Thành Công Không Còn Là Bí Mật
Chương 7 : Bước 4 – Vùng Không Mục Tiêu và Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu
“Nhiều người đang leo lên những nấc thang thành công nhưng chiếc thang lại được dựng sai hướng.”
– STEPHEN COVEY ĐI TÌM LÝ DO CỦA BẠN ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI “KHÔNG” CỦA BẠN BẠN ĐANG CỐ BẢO VỆ AI?
VÙNG KHÔNG CÓ MỤC TIÊU & PHẪU THUẬT THAY THẾ MỤC TIÊU HỆ THỐNG HỖ TRỢ GƯƠNG YÊU THƯƠNG VÀ NEO CHUẨN MỰC CÂU HỎI TRAO QUYỀN
Mới đây, tôi vừa tham dự một cuộc hội nghị kinh doanh với 200 người thành công đến mức khó tin. Họ đều là những nhân vật “cộm cán” trong giới kinh doanh. Tôi chưa bao giờ ở cùng một căn phòng với nhiều tỷ phú đến vậy. Bạn có thể nhận ra nhiều nhân vật từng xuất hiện trên truyền hình hay những dự án kinh doanh “hàng khủng”. Mỗi người chúng tôi phải trả 10.000 đô-la để tham dự. Cái giá không rẻ chút nào, đúng không?
Tuy nhiên, thậm chí ở mức thành công tài chính cao ngất này, tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng khi rất nhiều lần phát hiện ra rằng, những người trong gian phòng này vẫn đang giới hạn tiềm năng bản thân. Lấy ví dụ, một doanh nhân nọ kiếm được 20 tỷ đô mỗi năm. Anh ấy nói với tôi rằng khi anh ấy bắt đầu làm lớn, anh ấy bắt đầu cảm thấy lo lắng, bởi chuyện này chưa từng xảy ra với anh ấy (bạn còn nhớ Vùng Quen Thuộc chứ?). Vì vậy, anh ấy bắt đầu tự hủy hoại mình, nhưng điểm đáng kinh ngạc nhất ở đây chính là anh ấy có thể thấy trước điều đó nhưng lại không thể ngừng được. Anh ấy có cảm giác giống như đang ngồi trên một con tàu, và con tàu đang đâm thẳng vào vách đá dựng đứng, còn anh ấy thì bất lực không thể ngăn chuyện đó xảy ra. Anh ấy đã đánh mất khoảng 170.000 đô trong vòng một tuần chỉ vì đơn giản là anh ấy không biết làm cách nào cho phép bản thân mình thành công.
Cuối cùng, anh thở dài, “Đáng tiếc là lúc đó tôi không biết đến hệ thống của anh, bởi vì nếu tôi làm theo những gì anh hướng dẫn, biết đâu tôi đã không mất toàn bộ số tiền đó!”
“ĐẶT MỤC TIÊU” – KHÔNG HỀ ĐƠN GIẢN
Lý do chúng ta đặt ra mục tiêu và không đạt được nó không có nghĩa là chúng ta không đủ giỏi, không đủ thông minh, hay không đủ khả năng để đạt được điều chúng ta muốn. Có ba lý do khiến chúng ta không đạt được mục tiêu:
1. Chúng ta đang đuổi theo một thứ không phải điều ta thật sự muốn.
2. Mục tiêu của chúng ta bất khả thi, lỗi thời, hoặc thiếu thực tế.
3. Chúng ta vẫn chưa cho phép bản thân mình được ngừng đặt mục tiêu.
Hình Ảnh Phản Chiếu Tiêu Cực luôn nói rằng bạn không đủ khả năng. Trớ trêu thay, nó lại đang cố gắng bảo vệ bạn – bởi nếu bạn tin mình kém cỏi, hẳn bạn sẽ không thử, và sẽ không có chuyện thất bại. Vậy nên, cách tốt nhất để thoát khỏi Hình Ảnh Phản Chiếu Tiêu Cực là thực hiện các bước trong hệ thống này.
Trong môn vật lý, chúng ta biết rằng một vật đang chuyển động sẽ có xu hướng tiếp tục chuyển động. Khi tên lửa được phóng lên khỏi Trái đất, nó phải vượt qua được trọng lực, và xuyên phá được bầu khí quyển. Cuộc sống của chúng ta cũng tương tự.
Thói quen giống như trọng lực; đó là những gì chúng ta đã quen làm. Chúng ta có thói quen suy nghĩ, “Mình không thể làm được,” “Mình không đủ khả năng,” và có lẽ chúng ta cũng không quen với việc yêu cầu được giúp đỡ, hoặc chấp nhận sự hỗ trợ từ người khác, hoặc suy nghĩ rằng còn một cách khác để sống.
Môi trường cũng giống như bầu khí quyển; đó là nơi ta tồn tại. Việc quen với một môi trường nhất định là lý do tại sao ngay cả những người rất đỗi thành công cũng phải nỗ lực để cho phép bản thân họ thành công ở mức độ cao hơn và cao hơn nữa.
Đó là những gì mà hệ thống này nhắm đến. Bạn sẽ không mắc phải những lỗi lầm đắt giá nữa. Thay vì thế, hãy học hỏi từ sai lầm của tôi và từ những người khác, rồi đơn giản cho phép bản thân mình thành công.
VÙNG KHÔNG MỤC TIÊU
Vùng Không Mục Tiêu là gì? Một Vùng Không Mục Tiêu là thời điểm và nơi chốn bạn cho phép bản thân mình ngừng đặt mục tiêu. Tại sao đây lại là bước tiếp theo để thành công và hạnh phúc hơn? Đó là:
1. Để tránh kiệt sức.
2. Để hiểu rằng giá trị của bạn không đến từ thành quả bạn đạt được.
3. Để giảm tác động của việc Quá Tải Thông Tin.
4. Để kết nối lại với Bản Chất Đích Thực của bạn.
Trớ trêu thay, để hạnh phúc và thành công, bạn phải cho phép bản thân mình tách rời khỏi công việc. Nghiên cứu khoa học cho thấy con người làm việc tốt nhất trong khoảng từ 90 đến 120 phút. Chính vì vậy, nếu muốn đạt kết quả tốt nhất, bạn cần phải có những khoảng thời gian trong ngày thoát khỏi những hoạt động liên quan đến công việc. Bạn sẽ không chỉ tránh được tình trạng “hết pin”, mà bạn còn có thể đạt hiệu suất làm việc tốt hơn khi quay trở lại công việc.
Lý do thứ hai để sử dụng Vùng Không Mục Tiêu là bạn cần hiểu rằng giá trị của bạn không đến từ thành quả mà bạn đạt được. Rất nhiều người, về mặt tiềm thức, tin rằng họ chỉ có giá trị khi họ đạt được một thứ gì đó, hay giành được giải thưởng hoặc sở hữu một núi tiền. Bạn cần nhận thức rằng giá trị của bạn không đến từ thành quả của bạn. Tự bản thân bạn đã vô cùng giá trị. Để thật sự tin vào điều này chính là lý do thứ hai để bạn sử dụng Vùng Không Mục Tiêu.
Lý do thứ ba bạn cần Vùng Không Mục Tiêu là để tránh những tác động của việc Quá Tải Thông Tin. Trong khi chúng ta không thể nào ngăn cản thông tin tràn ngập từ email, điện thoại di động, và các thiết bị điện tử khác, nhưng ít ra là chúng ta có thể hạn chế chúng. Vấn đề là nhiều người không bao giờ thoát khỏi những âm thanh hỗn tạp này, và cơ thể con người vốn không được thiết kế để xử lý những tác nhân kích thích liên tục như thế. Đó là một trong những lý do tại sao rất nhiều người cảm thấy stress, kiệt sức, ốm yếu, có thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, và mang đủ loại bệnh trong người.
Thứ tư, khi bạn thực hiện Vùng Không Mục Tiêu, nó cho phép bạn kết nối lại với Bản Chất Đích Thực; chính là giọng nói nhỏ nhẹ, lặng lẽ, thuộc về trực giác của bạn. Có bao giờ bạn để ý thấy rằng những ý tưởng tuyệt vời nhất của bạn không phát sinh tại sở làm không? Chúng xuất hiện khi bạn thư giãn. Chúng có thể “nhảy xổ ra” khi bạn đang chạy bộ, viết nhật ký, cầu nguyện, ngồi thiền hoặc tắm. (Tôi đã nghĩ ra Câu Hỏi Trao Quyền trong lúc tắm!) Tâm trí bạn dễ đón nhận những ý tưởng mới nhất trong thời điểm bạn cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng, và đó là một lý do khác nữa để sử dụng Vùng Không Mục Tiêu.
À, còn lý do thứ năm thì sao? Chắc chắn là Vùng Không Mục Tiêu vui hơn lúc nào cũng ngồi làm việc rồi.
Nếu bạn làm việc liên tục trong một thời gian quá dài, bạn sẽ không còn biết thế nào là sống nữa.
BÀI TẬP: SỬ DỤNG VÙNG KHÔNG MỤC TIÊU
1. Những hoạt động Vùng Không Mục Tiêu yêu thích của tôi là gì?
2. Tôi thích thực hiện chúng khi nào?
3. Tôi có những niềm tin tiêu cực nào về việc thực hiện Vùng Không Mục Tiêu?
4. Khi nào thì những niềm tin này không đúng?
5. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không sử dụng Vùng Không Mục Tiêu?
Câu hỏi Vùng Không Mục Tiêu 1 & 2 – Những hoạt động Vùng Không Mục Tiêu yêu thích của tôi là gì và tôi thích thực hiện chúng khi nào?
Bạn thích làm gì khi tách rời khỏi công việc? Có thể bạn thích ngồi thiền, viết nhật ký, đi dạo, đạp xe đạp, chạy bộ, tập thể dục hoặc chợp mắt một chút. Tôi khuyến khích bạn không nên liệt kê “xem ti-vi” vào đây bởi tôi muốn bạn thật sự thư giãn theo đúng nghĩa của nó. Khi bạn xem ti- vi, mặc dù có thể bạn không cần động não, nhưng nó chẳng hề giúp bạn tươi tỉnh lại. Thay vào đó, bạn sẽ cảm thấy lờ đờ thiếu sinh khí, bởi vì bạn không sử dụng não bộ và chắc chắn là không kết nối với Con Người Thật của mình. Ti- vi không được thiết kế cho mục đích đó – mục đích của nó là khiến bạn mua sắm thứ này thứ khác!
Hãy bắt đầu bằng cách xác định những hoạt động bạn sẽ làm, sau đó dành ra những thời điểm khác nhau cho từng hoạt động khác nhau. Bạn không cần phải có 15 hoạt động khác nhau để làm mỗi ngày; điều đó đi ngược lại với mục đích ban đầu và chỉ khiến bạn căng thẳng hơn mà thôi.
Hãy chọn những hoạt động hấp dẫn thú vị đối với bạn. Ví dụ, hoạt động Vùng Không Mục Tiêu yêu thích nhất của tôi là đánh một giấc. Chẳng hạn như, để viết quyển sách này, tôi có thói quen viết trong vòng 90 phút rồi chợp mắt 15 phút. Sau đó, tôi lại quay lại viết tiếp với một tinh thần khỏe khoắn và sẵn sàng làm việc.
Đôi khi, tôi bước ra ngoài đi dạo và tận hưởng ánh mặt trời – rồi đột nhiên, một ý tưởng hiện lên trong đầu tôi. Nhưng thường thì những ý tưởng sáng tạo đó không xảy đến với tôi khi tôi ngồi viết sách. Tôi cần phải chủ động thoát khỏi công việc viết lách để cho phép dòng chảy sáng tạo tuôn trào.
Bạn có thể chọn ra một vài hoạt động mà bạn thật sự yêu thích, và đó là tất cả những gì bạn cần cho Vùng Không Mục Tiêu. Chỉ cần thực hiện vài hoạt động để hồi phục năng lượng, cũng như cho phép bản thân mình thư giãn mỗi 90 phút, bạn sẽ tiến nhanh hơn những người đang căng thẳng cực độ ngoài kia. Chúng ta nhìn thấy những nguy cơ về sức khỏe mỗi ngày như bệnh tiểu đường, stress, kiệt sức, và chúng ta đơn giản là chấp nhận nó như “chuyện thường ngày ở huyện”. Ờ thì đó có thể là chuyện bình thường trong xã hội ngày nay thật, nhưng nếu bàn đến khía cạnh các yếu tố khiến ta thành công và hạnh phúc, thì như thế chẳng hề bình thường chút nào. Hãy nhớ, mục đích của hệ thống này là giúp bạn hạnh phúc và thành công.
Mấu chốt ở đây là: nếu bạn muốn giàu có, bạn không thể bình thường được. Những người kiếm được hàng triệu đô mỗi năm không bình thường – bởi theo định nghĩa, bình thường đồng nghĩa với không thật sự thành công. Có phải đa phần dân số thế giới hạnh phúc và thành công không? Không. Chính vì vậy, nếu bạn muốn hạnh phúc và thành công, bạn cần phải làm những gì mà những người “bình thường” không làm hoặc sẽ không làm.
Tin vui ở đây là việc thoát khỏi trạng thái “bình thường” nghĩa là bạn không cần phải làm điều mà hầu hết mọi người đều làm, đó chính là dành phần lớn thời gian sống trong túng quẫn và khốn khổ. Nếu mọi người chỉ trích, chê bai bạn, hãy nhớ câu này,“Tôi có thể không bình thường, còn anh thì không thành công!”
Câu hỏi Vùng Không Mục Tiêu 3 – Tôi có những niềm tin tiêu cực nào về việc thực hiện Vùng Không Mục Tiêu?
Tôi có thể nghe thấy bạn nói ngay lúc này, “Tôi không có thời gian, tôi không có tiền, tôi không đủ sức.” Nghe quen chứ hả?
Thế còn những câu này thì sao: “Tôi không đủ điều kiện.”
“Tôi không xứng đáng.”
“Bố tôi dạy tôi phải làm việc cật lực.”
“Sếp tôi sẽ không bao giờ cho phép tôi làm điều đó.” “Tôi không có thời gian vì con tôi còn quá nhỏ.”
Bất kể niềm tin của bạn là gì, hãy viết xuống hết.
Câu hỏi Vùng Không Mục Tiêu 4 – Khi nào thì những niềm tin này không đúng?
Khi nào thì câu nói “Tôi không có thời gian” trở thành một lời nói dối? Mỗi ngày! Tất cả mọi người trên Trái đất đều có cùng 24 giờ mỗi ngày. Ngay cả Warren Buffet cũng không thể khiến Trái đất ngừng chuyển động, mặc dù tôi có nghe nói là ông ấy và Bill Gates đang nghiên cứu làm điều đó.
Bạn tạo ra thời gian cho những việc thật sự quan trọng, cho dù bạn có nhận thức được nó hay không. Nhưng đừng nói dối bản thân và nói rằng bạn không có thời gian. Tôi có thể nghe bạn nói rằng, “Nhưng anh không hiểu rồi Noah à. Tôi rất bận rộn với hàng đống việc khác. Tôi đang gánh lên mình rất nhiều trách nhiệm.” Dĩ nhiên. Đó chính xác là những gì chúng ta đang nói ở đây! Tôi chỉ muốn bạn hiểu rằng khi bạn đang nói rằng bạn không có thời gian, bạn đang nói dối chính mình.
Hãy nhớ rằng, những gì cần hoàn thành đều được hoàn thành. Bạn còn nhớ ví dụ về người bạn thân trong bệnh viện không? Bạn đã đến đó, dù cho việc “đến bệnh viện” không nằm trong danh sách phải làm của bạn.
Vấn đề là, khi một thứ gì đó trở nên ưu tiên đối với bạn, bạn sẽ tìm cách biến nó thành hiện thực. Đó là kết quả tối thượng của Lý Do Nên và Lý Do Không Nên của bạn: khi một điều gì trở nên đủ quan trọng, bạn sẽ tìm ra cách, không cần biết cái giá phải trả là bao nhiêu.
Những gì tôi đang làm ở đây đó là phơi bày Hình Ảnh Phản Chiếu Tiêu Cực của bạn. Bạn có thể thốt lên, “Noah, tôi không có thời gian để làm việc này.” Như bạn đã thấy, chỉ là một lời nói dối mà thôi.
Nhưng nếu bạn nói, “Noah, tôi chưa ưu tiên việc này trong cuộc đời mình.” À, bây giờ thì câu này lại chính xác đây. Nếu bạn không thực hiện Vùng Không Mục Tiêu, đơn giản là do bạn chưa ưu tiên nó trong cuộc đời bạn. Một khi nhận ra điều này, bạn có thể bắt đầu sống ở cấp bậc Lựa Chọn Có Ý Thức, chứ không phải là Không Có Lựa Chọn Trong Tiềm Thức.
Thế còn lời biện hộ, “Tôi không có tiền” thì sao? Vậy tôi hỏi bạn, chúng ta tốn bao nhiêu tiền để ngồi thiền? Để viết nhật ký? Để đi dạo giữa thiên nhiên? Để rời mắt khỏi máy vi tính? Liệu bạn có phải trả cho ai 50 đô- la mỗi khi bạn ngồi thiền hay rời khỏi bàn làm việc không? Nếu bạn phải làm thế, tôi không biết bạn đang làm việc ở chỗ nào, nhưng hẳn bạn phải lên kế hoạch đi gặp bác sĩ rồi đấy.
Thế còn việc đọc một quyển sách thì sao? Đến thư viện đi. Miễn phí mà. Bạn thấy đấy, tôi có thể phản bác tất tần tật những lời bào chữa của bạn. Bạn có thể cảm thấy khó chịu với tôi khi tôi làm điều này, bởi Hình Ảnh Phản Chiếu Tiêu Cực của bạn – cái mà bạn nghĩ là chính bản thân bạn – không còn “cãi chày cãi cối” được nữa.
Nếu không còn gì thắc mắc, hãy nhớ câu nói này:
Nếu bạn muốn hạnh phúc và thành công, hãy làm những điều mà người hạnh phúc và thành công đang làm.
Hoặc là vậy, hoặc là bạn có thể ngồi chờ ông thần đèn hiện ra từ chiếc vỏ chai hay một túi vàng từ trên trời rơi xuống. Nhớ báo cho tôi biết khi điều đó xảy ra nhé.
Câu hỏi Vùng Không Mục Tiêu 5 – Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không sử dụng Vùng Không Mục Tiêu?
Bạn có nhớ cái Lý Do Nên và Lý Do Không Nên của mình không? Nỗi đau là một trong những nhân tố truyền động lực rất lớn. Nếu bạn nhận ra rằng khi không thực hiện Vùng Không Mục Tiêu, bạn sẽ trải qua rất nhiều đau đớn – điều đó có thể truyền động lực khiến bạn thực hiện chúng.
Nếu bạn cứ làm những gì bạn đang làm, bạn sẽ tiếp tục nhận được những gì bạn đang nhận được. Kinh nghiệm làm việc với vô số người tại các buổi hội thảo và chương trình cố vấn đã gieo vào tâm trí tôi một sự thật đơn giản và khó tiếp thu: không có con đường tắt nào cả. Điều này có thể làm phật ý một số người, nhưng tôi hy vọng bạn hiểu là tôi thật sự mong bạn thành công.
Nếu bạn đến với khóa học này và bảo, “Tôi muốn hạnh phúc và thành công” trong khi tình cảnh hiện tại là bạn đang túng quẫn và khốn khổ, sau đó tôi nói là bạn đang làm rất tốt và cứ tiếp tục những gì bạn đang làm, thì chẳng khác nào tôi chơi xỏ bạn, đúng không? Tương tự như bạn bị thừa cân, bạn thuê một huấn luyện viên cá nhân, và rồi khi anh ta xuất hiện trước cửa nhà bạn, anh ta phán, “Ôi, anh chả cần phải tập luyện gì đâu. Thân hình anh thế là được rồi.”
Dĩ nhiên, chúng ta thích nghe những lời nói này; và chúng ta muốn tin rằng chúng ta không cần phải thay đổi gì cả để đạt được những thứ mình muốn. Nhưng sự thật là, chúng ta cần hít đất và gập bụng, nếu chúng ta muốn một thân hình đạt chuẩn. Công việc của tôi là giúp bạn thành công về tài chính, cũng như có một thể hình cân đối.
TÌM SỰ HỖ TRỢ, NGỪNG LỜI BIỆN HỘ Bài tập kế tiếp có tên gọi, “Tìm sự hỗ trợ cho Vùng Không Mục Tiêu”. Mọi người nói rằng, “Noah, tôi không làm được điều này. Anh không hiểu đâu. Tôi còn con nhỏ, công việc, rồi sếp cũng không hiểu tôi nữa.” Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
Chúng ta hãy cùng tìm sự hỗ trợ và thôi không bào chữa nữa, được không? Bên dưới, tôi muốn bạn liệt kê danh sách các hoạt động Vùng Không Mục Tiêu cá nhân mà bạn muốn làm, những điều đang ngăn cản bạn, những người bạn cần sự hỗ trợ, và dưới hình thức nào.
Hãy thử xem qua ví dụ sau. Giả sử bạn muốn dành thời gian đi dạo giữa thiên nhiên nhiều hơn. Đó là một hoạt động Vùng Không Mục tiêu. Điều gì đang cản trở bạn? Có lẽ đó là niềm tin bạn không có thời gian. “Tôi còn con nhỏ. Tôi phải nấu nướng. Điều hành công ty. Có cả triệu thứ tôi cần phải lo.” Có thể bạn đang lầm bầm, “Noah, anh hoàn toàn không hiểu được cuộc sống của tôi.” Tốt. Bạn hãy viết chúng xuống đi.
Bạn cần sự hỗ trợ từ ai để có thể thực hiện Vùng Không Mục Tiêu? Nếu thành thật, bạn có thể chia sẻ là mình cần sự hỗ trợ từ người bạn đời để giúp bạn có thêm thời gian trong ngày. Thế còn con cái thì sao? Chúng có thể phụ bạn giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp, hay những việc linh tinh khác. Bạn không nên cố ôm đồm mọi thứ.
Nếu bạn không có con hoặc chúng còn quá nhỏ không thể đỡ đần bạn, thì bạn vẫn có thể thuê người giúp việc hai lần một tháng hoặc một lần một tuần. Nếu bạn không đủ khả năng chi trả cho người giúp việc, bạn có thể thương lượng trao đổi với một người bạn chẳng hạn. Giả sử bạn bắt đầu tư duy như một người thành công và hạnh phúc – trong trường hợp của bạn, họ sẽ làm gì?
BÀI TẬP: TÌM SỰ HỖ TRỢ CHO VÙNG KHÔNG MỤC TIÊU CÁC HOẠT ĐỘNG VÙNG KHÔNG MỤC TIÊU ĐIỀU GÌ CẢN TRỞ TÔI LÀM ĐIỀU ẤY TÔI CẦN SỰ HỖ TRỢ TỪ AI TÔI MUỐN NHẬN ĐƯỢC SỰ HỖ TRỢ DƯỚI HÌNH THỨC NÀO Bạn có thể trả cho một người nào đó một thứ không phải tiền bạc. Tiền chỉ là một dạng trao đổi hàng hóa. Hãy tìm một thứ khác. Hãy tự hỏi, “Mình muốn được hỗ trợ dưới hình thức nào?” Trong ví dụ người giúp việc, bạn có thể cần họ đến nhà lau dọn và nấu nướng. Một ví dụ của cá nhân tôi là tôi cần người lo việc hành chính, nghĩa là tôi cần một trợ lý. Tôi liệt kê những công việc, nhiệm vụ, và trách nhiệm cụ thể mà tôi cần người gánh vác, sau đó tôi hỏi bạn bè xem có quen biết ai phù hợp với vị trí này hay không. Tôi đưa thông tin lên mạng và tiếp tục hỏi thăm vòng vòng. Chỉ trong vài ngày, một người bạn tìm được một người trợ lý hoàn hảo cho tôi – điều đó chỉ xảy ra vì tôi kiên trì yêu cầu sự giúp đỡ và tuân theo hệ thống của mình.
SAO BẠN LẠI KHÔNG THAY ĐỔI CHO ĐƯỢC Tôi ghét phải nói điều “rõ như ban ngày” này, nhưng nếu bạn muốn hạnh phúc và thành công, hãy bắt đầu làm theo những gì mà người hạnh phúc và thành công làm. Những người hạnh phúc và thành công cũng chẳng thông minh hơn bạn đâu. (Tin tôi đi. Tôi đã gặp rất nhiều người như vậy rồi.) Họ là những người hoàn toàn bình thường, không hề làm việc nhiều hơn, hay thông minh hơn, hay hấp dẫn hơn bất cứ ai khác. Điểm khác biệt chủ yếu giữa họ và 97% dân số thế giới là những người hạnh phúc và thành công đã phát triển được những kỹ năng sống hạnh phúc và thành công. Chẳng phải chuyện đó ai cũng biết sao?
Sự thật là bạn vẫn có thể hạnh phúc và thành công; nhưng bạn không thể ngồi yên một chỗ đưa ra hết lời biện hộ này đến lời biện hộ khác, tiếp tục làm những gì bạn vẫn đang làm, rồi tự hỏi tại sao mình không hạnh phúc và thành công.
Hầu hết mọi người làm việc ngày một cật lực hơn chỉ để nhận cùng một kết quả – hoặc ít hơn. Những người hạnh phúc và thành công biết cách tận dụng tối đa thời gian trong một ngày bởi họ là những chuyên gia quản lý nguồn năng lượng của mình.
Chúng ta có bốn nguồn năng lượng cá nhân: Thể Chất, Cảm Xúc, Tâm Trí, và Tinh Thần. Năng lượng thể chất là số năng lượng của chúng ta, hay có thể hiểu là chúng ta có bao nhiêu năng lượng tại một thời điểm nhất định. Năng lượng cảm xúc là chất lượng năng lượng của chúng ta, hay cách chúng ta thể hiện năng lượng đó trong một khoảng thời gian xác định.
Năng lượng tâm trí nghĩa là khả năng tập trung vào một nhiệm vụ nào đó trong một khoảng thời gian. Và năng lượng tinh thần liên quan đến ý thức tồn tại hay mục đích sống của chúng ta trên Trái đất này.
Có hai cách ta có thể làm với nguồn năng lượng cá nhân: sử dụng và tái tạo. Hầu hết chúng ta đều rất giỏi trong việc sử dụng năng lượng, nhưng lại rất tệ trong việc tái tạo năng lượng. Quản lý nguồn năng lượng nghĩa là cho phép bản thân sử dụng năng lượng một cách thông minh, và liên tục tái tạo nguồn năng lượng đó.
Dần dần, khi bạn đã khá hơn trong việc tái tạo nguồn năng lượng, bạn sẽ tăng cường khả năng làm việc ở mức độ cao hơn. Cũng như việc bắt đầu một thói quen tập luyện mới, ban đầu mọi việc sẽ rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi, nhưng rồi dần dần nó sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn luyện tập nhiều hơn.
Sau khi hoàn thành bài tập này, nếu bạn cảm thấy mình không giỏi tái tạo năng lượng cho lắm, hãy sử dụng Vùng Không Mục Tiêu để làm điều đó và đổ đầy bể chứa. Thật đơn giản: những người thành công và hạnh phúc sử dụng Vùng Không Mục Tiêu. Nếu bạn không làm theo, khả năng thành công ở mức độ cao hơn của bạn sẽ rất hạn chế.
BÀI TẬP: QUẢN LÝ NGUỒN NĂNG LƯỢNG CỦA TÔI Cột A: Cách tôi SỬ DỤNG Cột B: Cách tôi TÁI TẠO NĂNG LƯỢNG THỂ CHẤT: (Số lượng) NĂNG LƯỢNG CẢM XÚC: (Chất lượng) NĂNG LƯỢNG TÂM TRÍ: (Tập trung) NĂNG LƯỢNG TINH THẦN: (Mục đích sống) PHẪU THUẬT THAY ĐỔI MỤC TIÊU: MỤC TIÊU CỦA BẠN CÓ THẬT SỰ LÀ CỦA BẠN?
Tim Taylor là một triệu phú đầu tư kinh doanh bất động sản. Anh đặt mục tiêu nghỉ hưu vào năm 40 tuổi. Anh đã đạt được mục tiêu của mình trước một năm, và đã nghỉ hưu ở tuổi 39. Anh chuyển đến Florida và quyết định dành một năm thư giãn tại một trong những bãi biển tuyệt vời nhất thế giới. Anh bắt đầu kỳ nghỉ của mình và tận hưởng cuộc sống – trong vòng 47 ngày.
Vào ngày thứ 47, khi đang ngồi trên bãi biển tại Cancun, Mexico, và suy ngẫm về cuộc đời, anh thấy mình tự hỏi, “Mình đã vươn đến Giấc Mơ Mỹ. Mình đã giàu có, thành đạt, và nghỉ hưu ở tuổi 39. Vậy sao mình vẫn cảm thấy trống rỗng thế này?”
Anh bỏ ngang kỳ nghỉ và bắt đầu đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình. Một người bạn bảo Tim tham dự một trong những buổi hội thảo của tôi. Sau khi tham gia khóa học và làm theo phương pháp tôi hướng dẫn, Tim nhận ra rằng mặc dù anh kiếm được hàng triệu đô trong lĩnh vực bất động sản, giờ đây anh muốn làm một điều gì khác trong cuộc đời mình. Anh muốn trở thành chuyên gia huấn luyện kinh doanh bất động sản để chia sẻ kiến thức và giúp cho người khác hiện thực hóa ước mơ của họ.
Câu chuyện của Tim có gợi lên điều gì trong bạn không? Bạn có muốn làm một điều gì đó trong cuộc đời mình – nhưng lại không biết chắc nên làm điều gì, và thực hiện bằng cách nào? Hay bạn đang theo đuổi một thứ không phải điều bạn thật sự mong muốn? Hay chỉ cần hiểu lý do tại sao bạn lại chạy theo cái bạn đang theo đuổi?
Có lẽ bạn cần phải thực hiện cuộc Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu.
TIẾN HÀNH PHẪU THUẬT THAY THẾ MỤC TIÊU Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu là gì? Khi tôi phát hiện hội chứng nhịn thành công, tôi nhận ra rằng một trong những lý do tiềm ẩn mà rất nhiều người chúng ta vẫn đạp chân lên bàn thắng là họ đang theo đuổi một thứ mà họ không còn mong muốn nữa. Hoặc, họ đang theo đuổi một thứ không phải của họ. Hoặc, họ đang theo đuổi những mục tiêu mà người khác đặt ra cho họ, nhưng trong thâm tâm, họ không muốn làm điều đó.
Dù lý do là gì đi nữa, hoàn cảnh bên trong hay bên ngoài của họ đã thay đổi – nhưng họ vẫn tiếp tục “chạy bộ trên máy”, theo đuổi thứ họ không còn mong muốn. Đó là lý do vì sao đôi lúc chúng ta cần tiến hành Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu.
Có ba loại mục tiêu đòi hỏi phải Phẫu Thuật Thay Thế:
1. Mục tiêu bất khả thi 2. Mục tiêu của một người khác 3. Mục tiêu mà bạn không còn thật sự mong muốn MỤC TIÊU BẤT KHẢ THI Mục tiêu bất khả thi là gì? Đơn giản như chính tên gọi của nó: đó là mục tiêu không thể thực hiện. Ví dụ của một mục tiêu bất khả thi là làm hài lòng tất cả mọi người. Bạn không thể nào thỏa mãn tất cả mọi người. Trên thực tế, về mặt nguyên tắc, bạn không thể làm cho bất kỳ ai hạnh phúc. Bạn có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của người khác; nhưng nghe kỹ nhé, bạn không thể làm cho bất kỳ ai hạnh phúc.
Thế còn điều này thì sao: “Tôi phải trở nên hoàn hảo và không bao giờ phạm sai lầm.” Đúng rồi, đây là bí quyết thành công. Bạn hãy để ý xem những người hạnh phúc và thành công hoàn hảo đến mức nào nhé! (Bạn có biết là tôi đang nói đùa không nhỉ?) Hay là mục tiêu bất khả thi này: “Tôi phải thuyết phục 100% khách hàng mua hàng của tôi.” Thôi nào! Tôi không quan tâm liệu bạn có phát cho mỗi vị khách một tờ 20 đô để họ mua hàng của bạn hay không; vẫn sẽ có người không chấp nhận lời đề nghị của bạn. (Tôi không khuyên bạn làm như vậy đâu, trừ khi bạn đến nhà tôi, dĩ nhiên rồi.) Bạn có thể đáp, “Nhưng tôi chẳng hề đặt ra bất kỳ mục tiêu nào bất khả thi cả, Noah!” Tốt. Nhưng hãy nhận thức một điều rằng những mục tiêu bất khả thi này nằm trong tiềm thức. Chẳng ai thức dậy vào buổi sáng và hào hứng nói rằng, “Hôm nay tôi phải làm hài lòng tất cả mọi người! Nếu tôi không thuyết phục được 100% khách hàng mua hàng của tôi, thì tôi thật kém cỏi! Hôm nay tôi phải thật hoàn hảo!” Chẳng ai làm thế cả… về mặt ý thức.
Những mục tiêu bất khả thi không thuộc về ý thức; đó mới là vấn đề đáng nói. Lý do chúng ta tự trách mình vì không đạt được những mục tiêu bất khả thi là vì chúng nằm trong tiềm thức, và đó là thứ chúng ta đang phản ứng lại một cách vô thức.
Mục đích của việc Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu là làm cho những điều trước giờ nằm trong tiềm thức nổi lên bề mặt ý thức – để bạn có cơ hội xem xét những mục tiêu tiềm ẩn, không còn hiệu lực nữa và nếu cần thì bỏ chúng đi. Giống như một cuộc phẫu thuật thật sự trên cơ thể bạn vậy, bạn không thể thật sự nhìn thấy điều gì đang diễn ra bên trong cơ thể mình – nhưng nếu bạn lên cơn đau tim, chẳng phải chúng ta cần phải tìm cách cứu chữa hay sao?
MỤC TIÊU CỦA NGƯỜI KHÁC HOẶC MỤC TIÊU ĐÃ LỖI THỜI Mục tiêu sai lầm tiếp theo là mục tiêu của người khác. Lấy ví dụ, một chàng trai muốn trở thành nha sĩ do cha của anh là nha sĩ, và ông của anh cũng là nha sĩ, cả nhà trông đợi anh trở thành nha sĩ. Nhưng anh thật sự muốn trở thành kỹ sư. Hoặc nhà thiết kế quần áo. Hoặc phi hành gia. Bất kể thứ gì, hãy tự hỏi xem bạn có đang cố gắng tiêu hóa mục tiêu của người khác mà bạn không thật sự mong muốn không?
Loại mục tiêu thứ ba cần đến Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu là mục tiêu đã lỗi thời mà bạn không còn muốn nữa. Liệu bạn có đang theo đuổi điều gì mà bạn tự nhủ phải làm cho bằng được hay không? Giả sử bạn đặt mục tiêu cho bản thân và bạn chưa đạt được nó. Chuyện này rất phổ biến. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Bạn có còn thật sự khao khát mục tiêu này hay không, hay chẳng qua bạn đã đeo đuổi nó quá lâu đến mức bạn tưởng mình vẫn nên có nó?
TIM ĐÃ LÀM GÌ Sau khi tôi hướng dẫn Tim về Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu, anh nhận ra mình đang buộc bản thân quay lại gầy dựng công ty đầu tư kinh doanh bất động sản một lần nữa, và anh biết việc này cần thêm ba năm và khoảng 3 triệu đô- la.
Sau khi thực hiện bước này, vốn chỉ mất khoảng 10 phút, ngay lập tức anh chất vấn bản thân, “Khoan đã. Sao mình phải làm điều này? Ai bảo mình làm thế? Ai đặt ra luật lệ ở đây?” Anh nhận ra anh là người duy nhất yêu cầu anh làm như vậy!
Sau đó, anh lại tự hỏi, “Sao mình phải tốn ngần ấy thời gian, tiền bạc, và nỗ lực để làm chuyện mình thậm chí không muốn làm – trong khi mình có thể bắt đầu trở thành chuyên gia huấn luyện kinh doanh bất động sản như mong muốn?”
Anh khám phá ra sự thật rằng anh sợ. Anh nghĩ bằng cách tiếp tục thực hiện những gì mình đã từng làm, nỗi sợ sẽ biến mất. Nhưng chính nỗi sợ đó đang cản trở anh vươn đến điều anh thật sự mong muốn ngay từ lúc đầu!
Một khi nhận ra những gì anh đang tự nói với bản thân – và sự thật là điều đó không hề đúng – anh đã đối diện với nỗi sợ của chính mình. Trong vòng 40 ngày, anh gói ghém đồ đạc, bán công ty, chuyển từ Florida đến San Diego và mở công ty đào tạo kinh doanh bất động sản.
Tim chia sẻ với tôi, “Noah, những gì anh dạy tôi trong vòng 10 phút đã giúp tôi tiết kiệm được 3 triệu đô và 3 năm cuộc đời. Chỉ trong vòng 180 ngày, tôi đã kiếm được hơn 500.000 đô từ công việc mình yêu thích.”
Có thể bạn sẽ không bỏ túi nửa triệu đô hoặc tiết kiệm 3 triệu đô ngay lập tức như Tim. Nhưng, nếu việc thực hiện bước này giúp bạn kiếm thêm được 1.000 đô, hay thậm chí 500 đô một tháng thì sao? Chẳng phải bạn đang đầu tư có lợi ư? Đây là những gì có thể xảy ra khi bạn làm theo những bước mà tôi đang chỉ cho bạn.
Có thể bạn sẽ lên tiếng, “Noah, tôi không có bất kỳ mục tiêu bất khả thi nào cả, và tôi không theo đuổi những điều tôi không mong muốn.” Vậy thì quá tuyệt! Nếu thế thì hãy đơn giản bỏ qua bước này. Tuy nhiên, hầu hết những người mà tôi đã làm việc cùng đều có ít nhất một mục tiêu mà họ đang theo đuổi một cách vô thức cần được thay thế.
BÀI TẬP: TIẾN HÀNH PHẪU THUẬT THAY THẾ MỤC TIÊU
1. Những mục tiêu hiện tại nào của tôi cần được thay thế?
2. Tại sao tôi phải thực hiện những mục tiêu này và ai bảo tôi làm điều đó?
3. Tại sao đây lại là những mục tiêu bất khả thi, mục tiêu của người khác, hoặc mục tiêu mà tôi không thật sự mong muốn nữa?
4. Tôi lựa chọn sống theo những NGUYÊN TẮC nào?
5. Tại sao?
6. Tôi có thể làm những HÀNH ĐỘNG nào để thay thế những mục tiêu sai lầm với Nguyên Tắc Thực Thụ của mình?
Tôi muốn hướng sự chú ý của bạn đến câu hỏi số 4: “Tôi lựa chọn sống theo những nguyên tắc nào?” Bạn hãy để ý tôi không hỏi mục tiêu của bạn là gì. Đối với bài tập này, mục tiêu của bạn là gì không quan trọng. Tôi muốn biết bạn lựa chọn sống theo những nguyên tắc nào. Tại sao ư? Bởi nó sẽ tiết lộ cho tôi biết về Con Người Thật Của Bạn và liệu bạn có đạt được mục tiêu của mình hay không.
Trong quyển sách nổi tiếng của mình, The Seven Habits of Highly Effective People (7 Thói Quen Của Người Thành Đạt), Stephen Covey viết về bản chất cốt lõi của những nguyên tắc. Ông nói đến những nguyên tắc của sự công bằng, tính chính trực, sự chân thật, phẩm giá của con người, sự tận tụy, sự xuất chúng, tiềm năng và phát triển.
Nguyên tắc không phải là những quy trình. Chúng là kim chỉ nam cho đạo đức con người. Ông viết: “Nguyên tắc về bản chất là không thể bàn cãi, bởi tự thân chúng đã quá rõ ràng. Có một cách để nhanh chóng hiểu được bản chất hiển nhiên của các nguyên tắc là hãy đơn giản xem xét sự vô lý khi cố gắng sống một cuộc đời thành đạt dựa trên những nguyên tắc ngược lại. Tôi không nghĩ có người xem sự bất công, lừa dối, vô dụng, tầm thường hoặc suy đồi là nền tảng vững chắc của hạnh phúc trường tồn.”
Bạn lựa chọn sống theo những nguyên tắc nào? Đó là những gì tôi muốn biết về bạn. Mục tiêu của bạn là gì thật sự không quan trọng. Nếu bạn nói rằng, “Mục tiêu của tôi là trở thành một triệu phú,” nhưng những nguyên tắc mà bạn tuân theo là bất công, lười biếng, và tầm thường, thì khả năng bạn đạt được mục tiêu của mình là gần như bằng không.
Một khi đã trả lời câu hỏi về nguyên tắc sống, bạn cần biết tại sao mình lựa chọn như vậy. Đó là câu hỏi số 5 – Tại sao ư? Bởi vì bạn là người trưởng thành. Không ai có thể bảo bạn phải làm cái gì hay lý do tại sao bạn phải làm. Bạn phải tự đưa ra quyết định cho mình. Là một người trưởng thành, đã đến lúc bạn phải đi từ Không Có Lựa Chọn sang Lựa Chọn. Vì thế, hãy tự trả lời câu hỏi đó.
HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN TIẾT LỘ NGUYÊN TẮC CỦA BẠN Câu hỏi cuối cùng để thực hiện Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu là: “Tôi có thể làm những HÀNH ĐỘNG nào để thay thế những mục tiêu sai lầm với Nguyên Tắc Thực Thụ của mình?” Bạn sẽ thể hiện Nguyên Tắc Thực Thụ của mình ra sao? Miệng thì nói mình sống trung thực, chính trực, tận tụy, chất lượng, và xuất chúng, nhưng sau đó lại ngồi lê la ăn khoai tây chiên, xem ti-vi, luôn lo lắng và tự nhủ mình không làm gì được.
Không phải tôi chế giễu bạn. Tôi đang tìm cách cho bạn thấy bạn hãy ngừng than thân trách phận, tự hủy hoại mình và bắt đầu cho thế giới thấy bạn “nói sao làm vậy”.
Nếu thực hiện những bước này, bạn có thể tiết kiệm một năm cuộc đời mình thì sao? Hay sáu tháng? Hay một tháng? Vấn đề là bạn không thể nào lấy lại những năm tháng đó, bởi thời gian là nguồn lực không thể bù đắp. Chẳng lẽ việc tốn 10 hoặc 20 phút không đáng để bạn thử sao, cơ hội cứu lấy những năm tháng cuộc đời mình, và bao nhiêu tiền nữa, biết đâu đấy?
Đây là một trong những bước mà những người hạnh phúc và thành công đã làm, dù họ có nhận thức được hay không. Họ không hoàn hảo, nhưng họ gần như lúc nào cũng theo đuổi điều họ thật sự muốn, chứ không phải điều họ nghĩ mình nên muốn. Tôi muốn bạn cũng như thế.
TÓM TẮT NHANH
1. Chúng ta chìm ngập trong mớ thông tin về việc “đặt mục tiêu” trong suốt 50 năm qua. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bế tắc, hoặc do họ cảm thấy tội lỗi mỗi khi ngừng lại, hoặc do họ đang theo đuổi những mục tiêu họ không thật sự mong muốn.
2. Để nâng cao hiệu suất của bạn một cách đáng kể, hãy sử dụng Vùng Không Mục Tiêu – những khoảng thời gian trong ngày mà bạn cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi, tách khỏi những hoạt động liên quan đến mục tiêu. Những vận động viên siêu sao và những người thành công tột bậc trong kinh doanh đều hiểu tầm quan trọng của việc thư giãn, tái tạo, và phục hồi năng lượng.
3. Đừng cảm thấy tội lỗi khi bạn thực hiện Vùng Không Mục Tiêu. Nhưng cũng đừng quá căng thẳng vì nó. Hãy cho phép bản thân nghỉ giải lao 10 – 15 phút sau mỗi 90 phút làm việc. Các nghiên cứu khoa học cho thấy cơ thể con người hoạt động tốt nhất khi có thời gian nghỉ ngơi sau mỗi 90 phút.
4. Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu là đặt ra câu hỏi: “Liệu những mục tiêu này có thật sự là của mình?” Nhiều người đang theo đuổi những mục tiêu họ không còn muốn, hoặc ngay từ đầu đã không phải là của họ.
5. Nếu bạn xác định được những mục tiêu bất khả thi, mục tiêu của người khác, hoặc mục tiêu đã lỗi thời mà bạn đang chinh phục, hãy đơn giản từ bỏ chúng – và cho phép bản thân mình vươn tới những gì bạn thật sự khao khát.
Hành động tiếp theo: Hãy liệt kê ba điều bạn có thể làm từ chương này trong vòng bảy ngày sắp tới để sử dụng Vùng Không Mục Tiêu và Phẫu Thuật Thay Thế Mục Tiêu trong cuộc sống và công việc của bạn.
1.
2.
3.
MƯỜI CÂU HỎI TRAO QUYỀN CHO BƯỚC 4:
1. Tại sao mình thích sử dụng Vùng Không Mục Tiêu?
2. Tại sao mình được phép tách rời khỏi công việc?
3. Tại sao mình được phép nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng mỗi ngày?
4. Tại sao mình chịu trách nhiệm cho việc phục hồi năng lượng?
5. Tại sao mình nhận được sự hỗ trợ trong việc tái tạo năng lượng?
6. Tại sao mình thích theo đuổi những gì mình thật sự mong muốn?
7. Tại sao mình được phép là Con Người Thật của mình?
8. Tại sao mình được phép trở thành, làm, và đạt được những gì mà mình thật sự mong muốn trong cuộc sống?
9. Tại sao mình lại hoàn toàn chịu trách nhiệm cho việc sống vì ước mơ của mình?
10. Tại sao mình được phép là Con Người Thật của mình và thành công?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.