Thuyết Phục

CHƯƠNG 7



Vài ngày sau, người ta được biết Đại tá Wentworth đã đến Kellynch, và ông Musgrove đã đi thăm anh rồi trở về với lời khen sôi nổi. Cuối tuần kế tiếp, Đại tá hẹn cùng ông bà Croft đến dùng bữa tối ở Biệt thự Uppercross. Ông Musgrove đã thất vọng vì không thể định ngày sớm hơn, thiếu kiên nhẫn để bày tỏ lòng tri ân bằng cách tiếp đón Đại tá Wentworth trong nhà mình và chiêu đãi vị khách với loại rượu ngon nhất từ hầm rượu.
Nhưng phải chờ một tuần; theo suy nghĩ của Anne thì chỉ có một tuần, rồi cô nghĩ hai người sẽ gặp nhau, và chẳng bao lâu cô bắt đầu ước gì mình có thể giữ được bình tĩnh trong một tuần.
Đại tá Wentworth trả lễ rất sớm đối với lòng tử tế của ông Musgrove, và đáng lẽ Anne có mặt trong nửa giờ đồng hồ ấy. Cô và Mary đang đi đến Đại Biệt thự, nơi mà sau đấy cô biết cả gia đình sẽ gặp anh, nhưng đúng lúc ấy được tin đứa trẻ lớn bị té ngã nặng. Tình trạng của đứa trẻ khiến cho hai cô phải bãi bỏ chuyến đi. Cô cảm thấy nhẹ nhõm vì mình được thoát nạn, cho dù mọi người đang lo âu vì tai nạn của đứa bé. Xương đòn 1 của cậu bé bị trật ra khỏi khớp, thêm thương tích trên lưng, gây ý nghĩ hoang mang trầm trọng. Đấy là một buổi chiều đầy âu lo, và Anne phải làm nhiều việc cùng một lúc: cho đi gọi thầy thuốc, đi tìm người cha để báo tin, hỗ trợ và giữ người mẹ không bị hoảng loạn, kiểm soát đám gia nhân, cô lập đứa con út, rồi chăm sóc và trấn an nạn nhân. Ngay khi nhớ ra, cô còn phải báo tin cho gia đình Musgrove, rồi có thêm người khiếp sợ đến bên cô thay vì hỗ trợ hữu ích cho cô.
Người em rể trở về, mang đến sự nhẹ nhõm đầu tiên: anh là người chăm sóc cô vợ tốt nhất. Sự nhẹ nhõm kế tiếp là khi thầy thuốc đến. Trước khi ông đến khám cho đứa bé, nỗi lo lắng của hai vợ chồng là điều tồi tệ nhất vì hoang mang, họ e có thương tích nặng nhưng không biết thương tích ở đâu. Nhưng bây giờ xương đòn được đặt lại vào khớp, và cho dù ông Robinson sờ đi nắn lại, rồi chà xát, và ra vẻ nghiêm nghị, trao đổi nhỏ nhẹ với cha và bác gái của đứa trẻ, mọi người vẫn nuôi hy vọng, rồi có thể tản ra và an tâm ngồi dùng bữa tối. Lúc gần chia tay nhau, bấy giờ hai người cô trẻ mới có thể tạm quên tình trạng của đứa cháu mà báo tin về chuyến viếng thăm của Đại tá Wentworth, lưu lại thêm năm phút bên cạnh người cha và người mẹ để cho biết hai cô hoàn toàn vui khi được gặp anh, và nghĩ anh đẹp trai hơn – chắc chắn là dễ mến hơn – bất kỳ người nào khác họ quen biết và yêu mến trước đây. Hai cô đã tỏ ý vui mừng khi pa-pa mời Đại tá lưu lại dùng bữa tối, rồi lại tiếc khi Đại tá nói việc này nằm ngoài khả năng của mình, rồi lại vui khi anh hứa sẽ đáp ứng với lời mời tha thiết thêm của pa-pa và ma-man để đến dùng bữa ngày mai – đúng thật là ngày mai, và anh đã hứa với thái độ thật vui vẻ, như thể cảm nhận được động cơ trong sự quan tâm của gia đình hai cô. Tựu chung, tất cả tư thái và ngôn từ của anh đều tao nhã, đến nỗi hai cô bị anh chinh phục, rồi hai cô chạy đi trong niềm vui sướng lẫn tình thương mến dành cho Đại tá Wentworth hơn là cho Charles con.
Cũng câu chuyện ấy và niềm hồ hởi ấy lại được lặp lại lúc trời tối, khi hai cô gái đến cùng ông bố để thăm hỏi. Ông Musgrove không còn lo lắng về người thừa kế của mình, nên có thể phụ họa xác nhận và ca ngợi, và hy vọng bây giờ không còn lý do để hoãn ngày gặp Đại tá Wentworth, nhưng chỉ lấy làm tiếc là gia đình ở Biệt thự Uppercross có lẽ không thể rời xa đứa bé trai để tham dự. Vì vẫn còn quá lo lắng, cả cha và mẹ đứa bé đều than thở: “Ôi không, không thể xa đứa con nhỏ được”. Trong nỗi vui mừng vì thoát nạn, Anne chẳng đặng đừng phụ họa thêm.
Thật ra, sau đấy Charles Musgrove tỏ ý muốn đi:
– Đứa trẻ đang bình phục, và tôi mong được giới thiệu với Đại tá Wentworth nên có lẽ tôi sẽ tham gia với mọi người vào buổi tối, tôi không ăn nhưng có thể góp mặt trong nửa giờ đồng hồ.
Nhưng vợ anh mạnh mẽ chống đối:
– Ôi! Không được, Charles à, em không chịu được nếu thấy anh đi. Nếu có chuyện gì xảy ra thì sao?
Đứa trẻ ngủ ngon giấc trong đêm, và khá lên ngày hôm sau. Cần đảm bảo cột sống không bị tổn thương, nhưng ông Robinson không tìm ra dấu hiệu nào để lo lắng, vì thế Charles Musgrove lại cảm thấy mình không cần chôn chân trong nhà. Đứa trẻ được giữ trên giường và đang thoải mái trong yên tĩnh, thế thì người cha còn việc gì để làm nữa chứ? Đây là nhiệm vụ của phụ nữ, thế nên anh bắt đầu thấy bắt mình phải ở nhà mà không làm được gì có ích là điều vô lý. Cha anh rất muốn anh gặp Đại tá Wentworth và không có lý do gì cưỡng lại ý muốn ấy; anh phải đi. Vì thế mà sau khi trở về từ chuyến đi săn, anh tuyên bố dứt khoát cho mọi người rõ, rồi thay đổi trang phục để đi ăn tối ở nhà kia. Anh nói với cô vợ:
– Không còn gì tốt hơn cho đứa bé, nên mới tức thì anh nói với bố anh sẽ đến, và ông ấy nghĩ anh làm thế là đúng. Em yêu ạ, chị em ở bên cạnh em, anh không có gì phải băn khoăn. Em không muốn rời xa con, nhưng em thấy đấy, anh chẳng giúp ích gì cả. Nếu có chuyện gì thì Anne phái người gọi anh về.
Các cặp vợ chồng đều thấu hiểu không ích gì mà chống đối nhau. Theo cách nói của Charles, Mary hiểu rằng anh đã quyết chí đi và không ích gì mà trêu chọc anh, nên cô giữ im lặng. Nhưng ngay sau khi anh bước ra khỏi phòng và chỉ có Anne là người nghe, cô nói:
– Thế là chị và em bị bỏ lại để thay nhau tự lo, với đứa trẻ đau yếu tội nghiệp này; và cả buổi tối không có ai đến thăm nom! Em đã biết là như thế. Số phận em luôn là thế. Nếu có chuyện gì khó chịu là thể nào đàn ông cũng lẩn trốn, và Charles cũng tệ hại như bất kỳ đàn ông nào khác. Thật là vô cảm! Em phải nói anh ấy rất vô cảm khi bỏ mặc đứa trẻ tội nghiệp này. Cứ nói nó đang bình phục! Làm thế nào anh ấy biết nó đang bình phục, hoặc khả dĩ có chuyển biến bất ngờ trong nửa giờ đồng hồ tới? Em đã không nghĩ Charles lại vô cảm đến thế. Nhưng anh ấy lại đi và vui thú lấy cho mình, còn em vì là người mẹ khốn khổ nên không được phép phản đối, tuy thế em tin chắc mình là người mẹ không đủ sức bằng bất kỳ ai khác để chăm lo cho đứa bé. Không nên lấy lý do em là mẹ nó mà thử thách tâm tư em. Em không đủ năng lực cho việc này. Chị đã thấy ngày hôm qua em hoảng loạn đến mức nào.
– Nhưng đấy chỉ là vì em thình lình bị sốc. Em sẽ không hoảng loạn nữa. Chị dám chắc chúng mình sẽ không có gì phải lo lắng. Chị thông hiểu hoàn toàn những chỉ dẫn của ông Robinson, em đừng sợ. Mary à, thật ra chị không lấy làm ngạc nhiên về chồng em. Chăm nom trẻ con không phải là nhiệm vụ của đàn ông; đó không phải là chuyên môn của anh ấy. Khi con nít đau yếu thì cần mẹ chăm nom: tình mẹ thường có tính quyết định là thế.
– Em thương con em như bất kỳ người mẹ nào thương con, nhưng khi con em đau yếu thì em không hữu dụng hơn Charles, bởi vì em không thể la rầy và trách mắng một đứa trẻ đau yếu. Chị thấy đấy, sáng nay nếu em bảo nó giữ im lặng thì nó lại quấy phá thêm. Em không đủ tinh thần để làm công việc như thế này.
– Nhưng mà, liệu em có an tâm được không khi rời xa đứa trẻ cả buổi tối?
– Được chứ. Chị xem, nếu cha nó an tâm thì tại sao em lại không an tâm chứ? Jemina rất cẩn thận; cô ấy sẽ thông báo từng giờ về tình trạng của đứa trẻ. Em thực sự nghĩ đáng lẽ Charles phải cho bố anh ấy biết tất cả sẽ cùng đi. Bây giờ em không lo lắng hơn Charles. Hôm qua em rất lo sợ, nhưng hôm nay thì hoàn toàn khác.
– À, nếu em đi, liệu có quá muộn để chuẩn bị và thông báo cho chồng em hay không? Cứ để Charles con cho chị trông nom. Ông bà Musgrove sẽ không phiền trách nếu chị ở cạnh bé.
Mắt sáng rỡ, Mary thốt lên:
– Chị nghiêm túc đấy chứ? Trời ơi! Đấy là ý tưởng hay, thật là hay. Chắc chắn là em muốn đi, vì ở nhà chẳng có ích lợi gì cả, đúng không? Và chỉ có em băn khoăn về việc này. Chị không có cảm nhận làm mẹ nhưng lại là người tốt nhất. Chị có thể bảo ban Charles con làm mọi việc; nó luôn nghe lời chị. Còn tốt hơn là để nó cho Jemina chăm sóc. Ôi! Chắc chắn em sẽ đi. Nếu đi được thì em sẽ đi, cũng giống như Charles, vì gia đình rất muốn em quen biết với Đại tá Wentworth, còn chị không phiền hà khi phải ở một mình. Chị Anne, chị có ý rất hay. Em đi báo cho Charles hay và chuẩn bị ngay. Chị biết mà, nếu có chuyện gì thì chị có thể báo cho chúng em hay, nhưng em tin sẽ không có gì khiến chị phải lo. Chị cứ tin rằng em sẽ không đi nếu không thấy an tâm về đứa con thân yêu của em.
Trong giây phút kế tiếp, Mary gõ cửa phòng thay quần áo của chồng. Khi Anne đi theo em gái lên lầu, cô kịp nghe mẩu hội thoại giữa hai người. Mary hào hứng bắt đầu:
– Charles à, em muốn đi với anh, bởi vì cũng như anh, em chẳng giúp gì được ở nhà. Nếu em cứ giam hãm mãi trong nhà với con, em sẽ không bảo ban được khi nó không thích. Chị Anne sẽ ở nhà; Anne tình nguyện ở nhà chăm sóc nó. Đấy là ý kiến của Anne, nên em sẽ đi với anh, như thế tốt hơn nhiều, vì từ hôm Thứ Ba cho tới nay em chưa đi ăn ở nhà nào cả.
Chồng cô đáp:
– Anne thật là tử tế. Anh vui có em đi cùng, nhưng kể cũng quá đáng mà bắt cô ấy ở nhà một mình để chăm sóc cho đứa con đau yếu của chúng ta.
Đến đây, Anne chen vào nói giúp, và thái độ chân thành của cô có sức thuyết phục. Anh không còn băn khoăn việc để cô ở nhà một mình, cho dù anh vẫn muốn cô đi cùng khi đứa trẻ ngủ yên giấc trong đêm, và nói sẽ đến đón cô đi. Nhưng cô vẫn khăng khăng, và vụ việc được quyết định, rồi cô vui vẻ tiễn hai người lên đường với tinh thần phấn chấn. Cô hy vọng hai người được vui cho dù có vẻ như niềm vui được gây dựng một cách lạ kỳ như thế; còn riêng cô có nhiều cảm nhận thoải mái, có lẽ giống như cô đã từng thoải mái trước đây. Cô biết mình là chỗ dựa thứ nhất đối với đứa trẻ, và nếu Frederick Wentworth đang tỏ ra dễ mến với những người khác chỉ cách nửa dặm thì cô trông mong được gì?
Cô muốn biết anh cảm thấy thế nào trong buổi gặp gỡ. Có lẽ là lãnh đạm, nếu sự lãnh đạm có thể hiện hữu trong những tình huống như thế. Anh hẳn là lãnh đạm hoặc miễn cưỡng. Nếu anh mong gặp lại cô thì hẳn anh đã không đợi cho đến lúc này, khi mà những sự kiện đã tạo cho anh vị thế độc lập như mong muốn.
Hai vợ chồng em gái cô trở về, vui vì mối quen biết mới và vì cuộc thăm viếng nói chung. Buổi họp mặt có âm nhạc, ca hát, chuyện trò, cười đùa, tất cả đều dễ chịu; Đại tá Wentworth có tư thái thu hút, không nhút nhát hoặc dè dặt; có vẻ như mọi người quen biết nhau nhiều, và sáng hôm sau anh sẽ cùng với Charles đi săn. Anh sẽ đến ăn sáng, tuy không phải ở Biệt thự Uppercross dù ban đầu đã có đề nghị như thế, nhưng sau đấy anh bị nài ép đến Đại Biệt thự. Có vẻ như anh e mình làm bà Charles Musgrove vướng bận vì đứa trẻ đang đau, và vì thế, bằng cách nào đấy, rốt cuộc Charles sẽ gặp anh lúc ăn sáng ở nhà ông bố.
Anne hiểu được điều này: anh đã tránh gặp mặt cô. Cô đã nghe anh hỏi han về mình một cách nhẹ nhàng, thích hợp với cách thức của những người đã quen sơ trước đây, như đã nhớ ra cô giống như cô đã nhớ ra anh, có lẽ để tránh được giới thiệu nhau khi gặp lại.
Gia đình ở Biệt thự Uppercross luôn thức dậy muộn hơn những nhà khác, và sáng hôm sau sự chênh lệch giờ giấc lớn đến nỗi Mary và Anne vừa bắt đầu ăn sáng thì Charles bước vào báo tin hai anh đang chuẩn bị lên đường, anh đến để dẫn mấy con chó đi theo, và các cô em của anh đang đi theo Đại tá Wenthworth. Các cô em định đến thăm Mary và đứa trẻ, còn Đại tá Wentworth đề nghị đến gặp mẹ đứa trẻ vài phút nếu không bất tiện. Mặc dù Charles đã cho biết tình trạng đứa trẻ không đến nỗi nặng để gây bất tiện, Đại tá Wentworth vẫn không hài lòng nếu lên đường mà không đến thăm.
Cảm kích vì sự ân cần như thế, Mary lấy làm vui mà tiếp anh, trong khi Anne có hàng nghìn cảm nghĩ dâng trào, mà chỉ có ý nghĩ an ủi là việc này sẽ chóng qua. Và đúng là chóng qua. Trong vòng hai phút trong khi Charles sửa soạn xong xuôi, những người khác đi đến, ngồi trong phòng khách. Cô thoáng nhìn đến ánh mắt Đại tá Wentworth, cúi đầu và nhún người chào. Cô nghe tiếng anh nói; anh trò chuyện với Mary, nói mọi chuyện đều tốt đẹp, nói điều gì đấy với các cô nhà Musgrove, đủ để thiết lập mối quan hệ thoải mái. Gian phòng có vẻ như đầy, đầy những người và những tiếng nói, nhưng chỉ vài phút là tất cả chấm dứt. Charles xuất hiện ở khung cửa sổ, tất cả đã sẵn sàng, vị khách đã cúi đầu chào và ra đi, các cô nhà Musgrove cũng ra đi, bỗng dưng quyết định đi đến cuối ngôi làng cùng với hai thể thao gia. Gian phòng được dọn dẹp, và Anne có thể tiếp tục dùng bữa sáng tùy thích.
Cô lặp đi lặp lại với chính mình, trong niềm cảm kích pha lẫn bối rối:
– Qua rồi! Qua rồi! Điều tồi tệ đã qua rồi!
Mary tiếp chuyện, nhưng cô không thể tham dự. Cô đã trông thấy anh. Hai người đã gặp nhau. Một lần nữa, hai người có mặt cùng nhau trong một gian phòng.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu cô bắt đầu lập luận với chính mình, và cố đè nén cảm xúc. Tám năm, gần tám năm đã trôi qua, từ khi cô chối bỏ tất cả. Quả là vô lý khi làm sống lại nỗi khắc khoải mà khoảng thời gian như thế đã xua vào cõi xa xôi và mù mờ! Liệu tám năm không làm nên việc gì? Những sự kiện theo mọi cách mô tả, những thay đổi, những xa lánh, những ngăn cách – tất cả, tất cả đều bao gồm trong nỗi khắc khoải ấy, và sự lãng quên của quá khứ – cũng quả là tự nhiên, quả là chắc chắn! Tất cả chiếm gần một phần ba quãng đời cô.
Than ôi! Qua tất cả lý luận, cô thấy rằng những cảm xúc còn lưu giữ thì tám năm chưa chưa phải là thời gian dài.
Bây giờ, phải thăm dò tình cảm của anh ra sao? Có phải đấy giống như là anh muốn lánh mặt cô không? Rồi trong khoảnh khắc kế tiếp, cô thấy giận cho bản thân mình vì đã đặt ra câu hỏi ngu xuẩn ấy.
Về câu hỏi kia mà có lẽ sự khôn ngoan của cô không ngăn cản, thì cô không khắc khoải, bởi vì sau khi các cô gái nhà Musgrove ra về và chấm dứt chuyến viếng thăm Biệt thự Uppercross, cô nghe Mary kể:
– Chị Anne à, Đại tá Wentworth không thích chị lắm tuy anh ấy để ý nhiều đến em. Khi chia tay, Henrietta hỏi anh ấy nghĩ gì về chị, và anh nói: “Cô ấy đã thay đổi nhiều đến mức tôi suýt đã không nhận ra.”
Mary không đủ tế nhị để tôn trọng người chị theo cách thông thường, nên hoàn toàn không nhận ra mình đã gây tổn thương.
“Thay đổi đến mức không nhận ra.” Anne hoàn toàn cam chịu nỗi đau sâu lắng trong im lặng. Chắc chắn là thế, và cô không thể trả đũa, bởi vì anh đã không thay đổi, hoặc không thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Cô đã công nhận điều này đối với mình và không thể nghĩ khác đi; cứ để mặc anh nghĩ về cô như thế nào tùy ý. Không: năm tháng đã làm tàn phai nét thanh xuân của cô nhưng lại làm anh trở nên tươi sáng, có nam tính hơn, cởi mở hơn, và cũng không làm giảm đi những lợi thế cá nhân của anh. Cô đã trông thấy cùng một con người Frederick Wentworth.
“Thay đổi nhiều đến mức anh ấy đã suýt không nhận ra mình!” Cô mãi vướng bận với những lời lẽ ấy. Tuy thế, chẳng bao lâu cô thấy vui vì đã nghe được. Lời lẽ có xu hướng làm cho cô tỉnh táo, trấn áp nỗi phấn khích, giúp cô trấn tĩnh, và do đó làm cho cô vui hơn.
Frederick Wentworth đã nói ra những lời lẽ ấy hoặc đại loại như thế, nhưng không biết rằng lời anh sẽ đến tai cô. Anh nghĩ cô đã thay đổi một cách tệ hại, và trong khoảnh khắc đầu tiên khi được hỏi đến, đã thốt lên theo ý cảm nhận. Anh đã không tha thứ cho Anne Elliot. Cô đã đối xử tệ hại với anh, rồi rời xa anh và làm cho anh thất vọng. Tệ hơn nữa, cô đã thể hiện tố chất nhu nhược khi làm như thế, khiến cho tính khí cả quyết, tự tin của anh không thể chịu đựng được. Cô đã từ bỏ anh để chiều lòng những người khác. Đấy là hậu quả của việc quyết phục quá đáng. Đấy là sự yếu đuối và nhút nhát.
Anh đã yêu cô nồng nàn, và chưa từng gặp một phụ nữ nào mà anh nghĩ ngang bằng cô, nhưng anh không muốn gặp lại cô ngoại trừ do ít cảm nghĩ hiếu kỳ tự nhiên. Sức hút của cô đối với anh đã mất hẳn.
Bây giờ, anh có ý định kết hôn. Anh giàu có, và sau khi trở vào bờ đã có ý định yên bề gia thất càng sớm càng tốt. Anh chủ động tìm kiếm khắp vùng, sẵn sàng đem lòng yêu ai đấy với sự nhanh nhẹn mà cái đầu tỉnh táo và con tim hòa hợp cho phép. Con tim anh được để dành cho một trong hai cô gái nhà Musgrove, nếu cô nào muốn nắm bắt; nói tóm lại, một con tim để chiều lòng bất kỳ cô gái trẻ nào trên bước đường gặp gỡ, ngoại trừ Anne Elliot. Đấy là ngoại lệ bí mật duy nhất của anh, khi anh trả lời về những phỏng đoán của chị anh:
– Vâng, chị Sophia à, em đến đây sẵn sàng để có một cuộc hôn phối ngốc nghếch. Bất kỳ ai đấy tuổi từ mười lăm đến ba mươi đều có thể tỏ tình với em. Một nét đẹp nhỏ nhắn, một ít nụ cười và vài lời khen ngợi sĩ quan hải quân, thế là em si tình ngay. Như thế là đủ đối với một người lính hải quân vốn không quen biết phụ nữ để tỏ ra tử tế, phải không?
Cô biết anh nói thế để gây tranh cãi. Đôi mắt sáng đầy hãnh diện cho thấy anh là người tử tế, và Anne Elliot vẫn còn ngự trị trong tâm tưởng của anh, khi anh mô tả một cách nghiêm túc hơn mẫu người phụ nữ mà anh mong gặp. “Một đầu óc cương nghị với tâm tính hiền dịu” là câu mô tả đầu tiên và cuối cùng của anh.
Anh nói:
– Đấy là mẫu phụ nữ mà em mong mỏi. Dĩ nhiên là em sẽ chấp nhận mức độ thấp hơn một chút, nhưng đừng thấp quá. Nếu em là người xuẩn ngốc thì em đúng sẽ là xuẩn ngốc, vì em đã suy nghĩ về việc này hơn là phần đông đàn ông khác.
——————————–
1 Xương đòn: xương ngắn nối cánh tay với thân người, ngay phía dưới da và phía trên xương sườn thứ nhất, dễ bị thương tổn do té ngã, nhất là ở trẻ nhỏ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.