Sherlock Holmes Toàn Tập

Chương 3: Đi tìm một giải đáp



Mãi đến 5 giờ rưỡi Holmes với trở về, hoạt bát và tươi cười, trông anh thật vui vẻ (tâm trạng này, ở anh, thường xen kẽ với tình trạng suy sụp sâu sắc).
Trong vụ này chẳng có gì là bí ẩn lắm đâu! – Anh vừa nói vừa đón lấy tách trà tôi mới rót cho anh – Các sự kiện xảy ra dường như chỉ chấp nhận có một lối giải thích mà thôi.
Sao? Anh đã tìm ra lời giải đáp rồi à?

Thật ra, nói như thế thì cũng đi quá xa đấy! Tôi mới chỉ tìm ra một sự kiện có ý nghĩa, thế thôi; nhưng nó rất có ý nghĩa. Còn thiếu một số chi tiết. Thật vậy, lúc tra cứu kho lưu trữ báo “Times”, tôi vừa phát hiện ra rằng thiếu tá Sholto, ở Thượng Norwood, nguyên là sĩ quan thuộc trung đoàn 35 bộ binh, chết ngày 28 tháng Tư năm 1882.

Có lẽ tôi hơi tối dạ thật anh Holmes ạ, nhưng thật tình tôi chẳng thấy ý nghĩa gì trong đó cả.
Không à? Anh làm tôi ngạc nhiên đấy! Mời anh xét lại các sự kiện sau đây: Đại úy Morstan mất tích. Người duy nhất mà ông ta quen biết ở London là thiếu tá Sholto. Nhưng ông này quả quyết là không biết đại úy có mặt ở Anh. Bốn năm sau, Sholto chết. Trong tuần lễ tiếp theo sau cái chết, con gái đại úy Morstan nhận được một món quà có giá trị rất lớn, và năm nào cũng nhận được như vậy. Bức thư ngày hôm nay mô tả cô này như là nạn nhân của một sự bất công nào đó. Thế thì, với cô gái này, ngoài sự mất tích của người cha ra, đã phải chịu đựng những thiệt hại nào nữa chăng? Và tại sao những món quà lại khởi đầu ngay sau khi Sholto chết, nếu không phải là vì người thừa kế của ông này, phát hiện ra được một bí ẩn nào đó nên mới nảy ra ý muốn đền bù lại sự thiệt hại cho cô ta? Hay là anh có giả thuyết nào khác ăn khớp với tất cả các sự kiện kia chăng?

Dẫu sao thì đây cũng là một cách khá kỳ quặc để đền bù lại cho sự mất tích của người cha! Mà cách tiến hành cũng lạ lùng nữa chứ? Mặt khác, tại sao lại phải đợi đến hôm nay mới viết lá thư kia, mà không viết ra trước đây 6 năm? Sau cùng,
còn vấn đề đền bù một sự thiệt thòi nữa chứ? Đền bù bằng cách nào? Bằng cách trả lại người cha cho con gái chăng? Ta không thể tin rằng người cha vẫn còn sống. Và người thiếu nữ kia không là nạn nhân của bất cứ một sự thiệt thòi nào khác.
Vâng, có khó khăn đấy! Nhưng chuyến đi của chúng ta chiều nay sẽ san bằng tất. A! Cỗ xe ngựa hòm đây rồi! Cô Morstan ngồi bên trong ấy, anh sẵn sàng chưa? Nào, ta đi xuống đi, đã quá 6 giờ rồi đấy.
Tôi với lấy cái mũ và cây gậy chống to nhất. Tôi nhận thấy Holmes lấy khẩu súng ngắn trong ngăn kéo cho vào túi. Vậy là anh nghĩ rằng câu chuyện tối nay sẽ có hướng phức tạp rắc rối hơn.
Cô Morstan thu mình trong chiếc áo choàng màu tối; khuôn mặt thanh tú phớt xanh nhưng vẫn điềm tĩnh. Có lẽ nàng cần phải có nhiều nghị lực hơn một người đàn bà bình thường, mới không cảm thấy xốn xang, hồi hộp trước một chuyến đi kỳ lạ mà chúng tôi sắp sửa dấn thân vào. Nếu căn cứ vào lối trả lời rành mạch của nàng đối với những câu hỏi của Holmes thì nàng rất tự chủ.

Qua thư từ – Nàng nói – Cha tôi kể rất nhiều về thiếu tá Sholto. Hai người chắc phải là thân nhau lắm. Chắc hẳn họ rất thường gặp nhau vì cả hai đều chỉ huy binh sĩ trên đảo Andaman. À, tôi vừa sực nhớ ra người ta có tìm thấy trên bàn giấy của cha tôi một tài liệu thật là lạ. Chẳng ai hiểu gì cả. Tôi không nghĩ là nó có một tầm quan trọng nào đó. Nhưng có lẽ ông cũng muốn xem qua. Thưa ông, đây.

Holmes cẩn thận mở tờ giấy ra, đặt lên đầu gối vuốt lại cho phẳng phiu. Rồi anh dùng kính lúp xem kỹ mảnh giấy đó.
Loại giấy này được chế tạo tại Ấn Độ – Anh nhận xét – Đã có lúc nó được ghim vào một tấm bảng con. Sơ đồ vẽ ra trong đó xem như là họa đồ một phần của một tòa nhà to lớn có rất nhiều lối ra vào và hành lang. Một dấu chữ thập nhỏ được đánh dấu bằng mực đỏ. Bên trên dấu chữ thập, có chú thích: “3,37
tính từ bên trải qua” viết bằng bút chì. Ở góc trái, một kiểu linh tự trông giống bốn chữ thập xếp hàng cạnh nhau. Cạnh đó, có ghi bằng nét chữ vụng về và thô kệch: “Dấu Bộ Tứ. Jonathan Small, Mahomet Singh, Abdullah Khan, Dost Akbar”.
Không, anh ạ. Thú thật là tôi chả thấy tài liệu này có liên quan gì đến nội vụ của chúng ta. Song có điều chắc là nó quan trọng; chẳng thế mà nó được gấp xếp cẩn thận vào ví, vì mặt trái cũng sạch sẽ như mặt phải.

Đúng vậy, tối đã tìm thấy nó trong ví của cha tôi, cô Morstan nói.

Thế thì cô nên cất giữ nó cho kỹ lưỡng, cô Morstan ạ. Nó có thể giúp được việc cho ta đấy. Tôi chợt có ý nghĩ là phải chăng vụ này còn sâu sắc và tinh vi hơn là tôi tưởng lúc ban đầu. Chắc là tôi phải duyệt xét lại quan điểm của tôi.
Holmes thu mình vào một góc trên ghế xe ngựa. Nhìn thoáng qua vầng trán hằn sâu những nếp nhăn và cái nhìn xa vắng của anh, tôi đoán ra là anh đang suy nghĩ lung lắm. Cô Morstan và tôi đang nhỏ to về chuyến đi này của chúng tôi và về kết quả có thể có được của nó, nhưng Holmes vẫn giữ lấy một thái độ dè dặt khó hiểu mãi cho đến cuối cuộc hành trình.

Dạo ấy là vào tháng Chín, buổi chiều tối cũng ảm đạm như ban ngày. Một màn sương dày đặc và ẩm ướt thấm sâu vào thành phố lớn. Từng cụm mây màu đất bùn lê thê một cách thiểu não trên đầu thành phố lầy lội. Dọc theo phố Strand,
những trụ đèn chỉ còn là những điểm sáng phân tán loãng và như tẩm dầu hắt ra một khoang ánh sáng yếu ớt xuống lòng đường nhầy nhụa. Đèn vàng trong tủ kính chiếu sáng đó đây bầu không khí ẩm hơi nước. Tưởng chừng như có một điều gì quái dị khác thường trong cảnh diễu hành vô tận của những khuôn mặt buồn thảm hay hân hoạn, âu lo hay mãn nguyện. Lướt nhẹ từ vùng tối ảm đạm ra vùng ánh sáng để rồi lại rơi vào cảnh tối tăm mờ mịt, những khuôn mặt ấy biểu tượng cho cả đám nhân loại. Bình thường thì tôi đâu có dễ gì bị xúc cảm, ấy thế mà cái ngoại cảnh ấy kết hợp với tính chất lạ lùng trong công việc chúng tôi làm đã khiến cho tôi phải xuống tinh thần. Thái độ của cô Morstan cũng giống như tôi vậy thôi. Còn Holmes thì lại có thể vượt lên trên những ảnh hưởng tương tự. Anh lật sổ tay, đặt lên đầu gối, đọc dưới ánh sáng của cây đèn bỏ túi.

Tại Nhà hát Lyceum, thiên hạ chen lấn nhau trước cửa ra vào hai bên. Dọc theo mặt tiền nhà hát, xe ngựa hòm và xe tư nối đuôi nhau thành một hàng dài bất tận, các ông các bà xuống xe, súng sính trong bộ dạ phục. Chúng tôi vừa đến cột thứ ba là nơi hẹn gặp, thì một người đàn ông nhỏ thó tóc vàng sẫm, song linh hoạt, mặc cải trang làm người đánh xe ngựa tiến lại gần chúng tôi.

Các ông là người đi theo cô Morstan? – Gã hỏi.

Tôi là Morstan, còn hai ông này là bạn tôi – Nàng đáp.

Gã ngước mắt nhìn chúng tôi, ánh nhìn xoi mói lạ thường.

Cô cũng miễn lỗi cho, cô Morstan ạ. Hắn nói giọng có phần hơi xấc xược, nhưng cô phải lấy danh dự mà bảo đảm rằng trong hai ông đây không ai là cảnh sát mới được.
Tôi xin bảo đảm đúng nhứ vậy. – Nàng trả lời. Gã huýt lên một tiếng lanh lảnh; một đứa bé dắt cỗ xe lại và mở cửa. Gã đàn ông leo lên ghế người đánh xe trong khi chúng tôi ngồi vào bên trong. Chúng tôi vừa an vị thì gã quất ngựa và đưa chúng tôi vào những đường phố sương mù với một tốc độ điên cuồng. Hoàn cảnh chúng tôi kể cũng oái oăm thật, chúng tôi đang đi đến một nơi nào không biết với những lý do cũng không rõ. Nghĩ lại thì lời mời này, hoặc là một trò bịp bợm từ đầu đến cuối – giả thiết này khó lòng đứng vững được – hoặc đây là bằng chứng cho thấy rằng có những sự cố quan trọng đang được chuẩn bị. Morstan thì có vẻ quả quyết dứt khoát hơn bao giờ hết. Tôi tìm cách làm cho nàng khuây khỏa bằng một vài mẩu chuyện phiêu lưu của tôi hồi còn ở Afghanistan. Nhưng nói đúng ra thì bản thân tôi cũng hồi hộp muốn biết nơi chúng tôi sẽ đến, nên câu chuyện tôi kể cũng đâm ra lộn xộn phần nào. Cho đến bây giờ nàng vẫn còn quả quyết là hồi đó tôi đã kể cho nàng nghe một giai thoại cảm động: có một đầu mũi súng xuất hiện bên trong lều tôi nghỉ vào lúc nửa đêm và tôi đã chụp ngay lấy khẩu súng săn của mình bắn về hướng đó.

Dầu sao thì tôi cũng quan tâm đến lộ trình chúng tôi đang theo hơn là những câu chuyện cũ rích ấy. Lúc đầu, tôi đã theo dõi hướng đi của chúng tôi nhưng về sau, chẳng mấy chốc mà sương mù, tốc độ xe chạy và sự hiểu biết khá hạn chế của tôi về London khiến tôi không tài nào theo dõi được nữa. Tôi chẳng còn biết gì nữa, chỉ rõ một điều là chúng tôi đang đi một đoạn đường khá dài. Còn Shelock Holmes vẫn bám sát lộ trình. Anh gọi thầm tên các khu phố và những con đường quanh co mà xe chúng tôi ào ào băng qua.

Phố Rochester Row – Anh bảo – Giờ là Quảng trường Vincent. Ta đang đến đường Vauxhall Bridge. Dường như ta đang chạy về phố Surrey. Vâng, quả đúng như tôi đã nghĩ. Bây giờ, ta đang chạy trên cầu. Anh có thể thấy lấp lánh ánh nước sông.
Thật vậy chúng tôi có thể nhận rõ một đoạn sông Thames hắt bóng một cách yếu ớt mấy ngọn đèn đường. Nhưng rồi xe đã qua bên kia cầu, đi vào những con đường quanh co khúc khuỷu.

Đường Wordsworth – Bạn tôi đọc tên – đường Priory, hẻm Lark Hall, Quảng trường Stockwell, phố Robert, hẻm Cold Harbour. Chà, cuộc điều tra của chúng ta không có vẻ gì là sẽ đưa ta đến một khu phố sang trọng nào đó đâu…
Thực tình thì các đường phố chẳng có phút gì là hấp dẫn cả. Nét đơn điệu của những ngôi nhà gạch thảng hoặc mới được điểm bằng vài quán cà phê ở ngã tư đường. Tiếp đến, những tòa biệt thự hai tầng hiện ra giữa mảnh vườn bé tí hon. Rồi lại đến hàng dài bất tận những ngôi nhà mới tinh màu sắc lòe loẹt, trông chẳng khác nào những ống vòi quái dị mà thành phố khổng lồ tung và o vùng nông thôn lân cận. Sau cùng chúng tôi dừng lại trước căn nhà thứ ba trên một con đường xe mới ngoặt vào. Những căn nhà khác có vẻ như chưa có người ở. Căn nhà chúng tôi dừng lại cũng tối tăm như mấy căn nhà ấy, nhưng ở cửa sổ nhà bếp có ánh đèn leo lét. Chúng tôi vừa gõ cửa thì một gia nhân người Ấn Độ, đầu chít khăn vàng, lụng thụng trong bộ y phục có thắt lưng cũng màu vàng, ra mở cửa. Có một vẻ gì đó, không hòa hợp trong cảnh xuất hiện đầy màu sắc phương đông đóng khung trong ô cửa của một căn nhà ngoại ô tầm thường.

Chủ nhân tôi đang chờ đời quý ngài! Gã gia nhân nói.

Cùng lúc, một giọng lanh lảnh và chói chang cất lên từ bên trong:

– Mời họ vào, khitmutgar[1] – Giọng ấy thét lớn. Đưa họ vào đây ngay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.