Vận may chỉ đến với những người chuẩn bị trước tư tưởng.
Louis Pasteur
Nắm rõ những điều cần biết trước khi cần thiết!
Học tập trọn đời trước đây thường chỉ gắn với các bác sĩ y khoa hay những nhà khoa học, nhưng bây giờ, nó đã là yêu cầu bắt buộc cho tất cả những ai muốn cầu làm quan. Điều khác biệt giữa những người thăng quan tiến chức nhanh chóng với những người khác đó là: họ tiên liệu được những nhu cầu của tổ chức. Họ thực sự là người học nữa, học mãi, tôi rèn thêm kỹ năng mới dựa trên những nền tảng mình xây dựng được với chiến lược trong đầu: có được những kỹ năng cần thiết cho công tác tiếp theo trước khi công tác đó được phân cho họ.
Các nhà khoa học xã hội đồng ý với quan điểm chúng ta đang sống trong thời kỳ ngày càng phức tạp. Những kỹ năng vốn trước đây có thể đưa bạn lên ghế quản lý cao cấp giờ đây cũng không thể đảm bảo cho thành công ở vị trí quản lý trung cấp. Bạn đã có chiến lược học hỏi thêm kỹ năng mà bạn sẽ cần đến để tiến bước trên quan lộ chưa? Có lẽ chúng ta nên tạm gác vấn đề thăng quan tiến chức lại một lúc để bàn đến vấn đề “trụ vững”. Bạn đã có chiến lược nào để theo kịp những thay đổi ngay trong lĩnh vực hiện tại của mình chưa, hay bạn sẽ để những thay đổi đó vượt qua mình?
Những ngày vắt chân lên cổ học trước ngày thi đã qua lâu lắm rồi. Các trường đại học, cao đẳng và bằng cấp giờ đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong công thức thành công mà thôi. Nhanh nhẹn, không ngừng học hỏi, nhiệt tình và biết nhìn xa trông rộng là những yếu tố quan trọng giúp ngôi sao Quan Lộc của bạn sáng hơn người khác. Những người có thể tự soạn chương trình giáo dục cho chính mình, những người có thể tự dạy mình những điều cần biết, được gọi là “gia sư cho bản thân”. Và chúng ta đang bước vào thời đại của người tự dạy tự học.
Ngay cả khi bạn không có bằng cấp chi cả, bạn vẫn có thể là gia sư cho chính mình. Điều duy nhất tấm bằng ban cho bạn là sự xác nhận của nơi cấp bằng. Bằng cấp chỉ cho biết bạn đã đi học, nhưng bản thân việc học cũng là yếu tố quan trọng cho thành công rồi.
Bạn phải nhanh chóng nắm bắt kiến thức ở bất cứ đâu có thể. Sau đây là một số nguồn bạn có thể tham khảo:
– Internet. Tìm kiếm các chủ đề quan trọng trong công việc, nhớ chọn lọc thông tin kỹ càng, loại bỏ thông tin rác.
– Đọc vài tờ báo mỗi ngày.
– Đọc tất cả những ấn phẩm thương mại liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và lĩnh vực nghiên cứu của mình.
– Thiết lập một thư viện tài liệu về các chủ đề bạn quan tâm để tiện nghiên cứu.
– Xin lời khuyên và các ý kiến tư vấn của chuyên gia trong lĩnh vực mình quan tâm.
– Phát triển kỹ năng mềm đối nội – đối ngoại, ví dụ như kỹ năng lãnh đạo hay EQ chẳng hạn.
– Phát triển kỹ năng cứng về đối nội – đối ngoại, như tìm hiểu pháp luật hoặc làm sao để giao tiếp tiếng Anh, tiếng Pháp thật tốt.
– Đăng ký các lớp học chứng chỉ hoặc các khóa đào tạo ngắn hạn.
– Tham gia hiệp hội thương mại nào đó và tham dự các buổi hội thảo huấn luyện, đăng ký theo dõi thường xuyên các bản tin hoặc đặt mua báo dành cho các thành viên của họ.
– Tham dự các buổi hội thảo về những chủ đề thích hợp.
– Theo dõi các chương trình phát triển nhân sự do các trường hàng đầu tổ chức về các chủ đề mình quan tâm, như quan niệm toàn cầu hóa hay xu hướng kinh tế ảnh hưởng đến toàn bộ nền công nghiệp như thế nào (nội dung thường được coi là tương đương trình độ sau MBA).
– Đọc tài liệu nội bộ của cơ quan bạn đang công tác, ví dụ như các cẩm nang hướng dẫn, thông tin sản phẩm, chính sách, các quy trình và khám phá các chuyện “thâm cung bí sử” được chôn sâu ở các trang không mấy ai quan tâm trong mạng nội bộ.
– Các khóa học nhằm phát triển kỹ năng nói trước công chúng.
– Tìm và nói chuyện với những người biết điều bạn đang cần.
– Và còn gì nữa? Hãy sáng tạo!
Bạn có đọc báo không?
Hầu hết các bạn trẻ ngày nay thu thập thông tin từ Internet, nhưng các trang tin điện tử chỉ đăng khoảng 25% tổng số chữ của cùng một tin đó so với báo giấy. Do đó, có thể bạn sẽ lỡ mất nhiều thông tin quan trọng, có ích cho sự nghiệp của bạn.
Warren Buffet, nhà tỉ phú làm giàu bằng chính công sức của mình, và cuối cùng được coi là người giàu thứ ba trên thế giới, đọc tới 4 tờ báo mỗi ngày để luôn bắt kịp tin tức và xu hướng.
Howard Schutlz, CEO của Starbucks, đọc 2 tờ báo mỗi ngày lúc cà phê sáng, và xem ra, điều này đã giúp ông dẫn dắt công ty rất thành công.
Nền giáo dục đã thay đổi chóng mặt trong vòng 20 năm trở lại đây, bùng nổ nhiều lựa chọn mà trước đây chưa hề có cho người lao động. Giờ đây, người lao động vẫn có thể tham dự những chương trình giáo dục dù đã đi làm, và thậm chí khi đã lập gia đình và có con cái, khi phải đi đó đi đây nhiều hoặc có một cuộc sống tràn đầy năng lượng bên cạnh việc đi làm.
Nhưng thường xuyên học tập thôi chưa đủ, học cái gì – và độ thích hợp của môn học với ngành nghề của bạn cũng quan trọng không kém. Đó là lý do tại sao tự học thành tài là một lợi thế vô cùng to lớn trong phát triển sự nghiệp. Bạn có thể học được nhiều kỹ năng quan trọng nhanh chóng, khi cần thiết. Bạn có thể học được những kỹ năng theo đúng yêu cầu và những kỹ năng cần thiết kịp thời.
Ví dụ, bạn chủ động hay thụ động trong việc tiếp thu cái mới? Bạn có mặc kệ những lớp huấn luyện do sếp hoặc bên nhân sự định hướng và ủy nhiệm? Bạn có chủ động tìm kiếm những khóa tập huấn hay các khóa phát triển kỹ nãng cần thiết để có thể được cất nhắc lên ghế cao hơn? Bạn có sẵn lòng bỏ tiền túi ra để tham gia tổ chức thương mại, tham dự các buổi họp của các hiệp hội, hoặc đi học những khóa đào tạo nghiệp vụ mà các tổ chức ngoài cơ quan mở ra để phục vụ mục đích nghề nghiệp và được thăng quan tiến chức? Quan trọng nhất là, cả bản thân bạn lẫn sếp, đã tiên liệu được những nhu cầu trong tương lai của cơ quan; và rồi “tu luyện” được những kỹ năng cần thiết đáp ứng được nhu cầu đó, và thể hiện cho sếp thấy khi sếp cần không?
Sau đây là cách bên nhân sự thiết kế các kỹ năng dành cho cá nhân một quản lý nào đó và cho mọi cấp bậc nhân viên:
1. Ước định những kỹ năng công ty sẽ đòi hỏi, nhất là những kỹ năng cần có nảy sinh do các thay đổi bị đình trệ trong tổ chức.
2. Dự tính những kỹ năng một người lao động cần có.
3. Thực hiện phân tích khoảng cách, nghĩa là, xác định sự khác nhau giữa những kỹ năng nhân viên có và những kỹ năng cơ quan cần hoặc muốn ở nhân viên.
4. Lập kế hoạch nối liền khoảng cách. Xác định cầu nối này tốn thời gian ở đâu, đắt rẻ ra sao, khó khăn ở điểm nào và sau đó:
5. Lập kế hoạch sa thải hoặc tái phân công công việc các nhân viên không đáp ứng được các kỹ năng tổ chức yêu cầu và thuê nhân sự mới thích hợp hơn.
Rõ ràng, bạn cần phải tự làm những việc trên trước khi sếp hoặc bên nhân sự nhúng tay vào. Chuyện này về cơ bản cũng quan trọng như với bên nhân sự vậy, vì nó thể hiện khả năng phản ứng. Bạn cần phải trổ hết tài tiên tri, tiên đoán, và phải biết nhìn xa trông rộng. Xem lại bước đầu tiên trên kia nhé. Bạn có thói quen thực hiện việc ấy không?
Nhớ nhé, không nhất thiết bạn phải là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó mới được nhận công tác. Thể hiện bản thân có thể đã đủ; nắm vững chuyên môn có thể là đủ rồi; vài bữa trưa với một anh bạn có kinh nghiệm về lĩnh vực mục tiêu của mình cũng có thể đã là đủ. Nhưng thời gian mới là tất cả. Bạn cần phải hành động nhanh chóng, trước tất cả những người khác, bởi lẽ một khi Nhân sự đã nhúng tay vào, có khi họ đòi hẳn bằng Tiến sĩ cho mà xem.
Một tiêu chí quan trọng cho thấy bạn đã cống hiến vào việc tự phát triển bản thân đến mức nào chính là bạn có sẵn sàng bỏ tiền ra để học không. Nếu sếp không đài thọ để bạn được làm hội viên của tổ chức nào đó, để bạn có thể đi họp đi hành, hoặc để ghi danh vào một lớp đào tạo ngoài lĩnh vực công tác, bạn có sẵn sàng tự bỏ tiền túi ra không? Nếu không, bạn chỉ là người khách lữ hành trên vùng đất của những kẻ cầu quan mà thôi.
Bạn có phải là người cổ lỗ sĩ?
Mọi thứ đều thay đổi, và nếu bạn không thay đổi cùng chúng, bạn sẽ trở thành người cổ lỗ sĩ. Ngay cả những người trẻ cũng có thể trở thành người cổ nếu họ cứ bám vào những tư tưởng cũ được thừa hưởng từ gia đình hoặc do sinh trưởng ở một vùng miền nào đấy trong nước.
Bám dính lấy những kỹ năng cũ, và từ chối học hỏi cái mới có thể biến bạn thành người cổ lỗ sĩ và cứ trung thành với những khái niệm cũ, những giá trị cũ cũng có thể kéo lùi bạn như thế.
Bạn có thể đoán trước những hoạt động nào được chấp nhận lúc này nhưng năm phút sau đã bị kỳ thị không? Kinh doanh câu lạc bộ thoát y là một. Đưa rác thải ra các nước láng giềng nhỏ hơn, ra các vùng nông thôn, nước ngoài là hai. Và nữa là những công ty hay lạm dụng nhân công sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng khi có chính sách ủng hộ công nhân viên được đưa ra trong năm tới. Lường trước những đổi thay của toàn xã hội và bạn sẽ vượt lên những tay cầu làm quan còn lại và trở nên đáng giá hơn đối với công ty. Thành công lâu dài trong sự nghiệp sẽ càng được nâng cao khi bạn biết nhìn xa trông rộng.
Học ở mọi người
Khi bạn đọc một quyển sách, lướt một trang web, theo học một lớp nào đấy, hoặc đọc hướng dẫn sử dụng, tức là bạn đang tiếp nhận thông tin hiện thân trong mỗi con người. Những phương tiện truyền thông ghi lại thông tin của một số người, và bạn đang tiếp nhận lại những thông tin đó.
Có thể, để có được nguồn thông tin tốt nhất, bạn phải đến gặp trực tiếp những con người đang sống kia, những người đầu tiên nắm được thông tin.
Một phần của học hỏi suốt đời là học từ chính những người nắm giữ thông tin mà bạn cần phải biết. Khi bạn đọc một cuốn sách quản trị về việc có một mạng lưới to lớn và có nhiều cố vấn, ý họ muốn chuyển tải là bạn nên có sự tiếp cận trực tiếp từ những người có thể dạy bạn làm sao để mọi việc chạy tốt, cách giải quyết trục trặc, tìm giúp đỡ ở đâu và những điều tương tự như thế.
Cần chú ý, đôi khi những người nắm được nhiều thông tin và những thông tin cần thiết nhất lại không nhất thiết phải là những người có chức có quyền, với những chức vụ hoành tráng như thủ quỹ, Giám đốc Kỹ thuật (CTO) hay Giám đốc Nhân sự. Thường thì những người ít hoặc thậm chí không có quyền hành gì cả lại nắm nhiều thông tin nhất, cũng như các anh thư ký có thể sẽ cho bạn biết làm sao để được thông qua báo cáo chi phí, một cô thư ký cũng có thể chỉ vẽ cho bạn làm cách nào để sếp đồng ý với đề nghị mua laptop của bạn, hay như một người biết cách update phần mềm mà không làm mất các files cũ của bạn, và những người tương tự như vậy.
Nghe lỏm trong quán bia hơi
Thực ra cũng chẳng phải nghe lỏm, mà vì họ hét to quá, một ông hét qua điện thoại trong quán bia rằng: “Tôi thề là tôi không cắm đầu cắm cổ học hàng ngày đâu, tôi sẽ đâm đơn xin nghỉ việc. Vậy nên đó không phải là vấn đề.”
Trở thành “Nhà sưu tập Người”
Những người cầu làm quan nhanh nhạy thường ưa lấy thông tin từ người bằng xương bằng thịt. Họ “thu thập” con người theo cách y như người ta sưu tầm tem vậy. Họ có, theo đúng nghĩa đen, hàng trăm người mà họ có thể nhờ đến bất cứ lúc nào. Và nhiều người trong số đó thực hiện việc “sưu tập” này một cách có hệ thống. Họ dùng phần mềm quản lý địa chỉ liên lạc, họ viết lại tên tuổi, chức vụ, vị trí vào mặt sau ảnh, hoặc họ ghi lại tên của tất cả đại biểu dự họp ngay vào file hoặc vào các giấy tờ liên quan đến buổi họp.
Mọt sách – những người chủ yếu lấy thông tin qua các phương tiện truyền thông tĩnh – thường chẳng bao giờ trở thành người cầu làm quan nhanh nhạy được, bởi lẽ những kỹ năng cần thiết để xác định, tìm kiếm, thu thập thông tin và phát triển quan hệ với những người uyên bác và uy quyền là những kỹ năng mang lại cơ hội tốt cho bạn, trong khi thông tin được ghi lại trong các ấn phẩm hay các phương tiện truyền thông thường đã mất tính thời sự rồi. Đến cả một cô bé tuổi ô mai cũng nắm rõ điều này: cách tốt nhất để lấy được thông tin cập nhật nhất là gọi cho một ai đó.
Các cuộc họp phức hợp chuyên môn và thương mại là nơi tốt nhất để gặp gỡ các vị lãnh đạo. Hãy tham dự và trở thành hội viên. Tự bỏ tiền túi ra để dự các buổi họp hành, gặp mặt này nếu sếp không đài thọ. Bạn là người được hưởng lợi cơ mà, và bạn sẽ có lợi từ những gì bạn thu được dù có đi bất cứ nơi đâu.
Bạn cần phải lập kế hoạch phát triển kỹ năng cần thiết để giành được công tác mới, hãy trở thành người giám sát, nhà quản lý, người điều hành hay nhà lãnh đạo công tác đó. Bạn có cần phải học cách diễn thuyết, giảng dạy trong một hội thảo, phân tích dữ liệu, hay thậm chí là chơi golf không? Nếu có, đó là trách nhiệm của bạn – trách nhiệm phải tôi rèn được những kỹ năng trong tiên đoán sự thăng tiến sắp tới. Hầu hết các công ty đều yêu cầu kỹ năng trước, thăng tiến sau – không có công thức nào khác nữa đâu.
Tại sao con người nhận được đích xác những gì họ kỳ vọng?
Phần lớn mọi người (kể cả những người trẻ) hài lòng với mức thu nhập nào đó như họ mong muốn. Tại sao lại vậy?
Sự thật là, việc này cũng cùng một lý do như khi bạn tìm thấy món đồ mình muốn ở nơi cuối cùng mình tìm kiếm. Gọi là “nơi cuối cùng mình tìm kiếm” vì một khi đã tìm được món đồ mong đợi, bạn chẳng cần phải tìm gì nữa hết. Theo đúng logic đó, một khi đã kiếm được mức thu nhập mong muốn, hoặc đã kiếm đủ để thỏa mãn nhu cầu, bạn chẳng còn muốn cắm đầu vào công việc hay sự nghiệp để kiếm thêm nữa.
Bạn đã hài lòng.
Vậy, khuyến nghị của chúng tôi dành cho bạn khá đơn giản: Bớt thỏa mãn lại. Hãy nghĩ rằng mình còn đáng được nhiều hơn thế. Hãy mong muốn mình kiếm được nhiều hơn. Và bất kể bạn chọn con số nào, vì lý do gì, thì con số đó sẽ là số tiền bạn kiếm được.
Để sếp đài thọ cho việc học tập liệu có phải trả giá?
Một trong những vấn đề nảy sinh khi để các sếp chi trả cho việc học hành của bạn là: thường thì các sếp không muốn tốn thêm tiền cho bạn sau đó nữa. Trước khi phấn khởi vì học bổng, hãy kiểm tra chi tiết kỹ càng đã. Một số công ty không trả trước học phí mà chỉ thanh toán tiền cho bạn khi bạn kết thúc khóa học. Và rất nhiều công ty không bao tiền sách vở và các chi phí liên quan khác. Đôi khi còn có những hạn chế như khóa học hoặc chương trình đào tạo phải liên quan đến công tác hiện tại chẳng hạn. Và tệ hơn hết là, rất nhiều công ty có chính sách phạt, bắt bạn phải hoàn lại toàn bộ chi phí nếu bạn nghỉ việc trước một thời hạn nhất định sau khi hoàn thành khóa học. Bởi vậy, đôi khi học bổng MBA ban đêm công ty cấp cho bạn lại là chiếc cùm giam bạn trong công ty tận năm năm. Lương lậu tăng lên và đường quan lộ rộng mở đương nhiên không thành vấn đề, nhưng tới 5 năm tù hãm sự nghiệp thì lợi ích từ việc học hành đó có bao nhiêu cũng không đáng.
Và theo lẽ thường, bạn chỉ nhận được phần thưởng khi hoàn thành khóa học nếu vẫn dưới quyền sếp đó và sếp vẫn còn hào hứng với chuyện học hành của bạn. Như vậy, lãi thu được từ phi vụ đầu tư này đâu có cao, bất luận là ai bỏ tiền.
Có một cách xử lý trường hợp này là phải rõ ràng với sếp về những mong đợi trong việc tăng lương và nhận công tác mới khi được cấp chứng chỉ hay nhận bằng.
Phỏng vấn một Thư ký đã được lên chức Quản lý
“Tôi cứ như là người cuối cùng trên thế giới được thăng tiến vậy. Tôi là một ông thư ký già đầu hai thứ tóc 50 tuổi, đã làm ở công ty 20 năm. Tôi là người duy nhất trong công ty không có bằng cử nhân trong tay. Và dù cho tôi sống chan hòa với mọi người thì cũng chẳng ai cho rằng tôi thuộc dạng “có tiềm năng thăng tiến” cả.
“Trên hết, chỗ tôi làm thật sự rất cổ lỗ. Người ta vẫn bắt chúng tôi tự mang nước đi làm – điều vốn đã tuyệt chủng khỏi thế giới doanh nghiệp từ tám đời. Giữa bộ phận hỗ trợ và bộ phận chuyên nghiệp được ngăn cách bởi tấm màn sắt mà từ trước tới giờ, chưa ai vượt qua được nó cả.
“Có thể anh thắc mắc tại sao tôi lại được cất nhắc lên vị trí này, nhưng anh phải hiểu, ai cũng đi lên hết, đi lên theo tốc độ của riêng từng người. Tôi có việc phải làm của riêng tôi, và công việc không phải là ưu tiên hàng đầu của tôi trong suốt một thời gian dài. Nhưng rồi một ngày, nó đã là ưu tiên số một. Thế là tôi quyết định đi học ca đêm. Tôi ghi danh vào chương trình học kéo dài hai năm. Đó là quyết định khôn ngoan nhất của tôi đấy. Nhưng tôi cũng tự hỏi, làm sao để việc học hành này khiến mình nghiêm túc hơn trong công việc? Mình sẽ nhận được đền đáp thế nào với tấm bằng đó? Và sau đó, tôi bất chợt hiểu ra.
“Tôi là người phụ trách lên chương trình, kế hoạch cho toàn bộ các kỳ nghỉ của phòng. Bạn muốn tổ chức tiệc sinh nhật công ty à? Bạn muốn ăn mừng ngày Quốc Khánh? Một tay tôi lo hết. Vậy là tôi quyết định sẽ phải đầu tư vào học hành. Tôi chăng một biểu ngữ đằng sau bàn làm việc, “Tôi sẽ đi học Đại học!” Nghe có vẻ sến, tôi biết chứ, nhưng mà việc chăng biểu ngữ này đã làm nên chuyện đấy. Tôi cứ để biểu ngữ đó suốt một thời gian dài, phải mấy tháng liền là ít, và sau đó, tôi thay một quyển lịch vào. Quyển lịch đếm ngược ngày tôi tốt nghiệp. “Vài tháng nữa là tôi tốt nghiệp”. Tôi cũng treo nó đấy tới vài tháng trời, cho tới khi khám phá ra mục đích thật sự của mình. Tôi thay tiêu đề thành “Vài tháng nữa, tôi không còn là anh thư ký quèn!”
“Lúc đó tôi nghĩ chẳng có gì phải sợ cả. Nếu tôi làm thế, chắc chắn sẽ có lời ong tiếng ve. Nhưng tôi phớt lờ chuyện đó. Lúc bấy giờ tôi cũng đã có 6 tháng thành công với chương trình học. Mọi người có thể thấy đó không phải phút dở hơi nhất thời của tôi. Họ có thể thấy rõ, tôi đang thực sự thực hiện những gì tôi nói.
“Đến năm cuối, tôi đổi thành “Vài ngày nữa, tôi không còn là anh thư ký quèn!” Tôi viết các tiêu đề lên lịch, và mọi người đều thấy chúng liên quan đến nhiệm vụ của chúng tôi. Vài tháng một, tôi lại thiết kế lại mọi thứ. Cuối cùng, tôi bắt đầu đánh dấu X lên những ngày cận hôm tốt nghiệp. Và quả nhiên, điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Mọi người bắt đầu hỏi han xem tôi muốn nhận công tác kiểu gì. Ai ai trong văn phòng cũng tìm việc giúp tôi.
“Ngay cả sếp tôi, người không hề giấu giếm rằng bà chẳng muốn tôi đi chút nào, cũng có ý về việc này. Bà bắt đầu cho tôi tham khảo một số công việc trong công ty, thậm chí cả những công việc mang tầm vóc toàn thành phố. Và tôi được làm quản lý hồ sơ. Tôi đã thực sự được điền vào yêu cầu chức vụ theo mong ước thay đổi chức vụ của mình. Thời khắc đó mới ngọt ngào làm sao.
“Giờ đây, tôi còn đăng ký học lên thạc sĩ, cũng lớp ban đêm. Tôi biết tôi có thể làm được nhiều hơn nữa. Chắc chắn tôi không bày trò treo lịch nữa, nhưng rõ ràng tôi luôn phải có chìa khóa cho việc thăng tiến của mình.”
Phỏng vấn một người tự học
Tôi thật may mắn khi có được công việc hoàn hảo. Tôi làm việc chung với những người tài giỏi trong lĩnh vực khoa học máy tính của viện nghiên cứu hỗ trợ các trường đại học. Tôi làm việc trực tiếp với khoa, và giám sát các bạn đang học tiến sĩ và các bạn đang làm hậu tiến sĩ, mặc dù tôi chả có bằng cấp nào hoành tránh đến mức ấy.
Nhưng tôi lại có khả năng tự học bất cứ thứ gì mình cần phải biết. Do chúng tôi đang triển khai phần mềm khoa học mới, nên không có chứng chỉ chứng nhận. Anh phải tìm hiểu trước khi đăng ký. Cũng như thi chạy marathon vượt rào vậy, anh phải tự vượt qua những rào cản đó trong khi đang chạy.
Do tôi không có bằng tiến sĩ, có thể người ta sẽ nói tôi phải chứng minh bản thân. Khoa tôi làm rất khắt khe. Một trong số những điều giúp tôi luôn dẫn đầu là tôi chẳng ngại đọc những thông tin dù nhỏ nhặt nhất. Người khác có thể chỉ xem lướt qua bản hướng dẫn và các thông số kỹ thuật, nhưng tôi sẽ đọc kỹ từng từ và kiểm tra mọi tính năng tới hai lần. Thường thì mọi người không kiên nhẫn được thế. Công việc của tôi là phải xây chiếc cầu nối liền giữa những phát minh với các nhà khoa học sẽ dùng chúng. Họ không biết những cái đó làm được gì và tôi phải thương mại hóa các sản phẩm đó để tung ra thị trường.
Tôi đã được cất nhắc 4 lần và tăng lương 8 lần chỉ trong 6 năm – điều phần lớn mọi người cho là bất khả thi với cơ chế của một trường đại học. Lương của tôi lên tới 8 con số trong một lĩnh vực ngành nghề vốn nổi tiếng lương bèo bọt. Tôi biết sẽ có người hỏi nên đã dành thời gian nghĩ xem sao lại được như vậy. Đầu tiên là, dĩ nhiên chuyện này không phải ngẫu nhiên mà được. May mắn, chắc chắn rồi, nhưng thành công của tôi được xây dựng trên 3 thứ.
Một là, tôi hoàn toàn vui thích khi được tiếp tục học hỏi. Nhiều người nói về chuyện học lên tiếp, còn tôi nói về “học, học nữa, học mãi”. Tôi thích thế. Chuyện đó với tôi không có gì khó khăn cả. Và đó là nền móng thành công của tôi.
Bức tường thành công của tôi, nói một cách ẩn dụ, là siêng năng làm việc. Tôi căn bản chỉ làm việc khi mình tỉnh táo. Tôi thuộc tuýp người của hành động. Tôi là người sẵn sàng bắt tay hành động.
Và mái nhà thành công của tôi, cái che mưa che nắng và giúp tôi bảo vệ những gì tôi đã xây dựng được, chính là quan hệ với khoa. Tôi sống trong thế giới tiền mềm. Bạn luôn phải tìm việc mà làm. Nếu khoa biết bạn và thích bạn, mọi việc sẽ suôn sẻ. Nhưng nếu bạn gây chuyện với khoa, bạn sẽ bị sa thải và không được phân công công tác.
Con đường sự nghiệp của tôi là thế này: Tôi được nhận vào làm phân tích lập trình II, một công việc dễ chịu, ăn lương cứng và ổn định. Người tuyển tôi rất quý tôi. Chị nói với tôi “Làm ở đây em không được thăng tiến gì đâu. Em nên tìm xem còn cơ hội nào tốt hơn không.” Lời khuyên của chị ấy quả là tuyệt vời.
Với sự giúp đỡ của chị, tôi bắt đầu xin phỏng vấn ở những vị trí khác trong trường, tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Tôi chọn vị trí phân tích lập trình III ở một khoa khác, bên đó cũng cho ăn lương cứng, và tính chất công việc cũng vẫn cứ đóng đinh ở một vị trí suốt đời. Cấp trên của tôi là người không thích làm việc cho lắm, nên toàn là tôi làm hết việc của ông ta thôi. Ông ta thuộc kiểu ngồi không ăn lương. Tôi đã email cho trưởng khoa ngay giữa đêm và đáp ứng ngay yêu cầu công việc của ông chỉ trong vài phút, bất kể khi nào ông gọi. Luồng tiền ảnh hưởng đến toàn trường, thế là người ta cho sếp tôi về vườn. Tôi đã phải làm hai việc cùng lúc trong vòng một năm trước khi được thăng tiến. Điều căn bản nhất để được thăng tiến ở đây là gì: Làm hai việc cùng lúc, và nếu anh thành công thì cuối cùng cơ quan sẽ biến những đóng góp đó thành chính thức. Thế là tôi được trở thành người phân tích lập trình IV.
Sau đó, tôi lại chuyển sang viện nghiên cứu làm phân tích lập trình V. Cách duy nhất để mãi tiến lên là chuyển đổi giữa các khoa và cố gắng phấn đấu để lương được tăng ít nhất từ 10 đến 15% mỗi lần. Anh không thể tiến bước với hệ thống “sống lâu lên lão làng” được. Cũng như cương thi ấy, bộ não đã chết mất rồi còn đâu.
Lúc tôi được bên Nhân sự gọi lên, họ nói: “Em không được tăng lương nữa đâu. Chẳng hiểu sao em được tăng vượt mức quy định rồi đấy.” Tôi đáp: “Thế có khi nào em được tăng lương trong vòng 12 tháng kể từ bây giờ không ạ?” “Được”, chị ấy nói, “Nếu em được một sếp khác mời, em có thể sẽ được điều chỉnh.”
Cảm ơn chị nhiều lắm! Ồ! Thế là tôi “tung bản thân ra thị trường” ngay, và nhận được thư mời mà tôi còn không dám có ý chấp nhận cơ. Tôi đưa nó cho sếp và nói, “Sếp ơi, em thích trường mình lắm. Em cũng quý mọi người ở đây nữa. Vậy mình có thể làm gì nữa hở sếp?”. Thế là sếp phê chuẩn, và tôi đã lên bậc hiện tại như thế đó. Họ phải tìm một chức danh cho tôi. Và giờ thì tôi là nhà khoa học phần mềm II. Cả hệ thống chỉ có mỗi một “nhà khoa học phần mềm II” thôi đấy! Thì chỉ là cái chức danh mọi người vẽ thôi mà.
Lời khuyên hả? 3 điều thôi: Nhấc mông lên và học ngay những điều cần biết trước khi thằng khác hành động. Làm sao để mọi người đều biết tiếng mình là “chuyên gia giải quyết trục trặc” và, nói thẳng nhé, như thế có nghĩa là phải làm việc cật lực đấy. Bọn lười chảy thây chẳng có cơ tiến xa được đâu. Và phải đảm bảo có thật nhiều người biết tiếng mình, không chỉ mỗi ông sếp hiện tại mà bất cứ ai có thể làm sếp mình trong tương lai. Cuối cùng – tôi cũng mất một thời gian để nhận thức được tầm quan trọng của việc này đấy – là học cách nói “không”. Bạn phải có thái độ của người có-thể-làm-được nhưng đừng biến mình thành người cái gì cũng gật. Khi gặp những việc không chắc phần thắng, bạn phải học cách nói “Không. Tôi không muốn làm cái này đâu. Thế này không phải ý hay” hoặc “Không thể được”, mà không được lải nhải nhiều. Tôi không chỉ tay năm ngón với sếp, tất nhiên, nhưng tôi trình bày những lựa chọn và giúp sếp có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn về quy trình làm việc. Tin tôi đi, thà nói “Không” ngay từ đầu còn hơn nhận lời rồi thất bại. Làm việc siêng năng, luôn luôn học hỏi, và trung thực luôn mang lại cho tôi những điều tốt đẹp.