Quản Lý Thời Gian

8. Đọc nhanh hơn



Đọc là một phần của quá trình giao tiếp: Bạn muốn tiếp thu được những tài liệu viết nhanh và hiệu quả hết sức có thể. Xác định tại sao bạn lại đọc một cái gì đó là điều rất quan trọng – bạn có muốn rút ra được một thông tin cụ thể nhất định từ một trang web, một bài báo hay một quyển sách không? Liệu bạn có phải trả lời một số câu hỏi liên quan đến những gì bạn đang đọc không? Liệu bạn có phải viết về nó không?

Sau khi bạn quyết định tại sao mình lại đọc một văn bản, hãy suy nghĩ xem bạn muốn dành bao nhiêu thời gian cho việc đọc? Bạn chỉ có vài phút và bạn cần phải định vị một thông tin cụ thể một cách chi tiết, hay bạn muốn đọc một đoạn viết vì những quan điểm thảo luận rộng hơn?

Tìm một chi tiết cụ thể. Đầu tiên, hãy nhìn xem liệu văn bản có phần mục lục hay bảng chú dẫn mà bạn có thể sử dụng để định vị những thông tin mà bạn đang tìm kiếm hay không. Nếu nó là một báo cáo, hãy kiểm tra xem nó có phần tóm tắt hay kết luận không. Đồng thời, chú ý đặc biệt đến phần đầu hoặc phần cuối của mỗi chương, và, trong đó, là các tiểu mục hay các đoạn. Nếu đó là một văn bản được viết tốt, thì bạn sẽ có thể hiểu được nội dung chính của đoạn đó khi đọc câu đầu tiên.

Học cách đọc lướt. Nếu bạn muốn hiểu một văn bản theo quan điểm thảo luận rộng hơn nhưng có quá ít thời gian, hãy xác định rõ ràng rằng bạn không nhất thiết phải đọc tất cả mọi từ. Thay vào đó, hãy tập trung ánh mắt của bạn vào những cụm từ, đặt biệt là vào những từ có chứa nội dung chính (danh từ hoặc động từ) thay vì những hư từ như “một số”, “những”, “này”, “kia”. Đừng dừng lại để tra trong từ điển nghĩa của những từ mà bạn không hiểu. Chỉ làm việc này nếu đó có vẻ là một từ quan trọng.

Hiểu các luận cứ. Nếu bạn cần phải trả lời câu hỏi hoặc viết về những vấn đề mà bạn đang đọc, hãy ghi chú trong văn bản. Ghi chú có thể bao gồm việc diễn đạt lại (bằng ngôn ngữ của riêng bạn) hoặc trích dẫn lại chính xác những gì tác giả viết. Nếu bạn không làm việc đó ngay, hãy chắc chắn rằng bạn ghi lại số trang, tên trang web…

Sau khi kết thúc việc đọc, bạn có thể suy nghĩ về những gì mà văn bản đã nói. Tự hỏi bản thân những câu hỏi về ý nghĩa của nó:

Bạn có đồng ý với văn bản không? Nếu không, tại sao?

Bạn đã từng diễn đạt những điều này theo cách khác chưa? Nếu có, theo cách nào?

“Đọc là để rèn luyện trí óc cũng như tập thể dục là để rèn luyện cơ thể”

Joseph Addison, nhà viết tiểu luận người Anh thế kỷ 18

Đừng nghĩ là bạn phải đọc tất cả mọi từ trong một văn bản. Hãy học những công cụ giúp bạn nắm được ý nghĩa tổng thể của nó.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.