗi lần nhớ lại cứ như đang hiện hữu.
Ðối diện với công trình cao ngất ngưởng là căn nhà kho kiêm nhà ở thấp lè tè của anh em công nhân, bảo vệ. Cửa nhà mở toang, bên trong ngồn ngộn những xi-măng, sắt thép… Cha tôi ngồi lọt thỏm, bé nhỏ với cà mèn cơm cùng lọ đậu hủ kho khô (cha tôi ăn chay trường) giữa điệp trùng những vật liệu xây dựng. Ngoài công trường bụi cứ mù mù mịt mịt, trong nhà kho hăng đậm mùi vật tư… Mắt cha tôi xa xăm mà miệng cứ nhai cơm theo quán tính, như rằng phải ăn để có sức vượt qua những chập chùng của đời người chứ không hề cảm giác được sự ngon, dở của bữa ăn.
Ngoại cảnh đó, ánh mắt xa xăm của cha tôi hôm đó đã in vào tâm trí tôi một nỗi niềm oằn nặng. Chị em tôi phải làm gì để cha không còn bé nhỏ, để ánh mắt cha không còn đau đáu, để bữa ăn – niềm vui đơn giản nhất của đời người – cha tôi phải ngồi bên mâm cơm đàng hoàng. Và “hôm nay” tôi đã làm được điều đó dẫu cuộc đời vẫn còn những khó khăn. Chị em tôi đều có việc làm ổn định, dù không giàu có như người khác nhưng cũng vừa đủ sống theo sức lao động của mình chứ không như cha tôi ngày ấy.
Vậy mà hôm tôi có quyết định đi học ở Hà Nội, cha lại bần thần như người vừa khỏi bệnh. Chả là việc đi học này là tự túc chứ không được một sự tài trợ nào, nhưng trong họ hàng nhà tôi từ trước đến giờ chỉ có mình tôi được đi học ở xứ ngàn năm văn hiến, mà thời gian học lại dài như thế! Cha hỏi: “Vậy… cần bao nhiêu tiền?”. “Cha cho à?”. “Không, tao mượn giùm. Nhưng phải lên Ủy ban xã chứng nhận nợ”.“Trời đất! Cha nuôi con lớn được, bây giờ cho mượn bao nhiêu phải đòi chứng nhận nợ?”. “Hồi đó nuôi không tính vì mầy là con tao. Giờ phải tính vì mầy là… của công chúng. Phải chứng nhận để mai mốt đủ chứng cứ mà… đòi”.
Nhận tiền của cha mà tôi muốn khóc. Dù bây giờ cha không bán mồ hôi cho bụi mù của công trình, không neo mình trên những giàn giáo cheo leo nữa, nhưng để có số tiền này cha phải chắt góp từ những rau, cà, dưa, đậu… Cha ơi, ngày hôm nay con đã hơn ngày hôm qua nhưng không bao giờ quên được lòng cha mẹ…
Ð.P.THÙY TRANG ( Tây Ninh )
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.