Săn Học Bổng - Đích Đến Của Tôi Phải Là Nước Mỹ

Chương 2. Cái giá phải trả



Cuộc sống cấp II

(Từ tháng Chín năm 1996 đến tháng Bảy năm 2000)

Bạn có thể ham chơi, nhưng nên nhớ, bạn sẽ phải trả giá cho việc ham chơi ấy. Bạn muốn có được thứ này thì sẽ phải mất thứ kia. Ông trời công bằng, không cho ai tất cả. Cái gọi là chèo thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi, chính là nói bạn ham chơi trong lúc người khác đều đang phấn đấu, thì sẽ bị thụt lùi ở phía sau.

Ngày đầu tiên khai giảng bậc trung học cơ sở, nhà trường phổ biến: Môn tiếng Anh ở cấp II bắt đầu học từ ABC. Nghe tin này, tôi sướng như điên. Tôi mau chóng làm một phép tính nhỏ trong đầu: “Chẳng phải trước đây mình từng học tiếng Anh với một vị tiến sĩ đi du học về sao. Giờ học lại từ đầu, thì quá đơn giản, vậy, có nghĩa là… mình có thể tiêu xài thoải mái vốn kiến thức đã học được trước đó?” Nghĩ đến đây, tôi không khỏi nhếch miệng lên cười, khẩn trương bắt tay vào việc phác thảo cuộc sống trung học cơ sở muôn màu muôn vẻ. Thuở nhỏ tôi như vậy đấy, vừa thông minh vừa lanh lợi, mỗi tội “óc ngắn”, mới học được một chút chữ nghĩa đã khoe khoang, mới có được một chút thành tựu đã đắc ý. Mẹ luôn nhắc nhở tôi: “Làm việc phải chắc chắn, làm người phải vững vàng.” Nhưng có một vài đạo lý chỉ sau khi bản thân mình trải qua sự đả kích nặng nề hay thất bại to lớn mới có thể nhận thức được, còn bây giờ chỉ nghe người khác nói ra rả bên tai thì cũng chẳng đi vào trong lòng.

Vào tiết học tiếng Anh đầu tiên ở trường cấp II, có một cô giáo bước vào cửa chính của lớp học. Cô trạc ngoài ba mươi tuổi, tóc ngắn năng động, quần áo trên người toát lên cốt cách nhà giáo, cô trang điểm khéo léo, phong thái đĩnh đạc, tạo cho người đối diện cảm giác cô giỏi giang hơn người. Trong tay cô không cầm bất kỳ một cuốn giáo án soạn sẵn nào, cô đứng trên bục giảng trực tiếp giảng bài. Đầu tiên, cô dùng tiếng Trung giảng về tầm quan trọng của tiếng Anh, ví dụ như tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, nó là một trong những ngôn ngữ quan phương của Liên hợp quốc, chỉ có học tiếng Anh chúng ta mới có thể giao tiếp được với toàn thế giới. Cô có giọng nói to, rõ ràng, tốc độ nói vừa phải, cô nói liên tục hơn hai mươi phút mà không bị vấp chỗ nào. Tôi chăm chú lắng nghe, lạ là tôi chẳng buồn ngủ vì tính nghiêm túc của chủ đề.

Một lúc sau, cô ngừng nói, rồi sau phút tạm dừng gián đoạn đó, từ miệng cô lại phát ra thứ ngôn ngữ tiếng Anh lưu loát. Mặc dù lúc đó, tôi chưa thể hiểu hết ý cô, nhưng tôi cảm nhận rất rõ giọng nói êm như ru của cô, thậm chí tôi còn cảm thấy mình say sưa tiếp nhận bài giảng của cô. Suốt bốn mươi lăm phút đồng hồ, bao nhiêu cặp mắt nhỏ của cả lớp đều đổ dồn vào người cô, không có tiếng nói chuyện rì rầm, cũng không có tiếng ngáp ngắn ngáp dài. Mãi đến khi cô giáo kết thúc bài giảng cũng là lúc tiếng chuông báo hiệu hết giờ vang lên, cả lớp mới trầm trồ thán phục, rồi đứng dậy vỗ tay rào rào. Cô giáo khẽ mỉm cười, sải bước đi ra ngoài lớp học. Thuở nhỏ, tôi vẫn thích làm một người giỏi giang, phóng khoáng như những nữ đặc công hay nữ cảnh sát chẳng hạn. Nhưng đến khi gặp cô giáo này, lần đầu tiên tôi mới biết, thì ra cô giáo tiếng Anh cũng có thể giỏi giang, phóng khoáng như thế! Từ đó, tôi càng mê cô hơn.

Đây chính là cô giáo Ngô, người thầy thứ hai làm tôi thay đổi trên con đường học tiếng Anh. Cô Ngô không những có phương pháp giảng dạy phù hợp, mà ngay đến tính cách của cô cũng rất cương trực, quyết đoán. Điều khiến chúng tôi khó quên nhất là lúc nào cô giáo cũng trực sẵn câu cửa miệng Fifty times – bài tập bắt buộc phải làm hàng ngày là học thuộc từ vựng, nếu bạn nhớ sai một từ, cô sẽ nghiêm giọng nói với bạn: Fifty times (chép lại từ này năm mươi lần). Thuở nhỏ, tôi là đứa bộp chộp, làm việc gì cũng thiếu suy nghĩ, nên mặc dù tôi đã học thuộc từ vựng rồi, nhưng mỗi lần kiểm tra, tôi vẫn viết sai, không thiếu thì thừa chữ cái, và kết quả là phải lĩnh hình phạt Fifty times. Cho đến năm lớp Chín, chồng vở chép từ vựng của tôi đã chất cao lên đến mấy chục cuốn. Nhưng có cho đi thì sẽ được nhận lại, quả đúng là đạo lý. Nhờ chép đi chép lại từ vựng nhiều lần, tôi dần dần rèn được tính nhẫn nại của mình, và cũng nhờ cách dạy ký âm và phát âm tài tình của cô giáo Ngô, sau này lên cấp III, tôi không còn mắc lỗi viết sai từ vựng nữa.

Vào năm tôi học lớp Bảy, ở thành phố chỗ chúng tôi bắt đầu xuất hiện hàng loạt sách Mọt sách của Nhà xuất bản Đại học Oxford. Để tôi có thêm hứng thú trong việc học tiếng Anh và cũng là để nâng cao kỹ năng đọc hiểu của tôi, mẹ tới hiệu sách mua cho tôi một cuốn Mọt sách. Tôi còn nhớ cuốn đầu tiên bà mua cho tôi là Jane Eyre, đó là một cuốn sách khá mỏng, bìa màu xanh sẫm, nhìn rất bắt mắt, sờ rất sướng tay, bố cục chương mục hợp lý, ngoài ra còn sử dụng song ngữ Trung – Anh nữa, nếu đọc tiếng Anh không hiểu, tôi có thể tra đoạn Trung văn tương ứng. Hôm cầm cuốn sách, tôi giam mình trong phòng ngủ, ngấu nghiến đọc xong chỉ trong nửa ngày. Sau tôi nhận thấy đọc một cuốn chẳng nhằm nhò gì, thế là ngay ngày hôm sau, tôi kéo mẹ tới hiệu sách tha cả bộ Mọt sách về nhà. Hàng ngày, chỉ cần làm xong bài tập, tôi lại cặm cụi đọc chúng. Lâu dần trong tôi xuất hiện cảm giác đối với tiếng Anh, như mọi người vẫn nói thì đó gọi là “ngữ cảm”.

Nói một cách đơn giản, “ngữ cảm” là khả năng cảm nhận nhạy bén một ngôn ngữ nào đó trong quá trình học tập. Còn nói một cách nôm na dễ hiểu, thì “ngữ cảm” là học “theo cảm giác”. Cũng giống như chúng ta đọc Trung văn vậy, cho dù bạn không biết đâu là định ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ trong câu, không biết rốt cuộc câu văn có mạch lạc hay không, chỉ cần bạn đọc đi đọc lại mấy lần là có thể cảm nhận được. Câu sai ngữ pháp, đọc thế nào cũng thấy trúc trắc; còn câu không có vấn đề về ngữ pháp, đọc thế nào cũng thấy xuôi. Có thể nói, tôi thu được nhiều kiến thức nhất về ngữ cảm chính là nhờ quá trình đọc Mọt sách. Cũng chính vì vậy mà mặc dù khi đó tôi không học giỏi ngữ pháp, nhưng rất ít khi mắc lỗi khi giải loại bài tập này.

Hồi cấp II, tôi có một người bạn thân, sở thích lớn nhất của hai chúng tôi là hát tiếng Anh. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tới hiệu sách lùng sục băng cassette ghi ca khúc chính trong các bộ phim hoạt hình của hãng Disney, băng màu vàng nhạt, có kèm theo lời bài hát tiếng Anh, một bộ gồm bốn cuộn. Ban đầu tôi còn chịu khó tra nghĩa từng câu hát, nhưng về sau tôi trông mèo vẽ hổ, bắt chước cách phát âm của người ta, chỉ tập trung nghe tiếng hát, mà chẳng hề để ý gì đến ý nghĩa lời bài hát. Thời điểm đó chưa có máy tính, cũng chưa có MP3, không có thứ gì có thể mang theo bên mình để nghe, tôi chỉ có thể bỏ cuộn băng cassette vào trong đài, nghe từng lượt, học từng câu, bắt chước từng tí một. Tôi suy nghĩ nghiêm túc cách phát âm mỗi từ vựng của ca sĩ, và còn học cả những chỗ ngắt nghỉ lên xuống. Về sau, tôi nghiễm nhiên biến thành một cái “máy hát”, sau một giây khởi động, thì lập tức phát ra tiếng hát, mà tiếng hát lại còn có hồn, có điệu nữa chứ.

Một hôm, tôi đang đọc bài khóa tiếng Anh, cô Ngô đột nhiên khen tôi phát âm chuẩn, giọng đọc truyền cảm. Tôi sung sướng như muốn nhảy cẫng lên. Mỗi lần dù chỉ được khen ngợi tí ti thôi, tôi cũng thổi phồng nó lên gấp mười, gấp trăm lần trong suốt thời gian học tập sau đó. Nghe cô Ngô nói vậy, tôi không có suy nghĩ, cô thật sự cho rằng tôi đã có tiến bộ, hay đó chỉ là “lời nói dối ngọt ngào” mà cô thường dùng để khích lệ học sinh. Ngược lại, tôi tin lời cô, quả quyết cho rằng đó là do hiệu quả nhất định của việc bắt chước học hát tiếng Anh. Từ chuyện này, tôi phát hiện ra: Tôi có thể cải thiện kỹ năng phát âm tiếng Anh của mình bằng cách bắt chước cách phát âm của người khác. Từ sau lần được cô giáo khen ngợi ấy, tôi càng mạnh dạn tích cực phát biểu trong giờ tiếng Anh. Cô giáo càng khen ngợi tôi, tôi càng học tiếng Anh nghiêm túc, thành tích học tập của tôi càng cao, sau này tôi còn giành được phần thưởng vì tham gia các cuộc thi tiếng Anh.

Những thắng lợi trên phương diện tiếng Anh giúp thời gian hai năm đầu cấp II của tôi ngập tràn niềm vui tựa như thế giới thần tiên. Cô giáo lúc nào cũng biểu dương tôi, còn bạn học luôn kéo nhau tới hỏi tôi các vấn đề về tiếng Anh, lúc đó tôi có cảm giác mình đang sống giữa hoa tươi và những tràng pháo tay tán thưởng. Như đoạn trước tôi mới nói đến, thuở nhỏ tôi là người có được một chút thành tựu thì không còn biết trời cao đất dày gì, học được một chút chữ nghĩa đã tự cho rằng mình nắm vững tất cả. Nên hễ hoàn thành bài tập là tôi lại chạy bắn ra sân thể dục chơi đá cầu, đu xà và đánh cầu lông, không ngó ngàng gì đến việc chuẩn bị bài mới và ôn tập bài cũ. Ấy vậy mà, thành tích môn tiếng Anh của tôi vẫn đạt giỏi, thành tích môn Ngữ văn đạt trên trung bình, còn thành tích môn Toán học cũng ngấp nghé mức trung bình (lúc đó độ khó của môn Toán học vẫn nằm trong khả năng chống đỡ của tôi), trong bảng xếp hạng học lực học kỳ II năm lớp Bảy, tên tôi vẫn ở quanh vị trí an toàn, là một trong mười bạn đứng đầu lớp. Bấy giờ tôi nghĩ: Thật ra cấp II cũng chỉ thế mà thôi.

Bi kịch thật sự bắt đầu từ học kỳ II, năm lớp Bảy. Nhà trường lần lượt đưa môn Vật lý, Hóa học và Sinh vật vào chương trình học, độ khó của môn Toán học cũng được nhân lên. Không hiểu tại sao, ngay từ ngày đầu tiên học Lý, Hóa, Sinh, tôi đã chẳng có thiện cảm với những môn này. Theo tôi, có lẽ là vì yếu tố thiên bẩm trong cơ thể tôi không có chỗ cho các tế bào khoa học tự nhiên. Tôi không sao hiểu được, lớn lên tôi không làm một nhà khoa học, sao cứ phải bắt tôi học những thứ trừu tượng này. Do không có hứng thú đối với Lý, Hóa, Sinh nên tôi không bỏ thời gian và công sức vào đó. Có thể dùng cụm từ “thất bại hoàn toàn” để miêu tả lần thi đầu tiên ba môn Lý, Hóa, Sinh của tôi. Cũng từ đây, tôi dán cho mình cái mác – “Không đếm xỉa đến khoa học tự nhiên”. Nếu như nói lý do lúc đó tôi vứt bỏ bốn môn Vật lý, Hóa học, Sinh vật và Toán học là vì tôi cảm thấy chúng quá trừu tượng, thì lý do sau này tôi vứt bỏ ba môn Chính trị, Lịch sử và Địa lý lại là vì tôi cảm thấy chúng quá nhàm chán. Trong chín môn học, tôi đã vứt bỏ cả thảy bảy môn, vị chi chỉ còn lại hai môn là Tiếng Anh và Ngữ văn, tôi phải làm sao mới đi hết những năm tháng còn lại của thời cấp II?

“Làm sao đi hết? Đến đâu hay đến đấy vậy!” Đó là câu trả lời của tôi thời Trung học cơ sở. Tính cách chống đối và không an phận khiến tôi không biết sợ là gì, càng ngày càng phóng túng, buông thả. Từ sau “thất bại hoàn toàn” trong lần thi đó, tôi bắt đầu ngủ trong giờ học, về nhà thì mải miết chơi, chép bài tập của bạn khác, kỳ thi sát nút rồi vẫn không ôn tập. Tôi nhớ mang máng, trong mấy lần thi sau đó, tên tôi dần dần tụt xuống vị trí mười sáu, hai mươi mốt, hai mươi tám, lần thi tệ nhất hình như tôi còn xếp thứ ba mươi sáu thì phải. Không có bạn nào tới hỏi tôi các vấn đề liên quan đến học tập, cũng không có thầy giáo cô giáo nào khen ngợi tôi nữa, ngược lại thầy cô đều nhìn tôi bằng ánh mắt thất vọng. Nhìn thấy cục diện này, mẹ sốt sắng đăng ký cho tôi ba lớp học thêm Lý, Hóa, Sinh và một lớp học thêm Toán. Đồng thời bà cũng không quên việc củng cố tiếng Anh cho tôi, nên lại đăng ký thêm một lớp học thêm tiếng Anh. Lên đến lớp Chín, đứng trước kỳ thi cấp III, áp lực từ nhiều phía giống như trận lũ lụt bất ngờ ập đến, làm tôi không kịp trở tay. Tôi hậm hực trách mẹ, nói mẹ đừng bắt tôi học nữa, tôi vốn dĩ không thể học mà, bao nhiêu môn như thế, làm sao tôi có thể ứng phó cho được?

Về sau, quả thật tôi không ứng phó nổi. Sau khi công bố kết quả kỳ thi cấp III, tôi khóc đến nỗi cả người ướt đẫm nước mắt. Mấy người bạn thân của tôi ở cấp II đều đỗ vào trường Trung học phổ thông giỏi nhất thành phố. Còn tôi? Điểm thi của tôi không những cách xa điểm chuẩn của trường đó mười vạn tám nghìn dặm, mà còn không đủ điểm vào những trường cấp III có điểm chuẩn thấp tới mức không thể thấp hơn. Có lẽ suốt đời này tôi cũng không thể quên kỳ nghỉ hè tốt nghiệp cấp II năm ấy. Ngày này qua ngày khác, tôi nằm lì trong nhà lo lắng và sợ hãi, tôi sợ nhận điện thoại của người thân và bạn bè, sợ họ hỏi tôi: “Diễm Diễm thi cấp III sao rồi? Đỗ trường nào?”Trong lòng tôi rất buồn bực khó chịu, tôi không muốn gặp ai, đã nhiều ngày trôi qua tôi chẳng bước chân ra khỏi nhà. Mẹ lo tôi quá rầu rĩ, nên muốn dẫn tôi ra ngoài dạo phố. Tôi níu tay áo mẹ, ngân ngấn nước mắt hỏi bà, có phải tôi không được đi học nữa không…

Năm đó, tôi mười lăm tuổi. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã phải trả giá vì không có chí tiến thủ.

Kết thúc cuộc sống Trung học cơ sở, về phương diện tiếng Anh, tôi có được hứng thú và nhiệt tình trong việc học tập môn học này. Quan trọng hơn là tôi học được một số kiến thức nền tảng từ chỗ cô giáo Ngô, ví dụ như ký âm, phát âm và từ vựng. Lầu cao vạn trượng đều từ dưới đất xây lên, nắm chắc kiến thức nền tảng luôn là bước quan trọng nhất để học giỏi một môn tri thức nào đó. Vì vậy, tôi vẫn luôn biết ơn cô giáo Ngô. Hồi cấp II, do tuổi còn nhỏ, bất luận là về nhận thức hay về kỹ năng, tôi đều chưa hình thành phương pháp học tập hệ thống của mình. Vả lại, lúc đó 80% tinh thần và sức lực của tôi đều tập trung vào chơi bời. Cho nên, sau cú nhảy vọt về một số kỹ năng cơ bản trong tiếng Anh, tôi chẳng có tiến bộ gì đáng kể.

Nhưng, quãng thời gian bốn năm cấp II lại giúp tôi hiểu ra đạo lý: “Có cho đi thì sẽ có nhận lại.” Đó là bài học xương máu của tôi. À không, tôi chưa đổ máu, tôi mới chỉ khóc lóc thôi, nên, chúng ta hãy gọi đó là “bài học đẫm nước mắt” nhé. Thật ra trong đạo lý “Có cho đi thì sẽ có nhận lại” – không cho đi thì làm sao bạn có thể nhận lại được gì? Còn nếu bạn cảm thấy mình đã cho đi mà vẫn chưa nhận được báo đáp, vậy thì e là bạn cho đi chưa được bao lâu hoặc là hàm lượng “vàng” trong cái gọi là “cho đi” ấy quá thấp. Hồi cấp II, tôi bỏ công sức vào học môn tiếng Anh, nên mới có thành tích tốt, chỉ có điều hàm lượng “vàng” không cao, nên thành tích của tôi cũng chẳng có gì xuất sắc. Bên cạnh đó, tôi gần như không ngó ngàng gì đến các môn học khác, nên đương nhiên không có thành tích tốt ở các môn học này, và cuối cùng, tôi chỉ có thể chuốc lấy thất bại trong kỳ thi cấp III sau này.

Nhưng rõ ràng, từ thất bại ấy, tôi rút ra được một bài học, đó là: Bạn có thể ham chơi, nhưng nên nhớ, bạn sẽ phải trả giá cho việc ham chơi ấy. Bạn muốn có được thứ này thì phải mất thứ kia. Ông trời công bằng, không cho ai tất cả. Cái gọi là chèo thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi, chính là nói bạn ham chơi trong lúc người khác đều đang phấn đấu, thì sẽ bị thụt lùi ở phía sau. Ông trời chỉ cho chúng ta nếm trải hai mùi vị của cuộc đời là vị đắng và vị ngọt. Nếu nửa đời trước, bạn chọn chịu khổ rồi, thì nửa đời sau có thể hưởng lạc. Còn nếu nửa đời trước, bạn chọn hưởng lạc, vậy thì hãy chuẩn bị chịu khổ suốt phần đời còn lại đi là vừa.

Nếu như tôi có thể hiểu ra đạo lý này sớm hơn một chút, nếu như tôi thật sự đặt bài học từ kỳ thi cấp III ở trong lòng, nếu như trong tính cách thuở nhỏ của tôi có nhiều phần vững vàng, ít phần nông nổi, có lẽ tôi sẽ không thua thê thảm trong kỳ thi đại học sau này…

Về sau mẹ chạy ngược chạy xuôi hỏi mấy trường, cuối cùng cũng đăng ký được cho tôi vào một trường cấp III tư thục trước khi các trường trung học phổ thông khai giảng năm học mới. Tháng Chín năm 2000, khi những người bạn thân của tôi đều cắp cặp sách mới tới ngôi trường cấp III giỏi nhất thành phố, hăm hở bước vào môi trường mới, học kỳ mới, tôi ngậm ngùi theo bố tới ngôi trường tư thục ở phía Nam thành phố nhập học. Một khoảng thời gian sau đó, đám bạn thân cùng học cấp II đều không biết tôi đi đâu. Vì khi đó trường tư thục của tôi vừa mới xây xong, nên không ai biết đến. Lúc chúng tôi đến nhập học, ký túc xá của nhà trường vẫn còn chưa sơn sửa xong, sau cơn mưa con đường ở trước cổng trường lầy lội bùn đất, không có chỗ đặt chân, sau này bố nói vui là “Nam Nê Loan”.

Cuộc sống cấp III của tôi bắt đầu từ nỗi buồn như thế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.