Thám tử rời sân khấu

Chương 9



Sáng hôm sau, tôi tiếp tục trao đổi với Poirot. Ông gật gù nghe tôi trình bày, cuối cùng tươi nét mặt:

– Tốt lắm. Tôi muốn để anh tự tìm ra sự giống nhau, chứ không muốn nói ra trước.

– Vậy là tôi không lầm: chúng ta đứng trước một vụ án nữa của X.

– Nhất định rồi.

– Nhưng tại sao? Động cơ là gì?

Poirot nghiêm nghị gật đầu. Tôi hỏi:

– Ông biết rồi ư? Hay đã có ý kiến thế nào?

– Có, tôi có một ý – ông chậm rãi đáp.

– Ông đã tìm thấy mối liên quan giữa các vụ?

– Có thể.

– Vậy thì…

Tôi không nén được sốt ruột.

– Không, anh Hastings.

– Ông phải cho tôi biết.

– Ngược lại, anh không nên biết hết thì hơn.

– Tại sao? Lý do gì?

– Lý do đơn giản là anh hãy tin tôi.

– Ông thật quá quắt! – Tôi kêu. Ông thấp khớp ngồi liệt ở đây, thế là còn định chơi trội một mình.

– Không phải thế đâu. Trái lại, chính anh đang là trung tâm hành động: là tai, là mắt của tôi. Tôi không muốn để anh biết một số thông tin, vì chúng có thể nguy hiểm.

– Chắc ông ngại rằng hung thủ biết là tôi dò theo vết hắn. Nhưng tôi không đủ sức tự bảo vệ được sao?

– Anh nên nhớ, kẻ đã giết một lần không e ngại gì mà không giết lần nữa.

– Nhưng ở đây, đã có ai giết ai đâu.

– Thế là may, rất may. Như tôi đã nói, mọi việc khó lường trước.

Ông thở dài, nét mặt đăm chiêu.

Tôi đi ra, lòng nặng trĩu nỗi buồn: rõ là từ nay Poirot không có khả năng nỗ lực liên tục. Trí óc còn minh mẫn, nhưng thể chất tàn tạ rồi. Ông dặn tôi chớ hoài công tìm hiểu lai lịch của X, nhưng tự đáy lòng, tôi tin mình đã biết hắn là ai. Ở Styles này, chỉ có một người có vẻ gian, chỉ còn giải quyết một vấn đề nữa là tôi có thể khẳng định. Sẽ chỉ là một cách thử phản diện nhưng có giá trị chắc chắn.

Sau bữa ăn sáng, tôi gọi Judith lại:

– Hôm qua, lúc ba gặp, con và Allerton ở đâu về?

Khi chú mục vào một khía cạnh của vấn đề, ta thường quên các khía cạnh khác, và tôi sửng sốt trước phản ứng mạnh mẽ của con gái:

– Ồ, ba, việc đó liên quan gì đến ba.

Tôi trố mắt nhìn con:

– Thì… ba chỉ… hỏi thế.

– Nhưng để làm gì? Tại sao lúc nào ba cũng hỏi? Con làm gì, con đi đâu, với ai… khó chịu quá.

Điều nực cười nhất là lần này câu hỏi của tôi thực ra không nhằm Judith. Điều tôi muốn biết chính là hành tung của Allerton.

Tôi xoa dịu:

– Judith con, tại sao ba lại không được hỏi.

– Còn con, con không hiểu tại sao ba cần biết.

– Thực ra ba không cố tình muốn biết. Ba chỉ lạ là làm sao hai người có vẻ dửng dưng trước việc xảy ra.

– Ba muốn nói tai nạn của bà Luttrell? Đây nếu ba muốn biết, con xuống làng để mua tem.

– Sao? Vậy Allerton không đi cùng với con?

Judith thở hắt ra vì bực:

– Không. Về đến gần nhà, con mới gặp anh ta. Thế là ba mãn nguyện rồi nhé. Mà con muốn nói thêm rằng dù có suốt ngày đi chơi với anh ta cũng không việc gì đến ba. Con đã hăm mốt tuổi, con tự kiếm sống, và con làm gì là việc của con.

– Đúng – Tôi đành nói vậy để chặn đứng cơn thịnh nộ.

– Ba nhận ra như thế là tốt.

Nó có vẻ dịu bớt căng thẳng, nở một nụ cười buồn, nói tiếp:

– Từ nay, ba đừng đóng vai ông bố lên giọng. Sốt ruột lắm!

– Được rồi, ba sẽ không nói nữa.

Franklin từ đâu xộc tới:

– Chào Judith! Đi thôi, chậm giờ rồi.

Thái độ của ông bác sĩ đột ngột và thiếu lịch thiệp, làm tôi khó chịu. Đành rằng ông ta làm chủ của Judith, trả lương cho nó, và có quyền ra lệnh. Nhưng ít nhất phải tỏ ra nhẹ nhàng, tế nhị. Tính ông này vốn không khéo léo, tôi đã nhiều lần nghiệm thấy, tuy nhiên đối xử với mọi người không đến nỗi. Riêng với Judith, gần đây ông ta tỏ ra mệnh lệnh, độc đoán đến cực kỳ. Nói mà không thèm nhìn người, rồi ra lệnh. Judith tỏ ra thản nhiên, nhưng tôi thì bực. Thái độ của Franklin lại càng bất lợi khi bị so sánh với sự ân cần, quan tâm quá đáng của Allerton. Tất nhiên, Franklin đáng giá gấp mười lần Allerton, song kém hẳn về mặt thái độ đối xử.

Nhìn theo ông bác sĩ đi về phòng thí nghiệm, tôi chú ý đến đi lều khều, tấm thân khô thẳng, khuôn mặt gồ ghề lấm chấm tàn nhan của ông ta. Nói chung, về hình thức là một người xấu xí. một bộ óc tài giỏi ư? Nhưng phụ nữ hiếm khi mê riêng bộ óc, nếu kèm theo không có gì khác. Tôi rất lo là do điều kiện, Judith ít có cơ hội làm quen với những người đàn ông hấp dẫn hơn, từ đó mới có sự so sánh. Đặt bên một Franklin lầm lỳ, nhợt nhạt; tất Allerton nổi hơn nhờ cái hào nhoáng bên ngoài. Và vì thế, con gái tôi không thể đánh giá đúng tư cách anh ta.

Nhỡ nó phải lòng anh ta thật? Sự cáu kỉnh vừa rồi của nó là một dấu hiệu khiến tôi không yên tâm vì rõ ràng Allerton là một thằng tồi. Thậm chí, hắn có thể là X lắm chứ? Lúc súng nổ làm bà Luttrell bị thương, hắn không đang ở cùng Judith như thoạt đầu tôi tưởng. Nhưng động cơ bí ẩn của hắn là gì? Hắn không điên, trí óc tỏ ra hoàn toàn lành mạnh, có điều là thiếu đạo đức và suy xét.

Thế mà con Judith nhà tôi lại bám riết lấy hắn.

* * * * *

Đến nay, tuy vẫn lo lắng về con gái, tâm trí tôi có lãng đi phần nào khi nghĩ rằng có thể sắp xảy ra một vụ án mới. nay thì vụ bắn nhầm đã xảy ra, may không chết người, tôi lại suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề cũ. Càng nghĩ càng lo. Tôi nghe ngóng đâu đó rằng Allerton đã có vợ. Boyd Carrington hình như biết đủ mọi thứ chuyện, nói rõ hơn. Vợ của Allerton đã bỏ hắn đi chỉ sau khi kết hôn vài tháng. Song vì là người đạo gốc, cô ta không đồng ý ly dị, Boyd nói thêm:

– Và thằng cha cũng cóc cần ly dị, cứ để thế lại hay.

Sau vụ tai nạn, ngày lại ngày trôi qua không có gì đặc biệt, nhưng mối lo của tôi không hề giảm.

Đại tá Luttrell suốt ngày ở bên vợ, một cô y tá nữa lại mới đến, nên cô Craven trở lại chuyện lo chăm sóc bà Franklin. Tôi không định kiến, song nhận thấy bà Franklin tỏ ra không vui khi bà không còn là người bệnh duy nhất trong nhà. Bây giờ mọi người quan tâm đến tình hình bà Luttrell, mà bà Franklin đã quen mình phải là trung tâm chú ý duy nhất. Cả ngày bà nằm ườn trên ghế dài, tay ôm ngực kêu đau. Dọn ăn gì bà cũng không thích, luôn luôn tỏ ra bất bình, đau khổ. Một hôm, bà phàn nàn với Poirot:

– Tôi rất không muốn phiền mọi người. Đau ốm thế này, tôi thấy xấu hổ quá. Đôi khi tôi nghĩ ốm đau là tội ác đối với xã hội. Nếu mình không khỏe, tự thấy không còn ích gì nữa, thà yêu cầu được tiêm một phát… chết quách cho xong.

– Ấy không được, thưa bà! Poirot nói khéo. Một cây hoa yếu ớt không chịu được gió lạnh, người ta phải đem trồng trong nhà kính. Còn cỏ dại thì chỗ nào cũng mọc, đâu phải vì thế mà giá trị hơn hoa! Bà xem tình trạng tôi đây. Gần như bị liệt không tự đi lại, vậy mà tôi đâu muốn từ bỏ cõi đời. Tôi vẫn cố hưởng nhiều lạc thú: ăn ngon, rượu ngon, làm việc bằng trí óc.

Bà Franklin thở dài:

– Ông khác. Ông chỉ có một mình. Tôi thì tội nghiệp ông John, tôi biết tôi là gánh nặng cho ông ấy. Một người vợ ốm đau, vô tích sự, ông thấy không?

– Chắc chắn ông không bao giờ nghĩ như vậy.

– Không hẳn như thế, nhưng tôi lạ gì đàn ông! Ông ấy không giấu được tôi.

– Tôi hoàn toàn không nghĩ như bà, Poirot nói.

– Không? Thế là tại ông không biết ông ấy bằng tôi. Tất nhiên, nếu tôi không còn nữa, ông ấy sẽ tự do hơn. Và đôi khi tôi nghĩ nên chấm dứt tất cả cho nhẹ mình cả hai.

– Ồ, bà không nên nói vậy.

– Tại sao? Dù sao, tôi chẳng có ích cho ai cả.

Bà lắc đầu đau khổ:

– Tôi sẽ phiêu diêu nơi vô cùng, và… John sẽ tự do.

Sau này khi tôi nói lại cuộc trò chuyện ấy cho cô Craven, cô này nói ngay.

– Toàn nói hươu nói vượn. Tôi bảo đảm bà ta không làm thế. Càng mạnh mồm lắm càng không làm như mình nói.

Quả nhiên sau khi mọi người hết xao xuyến vì tai nạn của bà Luttrell, cô Craven trở về chăm sóc riêng bà Franklin, tôi thấy tinh thần bà này khá hơn hẳn.

Một sớm nọ, Curtiss đưa Poirot ra ngồi dưới rặng cây gần phòng thí nghiệm. Đây là nơi bạn tôi rất ưa ngồi, vì kín gió; ông vốn rất ngại gió lùa. Thực ra, có lẽ ông cứ thích ở trong nhà hơn, song thỉnh thoảng cũng đồng ý đi ra ngoài với điều kiện được che chắn cẩn thận.

Tôi ra tới chỗ Poirot, cũng là lúc bà Franklin từ phòng thí nghiệm đi ra. Bà bận đồ đẹp và có vẻ đặc biệt vui mừng. Bà nói Boyd Carrington hỏi ý kiến bà về chuyện chọn rèm cửa, nên bà sẽ đi dạo với ông ta một lát. Sau đó họ sẽ cùng đi Knatton để xem công việc đã tới đâu. Bà nói tiếp:

– Tôi vào phòng thí nghiệm để lấy cái túi để quên hôm qua, lúc vào gặp ông John.

Ngừng một lát, bà tiếp:

– Hôm nay, ông ấy đi Tadcaster với cô Judith để kiếm một số hóa chất sắp cạn.

Bà ngồi xuống một chiếc ghế gỗ, lắc đầu vẻ khôi hài:

– Cũng may tôi không phải là nhà khoa học. Như hôm đẹp trời thế này, thì thật là… uổng phí.

Poirot cười, đáp:

– Ấy, trước mặt các nhà khoa học, bà chớ nói thế.

– Tất nhiên.

Bỗng bà thay đổi nét mặt, nghiêm trở lại:

– Ông Poirot, ông đừng tưởng tôi không phục chồng đâu nhé. Dù sao, phải công nhận cái kiểu hết lòng vì công việc ấy thật là… đáng nể.

Giọng bà rung lên, và tôi nghĩ: bà này thích sắm nhiều vai trò. Lúc này, bà giữ vai người vợ trung thành, yêu chồng.

– Ông John nhà tôi – bà nói tiếp – gần như một ông thánh. Lắm lúc tôi phát sợ.

Ví Franklin với thánh, quả là quá đà – tôi nghĩ bụng. Song bà vẫn long lanh đôi mắt, nói tiếp:

– Ông ấy có thể làm mọi thứ, chịu mọi rủi ro vô lý nhất để mở rộng hiểu biết của loài người. Dù sao thế cũng là cao đẹp, có phải không?

– Vâng, vâng đúng thế. Poirot nhỏ nhẹ.

– Tuy nhiên, lắm lúc tôi thấy lo. Cứ thế rồi đi đến đâu, ví dụ như cái cây đậu Calabar kinh khủng mà ông đang nghiên cứu. Tôi sợ ông ấy đem thử nghiêm vào chính mình.

Tôi chen vào.

– Nếu vậy, tất nhiên ông phải chuẩn bị mọi biện pháp đề phòng.

Bà Franklin lắc đầu, nở một nụ cười buồn:

– Ông chưa hiểu ông ấy. Ông đã nghe chuyện một lần ông ấy làm gì khi nghiên cứu một chất khí?

– Chưa.

– Đó là một chất khí người ta chưa biết hết đặc tính. Thế là John tự đem mình ra làm thí nghiệm. Ông ấy để cho người ta nhốt ba mươi sáu giờ trong một cái thùng chứa đầy khí đó, và theo dõi mạch đập, nhiệt độ, hơi thở của ông để xem tác động lên cơ thể người thế nào, có giống với cơ thể súc vật không? Tôi thì chịu.

– Vâng, làm được thế phải rất dũng cảm, Poirot công nhận.

– phải, và tôi rất tự hào về ông, đồng thời lại rất lo. Vì đến một lúc nào đó, thử lên chuột, lên ếch nhái xong, phải thử lên người. Cho nên tôi rất sợ rồi John sẽ lấy cơ thể mình để thử cái cây đậu chết tiệt ấy.

Bà lại thở dài:

– Tôi nói ra, ông ấy chỉ cười. Đúng là ông thánh.

Boyd Carrington vừa từ trong nhà ra, tiến lại:

– Thế nào, cô Barbara, đi chưa?

– Vâng, ta đi.

– Hy vọng đi như thế này, cô sẽ không mệt quá sức.

– Không. Lâu lắm tôi mới lại thấy khỏe như hôm nay.

Hai người đi khỏi, Poirot thốt lên:

– Bác sĩ Franklin là bậc thánh của thời nay. Hừm!

– Thái độ hoàn toàn quay ngoắt – tôi nói – Bà ta là như thế.

– Như thế nào?

– Thích đóng nhiều vai khác nhau: hôm nay là người vợ đau khổ vì bị hắt hủi, hôm sau lại là người sẵn sàng hy sinh để khỏi là gánh nặng cho chồng. Song vai nào xem ra cũng đều gượng ép.

– Vậy là anh chê bà ta lắm nhỉ.

– Tôi không nói vậy. Dù sao cũng không phải là người có tầm cao.

– A! Bà ta không phải loại phụ nữ anh thích, đúng rồi.

– Loại phụ nữ của tôi là thế nào, ông nói xem? Tôi phản ứng.

Câu trả lời của Poirot làm tôi bất ngờ.

– Đừng nói nữa. Hãy nhắm mắt lại, rồi xem Trời đưa ai đến kìa.

Tôi không kịp đáp, vì cô Craven xuất hiện, nhẹ nhàng bước qua vạt cỏ, cười rất tươi. Cô vào phòng thí nghiệm rồi ra ngay, tay cầm đôi găng:

– Đã để quên túi, nay lại quên găng. Bà ta luôn để quên mọi thứ.

Rồi cô đi về phía bà Franklin và Boyd Carrington đang đợi.

Tôi nghĩ bụng: cái bà Barbara này thuộc loại người quên tất cả mọi thứ rồi chờ người khác tìm lại cho mình. Đôi khi họ còn tỏ ra tự hào về thói xấu đó. Tôi thường nghe bà Franklin phàn nàn:

– Đầu óc tôi như cái thùng rỗng.

Tôi nhìn theo cô Craven đi qua bãi cỏ. Thân hình cô thon thả, và cô chạy mới duyên dáng làm sao. Tôi nói mà không nghĩ:

– Tôi không tin một người còn trẻ thế mà chịu sống như thế này. Mà bà Franklin chẳng tỏ vẻ gì biết ơn cô ta.

Poirot bỗng nhắm mắt, nói một câu không ăn nhập vào đâu:

– Bộ tóc màu gụ.

Đúng là cô Craven có bộ tóc màu gụ. Song không hiểu sao Poirot lại chọn lúc này để nói.

Tôi không đáp lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.