Tại Sao Phải Hành Động? Tại Sao Phải Hành Động?

Chương 5 : Thái độ đúng đắn



“Khi bạn đổ lỗi cho người khác thì bạn cũng đã bỏ lỡ khả năng thay đổi và cải thiện của mình.”

“Thái độ = Cảm giác hay ý kiến về một người hay một chuyện gì đó”

5.1. Tầm quan trọng của thái độ

Có người từng cho rằng : “Thái độ là tất cả”

Qua thời gian tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi nhận ra rằng thái độ tích cực chính là chìa khóa của thành công. 90% thành công của chúng ta xuất phát từ thái độ và 10% đến từ khả năng. Điều đó có nghĩa thái độ quan trọng hơn khả năng rất nhiều và nó chính là yếu tố khiến ta thành công hay thất bại.

Tôi có quen một sinh viên tên là Jenny – người luôn có thái độ tích cực khi phải đối mặt với những khó khăn trong việc học tập cũng như trong cuộc sống. Vì là một du học sinh nên Jenny gặp khá nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Tuy nhiên, thái độ lạc quan cùng tính kiên nhẫn đã giúp Jenny vượt qua rào cản ngôn ngữ và đạt kết quả xuất sắc trong học tập. Trong khi đó, Frank – một du học sinh khác – lại tỏ ra vô cùng bi quan khi đối mặt với những khó khăn tương tự Jenny. Anh chỉ nhìn thấy các chướng ngại đang ngáng đường mình. Dù năng lực của Frank không hề thua kém Jenny nhưng thái độ bi quan đã khiến anh nghi ngờ khả năng của mình. Và kết cục là, trong khi Jenny đang tiến rất nhanh trên con đường học vấn thì Frank lại tỏ ra lúng túng và cứ ì ạch mãi một chỗ.

5.2. Trò chơi đổ lỗi

Một trong những trò chơi ưa thích của rất nhiều người chúng ta là trò chơi đổ lỗi. Cách chơi như sau: Khi có chuyện gì đó không đúng xảy ra, hãy chỉ về một người hay một vật khác và nói rằng : “Anh ấy làm đấy!”

Bạn cũng có thể thử vài câu sau trong công việc của mình :

“Chẳng ai bảo tôi phải làm theo cách đó cả!”

“Không phải do tôi, lỗi của anh ấy chứ!”

“Con chó làm đó!” (Câu này chỉ sử dụng trong trường hợp bạn có nuôi chó)

Khi mọi chuyện diễn ra không như mong muốn, hầu như lúc nào ta cũng cảm thấy đó không phải là lỗi của mình và tìm cách đổ lỗi cho một người hay một cái gì đó. Trong tâm lý học, hiện tượng này được nhắc đến với khái niệm thành kiến vị kỷ, tức là chúng ta nhận mọi lời tung hô khi mọi chuyện suôn sẻ và đổ lỗi cho người khác hay các tác nhân bên ngoài khi có chuyện chẳng hay. Nhưng bạn có nhận ra rằng khi bạn chỉ một ngón tay về phía người khác thì có đến ba ngón tay sẽ chỉ ngược vào mình không?

Đổ lỗi là việc làm không tốt. Chúng ta nên có trách nhiệm và chịu trách nhiệm về hành động của mình, bất kể kết quả xấu hay tốt. Chỉ khi làm được điều đó thì chúng ta mới có thể tiến bộ

5.3. Khó khăn là thử thách

Ngày xưa có một chàng trai luôn nhìn vào mặt trái của cuộc sống. Anh luôn than phiền rằng mình có quá nhiều việc phải làm và chẳng có thời gian cho bản thân. Với anh, cuộc sống thật nghiệt ngã. Một ngày nọ, anh gặp được một nhà thông thái và kể chuyện của mình cho ông nghe. Khi chàng trai kết thúc câu chuyện, nhà thông thái đề nghị sẽ giúp anh kết thúc sự đau khổ đó mãi mãi. Ông bảo :

– Bây giờ anh hãy theo lão. Lão sẽ đưa anh đến nơi mà anh chẳng còn phải bận tâm về điều gì nữa.

Nghe thấy vậy, chàng trai sung sướng nghĩ rằng mọi vấn đề của mình giờ đây đã được giải quyết. Anh hăm hở đi theo ông lão. Sau một quãng đường dài, họ cũng đến được nơi đó.

– Đây là nơi mà anh chẳng còn thấy rắc rối nào nữa. – Ông lão nói

Chàng trai trẻ nhìn quanh và nhận ra mình đang đứng giữa các nấm mồ. Anh đang ở trong một nghĩa trang!

– Cái gì thế này? – Anh kêu lên

– Ồ! Nếu anh không muốn rắc rối nào nữa thì đây chính là nơi dành cho anh. Cái chết chắc chắn dẽ chẳng đem đến phiền hà gì đâu! Anh bạn trẻ ạ! Anh phải hiểu rằng rắc rối là một phần của cuộc sống. Vì vậy, hãy sống lạc quan lên và xem mọi khó khăn chỉ là những thử thách chứ không phải là thất bại

5.4. Thất bại hay phản hồi

Thái độ sẽ quyết định cách chúng ta nhìn nhận thất bại. Thất bại là một phần của cuộc sống. Tất cả chúng ta đều gặp phải thất bại trong cuộc đời, dù lớn hay nhỏ. Quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận thất bại đó thế nào. Ta có thể lựa chọn trở thành nạn nhân và mắc kẹt mãi trong thất bại, hoặc xem mỗi thất bại là một bài học kinh nghiệm để học hỏi và trưởng thành.

Một cách để nhìn nhận thất bại là xem nó như những phản hồi. Thay vì rên rỉ và than vãn về sự không may mắn của mình, chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để thu thập phản hồi từ những điều đã diễn ra không như ta dự tính. Bằng cách này, chúng ta có thể học hỏi và rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình để không lặp lại nữa.

1. Ngã về phía trước

Tư tưởng tích cực này rất hữu ích đối với mỗi người. Chúng ta luôn nghĩ rằng việc vấp ngã sẽ níu bước chân ta lại. Nhưng nếu ta có thể nghĩ khác đi và nhìn nhận thất bại như những bước tiến trong qua trình học hỏi của mình, thì chắc chắn ta sẽ tích lũy được những kinh nghiệm tích cực.

2. Đứng lên khi vấp ngã

Có một người cha luôn lo lắng cho đứa con trai của mình vì cậu bé đó rất yếu ớt và chẳng có tài năng gì đặc biệt cả. Một ngày nọ, ông quyết định đi tìm nhà thông thái để dạy dỗ đứa con của mình nên người.

Nhà thông thái nói với người cha :

– Hãy để con trai ông ở lại chỗ tôi ba tháng. Tôi sẽ biến nó thành người đàn ông thực thụ. Nhưng ông không được đến thăm nó trong suốt thời gian đó đâu đấy.

Vậy là người cha để đứa con lại chỗ nhà thông thái.

Ba tháng sau, người cha quay lại đón con về. Nhà thông thái sắp xếp một trận đấu giữa cậu bé với một võ sĩ chuyên nghiệp để người cha thấy đứa con mình mạnh cỡ nào

Khi trận đấu vừa bắt đầu, người võ sĩ tung ra một quả đấm khiến đứa con ngã vật xuống sàn. Chẳng nói một lời, cậu bé nhanh chóng đứng lên và tiếp tục trận đấu. Tuy nhiên, cậu lại bị đánh gục một lần nữa. Và điều đó cứ lặp đi lặp lại suốt 20 lần.

Nhà thông thái hỏi người cha :

– Ông đã tự hào về người con của mình chưa?

– Dĩ nhiên là chưa! Làm sao tôi tự hào được chứ? Nó cứ bị đánh gục liên hồi. Tôi xấu hổ vì nó quá! – Người cha trả lời

Nhà thông thái thở dài khi nghe điều đó. Ông bảo :

– Ông chỉ chú ý đến bề nổi của thành công và chiến thắng mà không thấy được quyết tâm, lòng dũng cảm và sức mạnh thể hiện trong thái độ “không bao giờ từ bỏ” của con trai mình. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của thành công.

Vì vậy, thành công không phải là không bao giờ thất bại, mà chính là tiếp tục đứng dậy sau mỗi lần thất bại.

Tôi còn nhớ một sinh viên tên là Alan. Anh luôn có thái độ tích cực trước mọi chuyện. Khi kết quả học tập của anh không tốt, anh vui vẻ chấp nhận điều đó. Anh sẽ tìm hiểu sai sót nằm ở đâu để rút kinh nghiệm.. Đối với anh, thất bại chính là cơ hội để học hỏi và thay đổi. Thái độ tích cực đó đã giúp anh đạt thành tích xuất sắc trong học tập cũng như trong các hoạt động ngoại khóa

5.5. Chiến lược để xây dựng thái độ cho sự thành công

1. Trở nên lạc quan

Khi sống lạc quan, chúng ta thường trông chờ điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra và có những suy nghĩ tích cực. Khi ai đó nói với bạn rằng có một tin nhắn cho bạn, bạn sẽ nghĩ: “Ôi không, đó có phải là tin xấu không? Tôi đang gặp rắc rối phải không?” hay là “Ồ thật tuyệt, đó chắc hẳn là tin tốt đây!”. Nếu bạn suy nghĩ theo hướng của câu sau thì đó là điều rất tốt cho bạn

Đôi khi cuộc sống diễn ra không được như ta mong muốn. Nhưng chúng ta vẫn nên giữ cho mình thái độ lạc quan và nghĩ về những tình huống đó như những ngoại lệ, đồng thời không để nó phá hỏng một ngày tươi đẹp của mình. Thái độ lạc quan sẽ làm cho cuộc sống của ta trở nên thú vị hơn.

2. Xây dựng các thói quen tích cực

Các thói quen cần được hình thành trong tiềm thức của bạn. Nhưng nếu bạn cố gắng suy nghĩ tích cực và ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực mỗi ngày thì các thói quen tốt sẽ được hình thành trong bạn. Hãy nói với mình rằng : “Mình sẽ tập thói quen nhìn vào mặt tốt của cuộc sống”; và lặp đi lặp lại câu nói đó để thu nhận dần những thói quen tích cực

Hãy nghĩ ra 5 thói quen tích cực mà bạn muốn có và viết nó ra bên dưới đây. Hãy phát triển những thói quen đó bằng cách thường xuyên nhắc nhở bản thân về chúng

1) Tôi sẽ tập thói quen ……………………………………………

2) Tôi sẽ tập thói quen ……………………………………………

3) Tôi sẽ tập thói quen ……………………………………………

4) Tôi sẽ tập thói quen ……………………………………………

5) Tôi sẽ tập thói quen ……………………………………………

3. Cười nhiều hơn

Việc mỉm cười sẽ giúp ta cảm thấy hạnh phúc hơn và lạc quan hơn. Nó cũng ảnh hưởng đến những người xung quanh ta và làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn. Khi đó, họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi ta cần. Thái độ đúng đắn để thành công là tác động tích cực đến mọi người xung quanh để có thể vươn lên một tầm cao mới.

Kết luận : Với một thái độ đúng đắn, ta có thể vươn lên đến trời xanh!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.