Thám Tử Kinh Tế
6 – SỰ ĐIÊN RỒ CÓ LÝ
“Theo tôi, trong vài năm tới sẽ chỉ có hai đến ba cổng truy cập điện tử lớn trên mạng Internet, mọi người sẽ tới một trong các cổng đó và được đưa tới mọi nơi họ muốn trên mạng Internet. Nó sẽ đáng giá hàng trăm tỷ đô-la Mỹ. Nếu bạn muốn thành công, bạn sẽ phải là một trong số những cổng truy cập điện tử đó.”
Đó là phát biểu của Graham Bailey (tên thường gọi của ông) vào năm 1998. Bailey là một thành viên trong một hãng tư vấn quản lý, là người có câu phát biểu rất lôi cuốn cho bất kỳ vị khách tiềm năng nào sẵn lòng lắng nghe. Theo tôi biết, ngay từ khi đó cho đến giờ ông vẫn tin như vậy. Còn về phần mình, khi mới nghe ý tưởng này, tôi đã không tin. Vào thời điểm đó không có nhiều người hoài nghi. Năm 1998 là năm mà niềm đam mê “dot-com” – thương mại điện tử bắt đầu bùng nổ.
Một trong những hình thức thương mại điện tử hay gặp nhất thời đó là cửa hàng sách trực tuyến trên mạng Internet, trang Amazon.com. (Nó đã nhanh chóng trở nên thịnh hành và nổi tiếng với tên công ty ở ngay trên địa chỉ trang web.) Amazon đã bắt đầu bán sách qua mạng Internet từ năm 1995, và đến năm 2003, họ đã bán được một khối lượng sách trị giá trên 5 tỷ đô-la. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Amazon và những nỗ lực giành lợi nhuận của họ là rất đáng lưu ý, nhưng việc tăng giá trị cổ phiếu của họ còn ngoạn mục hơn. Năm 1997, cổ phiếu của Amazon được bán ra lần đầu tiên với giá khởi điểm là 18 đô-la.
Sau đó có rất nhiều sự kiện đã xảy ra. Năm 1999, cổ phiếu của Amazon đã tăng vụt lên trên 100 đô-la. Vào thời điểm đó, người ta nói rằng Amazon.com được đánh giá cao hơn tất cả các cửa hàng sách thông thường trên thế giới. Nhưng trong suốt năm 2000, giá cổ phiếu của Amazon đã trượt giá trở lại mức 18 đô-la và thấp hơn nữa. Vào mùa hè năm 2001, giá cổ phiếu của Amazon được giao dịch với giá xung quanh mức 8 đô-la. Trong năm 2002, dù công ty đã nhận được những khen ngợi tích cực trong các tạp chí tài chính nhưng giá cổ phiếu của nó vẫn chỉ được định giá thấp hơn mức giá khởi điểm 18 đô-la. Nhưng từ đó đến nay, họ đã đạt lại mức 40 đô-la một cổ phiếu. Vậy mức giá nào là không đúng: 100 đô-la hay 8 đô-la? Hay cả hai?
Câu trả lời sẽ đặc biệt hữu ích nhất là vì tình hình kinh doanh của Amazon thường khá bấp bênh. Vậy, Thám tử Kinh tế có thể nói gì về lý do biến động như vậy của cổ phiếu và trong tương lai giá cổ phiếu sẽ diễn biến ra sao?
Một nước đi ngẫu nhiên
Các nhà kinh tế phải đương đầu với một vấn đề khó khăn trong việc đưa ra được những nhận xét khôn ngoan về giá cổ phiếu. Họ làm việc bằng cách nghiên cứu những hành vi logic, nhưng những hành vi của các nhà đầu tư càng logic bao nhiêu thì diễn biến của thị trường cổ phiếu lại càng trở lên thất thường bấy nhiêu.
Đây là lý do tại sao. Những người suy đoán theo logic sẽ mua cổ phiếu hôm nay nếu biết rõ nó sẽ tăng giá vào ngày mai, hoặc họ sẽ bán chúng nếu chắc chắn hôm sau nó sụt giá. Nhưng điều này có nghĩa là mọi dự báo về việc cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng vào ngày mai lại là dự báo sai: cổ phiếu sẽ tăng ngay ngày hôm nay thay vì ngày mai bởi vì mọi người đổ xô đi mua chúng, và họ vẫn tiếp tục mua vào cho đến khi giá cổ phiếu không còn đủ rẻ để có thể tăng giá vào ngày mai. Trên thực tế, những nhà đầu tư hành động theo logic cần phải có khả năng đoán chính xác được những sự thay đổi của thị trường cổ phiếu cũng như giá trị của từng cổ phiếu cụ thể – nếu đoán trước được, thì với những khoản tiền đang có nguy cơ thua lỗ, chắc họ sẽ cố mà đoán.
Nhưng điều đó có nghĩa là nếu mọi nhà đầu tư đều thực sự có lý, thì sẽ chẳng còn sự vận động về giá cổ phiếu nào có thể đoán được cả. Tất cả những tiên đoán này nên được nhanh chóng loại bỏ khỏi thị trường cổ phiếu bởi vì mọi xu hướng sẽ đều được dự báo rồi. Điều duy nhất còn lại là những tin tức bất ngờ. Do việc chỉ có những tin tức ngẫu nhiên làm thay đổi giá cổ phiếu mà các mức giá đó cùng những chỉ số của thị trường chứng khoán nói chung sẽ dao động không theo một quy luật nào cả. Các nhà toán học gọi đây là “một bước đi ngẫu nhiên” – tức là, vào bất kỳ ngày nào giá cổ phiếu cũng có thể tăng hoặc giảm.
Chính xác hơn, thị trường cổ phiếu tỏ ra là một thị trường có sự thay đổi ngẫu nhiên nhưng vẫn theo một xu hướng nào đó, nghĩa là giá cổ phiếu trung bình nhích lên theo thời gian, điều đó là một lợi thế cạnh tranh so với những hình thức đầu tư khác như tiền gửi tiết kiệm, hay bất động sản. Nếu người ta dự đoán nó tăng, đúng là nó sẽ tăng, tương tự nếu người ta dự đoán nó sẽ giảm hoặc sụt giá mạnh, nó sẽ như thế. Đây là lý do tại sao người ta chơi cổ phiếu. Thế nhưng, xu hướng này không làm thay đổi những phân tích cơ bản và vào một ngày nào đó xu hướng này sẽ phải nhường chỗ cho những biến động ngẫu nhiên.
Lý thuyết này nên được theo đuổi, dù không phải nhà đầu tư nào cũng hành động theo lý lẽ. Những người này đủ sức để đưa thị trường chứng khoán vào quy luật nước đi ngẫu nhiên, chừng nào họ tiếp tục ném thật nhiều tiền vào số cổ phiếu đang lên và bán tháo chúng khi chúng bị mất giá. Việc ném tiền vào thị trường này xem ra cũng không quá khó khăn, vì rằng nhiều nhà đầu tư thông minh hơn vẫn kiếm được nhiều tiền hơn đấy thôi.
Chúng ta có nên tin theo thuyết “bước đi ngẫu nhiên” không? Tất nhiên chúng ta không nên mong đợi lý thuyết này tuyệt đối đúng. Nếu thế thì thật ngược đời: những nhà đầu tư am hiểu tạo nên một thị trường ngẫu nhiên, nhưng thị trường vận động ngẫu nhiên đó lại không “thưởng công” xứng đáng cho họ để họ trở thành những nhà đầu tư sành sỏi. Thật không đáng đầu tư thời gian và công sức để phân tích thị trường hay khám phá những thông tin mới khi mà mọi người cũng đang hành động giống mình. Mặt khác, một thị trường đầy ắp những cơ hội chưa khai thác sẽ đem lại những thuận lợi lớn cho nhà đầu tư nào biết nghiên cứu thị trường; điều này lại dẫn tới việc các cơ hội chưa được khai thác sẽ ngày càng ít đi. Ở đâu đó, có một điểm cân bằng, nơi mà một thị trường vận động gần ngẫu nhiên có đủ sự trùng hợp ngẫu nhiên sẽ “thưởng công” xứng đáng cho những nhà đầu tư am hiểu thị trường, những người biết giữ cho thị trường chứng khoán vận động gần như ngẫu nhiên. Bạn có thể thấy hiện tượng tương tự khi nhìn vào dòng người xếp hàng để thanh toán tại một siêu thị. Nên đứng vào hàng nào để có thể thanh toán nhanh nhất? Câu trả lời đơn giản là: không cần quan tâm đến điều đó làm gì. Nếu có một hàng nào đó dễ thấy có thể thanh toán nhanh nhất, mọi người cũng đã đổ xô tới xếp hàng vào đấy rồi, và nó sẽ không còn là nơi có thể thanh toán nhanh nhất nữa. Vậy hãy đứng vào hàng bất kỳ và đừng nghĩ ngợi đến điều đó nữa. Song, nếu người ta cứ đứng ngẫu nhiên vào bất kỳ hàng nào đó thì một “chuyên gia” đi mua hàng có thể đoán trước được vài tình huống. Ví dụ, nếu mọi người bắt đầu tại lối ra vào và dịch chuyển ngang qua cửa hàng thì con đường ngắn nhất lại nằm ở đằng sau ngay gần lối ra vào. Nhưng nếu như có nhiều khách mua hàng có kinh nghiệm biết điều đó thì nó lại không còn là con đường ngắn nhất nữa. Sự thật là những khách mua hàng bận rộn nhưng nhanh nhẹn, thông minh và có kinh nghiệm tỏ ra nhỉnh hơn trong việc chỉ ra đâu là con đường nhanh nhất và có thể tính toán thời gian trung bình nhanh hơn hầu hết những người còn lại trong chúng ta. Tuy nhiên, họ cũng chẳng nhanh hơn chúng ta là mấy.
Giá trị và giá bán – vượt ra ngoài thuyết “nước đi ngẫu nhiên”
Cứ cho rằng những gì đúng với việc xếp hàng đợi thanh toán ở siêu thị cũng đúng với giá cổ phiếu trong thị trường chứng khoán thì những nhà kinh tế học đã có thể làm sáng tỏ thị trường chứng khoán, dù không nhiều lắm. Nhiều nhà kinh tế đang làm việc cho các quỹ đầu tư. Số lần họ nhầm cũng gần bằng số lần họ đúng, tất nhiên số lần nhầm này là không nhiều lắm. Lý thuyết “nước đi ngẫu nhiên” có sửa đổi cho chúng ta biết rằng đây là điều chúng ta nên mong đợi.
Vậy, những nhà kinh tế này phải làm gì để duy trì những quỹ đầu tư chỉ có được lợi thế cạnh tranh quá nhỏ bé trên thị trường như vậy? Có thể bắt đầu bằng việc xem thực sự một cổ phiếu là gì: đó là một vật đảm bảo về lợi nhuận của một công ty trong tương lai. Hãy xem một ví dụ. Giả sử công ty timharford.com có 100 cổ phiếu. Nếu tôi sở hữu 1 cổ phiếu, tôi có quyền có được 1% lợi nhuận của timharfort.com trong suốt thời gian tôi vẫn còn sở hữu cổ phiếu đó. Nếu timharford.com vĩnh viễn kiếm được 100 đô-la mỗi năm, thì tôi cũng mãi mãi kiếm được 1 đô-la mỗi năm. Nhưng nếu timharford.com kiếm được 1.000 đô-la mỗi năm trong vòng 10 năm kế tiếp, sau đó doanh thu của công ty là con số không thì tôi sẽ kiếm được 10 đô-la mỗi năm trong vòng 10 năm kế tiếp, sau đó tất nhiên tôi cũng chẳng có thêm đồng nào nữa.
Tất cả thật đơn giản. Chỉ có một điều hơi phức tạp một chút là các công ty thường không nhất thiết phải trả toàn bộ lợi nhuận của họ trực tiếp cho các cổ đông. Amazon.com kiếm được 8 xu (1/100 đô-la Mỹ) từ mỗi cổ phiếu trong năm 2003. Vậy người ta cũng mong đợi được họ trả 8 xu cổ tức với mỗi cổ phiếu; nhưng Amazon.com đã không trả tiền cổ tức trong năm 2003 và cả những năm trước đó nữa. Điều đó không có nghĩa là các cổ đông của Amazon.com đang bị lừa gạt. Ban giám đốc sử dụng số tiền đó cho các mục đích khác, chẳng hạn như để trang trải bớt các khoản nợ của Amazon.com hoặc dùng để đầu tư mở rộng kinh doanh. Nếu những công việc đó được thực hiện khôn ngoan thì chắc chắn lợi nhuận sẽ tăng lên cùng với thời gian. Thay vì được trả tiền cổ tức những cổ đông của Amazon.com bù lại sẽ có được những cổ phiếu với mức giá cao hơn mà lẽ ra nó đã chỉ ở mức giá cũ. Thậm chí nếu họ bán cổ phiếu trước khi được trả tiền cổ tức, thì họ cũng sẽ có được mức giá bán ra cao hơn do những hứa hẹn hấp dẫn của chúng trong tương lai.
Nếu có thể nói trước được tương lai dễ dàng thì cũng không khó để nói cổ phiếu của timharford.com trong tay sẽ có giá trị đến mức nào. Hãy cho rằng tất cả mọi người đều biết timharford.com sẽ vĩnh viễn kiếm được 100 đô-la mỗi năm và việc bạn giữ một cổ phần sẽ giúp bạn mãi mãi kiếm được 1 đô-la mỗi năm. Nhưng thực sự thì nó đáng giá đến đâu? Nếu đem bỏ 10 đô-la vào tài khoản tiết kiệm thì tôi cũng kiếm được 10% lãi suất và như vậy, việc làm đó cũng giúp tôi mãi mãi có được 1 đô-la mỗi năm. Vậy, chẳng lẽ một cổ phiếu của timharford.com cũng chỉ giống như có 10 đô-la trong tài khoản tiết kiệm với lãi suất 10%? Hãy xem với lãi suất 10%, tôi nên sẵn lòng bỏ ra 10 đô-la cho một cổ phiếu ở timharford.com. Nhưng khi lãi suất tiền gửi chỉ còn 5% sẽ khiến cho một cổ phiếu giờ lại hấp dẫn gấp hai lần so với tài khoản tiền gửi tiết kiệm; khi lãi suất tiền gửi chỉ còn 1% thì một cổ phiếu lại hấp dẫn gấp 10 lần một tài khoản tiền gửi tiết kiệm. Tôi sẽ sẵn lòng trả 100 đô-la để có được một cổ phiếu của timharford.com khi mà lãi suất tiền gửi mãi mãi là 1%, bởi vì nó sẽ giúp tôi cũng có được 1 đô-la một năm, giống như khi tôi có 100 đô-la trong tài khoản tiết kiệm. (Đây chính là một trong những lý do mà giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng giá khi mà lãi suất tiền gửi được dự báo là giảm và hạ xuống khi lãi suất tiền gửi được dự báo là tăng.)
Cổ phiếu của Amazon.com được định giá ở mức 40 đô-la vào tháng Mười năm 2004. Nhưng lãi suất tiền gửi dài hạn ở Mỹ vào khoảng 4%, tôi chỉ cần có 2 đô-la trong tài khoản tiết kiệm vào thời điểm đó để có thể kiếm được 8 xu mỗi năm. Vì Amazon.com kiếm được 8 xu mỗi cổ phiếu trong năm 2003 nên lẽ ra giá cổ phiếu chỉ nên đưa ra giao dịch với mức giá 2 đô-la, chứ không phải 40 đô-la. Phải có “điều gì đó” để giải thích cho những mức giá này.
“Điều gì đó” chính là tương lai. Các công ty trên thực tế không thật sự tạo ra khoản lợi nhuận chắc chắn mỗi năm. Các nhà đầu tư phải biết xét đoán những khả năng lợi nhuận trong tương lai bằng bất cứ cách gì có thể. Timharford.com có thể kiếm được 100 đô-la một năm, nhưng cũng có thể là 1 tỷ đô-la mỗi năm nhờ sự phát triển kinh doanh đầy ấn tượng. Nhưng cũng có thể timharford.com sẽ phá sản vào ngày mai. Chính vì sự không chắc chắn này mà hầu hết những người suy đoán theo logic đều muốn bán rẻ: một cổ phiếu không có rủi ro ở mức lãi suất 1% có thể đáng giá 100 đô-la, nhưng với một cổ phiếu đầy mạo hiểm, mong cho nó có thể tạo ra số tiền lãi tương đương là 1 đô-la mỗi năm (nhưng ai dám đảm bảo điều này?) sẽ bị đánh giá thấp hơn, có lẽ chỉ 90 đô-la, 70 đô-la hoặc thậm chí 30 đô-la. Giá của nó sẽ giảm đi phụ thuộc vào việc thực sự cổ phiếu đó có độ rủi ro tới mức nào và các nhà đầu tư nhìn nhận độ rủi ro của cổ phiếu đó đến đâu.
Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư ở Amazon.com không mong chờ khoản lợi nhuận lâu dài 8 xu một cổ phiếu, mà còn cao hơn thế nhiều. Thay vì mua vào một cổ phiếu với giá 40 đô-la và kiếm được 8 xu, họ đã có thể gửi tiết kiệm 40 đô-la này và có thể kiếm được 1,6 đô-la (nhờ lãi suất tiền gửi dài hạn lên tới 4%). Rõ ràng là những cổ đông của Amazon.com mong muốn lợi tức kiếm được từ mỗi cổ phiếu tăng lên tới 1,6 đô-la và cao hơn để bù lại những rủi ro họ phải chịu. Để làm được điều này, lợi nhuận của Amazon.com phải tăng từ 35 triệu đô-la lên khoảng 1 tỷ đô-la mỗi năm.
Điều tôi vừa trình bày là cái nhìn về thị trường chứng khoán dựa trên giá gốc. Nói cách khác, rốt cuộc thì cổ phiếu chính là sự chia sẻ lợi nhuận: họ cho bạn quyền có được một phần lợi nhuận trong số lợi nhuận thực tế của công ty. Trong thời gian hoạt động dài hạn trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu phải phản ánh điều đó. Các nhà kinh tế có thể chỉ cho bạn giá gốc của cổ phiếu là bao nhiêu, như những điều tôi vừa trình bày ở trên. Nếu giá cổ phiếu thấp hơn giá gốc, điều đó nói rằng giá cổ phiếu đang rẻ và bạn nên dành tiền để mua chúng. Trong thời kỳ hoạt động dài hạn trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu phải phản ánh lợi nhuận cơ bản của công ty. Kể cả trong trường hợp xấu nhất, khi mà những cổ phiếu có giá trị có bị định giá thấp hơn thì bạn cũng vẫn nên mua chúng và bỏ túi cổ tức. Trong thời gian hoạt động ngắn hạn trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu cũng cho thấy được triển vọng cơ sở của công ty. Rốt cuộc, ai sẽ mua một cổ phiếu 10 đô-la khi mà ai cũng biết về sau nó chỉ đáng 1 đô-la? Và ai sẽ bán cổ phiếu với giá 1 đô-la khi mà ai cũng biết nó sẽ đáng giá 10 đôla trong tương lai sắp tới? Chừng nào mà các nhà đầu tư lớn còn có đủ nhạy bén, giá cổ phiếu vẫn sẽ phản ánh giá chuẩn cả trong thời gian hoạt động ngắn hạn hay dài hạn. Nhưng liệu những nhà đầu tư có đủ nhạy bén không?
Nhà kinh tế học nổi tiếng nhất thế kỷ XX, John Maynard Keynes, đã so sánh thị trường cổ phiếu với một cuộc thi vớ vẩn trên báo, một cuộc thi mà độc giả được mời tham gia chọn một vài khuôn mặt đẹp từ hàng trăm bức ảnh. Người thắng cuộc là người chọn khuôn mặt sát với quan điểm của số đông mọi người.
Trong trường hợp này, không phải khuôn mặt được đánh giá “nhất” lại là khuôn mặt thực sự xinh nhất hay thậm chí cũng chẳng được số đông thật lòng cho là xinh nhất. Chúng ta đã đạt đến khả năng tư duy mức thứ ba, tức là chúng ta dành hết trí óc của mình để tiên đoán đáp án lựa chọn mà số đông mọi người cũng sẽ cho là có nhiều người cùng chọn. Và tôi tin rằng còn có một vài người còn suy tính tới mức thứ tư, thứ năm hoặc cao hơn nữa.
Một ví dụ gần đây là phương pháp chọn cổ phiếu “Grolsch”. Tôi đã gặp một nhà đầu tư, ông ta nói rằng ông đã mua rất nhiều cổ phiếu của một hãng bia tên là Grolsch vì trước đó ông đã đến rất nhiều bữa tiệc quanh thành phố London và thấy hãng Grolsch có mặt phục vụ ở khắp mọi nơi. Những hãng bia khác, đã thành danh như Heineken, có vẻ như đã biến mất. Tôi ngây thơ nói với ông ta rằng những bữa tiệc trong thành phố không thể là kim chỉ nam đáng tin cậy về tình hình kinh doanh chung của Grolsch; Grolsch có thể kinh doanh rất tốt ở thành phố này nhưng cũng có thể làm ăn thất bại ở nơi khác, nên lợi nhuận lâu dài của công ty có thể giảm và có thể việc mua nhiều cổ phiếu như vậy biết đâu lại là một quyết định sai lầm. Nhà đầu tư nói với tôi rằng ông đã biết trước điều tôi nói là đúng, nhưng thực sự nó không thành vấn đề chút nào. Ông ta cho rằng nếu Grolsch là một hãng lớn ở thành phố này, sẽ có nhiều nhà đầu tư khác ở đây biết đến việc làm ăn phát đạt của nó và cũng sẽ mua cổ phiếu. Giá cổ phiếu sẽ lên trong một khoảng thời gian và ông ta sẽ bán để kiếm lời. Giá trị thực sự của cổ phiếu chỉ thành vấn đề nếu ông ta có ý giữ cổ phiếu trong thời gian dài, đủ lâu để bức tranh thực sự dần hiện ra với tất cả những khuyết điểm của nó. Vậy bức tranh trong thực tế như thế nào? Qua năm sau, giá cổ phiếu của Grolsch đã rớt giá khoảng 1/3 giá trị từ 24 bảng Anh xuống còn 17,5 bảng Anh; sau đó, cổ phiếu lại tăng ngay trở lại sau hai tháng. Vào thời điểm tôi viết sách này vào tháng Ba năm 2005, giá cổ phiếu đã gần đúng bằng mức giá tại thời điểm đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau.
Phương pháp “Grolsch” không quan tâm tới giá cổ phiếu. Nó chỉ đơn giản là cố gắng kiếm lợi từ những sai lầm mà bạn nghĩ những nhà đầu tư khác sẽ mắc phải. Cho đến giờ, với những thứ chúng ta đã biết về sự vận động có lý của thị trường chứng khoán và thuyết “nước đi ngẫu nhiên”, vì sao chúng ta mong đợi những nhà đầu tư dễ dàng phạm phải những sai lầm có thể khai thác được như vậy?
Sự ngớ ngẩn có lý
Nguyên nhân sâu xa ở đâu? Hãy xem câu chuyện của Tony Dye, Giám đốc Đầu tư của Philips & Drew, hãng quản lý đầu tư cho các quỹ tiền tệ như tiền lương hưu, tiền trợ cấp, đại diện cho một số lượng lớn khách hàng. Tony Dye kết luận rằng trong năm 1996, với mức 4.000 điểm của FTSE 100 (chỉ số phản ảnh hiệu quả giao dịch của sàn giao dịch chứng khoán London dành cho 100 công ty lớn nhất) thì đó là mức quá cao, nên ông đã chuyển rất nhiều tiền của khách hàng sang tiền mặt, thực tế là ném chúng vào một tài khoản tiết kiệm. Với việc rút 7 tỷ bảng Anh ra khỏi thị trường chứng khoán, ngày ngày ông bị những khách hàng những đồng nghiệp và báo giới chỉ trích. Ông đã bị nhạo báng, bị gán biệt danh là “Tiến sỹ Huỷ diệt”. Khi chỉ số FTSE tiếp tục tăng trong suốt những năm cuối thập niên 1990, Dye càng ngày càng bị xem là gã ngu xuẩn. Trong năm 1999, Philips & Drew mất nhiều khách hàng hơn bất cứ hãng quản lý quỹ nào khác. Căn cứ vào khoản tiền lãi trả cho khách hàng, hãng đã bị xếp hạng 66 trong số 67 đối thủ cạnh tranh vào ba tháng cuối năm 1999. Dye vẫn tiếp tục khăng khăng cho rằng chỉ số thị trường chứng khoán vẫn ở mức quá cao, vẫn lẩn tránh cổ phiếu Internet và viễn thông, và ông giữ một tỷ lệ lớn tiền đầu tư của khách hàng ở dạng tiền mặt. Kết cục không tránh khỏi: đầu tháng Ba năm 2000, ông bị buộc phải về hưu sớm, thực ra ông đã bị sa thải. Tờ thời báo London Times bình luận rằng hãng Philips & Drew là “kẻ lố bịch” và người kế nhiệm của Dye đã thừa nhận ông đã phải chịu đựng nhiều: “Đó là một nơi cô độc. Với những gì mà ông ấy đã phải chịu đựng thì những năm gần đây là khoảng thời gian không hề dễ dàng”.
Dye mất việc, nhưng ông đã đúng. Trước khi hãng Philips & Drew kịp thay đổi chiến lược kinh doanh thì giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bắt đầu thay đổi. Các cổ phiếu Internet, viễn thông và công nghệ rớt thảm hại. Cả thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng. Những cổ phiếu giá trị nhưng bị cho là “lỗi mốt” mà Dye đã cố gắng giữ lại, nay đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, tiền mặt cũng tỏ ra lợi thế hơn nhiều so với việc mua cổ phiếu Internet giờ đã bị sụt giá. Philips & Drew nhảy vọt lên đứng đầu bảng xếp hạng hiệu quả kinh doanh của các hãng quản lý quỹ, đem lại cho khách hàng của mình lãi suất 6,5% trong vòng ba tháng đến thời điểm tháng Sáu năm 2000 – tương đương với hơn 28% cả năm trong lúc chỉ số thị trường chứng khoán bất ngờ tụt giảm. Chỉ số FTSE xuống, xuống và xuống, từ hơn 6.400 điểm vào thời điểm Dye ra đi xuống dưới 3.300 điểm ba năm sau đó. Dye đã kết luận trong năm 1996 rằng các khách hàng của ông tốt hơn là nên bán cổ phiếu khi mà nó đang đạt 4.000 điểm và nên đem số tiền đó gửi vào tài khoản tiết kiệm. Và cuối cùng ông cũng được chứng minh mình đúng sau bảy năm.
Tony Dye đã đúng, nhưng liệu ông ấy có phải là người biết điều? Hàng trăm giám đốc các hãng quản lý quỹ khác đã bị chứng minh là sai lầm thảm hại nhưng vẫn giữ được ghế của mình bởi vì tất cả bọn họ đều mắc sai lầm, tất cả vây cánh của họ đều sai lầm giống nhau. Tony Dye thì khác, ông đã quyết định đi theo con đường của riêng mình. Cuối cùng, ông cũng được minh oan, nhưng đó là sau khi đã chịu đủ sự nhạo báng của báo giới, bị khách hàng ruồng bỏ và bị ông chủ sa thải. Những nhà quản lý quỹ đầu tư phải đối đầu với sự động viên thiếu công bằng: khi họ có quan điểm khác với đám đông mọi người, nếu họ thắng họ sẽ giành được một số ít khách hàng, nhưng nếu thất bại, họ sẽ bị mất việc. Sẽ an toàn hơn nhiều nếu bạn biết “xuôi theo dòng người”.
Nói như vậy không có nghĩa là giá cổ phiếu hoàn toàn không dính dáng gì đến thực tế – chỉ đơn giản là nhiều nhà quản lý vốn đầu tư lớn đã đưa ra những quyết định trong đó hàng đống tiền được bỏ ra chỉ để theo đuổi một trào lưu đầu tư thay vì mua vào những cổ phiếu có tiềm năng. Sự hạn chế đó đã khiến thị trường chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục tạo ra những sai lầm.
Nhìn xa trông rộng
Có lẽ phải mất nhiều năm thì những sai lầm đó mới trở nên sáng tỏ. Ai là người có thể chắc rằng cổ phiếu bong bóng thời hoàng kim của Internet lại là ảo tưởng hão huyền? Có thể việc chúng ta đang có những quyết định sai lầm ngày hôm nay khi mà giá cổ phiếu đã quá rớt giá là một sự thực. Không có câu trả lời cuối cùng cho vấn đề này, nhưng tôi thấy rằng nếu có cái nhìn bao quát, nhìn trở lại quá khứ thật xa có thể nảy ra những câu hỏi hay. Vào thời kỳ đỉnh điểm của thị trường năm 2000, người ta đua nhau đổ tiền vào thị trường chứng khoán, mua vào những cổ phiếu liên quan tới sản xuất như biểu đồ giá cổ phiếu sau đây: Ý của đồ thị này cho thấy rằng giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán (trường hợp này trích dẫn chỉ số chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500) đã leo lên rất nhanh và nếu bạn đầu tư vào đầu những năm 1980, bạn đã là nhà đầu tư thực sự sành sỏi.
Thông điệp thực sự có một chút hoang mang. Những con số ở cột thẳng đứng cho biết “lịch sử biến động của giá/tỷ lệ tiền kiếm được”. Chúng cho biết giá cổ phiếu liên hệ với quá trình kiếm lợi nhuận của công ty như thế nào trong vòng 10 năm qua. Thế nên trong năm 1980, giá của một cổ phiếu chuẩn S&P 500 đã gấp chín lần lợi nhuận trung bình của công ty trong thập niên 1970 (đồ thị và các thông số đã được điều chỉnh để loại bỏ ảnh hưởng của lạm phát). Các cổ phiếu đem về lợi nhuận 100 đô-la một năm vào những năm 1970 được bán với giá 900 đô-la vào năm 1980. Đến năm 1990, cổ phiếu sinh lợi nhuận 100 đô-la một năm trong thập niên 80 sẽ phải bỏ ra 1.800 đô-la để mua. Điều này cho thấy rằng những nhà đầu tư năm 1990 đã lạc quan cho rằng những năm 1990 sẽ làm ăn tốt hơn những năm 1980, trong khi những nhà đầu tư năm 1980 ít lạc quan hơn trong quan điểm cho rằng những năm 1980 sẽ làm ăn tốt hơn những năm 1970.
Thị trường chứng khoán phát triển như thế này chăng?
Đến năm 2000, các nhà đầu tư sẵn lòng trả 4.500 đô-la để mua những cổ phiếu mà nếu ở thập niên 90, chúng sẽ mang lại 100 đô-la lợi nhuận. Nếu các nhà đầu tư trong năm 1990 được coi là lạc quan hơn những nhà đầu tư vào năm 1980 thì những nhà đầu tư của năm 2000 chắc chắn là cực kỳ “mê sảng”. Một phần của điều đó là việc sẵn lòng trả nhiều tiền hơn để mua cổ phiếu vì mọi người ngày càng biết rõ về sự biến động của cổ phiếu và dễ chấp nhận rủi ro hơn. Nhưng nó chủ yếu phản ánh cách nhìn – một quan điểm bảo thủ thiếu sáng suốt rằng lợi nhuận trong tương lai sẽ tăng hơn nhiều so với trong quá khứ với mức độ chưa từng thấy bao giờ.
Chúng ta hãy làm rõ giả định đó là như thế nào. Đó không phải là câu hỏi rằng liệu lợi nhuận của công ty có tăng lên hay không. Trung bình thì sau khi trải qua một khoảng thời gian hoạt động trên thị trường, giá cổ phiếu luôn luôn tăng theo một đường dốc mấp mô khi nền kinh tế phát triển mở rộng quy mô. Nhưng tỷ lệ giữa giá mua trên số tiền kiếm được thể hiện trên biểu đồ luôn chứng minh cho một thực tế rằng nền kinh tế đang tăng trưởng, lợi nhuận của ngày mai có thể sẽ lớn hơn lợi nhuận của hôm nay. Các nhà đầu tư năm 2000 còn đánh cược vào điều đó nhiều hơn thế. Họ đã đánh cược rằng lợi nhuận ngày mai sẽ lớn hơn rất nhiều so với ngày hôm nay – theo cái cách mà từ trước tới nay chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán, không phải khi đường sắt ra đời hay khi nước Mỹ được điện khí hóa, cũng không phải vào thời kỳ bành trướng của thập niên 50, 60 của thế kỷ XX.
Biểu đồ biểu diễn tỷ lệ tiền lãi đầu tư sẽ không giống như sườn bắc của núi Eiger (một ngọn núi thuộc dãy Alpes của Thuỵ Sỹ). Nó khá là bằng phẳng, có lẽ sẽ chỉ tăng hoặc giảm một chút, nhưng trong khoảng thời gian dài, chỉ số sẽ không thay đổi nhiều lắm. Hệ số ổn định là 16 cho thấy tôi sẵn lòng bỏ ra 16 đô-la để mua một cổ phiếu trước đây đem về 1 đô-la một năm, hãy bỏ ra 1.600 đô-la cho một danh mục vốn đầu tư mà trước đây đã đem về 100 đô-la một năm, hay bỏ ra 16 tỷ đô-la vào một công ty mà trước đây đã từng đem về 1 tỷ đô-la một năm. Khi mà các công ty trên thị trường chứng khoán phát triển, lợi nhuận có thể tăng lên từ 10 triệu đô-la lên tới 100 triệu đô-la, hay thậm chí tới 1 tỷ đô-la, nhưng tỷ lệ lợi nhuận so với vốn đầu tư thường thì không thay đổi theo thời gian. (Nó không làm thay đổi lãi suất tiền gửi cũng như thái độ nhìn nhận rủi ro, những hệ quả này không đủ để giải thích cho những sự kiện đã xảy ra trong những năm cuối thập niên 1990).
… hay phát triển như thế này? Theo quan điểm dài hạn
Khi những người bán cổ phiếu cho tôi xem biểu đồ này vào năm 2000, họ đã hy vọng họ thuyết phục được tôi rằng thị trường chứng khoán sẽ giữ được sự tăng trưởng. Nhưng cái tôi thấy được từ biểu đồ này là nó sắp sụt giá. Trong lịch sử, tỷ lệ tiền lãi dài hạn luôn chỉ dao động quanh con số 16. Chúng có thể dao động quanh con số 16 nhưng nó cũng vẫn luôn quay trở lại con số này. Nhà kinh tế học Robert Shiller thuộc trường Đại học Yale, Mỹ, đã rất cố gắng trong việc thiết lập các mẫu thông tin về chỉ số tỷ lệ giá mua trên số tiền lãi luôn quay trở về con số 16, ông đã tiến hành việc thu thập các số liệu này ngược trở lại năm 1881. (Dữ liệu của Robert Shiller được sử dụng ở cả hai biểu đồ trên. Thực ra thì biểu đồ thứ nhất chính là một phần trích từ biểu đồ thứ hai. Nhưng hai biểu đồ này cho chúng ta những ấn tượng khác nhau.) Biểu đồ Shiller cho thấy rất rõ ràng chỉ số tỷ lệ trên 30 là không hề bình thường chút nào. Nó chỉ xảy ra một lần trước thập niên 90, vào năm 1928. Giống như vào năm 2000, những người thời kỳ 1928 cũng đã thấy mức giá cao của cổ phiếu vào thời điểm đó là hợp lý. Nhà kinh tế Irving Fisher, một trong những bậc đàn anh của Shiller ở trường Yale, đã đưa ra một tuyên bố rất nổi tiếng rằng giá cổ phiếu đã đạt đến “một trạng thái bình ổn cao vĩnh viễn”. Fisher là một người rất giỏi, một nhà tư tưởng có nhiều ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế tiền tệ, ông đã viết một cuốn sách có tựa đề Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall – Và sau đó (The Wall Street Crash – and After), vào thời điểm đó, cuốn sách đã đưa ra được những lý do thật thuyết phục để người ta có thể hy vọng giá cổ phiếu tiếp tục giữ ở mức cao.
Sau sự giảm sút đáng kể đầu tiên của thị trường cổ phiếu vào cuối những năm 1920 – sự kiện sụp đổ thị trường chứng khoán Phố Wall, Fisher đã lý luận rằng lợi nhuận trong tương lai có thể sẽ cực lớn do tính hiệu quả từ các cuộc sáp nhập lớn của các tập đoàn gần đây, việc ứng dụng những công nghệ mới cộng thêm sự cải thiện các kỹ năng quản lý, chưa kể đến khả năng của hệ thống dự trữ liên bang. Sự phân tích nghe có vẻ có lý… và quen thuộc một cách kỳ lạ.
Thật không may, mặc dù tên cuốn sách là Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall – Và sau đó nhưng cho đến khi sự kiện này kết thúc thì cuốn sách vẫn chưa được xuất bản. Nó chỉ được ra mắt sau hồi đầu tiên của một chuỗi các sự kiện hóa ra lại là một vở kịch dài hơn rất nhiều. Những sự sụt giá khủng khiếp bắt đầu diễn ra sau đó.
Cuộc Đại Suy thoái cũng nằm trong số này.
Sự khan hiếm nhìn ở một góc độ tư duy khôn ngoan
Có thể hiện nay chúng ta không bị một cuộc suy thoái khác đe dọa. Một số kẻ lạc quan tếu khác thậm chí sẽ rêu rao rằng thị trường chứng khoán sẽ bật lên để chứng minh những giá trị bong bóng của nó. James Glassman và Kevin Hassett, các tác giả cuốn Dow 36.000 (ý nói chỉ số Dow Jones sẽ tăng tới 36.000 điểm-BT), một cuốn sách nói về những dự đoán được đặt tên theo một nhân vật có thật, đến tháng Tám năm 2002 sau khi chỉ số Dow Jones sụt xuống khoảng 8.000, vẫn còn ngoan cố và vẫn tiếp tục bảo vệ cuốn sách của họ. Tuy nhiên, họ đã đúng khi chỉ ra rằng trong một chốc một lát chẳng ai có thể đoán được thị trường sẽ ra sao; để đưa ra được dự đoán về sự bật lên của thị trường chứng khoán họ đã phải nghiên cứu nó trong một khoảng thời gian dài. (Cho đến cuối năm 2004, họ không còn nhấn mạnh rằng trong cuốn Dow 36.000, họ đã dự đoán thị trường có thể sẽ mất khoảng ba hoặc năm năm để vượt lên…) Glassman và Hassett cho rằng thị trường cổ phiếu đã không được đánh giá đúng từ hàng trăm năm nay rồi vì vậy các số liệu từ xưa do Robert Shiller cung cấp không thể chứng minh được rằng những nhà đầu tư trong tương lai sẽ mắc sai lầm. Thật ra các nhà đầu tư có lẽ đã nhầm từ thế kỷ trước rồi. Như chúng ta đã biết, một khi họ đã từ bỏ quan điểm rằng mọi người đang hành động rất khôn ngoan thì chúng ta khó mà tuyên bố được gì nhiều. Một câu hỏi hữu ích hơn có lẽ là câu hỏi, như những giá trị bong bóng đã gợi ý, rằng trong vài năm sắp tới liệu lợi nhuận của các công ty có thực sự tăng đáng kể không. Thật hấp dẫn biết bao khi nghĩ rằng đây là luận điểm về sức mạnh của Internet, điện thoại di động, máy tính và những tiến bộ công nghệ gần đây khác. Những “fan hâm mộ” mạng Internet đã cho rằng việc bỏ ra một khoản tiền lớn để thành lập công ty như công ty Amazon là hoàn toàn đúng đắn vì Internet “đang làm biến đổi mọi thứ”.
Thật không may là vấn đề lại không phải như vậy. Có thể Internet thực sự là một công nghệ tạo nên sự thay đổi lớn cũng giống như điện, cuộc cách mạng hóa học hay hệ thống đường sắt. Câu trả lời dần dần sẽ xuất hiện, nhưng nó sẽ không thực sự đúng với thị trường chứng khoán. Giả thuyết chưa được công bố là nếu chúng ta đang ở trong một cuộc cách mạng kinh tế thì cổ phiếu phải rất có giá trị. Nhưng giả thuyết này lại sai. Giá cổ phiếu chỉ tăng nếu chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng lợi nhuận trong tương lai mà nó đem lại sẽ rất lớn. Như chúng ta đã biết, lợi nhuận có được từ sự khan hiếm; ví dụ, việc sở hữu những mảnh đất ít ỏi (được bảo vệ bởi luật đất đai), một nhãn hiệu độc quyền (được bảo vệ bởi thương hiệu), hay một tổ chức với những năng lực độc nhất vô nhị (được bảo đảm bởi không gì khác ngoài việc người ta khó mà bắt chước được bí quyết kinh doanh của những tập đoàn đó). Vì vậy, giá cổ phiếu chỉ tăng chừng nào những thay đổi về mặt kinh tế làm các tổ chức kiểm soát chặt chẽ hơn những nguồn lực khan hiếm của họ.
Dễ thấy rằng giữa sự biến đổi về mặt kinh tế và việc kiểm soát sự khan hiếm có thể có mối liên hệ với nhau. Song, việc thấy được mối liên hệ đó là gì thì khó khăn hơn nhiều và nếu bảo nó dễ hiểu như “những công nghệ mới sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn liên minh với nhau trong việc tăng sự kiểm soát các nguồn lực khan hiếm” thì lại càng không thể. Một vài công ty sẽ được lợi. Những công ty khác sẽ thua lỗ. Theo kinh nghiệm từ xưa đến nay, dường như không có sự liên hệ giữa sự biến đổi về mặt kinh tế và mức lợi nhuận cao đối với những công ty trung bình. Thực ra điều ngược lại sau đây mới thường là đúng: sự biến đổi về mặt kinh tế làm tiêu tan lợi nhuận của các công ty cũ (bằng cách thay thế hoặc nhân đôi tài sản khan hiếm của họ lên), trong khi những hãng mới nổi thay thế chỗ đứng của họ lại thường phải đối mặt với tỷ lệ thất bại cao cùng với những chi phí khổng lồ cho việc thành lập công ty. Lợi thế chỉ thuộc về những công nhân được trả mức lương trung bình cao hơn và những khách hàng được hưởng những hàng hóa và dịch vụ mới hơn, tốt hơn với mức giá thấp hơn. Ví dụ, lợi nhuận của Amazon là 30 triệu đô-la vào năm 2003 cần được xem xét với sự giảm sút doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc trên toàn cầu ở mức 2,5 tỷ đô-la trong cùng năm đó, một sự giảm sút thảm hại mà các ông trùm trong ngành đổ lỗi cho việc ăn cắp bản quyền quá dễ cùng với việc tải âm nhạc trên mạng gây ra. Internet có thể tạo ra lợi nhuận nhưng cũng có thể huỷ diệt nó.
Điều này chính là trường hợp xảy ra với những công nghệ mang tính cách mạng trước đây như điện hoặc đường sắt. Vì vào thời điểm đó, tôi chưa hiểu rõ vấn đề nên tôi đã mắc sai lầm khi đánh cá với nhà kinh tế học John Kay. Ông băn khoăn không biết rằng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn mua cổ phiếu của hãng đường sắt Great Western Railway, một công ty nổi tiếng nhất trong những công ty đường sắt ở Anh, nơi khai sinh ra dịch vụ chuyên chở bằng đường sắt. Ông dự đoán rằng thậm chí nếu bạn có mua cố phiếu đó ngay sau khi nó phát hành và giữ nó thật lâu thì bạn cũng chỉ thu được một số lợi nhuận rất khiêm tốn mà thôi, khoảng 10%/năm. Tôi không thể hiểu nổi là tại sao một công ty thành công nhất trong cuộc cách mạng đường sắt lại chỉ mang lại khoản lãi hết sức ít ỏi cho các cổ đông như vậy. Sau đó, tôi lôi các tập Nhà kinh tế học từ thế kỷ XIX ra, phủi bụi cho chúng và tôi đã tìm thấy câu trả lời. Tất nhiên là Kay đúng. Không bao lâu sau khi cổ phiếu của Đường sắt lớn miền Tây được bán với giá 100 đô-la/cổ phiếu vào năm 1835, người ta đã đua nhau tích trữ cổ phiếu này với số lượng lớn. Vào năm 1845, tức là sau 10 năm thành lập, giá cổ phiếu của công ty này đã đạt mức kỷ lục là 224 đô/cổ phiếu. Sau đó, nó giảm dần và không bao giờ lên lại được mức đó trong suốt hàng trăm năm kinh doanh tiếp theo của mình. Các nhà đầu tư dài hạn sẽ nhận được phần cổ tức kha khá nhưng cũng không nhiều lắm là 5%/năm của số tiền bỏ ra là 100 đô-la của mình. Những ai bỏ tiền ra mua những cổ phiếu này vào thời điểm nó lên đến mức cực đỉnh đó có thể thua lỗ kha khá nhưng vẫn còn tốt hơn những kẻ khác đầu tư vào vô số các công ty thậm chí chưa hoàn thành xong tuyến đường sắt của mình thì đã phá sản rồi. Vì vậy, các công ty đường sắt làm ăn tồi nhất chính là những thảm họa về tài chính nhưng việc đầu tư vào các công ty thành danh nhất cũng chưa chắc là sự đầu tư khôn ngoan. Nhưng không ai phủ nhận sự thật là hệ thống đường sắt đã làm thay đổi hoàn toàn nền kinh tế của các nước phát triển. Giới bảo thủ ước tính rằng cho đến năm 1890, chúng đã đóng góp từ 5-15% vào tổng thu nhập của nền kinh tế Mỹ, một con số đáng kinh ngạc. Song, sự cạnh tranh trong việc xây dựng và đưa các tuyến đường sắt vào hoạt động đã giữ cho những lợi nhuận này luôn ở mức khiêm tốn. Chừng nào mà người ta còn đua nhau cạnh tranh thì ngành đường sắt còn ít lợi thế khan hiếm.
Sự khan hiếm và công nghệ
Trong trường hợp các công ty trên mạng hoặc những công ty kinh doanh công nghệ cao khác thì việc tạo nên sự khan hiếm còn khó hơn. Ví dụ, đúng là có một vài công ty đã làm rất tốt, như IBM, Microsoft và Intel. IBM là một công ty đạt được những thành quả khổng lồ: vào cuối những năm 1970, nó đã là công ty kiếm được nhiều lợi nhuận nhất cho đến thời điểm đó. Nhưng đến đầu những năm 1980, nó đã gần như đi đến phá sản, chỉ phục hồi được bằng cách “đau đớn” tự chuyển đổi mình thành một công ty hoàn toàn khác. Intel không phải chịu sự tan rã giống như vậy mặc dù lợi nhuận hoạt động của nó cũng giảm đáng kể tới 3/4 vào năm 2001. Tuy nhiên, Intel cũng nổi tiếng khắp nơi vì những nỗ lực mà nó đã chèo lái để luôn vượt trước các đổi thủ khác trong chiến dịch cạnh tranh. (Chủ tịch Intel là Andy Grove đã viết một cuốn sách mang tựa đề Chỉ có những kẻ hoang tưởng mới sống sót – Only the Paranoid Survive.)
Chỉ có Microsoft, hãng kế nhiệm IBM và là gã khổng lồ trong ngành công nghiệp máy tính, là có được khoảng thời gian rất thoải mái. Có lẽ đó là thành công lớn nhất của Microsoft, điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ điên khùng muốn tìm ra một “Microsoft kế tiếp”. Hầu hết các công ty đều không thể là Microsoft và sẽ không bao giờ có thể trở thành Microsoft. Thật ra, cho đến khi nào người ta còn quan tâm đến cổ phiếu thì Microsoft cũng chẳng phải là Microsoft vì giá cổ phiếu của nó vào cuối thập niên 1990 không phải phản ánh tình hình hiện tại của Microsoft mà là ước vọng về viễn cảnh mà cuối cùng Microsoft đã có thể đạt được. Có lẽ quan điểm của các nhà đầu tư đã đúng khi cho rằng thông qua việc kiểm soát hàng loạt các tiêu chuẩn công nghiệp quan trọng, Microsoft đã thực sự có được lợi thế khan hiếm lâu dài và thực sự, điều sẽ mang lại nguồn lợi nhuận kếch sù cho tập đoàn này trong tương lai.
Không có sự tương phản nào lớn hơn đối với đám người “ngồi lê đôi mách” sống nhờ vào thị trường dot.com giả tạo. Nhiều kẻ trong số họ điều hành những doanh nghiệp dễ dàng bị sao chép với giá rẻ mạt chỉ trong có vài tháng, chỉ riêng điều này thôi thì chúng ta cũng biết rõ ràng rằng cổ phiếu của họ cũng gần như không còn giá trị gì nữa rồi. Dù nền kinh tế có thay đổi hay không thì cũng chẳng thành vấn đề, vì nó cũng chẳng biến đổi nhiều đến mức làm cho các công ty không có lợi thế khan hiếm lại vẫn kiếm được nhiều lợi nhuận.
Cái nào đã khiến cho chúng ta quay trở lại với Graham Bailey và ngành tư vấn quản lý vào cuối năm 1998. Ẩn ý đằng sau câu chuyện về ông là: dù bạn có lợi thế khan hiếm hay không thì cũng chẳng thành vấn đề. Việc những người khác có thể làm những gì bạn làm cũng chẳng sao. Điều quan trọng là ai sẽ tới đích trước. Nó giống như viễn cảnh người ta đổ xô đi tìm vàng – ai đến trước người ấy có lợi thế. Nếu vì một lý do nào đó mà các công ty có thể khoanh cọc “lãnh thổ trên mạng” thì các đối thủ khác đừng hòng có cơ hội nhảy vào xí phần chiếm chỗ của họ. Khi bạn làm sáng tỏ được ẩn ý này bạn sẽ thấy rằng nó được viện vào những câu chuyện thần thoại vĩ đại của người Mỹ, nhưng thực sự đằng sau nó lại không có gì nhiều lắm. Những người đến định cư và những người đi tìm vàng đã đặt ra một loạt các quyền sở hữu – những điều rất hà khắc, để bảo vệ quyền khai thác của họ. Nhưng các công ty trên mạng thì không – họ có tên miền và cũng đã có đôi chút tiếng tăm. Nhưng những gì dễ đến thì cũng dễ đi: tại sao công ty đầu tiên thiết lập kinh doanh trên mạng lại không phải đối mặt với bất kỳ sự cạnh tranh gay gắt nào chứ? Việc khách hàng khám phá ra các công ty mới xuất hiện là điều khá dễ dàng. Họ cũng chả tốn mấy sức lực khi vào thăm các trang web của họ – dễ hơn nhiều so với việc đi mua hàng ở một cửa hiệu mới mở. Thực ra các công ty đi tiên phong ngày nay có vẻ có ít lợi thế hơn so với trong quá khứ. Theo như Bailey cho biết, có một công ty nhỏ đang được thành lập ngay ở trong một gara ô tô tại California. Nó cung cấp công cụ tìm kiếm trên mạng nhưng mới chỉ đạt ở mức vài trăm cuộc một giờ mà thôi. Tên công ty đó là Google.
Google là một bằng chứng sống cho thấy trên Internet việc đi đầu không có ý nghĩa gì cả. Điều quan trọng là ai mới là tay chơi xuất sắc. Google vào cuộc chơi muộn, đó là khi mà Yahoo! dường như đã tạo lập được tên tuổi của mình như một ông vua trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin, thế nhưng nó vẫn trở thành đối thủ có cùng đẳng cấp với Yahoo! đấy thôi. Câu hỏi đặt ra cho Google là liệu một công ty mới, dù ngồi trong gara ở một nơi nào đó có thể làm cho họ những điều mà họ đã làm với các đổi thủ cạnh tranh của họ không. Trên mạng Internet, mọi công ty đều mong manh trước những sự cạnh tranh. Các trang web đã làm mất dần lợi thế khan hiếm.
Bài học cho việc đầu tư vào thị trường chứng khoán của bạn thế là đã đủ rõ. Đầu tiên, hãy nhớ lại cố gắng để đứng được vào hàng nhanh nhất trong siêu thị, ghi nhớ trong đầu rằng tất cả giá của cổ phiếu đều là sự kết hợp những kiến thức hiểu biết khổng lồ. Nếu bạn có dự định kiếm tiền nghiêm túc thì bạn hãy có ý tưởng rõ ràng về những gì mình biết và những gì các tay chơi trong cuộc thường bỏ qua. Thứ hai, hãy nhớ rằng lợi nhuận lâu dài cho một công ty là do những năng lực đặc biệt của nó mà các đối thủ khác không thể có được: một nhãn hiệu nổi tiếng trong thị trường truyền thống – hãy nghĩ đến loại bao cao su Trojan; sự kiểm soát của một tiêu chuẩn như tiêu chuẩn của Microsoft; hay đơn giản là những kỹ năng làm việc chuyên môn ưu việt hơn, như tập đoàn General Electric. Có lẽ eBay đã có được năng lực như thế, điều này được rút ra từ cơ sở của những người mua hàng và bán hàng rất trung thành của họ. Rất ít các công ty trên mạng khác có được điều này, vào năm 1998 nếu bạn nghiền ngẫm kỹ câu chuyện của Graham Bailey bạn sẽ thấy nó chả thuyết phục tẹo nào. Cũng cần nói thêm rằng đến tháng Tư năm 2001 hãng tư vấn của ông đã đi tới con đường phá sản.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.