Sự nghiệp hay Cuộc sống riêng?
Bạn có sự nghiệp hay bạn có cuộc sống riêng? Có sự nghiệp nghĩa là có những công việc được lựa chọn kỹ càng nhằm phát triển các kỹ năng và nâng cao địa vị cùng trách nhiệm. Có phong cách sống nghĩa là cũng áp dụng năng lượng y như thế vào đồ chơi và những đặc quyền và những thú vui trong cuộc sống. Vấn đề ở đây là: Mục tiêu của bạn là gì? Động lực thực sự của bạn là gì? Thăng tiến trong sự nghiệp? Hay có phong cách sống sành điệu?
Có sự nghiệp không chỉ đơn thuần là nắm giữ những vị trí quan trọng. Cũng khá nhiều người thành công nhưng không có sự nghiệp gì cả. Những vị trí họ từng nắm giữ chẳng liên quan gì đến nhau, chỉ do may mắn hay sự cần thiết; và nhờ vào những nỗ lực, trí thông minh và tài năng thiên bẩm ở mức độ nào đó, họ đã thành công với mỗi công tác của mình. Nhưng họ lại hoàn toàn không có bất kỳ một tiến bộ có-chủ-đích nào cả.
Nhưng cũng có khi, một số người ở vị trí khiêm tốn lại là những tay cầu quan hăng hái. Một anh tài xế xe tải cắm đầu học tập để giành ủy nhiệm Haz Mat và lên kế hoạch nâng cao tay lái tức là anh đang chuẩn bị cho sự nghiệp của mình; trong khi một phó giám đốc đặc trách tiếp thị dành hết thời gian để suy nghĩ xem nên trang trí lại căn nhà như thế nào và làm sao để bảng điểm chơi golf được đẹp hơn thì đó đơn giản là để tâm vào cuộc sống riêng mà thôi.
Mục tiêu của bạn là gì, và Động lực thực sự của bạn là gì? Nếu mục tiêu của bạn là sự nghiệp, bạn phải nhận thức được rằng đi công tác khắp mọi miền đất nước, và thậm chí là đi ra nước ngoài là những yêu cầu bắt buộc nếu bạn muốn thăng tiến nhanh chóng và liên tục trong sự nghiệp. Suốt đời không ra khỏi lũy tre làng chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn toàn tâm toàn ý cho đời sống cá nhân hơn cho sự nghiệp mà thôi.
Một trong những khác biệt giữa những tay cầu quan nhanh nhẹn với các nhân viên bình thường khác đó là, họ tóm chặt lấy mọi cơ hội thăng tiến ngay từ trong trứng nước, trước cả khi sếp thông báo rộng rãi ra toàn thể nhân viên. Nếu bạn không sẵn sàng nhận công tác xa, bạn sẽ không thể có được cơ hội thăng tiến đâu.
Ưu tiên cuộc sống riêng hơn công việc cũng không hẳn là sai, nhưng hãy chắc chắn đó thực sự là lựa chọn của bạn. Hãy chọn lựa một cách có chủ đích chứ đừng nên quyết định bừa.
Luật hai lần từ chối
Hầu hết các công ty đều có quy tắc “hai lần từ chối”. Nếu bạn bỏ qua một cơ hội thăng tiến, cơ hội thứ hai đến với bạn cũng sẽ là cơ hội cuối cùng. Bạn mà từ chối tiếp công tác này nữa, bạn sẽ phải ăn không ngồi rồi ngay tại công ty nếu không bị đuổi việc. Một số công ty, nhất là những công ty năng động, phát triển nhanh chóng, thì chỉ có luật một lần mà thôi. Bạn chỉ cần từ chối công tác một lần, bạn sẽ bị trật đường ray luôn.
Đó là luật bất thành văn và được toàn bộ các cơ quan tổ chức tuân thủ. Bạn chẳng thể lôi ra một văn bản nào thể hiện luật nói trên nhưng ai ai cũng nằm lòng.
Phỏng vấn kỹ sư phụ trách an toàn Dương Tuấn.
“Tôi xin được việc vào một công ty lắp đặt thiết bị điện, và nhanh chóng được cất nhắc. Nhưng cả nhà tôi lại phải vào Quy Nhơn ở trong 3 năm. Tôi thấy cuộc sống mới cũng ổn, nhưng vợ tôi lại không vui. Cô ấy muốn tìm vài công việc bán thời gian nhưng chưa được. Bọn trẻ con nhà tôi thì suốt ngày bị trêu chọc ở trường do khác biệt với những bạn khác. Vậy nên tôi xin rút công tác. Như thế quả thật quá đột ngột và không hay chút nào nhưng tôi vẫn quyết định vậy. Nói thật với bạn, sau vụ đó, địa vị tôi ở công ty thay đổi hẳn. Người ta không đến xin lời khuyên của tôi. Tôi cũng không được phân công công tác nữa. Y như thể tôi là người vô hình trong cơ quan vậy! Chắc chắn, tôi sẽ phải tìm bến đỗ khác thôi.”
Nhìn xa trông rộng
Trước khi nghĩ đến việc từ chối một cơ hội thăng tiến, hãy nhớ đến luật hai lần (hoặc một lần) từ chối. Hãy biết nhìn xa trông rộng về tương lai của bạn với cơ quan bạn làm, chớ nên quyết định dựa trên bản thân công tác ấy mà hãy dựa trên những ảnh hưởng tới sự nghiệp của bạn ở công ty ấy!
Sẵn lòng chuyển đến sống ở một nơi mới còn có thể giúp quan lộ của bạn hanh thông hơn nhiều, theo Alan D.Ferrell, giám đốc mới bổ nhiệm của trường Quản trị Krannert, Đại học Purdue nói: “Một số sinh viên thích được ở gần nhà và gia đình hoặc được sống ở vùng đô thị. Nhưng ngay cả khi bạn bắt đầu ở nơi bạn muốn thì bạn vẫn có thể phải di chuyển đến nơi khác và cảm thấy thất vọng sau này trong sự nghiệp. Hãy chuẩn bị tinh thần cho việc điều chuyển công tác thường xuyên, đặc biệt là ở những bước đầu sự nghiệp, tạo dựng cơ hội thăng tiến trong 5 năm.”
Khi cơ hội đến, hãy nắm bắt lấy nó ngay. Đó là cơ hội phát triển sự nghiệp chứ không phải là trở ngại. Di chuyển sớm, bạn sẽ có cơ hội được sống ở nơi mình muốn cao hơn. Chậm trễ trong di chuyển vì bạn liều lĩnh vực dậy một sự nghiệp đang bị đe dọa thì tốt hơn là chết dí ở một chỗ, nhưng thế cũng không khôn ngoan hơn việc “cài số” ngay từ đầu, sớm hơn người khác.
Hãy để nhà tuyển dụng làm bạn hài lòng
Khi nghe tới chuyển công tác xa, mới đầu, bạn sẽ có phản ứng tức thì như sau: “Trời ơi, không phải ở đó!” Nhưng hãy để nhà tuyển dụng có cơ hội tặng cho bạn một việc làm ngon lành đi chứ! Đầu tiên, hãy đảm bảo bạn hiểu đây chính là cơ hội nghề nghiệp của mình.
Tình huống #1:
Sếp: “Cậu có thích tới nơi phương xa bụi bặm, cách biên giới khoảng hơn 48 cây và cách khách sạn hạng sang ít nhất 320 cây không? Cậu sẽ làm chung với tụi rắn đuôi chuông đó!”
Bạn: “Sếp cứ đùa em! Em không làm đâu!”
Sếp: “Vậy để tôi hỏi Mandy xem cô ấy có muốn nhận không.”
Tình huống #2:
Sếp: “Cậu có thích tới nơi phương xa bụi bặm, cách biên giới khoảng hơn 48 cây và cách khách sạn hạng hạng sang ít nhất 320 cây không? Cậu sẽ làm chung với tụi rắn đuôi chuông đó!”
Bạn: “Dạ, cũng có thể ạ. Nhưng anh nói rõ hơn cho em được không? Em cần biết thêm ạ.”
Sếp: “Cậu sẽ làm trưởng bộ phận kiểm định, đánh giá chương trình truyền hình. Chương trình đầu tiên cậu chịu trách nhiệm là mục Điểm báo Rắn đuôi chuông gần Nơi Phương Xa Bụi Bặm. Sau đó, công ty ta sẽ gửi tiếp chương trình Oktoberfest ở Munich và Carnival ở Rio. Thưởng sẽ được tăng gấp 10 lần so với ở đây, và nếu chương trình cậu cho phát sóng được công chúng đón nhận nồng hậu, cậu sẽ giàu có và nổi tiếng. Ở đây cũng có tiềm năng về việc cấp phép, và cậu sẽ còn được ăn phần trăm nữa. CEO bên mình đặt cược hết vào dự án ấy đấy!”
Rõ ràng, bạn cần phải biết cơ hội nằm trong những công tác đó là gì. Và bạn cũng cần phải biết những cơ hội đó đối với sự nghiệp lâu dài của bạn giá trị ra sao. Công tác đó sẽ phát triển bản thân bạn và đưa bạn lên chiếc ghế nào để thành công tiếp nối thành công? Điều đó tùy thuộc vào quyết định của bạn. Những tay cầu quan nhanh nhẹn luôn luôn nhìn về tương lai trong 5 năm tới, tiến trước một hoặc hai bước qua công việc phía trước họ.
Khi bạn nhận công tác xa, bạn cũng nhận được cơ hội đàm phán lại hầu như mọi khía cạnh trong quan hệ với nhà tuyển dụng, bắt đầu với chức danh và thu nhập của bạn. Bạn cũng nắm được cơ hội về lợi ích giáo dục, ví dụ như trường tư cho các con của bạn, hoặc dịch vụ hỗ trợ việc làm để giúp bạn đời của bạn xin được việc ở nơi mới. Có thể bạn đưa cả bố mẹ đi cùng và cần sắp xếp kế hoạch chăm sóc. Bạn có thể đàm phán về phụ cấp thuyên chuyển công tác, thời gian sống trong căn hộ công ty cấp để bạn có thể thích ứng với một cộng đồng mới, hỗ trợ việc mua nhà mới và bán nhà cũ. Bạn có thể nói chuyện về vấn đề tiền thưởng cơ bản, giống kiểu: “Tôi muốn nhận 10.000 đô tiền thưởng công tác vào ngày cửa hàng mở cửa, nếu nó khai trương đúng kế hoạch.” Ngay lính mới cũng có thể đàm phán về thời hạn ở 90 ngày trong căn hộ công ty, cộng thêm tất cả những chi phí khi di chuyển.
Bạn có thể đàm phán trong quá trình thực thi công tác và rút ra những hứa hẹn rõ ràng về bổng lộc khi nhận công tác này. “Em sẽ tới đó mở 10 cửa hàng cho sếp, nhưng em cũng muốn sếp đảm bảo giúp em rằng em sẽ được lên làm phụ trách địa phương khi dự án kết thúc.”
Bạn cũng nên nhớ điều này: Sếp hoặc bên nhân sự thường hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp khi giao nhiệm vụ cho ai đó những mong được việc, nhất là khi công tác này có nhiều điều tiếng hoặc khó thực hiện. Đôi khi, đó chỉ là “hứa hạc trên mây” mà thôi. Nhưng ít nhất, phải làm sao để những hứa hẹn đó được thể hiện rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Nhắc khéo sếp cho viết một văn bản chính thức nào đó có thể xếp vào hồ sơ nhân sự của bạn: “Em muốn xin sếp một bản ghi nhớ để kẹp vào hồ sơ nhân sự của em. Như thế có được không ạ?”
Nếu những hứa hẹn chỉ là hứa hão, đừng trầm trọng hóa vấn đề lên làm gì. Thực trạng kinh doanh luôn thay đổi, và những lời hứa được thốt lên trong một hoàn cảnh nào đó có thể không còn thích hợp hoặc không thể thực hiện được trong tình hình mới. Bạn cứng nhắc nghĩa là bạn đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp cầu làm quan, và linh hoạt chính là vốn quý cần mang trên quan lộ. Biết linh động sẽ cho phép bạn tìm được nhiều con đường đến thành công hơn nữa.
Nhà tuyển dụng đã làm gì bạn không quan trọng, bạn phải biết ứng dụng luật giữ cổ phiếu: Bạn sẽ mua cổ phiếu này hôm nay ở mức giá đó chứ? Nếu câu trả lời của bạn là “Đúng thế!”, thì bạn hãy giữ lấy cổ phiếu. Nếu bạn nói “Không!”, vậy hãy bán cổ phiếu và đầu tư vào chỗ khác. Sự nghiệp cũng có luật y hệt. Bạn sẽ nhận việc hôm nay chứ? Đây có phải cơ hội tốt, mở ra đường hướng phát triển? Nếu câu trả lời của bạn là có, bạn bỏ qua mọi tội lỗi của nhà tuyển dụng và tiếp tục tiến bước. Nếu câu trả lời không, vậy hãy tìm chốn đầu tư khác tốt hơn.
Bàn về điều chuyển công tác
Khi bàn bạc về vấn đề điều chuyển công tác, phải đảm bảo bạn hoàn toàn lưu tâm đến sự khác biệt về mức sống ở chỗ mới. Hai thành phố cách nhau chừng 50 cây số đã có chi phí sinh hoạt khác nhau một trời một vực rồi. Lương 5 triệu một tháng ở Đà Nẵng có hơn 10 triệu ở Hà Nội không? Có thể. Muốn kiểm chứng hay tìm hiểu, hãy google trên net về mức lương tại địa phương, giá sinh hoạt, mức sống và các công cụ tính toán việc chuyển công tác đi xa. Có hàng tá trang mạng đáng tin, và chắc chắn, bạn nên tham khảo nhiều trang để lấy thêm thông tin.
Hệ thống thuế má và giá nhà chỉ là một phần nào đó của phương trình tính toán này mà thôi. Ví dụ, ở thành phố này, bạn phải gửi con ở trường tư, nhưng ở thành phố khác lại có hệ thống trường công hoàn hảo hơn. Đó là cả một sự khác biệt to lớn về phí tổn mà phần lớn các phân tích về điều chuyển công tác không đề cập đến. Hãy tự tạo cho mình bảng so sánh về các giá cả phí tổn dựa trên đời sống thực tế của mình.
Nhắn nhủ về vấn đề con trẻ
Các nhà xã hội học cho biết trẻ em dễ thích nghi với chúng bạn, với những hoạt động xã hội và môi trường xung quanh. Những giá trị và cách phụ huynh nhìn nhận cuộc sống lại không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em bằng môi trường xã hội bên ngoài mà các em lớn lên. Đây rõ ràng là một cơ chế sinh tồn. Phụ huynh không thể sống cả đời cùng con em mình được, còn con trẻ cần phải sống sót và thành công trong xã hội nơi chúng tìm thấy chính bản thân mình chứ không phải xã hội mà cha mẹ tạo cho chúng.
Hãy cứ nhìn gia đình nhà Bush mà xem. Ông Bush Cha, một quý ông kín đáo, lịch lãm kiểu trâm anh thế phiệt như dân Anh trong khi con trai ông ấy – Bush Con – lại giống một tay cao bồi bụi bặm đậm chất miền Tây. Cả hai đều là đại diện tiêu biểu cho thời đại mà họ sống.
Hãy nghĩ về ví dụ trên trước khi bạn nuôi dưỡng con em mình trong “Nơi vô định lộng gió” hay “Địa ngục đô thị”. Một, hai năm sống xa quê hương bản quán sẽ là một trải nghiệm rất phong phú, nhưng nếu thời gian đó trùng với khoảng thời gian con em bạn đang lên cấp hai hoặc cấp ba, đó sẽ là nơi xuất thân của con trẻ mãi mãi.
Ai là người ngoại tỉnh?
“Người ngoại tỉnh” là từ dùng để chỉ người dân sống ở các tỉnh nhỏ. Người ngoại tỉnh thường bị xem là ngây thơ, chất phác, ít học, và phạm vi hiểu biết không vượt quá lũy tre làng. Nhưng chính ra các bạn ngoại tỉnh rất “thành thị”, nhất là những bạn sống từ bé đến lớn ở cùng một vùng đô thị và tiếp nhận chính xác tầng lớp và địa vị xã hội của bố mẹ. Chỉ một số ít trong đó ngây thơ, ít học, và phạm vi hiểu biết không vượt quá lũy tre làng mà thôi!
Nếu bạn sợ phải sống chung với những người bạn “tỉnh lẻ”, nghĩa là bạn phí mất một cơ hội tìm hiểu về đồng bào của mình và những người sẽ mua sản phẩm dịch vụ của bạn. Nếu bạn không hiểu thị trường, làm sao bạn đắt hàng được?
Những gia đình hai trụ cột
Ngày nay, rất nhiều người trẻ mong muốn cả hai vợ chồng mình sau này đều có sự nghiệp vững chắc – mô hình gia đình hai trụ cột kinh tế này sẽ mang lại vài thách thức về bài toán cân bằng nơi công tác. Vấn đề thực sự nảy sinh khi cả hai phải đứng trước lựa chọn về sự nghiệp. Đôi khi, một bên xứng đáng được chấp thuận, có lúc lại là bên kia. Chắc chắn, một phụ nữ lần nào cũng chịu hy sinh sự nghiệp cho chồng sẽ thấy mình yếu thế về thu nhập riêng trong tương lai, đặc biệt chẳng may chuyện đổ vỡ xảy ra.
Với những gia đình hai trụ cột, xin nhớ điều này: Các quý anh không thể đòi vợ mình phải hy sinh sự nghiệp của nàng vì các anh hết lần này đến lần khác, và cuối cùng lại chẳng thể bù đắp được cho nàng trước những hy sinh đó khi chẳng may đổ vỡ. Các anh không thể đòi hỏi một cuộc hôn nhân thời những năm 1950 và ly dị theo phong cách thiên niên kỷ mới được. (Tất nhiên, các chị em có thu nhập cao cũng không được đòi hỏi như thế!)
Nếu một trong hai bên là người nhanh nhạy, hoặc chỉ đơn giản là thu nhập cao hơn người kia, thì sự nghiệp của người này được ưu tiên hơn là hoàn toàn dễ hiểu. Đây có thể là vấn đề về giới nhưng không nhất thiết phải luôn như vậy. Chuyện ai kiếm nhiều nhất không thành vấn đề.
Nếu một trong hai bên đang theo đuổi công việc mà ở đâu cũng xin được, ví như kế toán, thì vấn đề dễ xử lý hơn. Chuyển đến nơi khác công tác cũng chẳng làm trật ray những công việc kiểu như thế – những công việc dễ kiếm và ít phải đánh đổi điều gì nhất. Thực tế, nhiều lúc, bạn điều chuyển công tác lại còn kéo theo những cơ hội phát triển và thành công cho người bạn đời của bạn nữa ấy chứ, nếu người ấy chuẩn bị và định hướng đúng. Dịch vụ tư vấn và hỗ trợ việc làm cũng cung cấp các hoạt động như tư vấn nghề nghiệp, chuẩn bị lý lịch ứng tuyển, và thậm chí còn có cả lời giới thiệu cá nhân tới nhà tuyển dụng thích hợp của địa phương đó.
Thông thường, chìa khóa để giúp những gia đình hai trụ cột tiếp tục đứng vững là thỏa hiệp và giao tiếp. Hãy tiếp tục ngồi lại với chương này và cùng bàn luận về vấn đề vừa nêu. Một chút khéo léo khi điều đình thương lượng và “đền bù” chắc sẽ không thể là phương án tồi đâu.
Phỏng vấn giám đốc tài chính Clayton M.
Bước nhảy khó nhất của tôi cũng chính là bước nhảy đầu tiên, nhảy từ một thành viên quèn trong đội lên vị trí giám sát. Gần như tôi đã thất bại, thật đấy! Hồi còn Đại học, tôi từng sinh hoạt trong hội sinh viên, đó thực sự là một nhóm bạn bè thân thiết, và khi tôi đi làm, tôi mang theo tinh thần đó một cách tự nhiên. Tôi tin tưởng tuyệt đối vào tình đồng chí. Tôi tin vào chuyện anh em quan tâm hỗ trợ lẫn nhau. Tôi cũng rất vui thú với việc mình là người trẻ ở New York. New York thực sự là thành phố tuyệt vời nhất trên thế giới, và tôi chẳng còn biết nơi nào khác tốt hơn. Chỗ tôi mọi người không làm việc muộn. Tầng của tôi có một luật bất thành văn: Anh không được về trước người to nhất ở đấy. Nhưng vào phút cánh cửa thang máy đóng sập lại sau lưng ông ấy, cả văn phòng đã trống trơn!
Tôi muốn thăng tiến, và tôi xin được cơ hội lên làm giám sát. Công việc của tôi rất tốt, không bàn cãi gì cả, nhưng tôi lại chẳng biết gì về lãnh đạo hết. Tôi không hiểu bất cứ thứ gì về thiết lập tiêu chuẩn, về định hướng, hay cách giải quyết các vấn đề giữa người này với người kia. Tôi đã rất sai lầm khi cho rằng, vì những người đó là bạn tôi nên những gì họ làm đều đúng.
Hơn hết, tôi cứ muốn mọi việc y như cũ. Tôi đi bar như với nhóm trước đây. Tôi cố ở lại câu lạc bộ đến 12 giờ đêm. Tôi đã thật sự tin rằng, làm như thế sẽ giúp tôi quản lý được tốt hơn khi tôi là bạn bè với mọi người trong đội. Và, anh biết đấy, đó thực sự là một sai lầm.
“Bạn bè” tôi quẳng mọi thứ ngu ngốc và trẻ con lên vai tôi, anh có thể tưởng tượng ra được. Và cứ thế, dần dần, tôi mất kiểm soát với đội của tôi. May mắn làm sao, quản lý của tôi nhìn ra ngay được vấn đề tôi đang mắc phải. Ông gọi tôi ra gặp riêng và bảo rằng, những gì tôi đang làm không mang lại hiệu quả. Ông nói, lãnh đạo theo lối làm gương chỉ là một chuyện hoang đường, hồi còn trong quân ngũ, người ta đã giảng cho ông rằng, lãnh đạo theo lối này chỉ khiến dồn người lãnh đạo vào chỗ chết thôi. Đó không phải là lãnh đạo. Anh phải vạch ra đường lối và đòi hỏi trách nhiệm từ cấp dưới. Ông đăng ký cho tôi một khóa huấn luyện giám sát, rồi ông cho tôi cơ hội làm lại.
Cũng khá nhanh, tôi học được điều này: phải chú ý đến sếp nhiều hơn là đến các đồng nghiệp ngang cấp. Tôi bắt đầu thấu hiểu nghệ thuật quản lý cấp cao và không còn là con ong thợ nữa. Cuối cùng tôi cũng nhận ra được “cử tri” thực sự của mình là những ai. Những người tôi cần phải gây ấn tượng không phải là những người dưới quyền tôi mà là những người tôi đang dưới quyền. Anh không thể làm bạn của tất cả mọi người được. Bây giờ, điều đó với tôi rõ như ban ngày, nhưng hồi đó thì chưa.
Tôi cũng có hai điểm sau muốn chia sẻ với bạn đọc. Một là, các bạn cần chú ý đưa sự nghiệp của mình đi lên, hay chính xác hơn, các bạn phải luôn chú ý đưa sự nghiệp của mình đi lên. Tôi đã học được những kỹ năng mà hồi làm ba, bốn công tác trước đó tôi còn không biết đến sự tồn tại của chúng. Tôi không nói đến kỹ năng chuyên môn đâu. Thực tế, có những thứ kiểu như “tinh luyện” những nhận định, đánh giá của mình, và trở nên dày dạn kinh nghiệm ở vị trí mình nắm giữ. Và hoàn toàn có cái được gọi là “trí khôn”.
Tôi nghĩ đến việc nhảy lên đội điều hành, khác biệt lớn nhất ở đây là mọi thứ đều rõ như ban ngày. Anh không thể giấu diếm quá nhiều thứ được. Và tốt nhất, anh không được làm giả các thứ. Dù thế nào thì anh cũng không được làm như thế. Trong sạch quả thực rất lý tưởng, nhưng xin anh nhớ cho, hãy luôn cẩn thận. Những điều khuất tất anh cố giấu hay che đậy hồi còn ở dưới thấp rất có thể sẽ bị bại lộ. Anh cần phải trung thực và trung thực hơn nữa, nhất là khi anh đang leo lên ghế cao hơn. Tôi cũng không bàn đến cấp quản lý cấp trung, nhưng đó là cái giá để lên được tầng cao. Trách nhiệm lớn hơn. Tôi cũng phạm vài sai lầm. Và nguyên tắc của tôi bây giờ đơn giản lắm: Không bao giờ được giấu những thông tin quan trọng từ cấp trên. Đó không phải là chuyện xấu. Nhưng anh cần phải biết những chuyện ấy, xem nó diễn ra, và sắp xếp mọi việc đâu vào đó.