Săn Học Bổng - Đích Đến Của Tôi Phải Là Nước Mỹ

Chương 5. Nhật ký vượt trùng dương của tôi



Cuộc sống cao học ở trong nước

(Từ tháng Chín năm 2007 đến tháng Mười hai năm 2008)

Chỉ cần có nội tâm đủ mạnh mẽ, quyết tâm đủ kiên định, hành động đủ quyết đoán, kiên trì đủ lâu bền và nắm chắc từng cơ hội đến với mình, thì ai cũng đều có cơ hội trở thành kẻ mạnh, trở thành người thành công. Hay cũng chính là nói: Trái tim rộng lớn bao nhiêu thì võ đài rộng lớn bấy nhiêu. Bạn vừa phải dám nghĩ, vừa phải dám làm, sau khi xác định được mục tiêu trong lòng, hãy sải chân tiến bước về phía trước, làm một đấu sĩ dũng cảm theo đúng nghĩa.

Ghi chép về chiến thắng viên mãn trong kỳ thi toefl

Tuần đầu tiên học cao học, ngày nào tôi cũng ở trong trạng thái vui mừng, phấn khởi, vì cuối cùng tôi cũng thực hiện được ước mơ tới nơi khác học mà mình ôm ấp bấy lâu. Vào buổi lễ khai giảng, tôi chú ý lắng nghe từng lời lãnh đạo nhà trường nói, đồng thời tiếp thu sâu sắc những lời căn dặn của họ dành cho học viên khóa mới. Tôi nghĩ, qua bốn năm đại học, tôi đã thay đổi được số phận của mình, vậy thì bây giờ, tôi phải sử dụng thật tốt quãng thời gian ba năm học cao học – để một lần nữa sớm đạt được ước mơ đi du học.

Chuyên ngành cao học của tôi là lý luận và thực tiễn phiên dịch Anh Hán, trước khi vào học, tôi nghiên cứu lịch học của học viên, xem những hôm nào phải lên lớp, những hôm nào không phải lên lớp, rồi từ đó lập cho mình một thời gian biểu tự học. Lúc bấy giờ, tôi vẫn chưa nghĩ ra mình sẽ học chuyên ngành nào khi đi du học, nên mới tạm chọn một hai chuyên ngành có khả năng theo học dựa vào sở thích của mình là du lịch và truyền thông. Cũng vì vậy mà tôi từng nghĩ tới chuyện học chuyên ngành hai, nhưng về sau không thực hiện.

Mở màn, mẹ mua cho tôi một chiếc máy tính xách tay làm phần thưởng, chúc mừng tôi đỗ cao học. Buổi tối đầu tiên vào ở ký túc xá, tôi dành thời gian vạch “kế hoạch vượt trùng dương”. Vì ngày trước, tôi từng gặp thất bại thảm hại trong cuộc chiến GRE, nên lần này tôi quyết định thi TOEFL (TOEFL iBT) trước, rồi mới thi lại GRE, vì dù sao thi TOEFL cũng dễ hơn thi GRE một chút, tôi có thể dần dần nâng độ khó. Sau khi xác định thứ tự tham gia các kỳ thi quan trọng, tôi đăng ký thi GRE trên máy vào đầu tháng Ba và thi GRE trên giấy vào tháng Sáu năm sau. Do số lượng người đăng ký dự thi TOEFL rất đông, nên lúc đầu tôi không đăng ký được, nhưng để không làm chậm tiến độ ôn tập, tôi quyết định ôn tập trước, đợi một tháng sau đăng ký lại. Tôi lập tài khoản mới trên diễn đàn Jituo và diễn đàn Taisha, mở một vài mục tinh hoa có liên quan đến kỳ thi TOEFL, nhặt ra nội dung quan trọng trong đó rồi đọc thật kỹ. Đọc đi đọc lại, tôi cảm thấy những điều mọi người nói hơi trừu tượng, bởi vậy tôi quyết định mua mấy cuốn sách tham khảo về xem trước, trước tiên cũng phải xem đề thi TOEFL dài ngắn thế nào đã.

Lần đầu mua tài liệu ôn tập ở trên mạng, tôi đặt mua ba cuốn sách: Một cuốn là The Official Guide to the TOEFL iBT (Hướng dẫn chính thức cho kỳ thi TOEFL iBT, gọi tắt là “OG”), còn hai cuốn khác là Mô phỏng và giải thích cặn kẽ toàn bộ đề thi TOEFL iBT (gọi tắt là “Barron”) và Chiến lược chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL iBT và mô phỏng đề thi (gọi tắt là “Delta”). Sau khi đặt mua xong, tôi nóng lòng chờ đợi thời khắc nhận sách tham khảo, chờ đợi mình xăm xắn bước trên con đường phấn đấu hoàn toàn mới, chờ đợi trái tim mình sớm lắng lại, và chờ đợi tất cả mau chóng đi vào quỹ đạo của nó.

Lúc đó, tôi vừa phải học cao học, vừa phải ôn thi TOEFL, vừa phải tìm kiếm việc làm để tích lũy kinh nghiệm làm việc của mình, nhưng trước sau tôi không hề cảm thấy vất vả và mệt mỏi, không hề oán trách mình phải làm quá nhiều việc hay áp lực quá lớn, mà tôi chỉ cảm thấy tất cả đều rất tốt đẹp, cuộc sống rất có triển vọng. Trong lòng tôi hiểu rõ, tôi không được quá thương xót bản thân, cũng không được quá nuông chiều bản thân, nhất là trên chặng đường phấn đấu này, tôi không được quá mềm lòng với chính mình, tôi có thể chịu khổ, và phải dũng cảm chịu khổ. Tôi nhớ lúc đó tôi rất thích bộ phim Erin Brockovich của Julia Robert, thích tính cách của nhân vật nữ chính, thích phong cách được ăn cả ngã về không và cách đối nhân xử thế đúng mực của cô ấy. Có một câu nói rất hay rằng: Thành công chỉ cách bạn một cánh cửa, dám đẩy cửa bước vào, bạn sẽ có thêm một cơ hội. Giống như nhân vật nữ chính trong bộ phim làm việc gì cũng không chịu buông xuôi, không chịu thỏa hiệp, không để cho bất kỳ một cơ hội nào vuột khỏi mình, cố cắn răng chịu đựng đến cùng. Bộ phim có tác dụng khích lệ tôi trong một thời gian dài, tôi luôn nghĩ, cho dù con đường du học này khó khăn đến mấy, tôi cũng vẫn phải kiên trì đến cùng, nếu không cả đời này tôi sẽ sống trong hối hận. Tôi nhất định phải vượt qua từng khó khăn một, kiên quyết không làm kẻ đào ngũ!

Dấu tích phấn đấu – Lời nói phấn đấu

[Tháng Chín năm 2007]

Tuần thứ hai học cao học, cuộc sống của tôi dần đi vào quỹ đạo. Sáu giờ ba mươi phút sáng, tôi thức dậy, nghe VOA trên đường đi tới trường giống như hồi trước, một lần nữa tôi lại ôm khư khư chiếc đài “cục gạch” vô cùng thân thiết đã làm bạn cùng tôi suốt bốn năm đại học. Đúng tám giờ tòa nhà tự học mở cửa, tôi rảo bước đi vào chiếm chỗ ngồi, bắt đầu một ngày tự học. Lúc đó, trong bảy ngày trong tuần, tôi thích nhất những hôm cả ngày không phải lên lớp học hoặc là thứ bảy, chủ nhật, vì vào những ngày đó, tôi không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì, tha hồ tự học!

Mục tiêu mang tính giai đoạn của tôi lúc đó là TOEFL, phương pháp ôn thi TOEFL cũng tương tự như phương pháp ôn tập các kỳ thi khác mà tôi từng tham gia trước đây. Bước đầu tiên là “xóa mù chữ”: Tìm hiểu cấu trúc đề thi và phạm vi kiểm tra. Vì thế, vào ngày đầu tiên tự học, tôi chỉ mang cuốn OG đến trường, tìm hiểu nghiêm túc toàn bộ cấu trúc đề thi TOEFL, xem đề thi được cấu thành từ những phần nào, mỗi phần có bao nhiêu câu hỏi ứng với bao nhiêu điểm, và phân bổ thời gian làm bài như thế nào. Sau đó đến bước thứ hai là thử giải một đề thi nhằm đánh giá trình độ hiện giờ của mình. Trong OG có thêm một số câu hỏi trắc nghiệm rất thực tế, tôi đánh giá trình độ hiện giờ của mình qua những câu hỏi đó. OG viết khá đơn giản, lúc đó tôi chỉ làm sáu bài trắc nghiệm, vậy mà cũng sai tới mười hai câu. Thật đau khổ! Sau khi nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, tôi không dám hời hợt, bắt tay ngay vào việc lập phương án ôn tập cẩn thận, nghiêm túc.

Lúc mới ôn thi TOEFL, tôi hơi “chủ quan khinh địch”. Vì tôi luôn cho rằng thi TOEFL đơn giản hơn thi GRE, nên không cần phải ôn ngày ôn đêm giống như hồi ôn thi GRE, nhưng thực ra từ khi kỳ thi TOEFL cải biến thành kỳ thi TOEFL (iBT) thế hệ mới, những yêu cầu về kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều cao hơn trước, chả thế mà trên mạng có người oán hận “iBT, thật BT” (hai chữ cái B, T trong tiếng Anh phát âm gần giống từ “biến thái” trong tiếng Trung). Tôi nhớ lần đầu tiên làm bài thi nói TOEFL theo đúng thời gian quy định, tôi cứng mồm đờ lưỡi, chỉ biết ấp a ấp úng, bốn mươi lăm phút trôi qua nhanh chóng, sắp hết thời gian đến nơi mà tôi vẫn không nói được gì. Tôi chịu sự đả kích nặng nề sau lần thi thử đó, tôi tự véo vào cánh tay của mình, nói: “Mi còn cho rằng thi TOEFL đơn giản? Dám chủ quan khinh địch? Hoan hoan hỉ hỉ. Cũng may bây giờ chỉ là luyện tập, chứ chưa phải là thi chính thức. Mi hãy mau mau tỉnh ngộ đi, không phải hàng ngày mi mơ mộng viển vông thì kỹ năng nói sẽ tốt lên, cũng không phải hàng ngày mi cứ tự dối mình lừa người thì có thể làm bài thi đọc một cách ngon nghẻ! Mi chỉ có một cách duy nhất là luyện tập! Luyện tập! Và luyện tập mà thôi!”

Con người tôi là vậy, không thiếu chí tiến thủ và tính hiếu thắng, mà chỉ thiếu cái tâm bình thường mỗi khi đối diện với sự việc. Tôi luôn mong muốn bản thân mình có thể làm việc tốt hơn một chút, một chút nữa, nên tôi không cho phép bản thân mắc sai lầm dù là nhỏ nhất, nhưng đến khi thật sự xác định được mục tiêu, vì muốn thực hiện tốt mục tiêu đề ra nên tôi cảm thấy áp lực lớn, vì muốn tiến lên nên tôi cảm thấy sợ hãi và thụt lùi. Nói một cách đơn giản là tôi rất sợ xảy ra chuyện “run theo mục đích” một lần nữa giống như trước đây. Cá Béo Ướp Muối luôn khuyên tôi: “Thả lỏng đi, cậu không phải là thần thánh.” Nếu thật sự có thể làm mọi việc một cách thuận lợi thì không thể gọi là cảm giác thành tựu. Cảm giác thành tựu là cảm nhận xuất hiện trong lòng chúng ta sau khi trải qua muôn vàn khó khăn, khắc phục muôn vàn khó khăn, cuối cùng đạt được thành công. Hơn nữa, hiếm có khó khăn hay trở ngại nào thật sự là đòn trí mạng. Chỉ cần tiếp tục kiên trì, không buông xuôi, nhất định sẽ có một ngày tìm ra hướng giải quyết.

Tuy kỳ thi TOEFL có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xin đi du học, nhưng tôi phải giữ tâm trạng bình ổn. Tâm trạng bình ổn tức là quân giặc đến thì tướng giỏi ra đánh dẹp, nước dâng trào thì đắp đất ngăn lại, không được nóng lòng như lửa đốt chỉ vì một chút cản trở. Chẳng phải mình không biết nói ư? Hãy nói nhiều vào! Cá Béo Ướp Muối nói rất hay: “Làm việc cần làm, đừng nghĩ quá nhiều!” Sau khi trải qua sự đả kích về phương diện nói, tôi bình tâm lại, nghiên cứu cấu trúc đề thi TOEFL, sau đó điều chỉnh kế hoạch học tập của mình.

Ngày đầu tiên thực hiện kế hoạch học tập mới, mới hơn sáu giờ sáng, tôi đã xuất phát từ ký túc xá tới trường, trên đường đi tôi luôn lẩm nhẩm luyện nói. Đề luyện nói đều là những đề thi nói kinh điển của kỳ thi TOEFL, ví dụ như nơi tôi thích nhất, người tôi yêu quý nhất, ngày lễ tôi thích nhất, việc tôi khó quên nhất,… Tôi ngỡ ngàng nhận ra, khi tôi mở miệng, dũng cảm nói, thì nó thực sự không khó như tôi tưởng. Ngày hôm đó, tôi còn nghe kỹ đáp án tham khảo phần thi nói trong cuốn OG, từ tài liệu đó, tôi tìm ra đặc điểm chung của các đáp án đạt điểm tối đa trong phần thi nói TOEFL: Điều kiện tiên quyết là phát âm chuẩn, chỉ cần trả lời một cách hệ thống, nói rõ ràng, mạch lạc, không ngắc ngứ, ậm ừ, thì dù chưa nói xong mà đã hết giờ, cũng vẫn có thể đạt điểm tối đa, vì thật ra, người chấm điểm chỉ muốn biết người trả lời có kỹ năng diễn đạt khẩu ngữ hay không mà thôi.

Mấy tuần tiếp theo, hôm nào tôi cũng dành ra một tiếng đồng hồ kiên trì luyện nói, buổi sáng nghe bài nói, và ghi chép cẩn thận bài nghe. Thời gian còn lại, tôi tiến hành tổng kết về bài nói số 1 và bài nói số 2, hàng ngày tôi ôn tập theo khuôn mẫu của mình và không ngừng tổng kết trong khoảng hai tháng. Lúc đó, nơi tôi thích nhất là phòng tự học, đói thì xuống canteen, mệt thì nhoài người ra ghế, nghỉ giải lao, phiền thì xách bình nước, đeo MP3, tuồn ra sân tập vừa đi bộ vừa nghe lại bài nói. Lúc đi, lúc ngồi, tôi đều luyện nói: Khi lên lớp học, mắt tôi luôn ở trong trạng thái vô hồn, vì thật ra tôi đang âm thầm luyện nói; khi nhà trường mở đại hội thể dục thể thao, yêu cầu ngày nào chúng tôi cũng phải tới sân tập xếp hàng hình vuông, tôi cũng vừa xếp hàng vừa luyện nói.

Tôi cứ mải miết ôn tập phần nói như thế rồi chẳng biết Tết Trung thu đến tự bao giờ. Môn nói của lớp luyện thi TOEFL ở Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Phương Đông Mới giúp ích được cho tôi rất nhiều, nhờ học tập một cách hệ thống theo bài giảng của thầy giáo, tôi không những chép hết một tập sổ tay, mà còn có thể luyện tập cùng với tiến độ giảng dạy của thầy. Trước Tết Trung thu, tôi đã nghe hết toàn bộ môn nói. Để tự thưởng cho mình, tôi vào một cửa hàng nhỏ trong trường, mua một chiếc bánh trung thu trị giá năm đồng. Một mình tôi vừa ăn bánh trung thu vừa đi tản bộ trong sân trường. Nhiệt độ không khí buổi tối vừa phải, dễ chịu, tôi lững thững bước đi trong lối nhỏ dưới ánh đèn vàng vọt, nghĩ mình đang khắc phục từng khó khăn nhỏ, không ngừng phấn đấu vì ước mơ, tôi cảm thấy trong lòng rất hưng phấn, và hạnh phúc.

Thời gian đó có một bộ phim đã khích lệ tôi rất nhiều, bộ phim có tên là Homeless to Harvard (Từ vô gia cư đến Harvard). Thuở nhỏ, Liz, nhân vật nữ chính trong phim có một số phận bi thương, dường như tất cả những nỗi bất hạnh đều rơi vào người cô: Bà mẹ nghiện rượu nặng, mắc bệnh tâm thần phân liệt, còn ông bố điên điên khùng khùng cũng sống ở trại tập trung, cả hai đều bị AIDS. Về sau bà mẹ chết, ông bố gần như bỏ mặc cô, năm mười lăm tuổi cô trở thành một đứa trẻ vô gia cư. Thế nhưng, cô chưa từng oán hận họ, ngược lại trong lòng cô vẫn tràn đầy yêu thương và hy vọng. Từ nhỏ, cô đã hiểu rõ mình cần phải làm gì. Tuy vẫn luôn sống trong hoàn cảnh tồi tệ, nhưng cô biết mình phải cố gắng thoát khỏi hoàn cảnh đó để đi đến nơi mình muốn đến. Vì vậy, cô đã quyết tâm giành lấy cơ hội được đi học bằng lòng can đảm. Thuở nhỏ, những người xung quanh luôn nói cô là đồ bỏ đi, nên lần đầu tiên thầy cô giáo ở trường tuyên bố cô đứng thứ nhất bảng xếp hạng thành tích, cô thậm chí còn không dám tin vào tai mình. Lúc đó, người khác đâu thấy được cô đã phải cố gắng hơn người khác gấp trăm ngàn lần. Vì cô đi học muộn hơn so với các bạn cùng tuổi, nên trong khi người khác phải mất bốn năm mới học xong chương trình trung học phổ thông, thì cô bắt buộc phải hoàn thành chương trình học trong vòng hai năm, có như vậy cô mới có thể vào đại học Harvard trong mơ của cô – cùng lúc với các bạn cùng trang lứa. Trong một học kỳ, người khác chọn năm môn, còn cô chọn tất cả mười môn. Cô vừa phải làm thêm vừa phải học tập, nhưng trước sau cô chưa hề oán trách một câu, lúc rửa bát đĩa cô cũng đọc sách, lúc đi tàu điện ngầm cô cũng đọc sách, mười hai giờ đêm mới rời trường học. Qua bao ngày phấn đấu nỗ lực học tập, cuối cùng cô cũng thành công, vào đại học Harvard, ngôi trường cô luôn nghĩ đến trong giấc mơ. Về sau, bắt đầu có người tán dương cô là một thiên tài nhỏ, thật không ngờ, từ một “đồ vô dụng” ngày xưa cho đến một “thiên tài nhỏ” ngày nay chỉ cách nhau có mấy năm, bao nhiêu đắng cay ngọt bùi trong suốt quãng thời gian đó nào có ai biết, ngoài một mình cô ra.

Tôi nghĩ, tuy những việc tôi làm hàng ngày đều rất đơn giản, thậm chí còn có phần máy móc, vả lại cũng chẳng biết kết quả sau này sẽ như thế nào, nhưng tôi vẫn vui vẻ, bởi vì tôi có một cuộc sống có mục đích, có triển vọng. Người tôi khâm phục nhất chính là người có mục tiêu của mình và không ngừng đi tới mục tiêu ấy giống như Liz vậy. Cho dù mọi người xung quanh đối xử với họ, cười nhạo họ, coi thường họ như thế nào, cho dù môi trường xung quanh xấu xa ra sao, họ cũng chẳng bao giờ để ý đến, vì tất thảy những điều đó đều chẳng có liên quan gì đến việc họ đi tới mục tiêu của mình. Họ chỉ chuyên tâm nỗ lực, làm việc mình cần làm, sống đơn giản, bất luận thế nào cũng không bao giờ từ bỏ ước mơ và hy vọng. Đến mấy năm sau, họ thành công, lúc người ngoài trầm trồ ngưỡng mộ rằng bọn họ thật may mắn, thì chỉ trong lòng họ mới hiểu mình đã từng làm việc như thế nào. Tôi tự nhủ mình phải học tập Liz, dù không biết mình có thể thực hiện được ước mơ trong tương lai hay không, nhưng tôi tuyệt đối không được bỏ dở giữa đường. Bất luận con đường phía trước dài đến đâu, tôi cũng nhất định phải đi đến điểm cuối cùng.

[Tháng Mười năm 2007]

Vào dịp Quốc khánh, tôi vẫn vùi đầu ôn tập TOEFL. Những lúc nghỉ ngơi, tôi vẫn sẽ suy nghĩ về rất nhiều vấn đề. Tôi nghĩ, đứng trước tôi là con đường du học rất dài, tôi phải đánh bại kỳ thi TOEFL, và tuyên chiến với kỳ thi GRE lần thứ hai, sau đó còn phải triển khai làm hồ sơ du học, kết quả thế nào vẫn còn chưa biết. Trên diễn đàn có người nói, du học là “một con đường không có đường về”, khó khăn này chồng lên khó khăn kia. Tôi hỏi mẹ xem bà cảm thấy rốt cuộc tôi có thể đi du học được hay không. Mẹ lại kể cho tôi nghe câu chuyện ngựa con qua sông một lần nữa: Con trâu nói nước sông không sâu là vì người nó to lớn, còn con chuột nói nước sông rất sâu là vì nó bé tí, rốt cuộc nước sông có sâu hay không, thì chỉ bản thân mình tự đi thử mới biết được. Cho nên, tôi nhất định phải thử, không thử xem kết quả thế nào, tôi sẽ không từ bỏ ước mơ.

Kết thúc kỳ nghỉ kéo dài mười ngày, tôi đã tổng kết được khuôn mẫu của sáu bài thi nói và luyện nói bài số 1 và bài số 2 nhiều lần theo những gì mình đúc rút được. Sau khi ôn tập xong phần nói, tôi bắt đầu chuyển sang chiến đấu với các phần thi khác. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thật ra lúc đó mình không nên chấm dứt hoàn toàn việc luyện nói, nếu không thì cũng không có hiện tượng sau này nói kém đi. Nhưng, vì lúc đó thời gian eo hẹp, đã sang tháng Mười rồi mà tôi vẫn chưa ôn tập được các phần khác, nên đành phải sắp xếp kế hoạch ôn tập không được thỏa đáng cho lắm. Dù nói thế nào, thì khi quyết định chuyển sang ôn tập các phần thi khác, tôi cũng phải xây dựng một kế hoạch học tập mới.

Sau khi triển khai kế hoạch mới, ngày nào tôi cũng nghe bài nghe rất nghiêm túc, và luyện tập, ghi chép theo bài giảng của thầy cô giáo, đồng thời tôi cũng cảm thấy hăng hái học tập trước những lời động viên, khích lệ của thầy cô. Thầy Mã Tuấn dạy môn nghe từng nói một câu kinh điển: “Khi bạn cảm thấy đau khổ, bi thương, điên khùng, uất ức, chán nản, tuyệt vọng, muốn cầm dao đâm vào mình, vậy thì xin chúc mừng bạn, bạn đang đi lên dốc! Bạn đang tiến bộ! Nếu trải qua cuộc sống như thế thậm chí cực khổ hơn thì càng phải chúc mừng bạn, bạn đã thành công một nửa. Nhưng, khi bạn cảm thấy rất tốt, rất sảng khoái, rất hưng phấn, rất vui vẻ, cảm thấy cuộc sống thật thoải mái, vừa học vừa nhẩn nha cắn hạt dưa, ăn khoai và nghe nhạc, vậy xin chia buồn cùng bạn, bạn đang đi xuống dốc, đừng hy vọng gì nữa…” Thầy Mã Tuấn còn nói: “Đường tắt luôn là con đường trải đầy khó khăn và đau khổ, chính vì vậy mà rất ít người có thể thành công nhờ đi theo đường tắt.” Hai câu nói này như “cú hích” tinh thần đối với tôi, và thầy Mã Tuấn cũng trở thành thần tượng của tôi trong một thời gian rất dài.

Tôi không dám ôm tí ti thái độ học hành chểnh mảng, kiên quyết không dám đi đường tắt, nghiêm túc nghe hết tất cả giáo trình. Sau khi nghe xong toàn bộ giáo trình, tôi bước vào giai đoạn ôn tập độc lập, tôi lại lập kế hoạch ôn tập cho giai đoạn mới, tính theo đơn vị tuần. Tuần đầu tiên là tuần thử nghiệm, kế hoạch của tôi là buổi sáng ôn phần đọc, buổi chiều ôn phần nghe, buổi tối ôn phần viết. Tài liệu sử dụng ôn tập chính là cuốn Delta và Barron mà tôi đã nói đến ở trên.

Về phương diện đọc, trước hết tôi làm nghiêm túc toàn bộ đề thi đọc trong Delta, cảm thấy độ dài và độ khó của nó cũng tương đương đề thi thật. Sau thời gian dài luyện tập, tôi rút ta một điều tâm đắc: Đáp án chính xác của phần thi đọc TOEFL nằm ngay trong nguyên văn, hiếm khi đáp án nằm ở ý nghĩa mặt chữ của đoạn văn và đòi hỏi bạn phải suy luận. Cho nên, chỉ cần kiên nhẫn đọc bài, kiên nhẫn phân tích, nhất định sẽ tìm ra đáp án chính xác. Có lẽ đây cũng chính là điểm khác nhau giữa đề thi đọc của kỳ thi TOEFL và đề thi đọc của kỳ thi GRE (đây là cảm nhận của cá nhân tôi lúc làm đề thi ở thời điểm bấy giờ, chưa chắc phù hợp với tình hình thi cử hiện nay).

Phương pháp luyện tập phần nghe của tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phương pháp luyện nghe TOEFL của thầy Mã Tuấn, tôi xin trích dẫn một câu nói của thầy: “Nghe viết là con đường duy nhất giúp bạn nâng cao kỹ năng nghe. Bạn đừng hỏi, bạn hãy nghe đi!” Tôi làm theo hướng dẫn của thầy, triển khai luyện nghe viết chăm chỉ cực độ, tài liệu luyện tập chính là các đề thi TOEFL cũ. Ban đầu, đầu tôi chỉ có thể dung nạp được những câu có độ dài khoảng mười lăm từ. Sau thời gian dài luyện tập, tôi có thể viết lại một câu có độ dài từ mười tám đến hai mươi hai từ. Có điều, việc này cũng được quyết định bởi mức độ quen thuộc của tôi đối với nội dung tài liệu nghe, nếu nội dung nghe thuộc phạm vi kiến thức địa lý, đầu tôi chỉ có thể dung nạp được những câu có độ dài trên dưới mười ba từ. Tuy phần nghe của các đề thi TOEFL cũ tương đối đơn giản, nhưng tôi không dám tùy tiện bỏ qua nó, vì dù sao nó cũng là đề thi thật. Đề thi thật nào cũng đều có giá trị nghiên cứu, tìm hiểu. Cho nên, tôi nghe một câu viết một câu, “cày xới” đoạn nghe trong các đề thi TOEFL cũ vô số lần. Mỗi lần làm xong một đề, tôi sẽ nghiên cứu nguyên văn phần nghe đó một cách nghiêm túc giống như nghiên cứu bài đọc và phân tích kỹ lối ra đề thi của mỗi đề thi.

Tiến độ ôn tập phần viết cực kỳ chậm. Thầy giáo dạy phần viết cho tôi là thầy Lý Tiếu Lai, thầy luôn nhắc đám học viên chúng tôi mỗi ngày đều phải đọc một lượt kho đề viết của kỳ thi TOEFL, song tôi làm rất qua quýt, một tuần bảy ngày tôi mới đọc tổng cộng có hai lượt. Lẽ ra phải sớm phân loại kho đề thi viết, nhưng tôi lại kề cà không bắt tay vào làm, tôi không muốn viết, cũng không muốn luyện tập, nhìn vào file word trống trơn tôi chẳng có chút động lực nào.

Cá Béo Ướp Muối đột nhiên gọi điện cho tôi vào đúng lúc kế hoạch ôn tập của tôi đang gặp phải nút thắt đầu tiên. Và thế là, tôi thao thao bất tuyệt, kể khổ với bạn ấy, tôi bảo ngày nào tôi cũng ôn thi đến sắp phát điên rồi, tôi không dám động bút viết, cũng lâu rồi không luyện nói, hơn nữa tôi vẫn chưa đăng ký được tên dự thi TOEFL, vì mọi người đăng ký hết chỗ rồi, tôi rất sốt ruột. Nghe đến đây, Cá Béo Ướp Muối lại bắt đầu động viên tôi giống như những lần trước. Bạn ấy cương quyết nói với tôi: “Cá Gầy Ướp Muối này, cậu thật sự không biết cậu có sức mạnh lớn như thế nào đâu. Sự việc sẽ không trở nên đơn giản, dễ dàng vì cậu luôn lo lắng, suy nghĩ; mà ngược lại, sự việc sẽ càng trở nên khó khăn hơn nếu cậu không hành động. Việc cậu phải làm bây giờ là cố gắng dẹp bỏ những suy nghĩ vớ vẩn ấy đi, và hành động thật chắc chắn. Về vấn đề đăng ký dự thi, mỗi ngày cậu chỉ cần dành ra nửa tiếng đồng hồ lên mạng, chen chân đăng ký là được thôi. Việc này cũng không phải cậu cứ lo lắng, sốt ruột là tự dưng người ta chừa ra mấy chỗ trống cho cậu đăng ký đâu. Vì vậy cho nên, cậu tuyệt đối không được làm rối địa hình chỉ vì một vài thứ nằm ngoài sự kiểm soát của mình.”

Kết thúc cuộc điện thoại kéo dài những bốn tiếng đồng hồ đó, tôi như người vừa chết đi sống lại. Đúng vậy, tại sao tôi lại lo lắng phần thi viết? Vì cơ bản tôi chưa luyện viết! Tại sao tôi lại lo lắng phần thi nói? Vì tôi đã gác lại việc luyện nói từ n năm trước! Tôi vẫn chưa làm gì hết, nên đương nhiên sự tiến bộ của tôi bằng không rồi, đương nhiên tôi phải lo lắng rồi! Tại sao tôi không nhìn ra đạo lý đơn giản này chứ? Tôi tỉnh ngộ: Nói và viết đã là gì chứ? Mình muốn đi du học thì không gì có thể cản nổi bước chân của mình ra nước ngoài! Nếu không luyện nói và luyện viết, mình không thể vượt trùng dương! Nếu không luyện nói và luyện viết, mình không thể đi dạo trên bãi biển California! Nếu không luyện nói và luyện viết, mình không thể chụp ảnh với chuột Mickey ở Disneyland! Luyện tập! Luyện tập! Luyện tập! Mình phải luyện tập ngay lập tức!

Sau khi tháo gỡ được nút thắt trong việc ôn tập, tôi nhanh chóng vạch kế hoạch ôn tập tuần thứ hai, mục tiêu chính là phá tan những vướng mắc trong phần nói và viết, đồng thời nắm chắc bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết! Trong tuần thứ hai ôn tập, về phần đọc, tôi vẫn tiếp tục tiêu hóa dần đề luyện đọc trong cuốn Delta. Về phần nghe, tôi cũng vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch của tuần trước là công phá cuốn Delta.

Trọng tâm ôn tập của tuần thứ hai nằm ở phần nói và viết. Sau khi khắc phục được tâm lý tiêu cực của mình, tôi đã có một bước đột phá trên phương diện nói: Tôi phân loại lại bài thi nói số 1 theo từng nội dung chủ đề, tổng kết lại các chủ đề nói về nhân vật và địa điểm trong tuần đầu tiên và luyện nói một lượt theo đúng thời gian quy định. Trong quá trình luyện nói, tôi nhận thấy chưa một lần nào mình nói xong trong vòng bốn mươi lăm phút, vì mỗi đề nói tôi đều đưa ra ba lý do và trình bày lần lượt ba lý do đó. Tuy tốc độ nói của tôi cũng nhanh, nhưng vẫn không thể nào nói xong. Đến cuối cùng tôi vẫn không giải quyết được vấn đề này. Có điều, giống như trước đây tôi từng nói, cho dù chưa nói xong, nhưng chỉ cần trả lời rõ ràng, mạch lạc, phát âm chuẩn và không ngắc ngứ trong lúc trả lời, tôi vẫn có thể đạt điểm cao.

Nhiệm vụ ôn tập phần viết mới phiền phức nhất: Tôi vừa phải đọc kho đề thi, vừa phải lập đề cương, còn phải phân loại kho đề thi và không ngừng luyện viết theo từng loại. Bên cạnh đó, tôi còn phải thu thập ví dụ và cấu trúc câu phong phú. Nhất thời, tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tôi lại nhớ đến câu nói của Cá Béo Ướp Muối: “Cậu hãy làm đi, đừng nghĩ quá nhiều.” Vì vậy, tôi nghĩ, trước hết mình phải phân loại kho đề thi: Đọc đề thi nào, tôi sẽ phân loại và lập đề cương cho đề đó, sau khi đọc hết toàn bộ kho đề thi, tôi bắt đầu luyện viết. Tôi cứ làm tuần tự như vậy, nên chỉ trong tuần thứ hai, tôi đã “tiêu hóa” hết mấy chục đề thi, rất có cảm giác thành tựu.

Sau khi có một bước đột phá nhỏ ở tuần thứ hai, tôi cảm thấy thật sự rất vui! Sự thật chứng minh, đứng trước khó khăn mà chùn chân bó gối, bảo sao nghe vậy, chẳng khác nào tự sát. Chi bằng không làm còn hơn. Vào những lúc như thế, nhất định phải coi thường khó khăn, coi thường thử thách, không bị đánh ngã, không bị lật nhào giống như con lật đật, nhất là đối với những thứ “biến thái” giống như kỳ thi TOEFL và GRE. Tôi tự nhủ, đề thi là thứ chết, mình là thứ sống, thứ sống nhất định có thể thắng thứ chết! Liều mạng nào!

Vì tuần thứ hai mọi việc diễn ra rất thuận lợi, nên đến tuần thứ ba, tôi quyết định tiếp tục thực hiện kế hoạch ôn tập tương tự như tuần trước. Tuần thứ ba, tôi làm hết đề thi đọc và đề thi nghe trong cuốn Delta, và bắt đầu chuyển sang làm cuốn Barron. Tôi nhận thấy bài đọc trong cuốn Barron viết rắc rối hơn, tốc độ nói trong bài nghe cũng nhanh hơn, nhưng cũng không khó như mọi người vẫn nói, chỉ cần chú tâm hơn một chút. Còn kế hoạch ôn tập phần nói và viết cũng vẫn như tuần trước, tiếp tục tổng kết từng loại đề thi nói và phân loại kho đề thi viết.

Bấy giờ đã là cuối tháng Mười, tôi dự đoán kỳ thi TOEFL sẽ diễn ra vào đầu tháng Mười hai, nhưng đến tận giờ tôi vẫn chưa đăng ký thi được. Để có thêm xác suất đăng ký thi, tôi quyết định mỗi ngày bỏ ra một tiếng đồng hồ đăng ký thi tại ký túc xá. Quyết định sai lầm đó mở cửa cho sự lười biếng của tôi. Sau mỗi sáng mất một giờ đồng hồ lên mạng đăng ký thi, tôi không ngăn nổi suy nghĩ: Mình cố đợi thêm nửa tiếng nữa, không chừng một lúc nữa có thể đăng ký được rồi. Chính vì nghĩ như vậy, nên tôi lãng phí biết bao nhiêu thời gian quý báu của buổi sáng ở trên mạng. Mà một khi lãng phí thời gian, tôi không thể hoàn thành kế hoạch của ngày hôm đó như dự định, về sau toàn bộ kế hoạch không thể không bị kéo dài tới vô hạn.

Tôi gọi điện cho mẹ than vãn, tôi đã lãng phí rất nhiều thời gian vào việc đăng ký dự thi, sau mỗi lần lãng phí thời gian quý báu của buổi sáng, y như rằng buổi chiều tôi không muốn tới trường tự học nữa, vì nghĩ thời gian còn lại ít như thế, tôi làm sao có thể học hết bao nhiêu thứ. Mẹ bảo tôi: “Thời gian không được dùng để tính toán, mà ta hưởng thụ và sử dụng nó. Cho nên con đừng lo lắng vì mất đi một chút thời gian, con phải biết sử dụng thời gian còn lại một cách hiệu quả. Tuy thời gian ít ỏi, nhưng nếu con sử dụng thời gian với hiệu suất cao, thì con vẫn có thể làm được rất nhiều việc.” Tôi nghĩ, đối với tôi bây giờ mà nói, thời gian là thứ quý giá nhất. Tôi cần phải sử dụng vốn thời gian hữu hạn của mình vào những việc có ích, thay vì lãng phí thời gian quý báu lo lắng những việc vô vị!

[Tháng Mười một năm 2007]

Thời gian qua nhanh như bay, chẳng mấy chốc đã bước sang tháng Mười một, tuy lúc này tôi vẫn chưa đăng ký dự thi TOEFL được, nhưng điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến việc chuyên tâm chuẩn bị cho kỳ thi của tôi. Tôi dốc toàn bộ tâm tư vào ôn tập, thi thoảng mới để ý đến thông tin đăng ký dự thi. Cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu như thế này: Khi bạn muốn có được một thứ nào đó, thì nó ẩn tàng không cho bạn nhìn thấy; nhưng khi bạn bỏ mặc nó, thì nó lại mau chóng tìm đến gõ cửa bạn. Lúc tôi quên hết tất cả, một lòng một dạ tập trung ôn tập, thì vào giữa tháng Mười một, tôi lại đăng ký thi được rồi! Ngày đăng ký được tên, tâm trạng tôi vô cùng kích động, dường như có một cái hạn chót được ấn định sẵn vào ngày hôm đó vậy, nó lập tức cho tôi thêm động lực, nhưng cũng gia tăng áp lực cho tôi. Lúc đó chỉ còn cách kỳ thi hai mươi bốn ngày, tôi hỏa tốc chạy tới trường học, sắp xếp lại bản kế hoạch, phân bổ nhiệm vụ ôn tập bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết còn đang dang dở vào thời gian mỗi ngày. Tôi dự định tiếp tục duy trì phương pháp ôn tập trước đây: Tiếp tục làm các đề thi đọc và thi nghe còn lại trong cuốn Barron; còn về phần nói và phần viết, thì mau chóng giải quyết hết số đề thi còn lại trong cuốn Delta rồi chuyển sang cuốn Barron.

Từ khi có lịch thi chính thức, chương trình ôn tập trở nên sát sao, tôi không dám bỏ lỡ thời gian dù chỉ một giây, một phút, ngày nào cũng tiến hành ôn tập khắt khe theo đúng kế hoạch, học lúc cần học, nghỉ lúc cần nghỉ. Khi đó, tôi cảm thấy mình giống như một anh lính đang chấp hành nhiệm vụ, yêu cầu phải vượt qua một ngọn núi to (TOEFL). Ngọn núi đó không quá cao (thi TOEFL tuy khó, nhưng không khó bằng GRE), nhưng vì nó là một ngọn núi mới (TOEFL thế hệ mới), nên đường đi gập ghềnh trắc trở, trong khi không tìm được đường lên núi, tôi tình cờ phát hiện ra dấu chân của những người đi trước để lại. Tôi định lần theo dấu chân của người khác, nhưng người để lại dấu chân này là ai, sức khỏe thế nào, chân to hay chân nhỏ, cuối cùng có thể trèo lên được ngọn núi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ có thể tham khảo con đường bọn họ đã đi. Có lẽ lựa chọn một con đường khác, hoặc giả sử dụng một phương thức leo núi khác, sẽ phù hợp hơn với tôi chăng? Tất cả đều chưa biết thế nào. Việc tôi có thể làm chỉ là thử đi thôi, qua quá trình thử đi thử lại nhiều lần, tôi sẽ tìm ra con đường và phương thức leo núi phù hợp nhất với mình, rồi bắt đầu leo, mệt thì nghỉ, nghỉ xong rồi lại tiếp tục leo, mặt trời lên thì đi, mặt trời lặn thì nghỉ.

Giữa tháng Mười một, tôi bước vào thời kỳ mệt mỏi, tôi chẳng có mấy tiến bộ trên tất cả các phương diện, nên rất khó có thể tạo ra một bước đột phá lớn. Trong thời gian ngắn, tôi không thể nào nâng cao kỹ năng đọc và nghe của mình thêm được nữa, làm bài tốt và làm bài không tốt chỉ khác nhau ở chỗ có cẩn thận hay không mà thôi. Chỉ cần tôi chịu suy nghĩ cẩn thận, kỹ càng mỗi khi lựa chọn đáp án, sau đó xác định lại vị trí câu trả lời trong nội dung bài đọc hoặc nhớ lại đoạn hội thoại vừa mới nghe, thì cơ bản là làm đúng. Lúc đó, tôi đã làm xong toàn bộ số đề thi trong cuốn Barron, tỷ lệ sai sót rất thấp, phần lớn những câu tôi làm sai đều là do sơ ý mà ra. Về phần viết, tôi vẫn thúc ép bản thân mình mỗi ngày viết một bài luận đều đặn, lúc đó, phương pháp thúc ép bản thân của tôi là luyện viết vào đúng năm giờ ba mươi phút chiều hàng ngày. Mỗi lần tôi đều nói với mình: “Bây giờ bắt đầu viết bài luận theo thời gian quy định, nếu hết giờ mà vẫn chưa viết xong, thì tối nay đừng hòng ăn cơm.” Vì không chịu nổi đói bụng, nên tôi chỉ có thể mau chóng bắt tay viết. Phương pháp này vô cùng hiệu nghiệm, tôi thử bao nhiêu lần cũng đúng.

Tôi luyện tập hết số đề thi nói trong cuốn OG, Delta, Barron, và còn tổng kết một lượt những loại đề thi mà tôi có thể nghĩ ra được, viết đáp án của mình, rồi in tất cả ra một tập giấy dày cộp. Nhưng, vì học mệt quá, nên tôi không kiên trì luyện tập hàng ngày. Lúc đó, tôi đặt ra cho mình một yêu cầu khi bứt phá ở kỳ thi trước mắt là: Phải luyện tập tất cả những đề thi nói mà mình đã in ra đến mức thuộc như cháo chảy, hễ nhìn thấy một đề bài, thì lập tức trong đầu sẽ xuất hiện đoạn nói đó, sau đó bắt đầu nói, chứ không được suy nghĩ nhiều, vì lúc thi chỉ có mười lăm giây chuẩn bị. Thầy giáo môn nói của chúng tôi thường nhấn mạnh, tốt nhất là trong phần thi nói TOEFL, các bạn hãy chuẩn bị thật nhiều “đoạn vạn năng”, dù người ta ra đề thế nào, thì các bạn cũng có thể lồng “đoạn vạn năng” vào, và nhớ là phải học thuộc làu làu những đoạn đó. Làm vậy mới không xảy ra sai sót trong trạng thái căng thẳng. Lúc đó, tôi chưa luyện đến trình độ này, nên vẫn phải luyện tập thêm! Luyện tập thêm! Luyện tập thêm nữa!

[Tháng Mười hai năm 2007]

Khi chỉ còn cách kỳ thi TOEFL đúng mười ngày, tôi bắt đầu luyện thi thử. Lúc này, tôi sử dụng ba bộ đề thi cũ nhất của cuốn Barron và bốn bộ đề thi trong phần mềm luyện thi TOEFL của Kaplan. Tôi không quan tâm đến điểm số của bài thi thử, chỉ hy vọng làm hoàn chỉnh mấy đề thi từ đầu đến cuối để mình quen với cảm giác làm bài ở cường độ cao trong bốn giờ liên tục.

Quá trình thi thử quả là “tàn nhẫn”, vì tôi bắt đầu luyện chống nhiễu từ đề thi thử thứ nhất. Tôi bắt đầu hình thành thói quen luyện chống nhiễu lúc ôn thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 hồi đại học, bởi một lẽ đơn giản: Khi chính thức bước vào phòng thi, tôi thường trở nên vô cùng nhạy cảm, mỗi lúc muốn tập trung tinh thần và sức lực đọc đề thi, người khác ho một tiếng hoặc bật lò xo ruột bút bi cũng có thể làm tôi phân tán tư tưởng. Khi tham gia các kỳ thi khác, tôi đều như vậy, còn đối với kỳ thi TOEFL, tôi lo mình còn mất tập trung hơn thế. Từ các diễn đàn, tôi được biết, khi thi TOEFL, vì thời gian mọi người bắt đầu làm bài không giống nhau, nên rất có thể lúc tôi loay hoay làm phần đọc, người khác đã bắt đầu làm phần nghe; lúc tôi làm phần nghe, người khác đã bắt đầu ồm ồm nói khẩu ngữ. Cho nên, ở tình huống này, tôi cho rằng luyện chống nhiễu là hết sức cần thiết, tôi bắt buộc phải bồi dưỡng kỹ năng chống nhiễu của mình cho thật tốt bằng một phương pháp luyện tập “tàn nhẫn”. Có thể nói phương pháp mô phỏng các tác nhân gây nhiễu của tôi không gì tàn nhẫn hơn: Đầu tiên, mở tiếng gió thổi vù vù trong máy tính, rồi bật phim; tiếp đến, mở Windows Media Player, bật chương trình tọa đàm; sau đó, mở TTPlayer, bật bài hát. Sau khi vận hành cả ba nguồn gây nhiễu cùng một lúc, tôi bắt đầu giải đề thi. Ban đầu, tôi để những âm thanh gây nhiễu đó ở mức âm lượng nhỏ, theo tiến trình thi thử, lúc làm mấy bộ đề thi thử sau này (ngoài phần nghe ra), âm thanh gây nhiễu càng ngày càng to.

Lúc đó, tôi luyện thi thử tổng cộng bảy lần, thời gian luyện thi thử cũng tương tự như thời gian làm bài thi thực tế, mục đích tôi làm vậy là để điều chỉnh hứng thú làm bài của mình sang buổi sáng hàng ngày. Sau bảy lần thi thử, điểm số của tôi dao động trong khoảng 102 điểm đến 113 điểm (điểm tối đa là 120). Tôi phân tích kỹ từng bộ đề thi thử, xem tại sao mình làm đúng, tại sao mình làm sai. Sau đó, nghe đi nghe lại từng bài nghe không biết bao nhiêu lần theo phương pháp Listening Intersive của cuốn Nhập môn nghe tiếng Anh, đồng thời nghiên cứu một lượt nội dung bài đọc. Kết thúc quá trình luyện thi thử kéo dài tất cả bảy ngày, tôi dọn hành lý đến ở tại một khách sạn nhỏ ngay cạnh địa điểm thi, nghỉ ngơi lấy sức cho kỳ thi thật diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Mười hai.

Tôi đọc được một bài viết của một bạn cùng thi TOEFL ở trên mạng, cậu ta chốt hạ một câu tổng kết toàn bộ tâm trạng kỳ vọng của mình trong kỳ thi lần này: “Linh cảm của thiên ngoại phi tiên tự nhiên đến, chứ chẳng thể cưỡng cầu, chỉ cần phát huy được tinh thần làm bài ổn định vững vàng là mình mãn nguyện rồi.” Tôi cảm thấy câu nói này dường như cũng phản ánh đúng sự kỳ vọng của tôi đối với bản thân mình, tôi chỉ mong mình có thể phát huy phong độ làm bài ổn định hàng ngày là được rồi. Tôi sợ nhất là “run theo mục đích”, hy vọng mình đừng vì quá coi trọng kỳ thi mà đánh mất phong độ hàng ngày. Bình tâm, thật sự là quan trọng nhất nhất.

Thi TOEFL đạt kết quả viên mãn – Năm 2007 viên mãn

Bốn tiếng làm bài thi trôi đi rất nhanh. Nói thực, từ lúc bắt đầu vào thi, tôi vốn chẳng có tâm tư đâu mà nghĩ đến thời gian. Tôi chỉ chú tâm nhìn vào từng trang đề thi xuất hiện trên màn hình máy tính. Thật không may, lần đó tôi gặp đề thi đọc hóc búa, về sau mọi người bàn tán rầm rộ ở trên mạng rằng: “Đề thi đọc của kỳ thi TOEFL khó ngang đề thi GRE.” Làm xong phần đọc, hai bàn tay tôi giá như băng, bụng bảo dạ nếu lần này mình thi hỏng thì trăm phần trăm là tại bài đọc. Cũng may, ông trời còn chiếu cố cho tôi cộng điểm ở phần thi nghe (tức là làm bài nghe tốt hơn). Mặc dù lúc thi nghe, tôi có hơi rối trí vì bị ảnh hưởng từ phần thi đọc trước đó, nhưng tôi vẫn cố giữ bình tĩnh, làm hết bài. Còn độ khó của phần thi nói cũng tương đương độ khó của các đề thi thử hàng ngày. Trong sáu bài thi nói ngày hôm đó, không có một bài nào là tôi nói hoàn chỉnh, lần nào tôi cũng đang nói dở thì bị báo hết giờ, nhưng tôi cảm thấy mình đã phát huy được trình độ làm bài mọi khi, ít nhất là trong thời gian có hạn đó, tôi vẫn nói liên tù tì không nghỉ, dù chỉ một phút. Đến khi làm bài thi viết, tôi cảm giác toàn thân tê dại, cả người từ trên xuống dưới đều không còn chút sức lực nào, dường như những tế bào não cũng sắp bị vắt kiệt. Tôi làm bài thi viết rất bảo thủ, vì tôi chỉ sử dụng lối văn bát cổ cứng nhắc, cảm giác bài luận chẳng có ý gì mới mẻ.

Ra khỏi phòng thi, tôi không đủ sức đi bộ, bèn ngồi lại trạm xe bus bên đường, gọi điện thoại cho mẹ, bên ngoài những bông hoa tuyết đang tung bay giữa trời. Tôi nói tôi làm bài thi không được như ý, nhất là phần đọc, tôi cảm thấy nó rất khó. Mẹ nói không sao, tôi đã cố gắng hết sức là được rồi. Ngồi trên chuyến xe bus từ địa điểm thi về trường, tôi mong sao chuyến xe bus này có thể đi chậm lại, chậm lại một chút nữa. Tôi quan sát con người và cảnh vật bên ngoài qua lớp cửa kính mờ đục trên xe, chợt nhận ra lâu rồi mình chưa quan sát thế giới một cách lặng lẽ như thế này. Tôi nghĩ, mỗi một người đang đi trên phố đều có thân phận và câu chuyện riêng của mình, đều từng trải qua những bi thương cũng như vui sướng của cuộc đời. Và tôi cũng vậy: Tôi mất một thời gian ôn thi lâu như thế, vốn tưởng sau khi thi xong, tôi sẽ chạy vọt ra khỏi phòng thi, đi tìm đám bạn của mình, cùng nhau ăn mừng, nhưng tôi không làm vậy. Tôi bắt đầu lo lắng, phải nói là rất lo lắng là đằng khác, giống như trước đây, sau khi tham gia một kỳ thi, tôi đều lo lắng kết quả.

Tôi khổ sở chờ đợi điểm thi, ngày nào cũng thấy mọi người trong diễn đàn bàn luận đủ kiểu về kỳ thi, nhưng chẳng mấy khi tôi phản hồi, tôi gia nhập “băng nhóm ngầm” rồi. Tôi báo cho Cá Béo Ướp Muối biết tôi thi không tốt như mình nghĩ, tôi nói rằng tôi thật ngốc, vì đã bỏ cả lịch học trên trường, dốc toàn bộ thời gian vào ôn thi. Bạn ấy hỏi tôi: “Đã có điểm thi rồi à?” Tôi trả lời vẫn chưa có. Bạn ấy cười nói: “Vẫn chưa có điểm thi cơ mà, cậu lo nghĩ vớ vẩn gì thế?” Cá Béo Ướp Muối nói, cho dù kết quả thi thật sự không lý tưởng, thì tôi cũng không được vì thế mà nghi ngờ khả năng của mình, thậm chí nghi ngờ liệu mình có thể đạt được ước mơ hay không. Cá Béo Ướp Muối còn động viên tôi cần phải can đảm lên, và can đảm hơn nữa, cho dù con đường phía trước nhiều gian nan, tôi cũng vẫn phải bước tiếp. Nói cách khác, không ai có thể giúp được bạn, chỉ có bản thân bạn mới cứu được bạn thôi.

Trước cửa tòa nhà tự học trong trường có một bức tượng nửa người của Chu thủ tướng, màu đen, rất cao và rất trang nghiêm, phía trước bức tượng lúc nào cũng có những bông hoa tươi được xếp ngay ngắn. Vào những lúc nghỉ ngơi, đi tản bộ một giờ đồng hồ, tôi thường đứng trước bức tượng, nói chuyện với thủ tướng nửa tiếng đồng hồ. Tôi luôn nghĩ rằng, một người cai trị đất nước như ông ắt phải gặp nhiều khó khăn mà những người bình thường như chúng ta khó có thể tưởng tượng được, nhưng ông chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục, chưa bao giờ chịu buông xuôi, cũng chưa bao giờ chịu rút lui, còn chúng ta mới gặp một vài khó khăn, áp lực, trở ngại bé bằng con kiến đã kêu ca rồi? Khi tôi muốn từ chối đi tiếp chỉ vì chút chuyện cỏn con như thi không tốt chẳng hạn, tôi sẽ tưởng tượng, nếu Chu thủ tướng là mình, ông sẽ làm thế nào. Nghĩ như vậy, tôi sẽ có can đảm, bởi tôi biết chắc ông sẽ bất chấp tất cả, kiên cường bước tiếp. Lúc đó, Chu thủ tướng chính là thần tượng của tôi. Mỗi khi tôi nỗ lực, tôi sẽ vui vẻ chạy đến trước mặt ông, báo cáo thành tích tốt; mỗi khi tôi sa ngã, thường thì mấy ngày liền tôi hổ thẹn, không đi thăm ông, vì tôi sợ nhìn thấy “dáng vẻ thất vọng” (đơn thuần là ảo tưởng của cá nhân tôi) của ông.

Thời gian đó, tôi đọc rất nhiều truyện ký của danh nhân, tôi muốn tìm một thứ gì đó ở bên trong có thể làm nội tâm của tôi trở nên mạnh mẽ, kiên cường. Khi đọc sách, tôi cảm thấy cuộc sống thật đơn giản, tinh thần thật thoải mái. Tôi cảm thấy con người luôn tồn tại trong xã hội, cuộc sống hối hả nên đôi khi chúng ta cũng hối hả theo, thậm chí còn sống vội hơn bản thân xã hội. Chỉ có sách và sức mạnh có được từ trang sách mới có thể giúp chúng ta trầm lắng, tĩnh lặng. Sau khi tĩnh lặng, chúng ta mới có thể tìm ra hướng đi ban đầu của mình. Tôi nhớ có người từng nói, đọc sách tức là bạn đang đối thoại với tác giả, từ đó dựng lên một thế giới nội tâm mạnh mẽ, và chính thế giới ấy sẽ bảo vệ bạn khỏi những ảnh hưởng, tác động của thế giới bên ngoài, bảo vệ bạn không bị tha hóa, sa đọa, đồng thời giúp bạn trở nên kiên định, và tin vào sự lựa chọn của mình. Khi đọc thấy tất cả nhân vật được viết trong sách đều phải trải qua sự đả kích rất lớn, rất gay gắt vào thời điểm mới bắt đầu phấn đấu, tôi chợt nhận ra mình quá yếu đuối, mình cần phải tôi rèn, cần phải mạnh mẽ, kiên cường vào những lúc quan trọng.

Thi xong TOEFL là đến sinh nhật mẹ và Giáng sinh. Để chúc mừng sinh nhật mẹ và đón Giáng sinh cùng bạn bè, tôi cho mình nghỉ ngơi xả láng hơn hai tuần, quên hết chuyện điểm chác. Nhưng, đúng lúc tôi gần như không nhớ gì đến điểm thi nữa, thì đột nhiên người ta lại công bố điểm thi. Sau những phút chờ đợi căng thẳng tột cùng trước máy tính, một dãy số đập ngay vào mắt tôi: đọc 26 điểm, nghe 28 điểm, nói 28 điểm, viết 30 điểm, tổng cộng 112 điểm (thang điểm tối đa của mỗi phần đều là 30 điểm, thang điểm tối đa của cả bài là 120 điểm). Lúc vừa mới tra ra điểm thi, tôi và cô bạn cùng phòng trong ký túc xá ôm chầm lấy nhau, cùng hét lên sung sướng “112”, tôi không biết là mình đang nằm mơ hay là sự thật, thành tích này vượt xa so với lúc đầu tôi nghĩ.

Sau khi bình tĩnh trở lại, tôi nghiên cứu kỹ điểm thi. Phần đọc 26 điểm, tôi làm bài đọc không được như ý, quả nhiên đây là phần thi đạt điểm thấp nhất trong bốn phần. Phần nghe 28 điểm, lẽ ra trong bốn phần thi lúc đó chỉ có phần nghe là tôi có khả năng đạt điểm tuyệt đối, nhưng cuối cùng lại không đạt điểm tuyệt đối. Trong khi đó phần viết lại đạt điểm tuyệt đối, xem ra mỗi buổi tối tôi ôm bụng đói ngồi học, kiên trì mỗi ngày viết một bài luận, quả là có hiệu quả.

Bất ngờ nhất là phần nói đạt 28 điểm! Tôi nhớ lại cảnh tượng một tháng trước, tôi đứng ở ngoài hành lang điên cuồng luyện nói. Vì lúc đó, tôi sợ nói nên cứ lần lữa mãi không dám bắt đầu luyện nói, mãi đến khi chỉ còn mười mấy ngày nữa là thi, tôi mới hạ quyết tâm in tất cả số đề nói ra, luyện đi luyện lại từng đề một. Vào tháng Mười hai, thời tiết càng ngày càng lạnh, đứng trong hành lang cũng vẫn rét căm căm, ấy vậy mà ngày ngày tôi đều kéo cái ghế đẩu trong phòng tự học ra ngồi ở lối hành lang, đặt máy tính lên đùi, vừa bấm thời gian luyện nói, vừa ghi âm giọng nói của mình. Nói đề nào ghi âm đề ấy, sau khi ghi âm xong, tôi cẩn thận nghe lại, nếu không vừa ý, tôi sẽ ghi âm lại cho đến khi nào cảm thấy hoàn toàn hài lòng thì mới tiếp tục luyện đề khác. Lúc đó, tôi đang nắn chỉnh răng, cả hàm trên và hàm dưới đều đeo niềng răng cuốn đầy dây thép nhỏ xíu, vì cớ sự luyện nói mà môi và lưỡi của tôi bị sứt sở không biết bao nhiêu lần, gió lạnh luồn qua càng làm răng lợi buốt nhói, lúc ăn cơm rất khó nhai, tôi thường xuyên đói bụng. Tôi từng bật khóc vì chuyện này, nhưng nay nghĩ lại, tôi cảm thấy như vậy cũng đáng!

Tôi từng thật lòng phấn đấu, thật lòng mệt mỏi, thật lòng bật khóc và thật lòng mỉm cười vì một việc, nên đến khi đạt được kết quả như ý, tôi cảm thấy rất sảng khoái. Tuy tôi hiểu rõ, có người giỏi có thể đạt điểm tối đa trong kỳ thi TOEFL, và cũng không thiếu gì người chỉ cần ôn tập một thời gian ngắn là có thể đạt điểm 115+, nhưng đối với một người bình thường như tôi, mỗi ngày đều chật vật trên con đường lột xác từ một người kém cỏi thành một người giỏi giang, số điểm 112 này thật sự đã làm tôi rất mãn nguyện. Tất nhiên số điểm này là sự báo đáp tốt nhất cho tất cả những gì tôi đã bỏ ra trong một giai đoạn.

Thắng lợi trong kỳ thi TOEFL đánh một dấu tròn xoe vào bức tranh năm 2007 của tôi, và nó cũng đặt bước chân vững chắc thứ hai trên con đường vượt trùng dương của tôi. Tạm biệt năm 2007, chào đón năm 2008. Đối với người dân cả nước mà nói, năm 2008 là năm chúng ta mỏi mắt chờ đợi Trung Quốc đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Còn đối với riêng cá nhân tôi, năm 2008 là năm tôi phải nghênh chiến với cuộc thi GRE lần thứ hai và bắt đầu triển khai hồ sơ du học. Hảo hán bất đề đương niên dũng, tôi nhắc nhở bản thân mình phải lập tức bước ra khỏi thắng lợi nhỏ trong cuộc thi TOEFL đó, trầm tĩnh lại rồi mau chóng bước vào một vòng chiến đấu mới. Tất cả những gì tôi bỏ ra trong quá khứ đều đã được báo đáp, đó là chuyện tốt. Nhưng để có thể nhận được nhiều báo đáp hơn nữa trong tương lai mai này, tôi bắt buộc phải tiếp tục bỏ công sức ra mà không được ngơi nghỉ!

Gre ơi, tôi yêu bạn nhường nào

Điểm tâm đắc của bài luận 5.5 điểm là ở một chữ “Viết”

[Tháng Một năm 2008]

Tuần đầu tiên của năm 2008, năm mới đến mang theo cảnh sắc mới! Tôi sắp phải nghênh chiến với kỳ thi GRE lần thứ hai. Lần đầu thi GRE, tôi vẫn là sinh viên đại học năm thứ ba, do tâm lý yếu kém cộng thêm tư tưởng đào ngũ, nên cuối cùng bại dưới chân nó. Tôi hiểu trong “cuộc chiến” lần này, tôi tuyệt đối sẽ không dễ dàng đạt được một dấu mốc nào đó, bởi vì trước đây tôi từng thi GRE một lần rồi. Để rửa mối hận lần trước, lần này tôi buộc phải dốc toàn bộ tâm tư ứng phó nó, thề chết cũng không làm kẻ đào ngũ!

Vào kỳ nghỉ đông, tôi mang tất cả tài liệu ôn tập về nhà, khi mọi người đều đang hưởng thụ kỳ nghỉ, đón năm mới, tôi không thể kéo dài thêm thời gian, vội vàng bước vào hành trình chinh phục kỳ thi GRE. Đầu tiên, tôi bỏ ra cả một ngày thu thập các loại tài liệu ôn thi GRE trên diễn đàn, download các mục tinh hoa, xóa mù chữ, kinh nghiệm, chia sẻ, rồi chỉnh lý cẩn thận, đọc kỹ càng. Tôi giở cuốn lịch treo tường mới mua đến tháng Ba, dùng bút màu vẽ một vòng tròn to tướng lên tờ lịch ngày mùng 3 tháng Ba, ghi chú: “Koala nghênh chiến AW!” (phần thi viết trong kỳ thi GRE gọi là Analytical Writing, viết tắt là AW). Phần thi viết GRE nghiễm nhiên trở thành mục tiêu phấn đấu của tôi trong giai đoạn trước mắt!

Phần thi viết GRE gồm hai bài là Issue (văn nghị luận, từ “issue” trong tiếng Anh phát âm gần giống từ “yiti” trong tiếng Trung) vàArgument (văn biện luận, từ “argument” trong tiếng Anh phát âm gần giống từ “agou” trong tiếng Trung). Để hiểu rõ thế nào là một bài văn mẫu xuất sắc, tôi lên mạng mua hai cuốn sách tham khảo là cuốn 5.5 điểm phần thi viết GRE – bài ISSUE và cuốn 5.5 điểm phần thi viết GRE – bài ARGUMENT. Sau khi mua được sách tham khảo, tôi xem lại vở ghi hồi còn học lớp luyện thi GRE ở Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Phương Đông Mới. Mặc dù tôi từng tham gia thi GRE một lần vào năm thứ ba đại học, tính đến bây giờ mới được có hai năm, vậy mà những ký ức về nó đã hoàn toàn nhạt nhòa, tôi đành phải làm lại từ đầu.

Kế hoạch ôn tập của tôi lúc đó là xem lại toàn bộ vở ghi trên lớp trước thềm năm mới, rồi ăn Tết xong mới bắt đầu kế hoạch ôn tập độc lập của mình. Để hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian đã định, mỗi ngày tôi ôn lại hai bài yiti và hai bài agou trong vở ghi. Lần đầu thi GRE, tâm trạng của tôi không vững vàng, nên lúc đó tôi cũng chưa thực sự khổ công ôn luyện, tuy thời gian học cũng khá dài, nhưng rốt cuộc tôi tiếp thu được rất ít kiến thức. Có lẽ cũng chính vì vậy mà đến lần ôn tập lại, tôi chẳng còn nhớ gì nữa, đọc số đề thi viết trong kho đề thi, tôi có cảm giác vô cùng lạ lẫm, cứ như chưa từng xem qua bao giờ. Dù vậy, nhờ nhận được bài học thất bại trong lần thi trước, nên khi thi lần hai, tôi có thể đối mặt với cuộc thi GRE một cách nghiêm túc, thành thật. Gặp mỗi đề thi viết, tôi đều chủ động suy nghĩ đề thi, chứ không dám tự huyễn hoặc bản thân. Tôi còn nghiêm túc ôn lại vở ghi trên lớp luyện thi, không dám học hành lớt phớt.

Chẳng mấy chốc, tôi đã ôn tập xong toàn bộ vở ghi bài giảng AW trong thời gian hơn hai tuần, hoàn thành nhiệm vụ này trước khi đón năm mới. Nếu tính chi li ra, ngoài mấy ngày Tết và những lúc phát sinh một số việc đột xuất như đi thăm hỏi người thân và bạn bè, thời gian ôn tập của tôi chỉ còn lại ba mươi ngày. Lúc đó, tôi căn bản không nghĩ đến những thứ không cần thiết khác, mà chỉ nghĩ làm sao vắt kiệt thời gian hiện có xem mình có thể ôn tập bao nhiêu thì ôn tập bấy nhiêu.

[Tháng Hai năm 2008]

Sang tháng Hai, việc đầu tiên đặt ra trước mắt tôi là làm sao phân bổ thời gian một cách hợp lý, hiệu quả. Kho đề thi viết của Pangda có tất cả 244 đề thi yiti và 242 đề thi agou, trong ba mươi ngày ngắn ngủi, tôi vừa phải đọc kho đề thi, lập đề cương, vừa phải luyện viết, và còn phải chuẩn bị kiến thức nền, thu thập các loại ví dụ làm luận chứng cho bài luận, tôi phải phân bổ thời gian như thế nào đây?

Tôi trăn trở rất lâu về vấn đề này nhưng vẫn chưa tìm ra phương án nào khả thi. Về sau, tôi đột nhiên nghĩ rằng, đây là phần thi viết, vậy thì phương án tốt nhất có thể kiểm tra, đánh giá kỹ năng viết của mình chỉ có một từ: Viết! Thật ra, đây cũng chẳng phải là sách lược to tát gì cho cam, nó chỉ là một đạo lý mà tất cả mọi người đều biết cả rồi thôi. Suy cho cùng, dù tôi có sẵn một đống kiến thức, học thuộc một đống câu chữ, lập xong hết đề cương, thì cuối cùng cũng vẫn phải dùng bàn tay và khối óc của mình tái hiện lại tất cả những thứ ấy lên trên trang giấy. Chứ nếu cả ngày tôi không đặt bút luyện viết, thì dù tích lũy được bao nhiêu thứ đi nữa cũng đều vô ích.

Về bài agou, sách lược của tôi cũng chỉ có: Viết. Tôi tự nói với bản thân mình: “Không cần biết ngôn ngữ của mi có sắc bén hay không, chỉ cần mi biết chỗ nào mắc lỗi logic, rồi hãy viết bài bác bỏ những lập luận sơ hở nằm đầy trong bài đó qua những ví dụ mà mi đưa ra. Tạm thời mi không nên quá lo lắng về vấn đề lựa chọn câu chữ, miễn sao mi bác bỏ nó bằng ngôn ngữ thông dụng nhất, và trình bày rõ ràng lý lẽ của mi là được. Trước tiên, cần có tư duy biện chứng, còn những vấn đề như trau chuốt ngôn từ đơn giản hơn rất nhiều.” Ban đầu tôi chưa tính đến chuyện lập đề cương cho từng đề agou, tôi dự định đọc nghiêm túc mấy chục đề thi, nắm chắc quy luật lập luận sai logic ở trong, rồi sau mới bắt đầu tổng kết lại đề cương. Còn về bài yiti, thì vì nó là văn nghị luận, nên quan trọng hơn là phải viết nhiều. Tôi nhớ hồi ôn tập phần viết TOEFL, vì mấy ngày cuối, tôi kiên trì mỗi ngày viết một bài, nên mới có tiến bộ trên phương diện viết, cuối cùng đạt điểm tuyệt đối như vậy. Thực lòng mà nói, tôi luôn cảm thấy phần viết rất khó, bởi vì xét từ góc độ tâm lý, tôi sợ nó, không dám viết. Lần này, để can đảm cầm bút viết, tôi đặt ra cho mình một nhiệm vụ bất di bất dịch: Phân loại kho đề thi yiti theo từng lĩnh vực, sau đó chọn ra những đề thi xuất hiện với tần suất cao trong mỗi lĩnh vực, mỗi ngày viết một bài, từ khóa ở đây là “mỗi ngày”!

Bởi vậy, đầu tháng Hai, tôi vạch kế hoạch học tập đại để như sau: Về bài agou, mỗi ngày phân tích mười đề thi, tìm ra kẽ hở ở đề bài, tổng kết và ghi nhớ những loại câu biện luận, đồng thời mỗi ngày phải viết ít nhất hai bài luận agou theo thứ tự tần suất xuất hiện đề thi đó trong kho đề thi từ cao đến thấp; về bài yiti, mỗi ngày tổng kết một loại đề thi và lập đề cương theo từng lĩnh vực liên quan (như giáo dục, khoa học, văn hóa và lịch sử,…), đồng thời mỗi ngày viết một bài luận yiti theo thứ tự tần suất xuất hiện đề thi đó trong kho đề thi từ cao đến thấp. Ngoài ra, tôi sử dụng toàn bộ số thời gian ít ỏi còn lại trong ngày vào việc “đọc rộng thi thư”, sưu tầm ví dụ.

Tuần đầu tiên thực hiện kế hoạch mới, tôi bỏ ra một buổi sáng nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn cho điểm của Viện khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ, sau đó lại nghiên cứu một cách rất nghiêm túc các bài văn mẫu của phần agou và yiti do ETS cung cấp. Tôi nghiên cứu thấu triệt các vấn đề về kết cấu chỉnh thể, khởi thừa chuyển hợp, luận chứng luận cứ, và cấu tạo câu từ,… của bài văn mẫu tới mức không thể thấu triệt hơn được nữa. Nghiên cứu xong, tôi đột nhiên ngộ ra một điểm chung giữa những bài văn mẫu đó và bài văn đạt điểm cao trong kỳ thi GRE mà mình “chỉ khả ý hội, bất khả ngôn truyền”, đó là đặt vào cùng một thước đo nhất định, những bài văn đạt điểm cao cũng có quy luật có thể tuân theo, và cũng có khuôn mẫu có thể tham khảo (ở phần ghi chú nhỏ). Sẵn có cảm nhận đó, tôi lập tức chọn ra một đề agou xuất hiện nhiều nhất, múa bút thành văn, viết một bài agou đầu tiên của mình. Tôi chẳng bận tâm câu chữ mượt mà hay không, chỉ cốt làm sao tư duy biện chứng hoàn chỉnh, cắm cúi viết một bài luận gần bảy trăm từ trong thời gian quy định. Viết xong, trong lòng tôi cảm thấy rất sảng khoái, tốt xấu gì thì tôi cũng đã đặt bước đi đầu tiên trên con đường ôn tập phần viết. Điều này càng làm cho quyết tâm của tôi trở nên sắt đá hơn: Mình nhất định phải “kiên trì viết”, “viết mỗi ngày” một bài yiti và hai bài agou, tuyệt đối không thay đổi!

Từ lúc triển khai luyện viết, tôi đã hóa thân thành một người máy được lên dây cót, đúng bảy giờ sáng hàng ngày một mình đạp xe tới trường tự học, đến tám chín giờ tối mới trở về phòng, say sưa thực hiện kế hoạch ôn tập của mình mà không biết chán, viết hết bài luận này lại đến bài luận khác. Sau khi hoàn thành một nhiệm vụ của ngày, tôi sẽ gạch nhiệm vụ đó đi trên bản kế hoạch, trong lòng cực vui. Người khác đều bận rộn sắm sửa đồ tết, hưởng thụ bầu không khí vui vẻ tưng bừng của năm mới, chỉ có mình tôi lủi thủi ôn bài, chẳng dám làm chậm tiến độ ôn tập. Bao nhiêu lần người nhà và bạn bè rủ đi ăn, tôi đều từ chối, mặc dù trong lòng tôi rất muốn đi tụ tập cùng mọi người, nhưng nhìn ngày thi ngày càng đến gần, nhìn nhiệm vụ kín mít trên bản kế hoạch, tôi thật sự không dám làm lỡ việc.

Mẹ bảo tôi, bà cảm thấy rất xót cho tôi, vì ngày nào bà cũng trông tôi khổ sở như thế, nhưng bản thân tôi lại không cảm thấy mình vất vả, khổ sở tẹo nào. Ngược lại, mỗi khi hoàn thành được một nhiệm vụ nhỏ nào đó hoặc sau những bước đột phá về trình độ viết, tôi đều cảm thấy vô cùng sung sướng. Cảm giác hưng phấn và cảm giác thỏa mãn đó còn làm cho tôi vui hơn tết. Trong lòng tôi rất rõ, một khi tôi lựa chọn đi du học, tức là tôi đã xác định mình sẽ phải bước đi trên con đường vất vả khổ sở, xác định mình sẽ phải từ bỏ rất nhiều thứ, và xác định mình sẽ phải trải qua một cuộc sống không nhẹ nhàng. Có điều, tôi vẫn luôn tin chắc rằng, không có đau khổ thì không có hạnh phúc, hôm nay chịu khổ, nhất định ngày mai sẽ nhận được báo đáp, cho dù ngày mai chưa nhận được báo đáp, thì ngày kia, ngày kìa, hay nhiều ngày sau, sớm muộn gì cũng sẽ có báo đáp. Không có sự tích lũy nào là sự tích lũy vô ích, khi chúng ta tích lũy đau khổ đến một mức độ nhất định, chắc chắn nó sẽ có sự biến đổi về chất, chắc chắn nó sẽ mang những khả năng mới và hy vọng mới cho cuộc đời chúng ta.

Trong đầu tôi nghĩ như vậy là để tự khích lệ bản thân, còn về hành động thực tế, thì tôi vẫn tiếp tục luyện tập không ngừng nghỉ giống như một người máy. Do bản thân tôi khá nhạy bén với ngôn ngữ lại cộng thêm việc luyện tập với cường độ cao, nên chỉ sau hơn một tuần lễ, tôi đã đạt được sự tiến bộ rất lớn. Sau khi viết xấp xỉ mười bài yiti và hai mươi bài agou, tôi cảm nhận rõ sự tiến bộ đó: Tốc độ viết mỗi ngày một nhanh, thời gian suy nghĩ ngày càng rút ngắn, số chữ trong bài thì không ngừng tăng lên, đến lối tư duy cũng rộng mở hơn. Sau khi nắm vững lối hành văn cố định, tôi viết rất trơn tru, và cũng không cần phải lo lắng về độ dài của bài luận.

Cá Béo Ướp Muối giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình luyện viết. Mỗi khi viết xong một bài luận, tôi sẽ gửi cho bạn ấy xem, rồi hỏi cảm nhận của bạn ấy. Cá Béo Ướp Muối góp ý rất chân thành: “Tuy văn cậu viết càng ngày càng dài, ngôn ngữ viết đọc lên cũng càng ngày càng có cảm giác như native speaker,nhưng tớ cảm thấy luận chứng của cậu còn hơi sáo rỗng, ví dụ còn hơi nghèo nàn.” Tôi bỗng tỉnh ngộ! Mọi người đều nói, luận chứng sinh động có sức thuyết phục nhất, nếu cứ một hai nói những đạo lý đao to búa lớn, cứng nhắc, thì người khác rất khó có thể nghe theo quan điểm của bạn. Về sau, tôi quyết định bỏ nhiều thời gian hơn vào việc thu thập ví dụ và tích lũy luận cứ. Vừa hay lúc đó, tôi có quen một người bạn cùng ôn thi GRE, anh ta đưa ra một ý kiến rất hay về phương diện thu thập ví dụ: Mỗi ngày dành nửa tiếng đồng hồ tổng kết một vị danh nhân, xem lướt qua một lượt nội dung liên quan đến cuộc sống, công việc… của vị danh nhân đó, sau đó có thể đưa những nét nổi bật của họ vào bài viết, và tiến hành chỉnh lý. Tôi nhận thấy ý kiến này rất hay, nên cũng bắt đầu thực hành. Tôi kiên trì tích lũy như vậy hơn hai mươi ngày, trước sau tổng kết ví dụ về hơn hai mươi danh nhân. Dần dần, tôi học được không ít từ câu chuyện của các vị danh nhân trong nhiều lĩnh vực, hơn nữa đó đều là những ví dụ độc đáo mà hiếm có thí sinh nào dùng đến. Vậy là tôi có thể vận dụng một cách linh hoạt hơn các ví dụ, các luận chứng mà tôi đưa ra trong bài cũng vừa sắc sảo vừa dí dỏm, rõ ràng và đáng tin cậy hơn. Tất nhiên sau này tôi cũng sử dụng những ví dụ tổng kết được đó vào bài thi của mình.

Mấy ngày Tết, cuối cùng tôi cũng không thể cưỡng lại được sức mê hoặc của thế giới bên ngoài, tôi tất bật đi thăm hỏi bà con họ hàng, bạn bè, và ăn uống vui chơi, thành thử tiến độ ôn tập bị chậm lại. Mấy ngày hôm đó, tôi chỉ sắp xếp lại một vài đề cương, chứ hầu như không viết được bài luận nào hoàn chỉnh, ngay đến phần mềm luyện thi viết, cũng chưa sờ đến, nên cảm thấy rất áy náy. Vào ngày mùng 4 Tết, tôi hạ quyết tâm, cầm bút viết một bài yiti và một bài agou, kết cục thật thảm hại: Mặc dù tôi viết bài yiti chưa hết thời gian làm bài, nhưng tôi cảm giác thứ văn mình viết ra trở nên sáo rỗng, quá chăm chút vào câu từ, làm lãng phí bao nhiêu thời gian; còn về bài luận agou, vì tôi từng xem qua bài văn mẫu, biết mình cần phải viết thật cụ thể, nên tôi luôn nhắc đi nhắc lại bản thân rằng phải viết cụ thể, viết cụ thể, thế nhưng tôi lại viết vượt quá rất nhiều thời gian cho phép. Sau khi thi thử, tôi cảm thấy rất lo lắng, buồn phiền. Sự thất bại trong bài thi thử lần này chứng minh một việc: Tuyệt đối không được ngừng luyện viết! Dù mỗi ngày chỉ còn một hơi thở, tôi cũng bắt buộc phải kiên trì viết hàng ngày! Bất luận thế nào cũng phải viết hàng ngày! Viết hàng ngày! Viết hàng ngày!

Sau một bước lùi nhỏ đó, tôi nhắc nhở bản thân: Cứ tiếp tục nằm ở nhà như thế này cũng không phải là cách, vừa hay tết nhất cũng qua rồi, mình vẫn nên mau chóng quay trở lại Bắc Kinh để có thể tìm được cảm giác học tập ở trong phòng tự học của nhà trường. Vì thế, tôi quyết định lập tức “thu quân về kinh”, chuẩn bị cho thời gian ôn tập gắt gao, luyện tập nhiều hơn, viết lách nhiều hơn, tìm lại cảm giác tích cực trước đây vào mười mấy ngày cuối cùng.

Lúc tôi về đến Bắc Kinh, trường học vẫn chưa bắt đầu vào học, đi đến đâu cũng thấy vắng vẻ quạnh quẽ. Hòa vào cảnh tượng đìu hiu của sân trường vào những ngày mùa đông giá rét này, tâm trạng của tôi cũng buồn bã theo. Hàng ngày ở trong ký túc xá, tôi không màng ăn uống, chỉ lên mạng xem phim, làm phụ đề. Mỗi lần định lên trường tự học, tôi lại tưởng tượng ra cảnh một mình mình ngồi thu lu trong phòng tự học mới tội nghiệp làm sao, thế là ý nghĩ đi tự học đó nhanh chóng tiêu tan, và tôi lại tiếp tục ở ký túc xá lên mạng… Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại như vậy, chỉ còn nửa tháng nữa là thi rồi, vậy mà tôi lại chán chường, cứ nằm dài trong ký túc xá! Động lực mất dần, tinh thần sa sút, ngay cả những lời lẽ hùng hồn mà tôi từng nói với mình khi ngồi trên tàu hỏa, cũng hoàn toàn quên sạch. Tôi vào diễn đàn, ẩn mình quan sát trạng thái của các bạn cùng thi đợt ấy, thấy mọi người ai nấy đều đang chuẩn bị “rùm beng” cho kỳ thi, chỉ có một mình tôi là vẫn nằm đây, bình chân như vại.

Tôi tự hỏi: Thái độ chuẩn bị tích cực cho kỳ thi trước đây đã biến đi đâu mất rồi? Tôi đợi hết ngày này qua ngày khác, hy vọng theo dòng chảy thời gian, tâm trạng tiêu cực sẽ tan biến, thay vào đó là tâm trạng tích cực, nhưng ngờ đâu càng ngày tôi càng buồn chán, càng ngày càng mất khí thế, và càng ngày càng trống rỗng. Tôi chợt nhớ, sau khi được chuyển tiếp cao học vào năm thứ tư đại học, tôi cũng gặp phải thời kỳ suy sụp tinh thần như thế này, cũng gặp phải cảm giác trống rỗng, sa ngã như thế này, và lúc đó cũng như bây giờ, tôi định đợi thời gian qua đi rồi cảm giác sẽ tự nhiên quay về. Tôi nhớ lúc đó Cá Béo Ướp Muối có nói với tôi: “Tâm trạng không tốt không có nghĩa là cứ ngồi đó mà suy nghĩ thì có thể tìm lại tâm trạng.” Đúng vậy, tại sao tôi lại không nhớ ra câu này nhỉ? Không phải bạn cứ suy nghĩ lung tung, vớ vẩn là có thể tìm lại tâm trạng, mà bạn cần phải hành động, phải đạt được tiến bộ thông qua hành động, rồi từ đó khẳng định được bản thân mình, nhờ khẳng định được bản thân, bạn sẽ cảm thấy trong lòng vững vàng, sau đó mới có thể tìm lại tâm trạng và cảm giác.

Tôi đi theo ý niệm này, ngay sáng ngày hôm sau, dù tâm trạng tốt hay xấu, tôi cũng ép bản thân mình lên trường tự học. Tuy chỉ học nửa ngày, hiệu suất cũng không cao, nhưng vì tôi đã bắt tay vào hành động nên không còn cảm thấy buồn chán như trước nữa. Ngày thứ ba tiếp tục học, tâm trạng của tôi chuyển biến khá hơn. Đến ngày thứ tư, nhìn vào kế hoạch mình đã hoàn thành ba ngày trước, tâm trạng của tôi thực sự tốt lên, tuy chưa tới mức hăng say học tập, nhưng tôi cảm nhận rõ tâm trạng của mình đang chuyển biến tốt lên từng ngày. Vì năm ngày trước, tôi không chịu khó học hành, tiến độ ôn tập bị chậm lại rất nhiều, nên từ đấy về sau, mỗi ngày tôi buộc phải tăng tốc độ học lên gấp đôi mới bù đắp được sự trễ nải của mình trước đó trong kế hoạch ôn tập.

Lúc đó, chỉ còn mười ba ngày nữa là thi, tôi tự nhủ: Dù có đụng vỡ đầu, mình cũng phải tiếp tục kiên trì. Tuy mấy ngày gần thi, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, cả tinh thần và thể xác đều mệt mỏi rã rời, nhưng tuyệt đối không thể để cho những cố gắng bấy lâu nay đều đổ xuống sông xuống biển, nhất định phải kiên trì đến cùng! Tôi quyết định viết lại toàn bộ số đề cương đề thi viết trong kho để có thể ghi nhớ sâu hơn, vì thế tốc độ viết của tôi là mỗi ngày viết năm mươi đề cương bài agou và năm mươi đề cương bài yiti, vừa viết vừa nhớ, giống như học từ vựng. Cứ như vậy, tôi học bất kể ngày đêm, không đến mấy hôm đã viết xong tất cả đề cương. Tôi in toàn bộ số đề cương đó ra, nhìn vào thành quả của mình, trong lòng tôi bỗng dâng lên cảm giác rất có thành tựu. Hàng ngày đi đâu, làm gì, tôi cũng đều mang theo những bộ đề cương này, tiện tay mở ra xem, mau chóng nâng cao độ quen thuộc của từng đề thi trong kho đề thi.

Khi chỉ còn cách kỳ thi một tuần, tôi chuyển phắt sang giai đoạn bứt phá trước kỳ thi. Tôi bắt đầu thử sức mỗi ngày viết hai bài yiti và hai bài agou, chỉ có khi nào không hoàn thành được các kế hoạch khác, tôi mới giảm xuống viết một bài yiti và một bài agou một ngày. Từ khi nâng cao cường độ ôn tập, tôi đạt được những tiến bộ lớn hơn, nhanh hơn. Để tăng độ khó cho bản thân, tôi ấn định thời gian làm bài luận là bốn mươi phút cho phần yiti và hai mươi lăm phút cho phần agou (mỗi phần giảm mười lăm phút so với thời gian quy định làm bài thi thật), và mỗi lần làm bài, tôi đều tạo tiếng ồn, gây nhiễu (ví dụ như mở phim, tọa đàm hoặc nhạc… trong máy tính) nhằm tôi luyện cho mình khả năng chống nhiễu khi viết luận. Chẳng mấy chốc, tôi đã tìm lại được cảm giác như hồi ôn tập phần viết trong kỳ thi TOEFL.

Lúc đó, tôi bố trí thi viết vào thứ Hai. Tôi sắp xếp lịch trình một tuần như sau: Thứ Tư, đọc lướt qua toàn bộ số đề cương theo thứ tự tần suất xuất hiện đề thi đó trong kho đề thi từ cao đến thấp; thứ Năm, quay lại các bài văn mẫu cũ nhất, nghiên cứu chúng một cách cẩn thận, kỹ càng; thứ Sáu, chỉnh lý một lượt cuối cùng những ngôn từ văn vẻ trong phần yiti và agou được tích lũy từ các bài văn mẫu; thứ Bảy, đọc lại một lượt ví dụ mà mình tự tổng kết về các vị danh nhân; Chủ nhật, xuất phát tới khu vực xung quanh địa điểm thi tìm chỗ ở. Nói ra, sự phấn đấu của tôi vào mấy ngày trước kỳ thi có vẻ hơi kịch. Trước đây, vì thi TOEFL, tôi quen một người bạn tốt tên là Bì Nặc Tào, qua sự giới thiệu của Nặc Tào tôi lại quen thêm mấy người bạn cũng thi chứng chỉ ngoại ngữ du học như mình như Đậu Đậu và Sảng Sảng, từ đó mọi người tạo thành “phân đội nhỏ nhảy qua Jituo” mang uy lực vô song (từ “Jituo” trong tiếng Trung có phát âm gần giống hai chữ cái đầu G, T của từ GRE, TOEFL trong tiếng Anh). Kể từ khi tôi bắt đầu chiến đấu điên cuồng với kỳ thi GRE, ngày nào tôi cùng các thành viên của phân đội nhỏ cũng cùng tự học, mặc dù mỗi người phấn đấu cho một kỳ thi khác nhau, nhưng đều có chung một ước mơ. Từ đó, tôi không còn cảm giác cô đơn nữa: Một người suy sụp, cả đội cùng truyền sức mạnh cho; một người tạo ra đột phá, cả đội cùng chúc mừng.

Vì có sự cổ vũ, khích lệ của các thành viên trong phân đội nhỏ, tôi không dám lười biếng, một tuần ôn tập sau cùng, tôi rất phiêu, hoàn thành vượt mức kế hoạch học tập. Cùng với đó, tôi cũng không quên bồi dưỡng nhân phẩm: Hễ nhìn thấy trong sân trường, trong canteen, hay trong phòng tự học, chỗ nào có rác thải cần lượm nhặt, giấy loại cần thu dọn, bát đĩa cần bưng bê, tôi đều nhanh chân chạy đến làm. Có ai đó đến hỏi tôi kinh nghiệm học tập, tôi đều cởi mở chia sẻ tất cả kinh nghiệm học tập của mình, từ những kiến thức mình tích lũy được cho đến những tài liệu học tập. Ngoài ra, hàng ngày tôi vẫn trò chuyện đều đặn với bức tượng của Chu thủ tướng, báo cáo sự tiến bộ của mình. Ngày nào tôi cũng nói với ông: “Xin ngài hãy phù hộ cho con phát huy được phong độ làm bài như thường ngày, vì thi cử đáng ghét như thế, con thực không muốn mình phải thi lại lần thứ ba đâu!”

[Tháng Ba năm 2008]

Đợi mãi cuối cùng cũng đến cuối tuần trước hôm diễn ra kỳ thi, vào ngày thứ Bảy, một mình tôi chuyển tới ở tại một cái khách sạn nhỏ gần địa điểm thi. Đêm đầu tiên chuyển đến đó, tôi hoàn toàn không có tâm trạng học, xem xong hai bộ phim, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đêm thứ hai, tôi gặp ác mộng, tôi mơ thấy lúc thi hầu như mình không bốc được một câu nào có sẵn trong kho đề thi, và thế là tôi chẳng biết làm bài như thế nào, về sau nghe ngóng, tôi mới vỡ lẽ, thì ra là ETS tráo kho đề thi! Tôi hoảng hốt, giật mình tỉnh giấc, may mà đó chỉ là mơ, cả người toát mồ hôi lạnh.

Vào hôm thi, tôi tới địa điểm thi từ sáng sớm. Nhưng vì trước lúc điền thông tin dự thi, tôi cứ cảm thấy bụng mình ấm a ấm ách, nên phải chạy ra chạy vào phòng vệ sinh. Trên đường đi tới phòng vệ sinh, đột nhiên tôi nhớ ra một hôm nào đó xem đề cương, không hiểu vì sao, tôi luôn có dự cảm rằng mình sẽ bốc phải đề yiti số 51. Vì thế, nhân lúc chưa vào phòng thi, tôi nhẩm tính trong đầu: “Nếu đúng như mình bốc trúng đề yiti số 51, thì mình sẽ viết thế nào…”

Vào thi, tôi bỏ qua mấy bước hướng dẫn đầu tiên trên màn hình máy tính, trực tiếp làm bài. Màn hình hiện ra đề thi yiti gồm hai câu chọn một, tôi nhìn chòng chọc vào đó, sững sờ! Chẳng những tôi từng viết hai bài luận đó trong quá trình luyện tập trước đây, mà trong đó còn có một đề yiti rơi trúng vào đề số 51! Gặp tình huống này, khỏi cần nói cũng biết lúc đó trong lòng tôi vui sướng cỡ nào! Tôi tủm tỉm cười lén hai phút. Vì đợt thi thử, tôi ấn định cho mình thời gian làm bài luận là bốn mươi phút, nên tôi dùng mười mấy phút dư ra suy nghĩ thật kỹ về việc lựa chọn đề thi nào để viết. Mặc dù, tôi từng làm cả hai đề thi này rồi, nhưng tôi vẫn cảm thấy đề yiti số 51 có gì đó dễ viết văn vẻ hơn, cho nên quyết định chọn nó. Sau khi phóng bút, viết một bài yiti lai láng dài hơn chín trăm từ, chuyển sang đề agou, tôi cũng bắt gặp đề thi từng xuất hiện nhiều lần trong kho đề thi. Vậy là, tôi mở cờ trong bụng, mười đầu ngón tay lướt nhanh như bay trên bàn phím, đầu không ngừng suy nghĩ: “Tất cả những gì mình bỏ ra đều không tốn công vô ích, tất cả những phẩm chất con người mình đều đáng giá, không đến nỗi vứt đi!”

Từ phòng thi đi ra, tôi cười nghiêng ngả. Trước khi thi, tôi từng tuyên bố với các thành viên trong phân đội nhỏ là nếu như tôi bốc được đề thi xuất hiện với tần suất cao trong kho đề thi, thì khi đi thi về, nhất định tôi sẽ viết một bài có tựa đề Tôi bốc trúng một đề thi xuất hiện với tần suất cao trong kho đề thitrên blog. Vừa khéo, tôi bốc được những hai đề thi như thế. Ngồi trên chuyến xe bus đi từ địa điểm thi về trường, tôi có cảm giác vững chãi và thoải mái giống như lần ngồi xe về trường sau khi thi xong TOEFL vào ba tháng trước đó, tôi khẽ tựa đầu vào cửa kính trên xe nghỉ ngơi. Tôi nhắm mắt, miên man suy nghĩ. Trong đầu dường như còn hồi tưởng lại dáng vẻ mấy ngày trước tôi điên cuồng luyện viết, vậy mà trong nháy mắt, tôi đã thi xong rồi, ngẫm ra những ngày phấn đấu trôi qua thật nhanh. Tuy lúc đó, tôi vẫn chưa biết điểm bài luận, nhưng vì tôi cảm thấy mình đã phát huy rất tốt phong độ làm bài hàng ngày, nên trong lòng rất mãn nguyện. Tôi bỗng nhận ra, trước khi làm một việc nào đó, tôi đều cảm thấy rất vất vả, rất khổ sở, dường như là việc đó quá khó, nhưng mỗi khi khắc phục được cảm giác đau khổ đó, và chính thức bắt tay làm việc, tôi lại cảm thấy, thật ra nhiều khi sự việc không khó như những gì mình nghĩ. Trong ba ngọn núi lớn là kỳ thi TOEFL, kỳ thi GRE trên máy, và kỳ thi GRE trên giấy trên con đường làm hồ sơ du học, hiện tại tôi đã chiếm lĩnh được hai ngọn núi rồi. Tôi nhất định phải nhân đà thắng lợi, tức tốc tấn công ngọn núi thứ ba!

Con đường tương lai còn có rất nhiều gian nan, trở ngại, tôi phải tiếp tục cố gắng! Xông lên! Xông lên! Và xông lên!

Mười ngày khiêu chiến với từ vựng GRE

Vấn đề quan trọng bậc nhất của kỳ thi GRE trên giấy là: Từ vựng GRE!

Lần này học lại từ vựng GRE cũng cách lần trước hai năm có lẻ. Tôi mang cuốn sách từ vựng bìa màu đỏ đang phủ đầy bụi bặm ra xem, giở qua giở lại vài trang, tôi nhận thấy mình chẳng biết một từ nào cả. Tôi thầm nghĩ: Từ vựng GRE quả là có đặc điểm riêng của nó, nếu bạn không thường xuyên sử dụng đến nó, thì sẽ nhanh chóng quên sạch. Ngày trước ôn thi GRE, tôi học phần từ vựng rất qua loa đại khái, chưa thể gọi là “thuộc”, vì lúc đó tôi chỉ dối mình đọc từ vựng dăm ba lượt cho xong chuyện mà thôi. Đến kỳ thi GRE lần này, tôi nhất định phải hạ quyết tâm lớn, đối đãi với nó một cách nghiêm chỉnh mới được.

Tôi lên mạng sưu tầm rất nhiều bài viết của “những người đi trước” liên quan đến vấn đề học từ vựng GRE. Đọc đi đọc lại, tôi nhận thấy nhân tố chủ yếu quyết định đến việc chiến thắng từ vựng GRE nằm ở tám chữ: Tập trung, ngắn hạn, hàng loạt, lặp lại. Vì kỳ thi GRE là “đỉnh núi Chomolungma” trong các kỳ thi tiếng Anh trên toàn thế giới, nó được rất nhiều người nói đùa là kỳ thi tiếng Anh “biến thái” nhất trong lịch sử, cho nên xét về mặt từ vựng, những phương pháp học từ vựng thông thường khó có thể hàng phục được nó. Tôi chợt nhớ, hồi đại học, cô giáo Trịnh từng nói với chúng tôi một câu như thế này: Học tiếng Anh phải bắt đầu từ từ vựng, nếu không biết từ vựng thì đọc không hiểu, nghe không hiểu, và cũng không thể diễn đạt trôi chảy ý mình muốn nói hay muốn viết. Xét về kỳ thi GRE này mà nói thì càng đúng như vậy, nếu không bỏ thì giờ tiêu diệt từ vựng trong một khoảng thời gian ngắn, chắc chắn sau này giải đề thi, tôi sẽ thường xuyên bị nó quấy nhiễu.

Đã vậy thì đau lâu chẳng bằng đau ngắn, tôi nhớ kỹ câu “châm ngôn tám chữ”, quyết định thử học từ vựng theo phương pháp của Dương Bằng trong cuốn 17 ngày giải quyết từ vựng GRE. Sau khi mua được cuốn sách đó, tôi đọc kỹ một lượt từ đầu đến cuối và nhận ra việc khiêu chiến với từ vựng của GRE cũng chẳng có gì là lớn lao. Ban đầu tôi cảm thấy rất sợ hãi, bụng bảo dạ, nếu như mình không kiên trì học theo phương pháp của anh ta, vừa làm rối “lòng quân”, vừa lãng phí thời gian, há chẳng phải là rất bất lợi? Nghĩ đi nghĩ lại, tôi đột nhiên nhớ ra một câu nói mình từng đăng trên blog: “Tôi chỉ mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong tương lai, và xác định cho mình kế hoạch chắc chắn nhất, chứ tuyệt đối không lãng phí thời gian lo lắng những chuyện đâu đâu, vì tôi biết rằng, chỉ cần tôi tự hứa với bản thân mình sẽ thay đổi thực tế, thì tương lai của tôi sẽ không chỉ là một giấc mơ.” Đúng vậy, nếu muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong tương lai thì không được suy tính thiệt hơn, có người đã từng học theo phương pháp này và đạt được thành công, vậy tại sao tôi lại không làm được? Huống hồ, không thử, thì làm sao biết được mình có làm được hay không? Bởi vậy nên, tôi quyết định không lãng phí thời gian suy nghĩ những chuyện đâu đâu nữa, mà chỉ để ý đến việc lập một kế hoạch chắc chắn cho tương lai và thực hiện nó nghiêm chỉnh!

Tôi giở lại cuốn từ vựng GRE bìa màu đỏ, nhìn vào từng từ ngữ cổ quái, hiếm gặp đó, tôi lại nhớ năm xưa lần đầu tiên mở cuốn sách này ra học từ vựng, tôi cứ ngỡ mình mua nhầm sách, giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Tôi quyết định vận dụng “đại pháp học từ vựng” mà tôi từng phát minh ra trong lúc học từ vựng tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, vẽ các ký hiệu như chấm tròn, ngôi sao,… vào trang đầu tiên của cuốn sách đỏ. Duy chỉ có một điểm khác biệt là trước đây tôi chia mỗi một trăm từ vựng trong cuốn sách từ vựng làm một nhóm, còn nay tôi phân chia cuốn sách đỏ này dựa vào số bài của nó. Tôi vạch cho mình một kế hoạch học từ vựng sơ lược trong vòng hai tuần. Và bắt đầu hành động điên cuồng!

[Ngày thứ nhất]

Tôi bắt đầu phấn đấu từ ngày 17 tháng Ba. Nhiệm vụ học từ vựng trong ngày đầu tiên cực kỳ đơn giản: Học từ vựng từ bài 1 đến bài 3. Tôi những tưởng mình có thể học hết số từ vựng đó trong vòng một, hai tiếng, nhưng lúc đang học, tôi chợt nhớ ra cách đây rất lâu rồi, tôi từng mua một đĩa CD giảng về từ vựng GRE của thầy Du Mẫn Hồng ở hiệu sách của Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Phương Đông Mới, bèn lấy ra nghe. Thầy Du giảng bài nào tôi học thuộc bài ấy. Những bài giảng giải phân tích từ vựng của thầy đã cứu vớt cuộc đời tôi, vì đây quả thật là một phương pháp học tập hiệu quả! Qua đó, tôi cũng nhận ra một sự thật đau lòng, dù trước đây tôi từng học thuộc từ vựng GRE, nhưng đến giờ học lại có rất nhiều từ tôi chẳng còn một chút ấn tượng nào. Tôi cẩn thận đánh dấu những từ mình không biết bằng những ký hiệu khác nhau với những màu sắc khác nhau. Mỗi lần đọc bài, tôi đều học những từ mình không biết trước tiên để nhớ kỹ hơn. Cứ như vậy, tôi học đi học lại từ vựng của ba bài đầu hơn năm lượt. Được cái nhiệm vụ của ngày đầu tiên vẫn còn ít, nên tôi không cảm thấy quá vất vả. Nhiệm vụ của mấy ngày sau sẽ ngày một nhiều lên, tôi nhất định phải kiên trì!

[Ngày thứ hai]

Nhiệm vụ của ngày thứ hai là học thuộc từ vựng từ bài 4 đến bài 6 và ôn tập ba bài trước. Phương pháp học giống như ngày đầu tiên: Vừa nghe đĩa CD giảng từ vựng, vừa học từ vựng theo tiến độ bài giảng. Tôi thực hiện kế hoạch ôn tập ngày thứ hai cũng rất thuận lợi, hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian đã định. Khi ôn lại ba bài từ vựng đầu tiên, cũng có một vài từ tôi không nhớ nổi, vì vậy tôi đánh dấu thêm chữ N vào trước những từ này.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ học từ vựng của ngày thứ hai, tôi chợt nhận ra kế hoạch học từ vựng GRE trong mười bảy ngày là quá chậm, mỗi ngày học ba bài thì chẳng biết học đến bao giờ mới xong. Vả lại, tôi cũng cần ôn tập mấy phần khác của đề thi, nếu dành toàn bộ thời gian mỗi ngày vào từ vựng, thì thời gian ôn tập các phần khác sẽ quá ít. Lúc này, tôi nghĩ tới hai từ “ngắn hạn” và “tập trung” trong câu “châm ngôn tám chữ”, vì vậy kiên quyết tăng khối lượng nhiệm vụ của mỗi ngày từ ba bài lên sáu bài, chuyển mục tiêu khiêu chiến với từ vựng GRE trong mười bảy ngày sang mục tiêu khiêu chiến với từ vựng GRE trong mười ngày! Nghe kế hoạch này có vẻ thật điên rồ, nhưng tôi quyết tâm thực hiện bằng được!

[Ngày thứ ba]

Tôi thực hiện thành công nhiệm vụ học từ vựng của ngày thứ ba, đọc tất cả từ vựng mười hai bài: bao gồm sáu bài mới và sáu bài cũ. Lúc ôn tập bài cũ, cảm giác suy sụp lại dâng lên trong lòng tôi, bởi vì có rất nhiều từ vựng rõ ràng là tôi vừa mới học hai ngày trước, thế mà đến ngày thứ ba tôi đã chẳng nhớ gì. Qua quá trình học từ vựng, tôi từ từ rút ra một loạt “đạo lý” để khích lệ bản thân mình: Lúc học từ vựng, đừng sợ không nhớ nổi từ vựng, vì ai cũng như ai cả thôi. Nếu lần đầu tiên học từ vựng, bạn có thể ghi nhớ toàn bộ số từ vựng đã học và mấy ngày sau vẫn không quên, vậy thì sẽ có hai khả năng xảy ra, hoặc là bạn không bình thường, hoặc bạn là thiên tài. Bởi vậy nên, nếu bạn không nhớ được những gì mình đã học, thì xin chúc mừng bạn, bạn rất bình thường. Bạn đừng sợ quên từ vựng, chỉ cần bạn chịu khó đọc đi đọc lại, nhớ đi nhớ lại là có thể học thuộc từ vựng. Dù đã học thuộc từ vựng, nhưng đến khi giở ra xem lại, bạn phát hiện ra mình đã quên mất một nửa số từ đã học, nhất thời bạn sẽ cảm thấy thất vọng tràn trề, nhưng tuyệt đối không được nản chí, mà cần phải tiếp tục học lại mấy lượt nữa mới được.

Học từ vựng vốn là một quá trình khô khan, để bản thân mình không cảm thấy nó khô khan, nhàm chán, tôi thường đặt ra nhiều tình huống đối thoại với cuốn từ vựng làm bản thân mình vui lên. Mỗi khi quên từ vựng, tôi sẽ giậm chân bình bịch, hất tóc, quát to từ vựng đó rằng: “Bạn không để cho tôi nhớ bạn hả? Bạn hãy xem tôi thu phục bạn như thế nào nhé!” Sau đó, tôi không nghĩ gì hết, tiếp tục học lại từ đó ba lần! Nhưng, một lúc sau quay lại, rất có thể tôi lại phát hiện ra mình lại quên nó rồi, lúc đó, tôi tiếp tục giậm chân vỗ ngực, nói với từ đó: “Sao lại là bạn thế? Lúc nào cũng cản đường tôi! Tôi không tin tôi không làm gì được bạn!” Sau đó, tôi kiên trì học lại từ đó năm lượt! Đồng thời ghi từ đó vào sổ tay, lúc ăn cơm, lúc nằm ngủ hay lúc đi đường, tôi đều mang ra xem. Theo tôi, nếu bạn không từ bỏ quyết tâm học từ vựng, thì chẳng có từ vựng nào có thể làm khó bạn. Cái chính là: Mấu chốt nằm ở lặp lại và bắt buộc phải lặp lại vô số lần không chán!

[Ngày thứ tư]

Ngày thứ tư, tôi hoàn thành nhiệm vụ học sáu bài từ vựng mới và ôn tập mười hai bài từng học trước đó, vị chi là mười tám bài tất cả. Sự biến thái của từ vựng GRE làm tôi không thể không thừa nhận: Trí nhớ của con người thật kỳ lạ, ba bài từ vựng đầu tiên là ba bài từ vựng tôi học sớm nhất, và vẫn luôn ôn lại suốt mấy ngày nay, nhưng đến ngày thứ tư xem lại, tôi nhận thấy có hai từ vựng mà mình không biết, hơn nữa là hoàn toàn không biết, cứ như chưa bao giờ nhìn thấy vậy. Nhìn trừng trừng hai từ đó, tôi bị kích động tới mức chỉ muốn lôi chúng ra từ trong trang sách, rồi nuốt chửng vào bụng cho xong.

Tuy cảm thấy phẫn nộ và bất lực, nhưng tôi không thể không sử dụng phương pháp vừa mới nói là gắng học lại nhiều lượt. Như chương trên tôi từng đề cập đến vấn đề có rất nhiều phương pháp học từ vựng khác nhau như: Phương pháp ghi nhớ theo sự liên tưởng, phương pháp ám tả… Phương pháp học từ vựng ban đầu của tôi chỉ là đọc lướt qua và đọc lại nhiều lượt. Tiếp đến là viết những từ mình không nhớ vào sổ tay hoặc cánh tay, bất cứ lúc nào cũng có thể xem lại. Về sau, có một vài từ vựng dù học thế nào cũng không nhớ nổi, tôi phải động não nghĩ ra một số “đường ngang ngõ tắt” để ghi nhớ từ vựng. Có một lần, tôi thực sự không nhớ được ý nghĩa của từ “harridan” là “bà già xấu xí”, vì thế tôi đổi tên QQ của mình thành Harridan. Mỗi lần mọi người gọi tôi là “Koala Xiaowu”, tôi đều nói với mọi người: “Xin lỗi, thời gian này mình lấy tên là Harridan, mong bạn hãy đổi cách xưng hô.” Từ đó về sau, tôi nhớ kỹ từ này. Lúc đó, tôi học từ vựng gần như điên, tục ngữ nói “Bất kể mèo đen hay mèo trắng, miễn sao bắt được chuột thì là mèo tốt”, nên tôi cũng không đi sâu nghiên cứu phương pháp học từ vựng làm gì. Chỉ cần có một phương pháp nào đó có thể giúp bạn ghi nhớ từ vựng, thì đó chính là phương pháp tốt.

[Ngày thứ năm]

Nhiệm vụ ngày thứ năm là học thuộc sáu bài mới và ôn tập bài cũ. Hàng ngày tôi học mải miết, điên cuồng, chẳng hay mình đã tiêu diệt hết một nửa cuốn sách đỏ trong vòng năm ngày. Nhưng, trong quá trình ôn tập, tôi kinh hoàng phát hiện ra, trong một nửa cuốn sách đó, số từ tôi không biết tăng lên đáng kể, sợ là nhiều bằng số từ vựng của hai bài, cộng thêm số từ vựng tôi chỉ nhớ mang máng, có lẽ tất cả số từ tôi chưa nắm vững rơi vào khoảng năm bài. Ngoài ra, sau năm ngày liên tục học từ vựng, bất luận là về tâm lý hay là về thể chất, tôi cũng đều cảm thấy mệt mỏi vô cùng, lúc này tôi thật sự lĩnh hội được chân lý của câu “học từ vựng GRE cũng cần có sức khỏe”. Bởi vậy, tôi nghĩ, trong tình huống này, nếu mình ngu muội học tiếp, thì cũng chẳng có hiệu quả cao. Cho nên, tôi quyết định sử dụng thời gian của ngày thứ sáu củng cố từ vựng của hai mươi bốn bài đã học, ôn đi ôn lại cho đến khi nắm vững toàn bộ số từ vựng đó mới thôi.

[Ngày thứ sáu]

Ngày thứ sáu tôi tiến hành ôn tập theo đúng kế hoạch đã đề ra trước đó. Tôi lật đi lật lại cuốn sách, học từ vựng không biết bao nhiêu lần. Và tôi lại phát hiện ra một sự thật: Có những từ vựng thuộc về tôi, tức là dù nó có khó đến đâu, dù nó có tồi cỡ nào, thì chỉ cần đọc lướt qua một lượt là tôi có thể ghi nhớ; bên cạnh đó, cũng có những từ vựng thật sự không thuộc về tôi, tôi không tài nào nhớ được chúng. Bất đắc dĩ, tôi mở một file word đặt tên là “Từ vựng Koala không biết” trước màn hình máy tính, liệt kê ra tất cả 250 từ vựng không biết, một con số đẹp biết bao! Tôi thật sự chẳng biết gì về 250 từ hay ho đó, cứ như là tôi chưa từng gặp chúng bao giờ vậy. Tôi đặt cho chúng cái tên “250 biến thái”. Cả buổi tối ngày thứ sáu tôi vận dụng các loại phương pháp học từ vựng vào học “250 biến thái”, tiêu diệt được hơn 230 từ. Sau cùng tôi cũng phải chịu thua dưới chân mười mấy từ còn lại, chúng thuộc loại vừa mới học một giây trước, một giây sau đã quên mất rồi.

Ngày thứ sáu chật vật đến nỗi tôi buồn nôn. Gần một tuần nay, ngày nào tôi cũng không làm việc gì khác, chỉ chăm chăm học từ vựng, thật sự là tôi học từ vựng đến sắp phát điên lên rồi. Nhất là lúc phát hiện ra một vài từ vựng chết tiệt nào đó mà tôi không làm sao nhớ nổi, tôi bị kích động đến mức chỉ muốn xé tan cuốn sách ra. Buổi tối ngày thứ sáu, tôi suy sụp tinh thần, chạy xuống sân quần vợt dưới tòa nhà tự học, đá loạn xạ vào cây mây già khẳng khiu, rồi hai hàng nước mắt đua nhau chảy xuống. Những khi tâm trạng không tốt, tôi thường suy nghĩ lung tung, tôi bực bản thân mình tại sao phải tự làm khổ mình đến thế, tại sao phải đi du học, tại sao phải mua dây buộc mình, tôi không ngừng đưa ra một đống câu hỏi tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia để chất vấn bản thân. Sau nửa giờ xả stress, tôi lại lau khô nước mắt, lên tầng tiếp tục học từ vựng. Tôi còn nhớ lúc đó mình có nói một câu nói thế này: Dẫu đi bằng đầu gối cũng phải lết hết con đường mình đã chọn. Không kiên trì đến cùng, thì làm sao biết được rốt cục có ngày nhìn thấy hy vọng hay không? Không kiên trì đến cùng, thì làm sao có thể tìm ra đáp án cho những câu hỏi “tại sao” đó?

Sau trận xả stress của tôi, các thành viên trong phân đội nhỏ quyết định tập hợp ý kiến của mọi người, cùng phát minh ra những phương pháp hay để cổ vũ nhau học từ vựng. Tôi nhớ nhất trò chơi cướp đáp án. Vào giờ ăn hàng ngày, mỗi người chúng tôi sẽ cầm một cuốn sách bìa màu đỏ của mình đố nhau từ vựng. Tôi tỏ ra “nham hiểm”, mỗi lần đến lượt tôi ra câu đố, tôi thường tìm những từ vựng biến thái như “đường biên bên rìa đường” hay “cột trụ ở bên cạnh cửa sổ”. Mọi người sôi nổi, tranh nhau trả lời, rất là vui. Về sau sự thật chứng minh, phương pháp học tập thú vị đó giúp chúng tôi nhớ được không ít từ vựng biến thái. Kết thúc một ngày tự học, mấy người chúng tôi đều hô to khẩu hiệu “Không từ bỏ, không từ bỏ” ở giữa sân trường trong màn đêm tĩnh mịch, làm bừng lên cảm xúc mãnh liệt. Giờ nghĩ lại mới thấy, việc học từ vựng khô khan, tẻ nhạt như vậy mà chúng tôi đã biến nó thành thật vui vẻ, ý nghĩa.

[Ngày thứ bảy]

Vì ngày thứ sáu chưa học từ mới, cho nên tôi quyết định ngày thứ bảy học tám bài mới và ôn tập “250 biến thái” cùng với chín bài từ vựng mới học gần đây nhất. Tôi không gặp khó khăn gì trong quá trình học bài mới, ôn bài cũ, nhưng lại mắc nạn ở “250 biến thái” n lần. Lần cuối cùng đọc chúng vào một ngày trước, chỉ còn lại vài từ là tôi không biết, chả hiểu thế nào đến ngày thứ bảy đọc lại, số từ tôi không biết lại tăng lên đến mấy chục từ. Lúc đó, tôi chỉ có một cảm giác thất-vọng-tràn-trề! Chỉ sau một giấc ngủ thôi mà lại không nhớ nổi! Như tôi đã nói thì những từ này thật sự không thuộc về tôi, học thế nào cũng không thuộc được. Tôi gầm lên giận dữ, cực kỳ phẫn nộ! Bất lực! Uất ức! Nhìn trời trời không xanh, nhìn đất đất không tròn!

Tôi ôm cuốn sách từ vựng bìa màu đỏ đã lỏng gáy từ lâu, hỏi hàng vạn lần: “Tại sao không thuộc? Tại sao không thuộc? Tại sao không thuộc?” Sau cơn suy sụp tinh thần, tôi chỉ có thể lặng thinh nói với chính mình: Dù sao cũng cấm có được điên, phải kiên trì. Mình phải làm thế nào với những từ không học thuộc được đây? Tiếp tục học đi! Dương Bằng nói, trong nhiệm vụ của mỗi ngày, dù bạn không thuộc hết từ mới, thì cũng phải ôn lại từ cũ, vì củng cố từ vựng mới là quan trọng nhất. Bởi vậy, tôi chép lại “250 biến thái” ra một tờ giấy, tiếp tục phát “lệnh truy nã nghiêm trọng”. Buổi tối hôm đó, tôi ngủ không ngon giấc, trong đầu cứ lởn vởn xuất hiện “bộ dạng xấu xa” của “250 biến thái”.

[Ngày thứ tám]

Có lẽ là vì tối hôm trước bị kích thích, hoặc là vì đại não của tôi đã quen với việc học tập ở cường độ cao như thế này rồi, nên sang ngày thứ tám, đầu tôi căng lên. Buổi sáng, tôi ôn tập hai mươi bài cũ, buổi chiều ôn tập mười hai bài cũ, buổi tối học sáu bài mới, vị chi cả ngày hôm đó, tôi học tất cả là ba mươi tám bài. Tuy tôi không cảm thấy quá mệt – vì tôi đã bị tê dại rồi – nhưng tôi lại cảm thấy cực kỳ nhàm chán. Tôi nói “cực kỳ nhàm chán” ở đây thực sự là “cực kỳ” nhàm chán, vì tôi học đi học lại từ vựng quá nhiều lần làm bản thân cảm thấy nhàm chán đến mức buồn nôn. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, tôi vẫn phải tiếp tục kiên trì thôi. Cũng may, cuốn sách bìa màu đỏ tôi mua còn có tính người, sau mỗi bài từ vựng đều in một câu khích lệ ý chí người học, thành thử lúc nào tôi cũng được cổ vũ. Tôi cũng viết ra tâm trạng của mình trong lúc học từ vựng vào mặt sau của mỗi bài để tiện động viên chính mình.

Càng học nhiều từ, tôi càng nhận ra: Không học thuộc từ vựng cũng chẳng sao, vì đây là một quá trình lâu dài, cần phải tích lũy hàng ngày, không thể học thuộc trong một chốc một lát, nên nhất định phải lặp lại nhiều lần. Kết thúc ngày thứ tám nhàm chán đến sắp mức sụp đổ tới nơi rồi, cả người đều cảm thấy buồn bực khó chịu, nhưng nhìn cuốn sách bìa màu đỏ sắp bị mình tiêu diệt xong, trong lòng vẫn rất có cảm giác thành tựu. Quả thật đúng như những gì Cá Béo Ướp Muối nói, trước khi làm việc không được suy nghĩ nhiều. Nếu trước khi học từ vựng, tôi cứ suy nghĩ lẩn thẩn “Trời ơi, hôm nay mình phải đọc những ba mươi tám bài, quá khó, quá nhiều, chắc chắn là mình không thể đọc hết rồi”, thì thể nào tôi cũng không học hết, bởi ngay từ khi bắt đầu tôi đã chưa có đủ niềm tin vào chính mình. Ngược lại, trước khi học từ vựng, tôi không suy nghĩ gì nhiều, chỉ cắm cúi học hết từ này đến từ khác, dở hết trang này đến trang khác, thì từ vựng sẽ được tiêu diệt từng từ một. Cho nên, cần phải kiêng kỵ suy nghĩ lung tung trong lúc làm việc, có một câu khẩu quyết thế này: Phải làm cái gì thì làm cái đó, đừng nghĩ đâu đâu.

[Ngày thứ chín]

Bước sang ngày thứ chín, nhìn vào kế hoạch điên rồ hoàn thành nhiệm vụ khiêu chiến với từ vựng GRE trong vòng mười ngày, tôi không ngăn được sự kích động và hưng phấn trong lòng. Buổi sáng ngày thứ chín, tôi vẫn ôn lại hai mươi bài đã học trước đó, đến buổi chiều ôn lại mười bài kế tiếp và buổi tối tôi học bảy bài mới để hoàn thành kế hoạch mười ngày theo thời gian đã định. Lúc học mỗi một bài từ vựng, tôi cũng không suy nghĩ nhiều, chỉ chú tâm học từng chút từng chút, rồi chẳng biết mình học xong lúc nào. Ngày thứ chín, tôi vẫn cảm thấy rất mệt, nhưng tôi nhận ra càng lúc tôi càng ăn nhiều hơn, tôi ăn nhiều tới mức có thể gọi là ăn cả “thùng cơm”, có lẽ là vì trí óc cần nhiều năng lượng hơn nên lượng thức ăn đưa vào cơ thể cũng tăng lên.

Kế hoạch của ngày thứ mười là học sáu bài mới – từ bài 46 đến bài 51, và tổng kết toàn bộ số từ vựng chưa nhớ kỹ của nửa sau cuốn sách bìa màu đỏ, học lại cho thuộc lòng. Buổi tối ngày thứ chín nằm trong ký túc xá, tôi trằn trọc trở mình, khó đi vào giấc ngủ, nghĩ ngày mai là ngày cuối cùng thực hiện kế hoạch học từ vựng điên rồ này mà mình cũng sắp hoàn thành rồi, tôi lại kích động không thôi!

[Ngày thứ mười]

Ngày 26 tháng Ba là ngày kết thúc kế hoạch “Mười ngày khiêu chiến với từ vựng GRE”. Có lẽ vì đây là ngày cuối cùng của kế hoạch, nên tâm trạng của tôi vui vẻ lạ thường, khả năng thực hiện nhiệm vụ rất cao, mỗi bộ phận bên trong cơ thể đều căng lên, hoàn thành tất cả nhiệm vụ với hiệu suất cao và đúng thời hạn. Lúc nhìn vào trang từ vựng cuối cùng, tay tôi run run, mắt nhìn chòng chọc cây bút dạ quang màu xanh được dùng ít một cho đến hết. Vừa khéo, cây bút hết mực đúng lúc tôi học xong từ vựng cuối cùng.

Vậy là, tôi thật sự học xong từ vựng GRE của cuốn sách dày cộp trong vòng mười ngày, thật sự làm được tám chữ “tập trung, ngắn hạn, hàng loạt, lặp lại”. Mặc dù tôi chỉ sử dụng hết mười ngày, nhưng phải thừa nhận rằng cách ghi nhớ từ vựng theo đường cong ghi nhớ Hermann Ebbinghaus được đưa ra trong cuốn sách của Dương Bằng rất có hiệu quả. Cũng từ đây, tôi nhận ra rằng trí nhớ và tiềm năng của con người thật đáng kinh ngạc, lần cuối cùng xem lại cuốn từ vựng, tôi nhớ xấp xỉ 95% từ vựng. Bất luận các thành viên trong phân đội nhỏ thử tài tôi bằng những từ hóc búa thế nào, tôi cũng đều trả lời được. Trước sau tôi dùng phương thức đọc lướt qua toàn bộ cuốn sách để học thuộc từ vựng mấy lượt: Đại để học mười lăm lượt 24 bài đầu tiên, nhớ kỹ nhất; từ bài 25 đến bài 41 học chín lượt, không nhớ kỹ bằng phần trước; mười bài cuối cùng là từ mới, chỉ học bốn lượt, nhớ lơ mơ nhất. Tôi chép tất cả những từ chưa học thuộc trong cuốn sách vào một tờ giấy mới, mặt trước ghi từ tiếng Anh, mặt sau ghi ý nghĩa Trung văn tương ứng, quyết định một tuần sau bắt đầu đánh tan bọn chúng.

Sau khi thực hiện xong kế hoạch điên rồ khiêu chiến với từ vựng GRE trong vòng mười ngày, tôi càng tin vào đạo lý mọi sự thành hay bại đều do con người quyết định. Tôi nhận ra, trước khi làm một việc, có lẽ nhiều người luôn cảm thấy đó là một việc khó hoặc nghe người khác nói đó là một việc vô cùng khó, nên sợ hãi rồi từ bỏ, chẳng dám làm thử. Có một câu nói rất hay như thế này: Bạn thử thì có khả năng giành phần thắng; còn nếu bạn không thử thì chắc chắn sẽ thua. Riêng việc bạn từ bỏ thử sức đã cho thấy thế nào bạn cũng thất bại. Thật ra, đôi khi không phải là bản thân công việc siết cổ bạn, mà là bản thân bạn tự siết cổ mình. Quả thật, để có được thành công, bạn phải trả giá bằng vất vả, cực nhọc nhưng nhiều khi điều đó không khó như những gì chúng ta nghĩ. Thành công cũng như học từ vựng, học tiếng Anh, đều chẳng có bất kỳ đường tắt nào, nó chỉ đòi hỏi bạn làm hàng ngày, và kiên trì qua năm này tháng nọ.

Mười ngày thoát ly hoàn toàn, chỉ để chuyên tâm vào học từ vựng, cuộc sống của tôi rất đơn giản và nhàm chán: Bảy giờ sáng thức dậy, tới trường học từ vựng; mười một giờ trưa ăn cơm, nghỉ ngơi nửa tiếng, đến mười hai giờ lại học từ vựng; năm giờ chiều ăn tối, nghỉ ngơi ba mươi phút, sáu giờ tối tiếp tục học từ vựng; mười một giờ đêm trở về ký túc xá, lên mạng, mười hai giờ thì đi ngủ. Và ngày hôm sau lại tiếp tục guồng quay như vậy. Tuy cuộc sống đơn giản như vậy, nhưng vì ngày nào cũng ở bên bờ sụp đổ, học từ vựng đến phát chán, nhất là từ ngày thứ năm đến ngày thứ tám, mỗi ngày học hai mươi, ba mươi bài, giở đi giở lại vẫn còn cả một tập dày, lại thêm một số từ vựng học đi học lại học tái học hồi vẫn không nhớ, nên cũng có lúc, tôi thật sự muốn quẳng cuốn sách đi, vĩnh viễn không muốn nhìn thấy nó nữa. Mỗi lần muốn quẳng sách đi, tôi lại ép bản thân mình hoặc là xuống tầng chạy một vòng, hoặc là ra ngoài đi dạo một lúc, thay đổi không khí, đến khi bình tĩnh trở lại, tôi lại quay lên tiếp tục học từ vựng. Trước đây, tôi từng đọc được một bài viết trên diễn đàn, nói thi GRE giống như dùi mài kinh sử ở dưới địa ngục, mọi người thường giải đề thi đến sắp phát khóc, rồi chạy ra sân thể dục đập đầu vào thân cây, hét thật to mấy tiếng, trút hết tâm sự, sau đó lặng lẽ trở về phòng học, tiếp tục làm đề thi. Lần đầu tiên thi GRE, tôi không để tâm ôn tập nên khi đọc được bài viết này, tôi cười ha hả, không hiểu tại sao mọi người lại cảm thấy khổ sở như thế. Nhưng đến lần thi thứ hai, tôi thật sự khổ tâm, và thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ bị mang xuống địa ngục ấy.

Thật ra, tôi cho rằng, chẳng có bất kỳ con đường thành công nào mãi mãi trải đầy niềm vui. Muốn có được thứ nào đó, bạn buộc phải bỏ sức ra, đó là lẽ đương nhiên. Chỉ khi trải qua gian khó và vẫn tiếp tục kiên trì, con người mới có thể đến được bến bờ thành công. Tôi xin dẫn ra một ví dụ mà ai cũng biết: Khi Thomas Edison đang cố phát minh ra bóng đèn điện, ông đã phải trải qua n thí nghiệm thất bại, cho đến thí nghiệm thứ n+1, ông mới thành công. Nếu để cho bạn làm một việc tương tự như vậy, thử hỏi bạn có thể kiên trì đến lần thứ n+1 không? E là hầu hết mọi người đều không thể kiên trì đến vậy. Thomas Edison có bí quyết thành công chăng? Thưa không. Vậy ông ấy dựa vào đâu mà thành công? Đó là vì ông ấy kiên trì lâu hơn bạn một ngày, chỉ một ngày mà thôi. Có người luôn viện cớ rằng: “Không phải vậy, ông ấy là Thomas Edison cơ mà, ông ấy thành công bởi vì ông ấy có thiên bẩm thông minh, bởi vì ông ấy là thiên tài.” Không sai, thiên bẩm cố nhiên là một yếu tố quan trọng, song nếu chỉ dựa vào thiên bẩm mà không nỗ lực kiên trì, liệu Thomas Edison có thể thành công không? Không thể. Năm nọ, trước khi Bill Gates thành lập công ty, ngày nào ông cũng cắm chốt trong phòng của mình, tiêu tốn hơn một vạn giờ đồng hồ nghiên cứu chuyên sâu về lập trình, nếu ông nghĩ mình là Bill Gates mà không chịu bỏ ra một tí ti vất vả, thì liệu rằng ông còn có thành công như ngày hôm nay không? E là không thể. Quả thật không thể phủ nhận Thomas Edison là một thiên tài, nhưng ngay cả bản thân thiên tài cũng nói: Thiên tài được tạo nên từ 1% cảm hứng và 99% mồ hôi nước mắt, chứ không phải “thiên tài được tạo nên từ 1% mồ hôi nước mắt và 99% cảm hứng”. Vì vậy, mồ hôi nước mắt quan trọng hơn, những gì bỏ ra thật sự quan trọng hơn. Chúng ta đã thuộc làu làu câu chuyện của những vị danh nhân ấy, nhưng ai thực sự tin điều đó, thực sự vận dụng điều đó?

Thường có không ít người hỏi tôi, rốt cuộc phải học tiếng Anh như thế nào? Chị có bí quyết gì không? Có mẹo gì học thuộc từ vựng không? Có đường tắt giúp nâng cao kỹ năng nghe không? Em bỏ bẵng tiếng Anh nhiều năm rồi, giờ chị có phương pháp học tập tăng tốc nào giúp em nâng cao kỹ năng tiếng Anh không? Mỗi lần nhận được những câu hỏi như vậy, tôi đều rất chân thành chia sẻ với họ kinh nghiệm học tiếng Anh của chính mình: “Tôi không có bí quyết hay đường tắt nào cả, bạn chỉ cần tìm ra một phương pháp học tập phù hợp với bản thân mình và luôn kiên trì đi theo nó, thì nhất định sẽ nâng cao được năng lực tiếng Anh.” Hầu hết những người nghe được câu trả lời này đều ra về với bộ mặt thất vọng. Nhưng trên thực tế, đó thật sự là cảm nhận và cũng là kinh nghiệm của bản thân tôi. Tôi không phải là nhân tài, về phương diện ngôn ngữ, tôi cũng không có tư chất thiên bẩm gì hơn người, vốn tiếng Anh của tôi là do tôi tích lũy từng chút, từng chút một mà nên. Làm thế nào để nâng cao kỹ năng nghe ư? Bạn hãy nghe nhiều! Làm thế nào để nâng cao kỹ năng nói ư? Bạn hãy nói nhiều! Làm thế nào để nâng cao kỹ năng đọc ư? Bạn hãy đọc nhiều! Làm thế nào để học thuộc từ vựng ư? Bạn hãy học lại nhiều lần!

Trong mười ngày học tập điên cuồng, tôi không những thuộc rất nhiều từ mới và từ “biến thái”, mà quan trọng hơn là tôi hiểu chính mình. Sự thắng lợi của kế hoạch “Mười ngày khiêu chiến với từ vựng GRE”, đặt nền tảng vững chắc cho việc ôn thi GRE trên giấy sau này, đồng thời cổ vũ tinh thần của tôi. Tuy nhiên, nhớ kỹ từ vựng không có nghĩa là tôi có thể kê cao gối, vô lo vô nghĩ. Chỉ học thuộc từ vựng thôi là chưa đủ, quan trọng nhất là cần phải biết vận dụng từ vựng. Đối diện với các bài thi đọc hiểu, tìm từ đối nghĩa, điền từ/cụm từ vào chỗ trống trong kỳ thi GRE, tôi còn phải đi cả một quãng đường rất dài trong hai tháng tới.

Quay lại niết bàn sau khi thi GRE trên giấy

René Descartes nói: “Quả thật có quá nhiều thứ trên đời này cần phải học, nhưng đợi đến lúc gần như học xong, ta cũng sắp chết rồi.”Tôi nghĩ, con đường du học luôn có thử thách nọ nối tiếp thử thách kia, và vẫn còn đó rất nhiều việc cần học, rất nhiều việc cần làm. Mặc dù đôi khi tôi cảm thấy rất không vui, áp lực lớn, nhưng thành quả của việc học luôn đem lại cho tôi một vài thứ như cảm giác thành tựu, cảm giác hưng phấn và sự tiến bộ thật sự. Tôi nghĩ, mình gom vất vả đổi lấy niềm vui, cho nên tôi nhất định phải đón nhận những khó khăn, vất vả đến với mình bằng tâm thế bình tĩnh. Làm vậy thì một khi xuất hiện niềm vui nho nhỏ, tôi cũng cảm thấy cực kỳ vui sướng.Sau khi học xong từ vựng GRE, tôi cho phép mình nghỉ nguyên một ngày. Ngày hôm đó cũng là một niềm vui nhỏ của tôi. Thật ra, nói là nghỉ, nhưng tôi cũng không làm việc gì xa xỉ, chỉ nằm trong ký túc xá ngủ nướng và xem phim mà thôi. Dù là như vậy, tôi cũng cảm thấy rất vui. Mỗi khi tôi không chịu làm gì mà bỏ đi nghỉ, trong lòng tôi luôn cảm thấy bứt rứt không yên, thậm chí áy náy vô cùng; nhưng khi tôi nghỉ ngơi sau một hành trình phấn đấu điên cuồng, tôi lại cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Và sau những giây phút ấy, tôi lại tiếp tục xách ba lô lên đường, đối mặt với những sóng gió dữ dội hơn.

[Tháng Tư năm 2008]

Khi tôi khôi phục lại trạng thái học tập một lần nữa thì cũng là lúc chỉ còn cách kỳ thi vừa vặn hai tháng, tôi nhanh chóng đặt ra cho mình một kế hoạch học tập mới. Kế hoạch mới được tính theo đơn vị tuần, trước hết tôi lập một kế hoạch sơ lược cho bốn tuần, mỗi cuối tuần, tôi sẽ có sự điều chỉnh nhỏ cho kế hoạch tuần tiếp theo dựa vào tình hình kế hoạch của tuần đó. Kế hoạch mỗi tuần đều chính xác đến hàng giờ đồng hồ và có mục tiêu mang tính giai đoạn. Lúc đó, kế hoạch ôn tập chung của tôi là: Ôn lại một lượt vở ghi luyện thi GRE trước đây, sau đó bắt đầu làm đề thi, cuối cùng tiến hành thi thử. Cùng với đó, tôi cũng tiếp tục học lại cuốn sách từ vựng bìa màu đỏ vô số lần để nắm chắc hơn từng từ vựng. Các bậc tiền bối nói, trong kỳ thi GRE, con đường học từ vựng không có điểm kết thúc, ngày nào chưa bước vào phòng thi, thì ngày đó không được buông bỏ sách từ vựng. Đó là chân lý.

Lập xong bản kế hoạch của tuần đầu tiên, tôi thúc giục bản thân chạy ngay đến phòng tự học, bắt đầu học. Sau khi có áp lực đến từ việc thay đổi kế hoạch học tập, tôi có thể cảm nhận rõ cảm giác ôn tập gấp gáp, không được chậm trễ, dù chỉ một ngày. Trong kế hoạch của tuần đầu tiên, nhiệm vụ thứ nhất là củng cố từ vựng. Tôi từng hoài nghi, phải chăng mình bỏ quá nhiều thời gian vào việc học từ vựng, nhưng về sau tôi nhận ra, học thuộc từ vựng có thể nâng cao hiệu suất rất lớn lúc làm bài tìm từ đối nghĩa, điền từ/cụm từ vào chỗ trống. Lúc củng cố từ vựng, tôi đọc kỹ từng từ, và chép những từ có ý nghĩa hiếm gặp và những từ mình không thể nói ra ý nghĩa chính xác của nó trong vòng năm giây thành một bảng. Kể từ đó, bảng từ vựng luôn là người bầu bạn cùng tôi, lúc đi, lúc ngồi, đều không phút nào rời, phát huy mạnh mẽ tác dụng học đi học lại nhiều lần. Nhiệm vụ thứ hai của tuần đầu tiên là ôn tập nghiêm túc tất cả vở ghi luyện thi GRE.

Sau một khoảng thời gian sốt sắng chờ đợi, sang tuần thứ hai tôi cũng nhận được toàn bộ số sách bài tập trước đó đã đặt mua trên Taobao. Tôi phân bổ số lượng bài tập của mỗi cuốn vào thời gian còn lại trong ngày, kế hoạch của tôi là buổi sáng hàng ngày làm sáu bài tìm từ đồng nghĩa, bốn bài tìm từ trái nghĩa; buổi trưa học từ vựng; buổi chiều làm chín bài điền từ/cụm từ vào chỗ trống; buổi tối luyện phần đọc. Lúc đó, tôi giải đề thi rất nhanh, chủ yếu muốn bỏ phần lớn thời gian vào phân tích đề thi.

Bứt phá lớn nhất của tôi trong tuần thứ hai là ở phần đọc. Bởi vì trước đó, tôi sợ phần đọc, có tư tưởng chống đối nó, cho nên tôi dần dần gạt nó ra khỏi thời gian biểu, bỏ bê nó lâu lắm rồi. Đến tuần thứ hai ôn tập, tôi ý thức sâu sắc được rằng mình không có đủ thời gian ôn tập, vì vậy tôi nhắm mắt đưa chân, quyết định ôn luyện phần đọc. Sau khi khắc phục được những trở ngại về mặt tâm lý, chính thức bắt đầu luyện tập, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, phần nghe không khó như lúc đầu tôi tưởng tượng. Nhờ dốc lòng ôn tập phần đọc dựa theo cuốn 39+6 ngày tổng tấn công phần đọc trong kỳ thi GRE, tôi hiểu ra bất cứ thứ gì, dù có khó khăn đến mấy cũng vẫn có con đường bứt phá, cái chính là làm sao tìm ra con đường bứt phá ấy qua quá trình luyện tập. Giữ niềm tin kiên định này, tôi không còn sợ hãi nữa.

Thật ra, đạo lý ở đây là: Bạn học không thuộc thì học lại nhiều lần, đọc không hiểu thì đọc lại nhiều lần, nghe không hiểu thì nghe lại nhiều lần. Đừng có lúc nào cũng nghĩ rằng: “Hả, luyện nghe? Tôi phải bổ sung vốn từ đã, bằng không tôi sẽ chẳng hiểu gì cả.” Vì, thứ nhất, đây là lý do tại sao trước đây tôi nhiều lần nhắc đi nhắc lại là cần phải giải quyết vấn đề từ vựng đầu tiên; thứ hai, luyện nghe là luyện nghe, hãy bắt đầu nghe ngay từ bây giờ đi. Tôi còn nhớ trước đây tôi từng đọc được một bài viết trên diễn đàn Taisha, tác giả bài viết có nói về vấn đề này như sau: Tập đi xe đạp, thì không cần phải biết chạy bộ, luyện cơ bắp, đi thăng bằng trước, bạn hãy trực tiếp ngồi lên xe! Tác giả còn dẫn ra một câu chuyện thú vị, trong một công ty nước ngoài có một nhân viên nữ thành đạt, một hôm công ty tiến hành cải cách nhằm nâng cao năng suất lao động, yêu cầu toàn bộ nhân viên phải sử dụng một loạt phím tắt trên máy tính, không được phép sử dụng chuột nữa. Nếu là người khác, chắc hẳn họ sẽ bắt đầu chấp hành chính sách mới bằng việc học thuộc phím tắt trước đã. Nhưng, nữ nhân viên thành đạt kia lại liều lĩnh và can đảm thực hiện ngay chính sách mới, cô trực tiếp ném con chuột đi! Tuy câu chuyện nói quá sự thật, nhưng nội dung chủ yếu mà tác giả muốn truyền đạt là: Muốn làm nên một việc, thì hãy chạy thẳng tới mục tiêu, chặt đứt đường lui, đập nồi dìm thuyền, chứ đừng rẽ trái quẹo phải. Tất nhiên đi đường vòng một cách lý trí thì cũng có thể chấp nhận được, có điều bạn không được để cho sự vòng vèo đó trở thành cái cớ cho việc bạn không muốn làm việc hoặc sợ làm việc.

Kết thúc tuần thứ ba và tuần thứ tư ôn tập, tôi đã giải và phân tích xong một lượt bài tập trong hai cuốn tìm từ đối nghĩa và điền từ/cụm từ vào chỗ trống. Sau đó, tôi giải lại bài tập với tốc độ cực nhanh, kế hoạch của tôi là phải xem lại mỗi cuốn sách ít nhất tám lần trước khi bước vào kỳ thi. Cũng trong tuần thứ tư, tôi bắt đầu ôn tập toán học, vì trước đây tôi học toán dốt đặc, nên mặc dù trên diễn đàn Jituo luôn có người nói rằng, độ khó của phần toán học trong kỳ thi GRE chỉ tương đương độ khó của môn toán cấp II, cấp III trong nước mà thôi, nhưng tôi vẫn không dám coi thường nó. Tôi đọc nghiêm túc cuốn sách toán học của tác giả Trần Hướng Đông, ghi chép rất nhiều và học thuộc từng công thức. Tuy tôi chưa đạt được những tiến bộ rõ ràng, nhưng ít ra tôi cũng đã bước một bước nhỏ trên phương diện toán học, vì vậy trong lòng tôi không còn cảm thấy hoang mang, lo sợ nữa.

[Tháng Năm năm 2008]

Khi chỉ còn cách kỳ thi bốn tuần, tôi bắt đầu thi thử. Cầm mấy cuốn tuyển tập đề thi GRE của các năm, tôi quyết định thi thử từ đề thi tháng Mười năm 1990, mỗi buổi sáng làm một đề, vị chi đến đề thi tháng Tư năm 1999 là tôi thi thử hai mươi sáu lần. Lúc đó, các thành viên trong phân đội nhỏ chúng tôi cùng nhau thi thử, đúng tám giờ sáng hàng ngày, mấy người bọn tôi đứng chầu trực sẵn ở cửa phòng tự học đợi người ta mở cửa. Một khi cánh cửa mở ra, chúng tôi sẽ lập tức xông thẳng vào phòng, chiếm cứ vị trí có lợi nhất, chuẩn bị phấn đấu cho cả một ngày dài. Phương pháp thi thử của chúng tôi lúc bấy giờ là: Đúng tám giờ ba mươi phút sáng “bắt đầu làm bài thi”, hoàn toàn không có nghỉ giải lao giữa giờ, toàn bộ quy trình đều diễn ra giống y như khuôn mẫu của kỳ thi chính thức, ngay đến phiếu điền đáp án cũng được tô vẽ cẩn thận. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải chuẩn bị rất nhiều bút chì 2B, đặt ở bên cạnh, phòng khi cần dùng đến. Sau khi thi xong, mọi người chấm điểm lẫn nhau, cùng phân tích đáp án đúng, và cùng nghiên cứu đáp án sai.

Mới đầu thực hiện thi thử, tâm trạng của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ điểm số của bài thi thử: Điểm cao thì tôi cảm thấy thế giới này thật tươi đẹp; còn điểm thấp thì tôi lại cảm thấy dường như mọi nỗ lực của mình đều trở thành công cốc. Về sau, tôi dần nhận ra, điểm số của bài thi thử không phải là điều quan trọng nhất, vì dẫu bài thi đó tôi có đạt điểm cao hơn nữa hay thấp hơn nữa, thì đó cũng chỉ là thi thử, chứ không phải là thi thật. Điều quan trọng nhất là những gì tôi thu hoạch được từ quá trình huấn luyện thi thử với cường độ cao, ví dụ như hình thành cái nhìn toàn diện về thi cử, phải phân bổ thời gian làm bài như thế nào, phải nắm chắc nhịp độ làm bài ra sao, từ từ bồi dưỡng cảm giác bằng cách liên tục làm bài thi với cường độ cao.

Cùng với việc thi thử, hàng ngày tôi vẫn điên cuồng học từ vựng, luyện phần đọc, học toán và làm bài tìm từ đối nghĩa. Lúc đó, tôi đã xem cuốn sách tìm từ đối nghĩa tới tám lượt, duy trì xác suất giải đúng bài tập là 100% hoặc chỉ sai một câu. Nghiên cứu đi nghiên cứu lại cuốn sách, tôi phát hiện ra, điểm mấu chốt nhất của bài tìm từ đối nghĩa là phải hiểu mối quan hệ giữa hai từ, làm rõ chúng có liên hệ với nhau như thế nào, đó là nguyên do tại sao bạn phải nắm vững ý nghĩa chính xác của từng từ vựng, bằng không rất dễ bị mê muội, chọn sai đáp án. Bên cạnh đó, tôi cũng xem sách điền từ/cụm từ vào chỗ trống được sáu lượt, nên đã hình thành cảm giác đối với bài điền từ/cụm từ vào chỗ trống qua quá trình ôn tập, liên tục giải bài tập với số lượng lớn, tôi ngẫm ra, đúng thật mấu chốt của bài điền từ/cụm từ vào chỗ trống giống như lời tác giả Trần Thánh Nguyên nói: Tìm từ khóa trong câu và tìm đi tìm lại trong câu đó. Cụ thể, muốn giải được bài điền từ/cụm từ vào chỗ trống, bắt buộc bạn phải tự mình nhận biết bằng cách làm nhiều bài tập, và làm đi làm lại bài tập cho đến trình độ “đọc sách trăm lần, tự khắc hiểu ý nghĩa trong đó” như mọi người vẫn nói. Đọc sách là vậy, làm bài thi cũng vậy.

[Tháng Sáu năm 2008]

Cuối cùng cũng tới ngày thi. Tôi quay lại địa điểm thi mà mình từng nghênh chiến với kỳ thi TOEFL cách đó nửa năm. Trước khi bắt đầu thi, tôi rất hồi hộp, lo lắng, mặc dù tôi đã ôn tập rất lâu rồi, mặc dù tôi đã học từ vựng rất nhiều lần rồi, nhưng trong lòng tôi vẫn lấn cấn, vướng bận, bởi những ám ảnh thất bại ở lần thi trước. Y như rằng, vào thi, tôi không phát huy được tinh thần làm bài tốt nhất, vẫn thua ở phần đọc, nhưng dù làm bài thi không được lý tưởng như mình nghĩ, thì về sau tôi vẫn có cảm giác rất hài lòng. Lần đầu tiên thi GRE, tôi là một kẻ đào ngũ từ đầu đến cuối, cảm giác mình quá ngu dốt. Còn lần thứ hai nghênh chiến với kẻ thù lớn này, tôi thật sự dụng tâm, liều mình vì nó, cho nên dù kết quả không được như ý, tôi cũng cảm thấy không có gì phải oán trách, hối hận.

Trong những ngày ôn thi GRE, mỗi một nụ cười, mỗi một giọt nước mắt, mỗi một muộn phiền, mỗi một phấn chấn đều có dư vị đặc biệt của nó. Tuy có mệt mỏi, nhưng có lẽ là những cảm giác đó, ký ức đó vẫn sẽ còn vẹn nguyện trong một vài năm sau, thậm chí là mấy chục năm sau mỗi khi tôi hồi tưởng lại. Tôi cho rằng, những trải nghiệm đó mang lại cho tôi nhiều ý nghĩa hơn so với cái điểm số đơn giản kia.

Sau khi kết thúc tất cả các kỳ thi, tôi bắt đầu dọn dẹp căn phòng của mình trong ký túc xá. Lúc cầm lên cuốn từ vựng bìa màu đỏ mà trước đó mình không lúc nào rời tay, một cảm giác thân thuộc, gần gũi lại ùa về làm cả người tôi thoáng tê dại. Tôi nghĩ, bước trên con đường này, tất cả những khó khăn, trở ngại trong kỳ thi TOEFL và GRE đều giống như những hố đầm lầy hay những ngọn núi nhỏ bày ra giữa vùng đồi núi xa xôi đang đợi tôi băng qua. Sau những cuộc trò chuyện với rất nhiều bạn đi du học, tôi nhận ra mọi người đều có chung một cảm nhận: Xét ở một góc độ nào đó, những kỳ thi này không đơn thuần là thi cử, mà chúng ta còn học được rất rất nhiều điều trong cả quá trình ôn tập và thi cử.

Nếu nói về cái mất, thì ngoài việc mất tiền mua các loại sách ôn tập, đề thi, tài liệu, in ấn và đăng ký dự thi ra, tôi còn cắt xén giấc ngủ, bùng học trên trường, bỏ dạo phố, bỏ trang điểm, bỏ hẹn hò và bỏ các hoạt động đoàn thể, vui chơi giải trí… Nhưng, nếu nói về cái được, thì quả thật tôi nhận được bao nhiêu thứ: Lượng từ vựng tăng vọt, các kỹ năng nghe nói đọc viết, kỹ năng tư duy, biện luận về một vấn đề, kỹ năng lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch, sức hành động, nghị lực, nhẫn nại, niềm tin, quyết tâm đều được nâng cao và còn nhận được cả những trải nghiệm mà suốt đời này tôi cũng không thể nào quên…Mọi người đều nói có cho đi thì mới có nhận lại. Bởi vậy nên, đối với cá nhân tôi, tất cả những gì tôi mất trong quá trình này đều là xứng đáng.

Sau khi kết thúc kỳ thi, tôi cũng như rất nhiều người khác, đều mắc phải hội chứng sau khi thi rất trầm trọng. Con người đang sống trong trạng thái căng thẳng cực độ, đột nhiên quay ngoắt sang trạng thái vô cùng nhàn rỗi, nên một chốc một lát không biết mình phải làm gì. Mấy ngày đầu, tôi đường đường “tha hóa” ngay trong ký túc xá của mình, tôi lướt web, buôn chuyện, xem phim, làm phụ đề. Thỉnh thoảng còn ghé vào diễn đàn Jituo và Taisha, ẩn mình theo dõi mọi người bàn luận về kỳ thi, khi thấy mọi người đều ca thán đề thi lần này khó, tôi sẽ cảm thấy lòng mình giãn ra một chút; nhưng khi có người nói độ khó của kỳ thi vẫn còn bình thường, tôi lại cảm thấy khó chịu, rồi điên cuồng lùng sục dấu vết của các kỳ thi trước đó trong mục cũ hơn để dự đoán điểm thi của mình, nếu cảm thấy lần này mình chắc chắn tiêu đời rồi, tôi sẽ lập tức tắt hết các trang mạng. Mặc dù có đôi lúc tôi cũng lo lắng cho con đường du học sắp tới, song tôi luôn cho rằng phải có kết quả thi GRE thì mình mới có động lực bắt đầu phấn đấu cho giai đoạn tiếp theo. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy đấy chỉ là một lý do nực cười bao biện cho sự chây lười của mình.

Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng cũng có kết quả của kỳ thi GRE. Ban đầu tôi đặt ra cho mình mục tiêu: 600 điểm bài ngữ văn, 800 điểm bài toán học, và 6.0 điểm bài luận (điểm tối đa cho mỗi bài lần lượt là 800/800/6.0), kết quả thực tế của tôi là 590/770/5.5. Điểm thi lần này cao hơn hẳn lần trước, có điều tôi vẫn cảm thấy hơi hối hận vì không đạt được mục tiêu dự kiến của mình. Nhưng cũng chính sự hối hận đó đã biến thành động lực lớn nhất trên con đường phấn đấu làm hồ sơ du học của tôi sau này. Tôi ý thực được rằng, tôi bắt buộc phải tiếp tục sử dụng thời gian quý báu của mình vào việc làm hồ sơ du học, cụ thể là chọn chuyên ngành, chọn trường học, viết bài tự giới thiệu bản thân, viết sơ yếu lý lịch,… tôi bắt buộc phải sử dụng triệt để các loại phương pháp nhằm làm tăng sức cạnh tranh của mình trên phương diện chuyên ngành. Nhưng, sự thực cũng chứng minh, chất lượng của hồ sơ du học còn quan trọng hơn nhiều điểm thi GRE, đáng phải bỏ nhiều tâm tư và thời gian hơn vào đây.

Đúng lúc này, tôi đưa ra một quyết định bất ngờ: Nếu có thể thành công trong một lần gửi hồ sơ du học, mình sẽ làm thủ tục xin thôi học ở trường, sang thẳng Mỹ học cao học. Thật ra, tôi vẫn luôn có ý nghĩ này, có điều tôi dùng dằng chẳng quyết. Sở dĩ cuối cùng tôi đưa ra quyết định này, một là vì sau khi đi sâu vào chuyên ngành phiên dịch Anh Hán, tôi nhận ra mình không mấy yêu thích nó, không hy vọng mất nhiều thời gian hơn ở phương diện này; hai là vì lúc đó có nhiều người bạn thân xung quanh tôi đều lần lượt đi du học làm tôi thêm nôn nóng, sốt ruột, nên tôi cũng muốn mình sớm thực hiện được ước mơ trong nhiều năm qua. Lúc đó, tôi sắp xếp ba điều kiện cứng của mình: TOEFL đạt 112 điểm, GRE đạt 1360+5.5, thành tích GPA đạt 3.85/4.00. Bước tiếp theo là phải bắt đầu xây dựng kỹ năng mềm. Bởi vậy, con đường DIY làm hồ sơ du học của tôi chính thức được bắt đầu từ tháng Bảy năm 2008.

GHI CHÚ NHỎ

Về lối hành văn của bài luận

Yêu cầu quan trọng nhất của một bài văn nghị luận tiếng Anh xuất sắc là ở kết cấu chặt chẽ nên cũng không thể thiếu một trong ba bộ phận luận điểm, luận cứ và luận chứng. Nếu viết tản văn tiếng Anh riêng tư, bạn có thể mặc sức theo đuổi cảnh giới “hình tản thần bất tản”. Nhưng, muốn đạt điểm cao trong phần thi viết của các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ du học, tốt nhất bài luận của bạn cần phải có “hình”. Vậy nên, bạn hãy nhớ, một bài luận cần phải có giàn khung như sau:

Đoạn thứ nhất: Đoạn mở đầu – trực tiếp đưa ra ý chính, bắt buộc phải có câu trung tâm rõ ràng!

Đoạn thứ hai: Đoạn luận chứng 1 (luận chứng chính diện):

1. Đưa ra lý do giải thích tại sao bạn cho rằng điều đó là quan trọng, bắt buộc phải có câu chủ đề;

2. Luận cứ: Đưa ra ví dụ. Dùng ví dụ thực tế chứng minh tại sao phải có lý do đó;

3. Câu kết luận: Thật ra câu kết luận có thể nhắc lại ý nghĩa của câu chủ đề một lần nữa bằng cách nói khác.

Đoạn thứ ba: Đoạn luận chứng 2 (luận chứng phản diện):

1. Đưa ra lý do thứ hai giải thích tại sao bạn cho rằng điều đó là quan trọng, bắt buộc phải có câu chủ đề;

2. Luận cứ: Đưa ra ví dụ, dùng ví dụ thực tế chứng minh tại sao phải có lý do đó;

3. Câu kết luận: Thật ra câu kết luận có thể nhắc lại ý nghĩa của câu chủ đề một lần nữa bằng cách nói khác.

Đoạn thứ tư: luận chứng 3 (luận chứng phản diện):

1. Không có điều quan trọng đó thì sẽ có hậu quả không tốt như thế nào, đưa ra một hậu quả xấu, bắt buộc phải có câu chủ đề;

2. Luận cứ: Đưa ra ví dụ. Đưa ra một ví dụ thực tế về hậu quả xấu khi thiếu thứ đó;

3. Câu kết luận: Thật ra câu kết luận có thể nhắc lại ý nghĩa của câu chủ đề một lần nữa bằng cách nói khác.

Đoạn thứ năm: Đoạn kết luận – nhắc lại trọng tâm của cả bài, bắt buộc phải có câu kết luận! Thật ra câu kết luận chính là nói lại câu trung tâm của cả bài bằng một cách diễn đạt khác. Đoạn kết luận có thể mở rộng chủ đề ở mức độ vừa phải, nhưng đừng quá khuếch trương.

Trong giàn khung này, bắt buộc phải có đoạn thứ nhất (ở bất cứ trường hợp nào cũng đều phải có đoạn đó)! Từ đoạn thứ hai cho đến đoạn thứ tư, bạn muốn nói bao nhiêu lý do thì nói bấy nhiêu lý do, thường thì ít nhất phải có hai lý do. Hai lý do đó có thể là một lý do chính diện và một lý do phản diện, hoặc cũng có thể là hai lý do chính diện. Song, tôi cũng khuyến khích mọi người nên viết một lý do phản diện, một là vì tính chặt chẽ của luận chứng, hai là vì số chữ. Còn đoạn kết luận sau cùng, thường không yêu cầu bắt buộc đối với luận văn ở các trường đại học nước ngoài, nhưng thi TOEFL, IELTS, GRE, nếu thời gian cho phép, bạn cố gắng viết đoạn kết luận để cho kết cấu của bài luận thêm hoàn chỉnh.

Khi trình bày luận chứng phản diện ở đoạn thứ tư (đoạn luận chứng 3), bạn có thể xem xét vấn đề từ một góc độ khác, tức là: Điều đó quan trọng, nhưng đặt vào một trường hợp khác nó chưa chắc đã quan trọng. Sau đó, đưa ra ví dụ giải thích trong trường hợp đặc biệt, nó không quá quan trọng, cuối cùng viết câu kết luận của đoạn văn. Cần lưu ý, viết như vậy để chứng minh bạn là một người biết tư duy biện chứng, chứ tuyệt đối không phải là người suy nghĩ một phía, hay là tự mình phủ định luận điểm trung tâm của mình. Đoạn kết luận nhất định phải nhấn mạnh một lần nữa, điều đó quan trọng trong rất nhiều trường hợp như – ví dụ 1, ví dụ 2, nhưng chỉ không quan trọng trong một số ít trường hợp – ví dụ 3. Cách viết này hơi có tính thử thách, bạn hãy vận dụng cẩn thận!

Về “Mười ngày khiêu chiến với từ vựng GRE”

Trong phần “Mười ngày khiêu chiến với từ vựng GRE”, cái tôi gọi là “học thuộc từ vựng” đơn thuần là học thuộc từ vựng, tức là hễ nhìn thấy một từ tiếng Anh nào đó, trong đầu bạn lập tức hiện ra một ý nghĩa tiếng Trung thường dùng nhất của nó. Trong mười ngày đó, chỉ cần tôi làm được như vậy thì coi như là học thuộc từ vựng rồi. Còn về cách dùng, phối hợp từ, ý nghĩa đặc biệt,… đều không phải là nội dung cần quan tâm trong mười ngày đó, những nội dung này là nhiệm vụ cần phải giải quyết lúc củng cố từ vựng sau này.

“Mười ngày khiêu chiến với từ vựng GRE” không có nghĩa là mười ngày nắm chắc từ vựng GRE, cũng không có nghĩa là sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mười ngày đó thì chẳng cần lo nghĩ gì về mặt từ vựng. Sau mười ngày đó, tôi mới chỉ nhớ được 95% từ vựng của cuốn sách ở những mức độ khác nhau (cụ thể là mức độ nhận biết từ vựng khi đọc nguyên văn). Chúng ta vẫn phải noi theo tinh thần của cuốn sách, ngày nào chưa bước vào phòng thi, thì ngày đó không được bỏ từ vựng, nhất định phải không ngừng ôn đi ôn lại để nhớ kỹ hơn từng từ.

Như ban đầu tôi từng nói, thực tế lúc đó tôi khiêu chiến với từ vựng GRE là hoàn toàn chuyên tâm. Hàng ngày ngoài những lúc ăn cơm, nằm ngủ và vệ sinh cá nhân ra, tôi sử dụng toàn bộ thời gian còn lại vào học từ vựng, kiên trì suốt mười ngày. Sở dĩ ban đầu tôi thử sử dụng phương pháp này là vì tôi không có nhiều thời gian ôn tập. Đó là phương pháp ôn tập của tôi nên chưa chắc phù hợp với mọi người, bạn hãy tham khảo phương pháp này một cách có chọn lọc dựa vào sự sắp xếp thời gian và thói quen học tập của mình.

Con đường DIY bước vào ngôi trường nổi tiếng nước Mỹ của tôi

Khác nghề như cách núi – Phiền não chuyện chuyển chuyên ngành

Cửa ải khó khăn đầu tiên trên con đường du học của tôi là vấn đề chuyển chuyên ngành. Hồi học đại học và cao học, tôi đều học chuyên ngành tiếng Anh, sau này đi du học, tôi không muốn mình lại học chuyên ngành này nữa, nên phải đau đầu suy nghĩ về việc chuyển chuyên ngành. Lúc đó, tôi xem trên mạng có rất nhiều bài viết liên quan đến việc sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh xin chuyển chuyên ngành khi đi du học, tôi nhận thấy rất nhiều bạn học chuyên ngành tiếng Anh như tôi đều than vãn rằng “sinh viên chuyên ngành tiếng Anh không có chuyên ngành cơ sở, đến lúc đi du học, muốn chuyển sang chuyên ngành nào cũng khó”. Các bạn nói không sai, khác nghề như cách núi, quả thật việc chuyển chuyên ngành khi đi du học có một số khó khăn nhất định. Song, bất kể việc gì cũng đều có tính hai mặt của nó, có mặt xấu ắt cũng có mặt tốt, tuy sinh viên chuyên ngành tiếng Anh không có chuyên ngành cơ sở, nhưng bù lại, ta có nhiều cơ hội lựa chọn chuyên ngành. Ta có thể lựa chọn những chuyên ngành có liên quan đến tiếng Anh như giáo dục, phiên dịch, ngôn ngữ, văn học, Hán ngữ đối ngoại, truyền thông, du lịch… Vả lại, còn có đạo lý “ngựa con qua sông”: Mặc dù rất nhiều người trên mạng đều nói khó chuyển chuyên ngành, nhưng tôi cảm thấy mình cần phải phân tích vấn đề này một cách khách quan, xem rốt cuộc vấn đề này là khó hay là dễ với mình, mình cần phải cố gắng, nỗ lực như thế nào thì mới có thể đạt được mục tiêu đó.

Vấn đề thứ nhất của việc chuyển chuyên ngành là: Chuyển chuyên ngành gì. Tôi đắn đo suy nghĩ vấn đề này bao nhiêu lâu rồi. Tôi cho rằng, nếu đã phải chuyển chuyên ngành, thì nhất định phải chuyển sang một chuyên ngành mà mình thật sự yêu thích, vì hứng thú, đam mê là nhân tố vô cùng quan trọng tạo nên thành công. Cho nên, tôi bắt đầu nghiêm túc phân tích, mổ xẻ hứng thú, sở thích của mình. Từ trước tới giờ, tôi vẫn rất thích giúp đỡ người khác, nói một cách chính xác, tôi rất thích động viên, khích lệ người khác, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên: Tôi thích lắng nghe các em trút bầu tâm sự, kể về những phiền não của mình, rồi dốc hết sức giúp các em giải quyết những vấn đề phiền não đó, dẫn dắt các em, khích lệ các em, để cho các em tìm lại được hướng đi trong cuộc đời của mình. Bởi trước đây, tôi cũng từng nhận được sự động viên, khích lệ và giúp đỡ của thầy tốt, bạn hiền vào những lúc tôi chán nản, thất vọng, đến bây giờ tôi vẫn không ngừng cảm kích họ, nên tôi hy vọng mình cũng có thể trở thành một người giống như họ, không ngừng động viên, khích lệ thanh niên. Thật ra, đây cũng chỉ là một cách nghĩ đơn giản: “Tôi từng được người khác giúp đỡ, nên bây giờ tôi muốn giúp đỡ nhiều người khác.” Tôi suy nghĩ rất lâu, và nhận ra rằng, hứng thú này vượt xa tất cả những hứng thú khác, bởi vậy tôi xác định hướng đi lớn của mình là ở đây.

Sau đó, tôi bắt đầu lên mạng search thông tin, chợt phát hiện ra nghề bác sĩ tham vấn tâm lý trên một trang web giáo dục của nước ngoài. Đi theo từ khóa đó, quả nhiên tôi tìm ra bao nhiêu bài viết giới thiệu ngành nghề này. Càng đọc càng yêu thích, càng đọc càng nhiệt huyết, tôi cảm thấy công việc tham vấn tâm lý vừa phù hợp với hứng thú của mình, vừa phù hợp với cá tính của mình, cảm thấy dường như tôi đã tìm được ngành nghề mà mình vẫn hằng nghĩ đến trong mơ! Tôi còn tìm ra rất nhiều bài viết khác trên mạng, đọc tỉ mỉ, kỹ càng từng bài một, rồi nhận ra tôi có thể đi vào lĩnh vực này thông qua hai học vị: Một là tâm lý học (Psychology), và hai là công tác xã hội (Social Work). Tuy lúc bấy giờ, tôi mới chỉ tìm ra hai chuyên ngành này thôi, nhưng chúng giúp tôi rất nhiều trong việc định hướng chuyên ngành sau này.

Ban đầu tôi hoàn toàn không có hướng đi nào hết, tôi không biết tìm đâu ra chuyên ngành liên quan đến hai học vị đó. Về sau, tôi đột nhiên nhớ ra một thầy giáo của Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Phương Đông Mới từng nhắc đến một trang web là USNEWS, tôi mò mẫm mãi mới vào được trang web này tra cứu thông tin. Đúng là không đọc không biết, đọc rồi mới ngỡ ngàng, tài liệu trên website rất toàn diện. Từ website đó, tôi tìm đọc một số bài giới thiệu chuyên ngành đào tạo của những trường đại học quy mô lớn, tôi nhận ra ngành công tác xã hội là ngành gần nhất với công việc mà tôi mong muốn. Cho nên, bước đầu tôi quyết định thử xin đi du học ngành này.

Lúc đó, Trung Quốc vẫn còn có nhận thức tương đối thấp về ngành công tác xã hội, hiếm người từng nghe nói đến nó, trên mạng cũng có rất ít thông tin giới thiệu về nó, còn những người có kinh nghiệm du học ngành này lại càng ít hơn. Bỗng một hôm, tôi có cơ duyên may mắn đọc được một bài viết trên mạng giới thiệu cặn kẽ về MSW (Master of Social Work, thạc sĩ công tác xã hội học). Có thể coi việc phát hiện ra bài viết này như là một bước đột phá nhỏ trong quá trình làm hồ sơ du học của tôi, một là nó giúp tôi thêm kiên định với sự lựa chọn chuyên ngành này; hai là nó giúp tôi có cái nhìn toàn diện hơn, cụ thể hơn về quy trình làm hồ sơ du học chuyên ngành này. Qua bài viết, tôi được biết ngành công tác xã hội đã phát triển khá kiện toàn ở Hồng Kông, nhưng chưa phát triển trong khu vực Trung Quốc đại lục, nó chỉ mới manh nha hình thành ở một vài thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh. Còn hệ thống công tác xã hội ở Mỹ đã có lịch sử hơn một trăm năm nay, hiện tại trong các ngành nghề của Mỹ đều thấp thoáng bóng dáng của công tác xã hội. Đọc xong bài viết này, tôi hừng hực khí thế, hạ quyết tâm làm hồ sơ du học chuyên ngành công tác xã hội.

Nghệ thuật chọn trường

Sau khi xác định được chuyên ngành rồi, bước tiếp theo tôi phải tiến hành chọn trường. Ban đầu chọn trường, vì chẳng biết gì về khâu đoạn này, nên tôi đi nhiều đường vòng. Tôi thường thấy các topic trên diễn đàn có người nói “trường hợp của tôi là… tìm vị trí trường học”. Trong một thời gian dài, tôi không biết cụ thể “tìm vị trí trường học” chỉ cái gì, cũng hoàn toàn không biết mình phải xem thứ hạng của các trường đại học khi chọn trường. Lúc đó, tư tưởng của tôi vẫn còn lạc hậu, do không hiểu nhiều về các trường đại học ở Mỹ, nên tôi luôn nhắm vào các thành phố lớn, tôi cho rằng chỉ có các trường học đóng tại các thành phố lớn mới là trường tốt, thành thử mấy ngôi trường tôi chọn lúc đầu đều bị mọi người đánh giá là thiếu lý trí.

Sau thất bại lần đầu trong việc chọn trường, tôi chăm chỉ lên mạng đọc các bài viết liên quan đến vấn đề chọn trường. Sau khi đọc hết mấy mục tinh hoa, tôi nhận ra việc chọn trường cũng đòi hỏi phải có hiểu biết, có nghệ thuật, có kỹ xảo đáng nói: Cần phải dựa vào thứ hạng của trường chọn ra một, hai trường xuất sắc để bứt phá, ba, bốn trường giỏi làm đối tượng tấn công chính, sau đó chọn một, hai trường đứng cuối bảng làm dự trù. Vì đây là du học thạc sĩ, nên chủ yếu tham khảo thứ hạng chuyên ngành và thứ hạng viện đào tạo sau đại học, còn thứ hạng tổng hợp của trường chỉ là nhân tố tham khảo bổ sung. Ngoài ra, khi chọn trường cũng nên suy nghĩ đến nhiều nhân tố như, học bổng, học phí, vị trí địa lý của trường,… Biết được những lưu ý này, tôi lập tức vào trang web của USNEWS, bắt đầu thu thập lại thông tin tổng hợp của các trường đại học trên nhiều phương diện.

Lúc đó, do tôi mù mờ về quy trình làm hồ sơ du học, nên không dám chắc điều gì cả. Để nâng cao xác suất thành công, tôi quyết định gửi hồ sơ làm hai đợt: Đợt một là vào kỳ nhập học mùa xuân năm 2009, đợt hai là vào kỳ nhập học mùa thu năm 2009. Tôi nghĩ, cho dù mình thất bại trong đợt gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa xuân, thì vẫn còn đợt gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa thu chống cháy. Đợt gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa xuân là đợt mở màn, làm quen với quy trình làm hồ sơ du học, thăm dò đường đi lối lại, còn ngôi trường gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa thu mới là đối tượng tấn công chính của tôi.

Vì không có nhiều trường tuyển sinh vào mùa xuân, nên quá trình chọn trường gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa xuân không tốn quá nhiều thời gian. Tôi xem đi xem lại, chỉ ưng một trường duy nhất là Đại học Washington ở St. Louis (gọi tắt là UW). Theo bảng xếp hạng các trường đại học ở Mỹ do USNEWS đưa ra vào năm 2008, Đại học Washington là ngôi trường đứng thứ nhất về chuyên ngành công tác xã hội, và đứng thứ mười một trong bảng xếp hạng tổng hợp các trường đại học, học viện toàn nước Mỹ. Khi đọc được thông tin này, tim tôi đập thình thịch, thầm nghĩ: “Trời ơi, đây chính là dream school của mình rồi! Không ngờ, một đứa thổ dân tép riu như mình lại có cơ hội tiếp xúc với ngôi trường danh tiếng lẫy lừng ở khoảng cách gần như thế này, liệu cuối cùng mình có thể với tới không? Dẫu sao đợt gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa xuân lần này cũng chỉ là một lần thử sức, dù thất bại mình vẫn còn đợt gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa thu nữa cơ mà. Đời người ngắn ngủi, hà cớ gì không điên một lần?” Vì thế, tôi quyết định gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa xuân vào trường UW.

Còn đợt gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa thu có nhiều trường để lựa chọn, nên tôi khá đau đầu. Để suy nghĩ rõ ràng hơn, và thu thập thông tin hoàn chỉnh hơn, tôi mở một file Excel trong máy tính, ghi thông tin cơ bản về các trường đại học như thứ hạng, địa chỉ, điện thoại, email, người liên hệ, tài liệu cần chuẩn bị cho hồ sơ du học, lệ phí nộp hồ sơ du học, hạn chót nộp hồ sơ du học… Bên cạnh đó, tôi còn ghi tiến độ gửi hồ sơ của mỗi trường cùng với mối liên hệ qua lại giữa tôi và họ, ví như khi nào nộp những tài liệu nào, khi nào trao đổi qua điện thoại hay email, có tiến triển ra sao.

Lúc chọn trường gửi hồ sơ du học kỳ nhập học mùa thu, tôi nhặt ra một trăm trường đứng đầu bảng xếp hạng tổng hợp, tiếp đến loại bỏ những trường không có chuyên ngành MSW trong tốp một trăm đó, sau đó loại bỏ những trường nằm ngoài danh sách bốn mươi trường đứng đầu bảng xếp hạng ngành MSW. Trong số này có một số trường yêu cầu người nộp hồ sơ từng học các môn tự chọn như thống kê học, tâm lý học trong thời gian học đại học, tôi chưa học những môn này, bản thân cũng cảm thấy yêu cầu này không hợp lý, nên cũng loại mấy trường đó ra. Sau đợt sàng lọc đầu tiên, chỉ còn lại trên dưới ba mươi trường.

Điều kiện của đợt sàng lọc thứ hai mang màu sắc sở thích cá nhân, thật ra là có một chút “tâm trạng bất ổn”. Ví dụ như, tôi loại bỏ mấy trường có vị trí địa lý quá chếch về phương Nam, hoặc quá lệch về phương Bắc, vì tôi không thích những nơi quá nóng bức hoặc quá lạnh giá (đây đơn thuần là sở thích cá nhân, không có giá trị tham khảo). Tất nhiên, điều kiện tiên quyết để tôi loại bỏ những trường này vẫn là ở thứ hạng của trường. Nếu là Harvard, thì dù nó có ở trong khe núi, tôi cũng không thể loại được.

Sau đợt sàng lọc thứ hai, chỉ còn lại hai mươi trường. Tôi bắt đầu cuộc tiếp xúc thân mật lần thứ nhất với hai mươi trường này: Tôi tích cực viết một bức thư tràn đầy nhiệt huyết gửi đến người phụ trách công tác tuyển sinh của những trường đại học đó, giới thiệu qua với họ về trường hợp của mình, bối cảnh giáo dục, hứng thú xin nhập học, việc chuyển chuyên ngành, điểm GT và GPA… Cuối thư còn hỏi mấy câu hỏi như quý trường có trao học bổng, sắp xếp chuyên ngành, định hướng phát triển sau khi tốt nghiệp cho học viên quốc tế không. Vì email đầu tiên chỉ có tác dụng dò đường xem tôi và những trường đó có thư tín qua lại hay không, nên nội dung bức thư gửi cho mỗi trường đều na ná giống nhau, và không theo khuôn mẫu của trường nào hết. Sau khi đính kèm sơ yếu lý lịch và bảng điểm, tôi ấn nút gửi đi.

Đầu tháng Tám, tôi lần lượt nhận được hồi âm cho những bức thư dò đường. Đọc hồi âm của các trường đại học, tôi cảm thấy đây quả là một nước cờ đúng, một mặt giúp tôi hiểu hơn yêu cầu làm hồ sơ xin du học, mặt khác giúp tôi tiến thêm một bước trong công tác sàng lọc các trường đại học. Trong thư phúc đáp của các trường này, có trường nói thẳng cho tôi biết điều kiện của tôi đủ để gửi hồ sơ xin nhập học trường của họ, nhưng cũng có trường trả lời rất rõ ràng rằng điều kiện của tôi không đáp ứng được yêu cầu chuyển chuyên ngành (chủ yếu là do hồi đại học tôi chưa tích lũy đủ học phần của các môn khoa học xã hội). Bên cạnh đó, có trường dùng lời lẽ nhiệt tình, có trường dùng lời lẽ lạnh băng. Dựa vào tình hình trao đổi “một hỏi một đáp” đó, tôi bỏ bớt những trường tôi không đủ tư cách nộp hồ sơ xin nhập học, những trường không hồi âm cho tôi, và cả những trường để lại ấn tượng không tốt cho tôi. Sau đó, tôi chỉnh lý tất cả thông tin, hoàn thành bảng liệt kê danh sách các trường đại học du học Mỹ.

Trong đó, tổng cộng có bảy trường tất cả. Nhóm đầu tiên gồm có hai trường đại học là Đại học Washington ở St. Louis và Đại học Colombia, chúng đều nằm trong tốp mười lăm trường đứng đầu bảng xếp hạng tổng hợp và bảng xếp hạng chuyên ngành, là những trường xuất sắc mà tôi nhất định phải thử bứt phá. Tôi thầm nghĩ: Hồ sơ xin nhập học của mình có được chấp nhận hay không là một việc, sau khi thử gửi hồ sơ ít nhất đời này mình cũng sẽ không phải hối hận. Tiếp theo, nhóm thứ hai có Đại học Nam California, Đại học New York và Đại học Washington ở Seattle, ba trường đại học này đều là đối tượng gửi hồ sơ chính. Sau cùng, có hai trường đại học nằm trong nhóm thứ ba là Đại học Tiểu bang Ohio và Đại học Tiểu bang New Jersey, thuộc trường dự trù.

PS, i love you

Sau khi xác định được trường học và chuyên ngành, tôi bắt tay chuẩn bị hồ sơ du học. Vì hạn chót nhận hồ sơ du học của những trường nhập học kỳ mùa xuân đến sớm nhất – hạn chót nhận hồ sơ du học của UW là ngày 15 tháng Mười cho nên tôi bắt đầu làm hồ sơ từ UW. Lúc tôi bắt đầu chuẩn bị làm hồ sơ du học đã là giữa tháng Tám rồi, bấy giờ tôi mới biết quá trình chọn trường, chọn ngành trước đó căn bản chẳng có gì là khó khăn, vất vả cả, mà thật ra sự khó khăn, vất vả nhất vẫn nằm ở phía sau. Trong hồ sơ du học, tài liệu làm khó người ta nhất là bài tự giới thiệu bản thân (Personal Statement, gọi tắt là PS). Lúc mới bắt đầu viết PS, bao nhiêu lần tôi mở file word trống trơn ra, thì bấy nhiêu lần vì không biết bắt đầu từ đâu nên lại tắt đi. Bao nhiêu lần tôi nghĩ nát óc, viết được mấy câu mở đầu, nhưng rồi cảm thấy mình viết rất tồi nên lại vội vàng xóa sạch. Bao nhiêu lần tôi túm tóc mình, hét lên: “PS, I hate you!” Tôi thật sự không biết phải tóm tắt quá trình trưởng thành của mình, phải trình bày lý do xin nhập học của mình, và phải chứng minh mình là ứng viên phù hợp nhất như thế nào trong hai trang giấy ngắn ngủi.

Tôi rơi vào một nút thắt, cảm giác rất buồn bực. Càng không biết viết như thế nào thì càng sợ hãi, càng sợ hãi thì càng không biết viết như thế nào, vì tôi cho rằng mình chắc chắn không thành công, nên nhiều lần từng nghĩ đến chuyện từ bỏ. Sau nhiều ngày đau khổ, nhiều ngày sa sút tinh thần, tôi chợt nhớ ra một đạo lý ngày trước mẹ từng nói với tôi khi tôi thất bại: Không có con đường nào luôn luôn suôn sẻ. Không bao giờ được nghĩ: Không đỗ được cao học thì đi làm, không tìm được việc thì thi cao học; không bon chen được ở trong nước thì ra nước ngoài, không bon chen được ở nước ngoài thì về nước. Thật ra, không có con đường nào là dễ đi, bất luận bạn lựa chọn con đường nào đi nữa cũng sẽ đều gặp khó khăn, gian khổ trên con đường đó. Nếu cứ chạy trốn khó khăn, thì, e là phải chạy trốn cả đời, cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì đâu. Muốn thành công trong cuộc sống hay công việc, thì bắt buộc phải tôi rèn tính bền bỉ, nhẫn nại cũng như ý chí và nghị lực của mình. Nếu nghĩ rằng, không đi đường A thì đi đường B, không đi đường B thì đi đường C, vậy thì cuối cùng, bạn đều không đi hết ba con đường ABC. Kỳ thực tìm việc, thi cao học, đi du học hay bất kỳ một con đường nào khác trong cuộc đời, có con đường nào dễ dàng giúp bạn đạt được thành công không? Không có. Cho nên, bản thân mình thích con đường nào thì dũng cảm lựa chọn con đường đó, sau khi lựa chọn xong, hãy kiên trì bước đi.

Tôi nghĩ, con đường du học thật là gian nan, các kỳ thi lớn nhỏ cũng đủ làm mình “rụng hàm nắm tóc”. Vất vả lắm mình mới thi cử xong xuôi, giờ chưa kịp nghỉ ngơi đã phải làm hồ sơ du học, viết bài luận, đi thực tập. Liệu rằng sau tất cả những gì mà mình bỏ ra, tương lai đang chờ mình ở phía trước là thành công hay thất bại, vẫn chỉ là một ẩn số. Mỗi lần nghĩ đến đây, tôi lại cảm thấy vô cùng hoang mang, hoảng sợ, không biết mình có đáng phải bỏ ra tất cả những thứ này hay không. Nhưng nghĩ lại thì đáng hay không đáng, cũng chỉ sau khi kiên trì đến cùng, tôi mới nhìn rõ được. Trước đây, người nói thề chết cũng phải đi du học là tôi, bây giờ, người mới gặp một chút khó khăn đã muốn từ bỏ cũng vẫn là tôi. Tại sao tôi lại không làm được như lời mình nói? Chẳng lẽ tôi vẫn muốn phạm phải sai lầm nói mà không giữ lời giống như thuở nhỏ hay sao?

Tôi đột nhiên nhớ tới một câu nói của bố năm xưa: Khi con không nhìn rõ đường đi, con không cần nhìn quá xa, chỉ cần tập trung nhìn ra chỗ cách con năm mét về phía trước, thì nhất định con sẽ tìm được phương hướng. Tôi tự nhủ: Đúng là đạo lý này rồi, khi làm việc không được nghĩ nhiều như thế, hãy đặt bước chân vững chắc trên đoạn đường tiếp theo rồi hãy nói. Khi phải viết PS thì viết PS, khi phải viết sơ yếu lý lịch thì viết sơ yếu lý lịch. Tuy công trình rất lớn, nhưng nếu coi công trình lớn hóa nhỏ, công trình nhỏ hóa không, thì nhất định mình có thể hoàn thành toàn bộ việc này. Dù thế nào đi nữa, mình cũng phải khẳng định bản thân, tin tưởng bản thân, vào những lúc quan trọng, mình tuyệt đối không được chà đạp lên ước mơ của chính mình!

Vì vậy, tôi quyết định dẹp bỏ hết tất cả những lo nghĩ vớ vẩn trong đầu đi, dồn toàn bộ công lực hiện giờ vào PS. Tôi nghĩ, trong hai trang giấy ngắn ngủi, tôi nhất định phải tóm lược được tất cả những gì mà mình đã trải qua trong cuộc sống, và phải xâu chuỗi những trải nghiệm đó vào một chủ đề nổi bật. Nhưng, tôi phải lựa chọn chủ đề nào đây? Tôi lại nghĩ, mỗi một trường đại học đều có yêu cầu riêng về PS, PS của tôi phải được viết dựa trên yêu cầu của một trường đối với PS, chứ không được tùy ý viết bừa. Vì thế, tôi vào website của Học viện Công tác Xã hội học, trường Đại học Washington xem xét, nghiên cứu, tìm hiểu phong cách giảng dạy và sắp đặt chuyên ngành của họ, cũng như những đặc điểm chung của học viên trường họ. Tình cờ, tôi đọc được một câu như sau trên trang chủ của website: “Học viên chúng tôi đến từ mọi nơi trên thế giới cùng tụ họp ở đây vì tinh thần vui với việc giúp đỡ người khác.” Trước mắt tôi như sáng bừng lên: “Đúng rồi, ‘vui với việc giúp đỡ người khác’ sẽ là chủ đề PS của mình! Chẳng phải sở thích của mình cũng nằm ở đây sao?”

Và thế là, tôi tức tốc đặt bút viết bản thảo PS. Tôi bắt đầu viết từ xuất thân của mình, viết tại sao mình thích giúp đỡ người khác, viết về sự phấn đấu và thành tích của mình trong thời đại học, viết về những gì mình học được, cảm nhận được khi đi thực tập ở Hiệp hội Tình nguyện viên lúc học cao học, viết về dự định học tập của mình trong tương tai, viết về kế hoạch làm việc của mình sau khi tốt nghiệp, viết tại sao mình lại có hứng thú đối với ngành công tác xã hội, tại sao mình lại có hứng thú đối với UW, viết mình dự định làm thế nào dung hòa nền giáo dục đã tiếp nhận ở Trung Quốc và nền giáo dục sắp tiếp nhận ở Mỹ để có thể học tập hiệu quả, từ đó giúp đỡ được nhiều người hơn.

Sau nhiều đêm trăn trở không ngủ, cuối cùng tôi cũng viết xong bản PS đầu tiên. Tôi sốt ruột đọc lại một lượt, và tổng kết bài PS bằng bốn từ: Vô cùng thảm hại. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy vui mừng khôn xiết tựa như mình vừa giành được một thắng lợi quan trọng vậy. Đối với một bài luận PS mà nói, khó viết nhất là lúc mới bắt đầu đặt bút viết, ta chỉ cần dũng cảm vượt qua bước thứ nhất này, sau khi hoàn thành bản đầu tiên, ta sửa đi sửa lại nhiều lần, bài sẽ hay hơn. Nhân lúc mình còn hào hứng viết luận, tôi nhanh chóng gửi bài cho rất nhiều người xem, mọi người đều nhiệt tình góp ý cho tôi. Dựa vào những ý kiến đó, tôi bắt đầu sửa lại bài, từ cấu trúc, nội dung, khởi thừa chuyển hợp của bài viết cho đến lựa chọn từ ngữ và kết hợp câu, từ đầu đến cuối, tôi sửa hết tất cả ba mươi lần, không biết mình bỏ ra bao nhiêu công phu.

Lúc bản thảo PS cuối cùng ra lò, thời gian đã thấm thoắt bước sang tháng Chín. Việc viết PS kéo dài rất lâu, nhưng vào lúc hoàn thành bản cuối cùng, tôi cũng có thể thở phào được rồi. Tôi cầm bản PS sau cùng đọc lại cẩn thận, cảm thấy bài viết này đúng là gần nhất với câu nói liên quan đến cảnh giới cao nhất của một bài PS trong mục tinh hoa trên diễn đàn – trong bài không được có một câu nào thừa, sự có mặt của mỗi câu đều phải phục vụ cho ý chính của cả bài. Tôi nghĩ, bài viết này có lẽ là bài tổng kết hoàn hảo nhất về những gì tôi từng trải qua trong mấy năm trở lại đây. Nhìn hai trang giấy kín mít chữ, tôi vừa cảm thấy hưng phấn, vừa cảm thấy mãn nguyện, đến lúc khắc chế được kẻ thù lớn này, tôi lại kìm lòng không đặng, muốn nói với nó một câu: PS, I love you.

Sau khi hoàn thành bài PS, tôi công phá một bài luận khác trong hồ sơ du học cũng bằng phương pháp giống như vậy. Thông thường, trong hồ sơ xin nhập học chuyên ngành MSW đều có yêu cầu người gửi hồ sơ nộp một bài viết mẫu (Writing Sample). Nói một cách dễ hiểu, thì trường bên kia đưa ra yêu cầu này nhằm hai mục đích: Một là họ muốn đánh giá khả năng viết lách của người nộp hồ sơ như thế nào; hai là họ muốn biết người nộp hồ sơ có cái nhìn sâu sắc và có kiến giải độc lập về một vài vấn đề thuộc phạm vi chuyên ngành hay không. Lúc đó, đề bài bài viết mẫu UW yêu cầu tôi viết là: “Bạn hãy trình bày kiến giải của mình về một vấn đề xã hội nào đó và nói rõ theo bạn cần phải giải quyết vấn đề đó như thế nào, không giới hạn số chữ.”

Tôi suy nghĩ rất lâu, đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều thông tin ở trên mạng, cuối cùng quyết định lựa chọn vấn đề giáo dục trẻ em trong các gia đình lao động nhập cư để viết. Tôi lựa chọn chủ đề này, thứ nhất là vì cá nhân tôi rất có hứng thú đối với các vấn đề về trẻ em và thanh thiếu niên, thứ hai là vì lúc bấy giờ vấn đề này đang nhận được sự chú ý của xã hội. Để thể hiện sự quan tâm và tầm hiểu biết của mình về vấn đề này, trước tiên tôi tìm đọc rất nhiều luận văn tiếng Trung viết về phương diện này, tiếp theo thu thập báo cáo trong mấy năm gần đây liên quan đến tình trạng giáo dục trẻ em trong các gia đình lao động nhập cư. Lúc đặt bút viết, tôi giải thích hiện trạng giáo dục trẻ em trong các gia đình lao động nhập cư qua hàng loạt số liệu xác thực, và đưa ra hướng giải quyết vấn đề từ nhiều góc độ, tầng bậc khác nhau. Tuy quá trình viết bài viết mẫu cũng vất vả, khổ sở y như quá trình viết PS, nhưng vì tôi từng nếm trải khó khăn trước đó rồi, nên lần thứ hai viết bài luận đạt hiệu suất cao hơn hẳn.

Vào giữa tháng Chín, tôi giải quyết xong hai bài luận quan trọng nhất là Bài tự giới thiệu bản thân và Bài viết mẫu, nhưng tôi vẫn chưa bắt tay vào những việc vụn vặt khác. Lúc đó, chỉ còn cách hạn chót nộp hồ sơ xin nhập học UW đúng một tháng, tôi còn rất nhiều việc cần làm như: Làm bảng điểm, viết sơ yếu lý lịch, tìm người viết thư giới thiệu… Tôi liệt kê tất cả những việc cần làm thành một danh sách trong cuốn sổ tay, nhìn vào danh sách dài dằng dặc đó cùng với quỹ thời gian ngày càng ít đi, tôi muốn ngất xỉu. Lúc ấy, để không cho bản thân mình sụp đổ, hàng ngày dù bận đến mấy, tôi cũng dành thời gian lên mạng đọc một vài câu chuyện nhỏ có tác dụng khích lệ ý chí và truyện ký của danh nhân. Bên cạnh đó, những thành viên trong phân đội nhỏ vẫn luôn phấn đấu cùng tôi cũng đang bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi GRE diễn ra vào tháng Mười. Tôi động viên bọn họ cố gắng thi cử, còn bọn họ động viên tôi cố gắng làm hồ sơ du học, chúng tôi giống như một đám đấu sĩ nhạy cảm mang trong mình ước mơ cháy bỏng, vẫn luôn dìu dắt, nâng đỡ nhau tiến bước trên con đường trải đầy chông gai.

Chờ đợi là một sự dày vò đau khổ

Cuối cùng đến đầu tháng Mười, tôi cũng hoàn tất hồ sơ xin nhập học UW. Lúc này, tôi cực kỳ kích động, nhưng cũng rất căng thẳng, tôi bắt đầu gửi hồ sơ cho UW qua mạng. Hạn cuối gửi hồ sơ xin nhập học của UW là ngày 15 tháng Mười, ngày 4 tháng Mười, tôi chính thức gửi hồ sơ. Bây giờ tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc click vào ô “gửi”, tay tôi run lẩy bẩy, tôi kiểm tra đi kiểm tra lại email không biết bao nhiêu lần, chỉ sợ nhỡ có chỗ nào điền sai hay đính sai. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi gửi hồ sơ du học tới một trường đại học của Mỹ, vả lại, đây còn là dream school! Sau khi gửi xong hồ sơ, tôi ngồi ngây ngốc trước máy tính chừng năm phút, trong đầu bắt đầu tưởng tượng đầu bên kia sẽ có phản ứng như thế nào khi nhận được hồ sơ của tôi. Sau những phút ngây ngốc đó, tôi cuống cuồng check mail, nhưng ngoài một email xác nhận “đã nhận được hồ sơ” do nhà trường tự động gửi lại, thì chẳng có gì hết. Kể từ lúc đó, check mail và chờ đợi trở thành giai điệu chủ đạo trong cuộc sống của tôi. Buổi tối hôm đó đi ngủ, tôi vẫn cầu khẩn: Ngày mai tỉnh dậy, hy vọng trong hòm thư của mình sẽ có thư mới!

Tiếc là lời cầu khẩn của tôi không trở thành hiện thực, sáng ngày hôm sau hòm thư vẫn trống không. Sau khi gửi hồ sơ qua mạng xong, tôi còn phải tiếp tục chuẩn bị những tài liệu bằng giấy như bảng điểm chẳng hạn, gửi trực tiếp cho UW. Để có thể để lại một ấn tượng đầu tiên hoàn hảo trong mắt ngôi trường du học, tôi không những làm bảng điểm theo đúng yêu cầu của trường, mà còn dùng loại giấy thượng đẳng in một lá thư viết cho Ủy ban tiếp nhận hồ sơ du học. Ngoài ra, tôi còn dùng những chiếc kẹp nhỏ với đủ màu sắc khác nhau để kẹp giữ các loại giấy tờ, tài liệu theo trật tự quy củ, mặt ngoài cùng còn kẹp một bảng ghi chú giúp đối phương tiện bề kiểm tra tài liệu.

Sau khi chuẩn bị xong tất cả các tài liệu, tôi chạy đến Trung tâm chuyển phát nhanh DHL của trường Đại học Bắc Kinh, gửi bưu kiện. Nhân viên làm việc ở đấy cho tôi biết sau bốn ngày làm việc, phía bên kia sẽ nhận được bưu kiện, tôi ngớ ngẩn hỏi đi hỏi lại người ta n lần: “Liệu bưu kiện có bị thất lạc không? Liệu bưu kiện có bị thất lạc không?” Hai tay tôi run run đặt túi hồ sơ vào trong túi chuyển phát nhanh của người ta, điền xong bảng thông tin chuyển phát nhanh, lại kiểm tra đi kiểm tra lại n lần, chỉ sợ xảy ra nhầm lẫn. Bưu kiện đó bao gồm tất cả kỳ vọng, phỏng đoán, lo lắng, ước mơ, hạnh phúc, và cầu khẩn… của tôi – sẽ vượt đại dương theo túi chuyển phát nhanh.

Kết thúc việc gửi hồ sơ tới UW, tiếp theo đây, chỉ có chờ đợi – chờ đợi trong sự đau khổ và sốt ruột vô cùng.

Sau khi làm xong hồ sơ xin nhập học UW, tôi đã quen với toàn bộ quy trình làm hồ sơ du học, nên đương nhiên tôi làm hồ sơ của mấy trường còn lại dễ dàng hơn nhiều. Tôi sắp xếp sáu trường đó theo thứ tự hạn chót nộp hồ sơ, tra cứu yêu cầu của từng trường đối với hồ sơ xin nhập học. Khi xem kỹ thông tin, tôi mới biết trong số những trường này có trường nhận toàn bộ hồ sơ qua mạng, có trường nhận trực tiếp toàn bộ hồ sơ, và cũng có trường nhận cả bản điện tử và bản giấy. Sau khi liệt kê tất cả những việc cần xử lý, tôi phát hiện ra khối lượng công việc không hề nhỏ chút nào, vì thế tôi không dám lười biếng, khẩn trương bắt tay vào làm. Tuy phần lớn các bộ hồ sơ du học đều giống nhau, chỉ khác nhau một số chỗ không đáng kể, nhưng tôi không dám chủ quan xem nhẹ, mà vẫn nghiên cứu cẩn thận chương trình đào tạo của khoa và chuyên ngành của mỗi trường, làm hồ sơ xin nhập học theo khuôn mẫu của từng trường.

Những lúc bận rộn, thời gian cũng hối hả trôi đi, thế mà tôi vẫn ở trong tâm trạng hưng phấn và vui vẻ. Mỗi lần ngồi tàu điện ngầm đến Đại học Bắc Kinh gửi hồ sơ du học, trong lòng tôi luôn cảm thấy đây là con đường dẫn tới ước mơ. Cuối tháng Mười, trong khi người khác vẫn đang bận làm hồ sơ du học, tôi đã hoàn thành tất cả hồ sơ du học của bảy trường đại học. Tôi đạt được mục tiêu do chính mình đề ra là làm một con chim ngu ngốc bay đi trước. Mặc dù lúc đó tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ tin tức gì, mặc dù lúc đó cả ngày tôi vẫn sốt ruột chờ đợi, nhưng tự đáy lòng, tôi cảm thấy mình là người chiến thắng trong chiến dịch này. Trong cả quá trình làm hồ sơ du học, tôi học hỏi được rất nhiều điều, cảm nhận được rất nhiều điều, bởi vì tôi đã đi được đến điểm cuối cùng trên con đường gian nan ấy. Từ trạng thái mù tịt thông tin lúc đầu cho đến ngày hôm nay hoàn thành toàn bộ hồ sơ du học, tôi đã bỏ ra bao nhiêu vất vả, mặt khác, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ và chỉ dẫn của không ít người, tôi không thể diễn tả hết lòng biết ơn của mình đối với họ.

Sau khi kết thúc toàn bộ nhiệm vụ làm hồ sơ du học, cuộc sống của tôi bỗng yên tĩnh trở lại, thật khó nói ra cảm giác thư thái trong lòng.“Đến lúc phải đi rồi.” – Tôi tự nói với mình như vậy. Lúc đó, tôi nghe có người trên diễn đàn nói, sau khi gửi hồ sơ du học, những bạn làm hồ sơ thường đi viếng chùa Ngọa Phật ở Hương Sơn, Bắc Kinh bái lạy, vì cách phát âm của từ “chùa Ngọa Phật” trong tiếng Trung gần giống cách phát âm của từ “offers” trong tiếng Anh. Tôi nghĩ, mình chưa làm chuyện này bao giờ, sao không thử một lần cho yên tâm. Vì vậy, tôi lên đường, bắt hết tuyến xe bus này rồi lại chuyển sang chuyến tàu điện ngầm kia, cuối cùng cũng đến được chùa Ngọa Phật. Tôi vào chùa thắp hương, thành tâm bái lạy chư phật. Đôi khi con người là một loài động vật thật kỳ lạ. Ngày hôm đó ở chùa Ngọa Phật, tôi lại bắt đầu nói chuyện với phật tổ giống như trước đây tôi thường nói chuyện với bức tượng của Chu thủ tướng. Hễ nhìn thấy phật là tôi bái lạy, tôi bái lạy từ vị phật thứ nhất đến vị phật sau cùng, lần lượt kể cho họ nghe câu chuyện của mình. Hết lần này đến lần khác mặc niệm: “Tuy trước đây con là một đứa trẻ hư hỏng, không biết phải học tập, không biết phải tiến bộ, làm cho bố mẹ đau đầu suy nghĩ, nhưng bây giờ con đã thực sự thay đổi rồi, con của hiện tại là một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nỗ lực. Lần này con đã dốc hết sức mình, ngài ở trên trời, xin hãy ban cho con một chút may mắn…” Đang nói lại bật khóc.

Từ chùa Ngọa Phật đi ra, tôi cuốc bộ đến trạm xe bus, dọc đường liên tục đưa tay lên quệt nước mắt, tôi rút điện thoại ra ghi âm cho mình một đoạn độc thoại rất kịch. Lời mở đầu giống như đoạn bác sĩ tham vấn tâm lý hay bác sĩ thần kinh ghi âm cho người bệnh trong những vụ án điển hình trên phim: “2:45 chiều, ngày 28 tháng 10 năm 2008. Hôm nay tôi đi viếng chùa Ngọa Phật, trước đây tôi chưa từng có tín ngưỡng tôn giáo, nhưng hôm nay không hiểu vì sao tôi lại đặt chân đến đây, hơn nữa tôi còn bái lạy chư phật và khóc, trông rất xấu. Tôi không muốn những nỗ lực của mình bấy nhiêu lâu đều đổ xuống sông xuống biển, tôi đã cố gắng, nỗ lực vì mục tiêu du học trong suốt quãng thời gian bốn năm học đại học và một năm rưỡi học cao học. Tôi không biết người ta có cần tôi hay không, nhưng tôi không muốn bọn họ ghét bỏ mình… Tôi thật sự muốn đi học, nên tôi hy vọng mình có một kết quả tốt đẹp. Những gì có thể cố gắng, tôi đều đã cố gắng rồi, giờ chỉ có thể nghe theo mệnh trời thôi. Ôi, cảm giác nghe theo sự sắp đặt của ông trời mới thật tồi tệ.”

Mấy ngày sau chuyến đi chùa Ngọa Phật về, cuộc sống của tôi phẳng lặng, không một chút gợn sóng. Chuyện là như thế này: Trong thời gian phấn đấu, tôi có thể ghi nhớ từng chi tiết, sự việc trong đó. Nhưng khi cuộc sống phẳng lặng, tôi chẳng thể lưu giữ bất cứ thứ gì vào đầu. Tôi chỉ nhớ tôi bỏ rất nhiều thời gian đi tản bộ trong sân trường, thi thoảng ngẩng đầu lên nhìn bầu trời ban đêm, nhưng chẳng tìm đâu thấy cảnh sao đầy trời. Tôi lại nhớ hồi đại học, bố lái xe đưa tôi tới thảo nguyên ngắm sao, những vì sao ở đây giăng kín bầu trời tựa như dòng sông, nhập với đường chân trời xa tít tắp làm một, cảm tưởng có thể đưa tay với tới được, quả thật rất đẹp. Bố bảo tôi, khi không nhìn thấy đường đi, tôi chỉ cần hướng mắt ra chỗ cách xa mình năm mét về phía trước là được. Nhưng, lúc này, “năm mét về phía trước” vẫn chỉ là chờ đợi, thi thoảng gửi thư tới trường hỏi tiến độ xét duyệt hồ sơ, và nhận những lời từ chối khách khí.

Hồi đó, tôi ghét nhất là thứ bảy, chủ nhật, vì cuối tuần trong hòm thư của tôi không có bất kỳ một thư mới nào. Còn thời gian vui nhất là sau chín giờ tối mỗi ngày làm việc, vì lúc đó chính là lúc bắt đầu một ngày làm việc mới bên Mỹ. Mỗi lúc như vậy, tôi phải ngồi trước máy tính, check mail. Bất luận làm gì, tôi cũng vẫn mở trang email, cách mấy phút lại check mail một lần. Mỗi khi trông thấy phía sau Hộp thư đến xuất hiện một dấu “(1)”, tôi vui mừng khôn xiết; còn nếu Hộp thư đến vẫn trống không, tôi sẽ lại chán nản, thất vọng. Hôm nào ngồi canh email đến rạng sáng, hai con người trong tôi lại tranh luận: Một bên nói: “Sao phải tốn công ngồi đây, sáng mai thức dậy rồi kiểm tra hòm thư cũng thế mà?”, còn một bên lên tiếng rằng: “Đợi thêm một lúc nữa, một lúc nữa đi, không chừng mấy phút nữa sẽ có thư mới đấy.”

Ôm mong ngóng và hy vọng mở hòm thư, rồi lại ôm thất vọng và dùng dằng chẳng nỡ đóng hòm thư lại gần như trở thành một việc bắt buộc phải làm hàng ngày. Tôi nhớ trước khi làm hồ sơ du học, tôi thường dạo quanh các diễn đàn và thấy rất nhiều bài viết có tựa đề như “chờ đợi là một sự dày vò đau khổ”. Lúc đó, tôi cảm thấy rất khó hiểu về người đăng bài viết đó, nghĩ bụng: “Có gì dày vò chứ, nên chơi thì chơi, nên thả lỏng thì thả lỏng đi.” Nhưng bây giờ, người chờ đợi là tôi, người trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc này cũng là tôi, tôi mới thật sự trải nghiệm được, thấu hiểu được sự dày vò đó. Tôi bắt đầu tán đồng quan điểm của họ, ủng hộ họ, thậm chí tôi còn đăng bài viết bày tỏ cảm giác bất lực của mình. Con người là vậy, khi nào bản thân mình chưa từng trải qua chuyện này thì chẳng thể hiểu rõ những cảm nhận đó, đến khi sắp sụp đổ tới nơi rồi, mới nghĩ: Tin tốt cũng được, tin xấu của được, miễn là cho tôi một cái tin, đừng để trái tim thấp thỏm mong chờ như thế…

Cuối cùng cũng nghe thấy tiếng Ước mơ thành hiện thực

Sang tháng Mười một, tin tức nhập học vẫn bặt vô âm tín. Tôi giết thời gian, buông lỏng bản thân, và cảm nhận cuộc sống bằng nhiều phương thức vui chơi giải trí như xem phim, làm phụ đề, hát karaoke. Song mục đích sau cùng của tất cả những trò tiêu khiển này chỉ có một, là: Chuyển sự chú ý. Lúc này các thành viên trong phân đội nhỏ của tôi cũng lục tục kết thúc các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ, chúng tôi quyết định cùng nhau đi viếng chùa Ngọa Phật một lần nữa. Cũng vẫn như lần trước, hễ nhìn thấy phật là tôi bái lạy, vô cùng thành kính. Buổi tối hôm ấy bái phật xong, chúng tôi hào hứng kéo nhau đi ăn món “cánh gà anh năm” nức tiếng nhất trên đường Dongsi Shitiao. Cả buổi tối, chúng tôi nói cười huyên thuyên, cùng hồi tưởng lại những niềm vui và nỗi khổ trên con đường du học. Tôi nghĩ, con đường này thật sự rất cực khổ, nếu không có bọn họ, chắc chắn tôi sẽ còn khổ hơn trên hành trình của mình. Có lẽ đây cũng là nguyên do tại sao trong cuộc đời mỗi con người luôn cần đến một người đóng vai “bạn”. Vì vậy, tôi biết ơn từng người trong bọn họ.

Qua bao nhiêu ngày chờ đợi khổ sở, vào ngày 11 tháng Mười một, tôi đột nhiên nhận được một thư mới! “Trời ơi, cuối cùng UW cũng gửi tin rồi!” Tim tôi đập dồn dập, tôi khấp khởi vui mừng mở thư ra xem, nhưng bên trong chỉ có vẻn vẹn một câu: “Dự kiến vào giữa tháng Mười một, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định những ai trúng tuyển và trao học bổng.” Đọc được bức thư này, những tế bào thần kinh trong tôi vẫn tản mát đâu đó, bỗng chốc căng lên. “Giữa tháng Mười một? Hôm nay đã là ngày 11, có nghĩa là trong mấy ngày sắp tới, lúc nào mình cũng có thể nhận được tin?” Trống ngực vẫn không ngừng đập thình thịch, tôi hồi hộp, căng thẳng. Khẩn trương click vào ô “Trả lời”, hỏi trường bên kia có thể cho tôi một mốc thời gian cụ thể hơn không. Năng suất làm việc của nhà trường rất cao, họ nhanh chóng hồi âm cho tôi: “Đầu tuần sau.”

Tối hôm đó tôi mất ngủ, lăn qua lăn lại mãi vẫn không sao đi vào giấc ngủ được. Mẹ bảo tôi thả lỏng tâm trạng, nhưng căn bản tôi không làm được. Hai con người trong tôi lại bắt đầu cãi nhau chí chóe: Bên này nói: “Đừng nghĩ quá tốt đẹp, càng hy vọng nhiều, càng thất vọng nhiều; càng trèo cao, càng ngã đau, nên tính đến trường hợp xấu nhất!”; bên kia nói: “Mi đã rất dụng tâm làm hồ sơ, nói không chừng những tình tiết bất ngờ trên phim sẽ xảy ra với mi, nói không chừng mi sẽ trở thành người may mắn.”

Mấy ngày liền, tôi đều không ngủ được, đồng hồ sinh học tự giác chuyển đến bốn giờ ba mươi phút sáng. Mỗi hôm đến bốn giờ ba mươi phút tôi đều buồn ngủ ríu cả mắt, quờ quạng mở điện thoại kiểm tra hộp thư, rồi lại đem thất vọng chìm vào giấc ngủ. Sau mỗi tối ngủ say, tôi đều mơ những giấc mơ giống nhau: Tôi mơ UW nhận tôi vào học, tôi mơ rõ ràng là mình nhìn thấy rành rành từng câu, từng chữ trong thư, và còn mơ thấy người ta trao cho tôi suất học bổng trị giá bốn mươi nghìn đô-la, mơ thấy mình bị kích động đến nỗi ôm chặt lấy mẹ, nói: “Mẹ con mình không lo không được đi học nữa rồi.” Nhưng mỗi lần cảnh trong mơ càng trở nên chân thực, tôi càng trở nên sợ hãi, vì những người lớn luôn nói rằng: Chuyện trong mơ thường ngược với thực tế.

Tôi cố chịu đựng qua hai ngày cuối tuần đó, rồi thứ hai – cái ngày tràn đầy mong ngóng trong tôi cũng đến. Nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy, người Mỹ cũng không quan niệm quá cứng nhắc về mặt thời gian. Sau ngày thứ hai, hòm thư của tôi vẫn không có tin tức gì. Thứ ba, hòm thư vẫn trống không như thế. Thứ tư, hòm thư chỉ nhận được một thư rác. Đến thứ năm, tôi có cảm giác hòm thư cũng phát chán mình rồi, vì mỗi ngày tôi kiểm tra nó đến nghìn lần. Sang ngày thứ sáu, tôi đã phát điên lên rồi, một mình tôi ở trong ký xá, gào thét: “Sao các vị nói mà chẳng giữ lời? ‘Đầu tuần’ không báo kết quả, thì từ giờ đừng hồi âm cho tôi nữa! Tại sao đưa người ta lên thiên đường, rồi lại đạp một phát cho người ta ngã xuống địa ngục thế này!” Từ thứ hai cho đến thứ sáu, năm ngày này đối với tôi mà nói tựa như năm thế kỷ. Tôi nhìn vào cuốn lịch, ngẫm nghĩ, tuần sau là đến Lễ Tạ ơn ở nước Mỹ rồi, bọn họ sắp có một kỳ nghỉ lớn, còn ai nhớ gửi thư cho mình. “Có lẽ mình tiêu đời rồi, cao thủ quả nhiên ‘giết người bằng vũ khí hóa học’, đầu tiên tác động đến mình, rồi phớt lờ mình, cuối cùng giết mình trong im lặng, quá độc ác…”

Vì đang mang tâm trạng nặng trĩu, nên tối thứ sáu tôi chỉ viết một bức thư sơ sài gửi Đại học Nam California, hỏi họ có nhận được hồ sơ xin nhập học tôi gửi không. Và cũng vì quá yêu thích UW, nên tôi vẫn tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào nó, không buồn liên hệ với các trường khác, hoàn toàn quên mất rằng chiến thuật ban đầu của tôi là: “Nộp hồ sơ cho UW chỉ là để dò đường, còn các trường khác mới là đối tượng tấn công chính.” Viết xong thư, tôi leo lên giường đi ngủ.

Sáu giờ sáng thứ bảy tỉnh dậy, theo bản năng, tôi sờ điện thoại nằm dưới gối, mở máy, kết nối mạng, rồi đăng nhập vào hòm thư. Tốc độ vào mạng rất chậm, tôi vừa chờ vào mạng, vừa ngủ thiếp đi. Đến lúc choàng mở mắt thì đã là tám giờ sáng. Tôi dụi mắt, nhìn vào màn hình điện thoại, thấy phía sau hộp thư đến có một dấu “(1)”. Tôi thầm nghĩ, Đại học California hồi âm nhanh thế. Tôi click vào ô bên phải kiểm tra người gửi đến, bất thình lình nhìn thấy dòng chữ “Phòng tuyển sinh Học viện George Brown, Đại học Washington ở St. Louis”. Tôi mở banh hai con mắt, vội vàng click vào email đọc nội dung, mạng chậm, thành ra tôi ngồi trên giường lo lắng suông. Mãi mới mở được nội dung bức thư, tôi ngấu nghiến đọc, đại ý là: “Chúng tôi đã hoàn tất việc kiểm tra đánh giá cuối cùng toàn bộ hồ sơ du học. Qua quá trình xem xét cẩn trọng, chúng tôi đưa ra quyết định nhận bạn vào học. Xin hãy đăng nhập vào website của học viện xem kết quả trúng tuyển.” Trong tích tắc, trái tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực, đầu óc cũng ngừng chuyển động, tôi đưa điện thoại cho cô bạn cùng phòng đọc thật kỹ vì sợ mình lóa mắt. Bạn ấy xem qua điện thoại, rối rít nói: “Có kết quả rồi, mau mở máy tính đi!” Lúc đó tôi bị đơ, lừ đừ mặc quần áo, xuống giường, mở máy tính. Tôi có thể nghe rõ nhịp tim của mình đập thình thịch.

Lò dò đăng nhập vào email, cuối cùng tôi cũng đọc được tin thông báo. Chữ đầu tiên của đoạn đầu tiên trong nội dung bức thư là:Congratulations! Nước mắt ngân ngấn khóe mi làm tôi không nhìn rõ cái gì, tôi cố lau nước mắt, nhưng nó lại tuôn rơi lã chã. Tôi tìm khăn giấy dí hẳn vào hốc mắt, kiên trì đọc tiếp. Chẳng biết tôi đọc đi đọc lại bao nhiêu lần, rồi mới dám chắc, thì ra là thật, tôi được nhận rồi! Tôi được nhận rồi! Tôi là Phạm Tiến! Tôi cũng đỗ rồi! Khi tôi mong nó đến, thì nó chẳng đến, đến khi tôi mất niềm tin vào nó, thì nó lại nện một đòn đau vào đầu tôi. Tôi lập tức gọi điện thoại cho mẹ, giọng hãy còn run run, bảo mẹ rằng giấc mơ của tôi đúng một nửa:“Đúng là con trúng tuyển rồi mẹ ạ, nhưng học bổng là bán phần, không phải là toàn phần, con có nên đi học không hả mẹ?” Mẹ thét chói tai: “Con bé ngốc này nghĩ cái gì thế? Đương nhiên là phải đi chứ!”

Giây phút ấy, dường như tôi nghe thấy tiếng ước mơ trở thành hiện thực, nghe thấy tiếng lý tưởng trở thành hiện thực. Tất cả những cố gắng của tôi trong bấy nhiêu lâu, thật sự là không uổng công. Tất cả những gì tôi bỏ ra, thật sự đã được đền đáp. Sự can đảm thử sức của tôi lần này, thật sự đã thành công. Giấc mơ đi du học tôi ôm ấp bao năm qua, cuối cùng cũng trở thành hiện thực rồi! Rõ ràng là rất chân thật, nhưng ta lại cảm thấy không thật chút nào, bây giờ tôi vẫn có thể cảm nhận rõ cảm giác lúc đó. Tôi nghĩ, vào khoảnh khắc đó, tất cả những lo lắng, khổ sở, mồ hôi, nước mắt, cô độc, mệt mỏi của tôi suốt một thời gian dài trong quá khứ đều đáng giá. Quả thật, bấy nhiêu phấn đấu, bấy nhiêu công sức chỉ là để đợi đến giây phút này.

Từ nhỏ đến lớn, tôi vẫn luôn ước mơ, sau này lớn lên có thể đi đây đi đó, thăm thú thế giới rộng lớn này. Sau bao tháng ngày lặng lẽ phấn đấu, thì ngày đó cũng đến thật rồi. Tôi làm được rồi. Dựa vào sự nỗ lực không mệt mỏi của mình, tôi thật sự làm được rồi! Trải qua thời gian phấn đấu lâu như vậy, một lần nữa tôi đã thay đổi được số phận của mình, thực hiện được ước mơ của mình. Và quan trọng hơn là tôi hiểu rõ một đạo lý: Chỉ cần có nội tâm đủ mạnh mẽ, quyết tâm đủ kiên định, hành động đủ quyết đoán, kiên trì đủ lâu bền và nắm chắc từng cơ hội đến với mình, thì ai cũng đều có cơ hội trở thành kẻ mạnh, trở thành người thành công. Hay cũng chính là nói: Trái tim rộng lớn bao nhiêu thì võ đài rộng lớn bấy nhiêu. Bạn vừa phải dám nghĩ, vừa phải dám làm, sau khi xác định được mục tiêu trong lòng, hãy sải chân tiến bước về phía trước, làm một đấu sĩ dũng cảm theo đúng nghĩa.

Tâm trạng kích động của tôi lúc mới nhận được tin trúng tuyển, rốt cục cũng chỉ kéo dài một ngày. Rất nhanh sau đó, tâm trạng kích động ấy bị bao trùm bởi nhiều chuyện nhỏ nhặt kế sau. Việc làm visa của tôi gặp một vài trở ngại, nhưng cũng may là cuối cùng vẫn được thông qua. Sau đó, tôi bận ở các nơi các xó, nào là cáo biệt họ hàng, nào là tụ tập với đám bạn thân, rồi còn thu dọn hành lý, đóng gói đồ đạc. Khoảng thời gian ngắn ngủi cuối năm 2008 trôi đi thật gấp gáp, nhưng dù ban ngày bận đến mấy, buổi tối tôi cũng ở nhà với mẹ, cùng bà tưởng tượng xem nước Mỹ như thế nào, cuộc sống ở đó ra sao. Tôi khó mà lột tả hết được cảm xúc trong lòng mình vào lúc cầm tấm vé máy bay đưa tôi sang bờ bên kia đại dương ở trên tay: Háo hức, mong chờ, lo lắng, sợ hãi, kích động, do dự, căng thẳng và hàng vạn điều không nỡ…

Cũng trong thời gian đó, tôi bắt đầu lao vào viết một loạt bài cảm ơn trên blog. Cảm ơn mẹ làm người bạn tốt nhất của tôi, cảm ơn mẹ vì dạy tôi đạo lý “ngựa con qua sông”, cảm ơn vì đã an ủi, khích lệ tôi, cảm ơn tất cả sự hy sinh, quan tâm bà dành cho tôi, cảm ơn vì đã luôn ủng hộ và yêu thương tôi bằng tình yêu vô bờ bến của bà. Cảm ơn bố làm hậu thuẫn vững chắc của tôi, cảm ơn ông chỉ cho tôi biết “con phải nhìn rõ con đường cách con năm mét về phía trước”, cảm ơn ông đã cho tôi biết tôi là một đứa con gái kiên cường và xuất sắc, cảm ơn ông vì đã mãi mãi yêu thương tôi. Cảm ơn bố mẹ không hề trách móc, mắng mỏ, vứt bỏ tôi, cho dù trước đây tôi là một đứa con hư. Cảm ơn Cá Béo Ướp Muối làm tri kỷ và chiến hữu của tôi, cảm ơn bạn đã cảnh tỉnh tôi mỗi khi tôi kiêu căng, ngạo mạn, đồng thời tiếp thêm can đảm cho tôi mỗi khi tôi yếu đuối, hèn nhát, cảm ơn câu nói “cậu thật sự không biết cậu có sức mạnh lớn như thế nào đâu” của bạn, cảm ơn vì đã luôn tin tưởng và nhường nhịn tôi, và đã luôn cùng tôi trên con đường phấn đấu này. Tôi cũng cảm ơn các thành viên trong phân đội nhỏ của diễn đàn Jituo và những người bạn cùng phòng trong ký túc xá cừ khôi nhất của tôi, cảm ơn sự động viên, khích lệ, ủng hộ, cảm thông và lặng lẽ quan tâm của các bạn, cảm ơn vì đã luôn sát cánh chiến đấu cùng tôi. Cảm ơn tất cả những người bạn tốt từng giúp đỡ tôi trên chặng đường làm hồ sơ du học và cùng tôi trải qua giai đoạn đó. Thiếu bất kỳ một ai trong số bọn họ, có lẽ chặng đường của tôi sẽ càng khó đi hơn. Tôi vĩnh viễn không thể nói hết lời cảm ơn của mình. Cuộc đời của mỗi người là một chuỗi dài nối tiếp, thiếu đi một mắt xích nào trong đó cũng đều không đến được bến bờ ước mơ.

Tôi có cảm giác cả một năm 2008 trôi qua rất chậm, có quá nhiều việc xảy ra. Nhưng bây giờ hồi tưởng, tôi lại cảm thấy nó trôi đi rất nhanh. Trong một năm đó, tôi trải qua một kỳ thi tiếng Anh được ví như là đỉnh núi Chomolungma, mặc dù chưa đạt được mục tiêu dự kiến của mình, nhưng tôi cảm thấy mình đã thắng lợi, bởi vì tôi học được rất nhiều điều trong quá trình ôn tập và thi cử đó, tôi không những nâng cao được năng lực tiếng Anh của mình, mà quan trọng hơn là tôi trở nên chín chắn hơn về tâm trí và tư tưởng. Một năm 2008 đó, tôi hoàn tất toàn bộ quá trình làm hồ sơ du học, từ việc chọn trường, chọn chuyên ngành ban đầu cho đến việc làm visa sau cùng, cũng đồng nghĩa với việc tôi thực hiện cuộc lột xác từ một học viên của một ngôi trường bình thường đến một học viên của một trường đại học danh tiếng nước Mỹ. Trước khi trải qua tất cả những việc này, tôi luôn hèn nhát suốt một thời gian dài, vì tôi cảm thấy sợ ẩn số của tương lai. Nhưng, sau khi dũng cảm đặt bước đi đầu tiên, tôi nhận ra mỗi việc trong đó đều không khó như ban đầu tôi nghĩ. Dần dần tôi hiểu, gặp một việc khó, tôi cần phải phân tích nó một cách lý trí, phải tìm hiểu nó một cách nhẫn nại, phải giải quyết nó một cách nghiêm túc, và càng phải sáng suốt hơn vào những lúc một mình hoang mang, sợ hãi ở trong hố đen. Tất cả những trải nghiệm trong năm 2008 đều vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời tôi.

Ngày lên đường đi du học, bố, mẹ, em họ và Cá Béo Ướp Muối cùng đưa tôi ra sân bay. Mọi người đều nói cười vui vẻ, không ai nhắc đến hai từ “chia ly” ấy. Tôi cố ý nán lại hồi lâu, không muốn bước vào cửa kiểm tra. Đến lúc không thể không đi, tôi ôm chặt từng người và trao cho họ nụ cười tươi rói, rồi “nhẫn tâm” quay người rời đi. Trong khoảnh khắc quay người bước đi, nước mắt trào ra khỏi khóe mắt, nhưng tôi không dám quay đầu lại nhìn thêm một cái…

Trước đó, tôi có xem sao đoán số, người ta nói năm 2009 của tôi ứng với sao Thiên Xướng, đây sẽ là một năm có những trải nghiệm và thử thách rất lớn. Tôi hiểu rõ thử thách tôi phải đối mặt trong năm 2009: Một năm đó, tôi phải chuyển tới một môi trường mới, đó không chỉ là ngôi trường mới, chuyên ngành mới, thầy cô mới, bạn bè mới, mà ngôn ngữ nói và cả nền văn hóa mà tôi tiếp xúc cũng hoàn toàn mới. Tôi biết con đường tương lai vẫn rất khó đi, vì ánh trăng phương Tây chẳng tròn trịa bằng ánh trăng quê nhà. Con đường tương lai chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn và trở ngại hơn, tôi nhất định phải đối diện với nó bằng ý chí chiến đấu mạnh mẽ. Tôi phải quý trọng bội phần thành quả được đổi bằng vất vả. Tính ra từ nhỏ tới lớn, tôi học tiếng Anh cũng gần mười lăm năm, nhưng những kiểm nghiệm về năng lực tiếng Anh của tôi, thực sự vừa mới bắt đầu thôi…

GHI CHÚ NHỎ

Về quy trình làm hồ sơ du học

Trong trường hợp thông thường, quy trình làm hồ sơ du học gồm mấy bước sau đây:

1. Bước thứ nhất, chuẩn bị cho các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ, bao gồm GRE/GMAT, TOEFL/IELTS;

2. Bước thứ hai, chọn trường học, chọn chuyên ngành;

3. Bước thứ ba, chuẩn bị hồ sơ du học theo những yêu cầu khác nhau của mỗi trường, bao gồm: Bài tự giới thiệu bản thân/bài viết mẫu, sơ yếu lý lịch, thư giới thiệu…;

4. Bước thứ tư, nộp hồ sơ du học;

5. Bước thứ năm, chờ đợi;

6. Bước thứ sáu, nhận tin trúng tuyển và xin học bổng.

7. Bạn có thể tìm được nội dung chi tiết của từng bước trong quy trình trên ở bất cứ một bài viết tinh hoa nào trên các diễn đàn du học.

8. Còn cụ thể quy trình trên tốn mất bao nhiêu thời gian thì tùy vào điều kiện của mỗi người mà có sự khác nhau: Ít thì một năm, nhiều thì n năm, tất cả đều phụ thuộc vào sức làm việc mạnh mẽ, ham muốn đi du học của cá nhân và độ tiến triển thuận lợi của sự việc.

Về xin học bổng du học

Có không ít người hỏi tôi: “Trong quá trình làm hồ sơ du học, em phải làm thế nào mới có thể xin được học bổng?”

Trước hết, tôi muốn nói rõ rằng, tôi không phải là chuyên gia về phương diện du học, nên những quan điểm cá nhân tôi đưa ra dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo.

Chúng ta cần làm rõ một việc, người xin học bổng phải là người có tố chất tổng hợp rất cao, cho nên ở đây, tôi nhấn mạnh đến tố chất “tổng hợp”. Một bộ hồ sơ du học được cấu thành từ rất nhiều phần khác nhau, bao gồm điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ du học, bảng điểm đại học, sơ yếu lý lịch (gọi tắt là CV), thư giới thiệu, bài tự giới thiệu bản thân/bài viết mẫu… Khi đưa ra học bổng, mỗi trường đều xem xét tổng hợp tất cả các tài liệu mà bạn cung cấp. Điều này không có nghĩa là cứ điểm GRE của bạn cao vút, còn những cái khác chỉ bình thường, thì người ta sẽ trao học bổng cho bạn; cũng không có nghĩa là kinh nghiệm làm việc của bạn rất phong phú, còn chất lượng các bài luận khác chỉ bình thường, thì người ta sẽ trao học bổng cho bạn; càng không có nghĩa là thời đại học, thành tích học tập của bạn luôn đứng thứ nhất toàn khoa, nhưng các mặt khác chỉ bình thường, thì người ta sẽ trao học bổng cho bạn. Tất cả những quan niệm đó đều không đúng. Trường đại học bên kia chỉ trao một số lượng học bổng hữu hạn cho những bạn hội tụ cả phẩm chất đạo đức và thành tích học tập xuất sắc – tức là người vừa có kỹ năng cứng xuất sắc (điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ và bảng điểm đại học), vừa có kỹ năng mềm xuất sắc (sơ yếu lý lịch, thư giới thiệu,…). Nếu một vài người xin học bổng có tố chất tổng hợp ngang ngửa nhau, có thể nhà trường sẽ sử dụng đến phương thức phỏng vấn trực tiếp hoặc phỏng vấn qua điện thoại để hiểu rõ hơn về từng ứng viên, từ đó đưa ra quyết định trao học bổng cho người nào trả lời phỏng vấn tốt hơn. Bởi vậy, muốn xin được học bổng, bạn bắt buộc phải dốc hết sức chuẩn bị những điều tốt nhất cho từng phần của bộ hồ sơ du học. Nói tóm lại một câu, trường bên kia chỉ mong muốn trao học bổng của họ cho những người thật sự xuất sắc và xứng đáng có được học bổng đó mà thôi.

Ngoài ra, còn có rất nhiều nhân tố bất định có thể làm ảnh hưởng đến việc trao học bổng mà chúng ta cũng cần phải nghĩ đến. Ví dụ thứ nhất, hầu hết các trường đại học đều trao học bổng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, vì thế họ sẽ lấy một tỷ lệ trao học bổng nhất định giữa học viên trong nước và học viên quốc tế. Trong số học viên quốc tế, họ cũng sẽ trao học bổng cho các học viên đến từ nhiều nước khác nhau, chứ không thể trao tất cả các suất học bổng cho học viên Trung Quốc. Ví dụ thứ hai, có những trường có thể sẽ ưu tiên hơn cho học viên Trung Quốc vì nhiều nguyên do như, viện trưởng, hiệu trưởng của họ là con cháu của người Hoa, viện trưởng, hiệu trưởng của họ có tình cảm nồng hậu với Trung Quốc, bạn học Trung Quốc của họ từng có những cống hiến quan trọng hoặc từng có quyên góp lớn cho trường. Trong trường hợp này, có thể học viên Trung Quốc sẽ có nhiều tỷ lệ nhận học bổng nhất. Ví dụ thứ ba, việc trao học bổng cũng còn tùy thuộc vào từng trường học cụ thể, từng chuyên ngành cụ thể hoặc từng học vị cụ thể. Có trường quy định rõ ràng là không trao học bổng cho học viên quốc tế năm thứ nhất, có chuyên ngành hoặc học vị (thường là học vị thạc sĩ khoa văn) từ xưa đến nay rất khó có thể trao học bổng cho học viên, không phải vì họ không muốn trao tặng học bổng mà vì họ không có đủ ngân sách để trao học bổng.

Tổng kết, xin học bổng là một việc bao gồm cả yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Về mặt chủ quan, bạn cần phải dốc hết sức chuẩn bị tốt nhất cho từng phần trong bộ hồ sơ du học của mình. Về mặt khách quan, bạn cần phải tìm hiểu kỹ càng về trường học trước khi làm hồ sơ du học: Nhà trường có cấp học bổng cho học viên quốc tế không, tỷ lệ học viên Trung Quốc khóa trước giành được học bổng như thế nào, định mức học bổng là bao nhiêu, sau khi nhận học bổng du học bạn có cơ hội nhận được các loại học bổng khác hay không. Nên nhớ, bạn chỉ có thể giải quyết từng khâu rắc rối, phức tạp trong quá trình thẩm định học bổng này bằng cách làm tốt hồ sơ du học của bạn và làm tốt con người bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.