Thuyết Phục

CHƯƠNG 5



Vào buổi sáng hai vợ chồng Đô đốc Croft được hẹn đến xem Dinh thự Kellynch, Anne cho thấy việc mình đi tản bộ hầu như hàng ngày đến thăm phu nhân Russell chỉ là theo thói quen. Cô lánh mặt cho đến khi vụ việc kia kết thúc xong xuôi, rồi với thái độ tự nhiên nói rằng mình lỡ mất cơ hội gặp hai ông bà.
Cuộc gặp gỡ giữa hai bên diễn ra thỏa đáng, và mọi việc được quyết định ngay. Mỗi phu nhân đã chuẩn bị trước để đạt sự đồng thuận, vì thế mỗi người đều nhận thấy người kia có tư cách tốt. Hai quý ông tỏ ra vui vẻ thoải mái trong buổi gặp gỡ. Vị Đô đốc có tư cách cởi mở, phóng khoáng trong sự tin tưởng làm cho Ngài Walter chịu ảnh hưởng lây. Chủ còn cảm thấy tự mãn do tư cách lịch sự của ông Shepherd vì ông này đã cho biết mình kể cho vị Đô đốc biết rằng ông chủ có gia thế cao sang.
Khách chấp nhận ngôi nhà, khuôn viên và đồ nội thất; chủ chấp nhận ông bà Croft. Mọi điều kiện, thời gian, mọi việc và mọi người đều đúng mực. Thư ký bắt tay vào việc soạn thảo hồ sơ mà không cần phải chỉnh sửa các điều kiện hợp đồng có sẵn.
Ngài Walter tuyên bố mà không ngại ngùng rằng vị Đô đốc là sĩ quan hải quân trông đẹp người nhất mà ông từng gặp, và còn nói thêm rằng mình lấy làm vui được góp mặt cùng ông ở mọi nơi. Còn vị Đô đốc, khi quay về cùng bà vợ, đã nói với sự đồng cảm:
-Anh hy vọng chẳng bao lâu chúng ta sẽ có được thỏa thuận cuối cùng, cho dù ở Taunton họ nói với chúng ta ra sao. Gia đình vị Tòng Nam tước sẽ không bao giờ làm Sông Thames dậy sóng, vì ta thấy họ khá hiền từ.
Tựu chung là những lời khen tặng cho thấy hai bên bình đẳng với nhau.
Ông bà Croft sẽ đến ở vào ngày Lễ Thánh Michael 1, còn Ngài Walter định dời đến Bath một tháng trước đó, vì thế phải gấp rút chuẩn bị mọi việc.
Phu nhân Russell cho rằng ý kiến của Anne về sự lựa chọn ngôi nhà ở Bath là không hữu ích hoặc không quan trọng, nên bà không muốn cô đi sớm quá, mà muốn cô ở lại cho đến khi bà báo tin cho cô về ngôi nhà, sau lễ Giáng sinh. Phần bà có những việc bận bịu khiến bà phải đi xa khỏi Kellynch trong vài tuần nên không thể mời dự Giáng sinh mọi người như ý bà mong muốn. Tuy chán ghét thời tiết nóng vào Tháng Chín trong ánh trắng lóe ở Bath và tiếc rẻ vì bỏ qua những tháng mùa thu vừa ngọt ngào vừa đau buồn trong vùng đồng nội, thoạt đầu Anne đã không muốn ở lại. Ra đi cùng với những người khác sẽ là đúng mực nhất, khôn ngoan nhất, và do đó ít đau buồn nhất.
Tuy nhiên, một việc khác diễn ra khiến cho nhiệm vụ của cô phải thay đổi: Mary cảm thấy se mình. Cô em thường không được khỏe mạnh, luôn lo lắng thái quá về thể chất của mình, và có thói quen nhờ cậy Anne mỗi khi có dịp. Tiên liệu rằng mùa thu ở đây không tốt cho sức khỏe của mình, Mary cầu khẩn – thật ra là đòi hỏi – Anne đến Biệt thự Uppercross chịu khó ở một thời gian với cô, thay vì đi Bath.
Mary biện luận: “Em không thể nào thiếu chị Anne.” Và Elizabeth trả lời: “Thế thì chị nghĩ Anne nên ở lại, vì chẳng ai muốn cô ấy đến ở Bath cả.”
Được cho là hữu ích dù qua cách thức không phù hợp còn hơn là bị chê bai vô ích, Anne thấy vui vì mình được trọng dụng, vui vì làm việc gì đấy như là một bổn phận, chắc chắn là không phiền hà khi lưu lại vùng mà cô quý mến, thế nên cô sẵn lòng đồng ý ở lại.
Lời mời của Mary giúp giải quyết những khó khăn của Phu nhân Russell, vì thế có quyết định nhanh chóng là Anne phải chờ cho đến khi Phu nhân Russell đưa cô đến Bath, và trước mắt cô sẽ chia thời gian đến sống ở hai nơi: Biệt thự Uppercross và Dinh thự Kellynch.
Cho đến lúc này, mọi việc đều suôn sẻ. Nhưng Phu nhân Russell tỏ ra kinh ngạc vì một phần trong kế hoạch cho thuê Dinh thự Kellynch bị trắc trở; chị Clay được cử đi Bath cùng với Ngài Walter và Elizabeth để làm trợ lý quan trọng và đắc lực cho cô trong mọi việc làm ăn. Phu nhân Rusell rất phiền lòng, băn khoăn và e sợ về việc này; cảm nghĩ càng nặng nề thêm do Anne bị sỉ nhục vì cô không được trọng dụng trong khi chị Clay tỏ ra quá đắc lực.
Bản thân Anne đã trở nên cứng cỏi với những chuyện sỉ nhục tương tự, nhưng giống như Phu nhân Russell, cô thấy cách thu xếp công việc như thế là thiếu cẩn trọng. Đã âm thầm quan sát được nhiều điều, cộng thêm sự hiểu biết về tố chất của ông bố – mà cô ước gì mình biết ít hơn – cô e hậu quả cuối cùng sẽ là nghiêm trọng. Cô nghĩ ông bố trong lúc này không nhận ra vấn đề. Chị Clay có nhiều tàn nhang, răng hô, lại thêm tay chân vụng về khiến cho ông luôn cất lời chế giễu khi không có mặt chị. Nhưng chị còn trẻ, nói chung dễ nhìn, và với đầu óc nhạy bén cùng tư cách dễ mến và chuyên cần, chị có sức thu hút mãnh liệt hơn nhiều người khác. Anne có ấn tượng mạnh với sức thu hút này, đến nỗi cô thấy cần nói rõ cho chị mình biết. Cô không hy vọng mình sẽ thành công, nhưng nghĩ thà như thế còn hơn sau này Elizabeth có thể trách cô đã không cảnh báo trước.
Anne trình bày vụ việc, và lời lẽ của cô có vẻ như gây xúc phạm. Elizabeth không nghĩ ra được làm thế nào em gái lại mang trong đầu nỗi nghi ngờ vô lý đến thế, và tức giận trả lời để mỗi bên hiểu rõ tình hình. Elizabeth nói một cách hùng hồn:
-Chị Clay không hề quên mình là ai. Vì chị hiểu tâm tính chị ấy rõ hơn em, chị muốn trấn an em rằng về chuyện hôn nhân, tâm tư của chị ấy đều tốt đẹp, và rằng chị ấy chê bai mọi sự bất tương xứng về gia cảnh và địa vị xã hội còn mạnh mẽ hơn nhiều người khác. Còn đối với bố, chị thật sự nghĩ rằng ông không đáng bị nghi ngờ sau khi đã sống góa bụa một thời gian dài để lo cho chính mình. Chị đồng ý với em rằng nếu chị Clay là một phụ nữ thật xinh đẹp thì có lẽ không nên để cho chị ấy gần gũi chị quá nhiều, tuy chị tin chắc rằng không có ai trên thế gian này dẫn dự được ông vào mối quan hệ bị hạ thấp rồi ông sẽ không có hạnh phúc. Nhưng dù có nhiều phẩm chất tốt, chị Clay tội nghiệp vẫn không bao giờ được xem là xinh đẹp, nên chị thật sự nghĩ chị Clay tội nghiệp có thể ở đây mà không hại gì. Người ta có thể nghĩ em chưa bao giờ nghe bố nói về những bất hạnh cá nhân của chị ấy, tuy chị biết em đã nghe cả năm mươi lần. Họ nói về hàm răng và tàn nhang của bà. Chị không có ác cảm với tàn nhang như bố. Em hẳn đã nghe bố nhận xét về tàn nhang của chị Clay.
Anne đáp:
– Tư cách dễ mến che lấp được nhiều khuyết điểm ngoại hình.
Elizabeth trả lời ngắn gọn:
– Chị thì nghĩ khác hẳn: tư cách dễ mến có thể làm nổi bật vẻ đẹp bề ngoài nhưng không thể nào làm thay đổi ngoại hình tầm thường. Dù sao chăng nữa, vì chị đang phải bận tâm với nhiều chuyện hơn là bất cứ ai khác, chị nghĩ em không cần thiết phải khuyên bảo chị.
Anne đã làm xong về phần mình, cảm thấy vui vì câu chuyện đến hồi chấm dứt, và không hẳn tuyệt vọng sau khi đã làm điều tốt. Dù gây bực bội vì nói ra nỗi nghi ngại, hẳn Anne đã làm cho Elizabeth để ý mà quan sát thêm.
Chuyến xe bốn ngựa cuối cùng chở Ngài Walter, cô Elliot và chị Clay đi Bath với tinh thần phấn chấn. Ngài Walter hạ mình từ biệt tất cả những tá điền và gia nhân đang tỏ buồn rầu; cùng lúc Anne, trong cảnh âm thầm cô độc, thức dậy ở Dinh thự Kellynch, nơi cô sẽ lưu lại trong tuần đầu tiên.
Bà bạn của cô không được vui hơn cô. Phu nhân Russell cảm nhận nặng nề về việc ly tán trong gia đình. Bà xem vị thế được trọng vọng của gia đình cũng quan trọng như vị thế của mình, và mối quan hệ hàng ngày đã trở nên trân quý với bà. Quả là đau lòng khi nhìn thấy cơ ngơi trống vắng, và còn đau lòng hơn giao cơ ngơi cho bàn tay mới. Để thoát khỏi ngôi làng đơn côi và u uẩn, rồi lánh xa khi Đô đốc và bà Croft đến, bà đã quyết định vắng mặt khỏi nhà khi Anne ra đi. Theo cách này, hai người cùng rời đi, Anne đến ngụ ở Uppercross, theo chặng đường đầu trong cuộc hành trình của phu nhân Russell.
Uppercross là ngôi làng lớn vừa phải, vài năm trước còn theo kiểu Anh xưa cũ, chỉ có hai ngôi nhà khang trang hơn nhà của dân thường và công nhân. Một là tư dinh của một đại điền chủ với tường cao, và không được tân trang. Còn ngôi nhà kia là tư dinh của cha xứ, nhỏ gọn, nằm lọt thỏm giữa những hoa viên ngay hàng thẳng lối, với giàn dây leo và những cây lê bao quanh khung cửa sổ. Nhưng sau khi vị cha xứ trẻ tuổi kết hôn, ngôi nhà này được cải tiến thành một biệt thự rộng, được gọi là Biệt thự Uppercross, với hàng hiên, cửa sổ kiểu Pháp và nhiều kiểu kiến trúc xinh đẹp khác, khiến cho khách lãng du thấy bắt mắt vì có kiểu dáng nhất quán với Đại biệt thự chỉ cách đấy 300 m.
Anne đã thường đến ngụ ở đây. Cô thuộc lòng mọi ngõ ngách ở Uppercross cũng như ở Kellynch. Hai gia đình thường gặp gỡ nhau, đến mức bên này có thói quen đi ra đi vào nhà bên kia bất cứ lúc nào, thế nên Anne ngạc nhiên khi thấy Mary chỉ có một mình. Nhưng khi ở một mình, sức khỏe Mary không được khá và tinh thần hay xuống thấp. Dù có vật chất khá hơn chị, sự thông hiểu và tính khí của Mary không bằng Anne. Khi mạnh khỏe, vui tươi và được chăm sóc tốt, cô có tính hóm hỉnh và phấn khởi, nhưng khi se mình thì cô suy sụp hoàn toàn. Cô không biết cách tiêu khiển trong cuộc đời đơn độc. Vì vậy tư cách của dòng họ Elliot tự cho mình là quan trọng, cô dễ cảm thấy buồn khổ khi tưởng tượng mình bị bỏ rơi và ngước đãi. Cô thua kém hai chị và ngay cả trong tuổi thanh xuân, cô chỉ đạt phẩm chất của “một cô gái kha khá”. Bây giờ cô đang nằm trên chiếc ghế bành nhạt mầu đặt trong phòng khách nhỏ, là món nội thất một thời thanh lịch nhưng bây giờ đã sờn qua ảnh hưởng của bốn mùa hè và 2 đứa trẻ.
– Thế là, cuối cùng, chị đã đến! Em đang nghĩ không còn gặp lại chị nữa. Em yếu đến nỗi khó trò chuyện được. Cả buổi sáng em chưa gặp người nào.
Anne trả lời:
– Chị buồn thấy em không được khỏe. Ngày thứ Năm em còn báo tin cho chị biết em vẫn bình thường.
– Vâng, em cố trụ vững, lúc nào em cũng thế. Nhưng lúc ấy em chằng khỏe tí nào, sáng nay em thấy mình chưa từng đau yếu đến thế trong đời, quá yếu khi bị bỏ bê một mình. Thử nghĩ em thình lình ngã quỵ theo cách kinh khủng nào đấy mà không rung chuông gọi ai được! Thế mà Phu nhân Russell không chịu đến. Em nghĩ mùa hè này bà ấy đến đây chưa được ba lần.
Anne lựa lời nói cho phải phép rồi hỏi thăm chồng của Mary. Cô này đáp:
– À, Charles đi săn. Từ 7 giờ cho đến lúc này em không thấy anh ấy. Dù em nói với anh ấy em đau yếu, anh vẫn đi. Anh bảo em không đi lâu, nhưng vẫn chưa về, và bây giờ là gần 1 giờ. Chị biết không, cả buổi sáng nay em không nhìn thấy ai cả.
– Hai đứa trẻ ở gần em chứ?
– Vâng, lúc nào mà em còn chịu được tiếng ồn ào của chúng, nhưng chúng quá khó bảo nên làm phiền em hơn là giúp em vui. Charles con 2 không thèm nghe em nói gì cả, còn Walter càng lớn càng hư.
Anne vui vẻ trả lời:
– Em sẽ chóng khỏe lại. Em biết mà, khi đến đây chị luôn chữa lành cho em. Những người thân của em ở Đại biệt thự như thế nào?
– Em không biết gì mà kể cho chị nghe. Hôm nay em chưa gặp ai trong gia đình nhà chồng, ngoại trừ ông Musgrove. Ông này chỉ ghé qua và trò chuyện ngoài cửa sổ mà không xuống ngựa. Dù em bảo ông ấy là em đang đau yếu, vẫn không có ai trong gia đình đến thăm em.
– Có lẽ em sẽ gặp họ trước khi ngày qua đi. Bây giờ vẫn còn sớm.
– Em không bao giờ muốn gặp, chị tin em đi. Họ cười nói quá nhiều đối với em. Ôi! Chị Anne, em đau yếu quá! Chị không tử tế với em gì cả vì không đến ngày thứ Năm.
– Mary thân yêu à, em có nhớ chính em đã báo tin em vẫn thường không? Em viết với giọng văn phấn chấn nhất, em nói em hoàn toàn mạnh khỏe, chị không cần phải vội vã vì em. Trong tình huống như thế, em nên nhớ chị muốn ở với Phu nhân Russell cho đến ngày cuối. Ngoài lý do vì bà ấy, thật sự chị cũng bận bịu, có nhiều việc phải làm đến nỗi chị không thể rời Kellynch sớm hơn.
– Trời đất! chị có thế bận bịu việc gì?
– Nhiều việc lắm, em tin chị đi. Lúc này chị không nhớ hết, nhưng có thể cho em biết một ít. Chị đang ghi chép danh mục sách và hình ảnh của bố. Chị cùng Mackenzie đi ra hoa viên nhiều lần, cố thông hiểu và giúp cho ông ấy thông hiểu nhưng cây nào là Elizabeth dành cho Phu nhân Russell. Chị phải lo sắp đặt nhiều thứ, xếp nhiều kiện hành lý mà có lúc không hiểu là một việc theo lẽ tự nhiên: đi đến từng nhà trong xứ đạo để từ giã. Chị nghe nói họ mong như thế. Thế nên tất cả những việc này chiếm hết thời gian của chị.
– À, ra thế! – và ngừng một chút – Nhưng chị không hề hỏi em một tiếng về bữa ăn ở gia đình Poole tối hôm qua.
– Thế thì em có đi dự không? Chị không hỏi, bởi vì chị kết luận em hẳn đã từ chối.
– À, có chứ! Em đi dự. Hôm qua em cảm thấy khỏe, cho đến sáng nay mới đau yếu. Quả là điều khác thường nếu em không đi dự.
– Chị rất mừng được biết em khỏe, và chị cũng mừng nếu em đã vui ở buổi họp mặt.
– Không có gì đáng nói. Người ta luôn biết trước bữa ăn tối sẽ như thế nào, ai sẽ đến dự, và quả là bất tiện khi không có cỗ xe cho riêng mình. Ông bà Musgrove đến đón em, thật là chật chội! Cả hai người đều to con và chiếm khoảng rộng, riêng ông Musgrove luôn ngồi ở ghế trước. Thế là em bị dồn vào ghế sau, cùng với Henrietta và Louisa, nên em nghĩ hôm nay mình đau yếu là vì thế.
Thêm một ít kiên nhẫn là cố tỏ ra tươi vui từ phía Anne gần như chữa trị được cơn đau yếu của Mary. Chẳng bao lâu, cô em có thể ngồi thẳng người trên chiếc ghế bành, bắt đầu nghĩ có thể đi ra ăn tối. Rồi, quên nghĩ về việc này, cô đi đến cuối gian phòng, sắp xếp một bó hoa thơm, rồi ngồi xuống ăn món thịt nguội, và rồi thấy khỏe lên nên đề nghị đi dạo.
Khi hai chị em đã sẵn sàng, Mary hỏi.
– Chúng ta đi đâu đây? Em đoán chị không thích đến thăm Đại biệt thự trước khi họ gặp chị, phải không?
Anne đáp:
– Chị không ngại gì về chuyện này. Chị không hề nghĩ đến việc giữ khách khí với những người quen thân như là bà và các cô nhà Musgrove.
– À thế! Nhưng đáng lẽ họ phải đến thăm chị càng sớm càng tốt. Họ phải có phép tắc với người chị của em 3. Tuy nhiên, chúng ta có thể đi thăm và ngồi chơi với họ một lát, rồi sau đó ta có thể vui thú mà tản bộ.
Anne luôn nghĩ cách giao tiếp như thế là thiếu cẩn trọng nhưng cô đã không còn muốn kiểm soát việc này nữa, vì tin rằng dù mỗi bên tiếp tục xúc phạm bên kia, không gia đình nào muốn cắt đứt giao tiếp ấy. Thế là hai cô đi đến Đại biệt thự, ngồi suốt nửa tiếng đồng hồ trong phòng khách trang hoàng kiểu cổ với 1 tấm thảm nhỏ và sàn nhà bóng loáng, hai cô con gái trong gia đình tạo không khí hỗn loạn bằng đàn dương cầm và đàn hạc, những kệ trưng bày hoa và những chiếc bàn nhỏ đặt ở mọi hướng. Ôi! Ước gì các bản gốc vẽ chân dung đặt sát ván ốp chân tường, các quý ông trong bộ áo nỉ màu nâu và các quý bà trong bộ áo satin màu lam trông thấy việc gì đã xảy ra, đã nhận ra trật tự bị đảo lộn! Có vẻ như các chân dung đang tròn mắt vì kinh ngạc.
Giống như ngôi nhà của thông gia, gia đình Musgrove đang trong tình trạng chuyển đổi, có lẽ là theo chiều hướng tốt lên. Ông bố và bà mẹ thuộc kiểu Anh xưa cũ, còn lớp trẻ thuộc kiểu mới. Ông bà Musgrove thuộc mẫu người tốt bụng, thân thiện và hiếu khách, không có trình độ lắm, không được thanh lịch gì cả. Con cái ông bà có đầu óc và phong thái hiện đại hơn. Gia đình đông người, nhưng ngoại trừ Charles, hai cô đã khôn lớn là Henrietta và Louisa, tuổi mười chín và hai mươi 4, được học hỏi nhiều từ nền giáo dục ở Exter, và bây giờ giống như hàng nghìn cô gái trẻ khác, đang sống thời trang, hạnh phúc và tươi vui. Trang phục của các cô có mọi lợi điểm, khuôn mặt xinh xắn, tinh thần rất phấn chấn, tư thái tự nhiên và dễ mến, họ được yêu thương trong gia đình và được qúy mến ngoài xã hội. Anne luôn xem các cô trong số những người quen thân hạnh phúc nhất của mình, nhưng qua cảm nghĩ thoải mái vì sự tự tôn cô không muốn đổi chác đầu óc thanh lịch và có học hơn của mình cho những vui thú của họ, và cũng không ghen tỵ với họ về điều gì. Cô chỉ thích họ ở sự hiểu biết và hòa điệu tốt, tình thương mến phấn chấn cho nhau mà cô thấy chị em mình còn kém.
Hai chị em được đón tiếp một cách thân mật. Có vẻ như Đại biệt thự không khiếm khuyết ở điểm nào, và nói chung Anne thấy không thể trách móc gì ai được. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua một cách dễ chịu, và cô không ngạc nhiên thấy sau đó các cô nhà Musgrove cùng đi dạo, theo lời mời của Mary.
——————————–
1 Lễ Thánh Michael: lễ của Thánh Tổng thiên thần Micheal, nhằm ngày 29 Tháng Chín, một trong những thánh lễ quan trọng của Kytô giáo.
2 Charles con: tên đứa trẻ, trùng tên với cha nên gọi là “Charles con” để phân biệt.
3 Họ phải có phép tắc: Mary cho rằng vì Anne là con của một nhà quý tộc nên hai ông bà Musgrove vốn là dân thường phải đến thăm Anne trước thì mới đúng phép tắc.
4 Mười chín và hai mươi: Tác giả viết với thứ tự đảo ngược, thật ra Henrietta hai mươi và Louisa mười chín tuổi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.