Tập Trung - Sức Mạnh Của Tư Duy Có Mục Tiêu

3. Sử dụng quỹ thời gian hợp lý



Ở chương trước, bạn đã cam kết thực hiện ít nhất một mục tiêu quan trọng và đã biết làm cách nào tránh được những sai lầm điển hình trong việc đưa ra mục tiêu. Bằng cách tập trung vào những mục tiêu có tiềm năng thay đổi cuộc đời bạn nhất, bạn sẽ hướng được toàn bộ sức lực của mình vào đó. Tuy nhiên, có thể thói quen sử dụng thời gian của bạn sẽ không phù hợp cho việc tăng tốc tiến đến mục tiêu này.

Trong chương này, bạn sẽ học được cách nhận biết những kiểu hành vi làm bạn chậm lại, và cách tạo ra một kiểu hành vi mới hiệu quả hơn. Đầu tiên, có một vài điểm cơ bản giúp bạn hình dung ra ngữ cảnh để có thể có được những kỹ thuật này.

Những khám phá thú vị về các kiểu hành vi

1. Mỗi người đều có một kiểu hành vi cư xử. Khi bạn làm một việc với những cách thức giống nhau thì hiển nhiên bạn sẽ nhận được kết quả tương tự nhau. Ví dụ, một người có nhiều mối quan hệ nhưng lúc nào cũng chỉ là với một kiểu người, hoặc một người rất hay gặp các vấn đề về tiền bạc do những sai lầm về thẻ tín dụng. Tất nhiên cũng có những kiểu rất tích cực. Ví dụ, bạn có thể biết những người luôn kiếm được những công việc tốt, hay luôn luôn lái xe an toàn. Mọi người thường có một kiểu hành vi nhất định. Như một vài người luôn thích làm việc dễ trước, có những người lại thích làm việc họ coi là khó nhất trước.

2. Ngạc nhiên hơn là mọi người thường có xu hướng lặp lại hành vi cũ khi kết quả không được như mong muốn. Nói cách khác, người ta thường không học được gì nhiều từ những kinh nghiệm thất bại, điều rất hữu ích khi bắt tay vào những công việc khác (chúng ta sẽ xem xét tại sao lại như vậy sau). Do đó, không ngạc nhiên là tại sao mọi người thường có một kiểu hành vi cư xử không hợp lý trong nhiều năm liền.

3. Mọi người có xu hướng hiểu được kiểu cư xử của người khác trong khi lại không hiểu chính mình. Chắc chắn chúng ta sẽ không thay đổi trừ phi nhận ra thói quen của mình. Khi biết được thói quen đó là gì thì bạn sẽ dễ dàng thay đổi thói quen và do đó thay đổi kết quả.

4. Những thói quen này bao gồm cảm giác, suy nghĩ, hình ảnh và cả hành động. Ví dụ, nếu bạn yêu cầu tăng lương và bị từ chối, có thể sau đó bạn sẽ luôn nhớ đến những lần bị từ chối mà bạn đã gặp. Bạn sẽ nhớ những lời người lớn nói khi còn nhỏ, rằng bạn chẳng bao giờ làm nổi trò trống gì. Sau đó bạn lại tưởng tượng sẽ bị từ chối đối với những kế hoạch bạn đang dự định làm trong tương lai, và rồi cách tốt nhất là đi ra quán rượu để quên hết những suy nghĩ đáng buồn. Đó chính là kiểu suy nghĩ làm nhụt chí bạn. Nếu là kiểu cư xử tích cực thì khi bạn nhận được một sự từ chối, hãy nghĩ đến những việc mà ban đầu bạn bị từ chối nhưng sau đó đã được chấp nhận. Hãy tìm hiểu về những nỗ lực cần thiết nhưng theo một cách khác để được tăng lương trong lần sau và phải thực hiện đúng như thế (hoặc cân nhắc tìm một công việc khác nếu trong công việc hiện tại bạn không thấy có cơ hội thăng tiến nào).

Khám phá kiểu hành vi của riêng bạn

Dưới đây là những kiểu hành vi bất hợp lý phổ biến nhất:

• Nhanh chóng bỏ cuộc (Ghi tên tham gia một khóa học, đi được một tuần rồi bỏ)

• Luôn không hài lòng với công việc

• Thường xuyên bất mãn với tình hình tài chính của mình

• Các mối quan hệ không tốt lặp đi lặp lại.

Và đây là những mô hình bất hợp lý liên quan đến việc sử dụng thời gian:

• Làm trước những việc không phải là quan trọng nhất

• Trì hoãn việc phải làm

• Chữa cháy (làm những việc cấp bách hơn là làm những việc quan trọng)

• Để những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện.

Rất dễ thấy rằng những kiểu người này sẽ dễ dàng từ bỏ mục tiêu của mình.

Làm thế nào để chúng ta nhận biết được kiểu hành vi của mình? Trước tiên phải hiểu rõ tại sao chúng ta lại làm những việc đó, hình dung ra mình sẽ làm những gì khác biệt để đạt được kết quả tốt hơn. Với cách suy nghĩ đó, dưới đây là 6 cách tiếp cận để tìm ra kiểu hành vi cư xử của bạn:

1. Hỏi người khác. Chúng ta có thể tìm ra lỗi của họ, đó là những lỗi gì? Họ cũng có thể tìm thấy lỗi của chúng ta. Nhưng bạn phải thuyết phục là họ trung thực, và hãy chắc rằng bạn có thể tin những nhận xét đó mà không nguy hại đến mối quan hệ của hai người. Dù không thoải mái, nhưng cách này thật sự giúp bạn tiến lên. Nếu nhiều người cùng chung nhận xét về lối cư xử của bạn, có thể họ đúng. Những câu hỏi có thể là: “Cậu có thấy gì đáng chú ý trong cách sử dụng thời gian của mình không?”, “Có đáng phàn nàn về cách mình lãng phí thời gian không?”, “Cậu thấy mình làm việc hiệu quả nhất khi nào?”. Nếu bạn không thấy thoải mái khi hỏi họ những câu hỏi kiểu này thì hãy hỏi chính mình và viết ra câu trả lời.

2. Nghĩ về lối cư xử của cha mẹ bạn và xem có phải bạn đang lặp lại lối cư xử đó không. Cũng có thể trong cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng tính cách của cha mẹ mình, bạn bắt đầu thực hiện một mô hình hoàn toàn trái ngược, điều đó cũng không phải là tốt (ví dụ, “Không tin ai cả”/ “Tin tất cả mọi người”). Về cách sử dụng thời gian, cha mẹ của bạn có thể cũng có kiểu trì hoãn mọi việc cho đến khi tất cả trở nên khẩn cấp, hoặc họ là những người cầu toàn đến nỗi dường như không có đủ thời gian để hoàn thành hết mọi việc. Nếu như thế, bạn thử nghĩ xem nó ảnh hưởng gì đến kiểu hành vi của bạn không.

3. Hãy nghĩ về một tình huống trong đó bạn muốn hiểu về cách cư xử của mình rõ hơn. Những hình ảnh bạn thấy về bản thân trong tình huống đó chẳng khác nào một bộ phim về chính bạn. Trạng thái này được gọi là trạng thái phân thân, trái ngược với trạng thái thật khi mắt bạn nhìn thấy hình ảnh thực. Nếu phân thân, bạn sẽ không có một cảm giác cụ thể nào về những gì mình đang nhìn thấy, không tội lỗi, không lúng túng hay bất cứ cảm giác nào khác. Bạn chỉ đang xem xem mình có thể làm gì trong tình huống đó. Ví dụ, trong quá khứ, nếu bạn bắt đầu và rồi từ bỏ việc học một kỹ năng mới, hãy kiểm điểm lại tất cả những gì đã xảy ra.

4. Sử dụng kỹ thuật “tự dạy mình giải quyết vấn đề”. Hãy vờ như đang phải dạy cho ai đó cách cư xử giống bạn. Bạn phải cho họ những hướng dẫn chính xác, chi tiết. Chẳng hạn, đặt ra tình huống xem xét lý do tại sao bạn không bao giờ thực hiện đúng những gì đã hẹn vào dịp cuối tuần, trong khi rõ ràng bạn luôn nhắc nhở mình phải nhớ việc này. Để chỉ cho ai đó cách làm việc này, bạn có thể hướng dẫn họ hứa với bạn bè thân thiết, vợ hoặc chồng hay con cái tham gia những hoạt động chiếm nhiều thời gian nhất vào dịp cuối tuần. Bạn có thể dạy họ giải quyết những việc vụn vặt vào các ngày trong tuần và phải hoàn thành trước ngày cuối tuần. Bạn có thể bảo họ nếu thức quá khuya vào tối thứ 6 và thứ 7 thì sáng hôm sau sẽ không thể dậy sớm được. Bạn có thể viết chi tiết ra giấy hoặc thu băng ghi âm, hoặc nhờ ai đó ghi lại những điều bạn nói. Và rồi, bạn sẽ có một danh sách những hành vi bạn có thể thay đổi từng chút một.

5. Sau khi thực hiện xong một hành vi nào, hãy đánh dấu lại. Ví dụ, bạn định dành ngày thứ 6 ở nhà để viết một báo cáo. Nhưng cho đến hết ngày thứ 6 bạn vẫn chưa hoàn thành. Khi chuyện này xảy ra, hãy ghi chú lại quá trình làm cho bạn thay đổi kế hoạch. Ví dụ, khi thức dậy và phát hiện ra quần áo bẩn đã chất đống, bạn quyết định cho tất cả vào máy giặt rồi sẽ đi viết báo cáo. Nhưng sau khi giặt xong, bạn lại nghĩ nên dọn dẹp qua nhà cửa để sau đó có thể thật sự tập trung vào viết. Khi dọn dẹp xong, bạn đã sẵn sàng viết thì một người bạn gọi điện thoại đến. Cô ấy có chuyện buồn và cần một người lắng nghe, an ủi. Bạn mất một tiếng đồng hồ, ngồi nghe hết câu chuyện phiêu lưu tình cảm lãng mạn. Giờ thì bạn đã đói ngấu và thế là phải ăn trưa, cứ như thế. (Chú ý: Viết ra trình tự sự việc đúng như nó diễn ra sẽ cho bạn thấy một sự ngắt quãng khiến bạn không thể tiếp tục thực hiện những dự định ban đầu đặt ra ‒ đó có thể là một bài thuốc điều trị tốt).

6. Sử dụng kỹ thuật “thông điệp từ linh cảm”. Với những điều bạn muốn thay đổi, hãy ngồi một chỗ và yên lặng suy nghĩ, tự hỏi linh cảm của mình về những gì bạn đang làm. Dùng từ “linh cảm”, tôi không có ý chỉ điều gì đó quá bí ẩn. ý tôi muốn nói “linh cảm” sẽ cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho bạn trong những thời điểm khó khăn. Hãy viết ra bất kỳ điều gì xuất hiện trong đầu, đừng lo lắng nó đúng hay không. Một vài người nhận thấy họ hiểu vấn đề hơn nếu viết ra bằng tay không thuận. Bạn có thể thấy trong giai đoạn này linh cảm không chỉ là liều thuốc an thần mà còn có thể cho bạn cách giải quyết.

Bây giờ bạn hãy bắt đầu liệt kê ra đây ít nhất ba cách dùng thời gian gây cản trở cho việc tập trung thời gian của bạn. Ban đầu bạn sẽ thấy ít thôi, nhưng càng liệt kê bạn sẽ càng thấy nhiều cản trở.

Những cách sử dụng thời gian không hợp lý:

1. ________________________________________

2. ________________________________________

3. ________________________________________

4. ________________________________________

5. ________________________________________

6. ________________________________________

Nắm rõ thói quen cư xử hiện tại đem lại cho bạn điều gì

Một trong những giả định của phương pháp tiếp cận tâm lý rất hữu ích (có tên là Lập trình ngôn ngữ tư duy ‒ Neuro Linguistic Programming ‒ NLP) đó là mọi hành vi đều có ý định tốt – mang lại lợi ích gì đó cho bạn.

Cuốn sách có tên Giới thiệu về NLP (Introducing NLP ) do Joseph O’Connor, John Seymour viết và HarperCollins xuất bản năm 2003 sẽ rất hữu ích nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về NLP.

Khi bạn xác định được những lối cư xử không tốt, hãy tiếp tục làm rõ chúng mang lại cho bạn cái gì. Thường thì đó là một hình thức bảo vệ, bảo vệ bạn trước những yêu cầu phải thay đổi (những thay đổi này ban đầu bao giờ cũng làm bạn không thoải mái, thậm chí là sợ hãi). Mặc dù kiểu bảo vệ như vậy gây ra những tác động xấu, bạn biết đó là điều không hay, nhưng bạn vẫn bấu víu vào nó, vì nó cho phép bạn tiếp tục làm theo những cách thức bạn đã học được trong quá khứ, hơn là thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

“Khi đã xác định được những lối cư xử tồi, hãy làm rõ hậu quả chúng gây ra cho bạn là gì”.

Hãy xem thêm một vài trường hợp:

• Những người luôn trì hoãn việc dọn dẹp căn phòng như ổ chuột của mình có thể tiềm ẩn nỗi sợ hãi phải ném đi những đồ vật có một giá trị tình cảm nào đó đối với họ hoặc mang lại cho họ cảm giác thoải mái. Họ trì hoãn việc dọn dẹp để có được cảm giác an ủi vì biết chúng vẫn ở đó.

• Một người tạo ra, ví dụ, một bức tranh, một bản thảo văn học hay một ý tưởng kinh doanh nhưng không bao giờ đưa cho người khác xem vì có thể sợ bị chế nhạo. Khi không ai có thể tiếp cận được tác phẩm, người đó sẽ tránh được việc đương đầu với sự chế nhạo. Đây là một điều hết sức tự nhiên, không phải thuộc về logic, mà là về cảm giác.

• Một người muốn thay đổi sự nghiệp của mình nhưng không bao giờ tiến lên được vì sợ nguy cơ bị từ chối.

Đây là một số ví dụ nhỏ mà sự thưởng phạt chưa rõ ràng, chỉ là những thói quen xấu mà bạn tạo ra, có thể dễ dàng thay đổi. Tuy nhiên, khi bạn phải đương đầu với những thói quen không dễ thay đổi thì vấn đề đáng nói hơn nhiều. Cần chú ý, việc bạn cần làm không phải chỉ trích bản thân mình mà hãy xem đó là cơ hội để bạn bắt đầu sự thay đổi. Viết ra đây 3 hành vi ảnh hưởng không tốt tới thành công của bạn và với mỗi hành vi, ghi ra những điều bạn gặp phải do hành vi đó gây nên.

Thói quen 1: ______________________________________

Hậu quả: ________________________________________

Thói quen 2: _____________________________________

Hậu quả: ________________________________________

Thói quen 3: _____________________________________

Hậu quả: ________________________________________

Trước khi có thể thay đổi những thói quen tiêu cực thành thói quen tích cực hơn, bạn sẽ phải tìm ra những hậu quả bằng cách khác.

Tìm ra cách thức tốt hơn để đạt kết quả

Hãy gắn vấn đề này với nguyên lý 80/20. Giả sử một người nung nấu ý định mở dịch vụ kinh doanh online mà anh ta nghĩ có thể mang lại nhiều lợi nhuận. Nếu anh ta dùng 80% thời gian của mình vào việc thực hiện ý tưởng đó, nó sẽ mang lại cho anh ta rất nhiều giá trị. Ngược lại, nếu anh ta dùng 80% thời gian vào việc tìm kiếm, đọc về marketing online nhưng lại không tiến hành làm website, phát triển các sản phẩm và dịch vụ để thu thút khách hàng, thì anh ta sẽ không bao giờ phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ, cũng không bao giờ thu hút được những khách hàng cần thiết.

Anh ta có thể lý luận rằng mình cần tất cả các thông tin mới nhất trước khi tiến hành công việc, nhưng bạn thử nghĩ xem điều này mang lại kết quả gì?

Khi vẫn còn lập kế hoạch, anh ta không thể thất bại. Nhưng chúng ta học được từ chính những thử nghiệm và sai lầm. Một kế hoạch tốt nhưng không được triển khai chẳng thể mang lại cho bạn lợi nhuận. Đó là điều đơn giản chúng ta có thể nói với anh ta (hoặc với chính mình). Chúng ta phải tìm ra một phương án an toàn như hiện tại trong khi thử một cách khác.

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng “tê liệt trong việc phân tích”; bạn nghiên cứu và lên kế hoạch rất nhiều nhưng không hành động, thì việc đưa ra bước đầu tiên là điều cần thiết. Hãy chọn bước đầu thật dễ, sau đó tìm kiếm thêm thông tin bạn cần thay vì cố gắng vạch ra tất cả mọi điều trước khi bạn bắt đầu.

Khi bạn xác định được kết quả, bạn có thể nghĩ ra những cách làm khác để đạt được kết quả giống như thế. Nếu nỗi sợ lớn nhất của một doanh nhân là những lời cười nhạo của người khác, rất có thể trong quá khứ người đó đã từng vạch ra kế hoạch và thất bại. Việc cần là, trước hết anh ta có thể đưa ra một vài ý kiến rồi xem xem mọi việc tiến triển thế nào. Khi cảm thấy tự tin hơn, anh có thể chia sẻ thông tin với người ủng hộ anh nhất. Nếu có lỗi xuất hiện, mà thường là những lỗi không thể tránh được, có thể rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục tiến lên.

Điểm mấu chốt là: Chỉ thay đổi hành vi của mình thôi chưa đủ, bạn phải thay đổi nó theo cách sẽ mang lại kết quả tương đương hành động cũ. Nếu không, cách mới chắc chắn sẽ không kéo dài lâu.

Một người luôn tránh dọn dẹp căn phòng bừa bộn của mình sẽ chọn giữ lại những thứ có giá trị tình cảm và vứt thứ khác đi. Hoặc họ sẽ cất những món đồ đó lên gác xép, sau một hai năm nếu không thấy cần nữa mới chịu bỏ.

Người lo ngại bị chê cười có thể nói trước với những người ủng hộ mình.

Những người muốn bắt đầu một công việc mới nhưng sợ thất bại có thể chia nhỏ công việc ra. Ví như, muốn trở thành một nhà tổ chức sự kiện, có thể thử làm người phụ giúp cho một tổ chức từ thiện trước.

Nếu bạn gặp khó khăn khi cố gắng tìm ra lối cư xử của mình, hãy tự hỏi: “Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì nếu mình dừng làm việc này?”. Sau đó hỏi một cách khác: “Điều gì sẽ xảy ra nếu mình làm việc này tốt hơn?”

Điều quan trọng là tìm ra cách nào thích hợp nhất với bạn, đó là một quá trình thử và sai. Đừng hi vọng ngay từ đầu bạn đã có một giải pháp hoàn hảo. Hãy tiếp cận mọi thứ với suy nghĩ học hỏi, vui chơi và thử nghiệm: bạn là một người anh hùng trong cuộc phiêu lưu tìm kho báu. Bạn có thể tiến thêm một bước nữa khi nhìn lại 3 hành vi tiêu cực nhất và kết quả của nó, hãy thử nghĩ xem có cách nào tích cực hơn để đạt kết quả như thế. Hãy viết ra đây ít nhất một ý kiến về cách bạn sẽ làm:

Lợi ích 1: ________________________________________

Cách tốt hơn để có được lợi ích này: ____________________

Lợi ích 2: ________________________________________

Cách tốt hơn để có được lợi ích này: _____________________

Lợi ích 3: ________________________________________

Cách tốt hơn để có được lợi ích này : _____________________

Tránh ôm đồm nhiều việc

Một hành vi tiêu cực điển hình là việc bạn tự gia hạn thêm thời gian cho mình. Nếu làm thế, bạn sẽ kết thúc công việc trong stress vì bạn phải làm nhiều hơn những gì mình cần đạt được. Rồi bạn giao cho khách hàng những sản phẩm hay dịch vụ đáng thất vọng, chậm thời hạn, chưa kể đến khả năng bạn có thể thất bại và dẫn đến làm hỏng hoàn toàn cả một dự án. Điều này còn làm người khác thất vọng hơn nhiều và có thể khiến bạn mất việc. Khi cố gắng làm quá nhiều việc cùng lúc, bạn sẽ không thể tập trung tốt nhất để hoàn thành trọn vẹn một việc nào.

Nếu vẽ sơ đồ cho quá trình này nhằm hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, chúng ta sẽ thấy khi người khác yêu cầu bạn làm một việc gì đó, bạn thường có xu hướng đồng ý ngay lập tức. Thật không may, điều quan trọng bạn không làm là cân nhắc xem công việc mới này sẽ nằm ở vị trí nào trong đống công việc mà bạn đang phải hoàn thành.

Một bí mật đáng giá trong kinh doanh là những doanh nhân tài ba nhất gần như là những người cực kỳ lười biếng, nhưng cũng đồng thời có khả năng làm việc cường độ cao. Điều này không hề khó hiểu. Thời gian làm biếng cũng chính là thời gian để suy nghĩ, suy nghĩ sẽ nảy sinh những ý tưởng hay, và những ý tưởng mới là con đường duy nhất đúng trong kinh doanh hiện đại.

Động cơ của việc lặp lại hành động là gì, mặc dù bạn đã từng nhận ra làm như vậy là không tốt?

• Bạn có thể không muốn người khác buồn và thất vọng, nên đồng ý ngay khi người đó yêu cầu bạn làm một việc nào đó.

• Vì công việc thú vị, bạn thích đến nỗi tách hẳn nó ra khỏi tổng thể những việc bạn đang phải làm khác và có tâm lý không muốn thất bại với một việc thú vị như thế.

Trong cả hai trường hợp, thủ phạm chính là trí tưởng tượng của bạn. Bạn tưởng tượng ra là người kia sẽ thất vọng, tưởng tượng ra việc đó rất thú vị, và tưởng tượng ra sẽ chán thế nào nếu một việc thú vị như thế không được hoàn thiện…

Một khoảng lặng cần thiết

Để vượt qua những phút giây của cảm xúc, bạn cần có một vài phút (hoặc cả một ngày, nếu cần) để nghĩ xem việc đó có phù hợp với kế hoạch công việc hiện tại của bạn không.

Nếu chính bạn nghĩ ra việc đó, hãy viết ra tất cả những gì bạn nghĩ được, xếp chúng vào một thư mục mới. Nhưng bạn đừng làm gì trong ít nhất một tuần (trừ khi bạn không có việc gì để làm). Khi bạn quyết định có nên làm việc đó hay không, hãy lập một bản đồ tư duy cho tất cả những dự án bạn đang phải làm và thời gian cụ thể cho từng việc. Nếu bạn từng quá lạc quan, hãy cộng thêm từ 25% đến 50% thời gian cho ước lượng của mình.

Nếu đó là việc của người khác và bạn thấy việc này quá cuốn hút, cứ thể hiện suy nghĩ của bạn nhưng nói với họ bạn cần suy nghĩ. Với tôi thì tôi nói “việc này nghe thú vị thật đấy nhưng mình cần nghĩ kỹ xem sẽ tốn bao nhiêu thời gian để có kết quả tốt. Gặp lại ngày mai và mình sẽ trả lời nhé”. Sau đó tôi sẽ dành cả ngày để suy nghĩ cẩn thận về những gì mình sẽ phải làm thay vì quyết định ngay vào phút giây hứng khởi.

Nếu bạn thấy nhận công việc đó sẽ chồng chéo lên các việc đang làm, hãy nghĩ ra những cách thay thế để có được kết quả như bạn thường làm:

Kết quả 1: Không làm buồn lòng hay thất vọng những người nhờ bạn làm.

Thay thế: Hãy tưởng tượng họ sẽ còn buồn hơn nếu bạn đồng ý làm nhưng sau đó không làm được gì. Hãy giải thích cho họ lý do tại sao bạn không nhận. Nếu được, hãy nhờ một người khác giúp cho.

Kết quả 2: Niềm vui thích khi nghĩ một công việc như thế sẽ thành công và bạn không muốn bỏ qua.

Thay thế: Một dự án mới luôn luôn có vẻ thú vị vì nó mới và chưa xuất hiện những chướng ngại. Hãy tự nhắc nhở mình là bất cứ dự án nào cũng có những khó khăn và sẽ đáng buồn biết bao nếu bạn phải bỏ dở nửa chừng vì bạn không thể đầu tư thời gian hợp lý. Và có khả năng bạn cũng không hoàn thành công việc chính của mình vì bạn còn chia thời gian cho việc khác.

Như bạn thấy, trong cả hai trường hợp bạn đều vận dụng trí tưởng tượng của mình, nhưng trong trường hợp thay thế bạn dùng nó để nhắc mình về những gì mình đang phải làm và tránh việc ôm đồm nhiều thứ.

Bước tiếp theo

Bây giờ bạn đã vạch ra một số mục tiêu và học cách thay đổi hành vi gây cản trở cho bạn trong quá khứ. Đã đến lúc bạn khám phá ra hai chướng ngại lớn nhất làm chùn bước mọi người và làm sao để vượt qua chúng. Tất cả sẽ có trong Chương 4.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.