Thành Công Không Còn Là Bí Mật

Chương 8 : Bước 5 – Bạn Đang Cố Gắng Bảo Vệ, Trừng Phạt, Hay Làm Hài Lòng Ai?



“Đừng nung lò lửa dành cho kẻ thù nóng đến mức nó khiến bạn bị cháy xém.”

– WILLIAM SHAKESPEARE ĐI TÌM LÝ DO CỦA BẠN ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” CỦA BẠN BẠN ĐANG CỐ BẢO VỆ AI?

VÙNG KHÔNG CÓ MỤC TIÊU & PHẪU THUẬT THAY THẾ MỤC TIÊU HỆ THỐNG HỖ TRỢ GƯƠNG YÊU THƯƠNG VÀ NEO CHUẨN MỰC CÂU HỎI TRAO QUYỀN

Barbara đã bỏ ra hàng chục ngàn đô- la và nhiều năm trời để tiến lên nấc thang thành công. Cô ấy là người thông minh, hóm hỉnh, tràn đầy động lực và đang làm việc trong một công ty bán hàng trực tiếp chuyên cung cấp những chương trình đào tạo kỹ năng rất có chất lượng. Với kinh nghiệm gần 10 năm trong vai trò nhân viên phát thanh, Barbara rõ ràng không hề ngại ngùng khi nói chuyện với người khác. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, cô vẫn không thể chạm đến mức thành công mà cô biết mình hoàn toàn có khả năng đạt được.

BẠN ĐANG CỐ GẮNG BẢO VỆ AI?

Có lẽ một trong những lý do tiềm ẩn thuộc về tiềm thức khiến chúng ta tự cản trở mình tiến đến thành công là ta đang cố gắng bảo vệ một người nào đó khỏi tác hại do thành công của mình gây nên một cách vô thức. Tôi biết đây là một trong những câu nói lạ lùng nhất trong quyển sách này. Tuy nhiên, hiện tượng này đang ảnh hưởng hàng triệu người cả nam lẫn nữ, và gần như tất cả đều không nhận thức được điều đó.

Lấy ví dụ khi tôi hỏi Barbara: “Chị đang cố gắng bảo vệ ai tránh khỏi tác hại của việc chị thành công hơn?”, thì mọi chuyện dần sáng tỏ, Barbara muốn bảo vệ chồng mình. Lần đầu tiên cô phát hiện ra rằng, cô sợ nếu mình thật sự thành công ở mức độ mà cô biết mình có thể, thì cái tôi của người chồng có thể bị tổn thương. Nếu anh ấy không còn yêu cô nữa thì sao? Nếu anh ấy rời xa cô thì sao?

Bạn có thấy những nỗi sợ tiềm ẩn này tạo nên một Lý Do Không Nên rất lớn không?

Lẽ tự nhiên, Barbara không ý thức được mình đang kìm hãm bản thân, nên cô ấy hoàn toàn không biết tại sao mình làm điều này. Thế nên, việc cố gắng bảo vệ một người nào đó khỏi những tác động từ thành công của bạn là một trong những Lý Do Không Nên khó xử lý nhất.

Nỗi sợ của Barbara đại khái là: “Không biết ông xã có ganh tỵ với thành công của tôi không? Nếu anh ấy không trân trọng những gì tôi làm thì sao? Lỡ tôi quá thành công và anh ấy rời bỏ tôi thì sao?” Một lần nữa, cô không biết trong đầu mình đang lẩn quẩn những suy nghĩ đó; cô chưa nhận ra giọng nói tiêu cực của mình. Tuy nhiên, nó vẫn ở đó và đang tước đi thành công khỏi tay cô với mục đích bảo vệ ông chồng; và chung quy là để bảo vệ cô tránh khỏi nỗi đau bị bỏ rơi.

BÀI TẬP: BẠN ĐANG CỐ GẮNG BẢO VỆ AI?

NGƯỜI TÔI ĐANG CỐ GẮNG BẢO VỆ LÀ AI TẠI SAO ĐIỀU NÀY ĐÃ GIÚP ÍCH CHO TÔI NHƯ THẾ NÀO

Bạn hãy nhìn vào ba cột trên. Cột đầu tiên, “Người tôi đang cố gắng bảo vệ là ai?”

Ở ví dụ của Barbara thì, “Tôi đang cố gắng bảo vệ chồng mình khỏi cảm giác tổn thương khi tôi thành công hơn anh ấy.”

Cột thứ hai đơn giản là lý do “Tại sao?” Tại sao bạn lại làm điều ấy? Câu trả lời của Barbara là: “Bởi tôi sợ anh ấy sẽ ghen tỵ rồi rời xa tôi nếu tôi thành công hơn anh ấy.”
Cuối cùng, hãy viết ra việc cố gắng bảo vệ người đó giúp ích được gì cho bạn. Câu trả lời của Barbara đại loại như: “Nếu tôi không thành công, tôi không phải sợ việc chồng mình ghen tỵ với mình. Anh ấy đâu có lý do gì để mà ghen tỵ nếu tôi không thành công. Vì vậy, tôi sẽ tự giới hạn mình để bảo vệ bản thân và anh ấy.”

Tôi biết điều này thật lạ lùng và phi logic, nhưng cũng giống như ngài Spock đã nói trong bộ phim Star Trek (Du Hành Giữa Các Vì Sao), “Điều gì khiến bạn nghĩ con người là giống loài biết tư duy logic?”

Bạn cũng có thể đang cố gắng bảo vệ gia đình mình khỏi những tác động từ những thành quả mà bạn đạt được. Suy nghĩ trong tiềm thức của bạn diễn ra như sau:

“Noah à, nếu tôi quá thành công mà phải ở xa con cái thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bắt đầu thành công rực rỡ và cứ đi công tác suốt? Tôi có thể bỏ lỡ trận thi đấu bóng đá, buổi biểu diễn ba- lê của con mình, nhất là những khoảnh khắc được thấy con lớn lên từng ngày.”

Tôi hoàn toàn thông cảm với bạn; và khi đặt vấn đề theo hướng đó, bạn có thấy việc bạn né tránh thành công là rất hợp lý không? Vậy việc làm đó giúp ích được gì cho bạn? Câu trả lời là: Nếu bạn không quá thành công, bạn sẽ có thời gian ở cạnh gia đình mình.

Tôi không có đang định nghĩa thành công cho bạn. Tôi cũng không có ý nói rằng nếu chưa thành triệu phú nghĩa là bạn chưa thành công. Đó không phải là chuyện của tôi, mà cũng chẳng liên quan đến ai cả. Đó là lựa chọn của bạn.
Tôi không quan tâm bạn lái xe gì, ở đâu, nhà bạn to cỡ nào, hay bạn kiếm được bao nhiêu tiền. Tôi nói những điều này một cách rất thật lòng.

Ý tôi muốn bạn là người ra quyết định – chứ không phải Hình Ảnh Phản Chiếu Tiêu Cực của bạn! Một khi bạn đã nhấc chân khỏi bàn đạp thắng, và lèo lái cuộc đời theo hướng bạn thật sự muốn đi, đó là khi bạn được phép trở thành con người và làm những gì mà bạn – chứ không phải giọng nói tiêu cực của bạn – lựa chọn. Đó là sự khác biệt rất lớn và căn cơ mà bạn có thể tạo ra cho bản thân mình.

BẠN ĐANG TÌM CÁCH TRỪNG PHẠT AI?

Điều này thật lạ lùng đúng không? Tại sao chúng ta lại tìm cách trừng phạt ai đó bằng cách hạn chế thành công của mình cơ chứ? Cho phép tôi đưa ra ví dụ.

Lúc còn ở độ tuổi hai mươi, và đang sinh sống ở Hollywood, tôi nhớ một ngày nọ tôi nhận ra mình giận cha mẹ mình ghê gớm, bởi cách họ ủng hộ tôi không giống những gì tôi trông đợi. Cũng hôm ấy, tôi phát hiện ra bao nhiêu năm qua, tôi đang tìm cách trừng phạt họ, một cách vô thức!

Để giúp bạn hiểu rõ hơn, tôi xin chia sẻ cái “tư duy logic” trong đầu tôi khi ấy: “Mình giận bố mẹ vì bố mẹ không làm những gì mình muốn. Vậy nên mình sẽ trừng phạt bố mẹ bằng cách không thành công, để bố mẹ không thể chỉ vào mình và nói rằng bố mẹ đã làm tốt công việc nuôi dưỡng mình. Haha! Mình sẽ chứng minh cho mà xem!”

Tôi được gì từ việc này? Rất đơn giản. Tôi ôm lấy nỗi tức giận và không bao giờ bước ra khỏi Vùng Quen Thuộc. (Trong trường hợp bạn đang thắc mắc liệu lúc ấy tôi có đang hạnh phúc và thành công không thì… à… dĩ nhiên là không!) Tôi muốn bạn viết câu nói này bằng chữ in hoa và đặt nó trên bàn của bạn:

SỨC MẠNH CỦA CÂU “MÌNH SẼ CHỨNG MINH CHO MÀ XEM!”

Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của câu “Mình sẽ chứng minh cho xem.” Bảy từ đơn giản ấy đã khiến nhiều người thất bại hơn bất kỳ thứ gì trên đời. Trớ trêu thay, cũng chính bảy từ ấy lại truyền động lực cho nhiều người thành công hơn bất kỳ thứ gì trên đời. Tại sao lại thế? Bởi vì: “Bọn họ nói rằng mình không làm được. Được rồi! Mình sẽ chứng minh cho mà xem!”

Mary Kay Ash gần như bị tất cả mọi người nói rằng cô không thể làm được. Nhân viên kế toán và luật sư đều cho là cô bị điên khi muốn mở một công ty mỹ phẩm vào năm 1963. Mọi người xung quanh đều bảo rằng cô sẽ mất hết mọi thứ. Như chưa hết thử thách, chỉ vài ngày trước ngày khai trương, chồng cô đột ngột qua đời. Tuy nhiên, Mary Kay tìm thấy nghị lực từ câu: Mình sẽ chứng minh cho mà xem! Ngày nay, công ty của cô thu về mỗi năm hơn 5 tỷ đô- la. Tôi nghĩ cô ấy đã thật sự làm cho mọi người sáng mắt ra.

Bạn có thể nghĩ được hàng chục ví dụ về những người thành công đã nhờ câu nói ấy mà vươn lên trong khi tất thảy đều bảo rằng họ không thể làm được. Khi ai đó kết luận, “Bạn sẽ không bao giờ làm được đâu,” bạn sẽ cảm thấy nản chí hoặc có thêm động lực phấn đấu hơn. Người ta có thể phá lên cười khi bạn ngồi vào chiếc đàn piano, hoặc phát bóng chày, hoặc mở công ty riêng… và điều đó khiến bạn có thái độ “Mình sẽ chứng minh cho mà xem!”

Bây giờ, bạn có thể tận dụng sức mạnh của câu “Mình sẽ chứng minh cho mà xem!” Đừng dùng câu nói này để than thân trách phận hay giới hạn bản thân mình. Hãy dùng nó để cho phép bạn thành công. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của câu “Mình sẽ chứng minh cho mà xem!” BÀI TẬP: BẠN ĐANG TÌM CÁCH TRỪNG PHẠT AI?

NGƯỜI TÔI ĐANG TÌM CÁCH TRỪNG PHẠT LÀ AI TẠI SAO ĐIỀU NÀY ĐÃ LÀM TỔN THƯƠNG HỌ NHƯ THẾ NÀO BẠN ĐANG TÌM CÁCH LÀM HÀI LÒNG AI?

Bây giờ, chúng ta hãy cùng xem xét lý do thứ ba trong tiềm thức khiến mọi người tự giới hạn bản thân – đó chính là nhu cầu trong tiềm thức muốn làm vừa lòng người khác bằng cách thành công hoặc không thành công. Đây là câu hỏi duy nhất mà bạn có thể thành công hoặc không thành công bằng cách cố gắng làm thỏa mãn người khác. Với hai câu hỏi trước, bạn đang cố gắng bảo vệ hoặc trừng phạt bản thân hoặc người khác bằng cách tránh né thành công. Tuy nhiên, với câu hỏi này, bạn có thể đang cố gắng làm vui lòng người khác bằng cách thành công hoặc không cho phép bản thân mình thành công.

Lấy ví dụ, nhiều học viên của tôi, những người đã trở nên giàu có nhưng lại không hạnh phúc, nói với tôi rằng họ đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để thành công để nhận được sự chấp thuận từ người khác, thường là cha mẹ họ. Còn một số học viên khác gạt thành công sang một bên để không làm phiền lòng một ai đó.

Câu hỏi mấu chốt cho cả hai trường hợp trên là: Bạn đang lo sợ điều gì? Nếu thành thật với chính mình, bạn có thể nhận ra mình lo sợ không được người khác chấp nhận, hoặc sợ thế giới ngoài kia nhìn bạn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm.
Người ta có thể nói bất cứ điều gì họ muốn, và thường là thế thật. Nhưng câu hỏi tôi đặt ra cho bạn là: Tại sao bạn để điều đó ảnh hưởng đến mình? Có phải bạn sợ ai đó phản đối hay không?

Nếu bạn đổ lỗi cho người khác rằng, “Người này người nọ làm vậy với tôi,” thì bạn là một nạn nhân và không đủ khả năng thay đổi – điều này không thể chấp nhận được. Bạn hoàn toàn có khả năng đó, và đã đến lúc bạn sử dụng nó.
BÀI TẬP: BẠN ĐANG TÌM CÁCH LÀM HÀI LÒNG AI?

NGƯỜI TÔI ĐANG TÌM CÁCH LÀM HÀI LÒNG LÀ AI TẠI SAO TÔI THẬT SỰ LO SỢ ĐIỀU GÌ LÀM THẾ NÀO ĐỂ THOÁT KHỎI NỖI SỢ HÃI?

Bạn có biết nỗi sợ hãi thật sự là gì không?

Nỗi sợ KHÔNG PHẢI là “Thứ Vô Căn Cứ”.

Nỗi sợ là cảm xúc kéo theo của nỗi đau mà bạn trông đợi.

Tôi biết bạn đang trông đợi tôi nói ra những câu miêu tả cũ rích đó. Sự thật là một diễn giả thông minh nào đấy đã nghĩ ra câu nói trên từ lâu lắm rồi, và nó trở nên phổ biến đến nỗi mọi người cứ đinh ninh đó là sự thật. Nhưng nỗi sợ không phải như vậy.

Nỗi sợ là một cảm xúc rất thật của con người và nó xảy ra khi bạn dự đoán hoặc chờ đợi một thứ gì đó có thể làm bạn tổn thương. Nếu bạn sợ một điều gì đó, nghĩa là bạn đang tự nói với chính mình, “Này, nếu điều này làm mình đau thì sao?” Trớ trêu thay, cảm xúc sợ hãi tồn tại là để bảo vệ bạn; nhưng chúng cũng có thể ghìm chân không cho bạn phát triển.

Chúng ta trải nghiệm cảm giác sợ hãi khi nhận thức được mình không có quyền kiểm soát. Nỗi sợ chính là hiệu ứng cảm xúc của việc thiếu vắng khả năng làm chủ hoàn cảnh thực tại. Chính vì thế, sự kiểm soát và nỗi sợ hãi tỷ lệ nghịch với nhau. Bạn càng có khả năng làm chủ hoàn cảnh bao nhiêu, bạn càng ít lo sợ bấy nhiêu.

Làm thế nào để bạn không còn bị nỗi sợ giam cầm nữa? Một cách tuyệt vời để vượt qua nỗi sợ là chấp nhận nỗi đau mà bạn có thể đón nhận, vốn là hệ quả của hành động mà bạn thực hiện. Vậy nếu người đó không tán thành bạn thì sao? Bạn có chết không? Cho đến giờ chúng tôi chưa biết ca nào chết vì không được chấp nhận cả.

Dĩ nhiên, bạn có thể cảm thấy đau đớn khi có người không chấp nhận bạn – thế thì đã sao nào? Tôi có tin vui cho bạn đây: Đằng nào thì bạn cũng đau lòng rồi! Vậy nên bạn cứ thử làm bất kỳ thứ gì khiến bạn sợ hãi. Bạn sẽ thấy câu nói của Ralph Waldo Emerson mới thấm thía làm sao: “Sâu thẳm trong ta, ai cũng biết bên kia nỗi sợ là tự do.”

TÓM TẮT NHANH

1. Nhiều người đang tự giới hạn bản thân một cách vô thức bởi họ đang tìm cách bảo vệ, trừng phạt, hay làm hài lòng một ai đó.

2. Để chấm dứt việc này, trước tiên bạn hãy tự hỏi, “Mình đang tìm cách bảo vệ ai bằng cách kìm hãm khả năng của mình?”

3. Tiếp theo, hãy tự hỏi, “Mình đang tìm cách trừng phạt ai bằng cách tránh né thành công?”

4. Cuối cùng, hãy tự hỏi, “Mình đang tìm cách làm hài lòng ai bằng việc thành công hoặc không thành công?”

5. Hãy ngừng bảo vệ, trừng phạt hay làm hài lòng người khác với thành công của bạn bằng việc công nhận phần thưởng mà bạn có được từ hành vi của mình. Tiếp theo, hãy cho phép bản thân mình được thành công như mong muốn.
Hành động tiếp theo: Hãy liệt kê ba điều mà bạn có thể làm trong vòng bảy ngày sắp tới để chấm dứt việc bảo vệ, trừng phạt, hoặc làm hài lòng ai đó trên con đường vươn tới thành công.
1.

2.

3.

MƯỜI CÂU HỎI TRAO QUYỀN CHO BƯỚC 5:

1. Tại sao mình chấm dứt việc bảo vệ người khác khỏi những tác động mà thành công của mình mang lại?

2. Tại sao mình chấm dứt việc trừng phạt người khác bằng cách không thành công?

3. Tại sao mình chấm dứt việc làm hài lòng người khác bằng cách không thành công?

4. Tại sao mình chấm dứt việc làm vừa lòng người khác bằng cách tự giới hạn bản thân?

5. Tại sao mình được phép trở thành con người mình muốn, làm điều mình muốn và có được những gì mình muốn trên thế giới này?

6. Tại sao mình hạnh phúc đến thế?

7. Tại sao mình không còn sợ việc trở nên hạnh phúc và thành công đích thực?

8. Tại sao mình cho phép bản thân được thành công như mình mong muốn?

9. Tại sao mình thích trở thành tuýp người thành đạt như mình hằng khao khát?

10. Tại sao mình có đủ khả năng, theo đúng con người thật của mình?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.