Thành Công Không Còn Là Bí Mật

Chương 9 : Bước 6 – Đi Tìm Câu Trả Lời “Không” Của Bạn



“Có nhiều con đường dẫn đến thành công, nhưng chỉ có một con đường duy nhất chắc chắn dẫn đến thất bại; đó là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.”

– BENJAMIN FRANKLIN ĐI TÌM LÝ DO CỦA BẠN ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” CỦA BẠN BẠN ĐANG CỐ BẢO VỆ AI?

VÙNG KHÔNG CÓ MỤC TIÊU & PHẪU THUẬT THAY THẾ MỤC TIÊU HỆ THỐNG HỖ TRỢ GƯƠNG YÊU THƯƠNG VÀ NEO CHUẨN MỰC CÂU HỎI TRAO QUYỀN Đã bao giờ bạn thấy tội lỗi khi nói “không” với người khác chưa?
Khi có người yêu cầu bạn làm một việc gì, bạn có xem đó như là mệnh lệnh và phải tuân theo không? Nhiều người đã đánh mất cái “Không” của mình – khả năng từ chối mà không cảm thấy tội lỗi. Trong xã hội ngày nay, chúng ta đã quen với việc tỏ ra tử tế và giúp đỡ người khác. Điều này hoàn toàn đúng, bởi xã hội sẽ không thể vận hành tốt nếu lúc nào mọi người cũng khư khư làm điều mình muốn.

Tuy nhiên, một số người quá nhiệt tình và đơn giản là không thể nói không! Ngược lại, Nhóm Ba Phần Trăm hiểu rõ tầm quan trọng của việc bám sát kế hoạch đề ra khi những vấn đề của người khác khiến họ xao lãng.
Những người hạnh phúc và thành công đã học được cách nói “Không” mà không làm người khác khó chịu. Khi bạn có thể nói “Không” cùng một nụ cười, lúc ấy bạn đã thành thạo một trong những bước quan trọng của Mật Mã Thành Công.
ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” CỦA BẠN Hiện chúng ta đang ở Bước 6, đó là Tìm Câu Trả Lời “Không” Của Bạn. Bởi rất nhiều người đã không còn biết làm thế nào để trả lời “Không”, nên việc tìm lại nó là điều cần thiết. Dĩ nhiên, bây giờ tôi có thể nói với bạn rằng: “Nói ‘Không’ là một việc rất quan trọng. Hiểu chứ?” Nhưng thật sự nó phức tạp hơn nhiều.

Trong quá trình làm việc với hàng vạn học viên trong các buổi hội thảo và tư vấn, tôi nhận ra nói “Không” chẳng dễ như ta tưởng. Nếu dễ dàng thì đã chẳng có quá nhiều người ngoài kia đang hết mình hết sức làm hài lòng người khác!

Sau khi làm việc với hàng ngàn người đã đánh mất cái “Không”, tôi nhận ra rằng có ba khía cạnh riêng biệt trong cuộc hành trình Đi Tìm Câu Trả Lời “Không” mà bạn cần nắm rõ nếu bạn muốn chấm dứt việc suốt ngày đi làm hài lòng người khác và bắt đầu sống cuộc đời mình mong muốn. Bạn phải Đi Tìm Câu Trả lời “Không” Cho Riêng Mình, Câu Trả Lời “Không” Giữa Bạn Với Người Khác, và Câu Trả Lời “Không” Tổng Thể. Chúng ta hãy cùng điểm chúng theo thứ tự…

CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” CHO RIÊNG MÌNH Chúng ta đều biết nhiều người gặp vấn đề trong việc nói “Không” với người khác, liệu có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ cảm thấy khó khăn khi nói “Không” với bản thân chưa? Trong chương trước, chúng ta đã nói về ba nguồn lực duy nhất chúng ta sở hữu trên Trái đất này là thời gian, năng lượng và tiền bạc. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đang làm những việc gây lãng phí nguồn lực quý báu ấy? Liệu bạn có đến được nơi bạn muốn đến không? Có thể, nhưng chắc chắn nó sẽ tốn nhiều thời gian hơn dự kiến.

Để Đi Tìm Câu Trả Lời “Không” Cho Riêng Mình, bạn cần xem xét những hoạt động bạn đang làm, và quyết định xem những hoạt động nào đang vắt kiệt thời gian, tiền bạc, hay năng lượng của bạn. Chúng ta đã nhìn vào Hệ Thống Các Hoạt Động ở Bước 3 – nhưng bạn đã thật sự thiết lập hệ thống này một cách đúng đắn chưa?

BÀI TẬP: TÌM CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” CHO RIÊNG MÌNH

1. Những hoạt động rút cạn Thời Gian, Tiền Bạc, hay Năng Lượng mà tôi đang làm là: (Ví dụ: trì hoãn, hút thuốc, lo lắng, ăn quá nhiều…)

2. Tại sao tôi làm thế, và chúng đang TIÊU TỐN của tôi điều gì:

3. NHỮNG CÁCH SỬ DỤNG nguồn lực Thời Gian, Tiền Bạc, và Năng Lượng của tôi HIỆU QUẢ HƠN:

4. Tôi có thể làm những việc sau để phân bổ lại nguồn lực nhằm đạt được điều tôi thật sự muốn:

Hãy thành thật. Bạn có hay chần chừ trì hoãn không? Thường xuyên hút thuốc? Ăn nhiều quá? Ăn ít quá? Tiêu xài vô độ? Tiêu tốn quá nhiều thời gian cho việc lên mạng hoặc email?
Trong các buổi hội thảo, khi tôi hỏi có bao nhiêu người hay trì hoãn, khoảng 80% cánh tay giơ lên. Tại sao chúng ta trì hoãn và lý do thói quen này gây bất lợi cho thành công của chúng ta? Trì hoãn đơn giản là do nỗi sợ gây ra. Nhưng bạn sợ gì chứ? Còn tùy, bạn có thể sợ không đạt được điều mình muốn, và cũng có thể bạn sợ sẽ đạt được điều mình muốn!

Sau khi liệt kê những hành động làm tổn hại thời gian, tiền bạc, và năng lượng, tôi muốn bạn hãy xem xét thật kỹ và tự hỏi: “Tại sao mình lại làm thế, và chúng đang gây hại gì cho mình?”
Lấy ví dụ, tại sao bạn chần chừ? Câu trả lời duy nhất là nỗi sợ hãi, nhưng sợ điều gì? Bạn sợ không được chấp nhận? Sợ thất bại? Sợ thành công? Liệu bạn có sợ người ta không thích bạn, nỗi sợ bị từ chối? Bạn có đang tự hỏi: “Nếu mọi chuyện không như mình nghĩ thì sao?”, hay thậm chí: “Nếu mình trở nên quá thành công thì sao?”

Xuyên suốt quyển sách này, tôi đã chỉ cho bạn thấy chúng ta tránh né thành công bởi ta sợ phải bước ra khỏi Vùng Quen Thuộc. Chẳng có gì sai khi bạn sợ hãi, nhưng bạn cần tự vấn xem: “Nỗi sợ đang lấy mất của mình những gì?”
Nói rằng nó tiêu tốn của bạn hàng trăm ngàn đô- la cũng chẳng có gì là bất hợp lý. Nếu bạn không trân trọng thời gian, tiền bạc hay năng lượng của mình, chi phí mà bạn phải gánh chịu trong suốt cuộc đời có thể khiến bạn sửng sốt. Nếu bạn hút thuốc thì sao? “Tôi hút thuốc vì tôi nghiện.” Nếu đó là lý do của bạn, vậy thì điều gì tạo nên cơn nghiện đó? Và nó đang tiêu tốn của bạn những gì?

Có thể bạn ghiền cà-phê hay sô-cô-la. Tôi muốn bạn cực kỳ thành thật với bản thân mình. Tôi không nói rằng bạn không thể thưởng thức một tách cà-phê hay một thanh sô-cô-la. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng nhiều người trở nên lệ thuộc vào những thứ đó.

Nếu bạn muốn vươn lên, hãy cộng lại xem bạn đã tiêu tốn bao nhiêu tiền vào cà-phê, ăn tiệm hay tiêu xài hoang phí trong vòng 1 năm, 5 năm, 10 năm. Không phải tôi chỉ bạn cách sống. Tôi chỉ gợi ý để bạn tự vấn lương tâm: “Hoạt động này giúp bạn kiếm thêm tiền hay tiêu tiền? Làm đầy hay hút cạn năng lượng? Tăng thêm thời gian hay giết chết thời gian?”

Câu hỏi tiếp theo là, “Những cách sử dụng nguồn lực thời gian, tiền bạc, và năng lượng nào tốt hơn cho tôi?” Hãy hỏi chính bạn: “Liệu tôi có thể dùng số tiền mà tôi đang tiêu vào ly cà phê 5 đô mỗi ngày, 25 đô mỗi tuần, 1.300 đô mỗi năm, vào thứ khác hữu ích hơn không?” Sự thật là bạn biết mình cần phải làm gì. Chẳng qua bạn không muốn thừa nhận mà thôi.

Bạn có thể nghĩ thầm, “Chuyện nhỏ mà Noah,” nhưng bạn có thể trả một khoản nợ kha khá với số tiền đó đấy. Bạn có những nguồn lực cần thiết. Câu hỏi đặt ra là bạn sử dụng chúng sáng suốt hơn như thế nào.
Đâu là những cách sử dụng nguồn lực thời gian, tiền bạc, và năng lượng của bạn tốt hơn? Mọi người đều nói rằng, “Tôi sẽ làm khi tôi có nhiều thời gian, tiền bạc, và năng lượng hơn.” Nhưng thậm chí bạn còn không sử dụng những gì mình đang nắm trong tay một cách đúng đắn nữa là!

TẬN DỤNG NHỮNG GÌ BẠN ĐANG CÓ (ĐÚNG CÁCH) Bạn có X tiền, X thời gian, X năng lượng, và bạn ngồi đó ước rằng bạn có Y và Z. Nhưng làm cách nào bạn có thể đạt được Y và Z khi bạn thậm chí còn không quan tâm đến X?
Dù tin hay không, thì bạn chính là người quyết định nơi chốn, cách thức, và lý do sử dụng số tiền mình đang sở hữu. Mấy tờ tiền không đi vòng quanh và rêu rao: “A, mình nghĩ là mình nên sử dụng chính mình ở chỗ này.” Bạn là người rút thẻ. Bạn là người móc tiền ra. Tiền không thể tự suy nghĩ cho nó. Bạn là người “cầm đầu”. Vì vậy, hãy bắt đầu cân nhắc, rồi bắt đầu hành động một cách đúng đắn. Và đây là lúc chúng ta cùng đi đến câu hỏi tiếp theo: “Những HÀNH ĐỘNG nào tôi có thể thực hiện để phân bổ lại tài nguyên nhằm đạt được điều tôi thật sự muốn?”

Hãy lưu ý rằng tôi không bảo bạn đi kiếm một triệu đô-la, và sau đó bạn sẽ giàu có và hạnh phúc. Không, nó không xảy ra theo cách đó. Tôi biết điều tôi sắp nói ra sẽ là một trong những điều hiển nhiên nhất mà tôi có thể nói, bởi vì thật lòng mà nói thì lần đầu tiên nghe thấy sự thật này, tôi cảm thấy vô cùng ngớ ngẩn khi đã bỏ lỡ nó. Nhưng dù sao đi nữa thì nó đây:

Người giàu rất giỏi trong việc quản lý tiền bạc.

Tôi biết điều này quá hiển nhiên, nhưng đôi khi những gì hiển nhiên lại là những thứ ta bỏ sót. Lần đầu tiên khi nghe thấy điều này, thái độ của tôi kiểu như, “Ôi dào, sao cũng được.” Nhưng sau đó tôi ngẫm lại, “Khoan, chờ đã. Noah, xem lại thái độ này đi. Mày không làm theo những gì mà các nhà triệu phú đang làm. Vậy thì làm sao mày có thể trông mong vào việc trở thành một trong số họ cơ chứ?”

Rồi tôi nhận ra, “Mình đang tự nói rằng mình là một nạn nhân, và mình không có lựa chọn. Nhưng mình thật sự có lựa chọn. Mình cần phải học cách quản lý tiền bạc giống như cách những người giàu đã làm.” Đó là lúc tôi bắt đầu qua lại thường xuyên với những người cực kỳ giàu có, chưa kể là hạnh phúc và vui tính nữa, và từ đó quan điểm về tiền bạc và cách quản lý tiền bạc của tôi thay đổi.

Tôi sẽ không bàn về việc quản lý tiền bạc ở đây. Đó không phải là điểm chính của quyển sách này. Nhiều người đã nói về cách quản lý tiền bạc, và tôi khuyên bạn hãy tìm hiểu thêm về chủ đề này. Điều tôi muốn nói là bạn cần phải hiểu rằng bạn làm chủ tiền bạc; tiền bạc không làm chủ bạn. Bạn là người ký vào tờ ngân phiếu đó. Bạn chìa tấm thẻ tín dụng ra, chứ nó không thể nào tự nhảy ra khỏi túi bạn được. Đây là những HÀNH ĐỘNG của bạn, và niềm tin của bạn dẫn tới những HÀNH ĐỘNG đó.

PHÂN BỔ LẠI NGUỒN LỰC CỦA BẠN Khi bạn nhìn vào câu hỏi trên: “Những HÀNH ĐỘNG nào tôi có thể thực hiện để phân bổ lại nguồn lực thời gian, tiền bạc, và năng lượng của mình?”, hãy liệt kê những gì bạn có thể làm khác đi, giống những người thành công và hạnh phúc đang làm để quản lý nguồn lực của họ. Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy tìm cách kết nối với họ và “mục sở thị” những gì họ làm.

Bất chấp mọi chuyện có vẻ tồi tệ đến mức nào, bạn vẫn luôn có thể tìm được một người đang ăn nên làm ra trong cộng đồng hay mạng lưới của bạn. Hãy liên lạc với cô ấy và nói, “Mary, tôi thấy chị rất biết cách quản lý tài chính, và tôi thật lòng ngưỡng mộ chị. Tôi muốn thay đổi cuộc đời mình, và tôi hy vọng được chị cho vài lời khuyên. Chị có thể cùng tôi xem qua bảng ngân sách của tôi được không? Tôi chẳng biết tiền của mình bay đi đâu nữa. Chị có thể giúp tôi không?”

Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì? Đúng thế, cô ấy có thể nói: “Không.” Bạn cũng đâu mất gì so với trước kia! Nhưng nếu bạn biết đưa ra lời yêu cầu đi kèm với sự công nhận người khác một cách chân thành (Hành động thứ 2 trong Hệ Thống Con Người), Mary có thể chấp nhận đấy.

Bạn có thấy cách các bước trong hệ thống này phối hợp với nhau không? Đó là lý do tại sao đây là một hệ thống, chứ không phải một mớ hỗn độn các ý tưởng được bỏ chung vào một chỗ. Hãy nhớ, Nhóm Ba Phần Trăm đang làm điều này, dù họ có biết hay là không. Bây giờ, chúng ta hãy tiếp tục đi đến khía cạnh tiếp theo của quá trình Tìm Câu Trả Lời “Không” Của Bạn…

CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” GIỮA BẠN VỚI NGƯỜI KHÁC Bước đầu tiên là câu trả lời “không” từ bạn đến bạn. Bây giờ, bạn cần phải nói “không” với người khác. Đây là nơi bạn sẽ Tìm Câu Trả Lời “Không” Giữa Bạn Và Người Khác. Khi mọi người đòi hỏi bạn những điều bạn không thể hoặc không muốn làm, bạn có quyền từ chối họ. Một điều mà tôi đã dạy hàng ngàn người trong các buổi hội thảo là sử dụng Phương Pháp Xác Định, Chỉnh Hướng và Phản Hồi để Tìm Câu Trả Lời “Không” Giữa Bạn Và Người Khác.

BÀI TẬP: TÌM CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” GIỮA BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC XÁC ĐỊNH (Tôi nhìn thấy lời yêu cầu) CHỈNH HƯỚNG (Tôi hỏi thành tố ẩn giấu đằng sau nó)

PHẢN HỒI (Tôi hiệp lực) Tôi chia nhỏ bước này thành những thành phần thiết yếu bởi tôi từng là một người chuyên đi làm vừa lòng người khác, một anh chàng dễ thương với lòng tự trọng cực thấp. Và bởi tôi không có lòng tự trọng, nên tôi tìm mọi cách để người khác thích mình. Vấn đề đó chính xác là những gì mà ngài Ben Franklin đã nói, “Có nhiều con đường dẫn đến thành công, nhưng chỉ duy nhất một con đường chắc chắn dẫn đến thất bại – đó là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.” Bởi đó là những gì tôi đã làm, nên tôi chắc chắn mình đã đi trên con đường thất bại… bây giờ nghĩ lại, tính ra là tôi cũng đã đến đích.

Trong quá trình sáng tạo Mật Mã Thành Công, tôi phát hiện ra, “Chờ chút đã. Nếu nhìn vào những người hạnh phúc và thành công, họ không có vấn đề trong việc nói “Không”. Hãy hình dung có bao nhiêu người yêu cầu Bill Gates làm một điều gì đó mỗi ngày. Bạn càng giàu có và thành công bao nhiêu, càng có nhiều yêu sách đặt lên vai bạn bấy nhiêu. Vì thế, bạn không thể nào thật sự hạnh phúc và thành công nếu thiếu đi khả năng nói ‘Không’.”

Tại thời điểm ấy trong cuộc đời, tôi thậm chí còn không nhận thức được mình đã nói “Có” như thế nào trong khi điều tôi thật sự muốn là nói “Không”. Đó là khi tôi khám phá bước đầu tiên để nói “Không” với người khác đơn giản là nhận thức được việc người ta đang yêu cầu mình làm gì, và bạn có quyền nói “Không” hoặc “Có”với lời đề nghị đó.

Tôi chắc chắn là điều này nghe rõ ràng đến mức ngớ ngẩn đối với những người không gặp vấn đề trong việc nói “Không”. Nhưng đối với những người còn lại như chúng tôi, đó có thể là nhận thức quan trọng nhất cuộc đời. Giống như những chú chó trong thí nghiệm của Pavlov, khi có người yêu cầu tôi làm việc gì, tôi sẽ thực hiện mà không suy nghĩ. Họ yêu cầu; tôi thực hiện. Họ yêu cầu; tôi thực hiện. Chẳng một suy nghĩ nào đằng sau hành động của tôi cả. Chính xác là một phản ứng, thay vì là một phản hồi.

XÁC ĐỊNH – TRỞ NÊN CÓ Ý THỨC Vì thế, bước đầu tiên là Xác Định, “Này, có người đang yêu cầu mình làm một việc gì đó ở đây.” Bước tiếp theo là Chỉnh Hướng.

Nghĩa là sao? Ý tưởng cơ bản là tách nhỏ lời đề nghị của họ thành những gì họ thật sự muốn. “Họ đang yêu cầu tôi làm gì?”

Hãy mường tượng một người đang đứng trước mặt bạn và yêu cầu bạn làm một việc gì đó. Giờ thì bạn đã có thể Xác Định nó, bạn nhìn thấy lời đề nghị bay về phía bạn, tương tự như một mũi tên. Sau đó, bạn Chỉnh Hướng mũi tên đó. Hãy tưởng tượng mũi tên quay đầu bay ngược trở lại. Nó không trúng bạn, mà quay đầu ngay trước mắt bạn và bay trở lại phía họ.

CHỈNH HƯỚNG MŨI TÊN Bạn có thể làm Chỉnh Hướng bằng cách hỏi người đó, “Ý anh chính xác là gì? Hãy nói rõ hơn cho tôi biết. Tại sao anh muốn điều đó? Hãy giải thích rõ để tôi hiểu những gì anh đang tìm kiếm.” Bạn vào vai Thám tử Columbo – một nhân vật trên truyền hình chuyên đi giải đáp mọi bí ẩn bằng cách đặt ra rất nhiều câu hỏi “ngu ngốc” mà những người khác không dám hỏi vì sợ mất mặt. Bây giờ, bạn hoàn toàn có thể không sợ mất mặt và đặt ra những câu hỏi không ai nghĩ đến. Tôi kiếm tiền từ việc đặt ra những câu hỏi “ngớ ngẩn” kiểu ấy!

Một khi bạn đã quay đầu mũi tên ở bước Chỉnh Hướng, bước cuối cùng trong bộ ba đó là Phản Hồi. Đó là khi bạn gửi trả mũi tên lại cho họ và hiệp lực. Bạn đi sâu vào lời yêu cầu của họ và tìm hiểu điều gì đang thật sự diễn ra.
Bạn có thể nói, “Tôi rất muốn làm những gì mà anh yêu cầu, nhưng tôi sẽ không thể làm hết mình được. Vậy nên tôi sẽ phải từ chối ở đây. Tuy nhiên, tôi biết có một người có khả năng giúp anh…”
BƯỚC HIỆP LỰC Khi bạn nói “Không” một cách thật lòng, tức là bạn đang giúp người đó đấy – bởi bạn không chỉ bảo vệ thời gian của mình, bạn còn bảo vệ cả mối quan hệ của bạn nữa. Đã bao giờ bạn nói “Có” nhưng trong lòng lại không muốn, để rồi cảm thấy bực bội với người kia chưa? Bạn đang gật đầu đồng ý với tôi, phải không?

Khi bạn nói “Không” mà vẫn giữ được niềm kiêu hãnh cho người đối diện, đồng thời tiết kiệm thời gian cho bạn, bạn cũng bảo vệ được mối quan hệ hai bên. Bạn thậm chí có thể nói thẳng nói thật thế này, “Bob, nếu tôi đồng ý làm việc này, cuối cùng tôi sẽ cảm thấy khó chịu với anh. Mối quan hệ của chúng ta quan trọng hơn nhiều so với việc này. Vậy nên tôi sẽ phải nói lời từ chối.”

Nếu thời gian là nguồn lực quý giá nhất mà bạn có, chẳng phải bạn nên hết lòng hết sức bảo vệ nó hay sao? Bạn có nhớ ủy ban mà bạn không muốn tham gia, hay một sự kiện mà bạn đồng ý tham dự, nhưng không hề muốn chút nào không? Bạn lại đang gật đầu nữa, đúng không nào?

Dĩ nhiên, sẽ có nhiều lần trong cuộc sống bạn không thể đơn giản nói không – ví dụ, khi trả lời sếp hoặc khi bạn phải làm những việc trong phạm vi nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là: khi Tìm Câu Trả Lời “Không”, bạn cũng có thể nhận ra mình đang bắt đầu quá trình chuyển đổi từ việc thực hiện những hành động Làm Cạn Bể Chứa sang những hành động Làm Đầy Bể Chứa.

Vấn đề cốt lõi ở đây là nếu bạn không quý trọng thời gian của mình, thì ai sẽ quý trọng giùm bạn đây? Bạn có để ý thấy rằng có một số người bạn không bao giờ nhờ vả gì nữa, bởi họ lúc nào cũng từ chối bạn? Họ đã Tìm Thấy Câu Trả Lời “Không” cho chính mình. Bạn có thể học hỏi rất nhiều từ những người này. Tôi không khuyến khích bạn trở thành một kẻ ích kỷ; nhưng sự thật thì vẫn vậy, bạn có thể học được rất nhiều điều từ một kẻ như thế!

MƯỜI CÂU NÓI THEN CHỐT ĐỂ BẠN NÓI “KHÔNG” VỚI NGƯỜI KHÁC Nhóm Ba Phần Trăm hiểu được tầm quan trọng của việc nói “Không” ngay cả khi người khác đang đợi nghe bạn nói “Có”. Thường thì chỉ cần bạn thủ sẵn một vài cách nói khéo léo là ổn, bởi bạn không cần phải động não gì nhiều ngay tại thời điểm ấy. Hãy sử dụng những câu nói then chốt sau để khởi đầu quá trình Tìm Câu Trả Lời “Không” Giữa Bạn Với Người Khác:

1. Mình rất muốn giúp cậu, nhưng thế thì mình phải cắt bớt thời gian dành ra cho việc này mất.

2. Hay là ta bàn về chuyện này vào năm sau nhé?

3. Tôi muốn lên lịch cho những yêu cầu như thế này trước nhiều ngày; ông có thể làm điều đó không?

4. Tôi biết chuyện cấp thiết nhưng hiện giờ tôi không thể đáp ứng được những tình huống khẩn cấp như thế.

5. Nghe cũng hay đó! Nhưng chuyện này không hợp với tớ.

6. Sao chị lại ép tôi dữ vậy?

7. Tôi biết việc từ chối sẽ kéo theo những hệ quả của nó, nhưng tôi sẵn sàng đón nhận.

8. Chị luôn tốt với em, nhưng em phải từ chối chị chuyện này thôi.

Em có giúp chị được chuyện gì khác không?

9. Đơn giản là tôi không thể tham gia vào vấn đề này.

10. Mình rất muốn tán gẫu với cậu, nhưng đang trong giờ làm việc và mình phải tập trung kiếm tiền. Hẹn cậu tối nay nhé?

Khả năng từ chối mà không làm người khác phật lòng là một kỹ năng bạn có thể rèn giũa, và nó thật sự rất đơn giản. Sẽ hơi quá khi cho rằng: “Cứ nói không là được.” Đơn giản kiểu đó thì không có tác dụng, nhưng bạn hãy cố gắng đơn giản hóa ba bước thực hiện. Tôi đã chia nhỏ chúng để bạn nhận ra rằng: “Chà, mình thậm chí không hề biết mình đã đồng ý nhiều lần đến mức nào trong khi thật sự mình muốn nói “không”. Giờ đây mình đã có thể Tìm Câu Trả Lời “Không” cho chính mình và người khác.”

Và nó đưa đến chặng cuối cùng của hành trình Tìm Câu Trả Lời “Không” Của Bạn…

CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” TỔNG THỂ Vậy là chúng ta đã điểm qua Câu Trả Lời “Không” Cho Chính Mình và Câu Trả Lời “Không” Giữa Bạn Với Người Khác. Bây giờ là lúc đi Tìm Câu Trả Lời “Không” Tổng Thể, nghĩa là bạn biết mục đích mình sinh ra trên Trái đất là gì, và bạn cam kết mình đi đúng hướng, thậm chí nếu việc đi chệch hướng có vẻ dễ dàng và hấp dẫn hơn nhiều.

Khi bạn biết được Câu Trả Lời “Có” Tối Thượng – mục đích sống hay sứ mệnh của bạn (chúng ta sẽ tìm hiểu trong bước kế tiếp, và cũng là bước cuối cùng), thì việc nói “Không” với những điều không thật sự quan trọng và không phù hợp với sứ mệnh của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Câu Trả Lời “Không” Tổng Thể của bạn chạm đến một vấn đề cơ bản nhất, đó là sự chính trực.

HÀNH ĐỘNG MỘT CÁCH CHÍNH TRỰC Khi bạn hành động một cách chính trực, bạn thể hiện con người mình đúng với những gì bạn nói, và đơn giản bạn không đi chệch hướng. Vấn đề nằm ở chỗ, trong xã hội hiện đại, người ta dễ tìm lối đi tắt và sai hướng. Từ Enron có ý nghĩa gì với bạn không? Bạn có thể mở bất kỳ tờ báo nào và đọc những câu chuyện về những con người hoặc những công ty cố gắng đi đường tắt dưới danh nghĩa là tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, điểm chính ở đây là con người điều hành công ty; công ty không thể tự vận hành. Luôn luôn có lối đi tắt. Luôn luôn có những điều khiến bạn nghĩ rằng, “Hừm, mình có làm thì cũng chẳng ai phát hiện ra.” Trớ trêu thay, không sớm thì muộn, cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Nếu bạn đánh mất sự chính trực, rốt cuộc cũng sẽ có người phát giác. Tin tôi đi, tôi đang nói từ kinh nghiệm đau thương đấy.

NÓI KHÔNG, KHÔNG, VÀ KHÔNG Khi tôi nhận công việc tạm thời tại Los Angeles, họ cho tôi một chân thư ký ở các xưởng phim lớn. Bởi lúc ấy tôi không có nhiều tiền nên tôi thường mang những thứ lặt vặt như văn phòng phẩm, bút bi… về nhà. Nói chung là mấy thứ bỏ lọt túi của tôi là được. Tôi nghĩ, “Này, mấy gã này giàu quá trời còn mình thì không một xu dính túi; ai mà để ý cơ chứ? Và mình xứng đáng lấy những thứ này, bởi mình làm rất nhiều mà lương chả bao nhiêu.” Tôi tự thuyết phục rằng tôi xứng đáng có được những thứ mà tôi không phải trả tiền!

Nhưng rồi một điều lạ lùng bắt đầu xảy ra hết lần này đến lần khác. Mọi chuyện cứ na ná nhau: Các sếp yêu quý tôi vì tôi là một nhân viên tốt. Họ muốn thuê tôi vào làm việc toàn thời gian. Nhưng lần nào cũng thế, cứ có chuyện này chuyện kia xảy ra và tôi không bao giờ ngồi vào vị trí đó. Một người nào đó năng lực kém hơn tôi sẽ bước vào, còn tôi thì bị đẩy ra rìa, nhảy hết công việc tạm này đến công việc tạm khác.

Tôi nhớ có lần tôi làm việc cho một văn phòng nọ được gần 6 tháng – một công việc tạm khá là lâu! Tôi trở thành bạn với mọi người trong phòng, và họ nói rằng, “Ôi, cậu chắc chắn sẽ nhận được công việc này!” Lẽ tự nhiên, khi đến thời điểm tuyển người vào vị trí toàn thời gian, họ lại trao cho một người khác.

Sau rất nhiều, rất nhiều trải nghiệm tương tự, tôi bắt đầu bối rối không biết cái quái gì đang diễn ra ở đây. Tôi tự hỏi, “Mình làm việc tốt như vậy, mà sao mình không bao giờ được nhận vào làm chính thức cả?” Cũng trong khoảng thời gian ấy, tôi bắt đầu nghiên cứu Luật Vũ Trụ và cách suy nghĩ tác động đến cuộc sống của ta như thế nào. Trước đây, tôi chưa bao giờ nhận ra rằng: suy nghĩ, niềm tin, và hành động của ta kiến tạo nên cuộc đời ta; tôi nghĩ mình là nạn nhân và Thượng Đế khiến tôi như vậy.

Một ngày nọ, tôi phát hiện ra rằng bằng cách ăn cắp mấy món lặt vặt, tôi đang thì thầm với Thượng Đế, “Con không có tiền, nên con phải lấy cắp từ người khác.” Hành động của tôi hàm ý, “Con không có gì cả.” Và Thượng Đế phản hồi lại, “Được rồi, con không có gì cả.” Khi tôi lấy đi của người khác, thì tôi cũng bị tước mất.

BẮT NGUỒN TỪ NHỮNG GÌ “TÔI CÓ”

Ngày hôm sau, chuông điện thoại reo vang – đầu dây bên kia là dịch vụ giới thiệu công việc tạm thời cho tôi, họ gửi tôi vào một xưởng phim danh giá nhất thành phố. Tôi đến và họ dẫn tôi tới tận bàn làm việc của mình. Sau đó, sếp đưa tôi đến “Vùng Đất Thánh” – phòng chứa văn phòng phẩm! Nhưng đây không phải là một phòng chứa văn phòng phẩm bình thường; khi cửa mở ra, tôi thật sự nghe thấy tiếng thiên thần hát vang. Căn phòng to khủng khiếp, và đầy ắp tất tần tật những món văn phòng phẩm mà bạn có thể nghĩ đến.

Ok, có thể tôi hơi cường điệu, nhưng bạn hiểu ý tôi rồi đó. Vấn đề ở đây là, sếp của tôi đã nói, chính xác từng lời từng chữ, và tôi thề là tôi không hề bịa ra: “Anh cứ lấy những gì anh cần.” Bất cứ thứ gì tôi cần ư?! Tôi sẽ cần một cái túi bự hơn!

Trong lúc đứng đó thèm thuồng, tôi nhớ đến điều mà tôi vừa giác ngộ. “Nếu mày cứ tiếp tục làm mọi việc với suy nghĩ “Tôi không có,” mày sẽ tiếp tục không có gì cả. Liệu đó có phải là điều mày thật sự muốn không, Noah?”
Khi sếp đi khỏi, bỏ tôi đứng trước cổng thiên đường văn phòng phẩm, tay tôi run run chầm chậm khép cửa lại. Và tôi chưa bao giờ lấy bất kỳ thứ gì từ căn phòng văn phòng phẩm đó – thậm chí một cái kẹp giấy.
Bây giờ, bạn có thể cho rằng đây là một câu chuyện ngớ ngẩn và là một ví dụ quái gở minh họa cho việc không sống cuộc đời mình mong muốn. Nhưng sau sự kiện đó, lần đầu tiên tôi suy nghĩ về những gì mình muốn làm trong cuộc sống. Và tôi nhận ra rằng tôi muốn làm công việc giảng dạy và viết sách… mặc dù lúc đó tôi không hề có ý tưởng là sẽ dạy cái gì hay viết cái gì. Năm năm sau, tôi khám phá ra hội chứng nhịn thành công, và điều đó dẫn đến công việc tôi đang làm hiện giờ: giúp đỡ vô số người thông qua các chương trình hội thảo và tư vấn.

Điểm mấu chốt ở đây là, nếu tôi cứ lặp lại hành vi cũ và khư khư giữ lấy lối tư duy “Tôi không có,” bạn có nghĩ những gì tôi đang làm hiện giờ có cơ hội xảy đến không? Tôi cũng không nghĩ vậy. Vậy nên, hãy cẩn trọng với những gì bạn nói và làm – bởi nó sẽ trở thành cuộc sống của chính bạn.

BÀI TẬP: TÌM CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” TỔNG THỂ CỦA BẠN

1. Lý Do Nên hành động một cách chính trực của tôi là gì?

2. Tôi sẽ ĐƯỢC GÌ nếu hành động một cách chính trực và có mục đích?

3. Tôi sẽ MẤT GÌ nếu hành động một cách chính trực và có mục đích?

4. Những người tôi ngưỡng mộ và lý do tại sao (những đặc điểm tính cách của họ mà tôi muốn noi theo):

Trong bài tập trên, tôi đưa ra cho bạn bốn câu hỏi đơn giản để Tìm Câu Trả Lời “Không” Tổng Thể Của Bạn. Đầu tiên: “Lý do Nên hành động một cách chính trực của tôi là gì?” Tại sao bạn muốn làm việc này? Bạn phải hiểu, sống theo đúng Câu Trả Lời “Không” Tổng Thể nghĩa là bạn sẽ không trộm cắp hay nói dối; bạn sẽ hành động một cách chính trực, và bạn sẽ giữ vững quan điểm của mình, ngay cả khi không được nhiều người ủng hộ. Tại sao bạn lại muốn làm điều ấy? Bạn cần phải tìm cho ra lý do.

Câu hỏi 2, “Tôi sẽ ĐƯỢC GÌ nếu hành động một cách chính trực và có mục đích?” Bạn sẽ không làm điều này nếu không đạt được gì đúng không? Chính vì thế, bạn sẽ đạt được gì? Bạn càng hiểu rõ mình sẽ được gì, bạn sẽ càng dễ hành động.
Câu hỏi 3, “Tôi sẽ MẤT GÌ nếu hành động một cách chính trực và có mục đích?” Bạn có nhận ra rằng, nếu bạn hành động một cách chính trực và có mục đích, bạn sẽ mất đi một thứ gì đó không? Ví dụ, bạn sẽ mất đi khả năng lấy cắp từ người khác, bắt chẹt người khác, và nói dối họ. Cũng mất nhiều đấy nhỉ?

Đó là lý do vì sao tôi cực kỳ cẩn thận trong lời nói. Từ ngữ có ý nghĩa rất lớn với tôi, và những người xung quanh tôi biết rằng những lời tôi nói có ý nghĩa sâu xa. Tôi không thích hứa nhiều, nhưng một khi đã hứa, chắc chắn nó sẽ xảy ra – thường là trước cả thời điểm tôi nói. Những người bất hạnh và thất bại làm điều ngược lại: Họ hứa leo lẻo, nói thì nhiều, làm thì ít. Sao thế được nhỉ?

CÂU HỎI VỀ SỰ CHÍNH TRỰC Bạn phải truyền tải thông điệp về sự chính trực với đội nhóm của mình. Bạn phải sống đúng với những gì mình chia sẻ. Lấy ví dụ, gần đây tôi có một cuộc họp với mọi người trong phòng, và tôi chia sẻ tầm nhìn của mình bằng cách nói lẫn cách viết. Tôi nói với mọi người rằng, “Đây là nơi chúng ta sẽ đến. Chúng ta ở đây là để thay đổi thế giới. Các bạn có theo tôi hay không? Chúng ta cùng đi nào.”

Nhiệt huyết của tôi lan tỏa, mọi người trở nên hứng khởi và nói, “Được, chúng ta cùng làm thôi!” Những người đồng đội của tôi hiểu ý tôi bởi tôi đã rất rõ ràng trong lời nói của mình, “Tôi sẽ làm việc này. Tôi rất muốn cùng làm với các bạn, nhưng nếu bạn không tham gia, hãy nói với tôi ngay lúc này, bởi tôi chỉ muốn làm việc với những người ủng hộ tôi 100%.” Tôi muốn bảo đảm rằng mọi người trong nhóm đều đứng về phía tôi. Bạn đoán điều gì xảy ra không? Tất cả đều tham gia, không chừa một ai. Theo thang điểm từ 1 đến 10, chỉ nói mà không làm sẽ là một người đạt 8 điểm nói và 2 điểm làm. Đừng trở thành người đó. Hãy là người nói 8 và làm 10. Bạn cần nói rõ định hướng của mình, nhưng bạn cũng cần hành động để chứng minh điều đó.

Cuối cùng, hãy liệt kê những người bạn ngưỡng mộ và lý do tại sao. Hãy kể ra đặc điểm tính cách của họ mà bạn muốn học hỏi. Stephen Covey sẽ làm gì? Jack Canfield sẽ làm gì? Đó là điều tôi thường hay tự hỏi mình. Trong công việc kinh doanh, hãy nhìn những người bạn ngưỡng mộ, và hỏi: “Cái người mà mình tôn trọng này sẽ làm gì?” Bạn có thể hỏi, “Lãnh đạo của mình sẽ làm gì? Sếp mình sẽ làm gì?” Hãy quay sang những người bạn ngưỡng mộ và hỏi, “Họ sẽ làm gì?” Đây là cách để bạn bắt đầu tư duy giống họ. Hãy lựa chọn những người cố vấn một cách khôn ngoan, bởi bạn sẽ trở thành người mà bạn nối bước.

TÓM TẮT NHANH

1. Một trong những việc quan trọng nhất bạn có thể làm để nhấc chân khỏi bàn đạp thắng là Tìm Câu Trả Lời “Không” Của Bạn. Bởi những người thành công, hạnh phúc tột bậc đều cho phép bản thân họ nói “Không” đúng lúc.

2. Ba khía cạnh của việc Tìm Câu Trả Lời “Không” là: Tìm Câu Trả Lời “Không” Cho Riêng Mình, Tìm Câu Trả Lời “Không” Giữa Bạn Với Người Khác, và Tìm Câu Trả Lời “Không” Tổng Thể.
3. Tìm Câu Trả Lời “Không” Cho Riêng Mình nghĩa là nói “Không” với bản thân bạn. Những người không hạnh phúc, kém thành công là những người gặp khó khăn trong việc nói “Không” với những thứ mà họ biết rằng không tốt cho họ, hoặc không mang đến kết quả mong muốn. Hãy xác định những hành động đang đẩy bạn chệch ra khỏi mục tiêu nhắm đến, sau đó giải thích cho người khác hiểu để chấm dứt những hành động đó.

4. Tìm Câu Trả Lời “Không” Giữa Bạn Với Người Khác nghĩa là nói “Không” với những người khác. Những người thành công và hạnh phúc biết cách nói “Không” khi nhận được yêu cầu không phù hợp với định hướng thành công của họ. Học cách nói “Không” với một nụ cười.

5. Tìm Câu Trả Lời “Không” Tổng Thể đồng nghĩa với sự chính trực của bạn – những điều đi ngược lại với các nguyên tắc sống của bạn. Nếu giữ suy nghĩ “Tôi không có,” thế giới này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản hồi lại: “Được, ngươi không có.” Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng “Tôi có” – và Thượng Đế sẽ đáp trả bạn bằng một cuộc đời phồn vinh.

Hành động tiếp theo: Hãy liệt kê ba điều mà bạn có thể làm trong chương này trong vòng 7 ngày nữa để Tìm Câu Trả Lời “Không” Của Bạn, từ đó có được sự thanh thản trong tâm hồn và cảm giác thỏa mãn hơn trong cuộc sống và công việc.
1.

2.

3.

MƯỜI CÂU HỎI TRAO QUYỀN CHO BƯỚC 6:

1. Tại sao mình dễ dàng nói “Không” khi mình muốn?

2. Tại sao mình thích nói “Không” cùng với một nụ cười?

3. Tại sao mình thích hiệp lực?

4. Tại sao mình thích tìm giải pháp tốt hơn cho mình và người khác?

5. Tại sao mọi người nhìn mình như một nhà lãnh đạo?

6. Tại sao mình thoải mái với chính con người của mình?

7. Tại sao mình có tất cả những gì mình cần?

8. Tại sao mình có thừa những yếu tố cần thiết để trở thành người mình muốn?

9. Tại sao mình tự tin như vậy?

10. Tại sao mình xứng đáng như vậy?

“Thống kê cho thấy ở những nước phát triển, khoảng 65% dân số dành thời gian đọc sách nhiều hơn là dành thời gian cho những công việc lặt vặt trong nhà hoặc làm vườn, ngay cả đi xem phim, ca nhạc hay kịch. Bạn đã đọc được 80% quyển sách rồi!” Dịch giả Uông Xuân Vy


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.