Thành Công Không Còn Là Bí Mật

Chương 6 : Bước 3 – Hệ Thống Hỗ Trợ



“Khi người ta chấp nhận một hệ thống tồi tệ, thì hệ thống ấy nắm quyền chi phối hoạt động của con người.”

– W. EDWARDS DEMING ĐI TÌM LÝ DO CỦA BẠN ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” CỦA BẠN BẠN ĐANG CỐ BẢO VỆ AI?

VÙNG KHÔNG CÓ MỤC TIÊU & PHẪU THUẬT THAY THẾ MỤC TIÊU HỆ THỐNG HỖ TRỢ GƯƠNG YÊU THƯƠNG VÀ NEO CHUẨN MỰC CÂU HỎI TRAO QUYỀN Hãy nghĩ về ngôi nhà của bạn. Định nghĩa thật sự của căn nhà là gì? Về mặt cốt lõi, ngôi nhà của bạn bao gồm hai thứ – cấu trúc và hệ thống. Cấu trúc ngôi nhà chính là kiểu dáng của nó – nhà trệt, nhà nhiều tầng, nhà chung cư… – và cách bố trí không gian: số phòng, kích cỡ phòng, vị trí phòng… Cấu trúc ngôi nhà chính là những thành tố tạo nên căn nhà.

Tiếp theo, căn nhà của bạn phải có hệ thống. Hệ thống khiến các thành tố trong nhà trở nên hữu dụng: hệ thống điện, sưởi, thông gió, cấp thoát nước, v.v… Hệ thống mang đến cho bạn không gian sống thoải mái. Đó chính là chức năng của căn nhà. Nếu các hệ thống này hoạt động không hiệu quả, căn nhà cũng chỉ là một khối bê-tông cốt thép nhàm chán.

Khi nào bạn thật sự quan tâm đến các hệ thống trong ngôi nhà bạn đang ở? Bạn nghĩ chính xác rồi đấy: khi thiết bị hỏng hóc. Bạn chỉ nghĩ đến các hệ thống trong nhà khi có trục trặc xảy ra mà thôi. Thời điểm duy nhất bạn nghĩ về hệ thống cấp thoát nước là khi nước ngừng chảy. Bạn không bao giờ bận tâm đến hệ thống điện trừ khi bạn bật công tắc mà đèn không sáng.

Hãy nghĩ về cơ thể bạn. Cơ thể bạn cũng giống như một ngôi nhà, bởi cơ thể bạn cũng bao gồm cấu trúc và hệ thống. Cấu trúc chính các thành phần cơ bản xác định bạn là nam hay nữ, cao hay thấp, các đặc điểm cá nhân và gien di truyền.
Tiếp theo, bạn có các hệ thống. Chức năng của các hệ thống trong cơ thể bạn là giữ cho bạn tồn tại. Cơ thể bạn bao gồm nhiều hệ thống phụ thuộc lẫn nhau: tuần hoàn máu, cơ bắp, xương, thần kinh, hô hấp, hệ miễn dịch… Khi nào bạn nghĩ về các hệ thống này? Chính xác: khi chúng có vấn đề. Bạn không bao giờ nghĩ về hệ thống hô hấp cho đến khi bạn đột nhiên không thở được; hay hệ thống tiêu hóa cho đến khi bạn đi khám bác sĩ và than rằng, “Trời ạ, đáng lẽ tôi không nên ăn 15 cái bánh sô- cô-la…”

Bạn thấy đấy, nếu hệ thống của ngôi nhà hay cơ thể bạn không hoạt động ở mức tối ưu, một vài chức năng sẽ không còn vận hành chính xác như bạn mong muốn. Trong cuộc sống và công việc của bạn cũng tương tự.
Cuộc sống và công việc của bạn cũng bao gồm cấu trúc và hệ thống.

Nhưng ở đây ta sắp đề cập tới… HAI ĐIỀU THIẾU VẮNG TRONG CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC CỦA ĐA SỐ MỌI NGƯỜI 1. Hầu hết mọi người không ý thức được các hệ thống của cuộc sống và công việc của họ là gì; và 2. Hầu như không ai biết cách sửa những hệ thống này khi chúng bị hư.

Đa số mọi người sẽ làm những điều sau: “Ôi Trời ơi! Tôi đuối quá! Tôi không biết phải làm gì nữa! Có quá nhiều thứ để làm nhưng lại quá ít thời gian. Tôi khánh kiệt rồi! Tôi không có tiền. Tôi bị thừa cân. Tôi phải làm gì đây?”
Chức năng của cuộc sống bạn là gì? Của công việc bạn? Đa số chúng ta chưa bao giờ đặt những câu hỏi đơn giản nhưng cần thiết này. Trên thực tế, họ thậm chí còn không biết câu hỏi là gì, chứ đừng nói đến câu trả lời.
Sau khi làm việc với hàng vạn học viên, tôi đã nhận ra một điều vừa sâu sắc vừa giản đơn. Không phải tôi đang cố giảng giải cho bạn về ý nghĩa cuộc sống, nhưng có vẻ như chức năng cao nhất của cuộc sống của một cá nhân là sống theo cách mà bạn lựa chọn. Điều này có nghĩa là có khả năng lựa chọn cuộc sống mà bạn thật sự mong muốn.

Còn chức năng của công việc là gì? Chức năng thiết yếu của công việc là cung cấp giá trị cho một nhóm người và nhận được lợi nhuận từ hoạt động đó.

Như bạn đã thấy từ hai mô tả trên, nhiều người đang sống một cuộc sống chưa thể gọi là tốt nhất, và đa số công việc kinh doanh đều hoạt động dưới mức tối ưu. Hầu hết đều rất mù mờ về vấn đề này, và chỉ biết chạy vòng vòng cố gắng “sửa chữa” vấn đề. Nhưng nếu hệ thống ống nước trong nhà bạn (hoặc cơ thể bạn!) đang gặp vấn đề, mà bạn cứ gọi thợ điện đến, thì khả năng thành công đến đâu?

Hãy hít một hơi thật sâu. Bạn không còn phải chạy loanh quanh nữa. Bởi sau khi làm việc với vô số học viên trong các chương trình cố vấn cũng như nghiên cứu các đối tượng thành công và hạnh phúc trên thế giới, tôi đã nhận diện được năm hệ thống thiết yếu mà bạn cần phải vận hành một cách thích hợp, để từ đó xây dựng một cuộc sống và sự nghiệp như bạn khao khát.

NĂM HỆ THỐNG HỖ TRỢ THIẾT YẾU

ĐƠN GIẢN HÓA CON NGƯỜI HIỆU SUẤT NỘI QUAN HOẠT ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Hệ thống 1 là Hệ Thống Con Người của bạn. Hệ thống 2 là Hệ Thống Hoạt Động của bạn. Hệ thống 3 là Hệ Thống Môi Trường của bạn. Hệ thống 4 là Hệ Thống Nội Quan của bạn.

Hệ thống 5 là Hệ Thống Đơn Giản Hóa của bạn.

Con người, hoạt động, môi trường, nội quan và đơn giản hóa là 5 Hệ Thống Hỗ Trợ trong cuộc sống và công việc hay sự nghiệp của bạn. Khi chúng ta thảo luận từng cái một, bạn sẽ nhận thấy những hệ thống nào cần vận hành hiệu quả trong cuộc sống cũng phải hoạt động hiệu quả trong công việc của bạn. Thế cũng hay, bởi chúng ta có thể nghiên cứu một hệ thống ứng dụng được cho cả hai lĩnh vực.

Tôi không quan tâm bạn làm việc trong lĩnh vực nào, bạn là một doanh nhân hoặc người làm thuê. Các hệ thống đều giống nhau. Tôi đã tra cứu hàng vạn ngành công nghiệp khác nhau, tiếp xúc với hàng vạn người trong các buổi hội thảo và nghiên cứu trực tiếp vô số cá nhân thành công tột bậc. Việc bạn là ai, làm gì, đang kinh doanh gì không quan trọng; các hệ thống đều giống nhau.

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là nếu một trong 5 hệ thống thiết yếu này không hoạt động hiệu quả trong cuộc sống hay công việc của bạn, thì không chỉ thu nhập của bạn bị ảnh hưởng, mà cả sự thanh thản trong tâm hồn, sức khỏe, hạnh phúc và các mối quan hệ của bạn cũng khó tránh khỏi tác động. Có thể bạn nhận thấy một cảm giác mơ hồ là “có gì đó không ổn”, nhưng bạn không có khả năng chỉ ra đích xác nó là gì. Khi chúng ta cùng phân tích từng hệ thống, bạn sẽ không chỉ thấy có điều gì không ổn, mà còn biết chính xác cách để sửa chữa nó.

RÈN LUYỆN Cảm giác đau khổ và bối rối khi nhận ra “có gì đó không ổn, nhưng lại không biết không ổn ở chỗ nào” có thể ngăn chặn được khi bạn xác định rõ các hệ thống, rồi tìm cách khiến nó hoạt động ở mức độ cao hơn và hiệu quả hơn. Hãy nhớ, đây là khóa học của HÀNH ĐỘNG, nhưng còn là một quá trình. Rèn luyện không khiến mọi thứ hoàn hảo; nhưng rèn luyện mang đến sự tiến bộ. Cuộc sống không phải hoàn hảo hay không, mà là bạn có dũng cảm tiến lên phía trước, từng bước một hay không.

Trước khi chúng ta bắt đầu, tôi muốn bạn hãy làm một việc cho tôi ngay bây giờ. Hãy hít một hơi thật sâu. Tiếp tục hít thêm một hơi nữa. Khi đọc những dòng chữ này, hãy ý thức nhịp đập của trái tim bạn. Hãy ngồi yên lặng một chút. Bạn có cảm nhận được nhịp đập trái tim mình?

Đặt ngón tay lên cổ họng, nơi bạn có thể cảm nhận mạch đập mạnh mẽ, hay chỉ đơn giản là cảm nhận nhịp tim đập trong lồng ngực mình. Hãy hít thở. Ngay bây giờ…
Lần cuối cùng bạn nghĩ về nhịp đập của trái tim là khi nào? Tôi hỏi rất nghiêm túc đấy. Lần cuối cùng bạn nghĩ về nó là khi nào? Tôi dám cá là bạn gần như chưa bao giờ nghĩ về nó, trừ khi bạn lên cơn đau tim hay bị nhói ở ngực mà thôi.
Lần cuối cùng bạn nghĩ về việc mình tiêu hóa thức ăn là khi nào? Đã bao giờ bạn nghĩ đến nó chưa? Tối thiểu là 3 lần một ngày, chúng ta ngốn hàng đống thức ăn vào miệng; nhưng điều gì xảy ra sau khi thức ăn đã ở trong miệng?
Chúng ta sống, hít thở, ăn uống, đi lại, làm việc, chơi đùa, chạy bộ, và làm những gì chúng ta muốn… và chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến những hệ thống đáng kinh ngạc đang ở ngay trong chính cơ thể kỳ diệu của chúng ta, ngay trong cỗ máy phi thường này.

ĐỪNG XEM THƯỜNG CÁC HỆ THỐNG CỦA BẠN NỮA

Thay vì trân trọng món quà quý giá của cơ thể, đa số chúng ta đều xem thường nó, ngược đãi nó, hay đổ lỗi cho nó. “Tôi quá mập. Tôi không sao giảm được 10 ký. Tôi ước gì mình nhiều tóc hơn. Tôi ước gì mình trông trẻ hơn 10 tuổi.”
Chúng ta liên tục đổ lỗi cho cỗ máy diệu kỳ mà chúng ta sở hữu. Tôi muốn bạn nhận ra rằng có nhiều hệ thống đang hoạt động trong cơ thể ta mà ta chưa bao giờ để mắt đến. Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn không tôn trọng những hệ thống này.

Lần tới đi ăn, hãy thử ép bản thân bạn tiêu hóa thức ăn. Nếu cứ ngồi ì ra đó, rồi ráng điều khiển cơ thể tiêu hóa thức ăn, bạn sẽ chết đói đấy! Hãy thử khiến tim bạn đập xem. Bạn không thể; mọi thứ cứ tự nhiên mà diễn ra thôi.

Những hệ thống này tự động vận hành, dù bạn có ý thức được chúng hay không. Điều này cũng tương tự trong cuộc sống và công việc của chúng ta. Năm Hệ Thống Hỗ Trợ thiết yếu này vận hành bất kể chúng ta có thích nó, xem thường hay ngược đãi nó hay không. (Dĩ nhiên, hành tinh bé nhỏ thân yêu của chúng ta cũng y hệt vậy. Đến tận bây giờ, ta mới bắt đầu nhận thức được mức độ tàn phá mà con người gây ra cho hệ thống Trái đất quý báu và vô cùng mỏng manh này. Vậy nên, ta phải hành động ngay nếu muốn mọi thứ hoạt động trôi chảy và phục vụ cho quá trình duy trì cuộc sống của loài người.) Nhóm Ba Phần Trăm có khuynh hướng sở hữu những hệ thống vận hành trơn tru trong cuộc sống và công việc. Nhưng đây mới là chuyện đáng nói: họ thường không biết những gì họ đã làm! Tuy vậy, các hệ thống ấy đều đạt hoặc gần đạt mức độ tối ưu. Một khi học được những hệ thống đó là gì và cách khiến chúng vận hành hiệu quả, bạn cũng có thể làm được giống họ.

Có thể bây giờ bạn đang nghĩ rằng chẳng có gì trong cuộc sống của bạn diễn ra như ý cả. Nhưng khi chúng ta cùng đi qua năm hệ thống thiết yếu này, bạn sẽ ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy rằng có nhiều thứ đang rất suôn sẻ hơn là những thứ đang bị trục trặc. Sau đó, bạn có thể đơn giản thực hiện những HÀNH ĐỘNG được gợi ý ở đây để sửa chữa sai lầm và củng cố những gì đang phát huy tác dụng.

HỆ THỐNG CON NGƯỜI CỦA BẠN

Chúng ta bắt đầu với Hệ Thống Con Người trước. Tại sao Hệ Thống Con Người lại là Hệ Thống Hỗ Trợ thiết yếu nhất? Bởi nếu Hệ Thống Con Người không hoạt động hiệu quả, những thứ còn lại chẳng mang ý nghĩa gì hết. Đơn giản, bạn không thể phát huy tối đa tiềm năng bản thân nếu không biết cách thiết lập Hệ Thống Con Người ở mức tối ưu.

Tại sao ư? Chà, có nhiều lý do lắm, nhưng tựu chung lại là bởi con người nắm giữ tiền bạc. Nếu bạn đang nỗ lực gây dựng sự nghiệp hay tạo dựng công việc kinh doanh, và người ta không ai mua hàng của bạn, thì tôi cũng không rõ bạn kiếm tiền bằng cách nào. Theo như ta biết từ trước đến nay, cá heo, khỉ, hay tinh tinh không mang theo thẻ tín dụng. (Tên tôi là Noah, nên tôi biết rõ điều này!) Tờ 20 đô KHÔNG tự nó bước ra đường, gõ cửa nhà bạn và nói, “Này, cho tôi vào nhé?”

Nếu nơi bạn đang sống xảy ra chuyện này, tôi cũng muốn đến đó ở ngay!

Trên Trái đất này, tiền đi liền với cái thứ lạ lùng mà ta gọi là “con người” – và chúng ta phải làm một thứ khó chịu có tên gọi là “công việc” để tiền trong túi họ chuyển sang túi chúng ta. Chính vì vậy, nếu bạn muốn có nhiều hơn nữa thứ gọi là tiền, tốt hơn hết bạn phải thiết lập Hệ Thống Con Người của mình.

NĂM HÀNH ĐỘNG TRONG HỆ THỐNG CON NGƯỜI Có 5 HÀNH ĐỘNG bạn cần phải thành thạo để thiết lập một cách hoàn chỉnh Hệ Thống Con Người. Năm hành động trong Hệ Thống Con Người là:
1. Công nhận 2. Yêu cầu 3. Chấp nhận 4. Chịu trách nhiệm 5. Đặt câu hỏi trao quyền Hành Động Đầu Tiên Của Hệ Thống Con Người = Công Nhận Hành động đầu tiên của Hệ Thống Con Người là Công nhận. Tại sao đây lại là hành động đầu tiên? Bởi vì loài người (bạn biết đấy, thứ sinh vật kỳ lạ nắm giữ tất cả tiền bạc) khao khát được chú ý, trân trọng, công nhận, và thừa nhận. Nghiên cứu cho thấy con người sẽ nỗ lực nhiều hơn để được công nhận hơn là để kiếm tiền. Thử nghĩ xem bạn sẽ làm việc cho ai trong hai người sau: một người trả cho bạn một triệu đô-la mỗi năm nhưng khiến bạn cảm thấy nhục nhã, xấu hổ và bị sỉ nhục; hay một người trả cho bạn một trăm ngàn đô-la mỗi năm nhưng lại khen ngợi, công nhận và trân trọng bạn?

Dĩ nhiên, bạn có thể làm việc cho người chủ đầu tiên một thời gian; nhưng rồi bạn sẽ nhìn vào số tiền lương nhận được mỗi tháng và tự hỏi, “Như vậy có đáng không?” Con người chúng ta là những sinh vật kỳ lạ. Chúng ta nghĩ mình muốn tiền (và đúng là như vậy); nhưng nhiều người lại cảm thấy bị gông cùm xiềng xích bởi “hệ thống lương bổng” và “chết cứng” trong các công việc lương cao nhàm chán.

Có hàng tá cách để công nhận người khác trong cuộc sống, công việc và gia đình. Điểm mấu chốt là bạn có sẵn sàng làm điều đó hay không. Bởi chúng ta ai cũng đeo trên người một tấm bảng vô hình ghi dòng chữ, “Hãy khiến tôi cảm thấy mình quan trọng.” Vấn đề là bạn cũng có mong muốn y như thế. Vậy nên tất cả mọi người đều chờ một người nào đó khiến họ cảm thấy mình quan trọng trước, rồi họ mới sẵn sàng làm điều tương tự cho người khác.

Nếu bạn có thể trở thành một trong số triệu người (con số này khá chuẩn xác) biết công nhận người khác trước, thì bạn đang thiết lập Hệ Thống Con Người của mình một cách tối ưu rồi đấy.
Hành Động Thứ Hai Của Hệ Thống Con Người = Yêu Cầu Hãy tưởng tượng bạn và tôi đang ở trong một căn phòng lớn với hàng trăm học viên của khóa học Mật Mã Thành Công, cùng quy tụ tại đây để tìm hiểu về các nguyên tắc này. Dĩ nhiên, đây chính xác là những gì diễn ra tại các buổi hội thảo của chúng tôi nên cũng không quá khó để tưởng tượng.

Liệu bạn có cảm thấy khó khăn trong việc nhờ người khác hỗ trợ trong khán phòng này không? Liệu bạn có cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng, hay chần chừ trong việc yêu cầu sự giúp đỡ bạn cần?
Khi tôi hỏi những khán thính giả của mình liệu họ có cảm thấy khó mở lời yêu cầu sự hỗ trợ mà họ cần không, thậm chí là từ những người mà họ quen biết, thì hơn 70% trả lời là có. Tại sao chúng ta lại không dám nhờ vả người khác? Tất cả đều là do…

MỘT TỪ HAI CHỮ CÁI BẮT ĐẦU BẰNG CHỮ S

Dĩ nhiên, từ đó là từ sợ. (Có phải bạn cũng nghĩ vậy không?) Điều gì khiến bạn sợ yêu cầu người khác giúp mình? Chính là nỗi sợ bị từ chối; nỗi sợ bị nói “không”; nỗi sợ bị cười vào mặt hay bị chế giễu. Nỗi sợ này có thể xuất phát từ cái thời ta bị bảo rằng, “Câm mồm, đi chỗ khác chơi và đừng làm phiền người khác.” Ừ thì có lẽ câu cú không dài dòng đến vậy, nhưng chúng ta đều hiểu mình phải làm gì tiếp theo.

Nhiều người trong chúng ta từ thời thơ ấu đều đã có lúc bị người lớn xua đuổi mỗi khi đến gần. Rồi khi lớn lên, ta tiếp tục tin đó là cách cuộc sống diễn ra. Tôi muốn bạn chú ý rằng những người thành công không hề gặp khó khăn trong việc yêu cầu người khác. Có lẽ bạn cũng biết là những nhân viên bán hàng giỏi nhất là những người chào hàng cực kỳ kiên định. Không phải họ thúc giục người khác; họ chỉ đơn giản đưa ra lời chào mời mà thôi.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc thúc giục và yêu cầu. Bạn có thể nói rằng, “Tôi không muốn là người thô lỗ. Tôi không muốn làm phiền người khác.” Bạn nói đúng: bạn không nên thô lỗ hay làm phiền người khác. Nhưng nếu bạn thật sự mang đến cơ hội có lợi cho người kia thì sao? Nếu bạn tăng thêm giá trị cho người khác, chẳng phải bạn đang nợ họ, và nợ chính bản thân mình, ít nhất là một lần hỏi xem họ có hứng thú hay không sao?

Cách đây vài năm, một người bạn từng tham dự hội thảo của tôi bảo rằng công ty của cô ấy thật sự cần đến sự giúp đỡ của tôi. Cô ấy cho tôi số điện thoại của trưởng phòng kinh doanh tại trụ sở công ty. Khi tôi nói với người này những gì bạn tôi chia sẻ, bà ta trả lời, “Cảm ơn ông. Chúng tôi tự lo được.” Rồi cúp máy.

Tôi nghĩ, “Chà, kỳ lạ nhỉ?” Có lẽ hôm đó tâm trạng bà ta không vui chăng.

Thế nên khoảng chừng một hai tháng sau, tôi gọi lại chỉ để hỏi thăm tình hình. Nhưng vẫn là câu trả lời, “Cảm ơn ông. Chúng tôi tự lo được.”

Việc này xảy ra thêm vài lần nữa trước khi tôi hiểu ra vấn đề. Tôi gọi lại cho bạn tôi và hỏi, “Cậu có chắc là số điện thoại cậu đưa cho mình là đúng người không vậy?” Cô ấy đưa cho tôi một cái tên khác, lần này là phó giám đốc của công ty. Tôi quay số, trong tâm thế sẵn sàng bị từ chối một lần nữa. Vị phó giám đốc hỏi tôi làm nghề gì. Tôi nói rằng tôi hướng dẫn người khác cách loại bỏ suy nghĩ tiêu cực. Bà ấy hỏi tôi hệ thống đó hiệu quả ra sao. Tôi chia sẻ với bà về những người thu lượm kết quả chỉ trong vòng vài tuần, thậm chí vài ngày.

Bà ấy bảo rằng, “Nghe được đấy. Tôi sẽ cho người khác gọi lại anh sau.” Tôi nghĩ thầm, “Chắc còn lâu.”

Ngày hôm sau, tôi đến văn phòng và nhận được tin nhắn, “Noah, tôi là . Tôi vừa mới nói chuyện với phó giám đốc và chúng tôi muốn mời anh diễn thuyết trên một du thuyền đến Mexico cho hai ngàn nhân viên bán hàng quốc tế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ đặt vé hạng nhất cho anh bay đến Los Angeles để anh diễn thuyết trong khoảng vài tiếng. Sau đó, anh có thể thư giãn trong quãng thời gian còn lại trên chiếc du thuyền đi biển dài bốn ngày. À, chúng tôi sẽ cấp cho anh một khoang hạng nhất trên thuyền và chịu mọi chi phí.”

Quá tuyệt vời.

Ý tôi muốn nói ở đây là: Nếu tôi dừng lại ngay khi bị từ chối lần đầu tiên, tôi đã không có cơ hội bay vé hạng nhất và ở khoang hạng nhất trên một chuyến du thuyền đến Mexico, và sẽ không được trả tiền để làm công việc tôi yêu thích. Tuy nhiên, không có chuyện tôi cứ tiếp tục yêu cầu cái người không mang đến kết quả tôi mong muốn.

Nhiều chuyên gia nói về tầm quan trọng của việc đưa ra yêu cầu và tính kiên trì. Nhưng mấu chốt mà họ bỏ lỡ đó là: sự kiên trì là một hành vi. Như chúng ta đã học ở chương trước, hành vi không thể được tạo ra ở bề mặt hành vi. Chính vì vậy, để tạo ra hành vi kiên trì, chúng ta phải tìm thấy Lý Do Nên đằng sau nó. Muốn có dũng khí để yêu cầu, bạn cần phải hiểu giá trị mà bạn mang đến cho người khác.
Một lý do khiến công ty chúng tôi phát triển rất nhanh là vì chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ giá trị mà chúng tôi mang đến cho mọi người. Những người mong muốn giá trị đó tìm đến chúng tôi, và họ cũng giới thiệu chúng tôi cho bạn bè họ. Đây là những gì chúng tôi làm tại SuccessClinic.com:

“Chúng tôi chỉ cho người khác cách nhấc chân khỏi bàn đạp thắng trong cuộc sống, sự nghiệp và các mối quan hệ – và chỉ cho họ các bước để tăng gấp đôi thu nhập trong vòng 90 ngày mà lại làm việc ít hơn.”

Nếu bạn muốn điều đó, hãy đến với chúng tôi. Nếu bạn không muốn điều đó, bạn không cần phải đến.

Đi khắp nơi để nói về những thứ này là một chuyện, chứng minh nó đúng lại là chuyện khác. Chúng tôi có những bằng chứng không thể bác bỏ về mức độ hiệu quả của hệ thống. Không chỉ nhiều người nổi tiếng đứng ra cam kết cho hệ thống của chúng tôi, mà còn rất nhiều người bình thường giống như bạn và tôi chia sẻ những câu chuyện cá nhân về việc họ đã tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn lần thu nhập trong vòng 180 ngày nhờ những gì được học như thế nào.

Bạn cũng có thể làm được như vậy. Hãy trình bày giá trị của bạn với người khác. Hãy hỏi xem họ có hứng thú hay không, nếu họ nói không… thì sao chứ? Bạn đâu có mất gì. Bởi ngay từ đầu bạn cũng đã có gì đâu nào? Và ai biết được… hãy tiếp tục trình bày giá trị của bạn với người khác, và một ngày nào đó, một người phù hợp sẽ gật đầu đồng ý.

Hành Động Thứ Ba Của Hệ Thống Con Người = Chấp Nhận Hành động thứ ba của Hệ Thống Con Người là Chấp Nhận. Đây là một khái niệm tinh tế nhưng vô cùng mạnh mẽ. Mười năm trước khi giảng dạy về hệ thống này lần đầu tiên, tôi chia sẻ với mọi người về hành động Công Nhận và Yêu Cầu, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó bởi mọi người cứ bị vướng ở chỗ này hoài. Cuối cùng, tôi nhận ra lỗ hổng nằm ở đâu.

Tôi nhận thấy mọi người đang bỏ qua khái niệm mạnh mẽ nhưng tinh tế này, đó chính là chấp nhận sự hỗ trợ từ người khác. Nghe thì có vẻ lạ lùng thật, nhưng nhiều người không thể chấp nhận sự hỗ trợ ở ngay trước mắt họ. Trớ trêu thay, chấp nhận sự hỗ trợ thực chất lại là cấp độ cao hơn của yêu cầu sự hỗ trợ – tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy.

Hãy nghĩ về thời điểm bạn tổ chức sinh nhật, ngày kỷ niệm, hay dịp lễ nào đó có trò chơi tặng quà. Đã bao giờ bạn nhận được một món quà vượt trên sự mong đợi? Một món quà vượt ngoài sức tưởng tượng của bạn? Khi tôi đặt câu hỏi này trong các buổi hội thảo, gần như mọi cánh tay đều giơ lên, bởi điều này đã xảy ra với hầu hết mọi người ít nhất là một lần trong đời.

Đó là lý do tại sao chấp nhận sự hỗ trợ thật sự là cấp độ cao hơn của yêu cầu sự hỗ trợ. Bạn có thể yêu cầu một thứ gì đó, nhưng vẫn không cho phép bản thân mình đón nhận nó. Ngược lại, bạn có thể không yêu cầu một việc gì đó nhưng vẫn đón nhận nó! Tuy nhiên, nhiều người gặp khó khăn trong việc chấp nhận sự hỗ trợ, tình yêu thương và sự động viên khích lệ từ người khác.

Có thể bạn đang tránh né sự hỗ trợ mà không hề biết. Dĩ nhiên, bạn không cố ý làm như vậy; nhưng đây là một trong những đặc tính của Hình Ảnh Phản Chiếu Tiêu Cực, nó nói rằng bạn không xứng đáng được hỗ trợ, vậy thì bận tâm làm gì cơ chứ?

Đôi lúc, bạn chỉ cần đơn giản cho phép người khác hỗ trợ bạn. Chẳng có bí quyết Chấp Nhận gì to tát cả, nhưng bạn cần phải ý thức rằng đây có thể là chướng ngại vật tiềm ẩn cản trở bạn. Hãy viết vào quyển Nhật Ký Mật Mã Thành Công về điều này, và đừng tránh né sự giúp đỡ của người khác nữa.

Hành Động Thứ Tư Của Hệ Thống Con Người = Chịu Trách Nhiệm Có bao giờ bạn để ý chúng ta sẽ làm nhiều thứ cho người khác hơn là cho bản thân mình không?

Hãy vào trang www.SecretCodeBook.com và xem đoạn clip về cú “Bò Kinh Hoàng” trích từ bộ phim Facing the Giants (Đối Mặt Với Người Khổng Lồ) . Điều ấn tượng nhất về đoạn clip này là Brock chắc hẳn không thể thực hiện được điều đó nếu chỉ có một mình. Anh không muốn huấn luyện viên và đồng đội mình thất vọng, vì vậy anh đã cõng một đồng đội khác nằm ngửa trên lưng và bò hết sân bóng. Nếu chỉ có một mình, bạn có nghĩ Brock đủ động lực thúc đẩy bản thân mình bò xa đến mức đó không?

Đó là lý do tại sao khi bạn Chịu Trách Nhiệm trước một ai đó, bạn sẽ ngạc nhiên một cách thích thú khi nhận ra bạn có thể làm nhiều hơn những gì bạn tưởng.

Con người ta cứ ngỡ mình ham muốn vật chất.

Nhưng thực tế, chúng ta khao khát những TRẢI NGHIỆM.

Chúng ta không muốn chiếc Ferrari, mà chúng ta muốn cảm thấy mình đặc biệt, mình quan trọng khi lái chiếc Ferrari. Chúng ta không muốn biệt thự hay du thuyền; chúng ta muốn cảm thấy mình giàu có.
Chắc chắn là ai cũng trông đợi những thứ tốt đẹp hơn như xe hơi, nhà cao cửa rộng và một hòn đảo riêng ở vùng biển Ca-ri-bê. Nhưng sau khi làm việc với hàng vạn người trong các buổi hội thảo và phỏng vấn nhiều tỷ phú cực kỳ thành công, trớ trêu thay, tôi nhận ra rằng hai trải nghiệm chủ yếu mà con người chúng ta mong muốn là thấy mình quan trọng và có đóng góp.

Chúng ta muốn cảm thấy mình quan trọng trong mắt người khác, và chúng ta muốn cảm thấy mình tạo nên sự khác biệt. Dĩ nhiên, chúng ta muốn 1 tỷ đô-la, và thèm khát một khối lượng tài sản khổng lồ cũng chẳng có gì sai cả. Nhưng các người bạn tỷ phú của tôi đều chắc chắn một điều rằng: sau những chiếc xe đắt tiền, những kỳ nghỉ xa hoa, những chiếc phi cơ riêng, họ đều tự hỏi, “Chẳng lẽ chỉ có vậy thôi sao? Mình có là một phần quan trọng không? Mình có tạo nên sự khác biệt trên Trái đất này không?”

Chính vì vậy, thay vì chờ đến khi bạn “thành công”, hãy bắt đầu đặt những câu hỏi đó ngay lúc này – để khi tiền bạc đổ về, bạn đã đến đích.

Hành Động Thứ Năm Của Hệ Thống Con Người = Đặt Câu Hỏi Trao Quyền Bạn có nhớ tôi đã chỉ cho bạn Câu Hỏi Trao Quyền – những câu hỏi làm thay đổi cuộc đời của bạn chứ? Đây chính là lúc bạn có thể bắt đầu sử dụng chúng để tạo nên cuộc sống mà bạn thật sự mong muốn.

Chúng ta không hề xa lạ với dạng câu khẳng định; nhưng qua những gì tôi chỉ ra ở Bước 1, có những người không tin vào những điều tích cực mình nói ra. Với Câu Hỏi Trao Quyền, bạn có thể đơn giản sử dụng tâm trí mình để hấp dẫn những thứ bạn mong muốn nhanh gấp đôi mà chỉ cần bỏ ra phân nửa nỗ lực.

Một trong những học viên của tôi đã dành rất nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực cho đủ loại chương trình giảm cân có mặt trên thị trường, nhưng cô vẫn không thể giảm được số cân nặng mong muốn. Sau khi nghe tôi nói về Câu Hỏi Trao Quyền, cô nhận ra mình đang vô thức tự hỏi bản thân những câu hỏi tước quyền như: “Sao mình không thể giảm cân? Sao mình béo thế này? Tại sao những thứ này không có tác dụng với mình?” Bạn có thể đoán được tại sao cô ấy không đạt được thành quả trông đợi chứ?

Sau khi học cách đặt ra những Câu Hỏi Trao Quyền, cô bắt đầu tự hỏi, “Tại sao mình có thể giảm cân một cách dễ dàng?” Cô bắt đầu sử dụng bốn bước đặt câu hỏi trao quyền mà tôi đã chỉ ở Bước 1. Cô không chỉ đặt câu hỏi, mà còn hoàn toàn tin tưởng vào nó, và sau đó là hành động.

Sau khoảng 60 ngày, cô nhận thấy tâm trạng cô không chỉ tốt hơn, mà quần áo cô còn vừa vặn hơn trước. Cô bước lên bàn cân và kim chỉ cô đã giảm được 9 ký! Nhưng đây mới là điều thú vị: Cô không tin vào những gì mình thấy.
Cô không hề làm việc quá sức, không ăn kiêng, không bị stress, nên cô không thể nào hiểu nổi làm thế nào mình có thể giảm từng đó cân nặng mà gần như không tốn chút sức lực nào. Vì thế, cô đến nhà mẹ mình và bước lên bàn cân. Kết quả y hệt vậy: cô giảm được 9 ký. Cô thầm nghĩ, chắc cái cân này cũng bị hư rồi.

Cuối cùng, cô vào phòng khám bác sĩ, bởi cái cân ở đó chắc chắn là chính xác. Và bàn cân ở chỗ bác sĩ xác nhận điều mà ngay cả cô còn không tin: Cô đã giảm 9 ký trong vòng 60 ngày mà không bị stress hay phải ăn kiêng.
Điều tôi cho là đáng kinh ngạc trong câu chuyện này không phải nằm ở chỗ cô ấy giảm được cân nặng, mà điều thú vị là cô ấy không tin vào kết quả hiển thị trước mắt, bởi mọi thứ diễn ra “quá dễ dàng”. Bạn thấy tuyệt vời chứ!
Bài học của câu chuyện này là gì? Hãy đặt câu hỏi trao quyền về cuộc sống mà bạn thật sự mong muốn – rồi cho phép bản thân mình tận hưởng!

BÀI TẬP: THIẾT LẬP 5 HÀNH ĐỘNG TRONG HỆ THỐNG CON NGƯỜI

1. Ai là người tôi cần phải Công Nhận về những đóng góp của họ trong cuộc sống?

2. Tôi có thể thực hiện những HÀNH ĐỘNG nào để công nhận họ ngay hôm nay?

3. Tôi có thể thực hiện những HÀNH ĐỘNG nào để công nhận họ một cách thường xuyên?

4. Giả sử tôi không sợ nhận được câu trả lời ra sao, ai là người tôi muốn Yêu Cầu sự hỗ trợ?

5. Tôi có thể làm gì để Chấp Nhận sự hỗ trợ của những người mong muốn tôi thành công?

6. Tôi có thể Chịu Trách Nhiệm với ai về thành công của tôi?

7. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không cảm thấy phải chịu trách nhiệm với một ai về thành công của mình?

8. Mười Câu Hỏi Trao Quyền mà tôi có thể sử dụng để thiết lập Hệ Thống Con Người là gì?

HỆ THỐNG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA BẠN

Hệ Thống Hỗ Trợ tiếp theo chính là Hệ thống Các Hoạt Động của bạn. Đây là cách bạn sử dụng thời gian trong cuộc sống. Tôi biết điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng chúng ta sống cuộc đời mình theo từng ngày. Không phải theo từng tuần, từng tháng, hay từng năm, mà là từng ngày. Nếu bạn cảm thấy mất kiểm soát, nếu bạn “có quá nhiều thứ để làm nhưng lại có quá ít thời gian”, thì có hai câu hỏi đơn giản có thể thay đổi cuộc đời bạn từng ngày một và gia tăng hiệu suất cá nhân bạn lên gấp nhiều lần.

BÀI TẬP: HAI CÂU HỎI CÓ THỂ GIA TĂNG NĂNG SUẤT CỦA BẠN LÊN GẤP NHIỀU LẦN

Cột A Tôi muốn làm việc gì nhiều hơn? (Các hoạt động làm Đầy Bể Chứa của tôi) Cột B Tôi muốn làm việc gì ít đi?

(Các hoạt động làm Cạn Bể Chứa của tôi) Ở cột A, hãy liệt kê câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi muốn làm việc gì nhiều hơn?” Đây là danh sách các hoạt động Làm Đầy Bể Chứa của bạn. Ở cột B, hãy trả lời câu hỏi: “Tôi muốn làm việc gì ít đi?” Đây là những hoạt động Làm Cạn Bể Chứa của bạn.

Chúng ta có lẽ đã nghe những cụm từ này hàng triệu lần; nhưng làm đầy bể chứa và làm cạn bể chứa thật sự có nghĩa là gì?

BA NGUỒN LỰC CỦA CON NGƯỜI

Có ba nguồn lực hoặc tài sản mà con người có thể sử dụng: thời gian, năng lượng, và tiền bạc. Đó là tất cả những gì chúng ta có trên Trái đất này. Và trong ba nguồn lực trên, bạn nghĩ xem cái nào là có giá trị nhất?
Một số người bảo rằng năng lượng là có giá trị nhất, bởi tất cả mọi thứ đều là năng lượng. Cơ thể bạn, máy tính, tách cà- phê; bất kỳ thứ gì tôi và bạn có thể chạm vào trên vũ trụ này chính là năng lượng. Tất cả mọi thứ đều được cấu thành từ phân tử, phân tử được cấu thành bởi nguyên tử, và nguyên tử là năng lượng. Chúng ta đều được học ở trường trung học phổ thông rằng năng lượng là vô hạn. Năng lượng không thể được tạo ra cũng như không thể bị phá hủy; nó chỉ đơn giản tồn tại. Bởi vì năng lượng là vô hạn, nó không thể nào là nguồn lực có giá trị nhất.

Thế còn tiền thì sao? Tiền cũng chỉ là một dạng của năng lượng. Cách mà tiền hoạt động là bạn có một số tiền, và những người khác sở hữu khoản còn lại! Bởi vì tiền cũng chỉ là một dạng năng lượng, tiền cũng là vô hạn, với tất cả ý định và mục đích của nó. Chính vì thế, tiền không thể nào là nguồn lực có giá trị nhất.

Lý do khiến thời gian là nguồn lực quý giá nhất là vì nó là nguồn lực duy nhất không bao giờ có thể bị thay thế.

Hàng tỷ đô-la của Bill Gates cũng không thể mua được một phút của ngày hôm qua.

Chính vì thế, khi nói về cách làm đầy bể chứa, nghĩa là chúng ta đang nói về những hoạt động mang đến cho bạn nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc hơn. Và khi bạn làm cạn bể chứa của mình, điều đó có nghĩa là những hoạt động lấy đi một hoặc nhiều hơn trong ba nguồn lực của bạn.

Bạn có thể nghĩ rằng, “Nhưng Noah à, anh vừa mới nói rằng tôi không thể có nhiều thời gian hơn. Vậy thì làm sao làm đầy bể chứa đồng nghĩa với việc tôi có nhiều thời gian hơn được?” Câu hỏi hay lắm. Sự thật là bạn không thể có nhiều thời gian hơn; nhưng bạn có thể tạo ra nhiều thời gian hữu ích hơn hoặc nhiều thời gian vô ích hơn. Thời gian hữu ích nghĩa là thực hiện những hoạt động hướng bạn đến những gì bạn muốn. Thời gian vô ích nghĩa là thực hiện những hoạt động không hướng bạn đến những gì bạn muốn, thậm chí khiến bạn ngày càng xa rời những gì bạn muốn.

Giả sử bạn nói bạn muốn giảm cân, nhưng suốt ngày bạn ngồi trên ghế sofa, ăn khoai tây chiên và xem ti-vi. Bạn đang sử dụng nguồn lực một cách không hiệu quả cho lắm, đúng không? Bạn không thể giữ nguyên trạng thái bởi vạn vật trên Trái đất đều dần lụi tàn; mọi thứ sẽ hư hỏng từ từ theo định luật vật lý entropy.

Đó là lý do tại sao hoặc là bạn đang tiến tới mục tiêu hoặc là không – hữu ích hoặc vô ích. Điều đó KHÔNG có nghĩa là bạn nên làm việc quần quật không nghỉ giờ nào. Thời gian hữu ích còn bao gồm Vùng Không Mục Tiêu nữa, chúng ta sẽ nói sau ở Bước 4.

Còn bây giờ, tôi muốn bạn liệt kê danh sách ở hai cột trên. Rất nhiều lần trong các buổi hội thảo của tôi khi mọi người thực hiện bước này, họ đều cảm thấy kinh ngạc trước khoảng thời gian mà họ đang dành cho các hoạt động làm cạn bể chứa. Hèn chi mà họ cảm thấy mình là kẻ thất bại.

Một khi bạn đã lấp đầy hai cột, hãy trả lời những câu hỏi sau:

BÀI TẬP: THIẾT LẬP HỆ THỐNG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA BẠN 1. Tôi đang đưa ra những lý do (lời biện hộ) nào cho việc không thực hiện các hoạt động ở cột A?

2. Vào thời điểm nào thì những lý do (lời biện hộ) đó không xác đáng?

3. Tôi có thể LÀM những hoạt động nào ở cột B (dứt điểm cho xong)?

4. Tôi có thể XÓA những hoạt động nào khỏi cột B (loại chúng đi cho rồi)?

5. Tôi có thể GIAO PHÓ những hoạt động nào ở cột B (để người khác làm) và cho ai?

6. Tôi có thể thực hiện những HÀNH ĐỘNG nào để sử dụng thời gian, năng lượng và tiền bạc hữu ích hơn – nhằm mục đích làm nhiều hơn những thứ làm đầy bể chứa và bớt đi những thứ làm cạn bể chứa?
Hành động mỗi ngày: Hành động mỗi tuần:

7. Tôi có trách nhiệm báo cáo với ai về những hoạt động này?

Cột A bao gồm những hoạt động mà bạn muốn làm nhiều hơn, những hoạt động làm đầy bể chứa của bạn. Đa số chúng ta sẽ nói rằng, “Tôi không thể, tôi không thể.” Vậy thì hãy trả lời tôi: Tại sao bạn không thể? Những lý do đều quy lại là, “Tôi không có thời gian, tiền bạc, hay năng lượng.” Chà, điểm thú vị là lúc nào chúng ta cũng quay về cách sử dụng ba nguồn lực của con người…

Hãy nhìn vào câu hỏi thứ hai – Vào thời điểm nào thì những lý do (lời biện hộ) đó không xác đáng? Bạn có để ý thấy tôi liên tục sử dụng từ biện hộ không? Vào thời điểm nào thì những lý do (lời biện hộ) đó không xác đáng? “Tôi không có thời gian.” ư? Bạn có thời gian đó chứ. Hãy nghĩ về điều đó. Chẳng ai có nhiều hay ít thời gian hơn bạn cả. Mọi người đều có cùng hai mươi bốn tiếng mỗi ngày, thậm chí cả Bill Gates cũng chưa tìm ra cách để làm chậm lại chu kỳ xoay của Trái đất (nhưng mà tôi nghe nói là ông ấy đang nghiên cứu vấn đề này đấy) .

Lần sau, nếu bạn nghe thấy bản thân mình nói rằng, “Mình không có thời gian,” thì tôi muốn bạn ý thức được rằng bạn vừa mới nói dối. Nói rằng bạn không có thời gian là một lời nói dối. Nếu bạn nói rằng, “Mình lựa chọn không làm điều đó,” hay “Đó không phải là ưu tiên của mình ngay lúc này” – à, bây giờ thì bạn đang nói thật.

Cho dù bạn có ý thức được nó hay không, bạn cũng đang đưa ra sự lựa chọn. Lựa chọn của bạn có thể hợp lý, hoặc Hình Ảnh Phản Chiếu Tiêu Cực có thể khiến bạn lựa chọn điều đó. Bạn cần phải tìm hiểu về vấn đề này.

Lấy ví dụ về lời biện hộ: “Tôi không có tiền.” Trên thực tế, sự thật là bạn có tiền, nhưng bạn đang lựa chọn phân bổ chúng vào những thứ khác ngay lúc này. Bạn có biết là bạn có thể sở hữu một chiếc xe hơi Rolls Royce ngay bây giờ không? Để tôi chỉ cho bạn cách.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỞ HỮU MỘT CHIẾC ROLLS ROYCE NGAY BÂY GIỜ?

Giả sử bạn đang sở hữu một căn nhà và mỗi tháng bạn phải trả tiền thế chấp. Số tiền trả góp hàng tháng cho chiếc Rolls Royce cũng bằng khoảng một tháng tiền nhà thế chấp. Điều đó có nghĩa là bạn thật sự có đủ tiền để chi trả cho một chiếc Rolls Royce ngay lúc này. Dĩ nhiên, vấn đề ở đây là nếu bạn chọn chiếc Rolls Royce, bạn có thể không đủ khả năng trả tiền nhà. Vì vậy, lúc đó bạn sẽ phải sống trong chiếc xe Rolls Royce của mình. Đây rõ ràng không phải là lựa chọn tốt nhất!

Điểm mấu chốt là bạn đang phân bổ tiền bạc ngay lúc này cho những thứ mà bạn ưu tiên hàng đầu: như thực phẩm, quần áo, và nhà cửa. Vì thế, mặc dù nhiều người không tin tôi khi tôi nói ra điều này, nhưng thật sự bạn có đủ tiền cho hầu hết những thứ trong danh sách của bạn.

BA CÁCH NÂNG CAO HIỆU SUẤT CÁ NHÂN Ở câu hỏi 3, 4 và 5, ta thấy rằng có ba việc bạn có thể làm với những hoạt động ở cột B: bạn có thể Làm chúng, Xóa chúng, hoặc Giao phó chúng. Tôi có thể làm gì? Tôi có thể xóa gì? Và tôi có thể giao phó gì?

Đây là ba việc – Làm, Xóa, Giao Phó – mà ta có thể làm với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống. Ở câu hỏi 3: Tôi có thể làm những hoạt động nào ở cột B (dứt điểm cho xong)?, đây là những hoạt động bạn muốn giảm thiểu và hoàn tất càng nhanh càng tốt, bao gồm tính toán tiền bạc, viết báo cáo hay bất kỳ hoạt động nào mà bạn cảm thấy chán ngắt. “Nghĩ tới thôi đã đủ mệt. Tôi không muốn làm việc này nữa, nhưng tôi sẽ dứt điểm cho xong.” Giống như việc uống thuốc hay đến gặp nha sĩ, đôi khi tốt nhất là làm một lần cho xong.

Câu hỏi 4 là: Tôi có thể XÓA những hoạt động nào khỏi cột B (loại chúng đi cho rồi)? “Tôi sẽ không làm việc này. Nhất định là không. Quên nó đi; tôi muốn dẹp nó sang một bên.” Đây là những thứ mà bạn muốn xóa.
Bây giờ, hãy nhìn sang câu hỏi số 5: Tôi có thể GIAO PHÓ những hoạt động nào ở cột B (để người khác làm) và cho ai? Đây chính là chìa khóa dẫn đến thành công tối đa với nỗ lực tối thiểu. Nhóm Ba Phần Trăm đã thành thạo kỹ năng ủy thác quan trọng này.

Nếu bạn thật sự muốn nâng cao hiệu suất cá nhân, hoạt động quan trọng nhất là giao phó. Tại sao thế? Bởi khi đó, bạn bắt đầu tăng mức hiệu quả lên gấp nhiều lần và tận dụng sức mạnh đòn bẩy trong cuộc sống. Đây là điều mà những người thành công, hạnh phúc đều làm. Những người thành công, hạnh phúc tận dụng sức mạnh đòn bẩy trong cuộc sống bằng cách giao phó.

Bạn có nghĩ rằng Donald Trump đi vòng vòng xây hết tòa nhà này đến tòa nhà khác không? Không hề. Ông ấy đi vòng vòng nói với mọi người, “Hãy làm cái này, cái này, và cái này,” với cái giọng New York đặc trưng của mình. Ông ấy là bậc thầy ủy thác. Tôi không nói chúng ta phải như Donald Trump; có thể đối với bạn, việc bạn cần giao phó là giặt ủi.

Tôi phát hiện việc giao phó là bước khó nhất cho hầu hết doanh nhân, bởi họ hoặc sẽ nói, “Tôi chẳng có ai để mà giao việc cả,” hoặc họ không tin tưởng bất kỳ ai có thể làm “tốt bằng họ”. Nếu đó là niềm tin của bạn, bạn vừa mới đăng ký lên Chuyến Xe Khổ Ải rồi đấy.

Ở câu hỏi số 6, hãy liệt kê những HÀNH ĐỘNG mà bạn có thể làm để sử dụng ba nguồn lực của mình một cách hữu ích hơn. Hãy liệt kê những hành động hàng ngày và hàng tuần mà bạn có thể thực hiện để sử dụng thời gian, tiền bạc và năng lượng của mình tốt hơn. Tại sao phải lập ra danh sách này? Để bạn có thể làm nhiều hơn những thứ bạn muốn làm và bớt đi những thứ bạn không muốn làm!

Câu hỏi cuối cùng để thiết lập Hệ Thống Các Hoạt Động của bạn là: “Tôi có trách nhiệm báo cáo với ai về những hoạt động này?” Bạn có thể chịu trách nhiệm trước một nhóm, hoặc chỉ cần một người. Bạn có thể nói như thế này, “Đây là những gì tôi sẽ làm. Tôi sẽ Làm, Xóa, và Giao Phó ở một mức độ cao hơn. Nếu bạn bắt gặp tôi không làm những điều này, tôi muốn bạn báo cho tôi biết ngay lập tức.” Hãy cho người đó quyền giám sát bạn.

Quá trình này được gọi là áp lực tích cực từ người khác; tức là đi nói với tất cả mọi người rằng bạn sẽ làm một điều gì đó tích cực. Nếu bạn không thực hiện điều bạn nói, mọi người sẽ biết, và bạn sẽ cảm thấy xấu hổ. Bởi không ai muốn xấu hổ cả (đó là một Lý Do Không Nên rất lớn), bạn sẽ phải hành động.

Trớ trêu là với mức độ chịu trách nhiệm cao hơn, bạn thật sự sẽ làm ít hơn và sở hữu nhiều hơn. Hãy nhớ, mục tiêu là vươn tới sự thành công tối đa với nỗ lực tối thiểu. Tôi không biết bạn thì sao, nhưng điều này nghe rất hợp lý với tôi.
HỆ THỐNG MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN Hệ Thống Hỗ Trợ thứ ba của bạn là Hệ Thống Môi Trường. Bạn sống trong hai môi trường – Môi Trường Bên Ngoài và Môi Trường Bên Trong. Môi Trường Bên Ngoài bao gồm Môi Trường Nhà Ở và Môi Trường Làm Việc; trong khi Môi Trường Bên Trong bao gồm Môi Trường Cảm Xúc và Môi Trường Tinh Thần.

BÊN NGOÀI BÊN TRONG Nhà Ở ~ Làm Việc Cảm Xúc ~ Tinh Thần CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA BẠN Môi Trường Bên Ngoài là môi trường vật chất mà bạn có thể nhìn thấy và chạm vào. Bạn không thể trực tiếp nhìn thấy Môi Trường Bên Trong của mình; bạn chỉ có thể nhìn thấy tác động của nó. Hãy nhớ, hai điều quyết định chất lượng cuộc sống của bạn chính là chất lượng giao tiếp của bạn với thế giới bên ngoài, và chất lượng giao tiếp của bạn với thế giới bên trong.

Chúng ta sống trong hai thế giới. Chúng ta trải nghiệm Môi Trường Bên Ngoài, nhưng ai là người trải nghiệm? Chính là bạn. Bạn là người trải nghiệm Môi Trường Bên Ngoài thông qua Môi Trường Bên Trong với những cảm xúc, linh hồn, tinh thần, và tâm trí của mình.

BƯỚC RA KHỎI VÙNG QUEN THUỘC Trong những buổi hội thảo, tôi hỏi mọi người, “Bao nhiêu người ở đây cảm thấy thói quen bừa bộn là một vấn đề trong cuộc sống?” Có khoảng 75% cánh tay giơ lên. Tại sao chúng ta lại khó chịu với sự bừa bộn? Mặc dù tôi có thể đưa ra cho bạn rất nhiều câu trả lời khác nhau ở bề mặt, nhưng chung quy lại, nó là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ buộc ta ở mãi trong Vùng Quen Thuộc. Có lẽ bạn đã nghe hàng triệu lần câu nói rằng bạn phải “bước ra khỏi vùng thoải mái”. Nhưng hãy thử cân nhắc điều này xem:

Giả sử bạn đang lái xe trên con đường đời với một chân đặt trên bàn đạp thắng. Bạn ý thức được mình đang kìm hãm bản thân và bạn không thích điều đó. Nếu không phải thế, bạn đã không đọc quyển sách này.
Bây giờ, câu hỏi của tôi đặt ra cho bạn là: Cảm giác đó có thoải mái không? Cảm giác đi trên con đường đời với một chân đặt trên bàn đạp thắng có thoải mái không?
Bạn và tôi đều biết rằng nó chẳng hề thoải mái chút nào. Trên thực tế, nó hoàn toàn KHÔNG thoải mái. Tuy nhiên, đó lại là cảm giác quen thuộc. Điểm mấu chốt ở đây là:
Bạn không cần phải bước ra khỏi vùng thoải mái – bởi “vùng thoải mái” đó không hề tồn tại.

Bạn cần thoát khỏi Vùng Quen Thuộc.

Có thể bạn đã quen với cảnh bừa bãi. Có thể bạn đã quen với việc giới hạn bản thân. Có thể bạn đã quen với việc tự cản trở mình tiến đến thành công. Rõ ràng là bạn đang như vậy. Nhưng chắc chắn là bạn không cảm thấy thoải mái cho lắm.
Mục đích của quyển sách và công việc giảng dạy của tôi là giúp bạn thoát khỏi Vùng Quen Thuộc khiến thành công cứ rời xa bạn, và giúp cho bạn làm quen, để cuối cùng là cảm thấy thoải mái với việc cho phép bản thân mình thành công ở mức cao nhất.

DỌN DẸP ĐỐNG BỪA BỘN Tôi hay nói rằng nếu có chuyển sang một công việc kinh doanh khác, đó sẽ là ngành cung cấp kho chứa hàng. Tại sao ư? Bởi con người ta bị ám ảnh với việc mua sắm đồ đạc! Và khi có quá nhiều đồ trong nhà, họ có bỏ chúng đi không? Không, họ mua thêm một kho chứa khác. Họ thậm chí không thể đưa xe vào trong ga- ra – chiếc xe tội nghiệp ấy phải đậu bên ngoài bởi đã có quá nhiều đồ chất trong ga-ra rồi. Nếu điều này nghe có vẻ quen thuộc với bạn, bạn không hề đơn độc!

Tại sao ta cần loại bỏ những thứ bừa bộn? Lý do cốt yếu là nếu bạn đang gặp những vấn đề hỗn loạn về vật chất hay cảm xúc – nghĩa là sự hỗn loạn nội tâm hoặc ngoại cảnh – thì bạn khó mà đón nhận điều tốt đẹp hơn. Đó còn là quy luật vũ trụ. Tôi không tự chế ra đâu; tôi chỉ đơn thuần cung cấp thông tin mà thôi.

Có bao giờ bạn để ý là khi dọn dẹp đồ đạc, bạn cảm thấy khá hơn không? Tôi biết là bạn để ý thấy điều này. Sau khi một trong những học viên của tôi dọn dẹp xong mớ lộn xộn trong Môi Trường Bên Ngoài và Môi Trường Bên Trong, cô cho biết công việc kinh doanh tăng trưởng gấp đôi chỉ trong vòng ba tuần!

Một khách hàng khác của tôi không thể nhìn thấy tấm thảm trong văn phòng mình bởi cô ấy có quá nhiều đồ đạc bày bừa khắp nơi. Sau khi dọn dẹp xong, cô kể có cả thảy mười bảy bịch rác trong một văn phòng nhỏ. Bạn đoán được gì không? Chỉ trong vòng ba mươi ngày, cô ấy kiếm được thêm kha khá tiền từ việc kinh doanh, đủ để thay tấm thảm cũ kỹ mà trước giờ cô không nhìn thấy.

Việc dọn dẹp đống bừa bộn thật sự hiệu quả. Hãy chấp nhận nó – và tận dụng nó để gặt hái lợi ích cao nhất.

BÀI TẬP: THIẾT LẬP HỆ THỐNG MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN

1. Những chướng ngại lớn nhất trong Môi Trường Nhà Ở của tôi là gì?

2. Những chướng ngại lớn nhất trong Môi Trường Làm Việc của tôi là gì?

3. Những chướng ngại lớn nhất trong Môi Trường Cảm Xúc của tôi là gì?

4. Những chướng ngại lớn nhất trong Môi Trường Tinh Thần của tôi là gì?

5. Tôi có thể thực hiện HÀNH ĐỘNG gì để dọn dẹp đống bừa bộn trong Môi Trường Bên Ngoài của mình?

6. Tôi có thể thực hiện HÀNH ĐỘNG gì để dọn dẹp đống bừa bộn trong Môi Trường Bên Trong của mình?

Câu hỏi về Hệ Thống Môi Trường 1 & 2 – Những chướng ngại lớn nhất trong Môi trường Nhà Ở và Làm Việc của tôi là gì?

Bạn có thể viết xuống mười, hai mươi trở ngại hoặc nhiều hơn. Hãy thành thật về những chướng ngại lớn nhất đang tồn tại trong Môi Trường Bên Ngoài của bạn. Trong Môi Trường Nhà Ở, nó có thể là cánh cửa kêu cọt kẹt, cái cửa sổ cần được thay mới. “Mấy bậc thang này thật choán chỗ. Tôi không thể bước vào ga-ra của mình.” Bất kể chướng ngại đó là gì – và bạn biết rõ chúng – hãy viết ra.

Còn Môi Trường Làm Việc thì sao? “Tôi không tìm thấy mớ hồ sơ giấy tờ của mình.

Tôi không có phần mềm làm việc phù hợp. Tôi không biết máy tính của tôi ở đâu.

Máy tính của tôi cũ quá rồi cứ hư lên hư xuống.”

Đống bừa bãi lộn xộn không chỉ là những thứ tạp nham hỏng hóc. Cũng có thể hiểu theo nghĩa là bạn cần những công cụ mà hiện giờ bạn còn thiếu. Liệu bạn có kỳ vọng xây một căn nhà đẹp chỉ với một cây búa, một cái tua-vít, và hai cây đinh không? Bạn cần phải có đầy đủ dụng cụ và nguyên liệu cần thiết để hoàn tất công việc.

Nếu bạn cần máy tính xách tay, phần mềm, nhân viên trợ lý, điện thoại mới, hay bất kỳ thiết bị nào khác, chúng cũng có thể là một số chướng ngại lớn nhất cản đường cản lối bạn. Hãy viết xuống những thứ bạn biết là bạn đang cần mà không có.

Giọng nói tiêu cực trong đầu bạn sẽ bảo rằng, “Mình không có tiền!” Bạn còn lạ gì nữa chứ? Cứ viết ra hết đã.

Câu hỏi về Hệ Thống Môi Trường 3 & 4 – Những chướng ngại lớn nhất trong Môi Trường Cảm Xúc và Tinh Thần của tôi là gì?

Hai thành phần lớn nhất trong cái đống hỗn độn cảm xúc là nỗi sợ hãi và sự oán giận. Sợ hãi thuộc về tương lai; oán giận thuộc về quá khứ.

Rất nhiều người nói chúng ta đặt một chân ở quá khứ, một chân ở tương lai, và bạn thừa biết chúng ta đang làm gì ở hiện tại. Những chướng ngại lớn nhất trong Môi Trường Cảm Xúc của bạn là gì?
Tiếp theo, hãy trả lời tôi đâu là chướng ngại lớn nhất trong Môi Trường Tinh Thần của bạn. Đối với hầu hết mọi người, đó chính là: Họ không tin phép mầu sẽ xảy ra với họ.
Tôi muốn bạn hãy bắt đầu tin rằng phép mầu cũng có thể xảy đến với bạn – mà không chỉ với những người khác. Tôi muốn bạn nhận ra rằng, không chỉ phép mầu xảy đến với bạn, mà sự thật: bạn là một phép mầu.
Bạn có biết sự sống là phép mầu tuyệt diệu đến nhường nào không? Nếu chúng ta luôn mang theo cảm giác tôn kính đó bên mình, bạn sẽ trải nghiệm và nhớ mãi phép mầu cuộc sống.
Giờ bạn đã xác định được những chướng ngại trong Môi Trường Bên Trong và Môi Trường Bên Ngoài. Bây giờ, chúng ta hãy cùng bàn về những hành động thích hợp để dọn dẹp đống lộn xộn này.
Câu hỏi về Hệ Thống Môi Trường 5 & 6 – Tôi có thể thực hiện HÀNH ĐỘNG gì để dọn dẹp đống bừa bộn trong Môi Trường Bên Trong và Bên Ngoài trong tuần này?

Nhiều người hỏi tôi, “Noah, tôi nên bắt đầu từ đâu – Bên Trong hay Bên Ngoài?” Tôi luôn bảo họ rằng, “Hãy bắt đầu từ bên ngoài.” Tôi biết điều này nghe có vẻ khác thường, bởi bạn sẽ trả lời, “Tôi muốn cảm thấy tốt đẹp hơn từ bên trong!” Đừng lo, bạn sẽ cảm thấy như thế.

Môi Trường Bên Ngoài gồm những thứ bạn có thể nhìn thấy và chạm vào. Trong trường hợp bạn chưa để ý, Môi Trường Bên Ngoài tác động rất lớn đến cảm xúc và tinh thần của bạn.

Bạn không tìm thấy mớ hồ sơ giấy tờ ư? Đồ đạc chất đống khiến bạn vướng chân? Thật bừa bộn hết sức. Bực bội lắm đúng không? Dĩ nhiên rồi. Bực bội là một cảm giác, và cảm giác là do một điều gì đó gây ra. Thế nên, khi bạn loại bỏ được nguyên nhân ngoại cảnh gây ra cảm giác đó, bạn sẽ thấy vui hơn.

Hãy sắp xếp ngăn nắp tủ quần áo, đống tài liệu, dọn dẹp sạch sẽ bàn làm việc và hộp thư điện tử. Quăng hết những món không còn giá trị sử dụng đi. Bạn thật sự không cần đến mấy bản sao kê tài khoản ngân hàng từ 20 năm trước đâu.
Bố tôi là một trường hợp điển hình. Cái gì ông cũng giữ lại. Tôi đã nói ông rất nhiều lần, “Bố à, làm gì mà bố còn cần đến mớ tài liệu từ năm 1972 nữa.” Ông vẫn không muốn bỏ đi, nhưng tôi đã khiến, à không, khuyến khích ông quăng nó đi. Và bạn biết sao không? Mỗi lần như thế ông đều cảm thấy dễ chịu hơn. (Còn tại sao ông không nhớ được cảm giác ấy lại là một chuyện bí ẩn.) Nhân tiện, thật tốt biết mấy khi nhờ một người bạn phụ dọn dẹp đống lộn xộn. Bạn còn nhớ Hệ Thống Con Người chứ? Nếu bạn cảm thấy không thể làm một mình, hãy nhờ vả bạn bè. Có thể là đứa con lớn của bạn, đứa mà lúc nào cũng ca cẩm, “Bố, mẹ, khi nào thì bố mẹ mới bỏ cái đống này đi đây?” Cũng có khi nhà của con bạn rất gọn ghẽ vì đồ của chúng đang nằm cả ở nhà bạn! Hãy gọi cho chúng và nói rằng, “Con yêu, mẹ sắp vứt mấy món đồ của con vào ngày thứ bảy này. Con có định ghé qua lấy vài thứ con còn muốn dùng không?”

Đừng nghĩ là bạn phải làm việc này một mình. Thật ra là tôi khuyến khích bạn không nên làm một mình. Hãy nhờ đến sự hỗ trợ cần thiết từ Gương Yêu Thương ở nhà và Neo Chuẩn Mực nơi công sở. Bạn đã nắm được thứ tự của hệ thống hiệu nghiệm này chưa?

Một ý cuối cùng: Môi Trường Bên Trong và Bên Ngoài của bạn không hề tĩnh lặng và đứng yên một chỗ, ngược lại nó cực kỳ năng động và sôi nổi. Chỉ vì bạn đã dọn dẹp đống lộn xộn trong tuần này không có nghĩa là bạn không phải tiếp tục dọn dẹp vào tuần kế tiếp. Một trong những giáo sư đại học của tôi, một Phật tử, đã nói, “Một nửa cuộc đời ta là dọn dẹp.” Bạn ăn tối xong, thì chén dĩa phải bẩn. Và bạn rửa sạch chúng. Hôm sau mọi thứ lại lặp lại. Đó chính là cuộc sống.

HỆ THỐNG NỘI QUAN CỦA BẠN Nội quan có nghĩa là “nhìn vào bên trong mình”. Tại sao điều này lại quan trọng? Rất đơn giản: Bạn cần phải xác định xem mình có đang đi đúng hướng để thành công hay không. Có thể bạn đang theo đuổi một thứ mà bạn không còn thật sự mong muốn, hay có thể bạn đang đi về hướng ngược lại nơi bạn muốn đến.

Thế giới là một nơi ồn ào, càng lúc càng ồn. Khi bạn tản bộ giữa thiên nhiên hữu tình hay trên bãi biển và lặng lẽ ngắm mây trời, bãi cát, cây cỏ, núi rừng, hay sông nước, có bao giờ bạn để ý cảm giác dễ chịu trong lòng không?
Tôi không có ý nói bạn phải lên núi hay đi dạo bãi biển mỗi ngày. Ý tôi là bạn cần cài đặt Hệ Thống Nội Quan vào cuộc sống, để nắm được mọi tiến trình đang diễn ra bên trong và bên ngoài bạn mỗi ngày.
BÀI TẬP: THIẾT LẬP HỆ THỐNG NỘI QUAN CỦA BẠN

1. Tôi có thể thực hiện HÀNH ĐỘNG gì ngày hôm nay để xem xét nội tâm?

2. Khi nào là lúc dễ dàng nhất để tôi thực hiện điều này?

3. Tôi đã gặt hái được thành công nào ngày hôm nay?

4. Tôi đã đạt được thành quả nào đáng tự hào ngày hôm nay?

5. Tôi có đang đi đúng hướng không? Liệu công ty/đội nhóm/sự nghiệp của tôi có đi đúng con đường mà tôi thật sự mong đợi?

6. Tôi có thể thực hiện HÀNH ĐỘNG nào để luôn đi đúng hướng?

Vâng, tôi biết bạn bận rộn. Vâng, tôi biết bạn có cả tỷ việc phải làm ngày hôm nay. Nhưng nếu KHÔNG suy xét nội tâm, nó có giúp bạn và cuộc sống của bạn dễ dàng hơn không?

Dù bạn có thích hay không thì Nhóm Ba Phần Trăm đều sắp xếp được thời gian để suy xét nội tâm mỗi ngày, và họ cũng bận rộn như bạn cả thôi. Có thể họ sẽ không ngồi thiền (mặc dù nhiều người trong số họ làm thế), nhưng họ chắc chắn có một hệ thống đang hoạt động để đảm bảo mình luôn đi đúng hướng.

HÃY LÀM ĐIỀU PHẢI LÀM Bạn có bao giờ để ý mọi thứ bạn phải làm trong ngày rốt cuộc cũng hoàn thành không? Lấy ví dụ, một ngày như mọi ngày, đột nhiên chuông điện thoại reo. Ai đó báo rằng bạn thân của bạn đang trong phòng cấp cứu và bạn phải đến ngay. Liệu bạn có nói, “Xin lỗi, tôi bận quá” không? Hay bạn sẽ bỏ tất cả để chạy ào vào bệnh viện?

Liệu việc “đến bệnh viện” có nằm trong danh sách những việc cần làm của bạn hôm nay không? Dĩ nhiên là không! Nhưng Lý Do Nên của việc có mặt tại bệnh viện chiến thắng Lý Do Không Nên, và bạn hành động dựa trên thứ tự ưu tiên này.
Đừng đợi đến khi khẩn cấp rồi mới quan tâm chăm sóc những thứ quan trọng như bản thân bạn hay sự bình an trong tâm hồn bạn. Đa số mọi người đều ngồi chờ cuộc sống diễn ra, để rồi tự hỏi tại sao mình không hạnh phúc, cũng chẳng thành công. Nếu bạn không thiết lập Hệ Thống Nội Quan, cái đống thông tin rối rắm và những việc phải làm có thể khiến cả những người bình an nhất choáng ngợp.

Các bài tập Suy Xét Nội Tâm Hàng Ngày có thể bao gồm: Viết nhật ký Ngồi thiền Cầu nguyện Đọc sách thánh hiền Tản bộ giữa thiên nhiên Làm vườn Đây đều là những HOẠT ĐỘNG mang tính suy ngẫm bởi chúng cho phép bạn nhìn nhận tâm hồn mình và kết nối với Bản Chất Đích Thực của bạn.

Bạn có thể làm gì để cho phép bản thân nghe được giọng nói nhỏ nhẹ, lặng lẽ trong tâm ấy? Đó chính là Bản Chất Đích Thực của bạn. Hệ Thống Nội Quan sẽ cho phép bạn kết nối lại với trực giác, bản ngã, hay bất kỳ thứ gì bạn muốn gọi tên. Nó là một phần trong tất cả chúng ta.

Chúng ta ai cũng từng có một linh cảm nào đó, và rồi mọi sự xảy ra đúng y như vậy. Nhưng có bao nhiêu lần điều ngược lại đã xảy ra? Bạn làm một việc gì đó, nhìn lại các dữ kiện và kết luận, “Mình đã biết là không nên làm việc này mà!” Tất cả chúng ta đều từng như vậy. Đó là lý do ta cần tăng cường sự kết nối với Bản Chất Đích Thực – để có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn tại những thời điểm quyết định.

CÔNG NHẬN THÀNH CÔNG CỦA BẠN Bên cạnh việc công nhận người khác (Hệ Thống Con Người), bạn cũng cần học cách công nhận thành công của chính mình. Hầu hết chúng ta đều làm điều hoàn toàn trái ngược và dằn vặt bản thân vì những gì ta không làm. Chúng ta nhìn vào danh sách việc phải làm của mình rồi than, “Ôi, mình đã không làm cái này, không làm cái kia.” Thay vào đó, hãy công nhận những gì bạn đã làm.

Con người tìm thấy nguồn động lực từ thành công, không phải từ thất bại.

Nếu bạn thật sự muốn động viên khích lệ bản thân bằng những điều tích cực, mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy công nhận những gì bạn đã làm đúng trong ngày hôm đó. Thật vậy, bạn đã làm rất nhiều điều đúng đắn ngày hôm nay! Hãy viết ra, suy ngẫm, và tập trung vào những điều đó.

Những gì bạn dành sự quan tâm chú ý sẽ ngày càng phát triển. Hầu hết chúng ta đều trách móc bản thân về những gì mình đã làm “sai”. Nhưng nếu mải bận tâm đến những thứ bạn không có, chưa có, và đã làm “sai”, đoán xem bạn sẽ nhận lại được gì? Tại sao không làm điều bạn vẫn đang làm, nhưng dùng nó để mang lại lợi ích cho chính mình thay vì hành hạ bản thân như vậy?

Chính những thành tựu nhỏ tạo nên sự khác biệt lớn. Hãy công nhận những gì bạn đã làm được, chẳng hạn như, “Mình đã gọi xong cú điện thoại tế nhị đó. Mình đã hoàn thành bản tin định kỳ. Mình đã giữ liên lạc với khách hàng tiềm năng này. Mình đã tổ chức buổi họp ngày hôm nay.”

Bạn không thể kiểm soát kết quả, nhưng bạn có thể làm chủ HÀNH ĐỘNG của mình. Bạn không thể kiểm soát liệu một người nào đó sẽ mua hàng của bạn hay liệu bạn có được thăng chức hay hàng tỷ thứ khác. Nhưng, bạn có thể làm chủ những việc bạn làm để tác động lên những điều đó, và cách bạn phản ứng với điều vừa xảy ra.

Ngay cả khi mọi người nói “không”, hãy cứ kiên định bước tới – bởi đó là cách của những người thành công.

HỆ THỐNG ĐƠN GIẢN HÓA CỦA BẠN Khi chúng ta nhìn vào bốn hệ thống trước – Con Người, Hoạt Động, Môi Trường và Nội Quan – chúng đều dẫn đến một kết luận tự nhiên và logic: nhu cầu Đơn Giản Hóa.
Như tôi đã từng đề cập, thế giới ngày càng ồn ào và hỗn tạp. Chúng ta không sống trong Thời Đại Thông Tin; chúng ta đang sống trong Thời Đại Quá Tải Thông Tin. Có quá nhiều thông tin: quá nhiều thứ chi phối, quá nhiều kênh đài, quá nhiều email. Trớ trêu thay, khi chúng ta có quá nhiều lựa chọn trong cuộc sống, mức độ stress của ta cũng tăng theo, bởi ta phải chịu thêm áp lực khi phải lựa chọn sao cho “đúng”!

Tôi muốn bạn viết câu sau thật to thật rõ, và đặt chúng trên bàn nơi bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày:

ĐƠN GIẢN HÓA CUỘC SỐNG, HỆ THỐNG HÓA CÔNG VIỆC Giả sử bạn đang lái xe trên đường cao tốc và quyết định kiếm thứ gì đó bỏ bụng. Bạn nhìn thấy cánh cổng vòm màu vàng và tấp vào cửa hiệu McDonald’s. Bạn bước vào gọi một phần Big Mac. Liệu nhân viên bán hàng 15 tuổi đứng đằng sau quầy có nói rằng, “Ồ, xin chờ một chút. Để tôi xem lại cách làm một Big Mac đã.” không?

Dĩ nhiên, nhân viên phục vụ ở các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh thường rối tung rối mù, nhưng quy trình của nó thì được hệ thống hóa và đơn giản hóa. Làm sao ta biết nó đơn giản và được sắp xếp hợp lý? Bởi kết quả cho ra đều giống nhau dù bạn có đi đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới – và đây thường là công việc đầu tiên của các nhân viên trong tiệm. Trong khi bạn có thể tranh cãi về chất lượng thức ăn, bạn khó mà có thể nghi ngờ về sự thành công của một dây chuyền sản xuất đã được hệ thống hóa như thế.

Mọi công ty và tổ chức thành công đều được hệ thống hóa. Ngược lại, những cá nhân, đội nhóm, phòng ban, công ty và tổ chức nào chưa hệ thống hóa đều không hoạt động với năng suất hoặc tiềm năng cao nhất.

Bạn có thể thực hiện điều này cho cuộc sống của mình và chắc chắn bạn có thể thực hiện điều này cho công việc của mình. Xuất phát điểm để Đơn Giản Hóa chính là quá trình ủy thác.
BÀI TẬP: THIẾT LẬP HỆ THỐNG ĐƠN GIẢN HÓA CỦA BẠN

1. Tôi muốn giao phó những công việc nào tôi đang thực hiện cho một người nào khác?

2. Tôi muốn ủy thác những công việc đó cho ai?

3. Phần lợi của tôi trong việc ủy thác này là gì?

4. Phần lợi của họ là gì?

5. Phần lợi lớn hơn cả là gì?

6. Tôi có thể thực hiện những HÀNH ĐỘNG gì để giao phó công việc ngày hôm nay nhiều hơn ngày hôm qua?

Có thể bạn sẽ nói, “Nhưng mà Noah, tôi chẳng có ai để giao phó công việc cả!” Vâng, tôi đã nghe câu nói này cả tỷ tỷ lần rồi. Trong một khoảng thời gian dài, tôi cũng chẳng có ai để mà ủy thác với giao phó. Đối với tôi, nội cái việc đọc hết 2.517 email mỗi ngày đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, mà còn làm cạn bể chứa của tôi nữa. Sau khi xác định được phần lợi của tôi, phần lợi của họ, và phần lợi lớn hơn cả, cuối cùng tôi đã có thể giao phó công việc đó, và hiệu suất làm việc của tôi tăng vọt.

THẮNG LỢI X THẮNG LỢI X THẮNG LỢI = THẮNG LỢI3 Có lẽ bạn đã từng nghe nói đến khái niệm Hai Bên Cùng Thắng, nghĩa là Tôi Thắng và Bạn Thắng, hay là lợi ích chung. Nhưng còn có một cấp bậc thỏa thuận khác cao hơn mà tôi gọi là Thắng Lợi Lũy Thừa Ba – Thắng Lợi3. Thắng Lợi Lũy Thừa Ba tương đương với Thắng Lợi nhân Thắng Lợi nhân Thắng Lợi. Có nghĩa là Tôi Thắng, Bạn Thắng, và

Thế Giới Thắng. Những nhà lãnh đạo thật sự không chỉ tập trung vào Thắng Lợi của mình và của người khác, họ còn tập trung vào Thắng Lợi cho thế giới nữa. Có bao giờ bạn để ý thấy con người sẽ làm nhiều hơn, và sẵn sàng hơn, khi họ tin rằng họ đang góp phần vào một mục đích cao hơn, một lý tưởng xa hơn hay một thứ gì đó lớn hơn bản thân họ không?

Có lẽ bạn đã từng chứng kiến điều này trong cuộc sống của mình và của những người xung quanh. Tại sao bạn lại xung phong tình nguyện? Tại sao bạn làm từ thiện? Đó là bởi bạn muốn cảm thấy mình đang góp phần vì một mục đích vĩ đại (bạn có nhớ cảm giác thấy mình quan trọng và có đóng góp mà tôi đã nói không?). Có thể bạn không tin, nhưng bạn đang làm điều tương tự trong công việc và cuộc sống của bạn đấy.

Những người mà tôi làm việc cùng tại The Success Clinic biết rằng chúng tôi đang mang lại một điều gì đó lớn hơn tất thảy chúng tôi, bởi công việc này cho phép chúng tôi tác động đến cuộc sống của hằng hà sa số người trên khắp thế giới. Công việc của tôi, dưới danh nghĩa là người sáng lập công ty, là truyền tải tầm nhìn đó cho những người làm việc với tôi, bởi họ không thể nào hiểu được điều này bằng cách tự tìm hiểu hay đọc suy nghĩ của tôi.

Bạn, với tư cách là lãnh đạo nhóm, phòng ban, hay tổ chức, cũng có thể làm như vậy. Bạn có thể giao tiếp về phần lợi lớn hơn với những người bạn làm việc chung và những người bạn ủy thác, bởi càng hiểu về điều này, họ sẽ càng đồng tâm hiệp lực trong mọi việc họ làm.

Lấy ví dụ, sứ mệnh của The Success Clinic được gói gọn trong một câu:

Chúng tôi đang tạo nên một quốc gia và thế giới của những Gương Yêu Thương.

Nếu bạn cảm thấy hứng thú với điều đó, chúng tôi chào mừng bạn gia nhập. Nếu không, đồng nghĩa với việc bạn không phải là người phù hợp.

Nếu bạn nói, “Chà, tôi chỉ muốn nhận lương mà thôi,” thì tôi xin thẳng thắn nói rằng bạn sẽ không thấy vui khi làm việc cùng chúng tôi đâu. Muốn nhận lương rồi về nhà chẳng có gì sai cả. Vấn đề ở chỗ là nhóm chúng tôi gồm những người hào hứng với việc giúp đỡ hàng triệu người khác và nâng cao ý thức của thế giới này. Nếu muốn thành công hơn, bạn cần truyền đạt tầm nhìn của mình rõ ràng như thế.

TÔI THẮNG, BẠN THẮNG, THẾ GIỚI THẮNG Lấy ví dụ đơn giản như đọc email ở trên, tôi biết rõ là mình muốn ủy thác công việc nào (Câu Hỏi Đơn Giản Hóa 1). Vấn đề là tôi chưa có ai để giao phó công việc đó cả (Câu Hỏi Đơn Giản Hóa 2).
Tôi biết phần lợi của tôi là giành lại phần lớn thời gian trong ngày mà tôi đang dành cho những email vô ích (Câu Hỏi Đơn Giản Hóa 3) . Tôi có cảm giác như hàng giờ đồng hồ trong ngày của mình đang bị cướp đi một cách trắng trợn. Chưa kể, tôi còn kiệt sức và bực bội sau khi cố gắng đọc hết đống email đó. Tôi biết là bạn cũng hiểu cảm giác này! Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những công việc đang rút cạn thời gian và năng lượng của chúng ta.

Vậy nên phần lợi của tôi đã quá hiển nhiên và rõ ràng. Sau đó, tôi xác định phần lợi của họ (Câu Hỏi Đơn Giản Hóa 4), mặc dù lúc đó tôi chưa có ai cả. Tôi đơn giản nhận ra rằng, với công việc đọc email, phần lợi của người trợ lý mới (dù cho cô ấy là ai) sẽ là: được trả lương. Thậm chí trước khi tìm ra cô ấy, tôi đã xác định rằng nhận được mức lương tốt đồng nghĩa với việc cô ấy có lợi.

Thứ hai, do không cần phải đọc tất cả những email rác đó nữa, tôi sẽ thật lòng cảm kích cô ấy. Tôi nhớ rằng hầu hết mọi người sẽ làm nhiều hơn để nhận được sự trân trọng hơn là tiền bạc – mặc dù trong trường hợp này, cô ấy nhận được cả hai.
Cuối cùng, tôi xác định phần lợi lớn hơn cả (Câu Hỏi Đơn Giản Hóa 5). Bởi trợ lý mới của tôi sẽ góp phần vào việc giúp tôi hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn, cô ấy cũng sẽ biết rằng bây giờ chúng tôi có khả năng giúp đỡ nhiều người hơn và tạo nên sự khác biệt lớn hơn cho thế giới. Chính vì vậy, khi tôi ủy thác một công việc tưởng chừng vô thưởng vô phạt như email, thời gian của tôi đã được giải phóng, và cô ấy nhận được cảm giác quan trọng và có đóng góp, rồi toàn thế giới cũng có lợi.

Trong khi bạn có thể nghĩ rằng tất cả những điều này nghe có vẻ đao to búa lớn, nhưng dù thế nào đi nữa thì nó cũng có tác dụng. Là một nhà lãnh đạo, bạn phải giao tiếp cả ba phần lợi với bản thân bạn và nhóm của bạn. Trách nhiệm của họ không phải là quyết định phần lợi của họ hay phần lợi lớn hơn. Những người thành công và hạnh phúc giao tiếp cả ba phần lợi này, dù cho họ có nhận thức điều này hay không. Đó là lý do vì sao họ có quá nhiều thứ mà những người còn lại trên thế giới mong muốn.

Bạn không cần phải là một diễn giả tài ba hay một nhà hùng biện; nhưng nếu bạn muốn tận hưởng thành công tối đa với nỗ lực tối thiểu, bạn cần hiểu và giao tiếp một cách hiệu quả cả ba phần lợi này, không chỉ với người khác mà còn với cả chính bản thân bạn.

Giàu có đích thực còn hơn cả việc nhận được số tiền lương hậu hĩnh. Trong khi việc muốn và nhận được nhiều tiền hơn không có gì sai cả, nhưng giàu có đích thực nghĩa là bạn giúp đỡ được thêm nhiều người, tác động đến cuộc sống của nhiều người hơn, và góp phần cải thiện thế giới. Đó là lý do tại sao Đơn Giản Hóa Cuộc Sống và Hệ Thống Hóa Công Việc – và thiết lập tất cả 5 Hệ Thống Hỗ Trợ thiết yếu – sẽ cho phép bạn tận hưởng hạnh phúc và giàu sang hơn với nỗ lực ít hơn rất nhiều.

TÓM TẮT NHANH

1. Có 5 Hệ Thống Hỗ Trợ thiết yếu cần phải vận hành hiệu quả để bạn có thể tận hưởng hạnh phúc và thành công. Cũng như căn nhà và cơ thể bạn, nếu những hệ thống này không hoạt động ở mức tối ưu, bạn sẽ không hài lòng với kết quả đạt được.

2. Năm Hệ Thống Hỗ Trợ là: Con Người, Hoạt Động, Môi Trường, Nội Quan, và Đơn Giản Hóa. Nếu một hay nhiều hệ thống này không hoạt động ở mức tối ưu, thành công và sự bình an trong tâm hồn bạn sẽ bị giới hạn rất nhiều.
3. Hệ Thống Con Người của bạn bao gồm khả năng Công Nhận, Yêu Cầu, Chấp Nhận, Chịu Trách Nhiệm, và Đặt Câu Hỏi Trao Quyền.

4. Hệ Thống Hoạt Động nghĩa là làm nhiều hơn những việc làm đầy bể chứa của bạn và giảm bớt những việc làm cạn bể chứa của bạn.

5. Hệ Thống Môi Trường nghĩa là dọn dẹp sạch sẽ những đống bừa bộn trong Môi Trường Bên Trong và Môi Trường Bên Ngoài của bạn.

6. Hệ Thống Nội Quan nghĩa là thực hiện những hoạt động suy ngẫm hàng ngày – như ngồi thiền, cầu nguyện, viết nhật ký – nhằm giúp bạn đi đúng hướng tới những gì bạn thật sự mong muốn.
7. Hệ Thống Đơn Giản Hóa nghĩa là Đơn Giản Hóa Cuộc Sống và Hệ Thống Hóa Công Việc. Đơn giản hóa và hệ thống hóa là dấu hiệu phân biệt những người giàu có đích thực và thành công tột bậc. Khi bạn thiết lập cả 5 Hệ Thống Hỗ Trợ thiết yếu ở mức độ tối ưu nhất trong cuộc sống và công việc, bạn sẽ tận hưởng thành công và hạnh phúc hơn nhưng lại tốn ít thời gian, tiền bạc và nỗ lực hơn bao giờ hết.

Hành động tiếp theo: Hãy liệt kê ba điều mà bạn có thể thực hiện từ chương này trong vòng 7 ngày tới để thiết lập 5 Hệ Thống Hỗ Trợ trong cuộc sống và công việc của bạn.
1.

2.

3.

MƯỜI CÂU HỎI TRAO QUYỀN CHO BƯỚC 3:

1. Tại sao mình có nhiều sự hỗ trợ trong cuộc sống?

2. Tại sao các nhà lãnh đạo được mình thu hút đến thế?

3. Tại sao mình chịu trách nhiệm thực hiện những việc làm đầy bể chứa?

4. Tại sao mình sử dụng năng lượng hiệu quả như vậy?

5. Tại sao mình yêu thích việc bỏ đi những thứ không còn phù hợp với Con Người Thật Của Mình nữa?

6. Tại sao mình thích giữ cho Môi Trường Bên Ngoài sạch sẽ?

7. Tại sao mình thích giữ cho Môi Trường Bên Trong thoáng đãng?

8. Tại sao mình lắng nghe trực giác khi đưa ra những quyết định lớn?

9. Tại sao mình chịu trách nhiệm cho việc đơn giản hóa cuộc sống?

10. Tại sao mình tận hưởng việc đơn giản hóa cuộc sống và hệ thống hóa công việc?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.