Tập Trung - Sức Mạnh Của Tư Duy Có Mục Tiêu
5. Tập trung hơn vào sở trường
Bạn có biết trong quá trình cố gắng đạt tới thành công, hầu hết mọi người thường tập trung vào những điều ngược lại với những gì họ nên làm. Đó là sự thật, và có lẽ đây cũng là sai lầm bạn đã mắc phải trong quá khứ. Chỉ cần quay ngược lại, thành công của bạn sẽ được đẩy nhanh hơn nhiều.
Phương pháp sai lầm này chính là khi bạn tập trung vào những điểm yếu thay vì điểm mạnh của mình. Hãy thử xem một vài ví dụ về những con người và những nhãn hiệu nổi tiếng. Donald Trump và Richard Branson đều là những thiên tài trong việc tự tạo động lực cho chính mình. Họ vạch ra những điểm mới trong mọi công việc mới và thường trong việc đầu tư tài chính cho những dự án lớn, họ không phải trực tiếp bỏ tiền của họ ra. Bản thân họ là những thương hiệu mạnh, và đó là tâm điểm họ tập trung vào, còn những người khác sẽ kiểm soát công việc cho họ.
Với các nhãn hiệu sản phẩm cũng như vậy. Các sản phẩm của Apple có đặc điểm nổi trội nhất là thiết kế tuyệt đẹp. Apple cũng không cố gắng để làm cho sản phẩm rẻ hơn và tiêu thụ rộng rãi hơn. Trong khi đó, Wal-Mart lại trở thành nhà bán lẻ thành công nhất trên thế giới nhờ giá thành rẻ và sức tiêu thụ rộng lớn nhất.
Ngược lại, phần lớn mọi người thường xác định điểm yếu của mình và tập trung vào việc cải thiện những điểm yếu đó. Trong khi bận tâm vào những gì mình làm không tốt, họ thường không dành đủ thời gian cho những gì mình làm tốt. Đó là một phương pháp thật sự không hiệu quả chút nào.
Khi tiến hành phân tích 80/20, thường bạn nhận thấy rằng 20% mang lại nhiều giá trị nhất cho bạn là những gì bạn đã làm rồi, nhưng bạn làm chưa đủ. Tương tự như thế, khi tìm kiếm những phương pháp thúc đẩy thành công, cũng dễ hiểu tại sao chúng ta phải nhìn vào những gì mình đã phát huy được và tập trung thời gian cho chúng nhiều hơn cũng như áp dụng cho những thử thách sẽ gặp phải. Trong chương này bạn sẽ khám phá những điểm mạnh của mình là gì và học cách áp dụng chúng sao cho phát huy được tối đa hiệu quả.
Tất cả mọi người đều nên lắng nghe những điều trái tim mách bảo và chọn ra một cách làm với tất cả sức mạnh mình có.
Tục ngữ Hasidic
Điều này thật sự quan trọng đến nỗi nó cần phải được nhắc lại: Nếu bạn muốn đứng trong hàng ngũ của 5% người đứng đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn phải dành thời gian nhiều hơn cho những gì mình làm tốt, và bớt thời gian lo lắng cho những điều mình không làm tốt. Đó là một logic hoàn hảo, đúng vậy không? Nếu bạn đã làm điều gì đó rất tốt và tập trung thêm thời gian cũng như sức lực cho nó, phải nói là bạn sẽ làm cực kỳ xuất sắc. Nó sẽ đưa bạn tiến xa hơn nhiều so với hầu hết những người cùng làm. Bên cạnh đó, với những thứ không phải sở trường của bạn mà bạn lại đầu tư để cải thiện, kết quả có thể là với nhiều việc bạn vẫn bình thường như thế. Tất nhiên bạn không thể không để ý đến những điều mình không làm tốt, nhưng bạn có thể tìm những người làm điều đó tốt hơn bạn và nhờ hoặc thuê họ làm. Ví dụ, hãy xem trong những việc sau, việc nào bạn làm tốt và việc nào không tốt:
• Bán hàng
• Kế toán
• Diễn thuyết
• Thiết kế web
• Đề xuất ý tưởng
• Làm việc với môi trường mạng
• Marketing
• Họp
Trong danh sách kể trên, công việc kế toán khiến tôi không thể chịu nổi, thế nhưng lại có những người sống vì nó. Trong khi tôi thích thú việc diễn thuyết trước đám đông thì có thể một vài kế toán lại thà để xe bus cán qua còn hơn phải nói trước đông người. Tôi cũng muốn học để tự mình thiết kế web, nhưng tôi nhận ra mình đang lãng phí thời gian và tôi sẽ không bao giờ có thể làm tốt như một người chuyên nghiệp, cho nên tôi thuê họ làm. Với những dịch vụ online như những dịch vụ tôi đã đề cập, ví dụ elance.com, rất dễ dàng tìm người làm cho bạn những việc bạn không muốn làm.
Điểm mạnh của bạn là gì?
Chắc rằng nếu tôi hỏi điểm yếu nhất của bạn là gì, bạn có thể trả lời ngay mà không cần phải cố gắng lắm. Tuy nhiên, với phần lớn mọi người, không dễ để xác định xem điểm mạnh của mình là gì mặc dù việc này cực kỳ quan trọng. Hãy khám phá xem mình mạnh ở mặt nào. Viết ra câu trả lời đầu tiên xuất hiện trong đầu cho những câu hỏi dưới đây:
1. Điểm mạnh nhất của bạn khi phải đưa ra một ý kiến là gì?
_______________________________________________________________________
2. Điểm mạnh nhất của bạn khi phải thể hiện bản thân mình là gì?
_______________________________________________________________________
3. Điểm mạnh nhất của bạn khi làm việc cùng người khác?
_______________________________________________________________________
4. Điểm mạnh nhất của bạn khi phải tiến hành làm một công việc là gì?
_______________________________________________________________________
Tất nhiên có một vài thứ nhất định bạn muốn làm và có liên quan đến những điểm mạnh của bạn, nhưng bạn không luôn luôn làm việc đó hiệu quả như bạn có thể. Trong trường hợp này, một phương pháp rất hay để tìm ra cách làm tốt hơn là bạn hãy xem lại những trường hợp mà bạn đã làm thật tốt.
Khi nào bạn làm một thứ gì đó thật tốt
Tôi từng trao đổi với một nữ văn sĩ luôn than phiền về vấn đề làm thế nào để không đến muộn trong các cuộc hẹn. Nhưng khi điều tra kỹ hơn tôi phát hiện ra một ngoại lệ cực kỳ quan trọng: cô ấy không bao giờ bị muộn giờ bay. Rõ ràng cô ấy có thái độ khác khi phải bắt kịp một chuyến bay. Câu hỏi đặt ra là: Cô ấy đã làm gì khác nhau giữa các việc đó?
Câu trả lời của cô là: Khi phải bay đến một nơi nào đó, cô luôn đóng gói hành lý và chuẩn bị từ ngày hôm trước. Chúng tôi xem cô chuẩn bị trước để sẵn sàng cho công việc ngày hôm sau và thấy có sự khác nhau rõ rệt.
Dưới đây là một số câu hỏi hữu ích cho bạn:
• Nếu bạn thường trì hoãn thì những việc nào là những việc bạn KHôNG trì hoãn?
• Nếu bạn thường xuyên không hoàn thành dự án của bạn, thì trong những lần hiếm hoi bạn hoàn thành có điểm gì khác nhau?
• Nếu bạn thường xuyên không khởi đầu một ngày bằng việc quan trọng nhất, thì so với những ngày bạn đã bắt đầu bằng công việc quan trọng, chúng khác nhau như thế nào?
Từ những khác biệt đó, bạn sẽ tìm ra những dấu hiệu giúp mình thay đổi. Thường thì các vấn đề luôn luôn có cách giải quyết trong chính bản thân nó.
Bạn có thể thử luôn bây giờ:
Viết ra một việc mà bạn thường không làm tốt như bạn muốn:
_______________________________________________________________________
Bây giờ hãy nghĩ đến ít nhất một lần bạn đã làm việc đó thật tốt:
_______________________________________________________________________
Có gì khác nhau giữa hai lần đó?
_______________________________________________________________________
Có thể áp dụng điều này như thế nào nếu bạn phải làm việc này thêm một lần nữa?
_______________________________________________________________________
Hãy để ý xem khi nào bạn làm tốt
Một cách tốt hơn để học cách tạo thói quen sử dụng những cách cư xử hiệu quả nhất là chú ý khi nào chúng xảy ra. Hầu như chúng ta chỉ hay chú ý khi mọi thứ trở nên tồi tệ, khi mọi thứ tốt đẹp, chúng ta coi đó là điều đương nhiên. Từ giờ trở đi bạn hãy dành mấy phút cuối mỗi ngày để tổng kết lại những gì đã xảy ra, ghi lại những gì bạn đã làm tốt và lý do tại sao. Ví dụ, bạn định dọn dẹp hòm thư, tại sao làm vào ngày hôm nay lại dễ dàng? Có thể bạn đặt ra cho mình 30 phút để làm và để những tiếng tích tắc của đồng hồ giúp bạn không bị mất tập trung, hoặc bạn nghĩ ra một cách mới để xử lý những email đó.
XEM LẠI MỌI VIỆC TRƯỚC KHI ĐI NGỦ
Có một cách rất hay để tổng kết lại một ngày của bạn và những gì bạn học được trong ngày, đó là gắn việc đó với một việc mà tối nào bạn cũng phải làm, ví dụ như đánh răng trước khi đi ngủ. Để giấy bút bên cạnh để có để viết ra những điều bạn nghĩ.
Bây giờ bạn hãy dành đôi ba phút để xem bạn có thể áp dụng những kỹ thuật này với những thử thách bạn đang gặp phải hiện tại không. Có thể đặt ra một hạn chót tương tự như thế cho việc viết bản nháp báo cáo bạn đang phải làm hay không? Có thể sử dụng hệ thống những thư mục thư điện tử mới để làm cho các giấy tờ của bạn trở nên gọn gàng hơn không?
Thậm chí tốt hơn nữa nếu bạn có thể viết tất cả những việc bạn làm tốt để trong tương lai mỗi khi có gì gặp khó khăn bạn có thể đem ra và tìm cho mình một cách thức đã được chứng minh hiệu quả có thể áp dụng được trong hình huống đó. Điều hay nhất của phương pháp này là bạn đã học được kinh nghiệm từ chính bản thân mình, và chắc chắn biết rằng đó là những phương pháp đã được chứng minh.
Học từ Pavlov và những chú chó của ông
Bạn có nhớ mình đã được đọc hay nghe về những chú chó của Pavlov không? Nhà khoa học này mỗi lần cho chó ăn lại rung chuông. Những chú chó mỗi khi thấy dấu hiệu của thức ăn là tiết nước bọt. Sau một thời gian, tất cả những gì ông cần phải làm khi muốn những chú chó tiết nước bọt là chỉ cần rung chuông. Chúng gắn âm thanh với đồ ăn một cách mật thiết đến nỗi cơ thể chúng phản ứng như thể thức ăn có ở đó thật. Hẳn bạn đang tự hỏi điều này liên quan gì vì bạn thấy mình chả có liên quan gì tới việc những chú chó tiết nước bọt cả.
Có những thời điểm bạn thể hiện như những người xuất sắc, nhưng đối với chúng ta những trạng thái thể chất và tinh thần cứ đến rồi đi, không kiểm soát được. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu bạn có thể đánh thức trạng thái này những lúc bạn muốn. Bạn có thể, bằng cách sử dụng nguyên lý của Pavlov. Khi bạn nhận ra mình đang ở trong trạng thái thật tốt, gắn nó với một âm thanh (ví dụ, một bài hát nhất định ‒ hãy chọn một bài mà bạn không nghe thường xuyên) hay một mùi vị (ví dụ như mùi dầu bạc hà, hay một loại nước hoa bạn không thường dùng). Khi bạn làm như vậy vài lần, trạng thái tâm hồn của bạn và những yếu tố khác sẽ tự động gắn với âm thanh và mùi hương của trạng thái thật tốt đó. Chúng ta sẽ nói những biến thể của cách tiếp cận này trong chương tiếp theo khi bạn học về cách sử dụng phương pháp đa tính cách.
Khi nào và ở đâu bạn có được những ý tưởng tốt nhất?
Một cuộc điều tra do tạp chí Quản trị ngày nay tiến hành tiết lộ 2/3 những người quản lý trả lời họ có những ý tưởng tốt nhất ngoài giờ làm việc. Với câu hỏi khi nào và ở đâu bạn có những ý tưởng hay nhất, câu trả lời phần lớn là:
• Trong khi tắm
• Khi cạo râu
• Khi lái xe đi làm
• Trên tàu điện hay xe điện
• Khi đang chơi golf
• Khi đi dạo hoặc đi bộ
• Trên giường sau khi đi bộ
• Trên giường trước khi đi ngủ
• Trong khi xem các quảng cáo trên tivi
• Khi đang tập thể dục
Khoanh tròn bất cứ điều nào trong những điều trên phù hợp với bạn và viết ra đây những ý kiến khác mà bạn có:
Vì chúng ra đã đánh dấu ở đâu đó, điều quan trọng là chúng ta phải giữ lại những ý tưởng trước khi bạn bị phân tán và chúng biến mất. Hãy để những tệp giấy nhớ và bút ở mọi nơi: trong phòng tắm, trên giường, trên ghế sô-pha, trong phòng khách. Nếu trong những tình huống mà bạn không thể viết được, hãy mang theo bên mình một máy ghi âm nhỏ để sẵn sàng ghi âm.
“Điều quan trọng là phải giữ lại những ý tưởng trước khi bạn bị phân tán”.
Khai thác sức mạnh của những giấc mơ ban ngày
Thật không may, khi lớn lên người khác thường nói với chúng ta rằng, những giấc mơ ban ngày chỉ lãng phí thời gian, nhưng đó chính xác là những gì bạn đang làm khi bạn tắm, đi dạo hay đang tập thể dục, những ý tưởng bỗng nhiên xuất hiện trong đầu. Các thông tin đến từ trạng thái vô thức và do những hoạt động vô thức tạo ra. Không có cách nào để ép buộc những giấc mơ ban ngày nhưng bạn có thể làm cho nó xuất hiện nhiều hơn bằng cách:
• Dành thời gian lâu hơn cho những hoạt động có khả năng xuất hiện các giấc mơ ban ngày (ví dụ như tắm lâu hơn…).
• Khi những ý tưởng xuất hiện, đừng đánh giá nó ngay. Những suy nghĩ tiêu cực sẽ giết chết một ý tưởng mới. Thậm chí kể cả khi ý tưởng đó có vẻ bất khả thi, hãy giữ nó lại vì nó có thể dẫn đến một ý tưởng khác.
• Đừng bao giờ bắt ép các ý tưởng mà hãy tự do nghĩ về nó. Ví dụ, nếu bạn muốn đưa ra một bài thuyết trình thật tuyệt vời, hãy để đầu óc bạn nghĩ những bài thuyết trình hay và dở mà bạn đã từng chứng kiến và xem có gì xuất hiện trong đầu bạn.
Những giấc mơ ban đêm: tiềm năng cho bạn ý tưởng
Đã từ lâu, chúng ta đều biết rằng rất nhiều nhà văn vĩ đại lấy ý tưởng từ những giấc mơ, ví dụ như Robert Louis Stevenson với cuốn Jekyll và Hyde. Paul McCartney mơ thấy những giai điệu cho bài Ngày hôm qua. Nếu bạn chưa từng viết lại những giấc mơ của mình, bạn có thể đã bỏ lỡ một nguồn thông tin lớn.
Các nghiên cứu gợi ý bạn còn có thể sử dụng những giấc mơ để giải quyết một vấn đề cụ thể. Một nghiên cứu trên Tạp chí nghiên cứu giấc ngủ (Journal of Sleep Research) tháng 12 năm 2004 yêu cầu 470 người viết ra những giấc mơ của mình và xếp loại theo ảnh hưởng về cường độ và cảm xúc.
HãY TẠO GIẤC MƠ BAN NGàY
Nếu bạn muốn dùng một giấc mơ ban ngày để giải quyết một vấn đề, hãy thử lấy một từ ngẫu nhiên trong một cuốn tạp chí và thử tưởng tượng xem từ đó có thể có liên quan gì đến cách giải quyết. Ví dụ, nếu bạn muốn thuyết phục ông chủ của mình giá trị của một ý tưởng mới, và từ mà bạn ngẫu nhiên lấy ra là “bác sĩ”, những ý nghĩ có thể dẫn bạn tới một ý niệm bác sĩ là một nhân vật được mọi người tôn trọng, và có thể bạn cần sự chứng thực của một chuyên gia cho vấn đề của mình.
Những người tham gia được yêu cầu nhớ lại một số sự kiện diễn ra một tuần trước đó. Sau đó từng người sẽ đánh giá những giấc mơ này để xem liệu nó có chứa đựng giải pháp nào cho vấn đề nảy sinh từ những sự kiện đó không. Kết luận là: Những giấc mơ đưa ra cái nhìn sâu sắc và cách giải quyết ngay trong tuần khi sự kiện diễn ra. Cách giải quyết có thể xuất hiện ngay trong ngày sự kiện xuất hiện, nhưng cũng có thể trong sáu hoặc bảy ngày sau đó.
Bạn có thể thấy điều này rõ ràng hơn nếu bạn nghĩ một chút về sự kiện đó trước khi đi ngủ. Đừng lo lắng về nó, nên đưa ra một câu hỏi bạn cần trả lời, sau đó đi ngủ. Sáng hôm nay hãy viết ra bất cứ giấc mơ nào nếu có. Đừng phân tích, chỉ viết ra tất cả những gì bạn có thể nhớ được. Nếu giấc mơ đó làm bạn thức giấc, hãy viết ra luôn vì có thể đến sáng hôm sau bạn sẽ quên mất. Một hai ngày sau, hãy ngồi ở một nơi yên tĩnh và xem bạn đã viết những gì. Những giấc mơ chính là những phép ẩn dụ, cho nên cách giải quyết có thể ở dưới dạng một biểu tượng nào đó. Hãy để đầu óc bạn tự do vận dụng trí tưởng tượng về những gì giấc mơ đang cố gắng nói cho bạn.
Bây giờ bạn đã có những ý kiến hay hơn nhiều về những điểm mạnh – những nhân tố sẽ quyết định, thúc đẩy thành công. Khi làm những điều biết là cần thiết, bạn sẽ có một nội lực cực kỳ lớn. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường bị chậm lại do sự trì hoãn. Ở chương tiếp theo bạn sẽ học được cách loại bỏ những thói quen xấu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.