Thành Công Không Còn Là Bí Mật

PHẦN 1 : NỀN TẢNG – Chương 1 : Có Điều Gì Đó Không Ổn?



Ước tính cho thấy người Mỹ dành 11 tỷ đô (tỷ đô, đúng thế) mỗi năm cho các sản phẩm phát triển bản thân – tất tần tật mọi thứ từ sách vở, đĩa DVD cho đến những viên thuốc ăn kiêng – trong khi đó, các công ty Mỹ dành hơn 400 tỷ đô đầu tư vào những chương trình đào tạo cho đội ngũ nhân viên. Cá nhân tôi cho rằng ước tính như thế vẫn còn quá thấp; đặc biệt là khi bạn tính đến những chương trình giảm cân, dụng cụ thể thao, sách kinh doanh, và tất cả những thứ bạn có thể xếp vào danh mục phát triển bản thân.

(Vâng, tôi biết có nhiều thuật ngữ khác hay hơn như: phát triển tiềm năng, cải thiện bản thân, đào tạo chuyên nghiệp, vân vân. Nhưng lúc này, chúng ta hãy gọi nó là phát triển bản thân nhé.)

LÝ DO SỐ 1 KHIẾN HẦU HẾT MỌI NGƯỜI PHẢI VẬT LỘN TRONG CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC (ĐỪNG LO, KHÔNG GIỐNG NHỮNG GÌ BẠN TỪNG NGHE ĐÂU.)
Tại sao với ngần ấy thời gian, tiền bạc, và sức lực để phát triển bản thân, lại có rất ít người sống cuộc đời này theo ý họ muốn? Một cách hỏi khác là:

Tại sao hàng triệu người vốn dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để cố gắng cải thiện bản thân nhưng vẫn trượt dài trên đường đời với một chân đạp thắng?

Câu hỏi tưởng chừng như không có lời đáp này thật ra vẫn có câu trả lời. Nhưng cũng giống như hầu hết những vấn đề nan giải khác, để trả lời thỏa đáng, trước hết chúng ta phải biết đặt câu hỏi sâu sắc hơn. Câu hỏi sâu sắc hơn chúng ta cần đặt ra là:

ĐIỀU GÌ TẠO RA HÀNH VI CON NGƯỜI?

Dù có nhiều cách trả lời câu hỏi này, nhưng tôi cho rằng mình đã tìm ra câu trả lời đơn giản nhất đồng thời cũng chính xác nhất. Đây là một câu trả lời đơn giản bởi tôi (và tôi dám chắc là cả bạn nữa) đã phát hiện ra những giải pháp đơn giản nhất có xu hướng mang đến kết quả tốt nhất và bền vững nhất.

LÝ DO NÊN LÝ DO KHÔNG NÊN LỢI ÍCH CHI PHÍ CÁN CÂN THÀNH CÔNG

Tôi đã chiếu cái hình này cho hàng ngàn người xem trong những buổi hội thảo, và tôi gọi nó là Cán Cân Thành Công.

Hãy hình dung trong tâm trí một cán cân, giống như cán cân công lý bạn từng thấy trên các chương trình truyền hình về tòa xử án. Đây là dụng cụ dùng để xác định trọng lượng với một điểm tựa ở chính giữa, mỗi bên có một đĩa cân.
Trên một chiếc đĩa, hãy tưởng tượng chúng ta có một thứ gọi là Lý Do Nên. Đây là động lực bên trong bạn, hay còn gọi là lý do tại sao bạn thực hiện một điều gì đó. Trên chiếc đĩa còn lại, chúng ta có Lý Do Không Nên – lý do khiến bạn không thực hiện một điều gì đó.

Để tôi lấy một ví dụ từ chính cuộc đời bạn. Vì sao bạn lựa chọn đọc quyển sách này? Câu trả lời rất đơn giản. Bạn đọc nó vì bạn biết Lợi Ích của việc đọc sách (Lợi Ích là cách nói khác của Lý Do Nên) lớn hơn Chi Phí bỏ ra để đọc sách (Chi Phí là cách nói khác của Lý Do Không Nên.) Lý Do Nên hay còn gọi là Lợi Ích của việc đọc quyển sách này, đối với bạn, có thể bao gồm:

Tôi muốn tìm hiểu xem những người thành công nhất thế giới làm gì, để áp dụng vào cuộc đời mình… Để tôi thôi không tự hủy hoại bản thân mình nữa… Để tôi kiếm được nhiều tiền hơn… Và cuối cùng tự tin nhấc chân ra khỏi bàn đạp thắng… Và điều này sẽ khiến tôi hạnh phúc hơn bởi tôi có thể sống cuộc đời tôi hằng khao khát… Và từ bỏ công việc tôi chán ghét… Và đi nghỉ mát nhiều hơn… Và có nhiều mối quan hệ tốt hơn… Và giảm cân… Và tìm thấy tình yêu của đời mình… Và mua một chiếc xe mới… Và một căn nhà mới… Và để thoát khỏi nợ nần… Tôi có nói là để nhấc chân ra khỏi bàn đạp thắng chưa nhỉ?

THẾ CÒN LÝ DO KHÔNG NÊN HAY CHI PHÍ THÌ SAO?

Chúng có thể bao gồm: Tôi còn bao nhiêu việc cần phải thực hiện ngay.

Mà cha tác giả này là ai? Tại sao tôi phải nghe theo ông ta?

Nếu đọc đến cuối sách mà vẫn không biết cách nào bỏ chân ra khỏi bàn đạp thắng thì sao?

Lỡ nó chỉ có tác dụng với người khác còn vô hiệu với tôi thì sao? Ông này định chào bán gì cho tôi đây? Tôi từng bị dụ rồi và không muốn điều này xảy ra một lần nữa đâu nha.
Tôi đã nói tôi còn nhiều thứ phải làm ngay bây giờ chưa nhỉ?

Não bộ của bạn giống như một chiếc cân máy làm việc không ngừng – từng giây từng phút, tâm trí bạn cân đo đong đếm hai mặt Được Mất của tất thảy mọi hành vi hoặc hoạt động mà bạn nghĩ đến. Bạn có nhận ra mọi quyết định của mình đều dựa trên Lý Do Nên và Lý Do Không Nên không? Ta hãy cùng xem xét:

Nơi bạn sống Quần áo bạn mặc Món bạn ăn (và mức độ thường xuyên) Xe bạn lái Công việc bạn làm Người bạn quyết định kết hôn – hay không thèm cưới!

Món bạn dùng trong bữa sáng hôm nay… Tất cả đều được quyết định bởi Lý Do Nên và Lý Do Không Nên của bạn. Trên thực tế, mọi quyết định bạn từng đưa ra đều dựa trên hai yếu tố: lý do tại sao bạn nghĩ bạn nên làm so với lý do tại sao bạn nghĩ bạn không nên làm.

NHƯNG ĐIỀU NÀY THÌ CÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN THÀNH CÔNG?

“Được rồi, Noah,” bạn nói, “Tôi có thể thấy rằng mọi quyết định của tôi đều dựa trên Lý Do Nên và Lý Do Không Nên. Nhưng điều đó có liên quan gì đến thành công? Chẳng lẽ ý anh là nếu tôi tự cản trở mình thành công thì có nghĩa là tôi không muốn thành công ư?” Tôi có vinh dự được tiếp xúc với hàng ngàn người trong các buổi hội thảo và chương trình cố vấn của mình – họ là các chủ doanh nghiệp, thanh thiếu niên, nhân viên bán hàng và kế toán, nhân viên và ông chủ, những người làm việc cho các công ty lớn và các bà mẹ ở nhà nội trợ; đàn ông, phụ nữ và trẻ con thuộc mọi tầng lớp xã hội. Suốt ngần ấy thời gian, tôi chưa gặp một người nào không muốn thành công.

Con người ai cũng khao khát thành công – ta làm mọi thứ để sở hữu và giữ gìn những gì mình mong muốn.

Vậy mà chúng ta chứng kiến hàng triệu người và tổ chức đang tự cản trở mình vươn đến mức độ thành công mà họ hoàn toàn có thể đạt được, mặc dù nhìn chung, ta đang bỏ ra hàng tỷ đô-la để nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Vậy thì chuyện gì đang diễn ra ở đây? Chắc chắn phải có điều gì ẩn giấu đằng sau… ở bên dưới… mà nếu chỉ quan sát bình thường bạn sẽ không thấy.

LÝ DO TIỀM ẨN KHIẾN BẠN BẾ TẮC

Hãy nghĩ về một tảng băng trôi. Ta đã biết 90% đến 95% tảng băng nằm dưới bề mặt nước, chỉ có 5% đến 10% tảng băng nổi lên trên bề mặt.

Các nhà khoa học tại Stanford, MIT, và các học viện danh giá khác đã khẳng định tâm trí con người có cách thức vận hành tương tự. Như một tảng băng trôi, tâm trí chúng ta bao gồm hai phần: phần có thể thấy được (trên mặt nước) và phần bị che khuất (dưới mặt nước).

Ý THỨC LỰA CHỌN RANH GIỚI Ý THỨC TIỀM THỨC KHÔNG CÓ LỰA CHỌN TẢNG BĂNG TRÔI CỦA Ý THỨC

Thay vì ranh giới là mặt nước, ta hãy gọi đường kẻ phân tách hai phần tâm trí là Ranh Giới Ý Thức. Và ta gọi phần 10% nhìn thấy được là ý thức, còn phần 90% bị che khuất là tiềm thức. Một từ khác dành cho ý thức là chủ đích, bởi nó đại diện cho LỰA CHỌN.

Theo các nghiên cứu khoa học, ý thức của bạn chỉ chiếm dưới 10% toàn chức năng não bộ. Điều đó có nghĩa là tiềm thức hay phần không chủ đích chiếm hơn 90% toàn chức năng não bộ.
Tiềm thức của bạn bao gồm vô số suy nghĩ, hành vi theo thói quen và không chủ đích. Chính vì vậy, cụm từ tốt nhất để miêu tả tiềm thức là KHÔNG CÓ LỰA CHỌN.

Hãy nhìn xung quanh căn phòng bạn đang ở ngay lúc này. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bước vào phòng và tắt hết đèn đi? Nói cách khác, tôi bỏ hết mọi nguồn ánh sáng trong căn phòng. Căn phòng chìm trong một màu đen và bạn hoàn toàn không nhìn thấy gì hết.

Sẽ ra sao nếu tôi yêu cầu bạn sắp xếp lại đồ đạc trong phòng? Trong một căn phòng tối như đêm ba mươi, bạn có thực hiện nổi nhiệm vụ được giao không? Câu trả lời là: không khả thi lắm. Bạn sẽ vấp phải cái bàn cái ghế, dò dẫm xung quanh, và không thể thay đổi dù là một vị trí nhỏ trong phòng.

Bạn không thể sắp xếp đồ đạc trong một không gian bạn không nhìn thấy có phải đồng nghĩa với việc bạn không có khả năng sắp xếp đồ đạc không? Dĩ nhiên là không! Bạn hoàn toàn có khả năng làm được điều đó – khi bạn có thể nhìn thấy mình đang làm cái quái gì.

Tiềm thức của bạn cũng giống như căn phòng tối tăm mịt mù ấy. Chúng ta không biết có cái gì trong đó, đơn giản là vì chúng ta không thể nhìn thấy nó – nó nằm bên dưới bề mặt nước giống như 90% tảng băng trôi. Một khi bạn không thể nhìn thấy một vật gì đó thì việc thay đổi nó là cực kỳ khó khăn.

Quay lại câu hỏi ban đầu… Tại sao có hàng triệu người dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để nỗ lực cải thiện bản thân nhưng vẫn bế tắc?

Khi ta kết hợp Cán Cân Thành Công và Tảng Băng Trôi Của Ý Thức, câu trả lời trở nên đơn giản đến mức kinh ngạc.

Lý Do Nên Thành Công Của Bạn Nằm Ở Ý Thức.

LÝ DO NÊN Ý THỨC LỰA CHỌN RANH GIỚI Ý THỨC TIỀM THỨC KHÔNG CÓ LỰA CHỌN

Mọi người đều muốn thành công… ở tầng ý thức. Chúng ta đều biết thành công thì tốt hơn là không thành công rồi! Bạn nghĩ tại sao chúng ta lại dành ngần ấy thời gian, tiền bạc, và sức lực để trở nên thành công hơn chứ? Vậy là Lợi Ích hay còn gọi là Lý Do Nên Thành Công nằm ở ý thức con người.

Nhưng đã bao giờ bạn dừng lại và suy nghĩ về Chi Phí của quá trình thật sự cho phép bản thân mình thành công chưa?

Tôi đã đặt câu hỏi này cho vô số người tham dự hội thảo, và phản hồi tôi nhận được là… sự im lặng tuyệt đối, tiếp đến là hành động ngọ nguậy khá căng thẳng trên ghế. Tôi gần như nghe được tiếng nói ong ong trong đầu khán thính giả: “Chà, mình chưa bao giờ nghĩ về chuyện này… Chi Phí của việc thật sự cho phép bản thân mình thành công là gì?” Hay nói cách khác, bạn đã bao giờ quan tâm đến việc Lý Do Nên Thành Công của bạn nằm ở ý thức chưa, còn… Lý Do Không Nên Thành Công Của Bạn Lại Nằm Ở Tiềm Thức.

LÝ DO NÊN Ý THỨC LỰA CHỌN RANH GIỚI Ý THỨC TIỀM THỨC KHÔNG CÓ LỰA CHỌN

Khi tôi mời khán thính giả đưa ra ví dụ về những gì họ xem là Chi Phí Của Thành Công thì đây là những câu trả lời phổ biến:

Chẳng phải cần rất nhiều THỜI GIAN để thật sự thành công sao? Tôi quá BẬN – nhìn vào danh sách những việc mà tôi phải làm đây này!

Tôi không muốn nhận thêm TRÁCH NHIỆM nữa.

Nếu GIA ĐÌNH tôi không chấp nhận thì sao?

Nếu BẠN ĐỜI tôi ganh tỵ với tôi thì sao? Nếu có người CƯỜI NHẠO tôi thì sao?

Nếu BẠN BÈ không thích tôi nữa thì sao?

Nếu tôi thành công nhưng không được LÂU thì sao?

Nếu tôi phải XA gia đình quá lâu thì sao? Nếu tôi chạy theo rồi MẤT tất cả thì sao? Nếu… nếu… nếu… Và đây chỉ là những phản hồi tức thì! (Tôi đặt câu cuối cùng ở đó để bao gồm tất cả những cái “nếu” mà ta tự hỏi mình.) Bạn có nhận ra điểm chung trong những Lý Do Không Nên Thành Công này không? Chúng đều nằm trong tiềm thức của bạn. Nghĩa là: Không ai thức dậy vào buổi sáng, nhìn ra ngoài cửa sổ và reo lên: “Ái chà, mặt trời đang tỏa sáng, chim chóc hót líu lo, và tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Tôi nghĩ hôm nay tôi sẽ cản trở mình thành công!”

Cũng chẳng có ai đi phát biểu: “Tôi nghĩ tôi sẽ mua quyển sách này (hay tham gia hội thảo này, hay đăng ký chương trình đào tạo này) để biết cách hủy hoại bản thân nhiều hơn!”
Ở tầng nhận thức – Mọi người ai cũng muốn thành công.

Nhưng chính bởi Lý Do Không Nên Thành Công của bạn nằm ẩn sâu trong tiềm thức, nên nó cũng giống như việc lái xe trên đường đời… với một chân đạp thắng liên tục.

TẠI SAO CHÂN BẠN LẠI ĐẠP THẮNG?

Giả sử bạn làm việc cực kỳ chăm chỉ, phấn đấu để thành công. Có thể bạn đã tham gia một chương trình huấn luyện, hoặc đến dự một buổi hội thảo khiến bạn thấy mình tràn đầy nhiệt huyết, hay đọc một quyển sách mới thật sự có ý nghĩa. Bạn bắt đầu có những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Bạn làm theo những chỉ dẫn. Và đoán thử xem điều gì xảy ra? Mọi thứ bắt đầu phát huy tác dụng.

Sau mọi nỗ lực, sự tập trung, và tiền bạc mà bạn bỏ ra, bạn cũng bắt đầu gặt hái những gì bạn đang theo đuổi. Bạn đang tiến dần đến điều bạn mong muốn. Bạn ngày càng tiến bộ và kiếm được nhiều tiền hơn. Bạn trở nên thành công hơn từng ngày.

Chuyện gì xảy ra sau đó? Nỗi sợ bắt đầu xâm chiếm!

Nghe thật điên rồ, nhưng thực tế là bạn bắt đầu nếm trải cảm giác người ta gọi là sợ hãi khi vừa đạt được những gì bạn đã nỗ lực phấn đấu bấy lâu nay. Nhưng… Tại sao người ta cảm thấy SỢ khi vừa đạt được những gì mình MUỐN?
Điều này xảy ra là do Cán Cân Thành Công bắt đầu bị nghiêng, mà bạn không hề biết. Lý Do Không Nên Thành Công trong tiềm thức của bạn – những thứ bạn không thể thấy vì chúng bị che khuất, bạn nhớ chứ? – bắt đầu lên tiếng với bạn rằng: “Này, mày nghĩ mày đang làm gì thế hả? Mày không lo nổi đâu! Nếu mày không thể duy trì được mãi thì sao? Tại sao mày không dừng lại ngay để sau này khỏi bẽ mặt?”

Vậy bạn sẽ làm gì? Mọi người sẽ làm gì trong tình huống này? Bạn sẽ làm mọi thứ để chấm dứt cảm giác sợ hãi đó, bởi sợ hãi là một trong những cảm xúc mà con người không muốn đối mặt. Vì thế, thay vì xem xét lý do tại sao mình có cảm giác ấy, bạn ngừng làm những gì đang mang lại kết quả. Bạn đạp thắng. Bạn tự “hủy hoại” bản thân, bởi làm như vậy thì cảm thấy dễ chịu hơn là sợ hãi.

Rồi sau đó, bạn quay sang chỉ trích chính mình – bởi giờ bạn có thể nói với bản thân rằng bạn đã đúng! “Thấy chưa, đã bảo mà: Tao biết mày không chịu nổi đâu.

Tại sao phải bận tâm cơ chứ?”

Bạn nghe có quen không? Nếu bạn gật đầu thì hẳn quyển sách này dành riêng cho bạn. Nhưng điều chưa ai xét tới lại là một sự thật đơn giản:

Cảm xúc là KẾT QUẢ, không phải nguyên nhân.

Cảm xúc không tự nhiên sinh ra. Khi bạn trải nghiệm một cảm giác hay cảm xúc nào, nó xuất phát từ một nguyên nhân sâu thẳm trong lòng bạn. Vậy điều gì gây ra cái cảm giác “sợ thành công” hay “hội chứng đạp thắng”? Chính là Lý Do Không Nên Thành Công trong tiềm thức của bạn.

Đây chính là điểm mấu chốt:

Không phải bạn tự cản trở mình đến thành công là vì bạn không biết “làm sao để thành công”.

Bạn tự cản trở mình vươn đến mức độ thành công mà bạn hoàn toàn có thể đạt được là vì bạn có quá nhiều Lý Do Không Nên Thành Công trong tiềm thức so với Lý Do Nên Thành Công trong ý thức.
“Các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra rằng, đọc một quyển sách hay không chỉ giúp bạn trang bị thêm kiến thức mà còn giúp bạn vui vẻ hơn, tự tin hơn và có nhiều động lực hơn.”

Dịch giả Uông Xuân Vy


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.