Trong khi Ngài Walter và Elizabeth đang khổ nhọc gầy dựng cơ hội ở Khu phố Laura, Anne đang tái lập một mối quan hệ theo cách khác.
Cô đã đến thăm bà bảo mẫu ngày xưa và nghe bà kể về một bạn học cũ của cô ở Bath, người làm cho cô quan tâm vì ngày xưa tỏ ra tốt bụng và bây giờ đang cực khổ. Chị Hamilton, bây giờ là chị Smith, đã đối đãi tử tế với cô trong khoảng thời gian mà cô thấy quý giá nhất. Anne đã đi học mà không thấy vui, đang tiếc thương cái chết của bà mẹ mà cô yêu thương hết mực, cảm thấy sự xa cách khỏi mái ấm, và vào tuổi mười bốn, đa cảm và tinh thần yếu đuối, cô cảm thấy khổ sở. Chị Hamilton lớn hơn cô ba tuổi nhưng không có họ hàng gần và nơi ở ổn định, học thêm một năm ở trường, đã giúp đỡ và đối xử tốt bụng với cô làm cho cô vui lên nhiều và vẫn nhớ mãi nghĩa cử này.
Chị Hamilton đã thôi học, không lâu sau đấy kết hôn, được biết kết hôn với một người giầu có, và đấy là tất cả những gì Anne được biết. Bây giờ, thông tin của bà bảo mẫu cho biết tình cảnh chị bạn là khác hẳn.
Chị bạn là góa phụ và rất nghèo. Chồng chị đã chi tiêu phung phí, và qua đời hai năm trước, để lại nhiều nợ nần. Chị đã trải qua nhiều khó khăn để phấn đấu, lại thêm chứng sốt phong thấp ở hai chân khiến chị bị tàn tật. Chị đã đến Bath vì lý do ấy, bây giờ đang ngụ gần các nhà tắm nước nóng, sống trong cảnh rất khiêm tốn, thậm chí không có điều kiện thuê gia nhân, và dĩ nhiên là tách rời khỏi những giao tiếp xã hội.
Người bạn chung của hai cô cho biết chị Smith sẽ rất vui được gặp cô Elliot, thế nên Anne không để mất thời giờ. Cô không nói với gia đình những gì đã nghe, hoặc sẽ định làm gì. Chuyện sẽ không làm cho ai hào hứng mà chú ý đến. Cô chỉ bàn với Phu nhân Russell, người tỏ ra cảm thông với cô, và sẵn lòng đưa cô đến gần căn hộ chị Smith đang thuê trong Tòa nhà Westgate, theo ý của Anne.
Sau chuyến viếng thăm, mối giao tiếp giữa hai cô bạn được tái lập, tình cảm hai cô càng sâu đậm hơn xưa. Mười phút đầu trôi qua trong ngượng nghịu và cảm xúc. Họ đã xa nhau mười hai năm, và mỗi người đều đổi khác so với hình ảnh mà người kia mường tượng ra. Mười hai năm đã chuyển biến Anne từ cô gái mười lăm tuổi xuân thì, trầm lặng, non nớt thành một phụ nữ hai mươi bảy tuổi, chỉ còn nét đẹp nhưng mất vẻ xuân sắc, với tư cách ngay thẳng và luôn hiền dịu. Mười hai năm đã thay đổi chị Hamilton xinh xắn, đầy đặn, khỏe mạnh và tự tin, thành một góa phụ nghèo nàn, tàn tật, không thể tự lực, xem việc thăm viếng của người mình che chở lúc trước là một ân huệ. Nhưng không khí thiếu thoải mái trong cuộc tái hồi chẳng bao lâu tan mất, chỉ còn lại nỗi mừng vui khi nhớ về tình cảm lúc trước và hàn huyên về những ngày cũ.
Anne tìm thấy ở chị Smith lý trí tốt và thái độ dễ chịu mà khi xưa đã từng là chỗ cho cô nương tựa. Cô cũng thấy bạn mình thích trò chuyện và tỏ ra vui vẻ vượt quá sự mong đợi của cô. Không có buông thả nào trong quá khứ hoặc kiềm chế nào ở hiện tại, không có bệnh tật hoặc nỗi buồn nào khép kín con tim chị hoặc hủy hoại tinh thần chị.
Trong chuyến viếng thăm thứ hai, chị bạn trò chuyện một cách cởi mở khiến cho Anne ngạc nhiên thêm. Cô khó hình dung ra hoàn cảnh nào được vui hơn hoàn cảnh chị Smith. Chị rất yêu chồng mình: chị đã lo chôn cất anh. Chị đã quen với cảnh sang giầu: cảnh ấy không còn nữa. Chị không có con để gắn kết trở lại mình với cuộc đời và hạnh phúc, không có thân nhân để giúp đỡ trong những công việc khó khăn, không thể nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe. Chỗ trú ngụ của chị chỉ là một hành lang ồn ào và một căn phòng tối tăm phía sau, không thể tự mình di chuyển từ đầu này qua đầu kia. Chị không bao giờ đi ra khỏi nhà, mà chỉ đi xa lắm là đến bồn tắm nước nóng. Tuy thế, mặc cho những cảnh khổ cực ấy, Anne có lý do mà tin rằng chị chỉ trải qua một ít giai đoạn suy nhược và trầm cảm, rồi sau đấy là những giờ làm việc và vui thú. Làm thế nào như vậy được? Anne đã nhìn ngắm, quan sát, suy ngẫm, và cuối cùng nhận ra đấy không phải là một trường hợp chịu đựng hoặc đầu hàng số phận. Một tinh thần ngoan ngoãn có thể nhẫn nại; một hiểu biết mạnh mẽ có thể mang đến quyết tâm, nhưng ở đây còn có điều gì khác; ở đây là trí tuệ mềm dẻo, là tinh khí cần được an ủi, là sức mạnh sẵn sàng chuyển điều tệ hại sang điều tốt lành, và sức mạnh tìm công việc làm để tự vực mình lên, mà đấy chỉ là do tự nhiên. Đấy là món quà quý giá nhất của Thiên đường. Anne xem bạn mình là một trong những cảnh ngộ, trong đó qua một sắp đặt đầy ân sủng dường như có chủ định làm đối trọng cho hầu hết những thiếu thốn khác.
Chị Smith kể cho Anne nghe, có lúc tinh thần chị hầu như sụp đổ hoàn toàn. Nếu so với lúc chị vừa đến Bath thì bây giờ chị đã khá lên nhiều. Lúc ấy, chị lâm vào tình trạng rất thảm thương: vừa bị nhiễm cảm lạnh trên đường đi, và ngay sau khi tìm được chỗ trọ thì lại nằm liệt giường, khổ sở vì cơn đau nhức trầm trọng và kéo dài. Đấy là lúc mà chung quanh chỉ toàn người xa lạ, nhất thiết cần đến một cô điều dưỡng nhưng điều kiện tài chính không cho phép chi thêm khoản nào. Tuy nhiên, chị đã vượt qua được, và có thể nói mình thật sự đã khá lên. Chị được thoải mái hơn bằng cách tự nhủ mình vẫn còn người giúp đỡ. Chị đã kinh qua nhiều chuyện trong đời, để chuẩn bị tinh thần đối phó với tình người bất chợt thay đổi bất kỳ nơi nào, nhưng cơn bệnh đã cho chị thấy người chủa nhà của mình có tấm lòng nhân ái và không lợi dụng mình. Chị Smith đã đặc biệt may mắn nhờ có em gái chủ nhà làm điều dưỡng, luôn có mặt ở nhà khi không phải đi làm, và tình cờ có thời giờ rảnh rỗi để ra tay chăm sóc. Chị Smith nói:
– Và chị ấy, ngoài việc tận tình chăm sóc tôi, còn là một người thân quen đáng quý. Ngay khi hai bàn tay tôi cử động tốt trở lại, chị ấy dạy tôi đan làm cho tôi rất vui, rồi giúp chỉ dẫn tôi làm bao áo gối, gối tựa và hộp đựng cỗ bài giúp cho tôi tránh thời gian nhàn rỗi, và cũng tạo cho tôi phương tiện để làm việc thiện cho một, hai gia đình láng giềng nghèo khó. Chị ấy được quen biết rộng – dĩ nhiên là qua chuyên môn – trong số những người có tiền để mua, và chị ấy giúp phân phối sản phẩm của tôi. Chị ấy luôn chọn thời điểm thích hợp nhất. Cô biết không, mọi con tim đều rộng mở khi họ vừa vượt qua một cơn đau trầm trọng hoặc sức khỏe họ vừa bình phục, và Điều dưỡng Rooke hiểu rõ lúc nào nên nói ra. Chị ấy là một phụ nữ khôn khéo, thông minh, có lý trí. Chị ấy có thể nhìn ra bản chất con người, và có khả năng cảm nhận và quan sát tốt, nhờ đó vượt xa hàng nghìn người vốn chỉ nhận được “nền giáo dục tốt nhất thế giới” nhưng không biết phụng sự thế nào cho xứng đáng nhất. Cô có thể nói hai chúng tôi thích buôn chuyện, nhưng mỗi khi dành ra được nửa tiếng đồng hồ, thể nào Điều dưỡng Rooke cũng có chuyện thật hào hứng và bổ ích kể cho tôi nghe – chuyện gì đấy khiến cho ta hiểu thêm đồng loại của mình. Người ta muốn nghe chuyện gì đang xảy ra, để thông hiểu những cách thức mới nhất tuy vặt vãnh và ngốc nghếch. Đối với tôi, người đã sống cô độc nhiều, cách trò chuyện của chị ấy quả là thú vị.
Không hề muốn dập tắt niềm vui, Anne nói:
– Tôi có thể dễ dàng tin điều ấy. Phụ nữ thuộc giai cấp ấy có nhiều cơ hội, và nếu họ thông minh thì đáng cho chúng ta lắng nghe. Những bản chất con người mà họ thường chứng kiến quả là đa dạng! Và đấy không chỉ do họ đọc nhiều chuyện điên rồ, mà thỉnh thoảng họ còn thấy những điều đó trong mọi tình huống có thể rất thú vị hoặc làm mủi lòng. Những tình huống diễn ra trước mặt họ về sự hăng hái, thờ ơ, mối tình tự chối bỏ; về anh hùng tính, chịu đựng, kiên nhẫn, buông xuôi; về tất cả những cuộc xung đột và hy sinh vốn làm cho chúng ta trở nên cao cả nhất. Một phòng bệnh nhân có thể tạo ra hàng núi thông tin.
Có vẻ hồ nghi hơn, chị Smith nói:
– Vâng, đôi lúc là thế, tuy tôi e rằng những bài học rút tỉa được thì không phải lúc nào cũng theo cách cao cả như cô mô tả. Ở nơi này và nơi khác, bản chất con người có thể là to tát trong thời gian thử thách, nhưng nói chung, chính sự yếu đuối chứ không phải sức mạnh diễn ra trong phòng bệnh nhân: người ta thường nghe nói đến thói ích kỷ và nôn nóng chứ không phải tính rộng lượng và chịu đựng. Có quá ít tình bạn thật sự trên thế gian! Và điều không may là (thầm thì với giọng run rẩy) có nhiều người quên suy nghĩ nghiêm túc trước khi quá muộn.
Anne nhận ra nỗi khổ đau trong những cảm nghĩ như thế. Người chồng đã không tốt như mong muốn, và người vợ phải trải qua cuộc sống giữa những con người như thế, khiến cho cô nghĩ nhân loại tệ hại hơn là cô đã hy vọng. Nhưng đấy chỉ là cảm xúc thoáng qua của chị Smith; chị vội gạt đi rồi giọng nói thay đổi theo cách khác:
– Tôi không tin tình cảnh hiện tại của bạn tôi, chị Rooke, khiến cho tôi chú ý hoặc khai sáng cho tôi. Cô ấy đang chăm sóc cho cô Wallis ở Tòa nhà Marlborough; tôi tin rằng cô này chỉ là một phụ nữ đẹp, dốt nát, xa hoa, thích chưng diện thời trang, và dĩ nhiên không nói chuyện gì khác hơn là những loại đăng-ten và hoa văn trang trí. Tuy nhiên, tôi có chủ ý trông cậy nơi cô Wallis. Cô ấy có nhiều tiền, và tôi mong cô ấy sẽ mua tất cả các món đắt giá mà tôi đang có trong tay,
Anne đã đến chơi vài lần với chị bạn trước khi gia đình cô biết đến sự hiện diện của một người như thế. Cuối cùng, cô bắt buộc phải nói đến người này. Một buổi sáng, Ngài Walter, Elizabeth và chị Clay trở về từ Khu phố Laura, thình lình nhận được lời mời của Phu nhân Dalrymple cho buổi tối ngày ấy, còn Anne tối ấy đã có hẹn ở Tòa nhà Westgate. Cô không tiếc phải xin kiếu vì lý do này. Cô tin chắc gia đình mình được mời đến chỉ vì Phu nhân Dalrymple phải ở nhà do một cơn cảm mạo nên tỏ ra vui mà lợi dụng mối quan hệ bên gia đình cô đã thiết tha tái lập, còn cô nhanh nhẩu từ chối với lý do đến thăm một người bạn học cũ. Hai người không quan tâm những chuyện liên quan đến Anne, nhưng vẫn đặt vài câu hỏi để biết người bạn học cũ ấy là ai.
Khi nghe cô trả lời, Elizabeth tỏ ra khinh bỉ và Ngài Walter gay gắt. Ông nói:
– Tòa nhà Westgate! Cô Anne Elliot là ai mà đi thăm viếng Tòa nhà Westgate? Một chị Smith nào đấy. Một chị Smith góa bụa, còn chồng chị ấy là ai? Một trong số năm nghìn anh Smith với cái tên đi đâu cũng gặp. Chị ấy có gì thu hút chứ! Chỉ là già và yếu. Cô Anne Elliot à, bố thấy cô có lòng ưa thích khác thường! Mọi thứ khiến cho những người khác kinh tởm, giai cấp thấp kém, nơi ăn chốn ở tồi tàn, không khí ngột ngạt, các quan hệ kinh tởm, thì con lại thấy hấp dẫn. Nhưng con có thể dời việc đi thăm chị ấy đến sáng mai; bố nghĩ chị ấy chưa đến hồi kết cục, mà có thể sống thêm một ngày nữa. Chị ấy tuổi bao nhiêu? Bốn mươi hở?
– Không, bố ạ, chị ấy chỉ mới ba mươi mốt, nhưng con không muốn dời lại, bởi vì tối nay là thuận tiện cho cả chị ấy và con. Ngày mai chị ấy sẽ đi chữa bệnh ở suối nước nóng, còn chúng ta sẽ bận suốt cả tuần, như bố biết rồi.
Elizabeth nói:
– Nhưng Phu nhân Russell sẽ nói sao về mối quen biết này?
Anne nói:
– Bà ấy không thấy gì là đáng trách, ngược lại bà chấp nhận và thường đưa em đi khi em đến với chị Smith.
Ngài Walter nhận xét:
– Người ở Tòa nhà Westgate hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy một cỗ xe dừng bên vệ đường. Đúng là góa phụ của Ngài Henry Russell không có vinh dự để phân biệt huy hiệu của bà, nhưng đấy vẫn là một cỗ xe sang trọng, và chắc chắn họ biết là xe chở cô Elliot. Một chị Smith góa bụa sống ở Tòa nhà Westgate! Một góa phụ nghèo chỉ vừa đủ sống, giữa ba mươi và bốn mươi tuổi; chỉ là một chị Smith, một chị Smith thường ngày trong số tất cả con người và tất cả cái tên trên thế gian, được cô Anne Elliot chọn làm bạn, được cô quý hơn các mối quan hệ của gia đình cô trong giới quý tộc Anh quốc và Ireland! Chị Smith! Quả là cái tên!
Chị Clay đã nghe từ đầu câu chuyện, bây giờ nghĩ mình nên rời khỏi phòng. Đáng lẽ Anne có thể trả lời, và cô muốn trả lời để biện hộ cho những quyền của người bạn mình vốn không khác với những quyền của gia đình cô, nhưng vì kính trọng ông bố mà cô không muốn nói ra. Cô không trả lời. Cô để cho ông tự nhớ ra rằng chị Smith không phải là góa phụ duy nhất ở Bath giữa tuổi ba mươi và bốn mươi, ít có phương tiện sinh sống, và không mang họ quý phái.
Anne giữ cái hẹn của mình còn những người khác giữ cái hẹn của họ, và dĩ nhiên là sáng hôm sau cô nghe họ nói đã trải qua một buổi tối vui vẻ. Cô là người duy nhất xin kiếu vắng mặt, bởi vì Ngài Walter và Elizabeth không những sẵn lòng phục dịch Phu nhân, mà còn lấy làm vui được bà nhờ đi đón những người khác, và đã chịu khó mời cả Phu nhân Russell và anh Elliot; còn anh Elliot đã có chủ ý từ giã Đại tá Wallis sớm, và Phu nhân Russell đã thu xếp sớm những công việc buổi tối để phục dịch Phu nhân Dalrymple. Phu nhân Russell kể cho Anne nghe toàn bộ câu chuyện về một buổi tối như thế. Đối với cô, câu chuyện lý thú nhất ở chỗ bà bạn của cô và anh Elliot nói nhiều đến cô; ở chỗ hai người đã mong cô đến rồi lấy làm tiếc vì cô không đến, và cùng lúc cô được tôn vinh vì đã vắng mặt với lý do kia. Có vẻ như anh Elliot thấy vui vui khi nghe kể cô tỏ ra tử tế và cảm thông mà đi thăm người bạn học cũ bệnh tật và nghèo khó. Anh nghĩ cô là một phụ nữ trẻ rất khác thường về tính khí, cử chỉ và tinh thần – một phụ nữ mẫu mực. Thậm chí anh còn bàn tán với Phu nhân Russell về phẩm giá của cô; còn Anne không được bà bạn thông hiểu nhiều, không thể nào biết mình được một người đàn ông nhậy cảm như thế đánh giá cao mà không cần chờ bà bạn tán đồng.
Bây giờ, Phu nhân Russell có ý nghĩ tốt về anh Elliot. Bà tin chắc anh có ý tiến đến Anne cũng như tin rằng anh xứng đáng với cô. Bà bắt đầu dự tính anh sẽ mất bao nhiêu tuần lễ để thoát ra khỏi gò bó của cảnh góa bụa 1, và cho phép anh tự do phát huy khả năng chiếm cảm tình của cô. Bà không nói với Anne rằng mình đã tin chắc về việc này; bà chỉ ngụ ý những gì có thể xảy ra từ bây giờ, về khả năng anh biết yêu, về mối nhân duyên đáng mong ước, miễn là tình yêu của anh là chân thật và được đáp trả. Anne nghe bà nói mà không tỏ ý phản đối; cô chỉ mỉm cười, đỏ mặt và khẽ lắc đầu.
Phu nhân Russell nói:
– Như cô đã rõ, tôi không phải là bà mối vì tôi quá hiểu những sự việc và tính toán của con người là vô định. Tôi chỉ có ý nói rằng nếu từ lúc này anh Elliot để ý đến cô và nếu cô có lòng chấp nhận anh ấy, thì tôi nghĩ hai người sẽ được hạnh phúc bên nhau. Ai ai cũng phải xét đến một mối quan hệ thích hợp nhất; riêng tôi nghĩ đây sẽ là một mối quan hệ rất hạnh phúc.
Anne nói:
– Anh Elliot là người rất dễ mến, và theo nhiều phương diện tôi nghĩ tốt về anh ấy, nhưng chúng tôi không hợp nhau.
Phu nhân Russell phớt lờ điều này, và chỉ đáp:
– Tôi thấy rất mãn nguyện khi xem cô như là bà chủ tương lai của Kellynch, là Phu nhân Elliot 2 tương lai, khi mong đợi và được thấy cô giữ vị trí của mẹ cô trước kia, thừa kế tất cả quyền lợi của bà, tất cả sự trọng vọng đối với bà, cũng như tất cả phẩm chất của bà. Cô rất giống mẹ cô ở vóc dáng và tâm tính; và ước gì tôi được phép hình dung là bà ấy, giống về gia thế và tên tuổi, và ngôi gia cư, chủ trì và ban phúc ở cùng vị thế, mà còn hơn bà ấy ở chỗ được đánh giá còn cao hơn nữa! Anne yêu quý à, điều này sẽ làm cho tôi hả dạ chưa từng có trong cả đời mình!
Anne bắt buộc phải ngoảnh mặt đi, đứng dậy, đi đến một chiếc bàn ở xa, dựa vào đấy giả vờ như có việc làm, cố trấn áp những cảm nghĩ mà hình ảnh kia khuấy động nên. Trong một khoảnh khắc, trí tưởng tượng và tâm tư cô chìm trong mê đắm. Ý nghĩ việc cô có địa vị như mẹ cô ngày xưa, việc chức danh quý giá “Phu nhân Elliot” lần đầu tiên sống lại trong cô; việc được quay lại cư ngụ trong Dinh thự Kellynch, lại được gọi đấy là tổ ấm, tổ ấm của cô mãi mãi – tất cả tạo sức mê hoặc mà nhất thời cô không cưỡng lại được. Phu nhân Russell không nói gì thêm, muốn để sự việc tự tiến triển. Bà tin rằng đến lúc cuối anh Elliot sẽ tỏ ra đúng mực mà bày tỏ lòng mình. Tóm lại là bà tin điều mà Anne không tin. Cùng hình ảnh anh Elliot nói về mình giúp cho Anne trấn tĩnh trở lại. Sức mê hoặc của Kellynch và “Phu nhân Elliot” dần mờ nhạt. Không bao giờ cô có thể chấp nhận anh. Và không chỉ có việc tâm tư cô hướng đến một người duy nhất; phán xét của cô đối với điều khả dĩ trong việc này đều bất lợi cho anh Elliot.
Dù cho hai người đã quen biết nhau được một tháng, cô vẫn nghĩ mình chưa thật sự hiểu rõ tính cách của anh. Điều rõ ràng là anh nhạy cảm, dễ mễn, ăn nói giỏi, có ý kiến hay, có vẻ như có óc phán xét đúng lý, là con người nguyên tắc. Hiển nhiên là anh biết phân biệt đúng sai, và cô cũng không chỉ ra được anh có khuyết điểm gì về bổn phận theo đạo đức. Tuy thế, cô không dám có kết luận về tính cách của anh. Cô lấy làm nghi ngờ về quá khứ, nếu không về hiện tại. Thỉnh thoảng cô nghe cái tên những người quen biết cũ của anh và lời nói bóng gió về những hành động ngày xưa – tất cả đều khiến cho cô nghi ngờ quá khứ của anh không như những gì cô thấy bây giờ. Cô thấy quá khứ anh có những thói quen không tốt, như luôn đi xa vào các ngày Chủ Nhật, như có một giai đoạn trong đời anh (và đấy không phải là giai đoạn ngắn) ít nhất anh đã tỏ ra thiếu cẩn trọng trong mọi việc nghiêm túc. Tuy rằng có lẽ bây giờ anh suy nghĩ khác đi nhiều, ai lại tin được tình cảm thật sự của một người khôn ranh, cẩn thận, đã đến tuổi dầy dạn kinh nghiệm để khoác lấy bề ngoài chín chắn? Làm thế nào biết chắc đầu óc anh đã thực sự được gột sạch?
Anh Elliot là người đúng lý, thận trọng, lịch sự, nhưng không được cởi mở. Anh không bao giờ thốt ra cảm nghĩ sôi nổi để chê bai việc xấu hoặc tán thưởng việc tốt của người khác. Đối với Anne, điều này dứt khoát là một khuyết điểm. Cô quý trọng tính thẳng thắn, chân thành, nhiệt tình hơn là những tính chất khác. Tính nồng nàn và tha thiết vẫn còn quyến rũ được cô. Cô nghĩ mình có thể tin cậy người chân thành nhưng đôi lúc tỏ vẻ hoặc nói năng sơ suất hoặc hấp tấp, còn hơn là người có đầu óc kiên định và có lời ăn tiếng nói không bao giờ sơ sẩy.
Nói chung, anh Elliot là người dễ mến. Dù trong gia đình cô mỗi người mỗi tính, nhưng anh đều làm cho mọi người mến thích. Anh chấp nhận quá giỏi, chịu đựng quá mức đối với tất cả mọi người. Anh đã cởi mở trò chuyện với cô về chị Clay, đã nhìn ra tâm tính chị Clay ra sao và khinh thường chị, nhưng tuy thế chị Clay vẫn xem anh là người dễ mến như bất kỳ người nào khác.
Phu nhân Russell không nhận ra nhiều hơn hoặc kém hơn so với Anne, bởi vì bà không thấy điều gì khiến cho mình nghi ngờ. Bà không hình dung ra được người nào khác tốt như anh Elliot. Bà chỉ ấp ủ hy vọng được nhìn thấy anh đón nhận bàn tay người yêu dấu Anne của anh trong nhà thờ Kellynch, trong vòng mùa thu tới.
——————————–
1 Gò bó của cảnh góa bụa: thông lệ ở Anh quốc thời này là để tang mười hai tháng, nên Phu nhân Russell dự tính còn bao nhiêu tuần lễ anh Elliot mới được phép tái hôn.
2 Phu nhân Elliot: vì anh Elliot là người thừa kế tước vị và gia sản của Ngài Walter, nếu kết hôn với anh Elliot thì Anne sẽ trở thành Phu nhân Elliot và là bà chủ Dinh thự Kellynch.