Thuyết Phục

CHƯƠNG 2



Ông Shepherd là một luật gia có tính lễ độ và cẩn trọng. Dù cho có hiểu biết hoặc nhận xét ra sao về Ngài Walter, ông vẫn không muốn nói ra cảm nghĩ của mình mặc cho bất kỳ ai khó chịu, và chỉ khuyên họ nên hỏi han sự phán xét xuất sắc của bà vì bà có lý trí tốt mà ai cũng biết.
Phu nhân Russell tỏ ra rất quan tâm đến vụ việc và có nhiều suy nghĩ nghiêm túc. Bà là phụ nữ có khả năng chín chắn hơn là nhanh nhậy. Bà cảm thấy khó khăn khi quyết định về việc này, vì có hai nguyên tắc chủ yếu chống đối. Bà có tính liêm chính chặt chẽ cộng thêm ý thức về danh dự; nhưng bà vừa muốn tránh xúc phạm cảm nghĩ của Ngài Walter vừa quan tâm đến uy tín của gia đình, theo những ý tưởng về giai cấp quý tộc, lý trí và tính chân thật. Bà là một phụ nữ đôn hậu, nhân từ, dễ gắn bó, có phẩm hạnh, đúng mực trong giao tiếp, và có phong thái cho thấy nền gia giáo tiêu chuẩn. Bà có một đầu óc học thức, tựu chung là phải chăng và nhất quán. Nhưng bà có những định kiến về gốc gác gia tộc, xét giá trị con người dựa theo giai cấp xã hội, khiến cho bà dễ bỏ qua khuyết điểm của người ở giai cấp cao. Bản thân là góa phụ của một hiệp sĩ, bà thể hiện phẩm giá ở mức cao hơn – phẩm giá của một tòng nam tước. Trong ý nghĩ bà thì Ngài Walter cần được thông cảm và bù đắp trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, chứ chưa nói đến việc ông là bạn thân của chồng bà ngày xưa, là cha của Anne và hai chị em cô này, là một người láng giềng ân cần, và là một địa chủ sẵn lòng giúp đỡ.
Phải dè sẻn chi tiêu, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng bà cố tránh gây khó khăn cho ông và Elizabeth theo cách có thể được. Bà soạn ra kế hoạch tiết kiệm, tính toán một cách chính xác, và làm việc mà không ai nghĩ bà sẽ làm: hỏi ý kiến Anne, trong khi những người khác đều nghĩ cô này chẳng quan tâm gì đến sự việc. Bà hỏi ý kiến, và theo chừng mực nào đấy dựa theo ý kiến của Anne mà bà định ra phương cách cắt xén chi tiêu rồi trình cho Ngài Walter. Theo ý của Anne, mọi cách sửa chữa lỗi lầm đều nhắm đến tính trung thực thay vì tầm quan trọng của gia tộc. Cô muốn có những biện pháp quyết liệt hơn, một sự thay đổi toàn diện hơn, hầu cố thoát khỏi cảnh nợ nần. Cô không còn lãnh đạm như trước, mà bây giờ nhắm đến lẽ phải và công bằng.
Khi nhìn qua tờ giấy tính toán các biện pháp, phu nhân Russell nói:
– Nếu thuyết phục được cha cô đồng ý tất cả những việc này thì ta sẽ đạt nhiều kết quả. Nếu thực hiện những lề luật này thì trong vòng bảy năm ông ấy sẽ thanh toán hết nợ, và tôi nghĩ chúng ta có thể thuyết phục ông ấy và Elizabeth rằng Dinh thự Kellynch tự nó đã được trọng vọng nên giảm chi tiêu sẽ không gây ảnh hưởng, và rằng phẩm giá thật sự của Ngài Walter Elliot sẽ không bị hạ thấp chút nào dưới mắt của người có cảm nhận tốt, vì ông ấy hành xử như ngưởi có nguyên tắc. Thật ra, việc ông ấy làm có khác gì với việc mà nhiều người trong gia tộc lúc trước đã phải làm? Trong trường hợp ông ấy thì không có gì đặc thù cả, và chính sự đặc thù là phần tệ hại nhất trong cảnh khổ của chúng ta, cũng như trong tư cách của chúng ta. Tôi có hy vọng nhiều là chúng ta sẽ vượt qua. Ta phải nghiêm túc và quyết đoán, vì nói cho cùng, người mang nợ thì phải trả nợ. Tuy phải tôn trọng tâm tư của người đàn ông và của một trưởng tộc như cha cô, ta vẫn phải nghĩ đến tư cách của một người chân thật.
Đấy là nguyên tắc mà Anne muốn cha mình làm theo, và muốn những người thân khác thúc giục ông. Cô xem đấy là một nghĩa vụ cần thiết để thanh toán các món nợ qua những sự cắt giảm chi tiêu rộng lớn nhất, và thấy việc này chẳng hạ thấp phẩm giá gì cả. Cô muốn ông ra lệnh cho việc này và cảm thấy đó là một nghĩa vụ. Cô đánh giá cao ảnh hưởng của Phu nhân Russell; còn về mức độ tiết chế mà lương tri cô thấy phải bắt buộc, cô tin rằng thuyết phục thay đổi cách sống toàn diện thì khó khăn hơn là thay đổi nửa vời. Vốn biết rõ tố chất của ông bố và Elizabeth, cô nghĩ việc hy sinh một đôi ngựa hẳn cũng sẽ gây bức xúc gần như hy sinh hai đôi, còn những việc tương tự cũng thế, dù cho danh sách của Phu nhân Russell chỉ đưa ra các khoản mục cắt giảm nhẹ nhàng.
Những đòi hỏi gắt gao hơn của Anne được đáp ứng như thế nào thì không tạo kết quả quan trọng. Thậm chí những đòi hỏi của Phu nhân Russell không thành công gì cả: không chịu đựng được, không thực hiện được. Phu nhân Russell nghe tiếng nói phản đối:
– Cái gì! Mọi thoải mái trong cuộc sống bị rút bớt! Bớt các chuyến đi xa, bớt vui thú ở London, người hầu, ngựa xe, bớt chiêu đãi ăn uống – mọi thứ đều bị rút bớt và tiết chế! Thậm chí không còn đủ những yêu cầu của cuộc sống một quý ông tầm tầm! Không, chẳng bao lâu người ta 1 chắc sẽ rời bỏ Dinh thự Kellynch còn hơn là sống ở đây theo những điều kiện mất phẩm giá như thế.
“Rời bỏ Dinh thự Kellynch”. Đấy là ngụ ý mà ông Shepherd nắm bắt lập tức, vì ông quan tâm đến tình cảnh thực tế của Ngài Walter khi phải cắt xén chi tiêu, và ông tin chắc rằng phải thay đổi nơi cư ngụ thì mới đạt được mục đích này. Ông nói:
– Vì ý tưởng này phát xuất từ chính người phải ra mệnh lệnh, nên tôi không băn khoăn gì khi chấp nhận phán xét ấy. Tôi đã không nghĩ ra rằng Ngài Walter có thể thay đổi lối sống trong một ngôi nhà với cung cách hiếu khách và phẩm giá theo truyền thống như thế. Ở bất kỳ nơi nào khác, Ngài Walter có thể tự phán xét cho mình và sẽ được trọng vọng khi ông điều hòa cuộc sống theo bất cứ cách nào ông chọn để làm mẫu mực cho gia đình mình.
Ngài Walter sẽ rời bỏ Dinh thự Kellynch. Sau một ít ngày nghi ngại và lưỡng lự, câu hỏi hệ trọng là sẽ đi đâu được giải quyết xong xuôi; sự thay đổi quan trọng đã định hình.
Có ba lựa chọn: London, Bath, hay là một ngôi nhà khác ở vùng nông thôn. Tất cả ý muốn của Anne nhắm vào lựa chọn thứ ba: một ngôi nhà nhỏ ở vùng lân cận, nơi gia đình vẫn còn bầu bạn với Phu nhân Russell, vẫn còn gần Mary, và vẫn còn có thú vui thỉnh thoảng được nhìn thấy những thảm cỏ và hàng cây của Kellynch. Và rồi số phận của Anne luôn gặp cảnh trớ trêu: Cô có ác cảm với Bath và nghĩ nơi này không hợp với mình, nhưng đấy sẽ là nơi cô phải cư ngụ.
Lúc đầu, Ngài Walter nghĩ đến London nhiều hơn, nhưng ông Shepherd không tin tưởng sống được dè sẻn ở London, nên đã khéo léo thuyết phục Ngài Walter từ bỏ ý định này mà nên chọn Bath. Đối với một nhà quý tộc có vấn đề về tài chính thì đấy là nơi yên tâm hơn: ông vẫn có vị thế quan trọng với chi phí tương đối thấp. Dĩ nhiên là hai lợi điểm của Bath so với London đã được nhấn mạnh: khoảng cách từ Kellynch thuận tiện hơn, chỉ có tám mươi kilomet và Phu nhân Russell sống ở Bath trong một khoảng thời gian vào mùa đông. Bà hoàn toàn hài lòng khi thấy ý kiến của mình về Bath đã thuyết phục được Ngài Walter và Elizabeth, vì hai người tin rằng sẽ không chịu hậu quả bất lợi hoặc hy sinh thú vui khi sống ở đây.
Phu nhân thấy mình có nhiệm vụ phải ngăn cản ý muốn của Anne. Sẽ là quá đáng nếu để cho Ngài Walter hạ mình đến ngụ trong một ngôi nhà nhỏ ngay trong vùng phụ cận. Bản thân Anne cũng thấy khó chịu về việc này hơn là mình dự liệu lúc đầu, còn tâm tư Ngài Walter thì hẳn cũng bứt rứt. Về ác cảm của Anne đối với Bath, Phu nhân cho rằng đây là định kiến và sai lạc xuất phát thứ nhất là từ hoàn cảnh cô đã sống ở đấy ba năm sau khi mẹ cô qua đời; và thứ hai là sau này, trong mùa đông duy nhất cô sống ở đấy mà chẳng thấy vui thú gì cả.
Tóm tắt là Phu nhân Russell thích Bath và vẫn nghĩ nơi này là thích hợp cho mọi người. Còn đối với sức khỏe của cô bạn trẻ, chỉ cần sống qua vài tháng với bà thì sẽ ngăn chặn được mọi chứng bệnh cho cô; và sự thay đổi sẽ có lợi thật sự cho cả thể chất lẫn tinh thần. Anne đã sống xa nhà lâu, ít khi gặp mặt gia đình. Tinh thần cô không được phấn khởi lắm. Cuộc sống có nhiều giao tiếp xã hội sẽ giúp cải thiện tình hình. Bà muốn cô có nhiều mối quen biết hơn.
Nếu Ngài Walter sống ở một ngôi nhà khác trong vùng phụ cận thì chắc chắn có điểm bất lợi, một điểm rất quan trọng, mà lúc đầu mọi người đã lấy làm vui nhận ra. Không những ông phải từ bỏ ngôi Dinh thự, mà còn chứng kiến nó bị trao qua tay người khác, đấy quả là một thử thách vượt quá mức ngoan cường của ông. Sẽ phải cho thuê Dinh thự Kellynch. Tuy nhiên, đây là một bí mật tuyệt đối, không được hé lộ ra bên ngoài
Ngài Walter không thể chịu được bị mất thể diện nếu người ta biết ông định cho thuê ngôi Dinh thự. Chỉ một lần ông Shepherd nói đến từ “quảng cáo” nhưng không dám nhắc lại. Ngài Walter bác bỏ ý nghĩ thông báo việc cho thuê với bất kỳ hình thức nào, cấm đoán mọi ẩn ý từ chủ đích này. Ông chỉ bằng lòng cho thuê khi có người với tư cách hoàn hảo tình cờ hỏi han, theo những điều kiện của ông như là ân huệ to tát.
Quả là nhanh nhẹn khi có những lý do thuận lợi để chấp thuận! Phu nhân có sẵn một lý do hoàn hảo khác, vì bà rất vui mà thấy Ngài Walter cùng gia đình rời đi. Thời gian gần đây, Elizabeth đã tạo một mối quan hệ thân thiết mà bà muốn cắt ngang. Đấy là quan hệ với con gái của ông Shephered, sau một cuộc hôn nhân không tốt đẹp đã trở về nhà ông bố, cùng với thêm gánh nặng của hai đứa con. Chị là một phụ nữa trẻ, thông minh, nắm bắt được thuật đắc nhân tâm – ít nhất là thuật đắc nhân tâm ở Dinh thự Kellynch, nhờ đó đã được cô Elliot mến thích nên được mời đến đây hơn một lần, mặc cho Phu nhân Russell ngụ ý nên cẩn trọng vì bà thấy mối quan hệ có phần chênh lệch giai cấp.
Thật ra, Phu nhân Russell ít có ảnh hưởng đối với Elizabeth, và có vẻ như bà mến thích Elizabeth hơn là Elizabeth xứng đáng được thế. Bà chỉ được cô đối xử bằng sự quan tâm hời hợt, bằng thái độ chỉ ân cần lịch sự vừa phải, và chưa bao giờ thuyết phục được cô thay đổi ước muốn ban đầu. Đã nhiều lần bà cố thuyết phục Elizabeth cho phép Anne theo cô đi London, để cởi mở một cách nhạy bén mọi điều bất công và nghi ngại trong những sắp xếp ích kỷ khiến lúc trước Anne không được đi, còn trong những chuyện nhỏ nhặt hơn bà nhường cho Elizabeth hành xử theo suy xét và kinh nghiệm của cô. Nhưng tất cả đều vô ích: Elizabeth chỉ muốn làm theo ý mình. Chưa bao giờ cô theo đuổi ý định của mình mà chống lại Phu nhân mạnh mẽ như việc chấp nhận chị Clay, quay mặt với cô em xứng đáng để dành tình cảm cho một người chỉ đáng giao du chiếu lệ.
Theo nhận định của Phu nhân Russell, chị Clay là người hoàn toàn không tương xứng và có tư cách tạo mối quan hệ rất xấu. Vì thế, Phu nhân thấy mục đích quan trọng nhất là phải loại chị Clay ra ngoài và mang đến cho cô Elliot những người thân quen thích hợp hơn.
——————————–
1 Văn phong theo ngôi thứ ba: một văn phong khá đặc biệt khi nhân vật nói về mình theo ngôi thứ ba, như thể có người khác nói về mình (ở đây là câu nói của Ngài Walter). Rải rác ở những đoạn khác có cùng văn phong như thế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.