Thám Tử Kinh Tế

3 – THỊ TRƯỜNG HOÀN HẢO VÀ THẾ GIỚI SỰ THẬT



Có thể bạn sẽ không mong chờ rằng phim của Jim Carrey15 và kinh tế học có nhiều điểm tương đồng, nhưng trên thực tế có khối thứ mà chúng ta có thể học được từ chàng diễn viên hài đeo chiếc mặt nạ bằng cao su ấy đấy. Chúng ta hãy nói đến bộ phim Liar, Liar (Kẻ nói dối), một bộ phim kể về câu chuyện của Fletcher Reede. Do lời hứa trong ngày sinh nhật con trai, Fletcher Reede bị trói buộc vào mệnh lệnh phải nói tất cả sự thật trong 24 giờ. Đây thực sự là vấn đề nan giải đối với Fletcher bởi vì anh là một luật sư, hay gọi theo cách khác là một kẻ nói dối chuyên nghiệp, do con trai anh ta hiểu rõ điều đó, nên sự hài hước xảy ra sau khi Flecher bị hóa phép làm cho khiếp đảm và phải tự thốt ra những câu trả lời trung thực cho mỗi câu hỏi đặt ra cho anh. Không có nhiều chi tiết hư cấu như của một bộ phim hấp dẫn, nhưng thị trường tự do cũng giống như con trai của Fletcher – chúng bắt bạn phải nói ra sự thật. Tuy nhiên, trong khi kết quả bộ phim là nhân vật của Jim Carrey bị bẽ mặt thì ngoài đời chúng ta lại phát hiện ra rằng thế giới với sự trung thực sẽ dẫn tới một nền kinh tế hiệu quả hoàn hảo, nền kinh tế mà trong đó không có chuyện người này được lợi mà kẻ khác lại không bị thiệt.

Trong chương này, chúng ta sẽ xem theo thuật ngữ kinh tế “sự thật” có nghĩa là gì, có hiệu quả như thế nào và tại sao tính hiệu quả lại tốt. Chúng ta cũng sẽ bàn đến những hạn chế của tính hiệu quả: nó có thể đem đến những bất công gì và tại sao chúng ta phải nộp thuế, v.v… Như chúng ta sẽ thấy, thuế cũng giống như những lời nói dối: chúng can thiệp vào thế giới sự thật. Nhưng tôi sẽ chỉ cho các bạn một cách mà trong đó vấn đề thuế má được thực hiện công bằng và hiệu quả. Đây có thể là tin tốt lành cho những người có tuổi đang phải gắng sức chi trả hóa đơn phí điện hoặc ga cho lò sưởi vào mùa đông, nhưng có lẽ sẽ không tốt lắm cho Tiger Woods16.

Hãy tưởng tượng rằng bạn cũng sẽ làm điều giống như con trai của Fletcher ước trong ngày sinh nhật, không phải chỉ vì ông bố lẻo mép của mình mà còn vì cả thế giới. Vì vậy, hãy mua một cốc cappuccino trong thế giới sự thật. Trước khi cho sữa và kem vào cà phê cho bạn, người phục vụ nhìn bạn từ đầu xuống chân và hỏi:

“Anh sẵn sàng trả nhiều nhất là bao nhiêu cho ly cà phê này?”

Bạn muốn nói dối và giả vờ rằng bạn thực sự không muốn uống nó, nhưng những lời nói thật lại trôi tuột ra:

“Tôi đang cai chất cafein. 15 đô-la.”

Với nụ cười ngây ngô, người phục vụ tính tiền cho chỗ đồ uống đắt cắt cổ mà bạn vừa tiêu thụ, nhưng bạn lại có bao câu hỏi ập đến:

“Những hạt cà phê đó đáng giá bao nhiêu?”

“Bạn phải trả bao nhiêu cho cốc đựng cà phê và chiếc nắp của nó?”

“Phải mất bao nhiêu tiền để nuôi được một con bò và nó có thể cho bao nhiêu sữa?”

“Chi phí cho điện năng để làm lạnh, làm nóng và thắp sáng tốn bao nhiêu?”

Giờ đây, đến lượt người phục vụ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan của Fletcher Reede. Dù có cố gắng né tránh câu hỏi hoặc cố ý tăng giá các chi phí lên như thế nào thì cô cũng không thể thốt ra nửa câu dối trá được. Hóa ra cốc cà phê cappuccino đó không phải giá 15 đô-la, mà là chưa đầy 1 đô-la. Người phục vụ ra sức thỏa hiệp, nhưng bạn còn đưa ra một câu hỏi chết người hơn:

“Trong vòng 30 mét quanh đây có tiệm cà phê nào như thế này không?”

“Có…” – cô ấy rên rỉ, sau đó ra dấu bằng đầu trong một điệu bộ thất bại thảm hại.

Bạn bước ra khỏi quán cà phê giờ nằm trong tầm kiểm soát an toàn của mình với cái giá mặc cả là 92 xu một tách cà phê.

Giá cả là tuỳ chọn: nghĩa là chúng tiết lộ thông tin

Có một sự thật cơ bản trong bất kỳ một hệ thống giá cả nào. Sự thật này tới từ thực tế là các cửa hàng và người tiêu dùng không nhất thiết phải bán hoặc mua hàng với một mức giá cụ thể nào đó. Họ có thể không cần phải làm thế. Nếu bạn chỉ sẵn lòng trả 15 xu cho cốc cà phê thì chẳng ai có thể bắt bạn phải trả nhiều hơn hoặc ngược lại cũng chả ai ép được người bán hàng phải hạ giá xuống. Chỉ đơn giản là không có việc mua bán nào ở đây nữa.

Tất nhiên, thỉnh thoảng bạn nghe thấy người ta than phiền là nếu như họ muốn cái gì đó, giả sử là một căn hộ trong khu Central Park West (khu vực đắt tiền – HD) – thì họ phải trả một cái giá cắt cổ. Điều đó đúng, nhưng mặc dù đôi khi giá cả không được công bằng cho lắm thì bạn cũng chẳng bị bắt buộc phải chi tiền ra. Bạn luôn luôn có thể quyết định dùng số tiền mình có mua một căn hộ khác ở Harlem hay Newark (các khu vực rẻ tiền ở New York và New Jersey), hay mua hẳn một triệu cốc cà phê cơ mà.

Trong thị trường tự do, người ta sẽ chẳng mua thứ gì đáng giá ít hơn mức giá của chúng. Người ta cũng không dại gì mà bán sản phẩm của họ khi biết chúng thực sự đáng giá hơn giá bán mà họ đưa ra (hoặc nếu có thì cũng chẳng được lâu; các hãng hàng ngày bán cà phê bằng nửa chi phí làm ra chúng sẽ chẳng mấy chốc đi ngay vào con đường phá sản). Lý do rất đơn giản: không ai bắt được họ làm vậy, điều này có nghĩa là hầu hết các giao dịch trong thị trường tự do sẽ nâng cao tính hiệu quả, bởi chúng làm lợi cho cả đôi bên, hoặc ít nhất cũng không làm ai bị thiệt hoặc không gây hại cho ai cả.

Bây giờ bạn có thể bắt đầu thấy được lý do tại sao tôi nói giá cả “nói thật” và tiết lộ thông tin. Trong thị trường tự do, tất cả những người mua cà phê muốn được uống cà phê hơn số tiền trả cà phê, hay nói ngắn gọn hơn họ thích cà phê hơn bất kỳ thứ gì mà họ phải trả 92 xu. Có nghĩa là giá trị của sản phẩm đối với khách hàng là ngang bằng hoặc cao hơn giá của chúng; và đối với người sản xuất là ngang bằng hoặc thấp hơn giá của chúng. Tưởng như vấn đề này đã rất rõ ràng, nhưng hóa ra lại có khá nhiều ngụ ý.

Sẽ hơi nhỏ nhặt khi nói rằng trong thị trường tự do chúng ta biết khách hàng đánh giá cao cà phê hơn số tiền họ bỏ ra để mua nó. Song, nó không vụn vặt như bề ngoài đâu. Đầu tiên, mảnh thông tin “nhỏ nhặt” này đã chứa đựng nhiều hơn những gì chúng ta có thể nói về bất kỳ thứ gì được giao dịch ngoài thị trường, ví dụ như sân bóng chày mới đang gây tranh cãi lớn tại thủ đô Washington. Đội bóng chày Montreal Expos đồng ý chuyển tới thủ đô với điều kiện là chính phủ phải bao cấp chi phí xây dựng mới một sân vận động. Một vài người nói số tiền này khoảng 70 triệu đô-la, số khác lại cho rằng nó phải nhiều hơn thế. Có thể đây là một ý kiến hay, mà cũng có thể là không. Và chúng ta cũng chẳng biết đây có phải là cách sử dụng hợp lý số tiền nộp thuế hay không.

Những tranh cãi như vậy sẽ không còn nữa khi các quyết định được đưa ra trong hệ thống thị trường. Nếu tôi quyết định bỏ ra 70 đô-la để đi xem bóng chày cũng sẽ chẳng có ai bận tâm hỏi xem nó có đáng không. Tôi đã lựa chọn, và vì vậy rõ ràng đó là đánh giá của tôi. Lựa chọn tự do này đã sinh ra thông tin về sự ưu tiên và sở thích của tôi, và khi hàng triệu người trong số chúng ta đưa ra lựa chọn, giá cả ngoài thị trường sẽ là sự tập hợp lại mọi sở thích và ưu tiên của chúng ta.

Thị trường hoàn hảo: sự thật, toàn bộ sự thật và không gì hơn ngoài sự thật

Vậy thì mẩu tin nhỏ rằng trong thị trường tự do khách hàng đánh giá cao cà phê cappuccino hơn số tiền họ bỏ ra mua chúng lại không hề nhỏ bé chút nào. Song, chúng ta không cần phải dừng lại ở đó.

Bây giờ hãy tưởng tượng rằng thị trường cà phê không chỉ tự do mà còn chứa đựng sự cạnh tranh khốc liệt, đến nỗi các doanh nhân phải luôn luôn lập ra các hãng mới với những ý tưởng mới và bước vào thương trường với quyết tâm cạnh tranh với mức giá thấp hơn với các công ty đang hoạt động. (Lợi nhuận lớn trong ngành công nghiệp cạnh tranh này chỉ đủ để trả cho công nhân và thuyết phục các nhà doanh nghiệp rằng nếu họ đi gửi tiền tiết kiệm thì sẽ không có lợi nhiều hơn.) Sự cạnh tranh sẽ làm giá cà phê giảm xuống “chi phí cận biên” – tức là mức chi phí hãng cà phê phải chịu khi làm thêm một đơn vị cà phê cappuccino, nếu bạn không quên thì chi phí này là dưới 1 đô-la. Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì giá cà phê sẽ đúng bằng chi phí cận biên làm ra nó. Nếu giá thấp hơn, doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Nếu giá cao hơn, các hãng mới sẽ nhảy vào thị trường hoặc các hãng cũ sẽ tăng sản lượng cho đến khi giá bị giảm xuống. Thật bất ngờ, giá cả không truyền tải một thực tế mờ nhạt (“cốc cà phê này đáng giá 92 xu, hoặc hơn đối với người tiêu dùng, và tiệm cà phê mất 92 xu, hoặc ít hơn để làm ra nó”) mà một sự thực chính xác 100% (“tiệm cà phê mất đúng 92 xu để làm ra cốc cà phê này”).

Sẽ ra sao nếu các ngành công nghiệp khác cũng là những thị trường cạnh tranh hoàn hảo? Điều đó có nghĩa là đối với mọi mặt hàng thì giá cả của chúng đều ngang bằng với chi phí cận biên. Mọi sản phẩm đều có mối liên hệ tới những sản phẩm khác thông qua một hệ thống giá cả cực kỳ phức tạp, vì vậy mà nếu có sự thay đổi gì đó ở một nền kinh tế (ví dụ có sương giá tại Brazil, hoặc cơn sốt iPod tại Hoa Kỳ) thì tất cả những thứ khác cũng sẽ thay đổi theo, có thể với mức độ không nhận thấy, có thể rất rõ ràng, để điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, sương giá tại Brazil sẽ tác động tới sản lượng cà phê thu hoạch được và làm giảm lượng cà phê cung cấp trên toàn thế giới. Điều này sẽ làm tăng chi phí của những người rang cà phê phải trả đến mức đủ ngăn việc uống cà phê để bù lại sự sụt giảm. Nhu cầu của những sản phẩm thay thế như chè chẳng hạn, cũng sẽ tăng lên đôi chút. Điều này khuyến khích tăng giá chè cũng như khuyến khích nhu cầu cung cấp chè nhiều hơn. Nhu cầu của những sản phẩm phụ đi kèm như kem cho vào cà phê cũng sẽ giảm đi đôi chút. Tại Kenya, các nông dân trồng cà phê sẽ thu được lợi nhuận lớn và sẽ đầu tư vào những cải tiến như lợp mái nhôm cho ngôi nhà của họ; thế là giá nhôm lại tăng và một vài nông dân sẽ quyết định chờ một chút rồi hãy mua. Điều này có nghĩa là nhu cầu mở tài khoản cũng như các két đựng tiền an toàn sẽ tăng lên, mặc dù đối với những nông dân kém may mắn hơn ở Brazil, với tình trạng mùa vụ thất bát, thì cảnh ngộ ngược lại cũng có thể xảy ra. Các siêu máy tính trong thị trường tự do sẽ xử lý sự thật về nhu cầu và về giá cả và tạo cho mọi người động cơ để phản ứng lại theo những cách phức tạp đáng ngạc nhiên.

Đó có thể là một viễn cảnh giả định hài hước. Nhưng các nhà kinh tế có thể tính toán và đã tính toán những ảnh hưởng này. Khi hiện tượng sương giá xảy ra ở Brazil thì giá cà phê trên thế giới sẽ tăng lên, các nông dân Kenya mua mái lợp nhôm làm cho giá của mặt hàng này cũng leo thang và họ bắt đầu nhẩm tính thời gian sắm sửa phù hợp để làm sao họ không phải mất quá nhiều tiền cho vụ “tân trang” này. Thậm chí các thị trường là không hoàn hảo thì chúng cũng có thể mang theo nó những thông tin vô cùng phức tạp.

Chính phủ các nước hoặc bất kỳ tổ chức nào cũng đều thấy rằng thật khó đối phó lại những thông tin phức tạp đến vậy. Tại Tanzania, cà phê không được sản xuất trong thị trường tự do nên không phải nông dân mà chính phủ mới là những kẻ được lợi nhất từ việc cà phê có giá cao như vậy. Từ xưa đến nay, chính phủ các nước đều không biết cách sử dụng đồng tiền khôn ngoan, phung phí quá nhiều vào việc tăng đồng lương bấp bênh cho các cán bộ công chức nhà nước, mà không hiểu được rằng mức giá cao đỉnh điểm đó chỉ là tạm thời mà thôi.

Để hiểu được tại sao các thị trường lại xử lý thành công các loại thông tin phức tạp đến vậy, đầu tiên hãy nghĩ đến khách hàng. Chúng ta biết rằng anh ta sẽ không mua một cốc cappuccino trừ khi anh ta đánh giá nó cao hơn bất kỳ thứ gì khác với cùng số tiền. Nhưng với số tiền đó anh ta có thể mua được gì chứ? Trong thế giới sự thật của chúng ta, anh ta có thể mua bất kỳ thứ gì có giá ngang bằng hoặc thấp hơn thế. Nếu anh ta chọn cốc cà phê thì anh ta đang ngụ ý một thông điệp rằng trong tất cả mọi thứ hàng hóa cùng mức giá, anh ta muốn cà phê được làm ra nhiều nhất.

Tất nhiên ở đâu đó những người khác lại không tiêu tiền vào cà phê mà sử dụng chúng mua những thứ khác như vé xem phim, vé xe buýt, hay đồ lót; và có những người khác lựa chọn không không tiêu tiền mà gửi vào ngân hàng. Tất cả những nhu cầu này cạnh tranh với nhau và buộc nhà sản xuất phải phản ứng lại. Nếu người ta muốn máy tính thì họ phải xây dựng nhà máy, thuê công nhân, mua nhựa và kim loại, những thứ sẽ được chuyển từ những mục đích khác sang để đưa vào sản xuất máy tính. Nếu người ta muốn cà phê thay vì đồ lót thì sẽ có nhiều vùng đất được dùng để trồng cà phê hơn là vào những mục đích khác, ví dụ như xây dựng công viên, nhà cửa, trồng thuốc lá. Các cửa hiệu đồ lót sẽ được thay thế bằng những tiệm cà phê. Tất nhiên, các công ty mới đi vào hoạt động sẽ phải vay tiền từ ngân hàng nên lãi suất sẽ tăng hoặc giảm tuỳ theo tỷ trọng giữa số người muốn gửi tiền vào và số người muốn vay tiền. Lãi suất đơn thuần là một loại giá khác: giá của việc tiêu dùng cho hôm nay mà không phải là năm sau. (Có thể bạn sẽ nghĩ rằng lãi suất được thiết lập bởi các ngân hàng trung ương như Alan Greenspan tại Cục Dự trữ Liên bang hoặc Ngân hàng Mervyn King tại Liên hiệp Ngân hàng Anh quốc. Thực ra, hội đồng điều hành của cả hai ngân hàng này chỉ thiết lập lãi suất “trên danh nghĩa”. Còn lãi suất thật sự là con số được tính sau lạm phát – con số này được thị trường thiết lập có sự tác động của các ngân hàng trung tâm.)

Những thay đổi không dừng lại ở đây. Những cơn sóng lăn tăn vẫn tiếp tục trong hệ thống giá cả. Chúng lan ra một số ngành kinh tế với một tốc độ nhanh khủng khiếp và gây nên những cơn địa chấn tuy chậm nhưng có ảnh hưởng mạnh mẽ vô cùng đến các lĩnh vực khác như giáo dục và công nghệ. Ví dụ, nếu không có đủ các công nhân lành nghề để sản xuất máy tính thì các hãng sản xuất như Dell hay Compact sẽ phải đào tạo họ, hoặc tăng lương lên để hút họ từ tay những “tay chơi” khác như Apple hay Gateway. Do mức lương của những người có tay nghề tăng nên mọi người sẽ thấy đáng đầu tư thời gian và tiền bạc để đi học. Sự quan tâm của các nhà sản xuất trong việc cho ra những chiếc máy tính có giá thành rẻ hơn hoặc có chất lượng tốt hơn sẽ làm bùng nổ số lượng các trường dạy nghề cũng như các phòng thí nghiệm nghiên cứu. Nhu cầu nhựa cao hơn sẽ làm tăng giá loại nguyên liệu thô là dầu thô, điều mà đến lượt nó lại khuyến khích những ai đang sử dụng dầu làm năng lượng chuyển qua tìm những loại nhiên liệu thay thế rẻ hơn hoặc đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng. Và cứ tiếp tục như thế. Một số trong những tác động này có thể là rất nhỏ. Số khác có thể lại rất lớn. Một vài tác động có tác dụng ngay lập tức. Số khác dù vài thập kỷ cũng chưa nhận thấy. Nhưng trong thế giới thật, thế giới của những thị trường hoàn hảo, tất cả chúng đều có ảnh hưởng nhất định.

Kết quả của việc liên kết hàng loạt những thị trường cạnh tranh hoàn hảo như thế này là gì?

Các công ty đang làm theo đúng cách. Bất kỳ công ty nào phung phí các nguồn lực, lạm dụng nhân lực, hoặc sử dụng sai công nghệ sẽ đều đi đến phá sản. Mỗi sản phẩm đều được sản xuất theo cách hiệu quả nhất.

Các công ty đang sản xuất đúng loại mặt hàng. Giá thành sản phẩm ngang bằng chi phí làm ra chúng. Giá cả cũng phản ánh điều kiện mà tại đó khách hàng có thể thỏa hiệp ưu tiên này để lấy một ưu tiên khác. (Hai cốc cà phê bằng một chiếc bánh táo và hạnh nhân phết kem; bạn thích đằng nào hơn?) Giá cả là một đường thẳng trực tiếp truyền thông tin từ việc sản phẩm có giá là bao nhiêu đến việc khách hàng thích những sản phẩm gì, và ngược lại.

Sản phẩm đang được sản xuất theo một tỷ lệ hợp lý. Nếu có quá nhiều cà phê được sản xuất, các nhà sản xuất sẽ phải giảm giá; và nếu số lượng chế biến quá ít thì ngược lại, họ sẽ tăng giá. Dù là tình huống nào đi chăng nữa thì nó cũng sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp. Trong thị trường cạnh tranh, giá cả bằng với chi phí; chẳng có động lực cho ai sản xuất ít hơn (từ bỏ lợi nhuận kinh doanh) hoặc sản xuất nhiều hơn (tạo ra sản phẩm có giá cao hơn mức người mua hàng đồng ý trả).

Quy luật cạnh tranh – giá bằng chi phí và bằng giá trị của món hàng (đối với người tiêu dùng) tạo nên tính hiệu quả.

Hàng hóa đi đến “đúng” đối tượng tiêu dùng. Những người duy nhất mua sản phẩm là những người đồng ý trả một mức giá hợp lý. Giả sử tôi tịch thu ly cappuccino từ Axel và đưa nó cho Bob. Trong thế giới sự thật, điều này thật là lãng phí. Axel sẵn sàng chi tiền mua cốc cà phê đó, còn Bob thì không. Điều này có nghĩa là Axel đánh giá cà phê cao hơn Bob, và sự tịch thu của tôi là không hiệu quả. Chú ý rằng ở đây tôi coi “đúng” và “hiệu quả” là ngang nhau, một giả định vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn và chúng ta sẽ cùng nhau kiểm tra.

Vì vậy, nếu sản phẩm phù hợp đang được sản xuất với số lượng phù hợp và tới được tay người tiêu dùng đánh giá cao sản phẩm đó nhất thì sẽ chẳng còn chỗ để đạt được sự hiệu quả nào nữa. Nói theo cách khác, bạn sẽ không thể đạt được tính hiệu quả nhiều hơn một thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Và sự thật trong hệ thống giá cả tất yếu có thể suy ra là: đối với các công ty, giá cả đại diện thực sự cho chi phí, còn đối với khách hàng nó là đại diện thật sự cho giá trị.

Cuộc sống không có thị trường

Do xã hội phương Tây phụ thuộc phần lớn vào thị trường tự do nên chúng ta thật khó mà tưởng tượng nổi sẽ như thế nào nếu như chúng ta không như vậy nữa, hoặc chẳng dễ dàng gì nếu chúng ta muốn lùi lại một bước và để xem thị trường có những tác động lớn như thế nào. Tuy nhiên, bất kỳ nền dân chủ hiện đại nào cũng đều đang cung cấp cho chúng ta những hàng hóa ngoài hệ thống thị trường và việc nhìn vào những cách cung cấp hàng hóa như vậy cho chúng ta thấy cả những dấu hiệu của những điểm mạnh và yếu của thị trường. Hãy nghĩ đến những cảnh sát địa phương thân thiện của bạn, lực lượng này được hưởng lương thông qua hệ thống thuế quan phi thị trường. Hệ thống phi thị trường có một số thuận lợi, ví dụ như khi bạn ấn số 911 sẽ chẳng có ai tỉ mẩn hỏi bạn về những thông tin chi tiết trong tấm thẻ tín dụng của bạn. Chính phủ có bổn phận bỏ tiền ra để lo cho sự an toàn của cả người giàu và người nghèo, mặc dù không phải lúc nào cũng được như thế.

Song, hệ thống phi thị trường cũng chứa đựng những bất lợi. Thí dụ, nếu một sĩ quan cảnh sát cư xử thô lỗ hoặc tỏ ra kém năng lực thì bạn cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác tốt hơn. Nếu bạn nghĩ rằng cảnh sát đang can thiệp quá đáng vào đời tư của bạn thì bạn cũng không phải là người có quyền giảm bớt sự “bảo vệ” đó. Tương tự, bạn cũng không thể bỏ ra nhiều tiền hơn nếu bạn muốn được an toàn nhiều hơn. Không đâu, bạn sẽ phải vận động hành lang lực lượng cảnh sát địa phương và hy vọng họ sẽ xem xét yêu cầu của bạn.

Hệ thống giáo dục công lập cũng là một ví dụ khác của những dịch vụ phi thị trường mà rất nhiều người trong chúng ta đang sử dụng. Ở cả Anh và Mỹ cũng có rất nhiều các ông bố bà mẹ gửi con mình đến học tại những trường công lập do ngân sách chính phủ chi trả. Nhưng những ngôi trường này cũng không hoàn toàn giống nhau. Chúng khác nhau về không khí, về sự chú trọng trong việc giảng dạy kiến thức. Quan trọng hơn cả, một số là những trường có chất lượng giáo dục tốt, một số lại không. Giải pháp thị trường cho trường học cũng tương tự như giải pháp thị trường cho thực phẩm: thực phẩm tốt nhất sẽ dành cho những ai sẵn sàng chi tiền ra – điều này cũng ngụ ý rằng họ là những người gần như có thể trả mức giá được đưa ra. Nhưng trong nền kinh tế quốc doanh không có chuyện giá cả ở đây. Thay vào đó là gì? Các phụ huynh đứng xếp hàng, thương thuyết và đấu tranh. Họ chuyển đến các quận khác với các trường học tốt hơn. Ở Anh, các trường học tôn giáo do chính phủ tài trợ thường có những thành tích giáo dục vào loại khá khẩm nhất. Vì vậy, những người theo thuyết vô thần cũng đưa con cái họ đến nhà thờ hòng mong có được những lời giới thiệu hay ho nhất từ các mục sư để chúng vào được các ngôi trường “điểm” này.

Giống như với trường hợp cảnh sát, hệ thống phi thị trường có những thuận lợi rất dễ chịu che giấu thực tế là người nghèo không được hưởng cùng một hệ thống giáo dục như người giàu. Nhưng một lần nữa, hệ thống phi thị trường cũng phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: sự thật về giá trị, chi phí và lợi ích biến mất. Không thể nói được rằng cặp cha mẹ nào ghi tên cho con vào học ở những trường nhà thờ là vì những lý do tôn giáo và cặp cha mẹ nào là đang tìm kiếm kết quả học tập tốt hơn cho con cái mình. Cũng không thể biết được rằng các phụ huynh sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu để có được nhiều giáo viên hơn cũng như những cơ sở vật chất tốt hơn. Trong hệ thống thị trường sự thật về chi phí xây dựng một ngôi trường có chất lượng cũng như ai sẽ đồng ý với mức giá đó sẽ xuất hiện. Còn hệ thống phi thị trường lại chưa thể trả lời những câu hỏi cơ bản này.

Dường như người ta sẵn sàng trả tiền để con cái họ được học trong những trường tốt, và hiện tượng này ngày càng tăng bởi giá nhà tại những khu vực có các trường học danh tiếng đều cao hơn. Hệ thống phi thị trường, hệ thống ưu tiên cho con em những công dân địa phương, sẽ chuyển tiền từ túi những phụ huynh đó sang tay những ông chủ nhà đất cạnh những ngôi trường danh tiếng này. Điều này nghe có vẻ không được khôn ngoan cho lắm. Hệ thống thị trường đơn giản sẽ đưa đồng tiền đến nhiều ngôi trường tốt hơn.

Chức năng báo hiệu của giá cả

Giá cả thực hiện hai chức năng chứ không phải một. Trong hệ thống thị trường, giá cả đưa ra cách quyết định xem ai là người sẽ được học trong một số trường hữu hạn: bất kỳ ai chi tiền nhiều nhất thì con cái họ sẽ được học tại những trường tốt nhất. Đây là một thực thế không mấy dễ chịu mà hệ thống giáo dục công lập được thiết lập để ngăn chặn nó. Song, giá cả cũng là những tín hiệu xây dựng nhiều trường học hơn, thuê thêm nhiều giáo viên hơn cũng như tăng lương cho họ nếu thiếu giáo viên và sắm sửa cơ sở vật chất tiên tiến hơn. Về lâu dài, hệ thống giá cả sẽ chuyển sự sẵn sàng chi trả cho các ngôi trường tốt thành rất nhiều những ngôi trường tốt, cũng như việc nhu cầu tiêu thụ mạnh cà phê chắc chắn sẽ biến thành rất nhiều cà phê cappuccino.

Các chính trị gia không biết rằng chúng ta coi trọng các ngôi trường tốt hay sao? Họ có nên làm cho ngân sách chính phủ sẵn sàng phục vụ nhân dân không? Khó khăn nằm ở chỗ họ thấy chúng ta kêu rằng chúng ta muốn có những ngôi trường chất lượng cho con em chúng ta, nhưng họ cũng nghe thấy chúng ta kêu rằng chúng ta muốn có nhiều cảnh sát hơn trên đường phố, dịch vụ y tế được nâng cấp hơn, nhiều con đường lớn, chúng ta muốn có phúc lợi xã hội rủng rỉnh, thuế thấp, cà phê sữa caramel danh tiếng hiệu Venti có giá đắt gấp đôi bình thường. Thật không dễ cho chúng ta đòi hỏi tất cả những thứ này, nhưng với giá cả, bằng cách bắt chúng ta chi tiền theo khẩu vị của chúng ta, sẽ khám phá ra sự thật. Thuế cũng có những lợi thế của riêng nó, nhưng nhiều trong số này không đóng góp vào sự thật bởi chúng ta không thể lựa chọn có đóng thuế hoặc không tuỳ thuộc vào việc mỗi đồng tiền chúng ta bỏ ra có đúng theo ý nguyện của chúng ta hay không. Bởi giá cả là do bạn lựa chọn nên chúng có thể tiết lộ thông tin.

Chung quy lại chẳng có gì trong những điều này trở thành một luận điệu mạnh mẽ chống lại việc cung cấp các dịch vụ an ninh hoặc một hệ thống trường học với tiến trình phi thương trường. Các hệ thống phi thương trường cũng có những mặt mạnh của nó, tuy rằng nó cũng đã đánh mất một điều gì đó rất quan trọng: thông tin, đó là thông tin về sở thích, nhu cầu, sự khao khát, thông tin về chi phí và sự bất tiện. Đôi khi việc mất thông tin là rất đáng giá bởi nó được bù lại bởi sự công bằng và ổn định. Song, thỉnh thoảng sự mù thông tin có thể làm cho một nền kinh tế, một xã hội loạng choạng trong sự hoang phí và rối loạn. Chúng ta nghĩ rằng giá trị mà chúng ta có được từ trường học và sự bảo vệ của cảnh sát đáng giá hơn số tiền chúng ta đóng thuế cho những dịch vụ này, nhưng chúng ta cũng không biết chắc. Tuy nhiên, đối với cà phê cappuccino thì lại không như vậy.

Hiệu quả đối nghịch với sự công bằng: Chúng ta có thể quản lý được sự thật không?

Một thị trường cạnh tranh hoàn hảo cũng giống như một mạng lưới siêu máy tính khổng lồ. Với khả năng xử lý đáng kinh ngạc và những bộ cảm ứng trong từng phần của nền kinh tế – thậm chí có thể xâm nhập vào bên trong bộ não của chúng ta để đọc ra được mong muốn của chúng ta – thị trường luôn luôn tái tối ưu hóa sản xuất và phân chia kết quả hoàn hảo. Hãy nhớ rằng khi các nhà kinh tế nói nền kinh tế không hiệu quả thì có nghĩa là họ ám chỉ rằng có một cách để làm cho ai đó được lợi mà không hại đến người khác. Trong khi thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì sự hiệu quả không đủ để đảm bảo một xã hội công bằng, hoặc thậm chí là một xã hội mà chúng ta mong muốn. Nói cho cùng, nó hiệu quả nếu Bill Gates có tất cả tiền bạc trên thế giới này và mọi người thì chết đói… bởi không có cách nào làm cho bất kỳ ai được lợi mà lại không làm cho Bill Gates bị thiệt. Chúng ta cần một cái gì đó hơn là sự hiệu quả. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên nếu đôi khi chúng ta thích những lời nói dối êm dịu hơn. Ví dụ, để sưởi một căn hộ cho một quý bà có tuổi ở Minnesota là khá tốn kém, nhưng có thể chúng ta sẽ thích việc chu cấp nhiên liệu chứ không muốn bà phải đối mặt với sự thật về chi phí đó. Thậm chí thuế còn là nguyên nhân phổ biến của tình trạng thiếu hiệu quả hơn cả tiền trợ cấp bởi chính phủ đánh thuế các giao dịch ngoài thị trường và dùng số tiền đó vào những mục đích tốt đẹp khác như trường học, an ninh. Tại sao thuế lại không hiệu quả? Bởi nó làm tiêu huỷ thông tin mà giá cả mang đến trong những thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường hiệu quả. Đó là giá cả không còn ngang bằng chi phí, vì vậy chi phí cũng không còn ngang bằng giá trị. Ví dụ, mức thuế kinh doanh là 10% tạo ra một “lời nói dối” trong những trường hợp sau:

Giá cà phê cappuccino: 90 xu

Giá cà phê cappuccino trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo là 90 xu

Giá cà phê cappuccino sau khi trả thuế: 99 xu

Khách hàng sẵn lòng trả cho cà phê cappuccino: 95 xu

Cà phê cappuccino bán ra: Không

Mức thuế tăng lên: Không

Có một việc mua bán sẽ mang lại 5 xu hiệu quả (cà phê cappuccino giá 90 xu nhưng được định giá ở mức 95 xu) nhưng sẽ chẳng bao giờ xảy ra do có thuế. Điều tồi tệ hơn là thuế vẫn chưa được trả. Nếu chính phủ có thể bỏ việc đánh thuế trong những trường hợp như thế này thì họ cũng sẽ không bị thiệt, mà người bán cà phê lại được lợi: rõ ràng ở đây đã đạt được sự hiệu quả.

Thật khó cho các nhân viên đi thu thuế biết được khi nào thì nên đánh thuế (các tình huống khi mà thuế má không làm thay đổi hành vi của người mua) và khi nào thì bỏ thu thuế (bởi những khách hàng tiềm năng sẽ trốn tránh nó bằng mọi cách, thông qua việc không mua cà phê nữa). Nhưng họ sẽ cố gắng làm như vậy và sử dụng các chiến lược giá cả đã nói đến trong Chương 2. Thuế thường cao hơn khi người ta ít quan tâm đến giá cả. Ví dụ, chính phủ đánh thuế cao đối với xăng và thuốc lá, không phải vì những lý do về môi trường mà bởi những người mua các mặt hàng này cần phải lái xe hay nghiện thuốc lá. Họ sẽ không thay đổi những hành vi cá nhân nhiều lắm kể cả khi chúng bị đánh thuế rất nặng. Chúng ta đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng ta muốn tránh tình trạng thiếu hiệu quả bởi điều đó sẽ làm cho chúng ta đánh mất cơ hội làm lợi cho ai đó mà không khiến ai phải chịu thiệt. Nhưng thuế lại gây nên sự thiếu hiệu quả và hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng chúng ta cần đóng thuế để tái phân phối lại thu nhập (theo một phạm vi lớn hơn hoặc nhỏ hơn) từ người giàu sang người nghèo. Dường như chúng ta đang phải đối mặt với hai mệnh lệnh trái ngược nhau: tránh né sự phí phạm không cần thiết chính là “sự thiếu hiệu quả”, song lại phải chắc chắn rằng sự giàu có ít nhất cũng phải được phân bố công bằng một chút. Điều mà chúng ta cần là một giải pháp làm cho nền kinh tế của chúng ta vừa hiệu quả vừa công bằng.

Chúng ta có thể tạo ra những thị trường đem lại sự công bằng không?

Có đúng là chúng ta phải lựa chọn giữa tính hiệu quả của những thị trường hoàn hảo và sự công bằng của những can thiệp nhân đạo của chính phủ hay không? Đây có vẻ như là kết luận của chính phủ các nước trên khắp thế giới tự do sau khi chứng kiến cuộc Đại Suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính sách kinh tế mới (New Deal) của Tổng thống Roosevelt vào những năm 1930 để đối phó lại với cuộc Đại Suy thoái đã nâng cao vai trò của chính phủ Hoa Kỳ. Tại Anh, chính phủ hậu chiến của Clement Atlee17 quản lý khá nhiều lĩnh vực như y tế, sắt thép, hàng không, dầu khí, đường sắt và viễn thông. Các ngành kinh tế quốc doanh chỉ tiếp quản một phần nào bởi trong những năm hậu chiến vừa hoang tàn, vừa kiệt quệ nhưng tràn đầy hy vọng đó thì các nhà kinh tế lại có đôi chút tự tin vào các chuyên gia – những người đã vạch ra và sắp xếp đâu vào đấy những nỗ lực của chiến tranh và nghĩ rằng trong việc tổ chức lại nền kinh tế sao cho hiệu quả họ làm cũng không tồi đấy chứ. Chỉ có ít người có thể nhìn trước được sự sụp đổ sau đó của những nền kinh tế quốc doanh, cho dù đó là những quốc gia lớn như Liên Xô hay Trung Quốc, hoặc nhỏ như Tanzania hay Bắc Triều Tiên. Nhưng thậm chí nếu họ đã từng tin rằng các thị trường tư nhân là hiệu quả hơn thì thực tế sau đây cũng không xuất hiện ở đây cũng như vào những năm 1940: Chính phủ Đảng Lao động ở Anh sẽ vui vẻ chung sống với sự thiếu hiệu quả nếu nó đồng nghĩa với một xã hội công bằng hơn.

Song tình thế tiến thoái lưỡng nan xưa như trái đất giữa tính hiệu quả và sự công bằng đã bị đập tan bởi một chàng trai trẻ đến từ New York có cái tên Kenneth Arrow18, người biết tất cả về sự bất công sau khi anh, lúc đó còn là một thiếu niên, chứng kiến cảnh cha mình từ một doanh nhân thành đạt trở thành trắng tay và mất toàn bộ số tiền tiết kiệm trong cuộc Đại Suy thoái. Khao khát về sự công bằng xã hội đã xuất hiện trong Arrow, nhưng trong suy nghĩ anh vẫn không sao từ bỏ được câu hỏi về tính hiệu quả. Nhà kinh tế học trẻ tuổi này đã sắp xếp những suy nghĩ rất logic của mình để đấu tranh với sự căng thẳng giữa tính hiệu quả đúng đắn của thị trường tự do và mệnh lệnh rằng sự công bằng phải thắng thế. Giải pháp của anh thật xuất sắc, nó đã phá vỡ lối tư duy truyền thống về thị trường cạnh tranh và tính hiệu quả cao nhất của nó. Anh đã chứng minh rằng không chỉ tất cả các thị trường hoàn hảo đều hiệu quả mà tất cả những kết quả hiệu quả đều có thể đạt được trong một thị trường cạnh tranh, bằng cách điều chỉnh vị trí xuất phát. Arrow rất được những hoan nghênh và cho đến giờ anh vẫn giữ nguyên danh hiệu người giành Giải Nobel trẻ nhất trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng tại sao những am hiểu sâu sắc của Arrow lại quan trọng đến vậy?

Tôi gọi đó là “định lý khởi đầu ưu tiên”. Thay vì tập trung vào sự phức tạp khủng khiếp của một nền kinh tế thực sự, hãy nghĩ đến một thách thức đơn giản của con người: chạy nước rút 100m. Người chạy nhanh nhất sẽ là người chiến thắng. Nếu bạn muốn mọi thí sinh đều chạy qua vạch đích cùng nhau, bạn chỉ có thể thay đổi luật chơi, ví dụ bằng cách yêu cầu những người chạy nhanh chạy chậm lại và mọi người phải nắm tay nhau khi chạy. Nhưng đó là sự lãng phí tài năng. Hoặc bạn có thể di chuyển một số vạch xuất phát lên một chút, một số vạch xuất phát xuống một chút sao cho mỗi người đều có thể chạy nhanh nhất mức có thể mà vẫn tuân theo luật và mục tiêu cuộc thi, người chạy nhanh nhất phải chạy thêm một đoạn nữa để bảo đảm anh ta vẫn sẽ về đích ngang bằng với người chạy chậm nhất.

Arrow cho rằng có thể áp dụng phương pháp tương tự vào việc cố gắng cân bằng những thái quá của thị trường cạnh tranh: thay vì tự can thiệp vào các thị trường này, thủ thuật là hãy điều chỉnh các vạch xuất phát bằng cách tạo ra những khoản thanh toán gộp và đánh thuế như trước kia.

Một ví dụ của việc đánh thuế gộp là chính phủ đánh thuế 800 đô-la với mọi đối tượng; hoặc tương tự, đánh thuế 800 đô-la với tất cả những ai trên 65 tuổi; hoặc một cách khác nữa là bắt tất cả những ai có họ trong giấy khai sinh bắt đầu bằng chữ H nộp một khoản thuế là 800 đô-la. Vấn đề nằm ở chỗ không giống như thuế thu nhập hay thuế kinh doanh đánh vào cà phê, thuế gộp chẳng ảnh hưởng đến hành vi của ai cả, bởi vì bạn chẳng thể làm gì để tránh né được nó cả. Vì vậy, khác với thuế kinh doanh, nó không dẫn tới sự mất hiệu quả. Tương tự, một ví dụ của việc tái phân phối gộp sẽ là việc cấp 800 đô-la cho những người có họ bắt đầu bằng chữ H, một chính sách mà tôi sẽ rất nhiệt tình ủng hộ. (Chú thích: tác giả có họ là Harford, cũng bắt đầu bằng chữ H.)

Trong cuộc chạy đua nước rút 100m, việc đánh thuế gộp giống như việc di chuyển các vạch xuất phát lùi lại vài bước. Thuế thu nhập và thuế kinh doanh cũng giống như khi yêu cầu những người chạy nhanh nhất chạy chậm lại một chút. Cả hai loại thuế này đều có tác động bảo đảm một kết thúc ngang bằng hơn giữa các đối thủ, tuy nhiên việc di chuyển các vạch xuất phát thì không làm giảm tốc độ của ai cả. Trong bối cảnh của cuộc chạy đua này, có lẽ chúng ta thấy khá rõ ràng là một trong các phương pháp để có được một kết quả ngang tài ngang sức là hãy cho những người chạy chậm sự khởi đầu thuận lợi hơn. Trong bối cảnh một nền kinh tế, với hàng tỷ loại hàng hóa, nguyện vọng, nguyên liệu thô, tài năng, định lý khởi đầu ưu tiên là một tuyên bố táo bạo hơn rất nhiều. Nhưng điều sau đây là đúng: bạn có thể cho phép các nền kinh tế cạnh tranh sử dụng tất cả những kỹ năng, tất cả những nguyên liệu thô, tận dụng mọi cơ hội kinh doanh, hợp tác, học hỏi hay đầu tư… nhưng vẫn có được một kết quả công bằng bằng cách di chuyển các vạch xuất phát và để cho các thị trường hoàn hảo làm nốt phần việc của mình.

Ngụ ý ở đây là trong thế giới của thị trường hoàn hảo, thứ duy nhất cần thiết để đảm bảo cả sự công bằng và tính hiệu quả là chiến lược “khởi đầu ưu tiên”: một chương trình thuế gộp và trợ cấp đúng đắn để tạo cho mọi thành viên có một vị thế ngang bằng nhau. Khi đó thị trường hoàn hảo sẽ tìm thấy mọi cơ hội để có thể làm lợi cho tất cả mọi người từ những điểm khởi đầu được ưu tiên hơn của họ. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu điều này có thể thực hiện trong thực tế không?

Những ví dụ phi thực tế

Hãy lấy một ví dụ. Nhà triết học chính trị người Mỹ là Robert Nozick19 đã triển khai một lý luận rất nổi tiếng chống lại quan điểm “công lý cũng giống như công bằng”. Nói cách khác, ông nghi ngờ quan điểm rằng sự phân bố sự giàu có đặc biệt có thể được xem như là sự phân bố “tốt nhất” hoặc “công bằng”. Nozick đã lấy Wilt Chamberlain, một ngôi sao bóng rổ nổi tiếng vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi ông đang viết cuốn sách của mình, làm dẫn chứng. Chamberlain nổi tiếng là do tài năng sẵn có của mình; Nozick cảm thấy rằng điều này “chỉ” bởi vì sự giàu có của Chamberlain là kết quả của những quyết định chính đáng bởi các fan hâm mộ nhân vật này vui lòng trả tiền vé đến xem Chamberlain thi đấu. Tình huống đó đã có thể “chỉ” là theo như lời Nozick nói, nhưng liệu có bất kỳ tình huống nào dẫn tới một sự phân phối tiền của rất không đồng đều mà lại được coi là “công bằng” không? Có lẽ việc đánh thuế thu nhập của Chamberlain thật nặng sẽ làm cho tình hình trở nên công bằng hơn, nhưng Nozick cũng cảnh báo rằng nếu Chamberlain không thực sự thích môn bóng rổ và anh phải chịu một mức thuế quá sức chịu đựng thì có thể anh ta sẽ nghỉ chơi môn thể thao này luôn. Vì vậy, mặc dù tình thế có vẻ “công bằng” hơn, nhưng sẽ chẳng có doanh thu về thuế cũng như trò chơi bóng rổ nào nữa: một lần nữa lại là vấn đề đánh thuế cà phê cappuccino. Vậy như thế nào thì mới hợp lý khi gọi sự phân phối thu nhập là “công bằng” khi tất cả mọi người liên quan, cả cầu thủ và người hâm mộ đều thích những kết quả “không công bằng” hơn?

Nhờ có Kenneth Arrow mà giờ đây chúng ta mới biết rằng khi phải đối mặt với một ngôi sao thể thao đương đại như Tiger Woods thì giải pháp ở đây là hãy đánh thuế gộp trước đây cho anh ta với mức khoảng vài triệu đô-la. Anh ta vẫn sẽ có động lực kiếm tiền bằng cách tiếp tục chơi golf do anh ta không thể trốn thuế bằng cách đóng ít hơn như là anh ta sẽ làm để tránh mức thuế thu nhập cao. Chắc chắn anh ta sẽ kiếm tiền để bù lại các hóa đơn nộp thuế và sẽ vẫn giữ đủ số tiền để mua một chiếc ô tô gia đình và một ngôi nhà khang trang ở nơi nào đó không đắt lắm. Trong viễn cảnh này, chẳng có sự lãng phí hay thiếu hiệu quả nào, mà kết quả là “sự công bằng” vì nó đã đem lại sự phân bố của cải đồng đều hơn nhiều.

Rắc rối duy nhất của kế hoạch này là nó vô cùng phi thực tế. Vấn TẾ đề đặt ra không phải là việc không thể áp dụng thuế cho chỉ một cá nhân nào đó. Bằng chứng là Tổng thống Mỹ Franklin Rooservelt đã từng đưa ra tỷ lệ thuế thu nhập là 79%, nhưng mức đó cao quá đến nỗi chỉ có mỗi John D.Rockefeller20 trả nổi. Hơn nữa, vấn đề còn lớn hơn vì một khoản thuế gộp thực sự không thể làm thay đổi bất kỳ hành vi nào cả. Lý tưởng nhất là nó sẽ được quyết định trước khi Tiger Woods sinh ra, bởi nếu anh ta đoán được rằng anh ta phải có trách nhiệm đóng thuế do thành công của mình thì có thể anh ta đã chọn nghề khác.

Tất nhiên điều này là không thể xảy ra. Nhưng chúng ta cũng không nên từ bỏ định luật khởi đầu ưu tiên. Trong khi chúng ta không thể luôn luôn sử dụng cách đánh thuế và phân phối gộp thì chúng ta thỉnh thoảng cũng có thể áp dụng chúng. Và khi chúng ta có thể thì điều này rất đáng để quan tâm vì nó bảo vệ sự hiệu quả và sự trung thực của thị trường cạnh tranh song vẫn mang đến sự công bằng rất được mọi người chào đón.

Một ví dụ thực tế

Một ứng dụng khác thực tế hơn của định lý khởi đầu ưu tiên khác là nó có thể được sử dụng để giúp những người già không bị lạnh vào mùa đông mà không làm ô nhiễm môi trường. Vào một mùa đông điển hình ở Anh có tới 25.000 người cao tuổi chết do không được sưởi ấm đầy đủ. Để giải quyết mối quan tâm này, các loại nhiên liệu trong nhà được đưa vào danh mục thuế có mức thấp hơn những mặt hàng khác. Nhưng điều này nghe có vẻ hơi kỳ cục – nó giống như là giải pháp “đi giật lùi”. Nếu chính phủ cần tăng doanh thu thuế lên – và tất cả chính phủ các nước đều làm như vậy, thì dường như sau đó sự áng chừng đầu tiên của một chiến lược hiệu quả sẽ là việc phải đánh thuế kinh doanh của mọi mặt hàng như nhau, bởi vì điều đó không làm thay đổi nhiều lắm các quyết định mua của người tiêu dùng. Một quan điểm cải tiến hơn sẽ gợi lại việc “nhằm vào giá cả” ở Chương 2. Do khách hàng không thể dễ dàng cắt giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ của họ xuống nên họ cũng không quan tâm lắm đến giá của chúng. Vì thế, chính phủ sẽ đánh thuế nhiên liệu cao hơn một chút và ngược lại các mặt hàng khác thì thấp hơn một chút. Khách hàng sẽ không thay đổi quá nhiều hành vi mua bán của họ và vì vậy, sự thiếu hiệu quả sẽ là rất nhỏ. Thậm chí một cái nhìn phức tạp hơn sẽ cho thấy rằng chất đốt trong gia đình là nguồn năng lượng không thể tái chế và việc sử dụng nó gây nên ô nhiễm môi trường. Vì vậy, khả năng nó bị đánh thuế cao là chắc chắn nhiều hơn.

Trường hợp nhiên liệu dùng trong nhà bị đánh thuế thấp hơn và những mặt hàng khác có mức thuế cao hơn sẽ thật là khó hiểu cho đến khi chúng ta bắt đầu lo lắng về tình trạng những người già ngồi co ro trước chiếc lò sưởi đốt bằng ga hoặc dầu đã nguội ngắt mà họ không có đủ tiền mà bật nó lên. Đây có phải là một trong những sự lựa chọn khó khăn mà đôi khi chính phủ phải đau đầu không? Thật là không cần thiết. Thay vì bắt tất cả mọi người phải chịu tỷ lệ thuế thiếu hợp lý thì tốt hơn nên chọn lựa một tỷ lệ khôn ngoan song vẫn cho những người có tuổi hưởng sự ưu đãi – bởi họ nghèo và ốm yếu, nên họ cần nhiều hơi ấm hơn. Công thức chính sách đơn giản là tăng thuế nhiên liệu lên và lấy số tiền dư đó ra trợ cấp lại những người già cả, để họ có tiền bật lò sưởi lên và không còn bị lạnh nữa.

Chúng ta biết được từ định lý khởi đầu thuận lợi rằng với số tiền trợ cấp những người hưởng lương hưu sẽ có cách để đạt được những kết quả hiệu quả, điều mà có khi ngẫu nhiên lại không làm tăng lượng nhiên liệu được tiêu thụ. Không phải tất cả những người hưởng trợ cấp đều cảm thấy lạnh, và những người thấy lạnh có thể tìm ra được những giải pháp tốt hơn cho vấn đề. Một số người có thể dùng số tiền đó chuyển tới sống ở Florida. Một số có thể mua vật liệu bảo vệ ngôi nhà của mình để tránh cái lạnh. Những người không cảm thấy lạnh có thể tiêu tiền vào những thứ khác. Sẽ chẳng có ai phí phạm chất đốt hơn mức cần thiết, còn nếu khi họ đã cần thì họ sẵn sàng chi tiền để đáp ứng nhu cầu đó. Vấn đề của định lý khởi đầu ưu tiên là khi có một vấn đề phát sinh, rất đáng để chúng ta đặt ra câu hỏi xem vấn đề đó có thể được giải quyết bằng cách sắp xếp lại các vạch xuất phát hơn là can thiệp vào đường đua hay không. Không phải lúc nào chiến lược này cũng thực tế, nhưng bởi thị trường tự do đều hiệu quả nên rất đáng để khai thác tính hiệu quả này nhằm đáp ứng mục tiêu của chúng ta.

Trong suốt chương này, chúng ta đã cùng nhau thực hiện cuộc hành trình tưởng tượng cũng kỳ lạ chẳng kém gì câu chuyện của Fletcher Reed. “Thế giới sự thật” là một thế giới nơi các thị trường đều toàn diện, tự do và mang tính cạnh tranh. Trong thực tế, có thể chúng ta sẽ có được một thế giới chứa đựng những thị trường toàn diện, tự do và mang tính cạnh tranh bởi các luật sư khéo ăn khéo nói sẽ bắt đầu nói ra sự thật với tất cả mọi người.

Do đó, có thể bạn đang tự hỏi bản thân rằng tại sao bạn lại đọc một chương, thậm chí còn rất ngắn, về sự tưởng tượng kỳ quái của các nhà kinh tế. Câu trả lời là sự tưởng tượng giúp chúng ta hiểu được tại sao các vấn đề kinh tế lại nảy sinh song nó cũng giúp chúng ta đi đúng hướng. Chúng ta biết rằng một thế giới với những thị trường hoàn hảo kết hợp với phương pháp khởi đầu ưu tiên cũng tốt như những gì chúng ta sẽ tiến tới. Khi những nền kinh tế thực trên thế giới có trục trặc, chúng ta biết cách tìm kiếm những thất bại của thị trường và chúng ta làm hết sức mình để giải quyết những thách thức này.

Chúng ta đã cùng nhau khám phá ra một trong những thất bại đó: một số công ty có lợi thế khan hiếm đã đặt giá sản phẩm của họ cao hơn giá thực tế rất nhiều – điều sẽ xảy ra trong thị trường cạnh tranh. Đó là lý do tại sao các nhà kinh tế học tin rằng có sự khác nhau quan trọng giữa việc ủng hộ thị trường và ủng hộ kinh doanh, đặc biệt là một số ngành kinh doanh đặc biệt. Một chính trị gia ủng hộ các thị trường tin vào tầm quan trọng của cạnh tranh và muốn ngăn chặn việc các doanh nghiệp thâu tóm vào tay mình quá nhiều lợi thế khan hiếm. Một chính trị gia bị tác động mạnh mẽ bởi những người đi vận động hành lang tập thể sẽ làm ngược lại hoàn toàn.

Dù có bị các chính trị gia xúi giục hay không thì các công ty có lợi thế khan hiếm tự chúng cũng đã là một sự thất bại của thị trường rồi. Còn hai thất bại nữa. Trong hai chương tiếp theo, chúng ta sẽ bàn về chúng, còn bây giờ chúng ta tạm bỏ lại đằng sau “thế giới sự thật” gây rất nhiều sự tò mò và một lần nữa đối diện với thế giới thực của chúng ta.

Chú thích:

15 Jim Carrey: diễn viên, nhà hài kịch Mỹ, người đóng vai chính trong phim Kẻ nói dối.

16 Tay chơi golf nổi tiếng người Mỹ, hiện được xếp thứ hạng cao nhất trên thế giới và có thu nhập kỷ lục trong làng golf.

17 Clement Atlee (1883-1967): Thủ tướng Anh (1945-1951), thiết lập Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service), mở rộng sở hữu nhà nước đối với các ngành công nghiệp.

18 Kenneth Joseph Arrow (sinh năm 1921): Nhà kinh tế học người Mỹ. Năm 1972, ông được trao giải thưởng Nobel Kinh tế chung với nhà kinh tế học John R. Hicks.

19 Robert Nozick (1938-2002): Triết gia Mỹ, giảng dạy tại Đại học Harvard. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Anarchy, State, and Utopia (1974), tranh biện về nhà nước tối thiểu (nhà nước mà quyền lực chỉ bao gồm những quyền cần thiết nhất để bảo vệ người dân chống lại bạo lực, trộm cắp và cướp bóc.)

20 John D.Rockefeller (1839 – 1937): nhà công nghiệp dầu mỏ của Mỹ, đã có thời là người giàu nhất thế giới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.