Tập Trung - Sức Mạnh Của Tư Duy Có Mục Tiêu
9. Ngôn ngữ ‒ công cụ hữu ích
Khả năng thuyết phục là một kỹ năng cực kỳ quan trọng và công cụ thuyết phục hữu hiệu nhất chính là ngôn ngữ của bạn. Đây là một kỹ năng mà bạn sẵn có, nhưng có thể bạn chưa sử dụng ngôn ngữ của mình một cách hiệu quả nhất. Khi bạn đọc xong chương này, bạn sẽ học được cách ứng dụng kỹ năng này khi cần thiết.
Thực chất bạn luôn là một nhà hùng biện
Nếu bạn nghi ngờ khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình, hãy cân nhắc:
• Bạn đã bao giờ thuyết phục bố mẹ mình rằng mình đã ở nhà và học bài trong khi thực tế không phải vậy chưa?
• Bạn đã kết hôn hay hẹn hò với ai đó chưa?
• Bạn đã bao giờ ngăn được một đứa trẻ đang định làm gì đó rất nguy hiểm?
• Bạn đã bao giờ chiến thắng các ứng viên khác trong một cuộc phỏng vấn?
Trong những tình huống này, chúng ta phải thuyết phục vì hiểu rõ và tập trung vào kết quả mà chúng ta muốn có. Khi chúng ta thiết lập các mối quan hệ với những người khác và tiếp cận bằng cách mà chúng ta cảm thấy có khả năng thành công cao nhất, bạn sẽ có được công cụ mạnh nhất.
Vấn đề của hầu hết các cuộc nói chuyện
Những cuộc nói chuyện là những trao đổi, trong đó chúng ta lắng nghe người khác nói, và chia sẻ suy nghĩ, cảm giác với họ. Điều đó thật đơn giản, nhưng chúng ta lại thường kết thúc một cuộc nói chuyện hay một cuộc họp với tâm trạng tức giận vì nghĩ rằng hình như người khác không hiểu chúng ta. Những người khác cũng vậy thôi. Tại sao điều này lại khó khăn như vậy?
Vấn đề là chúng ta có xu hướng quên mất một sự thật về việc giao tiếp của con người. Hầu hết các cuộc nói chuyện không đơn giản chỉ là những bài hội thoại mà là những bài độc thoại cực kỳ thú vị. Bạn là ngôi sao của chính cuộc đời mình và những người khác là những diễn viên phụ. Và tất nhiên người khác cũng vậy, trong cuộc đời họ thì họ là ngôi sao còn bạn chỉ là diễn viên phụ. Mỗi người chúng ta đều có một kịch bản cho riêng mình, không có cuộc giao tiếp nào khó cả.
“Mỗi người chúng ta đều có một kịch bản cho riêng mình, không có cuộc giao tiếp nào khó cả”.
Một vài cách sau đây có thể giúp bạn dùng ngôn ngữ của mình để giao tiếp thành công hơn. Tôi sẽ đưa ra đây một ví dụ cụ thể, bởi vì “giao tiếp” là một từ trừu tượng ‒ và chỉ có nghĩa khi bạn biết bạn muốn giao tiếp và giao tiếp với ai. Một khi đã biết điều đó, bạn có thể biết được giao tiếp như thế nào là tốt nhất. Những kỹ thuật này phát huy tác dụng trong cuộc sống gia đình, tình bạn, kinh doanh… Khi bạn đọc những trang này, bạn có thể muốn xem nó sẽ giúp bạn giao tiếp hiệu quả như thế nào trong từng lĩnh vực của cuộc sống.
Bí MẬT CỦA NAM GIỚI Và NỮ GIỚI
Trong những năm gần đây, người ta luôn nghĩ phụ nữ nói nhiều hơn nam giới và cũng ít ngắt lời hơn nam giới. Phụ nữ cũng nói nhiều về cảm giác và các mối quan hệ trong khi nam giới nói nhiều về các sự kiện. Những cuộc trò chuyện của phụ nữ có xu hướng hợp tác trong khi của nam giới thường có tính chất cạnh tranh. Tuy nhiên, khi nhà tâm lý học, tiến sĩ Janet Hyde tiến hành một nghiên cứu tâm lý về giao tiếp nam nữ, bà khám phá ra là thực ra có rất ít sự khác biệt về chất lượng và cả số lượng giao tiếp giữa nữ và nam.
Tạo ra sự kết nối
Một trong những cụm từ mà mọi người thường dùng để chỉ quan hệ giữa họ và người khác là “tâm đầu ý hợp”. Khi hai người tâm đầu ý hợp, gần như chắc chắn người ấy sẽ làm những điều bạn mong muốn. Đó cũng là một kỹ năng bạn có thể học và sử dụng thành một lợi thế của mình.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các mối quan hệ dường như chủ yếu dựa trên sự tương đồng. Sự giống nhau có thể chỉ áp dụng cho các tình huống trước mắt. Bạn có thể tìm được người bạn tâm đầu bằng cách tìm sở thích chung với người khác. Và đâu là điều mà hầu hết mọi người đều thích, câu trả lời là: chính bản thân mình. Vì thế, bạn có thể thiết lập một mối quan hệ với bất kỳ người nào bằng cách tìm ra một điểm thật sự thú vị của bản thân họ. Tôi nhấn mạnh vào từ “thật sự”, vì một điểm thú vị có thể có giá trị cho cả hai bên. Bên cạnh đó, chỉ những diễn viên và những người thần kinh không ổn định mới giả vờ được trong trường hợp đó.
Khi nào thì bạn muốn thiết lập những mối quan hệ như thế? Thường là khi bạn gặp một người mới và bạn muốn người đó hiểu được những thông điệp mình đưa ra. Đó có thể là bạn thấy người ta rất thu hút và muốn hẹn hò, hay bạn có một sản phẩm tuyệt vời mà người đó nên mua.
HỌC CáCH LẮNG NGHE
Nếu bạn thấy khó khăn khi phải lắng nghe người khác nói, hãy thử những biện pháp sau:
• Diễn giải trong đầu xem người đó đang nói gì.
• Thay vì cố tìm câu trả lời, hãy thử xem người đó đang cảm thấy như thế nào về những điều họ nói.
• Hãy tự đặt cho mình một khoảng thời gian, khoảng 5 phút lắng nghe liên tục. Dần dần tăng thời gian lên cho đến khi hoàn toàn có thể lắng nghe lâu dài.
Trong tất cả các tình huống giao tiếp luôn có một giai đoạn gọi là “phá vỡ lớp vỏ bên ngoài”. Đó là việc khó nhất khi thiết lập một mối quan hệ. Trong khi lắng nghe, thay vì để ý nghĩ khác len lỏi, bạn hãy tập trung vào cuộc hội thoại của mình. Bạn cũng nên xem xét cử chỉ của người khác để biết được cảm giác của họ. Hãy đưa ra phản hồi, cả bằng lời nói lẫn hành động để cho họ thấy bạn hiểu những gì họ nói.
Một khi bạn bắt đầu lắng nghe thì không khó để có thể tìm ra mối quan tâm của người khác. Ví dụ bạn gặp một khách hàng tiềm năng. Hãy chuyển sự tập trung của bạn từ mong muốn bán hàng thành mong muốn hiểu được người mà bạn đang tiếp xúc. Hãy hỏi một vài câu hỏi và lắng nghe câu trả lời. Nếu có sự trùng khớp giữa những gì họ cần và những gì bạn đang chào bán, rõ ràng đó là điều tự nhiên khi bạn đề cập tới sản phẩm và dịch vụ của mình.
Nói theo kiểu ngôn ngữ của người nghe
Biết lắng nghe cũng luôn cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích cho chiến lược xây dựng mối quan hệ (theo chương trình Ngôn ngữ học thần kinh). Kỹ thuật này nhằm tạo ra sự gắn kết giữa bạn với người mà bạn đang nói chuyện. Một trong những điều bạn có thể làm là nói theo kiểu ngôn ngữ người nghe sử dụng.
Các kiểu ngôn ngữ thường thiên về sử dụng hình ảnh, âm thanh hay cảm giác. Nếu bạn lắng nghe một cuộc nói chuyện nào đó, bạn sẽ thấy rằng họ có xu hướng sử dụng những từ lấy từ một trong những phạm trù này.
Một người thể hiện bằng hình ảnh sẽ nói những câu như, “Điều đó quá rõ ràng”, hay “Tôi hiểu ý chị”, hoặc “Cho tôi thời gian để xem xét”.
Một người hay thể hiện bằng âm thanh sẽ nói những câu dạng như: “Tôi đang nghe những gì anh nói” hay “Nghe có vẻ hợp lý”.
Còn một người thể hiện bằng cảm giác sẽ nói những câu như: “Đó là những số liệu tương đối nặng”, hay “Tôi có cảm giác rằng anh nói đúng”.
Hầu hết mọi người sẽ sử dụng kết hợp nhưng một vài người sẽ sử dụng thiên về một trong ba hình thức trên. Thực tế, bạn có thể kiểm chứng điều này khi xem các cuộc phỏng vấn trên tivi.
Sau đó nếu bạn sử dụng cùng kiểu ngôn ngữ với người nghe, hai bạn sẽ hiểu nhau nhanh hơn. Nếu bạn nói chuyện với một nhóm người, bạn nên sử dụng tất cả các loại trên vì nếu chỉ sử dụng loại bạn ưa thích, một vài người nghe sẽ cảm thấy họ không cùng quan điểm với bạn.
Thực hành
Để hiểu và nắm bắt cảm giác, hãy dành thời gian để xem xét sở thích của chính bạn. Nếu bạn không chắc chắn, hãy mô tả hay giải thích điều gì đó bạn làm. Bạn sẽ sớm nhận thấy một vài thuật ngữ liên quan tới phạm trù thể hiện mà bạn thích hơn. Viết hệ thống biểu hiện bạn thích ra giấy (hình ảnh, âm thanh hay cảm giác):
______________________________________________________________________________________
Bây giờ, hãy lặp lại nhưng lần này mô tả bằng những thuật ngữ của một trong hai kiểu thể hiện còn lại. Ví dụ nếu bạn là người sử dụng cách thể hiện bằng hình ảnh, bạn sẽ viết: “Khi làm việc với một khách hàng mới, tôi cố gắng thấy được họ muốn gì.” Nếu bạn sử dụng cách thể hiện bằng âm thanh, bạn sẽ nói: “Khi làm việc với một khách hàng mới, tôi cố gắng thấy được họ muốn gì.” Nếu bạn sử dụng từ ngữ thể hiện bằng cảm giác, bạn có thể nói: “Tôi cố gắng hiểu được những gì họ muốn.” Viết biện pháp thay đổi ở đây:
Biện pháp 1:
______________________________________________________________________________________
Biện pháp 2:
______________________________________________________________________________________
Nắm bắt và dẫn dắt một cuộc hội thoại
Có một khái niệm trong lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) là kỹ năng hữu ích trong việc hình thành mối quan hệ và cũng hữu ích trong việc biến một cuộc hội thoại từ chiều hướng xấu sang chiều hướng tốt. Hãy lấy ví dụ: một người bạn gọi điện cho bạn và bắt đầu cuộc nói chuyện như sau:
Người gọi: “Tôi cảm thấy rất chán nản!”
Bạn: “Hãy vui vẻ lên! Mọi thứ vẫn tốt đẹp, anh hãy vui vẻ lên chứ!”
Cách này có vẻ không hiệu quả phải không? Trong ví dụ này, người thể hiện cảm xúc có lý do để buồn chán, nhưng bạn lại hoàn toàn không nhạy cảm với cảm xúc của họ. Hãy thử lại một lần nữa:
Người gọi: “Tôi cảm thấy rất chán nản!”.
Bạn (với giọng thông cảm): “Chuyện gì vậy?”
Người gọi: “Tuần này tôi lại tăng lên 2kg rồi. Thật là tồi tệ!”
Bạn: “Ăn kiêng là cả vấn đề lớn”.
Người gọi: “Tôi đã dự ba bữa tiệc. Đó là lý do khiến tôi thế này đây.”
Bạn: “Tuần tới anh còn bữa tiệc nào như vậy không?”
Người gọi: “Chỉ có một bữa thôi. Tôi phải tiếp một khách hàng tiềm năng.”
Bạn: “Đồ ăn Nhật có lợi cho sức khỏe mà lại có hàm lượng ca-lo thấp. Anh có nghĩ họ sẽ đồng ý tới một nhà hàng Nhật không?
Người gọi: “ý tưởng hay đấy! Tôi sẽ hỏi họ.”
Bạn có thể tham khảo mẫu trên. Hãy bắt đầu bằng cách thể hiện sự thông cảm qua giọng nói cũng như từ ngữ của mình. Sau đó hãy tìm ra một khía cạnh tích cực để xoáy vào (trong trường hợp này là chỉ có một bữa ăn với khách hàng vào tuần tới, trên thực tế có thể mất nhiều thời gian hơn để tìm ra điều này). Sau đó bạn hãy đưa ra một vài biện pháp thay thế. Đôi khi, bước cuối cùng này không cần thiết, người nghe có thể đã có biện pháp của riêng mình và điều duy nhất cần ở đây là một chút thông cảm và chia sẻ.
HOàN THIỆN KHẢ NĂNG NẮM BẮT
Nếu bạn khó nắm bắt tâm trạng của một ai đó, hãy thử bắt chước điệu bộ và tư thế của họ. Sau đó dần thay đổi tư thế của bạn để khớp với tâm trạng mà bạn muốn truyền cho người đó. Nếu bạn thực hiện tốt điều này, họ sẽ bắt đầu thay đổi tư thế điệu bộ.
Sau đây là một tình huống bán hàng:
Khách hàng: “Những chiếc ô tô này đắt quá.”
Nhân viên bán hàng: “Không hẳn thế đâu anh. Chúng rất tuyệt đấy!”
Tất nhiên anh ta sẽ không thành công.
Sau đây là một biện pháp khác:
Khách hàng: “Những chiếc ô tô này đắt quá.”
Nhân viên: “Anh thấy đấy, thời buổi này giá cả đều tăng.”
Khách hàng: “Tôi sẽ phải tìm một cái rẻ hơn.”
Nhân viên: “Thực ra đó có thể là một ý kiến hay nhưng chỉ là giải pháp trước mắt. Còn những chiếc ô tô này sẽ tiết kiệm tiền bạc cho anh trong thời gian dài.”
Khách hàng: “ý anh là gì?”
Sau đó người bán có thể bàn luận về các con số khấu hao, tiêu tốn nhiên liệu, kế hoạch tài chính hay bất kỳ điều gì khác có thể tạo nên giá trị tuyệt vời cho chiếc ô tô của anh ta.
Đầu tiên bạn phải tạo ấn tượng rằng bạn có thể hiểu được hoàn cảnh của họ. Sau đó bạn dần quay trở về với cuộc hội thoại. Để ý các dấu hiệu mà khi đó người nghe cảm thấy thoải mái và được an ủi. Sau đó hãy tiến từng bước nhỏ và cuối cùng bạn sẽ dẫn dắt họ tới cuộc hội thoại phục vụ cho mục đích của bạn.
Kỹ năng tạo lại mối tương quan
Tạo lại mối tương quan có nghĩa là nhìn sự vật theo một cách khác. Ví dụ, nếu cái cốc rỗng một nửa, tức là nửa kia của nó phải đầy. Sau đây là ví dụ về việc tạo mối tương quan mới trong một cuộc hội thoại:
Maria: “Tuần này có một cuộc hội thảo phát triển đấy. Cậu có thích đi dự không?”
Ted: “Tớ không biết. Nó được tổ chức ở đâu, khi nào?”
Maria: “Tuần này, tại Birmingham. Chúng ta sẽ phải rời London lúc 6h sáng”.
Ted: “Dậy lúc 6h sáng ngày thứ bảy? Tớ không thể!”
Maria: “Đúng là hơi sớm đấy. Nhưng nó chỉ là một buổi sáng thôi mà, hơn nữa ngày cuối tuần này có thể thay đổi cuộc đời cậu”.
Ted: “Thay đổi cuộc đời tớ? Cậu nói rõ xem nào?”
Từ ngữ châm ngòi ở đây là 6h sáng. Có thể lúc đó Ted ngay lập tức hình dung ra việc dậy lúc 5h sáng và không thích điều đó. Nhưng sau đó Maria đã tạo tương quan mới bằng cách đặt nó vào một ngữ cảnh lớn hơn: chỉ một buổi dậy sớm để thay đổi cả cuộc đời. Điều đó làm cho Ted phải quan tâm.
Một ví dụ nữa là các bậc bố mẹ thường thấy đứa con nhỏ của họ luôn miệng nói con không muốn tới trường đâu. Bạn có thể nói những câu đại thể như: “Mẹ cược là các bạn con sẽ có một ngày vui vẻ trong lớp nghệ thuật và say sưa vẽ tranh. Mẹ cũng đoán là cô bạn thân nhất của con Susie sẽ thấy thật vui vẻ khi được thưởng thức bữa trưa một mình. Có thể bạn ấy sẽ tìm ai đó khác để chơi cùng.” Đột nhiên nhu cầu dậy sớm lại trở thành một phần của bức tranh lớn hơn và nó sẽ cuốn hút hơn.
THUYẾT PHỤC BẰNG SỐ LƯỢNG
Một trong những cách phổ biến mà các nhà quảng cáo vẫn sử dụng để tạo lại tương quan là nói giảm nhẹ (“giá trị không hơn một cốc cà phê mỗi ngày”) hay phóng đại (“cuối năm nay, với khoản tiết kiệm của mình, bạn có thể mua những món quà Giáng sinh cho cả gia đình mình”). Nếu bạn đang cố gắng thuyết phục ai đó về điều gì liên quan tới số lượng về thời gian hay tiền bạc, hãy xem xét cách này, có thể nó sẽ hiệu quả hơn.
Thực hành
Hãy nghĩ ra một việc bạn muốn thuyết phục ai đó. Có thể là một tình huống cá nhân hay một tình huống trong kinh doanh. Hãy viết nó ra đây:
______________________________________________________________________________________
Hãy nghĩ cách tạo lại tương quan để làm cho nó hấp dẫn hơn đối với người mà bạn muốn thuyết phục:
______________________________________________________________________________________
Sử dụng ẩn dụ và các câu chuyện cho cuộc nói chuyện của bạn
Tất cả những tác phẩm tôn giáo vĩ đại đều sử dụng ẩn dụ và tục ngữ để tạo nên luận điểm. Kể một câu chuyện cũng có thể là cách đặc biệt có hiệu quả. Ví dụ câu chuyện sau:
Một sư thầy và một thầy tu trẻ đang đi bộ qua một vùng quê. Họ đi ngang qua một con suối chảy xiết và thấy một thiếu nữ đang cố gắng qua suối. Sư thầy đã cõng cô gái lên và băng qua. Cô gái rối rít cảm ơn và họ lại mỗi người một ngả. Ba ngày kế tiếp, thầy tu trẻ thấy rất bối rối và ngày càng bị kích động. Cuối cùng sư thầy hỏi xem có chuyện gì xảy ra với anh ta. Anh ta bèn nói: “Thầy có biết chúng ta bị cấm có quan hệ xác thịt với phụ nữ không?”. Thầy tu bèn nói: “à, đó là người phụ nữ mà ta đã cõng qua suối cách đây ba ngày. Ta đã đặt cô ấy xuống bờ suối. Còn con vẫn vác cô ấy trên lưng ư?”
Khó có thể đưa ra quan điểm của mình bằng cách nào khéo léo và hiệu quả hơn.
Điều quan trọng nhất của phép ẩn dụ là người nghe phải hiểu được nó, có thể liên hệ nó với cuộc sống của họ hay tình huống đang được bàn đến. Thường điều này sẽ đi sâu hơn vào nhận thức của họ.
Những nhà hùng biện hay các chính trị gia từ lâu đã sử dụng phép ẩn dụ và những câu chuyện mang tính ẩn dụ (xem những bài phát biểu của Abraham Lincoln, Winston Churchill hay bất kỳ nhà hùng biện vĩ đại nào). Phép ẩn dụ rất hiệu quả vì nó vừa mang tính giải trí lại vừa truyền đạt thông tin.
Một phép ẩn dụ không cần phải là một câu chuyện hoàn chỉnh, nó có thể đơn giản chỉ là một cụm từ hay một câu. Ví dụ khi một đồng nghiệp cảm thấy việc thỏa thuận vẫn rơi vào bế tắc và không thể tiến triển được, bạn có thể nói điều gì tương tự như: “Giống như chúng ta đang đụng phải một bức tường gạch vậy. Không biết có cách nào để đào một đường hầm xuyên qua nó không nhỉ?” Chỉ là một câu nói đơn giản nhưng nó có thể gợi cho đồng nghiệp của bạn một ý tưởng mới, để anh ta xem xét vấn đề dưới khía cạnh khác.
Đôi khi bạn cần đưa ra quan điểm nhưng nếu đưa trực tiếp có thể làm người nghe phản đối, do đó nên xây dựng một phép ẩn dụ và đưa nó vào cuộc nói chuyện của bạn. Tránh diễn giải ý nghĩa của câu ẩn dụ, nếu không bạn sẽ phủ nhận giá trị của nó.
Thực hành
Hãy nghĩ một thông điệp bạn muốn giải thích. Viết nó ra đây:
______________________________________________________________________________________
Giờ hãy nghĩ về một phép ẩn dụ, một câu chuyện hay chỉ là một cụm từ có thể giúp người khác dễ hiểu hay dễ liên hệ tới nó. Nếu bạn thấy khó khăn, hãy xem liệu một câu chuyện dân gian nổi tiếng hay một câu chuyện cổ tích có thể cho bạn ý tưởng. Viết chúng ra đây:
______________________________________________________________________________________
______________________________________________________________________________________
______________________________________________________________________________________
Thuyết phục bằng kỹ năng tự đặt ba câu hỏi
Tất nhiên, đôi khi bạn sẽ gặp phải sự phản đối. Mục đích của kỹ năng tự đặt ba câu hỏi là để nhanh chóng ngăn ý kiến đối lập đó cũng như cung cấp thông tin để bạn thay đổi tình thế hay thuyết phục người khác có cùng ý kiến với bạn.
Kỹ năng này rất đơn giản: Trước khi phản đối ý kiến của ai đó, bạn nên tự đặt ít nhất ba câu hỏi.
Hãy xem ví dụ về cuộc hội thoại giữa người viết kịch bản và nhà sản xuất phim:
Nhà sản xuất: “Cái kết trong kịch bản của cậu không hợp với phim của tôi”.
Người viết kịch: “Mọi thứ trong chuyện đều cho thấy phải dẫn tới kết thúc đó!”.
Nhà sản xuất: “Đúng, nhưng nó không hợp với phim của tôi.”
Người viết kịch: “Anh là người đầu tiên nói vậy đấy! Mọi người đều thích kết thúc đó”.
Có thể tôi đang tạo ra một nhà viết kịch nóng tính hơn những người nhà sản xuất thường gặp. Nhưng bạn có thể thấy rằng đây là một kiểu mẫu quen thuộc. Hãy xem 3 câu hỏi có thể làm vấn đề dễ dàng hơn:
Nhà sản xuất: “Cái kết trong kịch bản của cậu không hợp với phim của tôi”
Người viết kịch: “Tôi biết. Anh cảm thấy phần nào đặc biệt không hợp?”
Nhà sản xuất: “Tôi chỉ không nghĩ người phụ nữ có thể hành động như vậy.”
Người viết kịch: “Hừm, tôi thấy thú vị đấy chứ. Anh thấy điều gì không hợp lý nào?”
Nhà sản xuất: “Cô ấy nhặt khẩu súng và đi ra đường – ý tôi là sao đột nhiên cô ấy biết cách sử dụng súng?”
Nhà viết kịch: “Tôi biết, vì vậy anh cảm thấy rằng chúng ta chưa đặt nền tảng cho hành động đó chứ gì?”
Nhà sản xuất: “Đúng vậy!”
Người viết kịch: “Ồ, có lẽ chúng ta sẽ sửa đổi một chút ở đoạn đầu kịch bản để dựng lên khả năng bắn súng của cô ấy – có thể bố cô ấy thường đưa cô ấy đi săn cùng hay cô ấy đã tham gia một khóa học tự vệ hay điều gì đó tương tự.”
Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy những điều người khác nói đầu tiên không phải là ý muốn của họ. Tự hỏi ít nhất ba câu hỏi sẽ ngăn chặn cuộc hội thoại biến thành một cuộc đấu khẩu. Bạn sẽ thấy rất hợp lý và có thể sẽ có ích cho những bàn luận tiếp theo.
Cách phá vỡ rào cản
Mặc dù rất thiện chí nhưng đôi khi bạn sẽ thấy rằng bạn và người đối thoại có thể bất đồng quan điểm. Bạn phải làm gì? Hãy chuyển trung tâm cuộc hội thoại từ điểm bất đồng sang những điểm tương đồng, sau đó đi tới nhất trí về một quan điểm mới.
Ví dụ: Một công ty chuyên PR cho công ty bạn đã thực hiện một loạt chiến dịch sai lầm. Bạn muốn chấm dứt việc làm ăn với họ trong khi đồng nghiệp của bạn lại chỉ muốn khiển trách nặng và cho họ một cơ hội khác.
Điều cuối cùng mà bạn đồng ý là gì? Có lẽ chỉ là công ty PR đó đã không hoàn thành nhiệm vụ và không giữ liên lạc với công ty bạn trước khi đưa thông tin ra giới truyền thông.
Giờ bắt đầu tìm biện pháp thay thế để có thể giải quyết vấn đề: Có lẽ bạn có thể xây dựng một hệ thống thông tin rõ ràng; có lẽ bạn nên yêu cầu một trong những nhân viên của công ty PR làm việc theo yêu cầu của bạn; hay bạn có thể giao cho một trong những nhân viên của bạn liên lạc với họ hàng ngày hay chỉ định họ thực hiện yêu cầu của bạn. Bạn đưa ra các biện pháp cho tới khi tìm thấy một biện pháp mà cả hai cùng chấp thuận.
Cách đối mặt với phản ứng trái ý bạn
Bất kỳ ai đã từng tiếp xúc với một đứa trẻ 4 tuổi đều có thể hiểu khái niệm về sự phản ứng ngược. Điều đó có nghĩa cho dù bạn nói gì, người nghe vẫn tự động nói ngược lại. Đó là một chiến lược chống đối hay kiểm tra giới hạn. Hầu hết mọi người đều trải qua nó khi họ 3 hay 4 tuổi và khi họ ở tuổi vị thành niên nhưng một vài người vẫn giữ nó suốt cuộc đời.
Một lần tôi làm việc với một phụ nữ, cô ấy là người cực đoan nhất tôi từng gặp. Cho dù bất kỳ ai nói gì, cô ấy đều phản bác lại và có thể đưa ra đến vài tá lý do cho những lý lẽ của mình. Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra một biện pháp để cô ấy không nói được gì nữa. Chúng tôi nhận ra rằng cô ấy là một nguồn cung cấp thông tin về những sai phạm trong kế hoạch của chúng tôi. Trong số vài tá lý do cô ấy đưa ra, một vài lý do chỉ là do tính đa nghi nhưng chúng rất có giá trị và nếu chúng tôi lưu ý điều đó, chúng tôi có thể xây dựng và củng cố kế hoạch của mình.
Chúng tôi đã xây dựng lại quan niệm về cô ấy từ một người luôn nói những điều không hay thành một người cung cấp những thông tin có giá trị. Điều này có thể thay đổi mối quan hệ của chúng tôi với cô ấy (không nói đến việc cô ấy gây khó chịu) và giúp đỡ cho công việc của chúng tôi.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp bạn lại gặp người có thói quen luôn đồng ý với ý kiến của người khác. Bạn phải làm thế nào? Sau đây là hai cách:
1. Đưa cho họ một vài biện pháp thay thế, hầu hết trong số đó bạn có thể chấp nhận được, và hỏi họ chọn phương pháp nào. Họ sẽ có thể ghét tất cả nhưng họ có thể chọn một cái ít bị phản đối nhất.
2. Hãy ở vào vị trí phản đối hay ít nhất là có quan điểm khác với người mà bạn ủng hộ. Họ sẽ phản đối nó và bạn có thể để họ thuyết phục bạn. Mặc dù vậy, đừng chịu thua quá dễ dàng. Một người bạn sử dụng chiêu này khi cô ấy tới thăm hàng xóm tại bệnh viện vì người hàng xóm này luôn đưa ra phản ứng ngược với bất kỳ ý kiến tích cực nào. (Ví dụ “Hôm nay chị trông khỏe hơn đấy” thì cô ấy sẽ nói: “Ồ, tôi cảm thấy mệt hơn nhiều”). Cuối cùng bạn của tôi bắt đầu nói những điều thậm chí tiêu cực hơn nhiều (“Hôm nay chị trông như người kiệt sức ấy”) câu nói này làm cho bệnh nhân ngạc nhiên và ngay lập tức khẳng định mình cảm thấy khỏe khoắn.
Tập trung vào chính lời nói của bạn
Những gì bạn nói với người khác cũng quan trọng như những gì bạn nói với chính bản thân mình. Hầu hết chúng ta đều có một bài tường thuật nội tâm. Thường là nó gây sốc hoặc khó nghe. Chúng ta tự nói với mình những điều không bao giờ nói với bạn bè hay đồng nghiệp. Chỉ khi bạn có thể lắng nghe chăm chú hơn những gì mà người khác nói, bạn mới có thể tập trung vào những gì mà bạn nói với bản thân. Để thử thách điều đó khi nó là những điều khó nghe hay không mang tính xây dựng, bạn có thể sử dụng nhiều kỹ năng tương tự mà bạn đọc trong chương này. Ví dụ khi bạn mắc lỗi, đừng gục ngã vì nó. Hãy đặt nó vào một viễn cảnh với mọi thứ khác bạn làm. Phạm lỗi không làm cho bạn thành kẻ ngốc nghếch hay thất bại – nó làm cho bạn trở thành một con người. Tất cả chúng ta đều mắc lỗi và khi chúng ta nhận ra những gì chúng ta làm, chúng ta có cơ hội để chọn giữa việc tự trừng phạt bản thân hay học thêm một điều gì đó.
Hãy nghĩ lại lỗi bạn mắc gần đây. Bạn đã nói gì với bản thân? Nếu không thể nhớ, bạn có thể đưa ra phỏng đoán:
______________________________________________________________________________________
Để có được sự thay đổi này lâu dài đòi hỏi phải thực hành. Mỗi ngày một vài lần tự kiểm tra xem bạn nói gì với bản thân và ngay lập tức sửa bất kỳ điều gì khó chịu. Qua nhiều lần, bạn sẽ tạo thành một thói quen mới về việc lắng nghe những ý kiến mang tính xây dựng hơn là tự chỉ trích bản thân.
______________________________________________________________________________________
Toàn bộ các kỹ năng trong chương này đều rất có ích khi bạn giao tiếp. Bạn cần thiết lập các bước để hướng cuộc hội thoại tới việc giúp bạn đạt được mục đích. Một trong những trở ngại là quá tải thông tin. Trong chương tiếp theo, bạn sẽ khám phá ra các kỹ năng chế ngự hiện tượng đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.