Thuật Đàm Phán

Chương 01. Mọi thứ đều có thể thương lượng



“Mọi thứ đều có thể thương lượng” cần phải được sử dụng như một quan niệm và cách tiếp cận xuyên suốt cuộc sống và công việc của bạn kể từ giây phút này. Một trong những trở ngại lớn nhất cản trở bạn đạt được thành công và hạnh phúc là tính thụ động. Người thụ động đơn giản chỉ chấp nhận hiện trạng bởi họ thường cảm thấy không thể thay đổi được tình hình. Trong khi đó, người chủ động nhìn thấy cơ hội và luôn tìm cách thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho bản thân trong mọi trường hợp. Đây cũng là chiến lược mà bạn nên áp dụng cho mình.

Suy nghĩ như một nhà thương thuyết

Gần như không có giá cả hay điều kiện mặc định cho bất kỳ thứ gì, ngay cả khi chúng được thảo thành văn bản, hay được thông báo rộng khắp. Bạn phải nhớ rằng, dù giá trị hay điều kiện đó có vẻ vững chắc và cứng nhắc đến đâu, chúng ta cũng đều có thể thương lượng được. Việc của bạn chỉ đơn giản là tìm ra mấu chốt của vấn đề và làm thế nào để có được thỏa thuận tốt hơn so với ban đầu.

6.000 năm trước đây, khi hoạt động buôn bán và trao đổi hàng hóa ở vùng Sumeria cổ đại (tức Sumer) diễn ra, con người đã hiểu rằng mọi mức giá đều có thể thương lượng. Tại các khu chợ và các tiệm tạp hóa ở các nước thế giới thứ ba(1), thậm chí cả chợ trời và những gara thanh lý tại nhà thường gặp trong các khu dân cư, mỗi mức giá – dù là mua hay bán – đều chỉ là vạch xuất phát, nơi người thương lượng giỏi bắt đầu quá trình thương thuyết để đạt được mức giá có lợi nhất cho mình.

Tuy nhiên, cũng có những nơi trong thế giới hiện đại, hoạt động đàm phán không được khuyến khích. Nhiều người, đặc biệt là những người kinh doanh sản phẩm hoặc dịch vụ trên thị trường thương mại, cho rằng cần tránh đàm phán. Thay vào đó, họ sẽ in một bảng giá hay gắn một nhãn giá lên các sản phẩm hoặc dịch vụ, sau đó trưng những mức giá này như một sự ổn định. Nhưng những mức giá đó cũng thực sự “vô giá trị”, chúng cũng không phải là thứ cố định mà chỉ là ước đoán tốt nhất của một người, một nơi về khả năng sẵn lòng chi trả của một người khác. Một mức giá bất kỳ mà một người đưa ra hoàn toàn có thể được chính người đó, hoặc một người khác thay đổi.

Giá cả mang tính linh hoạt

Thực tế là việc định giá sản phẩm hoặc dịch vụ không tuân theo một quy luật
nào cả. Các doanh nghiệp định giá theo chi phí, lợi nhuận dự kiến và cả điều kiện cạnh tranh. Khi thông tin thay đổi, mọi mức giá đều có thể được thay đổivà điều chỉnh theo cách nào đó. Bất cứ khi nào thấy một thương vụ được giao dịch với giá khuyến mại thấp hơn, bạn sẽ thấy ngay ví dụ điển hình về một công ty đã ước đoán sai trong quá trình xác lập mức giá ban đầu.

Bất kể mức giá hiện tại là bao nhiêu, bạn đều có thể điều chỉnh nó theo hướng có lợi cho mình. Bạn có thể có được thứ mình muốn với mức giá rẻ hơn, nhanh hơn với điều kiện tốt hơn. Hãy biến quan điểm này thành một thói quen để liên tục tìm kiếm cơ hội cải thiện giá cả hoặc các điều kiện theo một cách nào đó.

Hợp đồng chỉ là điểm khởi đầu

Khi một hợp đồng hoặc một thỏa thuận được đưa ra, bạn hoàn toàn có quyền bác bỏ hoặc sửa đổi bất kỳ điều khoản hay điều kiện nào mà bạn không hài lòng. Trong bản hợp đồng này, có rất ít điều khoản phục vụ cho lợi ích của bạn bất kể theo cách thức nào. Đừng bao giờ chấp nhận thỏa hiệp vì những thỏa thuận hay hợp đồng mua bán chưa thỏa đáng.

Cách đây vài năm, chúng tôi đã ký một hợp đồng thuê văn phòng làm việc mới tại một tòa cao ốc trong thời hạn 5 năm. Vài năm sau, người chủ sở hữu bán tòa nhà cho một công ty bất động sản khác. Các nhà quản lý bất động sản mới này đến gặp từng đơn vị thuê nhà và giải thích rằng vì lý do pháp lý, tất cả sẽ phải ký lại hợp đồng với chủ sở hữu mới. Họ đảm bảo với chúng tôi rằng chúng tôi không có gì phải lo lắng. Các điều khoản ít nhiều sẽ giống với hợp đồng mà chúng tôi đã ký kết; duy chỉ có một vài thay đổi nhỏ mà thôi.

Bản hợp đồng mới mà chúng tôi nhận được dài hơn hợp đồng ban đầu khoảng 10 trang. Có 52 điều khoản bị thêm bớt so với bản hợp đồng gốc và chúng gây bất lợi cho công việc của chúng tôi sau này.

Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng bản hợp đồng mới và thay đổi lại 52 điều khoản này. Sau đó, chúng tôi gửi trả bản hợp đồng đã sửa lại cho chủ sở hữu tòa nhà. Một vài ngày sau, họ quay trở lại với một bản hợp đồng hoàn toàn khác, trong đó tất cả các điều khoản kia đều đã được sửa đổi theo yêu cầu của chúng tôi.

Qua đây, chúng ta rút ra được bài học rằng, “Đừng bao giờ chấp nhận thiệt thòi chỉ vì một vài điều khoản vô lý trong bất kỳ bản hợp đồng mua bán nào. Tất cả điều kiện được đưa ra đều có thể thương lượng.” Hãy nhớ rằng thỏa thuận chỉ là điểm khởi đầu của toàn bộ quá trình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.