Săn Học Bổng - Đích Đến Của Tôi Phải Là Nước Mỹ

Chương 3. Giây phút này, tôi đã hiểu ra



Ký ức cấp III

(Từ tháng Chín năm 2000 đến tháng Bảy năm 2003)

“Vào giây phút đứng ở cổng trường ngày hôm ấy, tôi đã nghĩ thông suốt mọi chuyện. Dù lúc đó, tôi vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời tường tận cho câu hỏi trước đó có liên quan đến việc tại sao con người cần phải học tập, tại sao con người cần phải phấn đấu, nhưng từ trong sâu thẳm đáy lòng tôi vang lên âm thanh hết sức rõ ràng, mách bảo tôi rằng: “Mình không thể cứ như thế này cả đời được! Mình nhất định phải thay đổi!” Đó là vào năm 2003, tôi bắt đầu phấn đấu từ đây.”

Tôi cảm thấy biết ơn vì hồi cấp III, cuối cùng tôi cũng tìm được trường để học. Dù không có những người bạn thân ở bên cùng tôi trải qua những năm tháng phổ thông đẹp nhất, tôi vẫn rất vui, bởi vì cuối cùng tôi cũng có thể trở lại trường học. Trước lúc khai giảng cấp III, tôi từng thề thốt chân thành với bố mẹ: “Con nhất định sẽ học giỏi hơn mỗi ngày, con nhất định sẽ không thua kém bạn bè.” Thuở nhỏ, tôi hiếm khi chịu hứa, nếu có hứa thì cũng chỉ hứa với bố mẹ mà thôi. Tôi luôn nghĩ, học là học cho bố mẹ: Mình học giỏi, bố mẹ sẽ được nở mày nở mặt; còn mình học dốt, cũng chỉ làm mất mặt họ mà thôi. Khi đó, tôi chưa bao giờ ý thức được rằng, thật ra từ nhỏ tới lớn, mỗi việc tôi làm, mỗi bước đường tôi đi, dù tốt dù xấu cũng đều in dấu trong cuộc đời tôi, vĩnh viễn không thể xóa nhòa.

Dù nói thế nào đi nữa, tôi cũng được đi học rồi! Tuy ngôi trường mới chỉ là “Nam Nê Loan”, nhưng ở trong lòng tôi, nó vẫn hiện lên đẹp đẽ. Cũng thật trùng hợp, cô giáo chủ nhiệm của tôi lúc bấy giờ cũng là một cô giáo tiếng Anh. Trong một bài kiểm tra trắc nghiệm tiếng Anh mấy tuần đầu, tôi đứng thứ nhất dựa vào những kiến thức nền tảng được tích lũy từ thời cấp II. Vì vậy, tôi vui như hoa nở, thầm nghĩ:“Thì ra tiếng Anh cấp III cũng không quá khó, cơ bản mình chẳng cần học hành chăm chỉ cũng vẫn có thể đạt điểm số cao ngất!” Thực tế, ở ngôi trường tư thục lúc ấy, học lực của các bạn trong lớp đều kém, nhưng tôi lại lầm tưởng, kết quả kiểm tra tốt là vì bản thân mình có thực lực… Những ngộ nhận về vị trí đứng đầu bảng xếp hạng môn tiếng Anh một lần nữa lại làm tôi buông lỏng cảnh giác. Sau khi có “tiến bộ”, tôi quẳng lời hứa của mình đối với bố mẹ lên chín tầng mây.

Lúc đó nhà trường thực hiện phương thức dạy học khép kín, hầu hết học sinh đều ở nội trú. Nhà tôi ở trong thành phố, vốn dĩ có thể lựa chọn không ở nội trú, nhưng vì muốn bồi dưỡng kỹ năng sống tự lập cho tôi nên mẹ đăng ký cho tôi ở lại trường. Ngoài mỗi cuối tuần về nhà lấy quần áo thay giặt ra, gần như toàn bộ thời gian tôi đều ở trường. Từ lúc sinh ra đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi xa nhà, nên mới đầu chưa thích nghi được, tôi rất nhớ bố mẹ. Nhưng lâu dần, tôi lại có cảm giác thoát khỏi “móng vuốt ma quỷ”: “Trời cao Hoàng đế ở xa”, mình làm gì, học gì, học thế nào ở trong trường, bố mẹ làm sao biết được. Mỗi lần bố mẹ hỏi thăm tình hình học tập, tôi đều cười hì hì, nói dối cho qua. Thật ra, hơn một tháng sau ngày khai giảng, tôi đã trở về trạng thái chán chường trước đây. Bên cạnh vừa không có thầy cô tốt đôn đốc, khích lệ, vừa không có bạn hiền tác động tích cực, tôi chẳng có bất kỳ mục tiêu gì đáng nói trên phương diện học tập. Tôi, hoặc là suốt ngày buôn chuyện, chơi bài cùng cô bạn cùng phòng trong ký túc xá, hoặc là một mình ngồi trong tiệm internet chơi game online, xem phim Hàn Quốc. Lúc đó, tôi thường xuyên trốn học, việc ngồi thâu đêm suốt sáng ở tiệm internet cũng đã sớm trở thành chuyện cơm bữa rồi.

Thời gian không chờ đợi ai cả, hơn nửa học kỳ đã trôi qua lộn xộn vậy đấy.

Một buổi tối mùa đông, bố tới trường thăm tôi. Lúc đó chúng tôi đang có giờ tự học, ông đứng nấp phía sau lớp học, lén quan sát tình hình học tập của tôi qua lớp cửa kính. Theo miêu tả sau này của bố, thì lúc đó tôi đang nhiệt tình tán gẫu cùng mấy đứa bạn xung quanh, vừa nói cười, vừa chuyền giấy, khoa chân múa tay. Trông thấy cảnh tượng ấy, lòng bố đóng băng – hóa ra mỗi tối con gái đều không chăm chỉ, chịu khó tự học giống như lời nó nói. Ông vội vàng gọi điện cho mẹ, kể rõ tình hình, mẹ nghe xong cũng cảm thấy sốt ruột. Suốt đêm hôm đó, hai người bàn bạc đối sách, và đưa ra quyết định cuối cùng là phải cho tôi chuyển trường!

“Chuyển trường?” Vừa nghe thấy hai từ này, tôi đã “sửng cồ” lên: “Chẳng dễ gì con mới làm quen được với môi trường mới, bây giờ bố mẹ lại bắt con chuyển đi nơi khác? Bọn trường chuyên, lớp chọn liệu có coi trọng một đứa học sinh dốt nát được chuyển tới từ trường tư thục như con không? Con không chuyển, nhất quyết không chuyển! Thà làm đầu gà còn hơn làm đuôi phượng!” Để tiến thêm một bước trong việc thuyết phục tôi, mấy tối liền bố đều đưa tôi tới ngôi trường mới xem. Hai bố con tôi đứng ở sân thể dục trong trường giữa cái lạnh se sắt mùa đông, ông vẫn nhẫn nại khuyên bảo tôi, còn tôi vẫn cố chấp chống đối. Sau cùng, vẫn là trứng không chọi được với đá, tôi không thể vượt qua quyền lực của phụ huynh, miễn cưỡng đồng ý chuyển trường, rời học kỳ II năm lớp Mười sang một ngôi trường mới.

Ngôi trường mới của tôi là ngôi trường cấp III duy nhất trong thành phố trực thuộc Sở giáo dục, đây cũng là ngôi trường đứng thứ nhất, nhì trong bảng xếp hạng các trường trung học phổ thông toàn thành phố. Mẹ ngọt nhạt bảo tôi, đến ngôi trường mới, tôi phải hoàn toàn chấm dứt cuộc sống buông thả nửa năm trước ở trường Tư thục, sớm đi vào nền nếp mà một học sinh Trung học phổ thông cần có. Bước vào lớp học mới, tôi trố mắt ngạc nhiên vì nhìn thấy rất nhiều gương mặt thân quen, về sau tôi mới phát hiện ra rất nhiều bạn trước đây đều học cùng trường cấp II với tôi. Có những gương mặt thân quen bên cạnh, việc làm quen với môi trường mới của tôi không thành vấn đề. Quả nhiên, mấy tuần sau, tôi lại hiện nguyên hình là một đứa thích “gây chú ý”. “Vết thương” thi trượt cấp III trước đó và sóng gió chuyển trường để lại trong lòng tôi đã hoàn toàn bình phục.

Lên đến lớp Mười một, chúng tôi phải phân ban. Vì tôi “không đếm xỉa đến khoa học tự nhiên”, nên lẽ tất nhiên phải chọn ban khoa học xã hội. Nhìn chung, lúc đó có hai loại học sinh sẽ chọn ban khoa học xã hội: Loại thứ nhất bao gồm những học sinh thật sự yêu thích khoa học xã hội và có thành tích học tập khá giỏi ở các môn học thuộc ban này; còn loại thứ hai là học sinh dốt. Lý trí mách bảo tôi thuộc loại học sinh thứ hai. May mắn sao, giáo viên chủ nhiệm ban khoa học xã hội là một cô giáo tiếng Anh, sự xuất hiện của cô khẽ đánh thức những tế bào tiếng Anh vốn đã ngủ quên từ lâu của tôi. Cô giáo chủ nhiệm phụ trách giảng dạy môn tiếng Anh, đâm ra tôi chẳng dám học hành chểnh mảng như trước nữa. Tôi quyết định bắt đầu học thật giỏi, nắm chắc tiếng Anh một lần nữa.

Vì hồi học cấp II, tôi nhận ra, đọc các tác phẩm Anh văn nổi tiếng rất có hiệu quả trong việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và ngữ cảm, nên tôi đi mua nhiều bản in đầy đủ các tác phẩm văn học nổi tiếng của phương Tây, hàng ngày làm xong bài tập, tôi lại ngồi trong nhà đọc sách. Ban đầu tôi đọc trầy trật, vì các chương sách phủ kín từ mới, tôi phải bấm bụng tra cứu từng từ, từng chữ không biết. Về sau, tôi chán giở từ điển, bèn nài nỉ mẹ mua cho một chiếc kim từ điển Văn Khúc Tinh. Sau khi có kim từ điển, tôi đọc sách nhanh hơn. Cảm thấy hài lòng, tôi tự nhủ: “Mình cứ kiên trì đọc hết mấy cuốn sách này, thì thể nào điểm kiểm tra giữa kỳ môn tiếng Anh của mình cũng làm mọi người kinh ngạc cho xem.”

Lúc có kết quả thi lần đầu tiên, tôi bỏ qua điểm thi mấy môn khác, nhìn thẳng sang điểm số môn tiếng Anh. Tôi nhìn chằm chằm vào đó, rồi thất vọng: Điểm không những không cao như tôi dự đoán, lại còn thấp hơn so với mấy đứa bạn có vẻ chẳng chịu khó học hành! Nhìn lại bảng xếp hạng, tôi càng chán nản hơn: Điểm tổng kết các môn của tôi không nằm trong top đầu, ngay cả điểm tiếng Anh cũng xếp mãi cuối bảng.

Từ đây về sau, tôi như con ếch lâu nay vẫn ngồi dưới đáy giếng, bỗng có một ngày được đưa lên trên mặt đất, không những nhìn rõ trình độ tiếng Anh thật sự của mình, mà còn nhận ra mình không thể theo kịp lực học của các bạn trường điểm. Hồi cấp II, tôi tiến bộ nhanh chóng trong môn tiếng Anh, qua phương pháp đọc các tác phẩm Anh văn nổi tiếng, cho nên tôi nghĩ rằng mình đã tìm được đường tắt học tiếng Anh, nghĩ rằng mình chỉ cần tiếp tục đọc như thế, thì đảm bảo sẽ đạt điểm cao trong các kỳ thi. Ai ngờ, tiếng Anh bậc Trung học phổ thông vượt xa tiếng Anh bậc Trung học cơ sở cả về độ khó, độ sâu và độ rộng. Không chỉ lượng kiến thức của tôi không đáp ứng đủ yêu cầu của môn tiếng Anh ở bậc Trung học phổ thông, mà ngay cả phương pháp học tập đọc các tác phẩm Anh văn nổi tiếng cũng không thể đem lại cho tôi điểm số cao trong các kỳ thi.

Lúc này, tôi thừa nhận năng lực của mình gần như bằng không, tôi không thể vượt qua được khó khăn, cũng không thể chịu nổi đả kích, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi nếu gặp phải một chút trở ngại trên chặng đường phía trước là từ bỏ. Vì thế, sau thất lại trong lần thi đầu tiên, tôi chẳng những không suy nghĩ đến việc điều chỉnh lại phương pháp học tập của mình, chẳng những không suy nghĩ đến việc học hỏi kinh nghiệm học tập của các bạn học giỏi trong lớp, ngược lại còn đánh trống rút lui. Trong lòng tôi vẫn ấm ức tự hỏi: “Lần này mình bỏ ra bao nhiêu công sức, nhưng bù lại mình chẳng nhận được gì. Đã vậy thì mình cần gì phải phí sức?”

Và thế là, một lần nữa, tôi lại có tâm trạng chán học, không thể cứu vãn nổi. Lên lớp, tôi nói cười, đùa nghịch hoặc gục đầu xuống ngủ, nghĩ đủ mọi cách giết từng giây từng phút cho hết bốn mươi lăm phút. Tan học trở về nhà, tôi cốt làm cho xong bài tập, còn các loại sách vở khác có thể không đọc thì không đọc, có thể không làm thì không làm. Tôi đặt ra cho mình một châm ngôn về phương diện học tập: Kiên quyết không bỏ quá nhiều công sức vào việc học, thề chết cũng không tốn công suy nghĩ những điều thừa thãi. Khả năng quan sát của cô giáo chủ nhiệm cực kỳ tốt, cô phát hiện ra thái độ học tập của tôi không đúng, nên dứt khoát chuyển tôi lên ngồi bàn đầu. Cô cho rằng, chỉ cần đưa tôi vào tầm mắt của thầy cô, thì tôi sẽ phải dè chừng hơn. Cô không ngờ, sau khi chuyển lên ngồi bàn đầu, tôi và cô bạn Tiểu Di Tử – sau này là bạn thân nhất hồi cấp III của tôi – trở thành bạn cùng bàn. Được dịp ngồi cùng bàn, tình bạn của chúng tôi nhanh chóng phát triển, tính cách của Tiểu Di Tử cũng sôi nổi như tôi, nên hai đứa luân phiên diễn trò.

Trong ký ức của tôi, những năm tháng cấp III, một giây dài tựa một năm, áp lực vô hình từ kỳ thi đại học làm tôi ngạt thở. Sách bài tập, sách đề thi thử, vốn tôi không bao giờ làm hết, lại cộng với những cuộc thi lớn, cuộc thi nhỏ ngày càng gia tăng đã choán hết thời gian nhàn rỗi của tôi. Lúc đó, tâm trạng của tôi hoàn toàn bị chi phối bởi điểm số: Hôm nay thi tốt, tâm trạng vui vẻ; ngày mai thi kém, tâm trạng ủ ê. Cách duy nhất để tôi đối phó với áp lực cực lớn này là chạy trốn. Tôi nhớ mình và Tiểu Di Tử thường trốn học ra sân bóng rổ xem các bạn nam đẹp trai đánh bóng; nhớ những lúc diễn ra hoạt động lớn, chúng tôi nằm trên bãi cỏ trong trường, vừa mút mát que kem vừa lắng nghe bản nhạc trong trẻo, tự nhiên của Bandari; nhớ những ngày mùa đông, chúng tôi bùng tiết, ra ngoài chơi ném tuyết cho đến lúc cả người đông cứng mới thôi; nhớ mỗi lần quay trở về lớp học sau khi kết thúc hoạt động lớn, phát hiện ra trên bàn xếp đống các loại đề thi thử của trường Hoàng Cương, trường Hồ Bắc, trường Bắc Kinh số 4, bao nhiêu lần tôi lấy trộm chúng mang vào nhà vệ sinh xé nát, rồi xối nước trôi tuột đi…

Vào mùa xuân năm 2003, khi kỳ thi đại học đang đến gần, thì thành phố chỗ chúng tôi bùng nổ dịch SARS, cả trường đều được nghỉ học. Ban đầu biết được thông tin này, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng, vì cuối cùng tôi cũng không phải tới trường nữa rồi. Nhưng không ngờ, cuộc sống cô lập, không được gặp bạn bè, ngày ngày nằm trong nhà đối diện với cuốn đề thi thử khó hiểu, càng làm tâm trạng của tôi dâng lên đến cực điểm. Ngày nào tôi cũng giải đề thi theo đúng thời gian quy định, nhưng chẳng lần nào đạt được điểm số dự kiến. Tôi khóc rưng rức, hỏi mẹ: “Con có thể không tham gia kỳ thi đại học được không mẹ?” Mẹ chỉ khuyên tôi một câu: “Con cứ cố gắng hết sức là được.” Mấy ngày trước khi thi đại học, mỗi một giây, một phút đầu tôi đều đau như búa bổ. Mẹ nhẹ nhàng bảo tôi: “Con cùng mẹ ra ngoài tản bộ đi, đã mấy ngày nay con không ra khỏi nhà rồi. Cứ tiếp tục như thế này thì không được, con sẽ bị trầm cảm mất…” Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy lúc đó mình đã làm quá mọi việc lên, nào là khóc lóc, nào là đau đầu, nào là trầm cảm… Nhưng vào thời điểm bấy giờ, tôi nhận thấy những cảm giác đó thật sự đang tồn tại, mỗi buổi tối tôi đều nằm mơ thấy mình cố gắng vật lộn thế nào cũng không thể bước qua được ngưỡng cửa này.

Tôi thấp thỏm dõi theo từng thông tin liên quan đến kỳ thi đại học, vì tôi sợ giống như trước đây, mỗi lần tham gia một kỳ thi lớn, tôi đều trượt thẳng cẳng. May là đề thi đại học năm 2003 quá khó, rất nhiều thí sinh phản ánh đề thi không lý tưởng, cho nên điểm chuẩn của các trường đại học lớn trong cả nước vào năm đó đều rất thấp, không ít trường cuối cùng phải hạ thấp điểm chuẩn xuống để xét tuyển bổ sung sinh viên. Nhờ vậy, tôi trở thành một trong những người may mắn. Nói đúng ra thì về sau tôi cũng được một trường đại học ở địa phương nhận vớt. Sau này thăm dò tin tức, tôi mới biết, điểm thi đại học của mình đứng thứ hai ở lớp, từ dưới lên.

Ai cũng nói “lúc treo tên trên bảng vàng” là một trong những niềm vui lớn nhất đời người. Cuối cùng cũng có trường đại học nhận tôi rồi, lẽ ra tôi nên vui mừng mới đúng. Nhưng lúc đó tôi chẳng cảm thấy vui mừng chút nào. Vào kỳ nghỉ hè kết thúc kỳ thi đại học ấy, dường như lịch sử ba năm trước lại lặp lại một lần nữa: Những người bạn thân của tôi từ thời cấp II cho tới cấp III đều thi vào Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán; còn những người bạn cùng lớp cấp III tôi mới quen sau này cũng thi vào Đại học Triết Giang, Đại học Nam Ninh, Đại học Hạ Môn… Dù không trúng tuyển nguyện vọng I, các bạn cũng mua được tấm vé đáp tới nguyện vọng II. Năm đó, mọi người đều tròn mười tám tuổi, ai cũng sửa soạn hành trang, từ biệt người thân và bạn bè, hăm hở đi đến những thành phố lớn bên ngoài tìm ước mơ của mình.

Còn tôi? Tôi chỉ có thể tiếp tục trải qua tuổi mười tám tại chính thành phố phía Bắc, nơi đã sinh ra và nuôi lớn tôi, sống một cuộc sống không mục tiêu, không sức sống. Nghỉ hè năm ấy, các bạn nhộn nhịp bước trên con đường nối với thế giới bên ngoài, tôi không muốn nhìn thấy cảnh này, nên trước sau không đi tiễn đứa nào. Mãi đến sau này, người duy nhất tôi tới ga tàu hỏa tiễn biệt, chỉ có một mình Tiểu Di Tử. Ngày hôm ấy chia tay, mưa phùn lất phất bay, bạn đứng trên tàu vẫy tay về phía tôi, tôi gượng cười, nhắn nhủ bạn đến chỗ mới nhớ phải chăm sóc tốt cho bản thân mình, dũng cảm thực hiện ước mơ. Chiếc tàu hỏa chở bạn khuất xa dần, một mình tôi đứng lặng dưới mưa: Bạn bè đều đi cả rồi, chỉ còn mình vẫn ở lại nơi này. Ngày tháng sau này, mình phải làm sao đây…

Thời gian không chờ đợi một ai, tôi còn chưa làm tốt công tác chuẩn bị, thì tháng Chín năm 2003 đã đến, lần này cũng vẫn là bố đưa tôi tới trường nhập học. Tôi đeo cặp sách mới, đứng ở cổng trường, bước chân lần lữa. Trên biểu ngữ treo tít nơi tòa nhà chính ở trong sân trường viết dòng chữ “Chào mừng tân sinh viên khóa 2003 về nhập trường”. Nhìn hàng chữ màu trắng trên nền đỏ đó, trong lòng tôi bỗng nhiên xuất hiện một cảm giác thật khó diễn tả bằng lời, tôi cũng không thể gọi tên chính xác cảm giác đó là gì. Tôi tự hỏi chính mình: “Đây chính là đại học ư? Tiếp sau đây, mình phải làm gì? Tại sao mình phải lên đại học? Đại học là gì? Mình phải làm sao mới vượt qua được bốn năm đại học này? Suy cho cùng tất cả những lựa chọn này có đúng không? Cuộc đời là gì? Ý nghĩa của cuộc đời nằm ở đâu? Rốt cuộc, mình phải làm sao với cuộc đời của mình? Rốt cuộc phải làm thế nào? Tại sao trước đây mình lại thất bại so với các bạn? Rốt cuộc, mình sai ở đâu? Chỉ vì mình không đủ chịu khó học ư? Nếu nói như vậy thì con người học vì cái gì? Phấn đấu vì cái gì? Kiên trì vì cái gì? Và sống vì cái gì?”

Tôi đang trầm tư suy nghĩ, thì nước mắt tự nhiên rơi ra, ướt đầy khuôn mặt, tất cả những gì đã xảy ra tựa như một thước phim không tiếng, chầm chậm hiện ra trước mắt tôi. Từ nhỏ tới lớn, từ chuyện học thêm tới chuyện chuyển trường, tôi ngốn hết bao nhiêu đồng tiền mồ hôi của bố mẹ, lại còn hao phí vô số thời gian và sức lực của họ. Nhưng còn tôi? Tôi không những không biết thương cho nỗi khổ của bố mẹ, mà còn tự cho mình thông minh, nhiều lần nuốt lời hứa, không cầu tiến, rồi hư hỏng… Sướng trước khổ sau, sau khi đi qua những niềm vui, thì kết quả như thế này đây. Điều làm tôi cảm thấy buồn bã và áy náy nhất là, khi tất cả đã ngã ngũ, bố mẹ vẫn không trách mắng tôi nửa lời.

Tôi luôn cho rằng, kỳ thi đại học không thể quyết định toàn bộ số phận của một người, song tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm, kỳ thi đại học có thể làm ảnh hưởng đến tư tưởng của một người ở một mức độ nào đó. Người thanh niên vừa tròn mười bảy, mười tám tuổi phải biết đưa ra lựa chọn quan trọng đầu tiên trong cuộc đời và phải gánh chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó. Chuyện chọn chuyên ban, đăng ký trường học cũng tương tự như chuyện thay đổi một quân cờ – cũng có nghĩa là thay đổi cả bàn cờ. Đối với tôi, kỳ thi đại học dường như là một lần gột rửa tinh thần, trải qua rồi, tôi mới biết kiểm điểm bản thân và suy nghĩ thật sự nghiêm túc về cuộc đời.

Tôi chợt hiểu ra, khi lớn lên, đến một lúc nào đó, tôi không thể tiếp tục dựa dẫm vào người khác, cũng không thể để người khác gánh chịu trách nhiệm cho những việc mình đã làm. Tất cả những việc tôi làm trước đây đều không phải là làm cho bố mẹ, mà là làm cho bản thân tôi. Khi sự việc phát triển không được như ý muốn, tôi không thể trách cứ người khác, cũng không thể oán trách hoàn cảnh, vì tất cả đều là lựa chọn của chính bản thân mình, là sai lầm của chính bản thân mình. Tôi cần phải biết, bắt buộc phải biết gánh chịu trách nhiệm đó, tuyệt đối không được trốn tránh.

Tôi nghĩ, tại sao những người cùng được đào tạo từ một cái lò cấp I, cấp II ra, sau khi tốt nghiệp cấp III lại bước đi trên những con đường khác nhau đến thế? Vì tôi không bằng người khác? Không phải. Vì chỉ số IQ của tôi thấp? Không phải. Vì hoàn cảnh sống của chúng tôi không giống nhau? Cũng không phải. Tất cả đều không phải, vậy tại sao việc người khác làm được, tôi lại không làm được?

Tôi cam tâm không? Không cam tâm!

Nghĩ đến đây, tôi bỗng hiểu chuyện. Nếu bạn hỏi vì sao tôi hiểu chuyện, thì tôi cũng không biết phải giải thích thế nào. Tôi chỉ cảm thấy, sau khi trải qua nhiều vấp ngã do chính mình tạo ra, đột nhiên tôi hiểu rõ “đạo lý lớn” mà người lớn vẫn thường nói. Sau này mẹ tôi gọi đó là tôi đã “đốn ngộ về mặt tinh thần”. Gọi là hiểu chuyện hay là đốn ngộ cũng đều được, tóm lại, vào giây phút đứng ở cổng trường ngày hôm ấy, tôi đã nghĩ thông suốt mọi chuyện. Dù lúc đó, tôi vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời tường tận cho câu hỏi trước đó có liên quan đến việc tại sao con người cần phải học tập, tại sao con người cần phải phấn đấu, nhưng từ trong sâu thẳm đáy lòng đã vang lên âm thanh hết sức rõ ràng, mách bảo tôi rằng: “Mình không thể cứ như thế này cả đời được! Mình nhất định phải thay đổi!”

Đó là vào năm 2003, tôi bắt đầu phấn đấu từ đây.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.