Thuyết Phục

CHƯƠNG 8



Từ lúc này trở đi, Đại tá Wentworth và Anne Elliot thường hiện diện cùng nhau trong các cuộc gặp gỡ những người khác. Hai người đã đến dự bữa tối ở nhà ông Musgrove, bởi vì cậu bé không còn là lý do cho bác gái nó viện cớ vắng mặt, và đấy chỉ là khởi đầu cho những bữa ăn tối và những buổi gặp gỡ khác.
Liệu những tình ý ngày xưa trỗi dậy hay không cần được mang ra thử thách. Chắc chắn là mỗi bên vẫn còn hoài niệm đến những tháng ngày cũ, và điều không tránh khỏi là cả hai người đã quay lại quá khứ. Anh vẫn nhớ về thời gian hai người hẹn ước với nhau, trong những lời kể lể hoặc miêu tả ngắn do cuộc chuyện trò đưa đẩy. Vị thế nghề nghiệp cho phép – và tính khí của anh cũng dẫn dụ – trong buổi tối đầu tiên hai người hiện diện cùng với nhau anh nói ra những câu như “Đấy là năm thứ sáu”, hoặc “Chuyện này xảy ra trước khi tôi đi phục vụ ngoài biển trong năm thứ sáu”. Cho dù giọng nói của anh không ngập ngừng và cho dù cô không có lý do nào để nghĩ ánh mắt anh hướng về cô khi anh nói, vì đã hiểu tâm tính anh, Anne vẫn cảm thấy chưa hẳn anh có hoài niệm kém cô. Phải có sự kết hợp tức thời của ý nghĩ, tuy cô không chắc ý nghĩ ấy có gây đau đớn ngang bằng cô hay không.
Hai người không trò chuyện với nhau, không có giao lưu nào ngoài phép lịch sự thông thường đòi hỏi. Ngày xưa đã có nhiều trò chuyện! Bây giờ không có gì cả! Đã có thời, trong cả đám đông như bây giờ lấp đầy phòng khách của Biệt thự Uppercross, hai người thấy khó khăn lắm mới ngưng nói chuyện với nhau được. Có lẽ ngoại trừ Đô đốc và bà Croft vốn có vẻ như gắn bó và hạnh phúc, (Anne không thấy ngoại lệ nào khác trong số các cặp vợ chồng), không có hai con tim nào khác rộng mở như thế, không có cảm xúc nào khác hòa điệu đến thế, không có phong thái nào khác được yêu mến đến thế. Bây giờ họ là hai người xa lạ với nhau; không phải, còn tệ hại hơn là xa lạ, bởi vì họ không thể nào quen thân với nhau nữa. Đấy là một ngăn cách vĩnh viễn.
Khi anh cất tiếng, cô nghe cùng giọng nói như ngày xưa, nhận ra cùng đầu óc như ngày xưa. Suốt buổi họp mặt, mọi người tỏ vẻ không biết gì đến những sự vụ hải quân. Nhiều người hỏi han anh, đặc biệt là hai cô gái nhà Musgrove vốn có vẻ như chỉ quan tâm đến anh. Hai cô muốn biết về cuộc sống trên tầu chiến, quy định làm việc hàng ngày, thức ăn, giờ giấc – đủ chuyện. Họ ngạc nhiên khi nghe anh kể, khi biết về sinh hoạt và những cách sắp xếp cuộc sống cho thực dụng. Họ lấy làm lý thú nghe những chuyện bông đùa, khiến cho Anne nhớ lại những ngày cũ khi bản thân cô cũng không biết gì, và cô cũng bị chế giễu khi cho rằng lính hải quân sống trên tàu mà không có gì ăn, hoặc không có đầu bếp nấu nướng cho dù có thực phẩm, hoặc không có bồi bàn bưng dọn, hoặc không dùng dao và nĩa khi ăn.
Khi nghe ngóng và nghĩ ngợi như thế, Anne để ý đến lời thì thầm của bà Musgrove, trong vẻ tiếc nuối:
– À, cô Anne, nếu Ơn Trên phù hộ đứa con trai tội nghiệp của tôi, thì tôi dám chắc giờ này nó đã trở nên một người khác giống như thế.
Anne cố giấu nụ cười và lắng nghe một cách lịch sự, trong khi bà Musgrove trải lòng mình thêm một tí. Vì thế, cô không theo kịp cuộc trò chuyện của những người khác.
Khi chú ý trở lại câu chuyện đang diễn tiến, cô thấy các cô gái nhà Musgrove vừa tìm được một Danh bạ Hải quân (danh bạ của riêng hai cô, bản đầu tiên hiện diện ở Uppercross) và cùng ngồi bên nhau để dò tìm, nói là muốn tìm ra tên những chiếc tàu mà Đại tá Wentworth đã chỉ huy.
– Tôi còn nhớ chiếc tàu đầu tiên anh chỉ huy là Asp 1; chúng tôi sẽ dò tìm chiếc Asp.
– Các cô sẽ không tìm được trong danh bạ này. Chiếc tầu đã quá cũ nát. Tôi là người chỉ huy cuối cùng. Lúc ấy nó không thích hợp mấy để ra khơi nữa. Tôi nghe nói nó phục vụ ở nhà khoảng một hoặc hai năm, và thế là tôi được phái đi Tây Ấn 2.
Hai cô gái ra vẻ kinh ngạc lạ lùng.
Anh tiếp:
– Bộ Tư lệnh Hải quân thỉnh thoảng làm trò tự tiêu khiển bằng cách phái vài trăm người ra khơi trên một con tàu chẳng thích hợp gì cả. Nhưng vì họ phải cung ứng cho nhiều nhu cầu, và trong số hàng nghìn người có nguy cơ rơi xuống lòng đại dương, họ không thể phân biệt con tầu nào cần loại bỏ.
Vị Đô đốc thốt lên:
– Nhảm! Nhảm! Thứ chuyện bọn trẻ này nói ra! Thời ấy không có tầu tuần tra nào tốt hơn chiếc Asp. Đối với loại tầu tuần tra cũ thì không có chiếc nào bằng. Anh nào được chỉ huy nó là may mắn! Anh ta phải biết có hai mươi người giỏi hơn cùng lúc xin được chỉ huy nó. May mắn thay cho anh chàng nào nhận được chức vụ ấy nhanh như thế, mà chính mình lại không quan tâm hơn.
Đại tá Wentworth trả lời một cách nghiêm chỉnh:
– Thưa Đô đốc, xin ngài tin rằng tôi nhận ra mình may mắn. Tôi lấy làm mãn nguyện việc bổ nhiệm tôi theo mức độ như ngài mong muốn. Lúc ấy, mục đích lớn lao của tôi là ra khơi; một mục đích lớn lao, tôi muốn làm việc gì đấy.
– Chắc hẳn rồi. Một chàng trai trẻ như anh nên làm gì khác trên bờ trong một năm rưỡi? Nếu một anh chàng không có vợ thì chẳng bao lâu anh ta lại muốn đi biển.
Louisa thốt lên:
– Nhưng Đại tá Wentworth ạ, hẳn anh phải bực bội làm sao khi bước lên chiếc Asp, để thấy rằng người ta đã giao cho anh con tầu cũ kỹ.
Anh mỉm cười nói:
– Tôi đã biết khá rõ tình trạng con tầu lúc ấy. Tôi không cần phải tìm hiểu thêm hơn là cô tìm hiểu về kiểu dáng và độ bền của một chiếc áo choàng cũ mà người ta đã cho nhiều người quen mượn rồi đến một ngày ẩm ướt được cho cô mượn. Hà! Nó vẫn là chiếc Asp già nua thân thương đối với tôi. Nó được mọi việc mà tôi muốn. Tôi biết nó làm được. Tôi đã biết hoặc là chúng tôi cùng nhau xuống đáy biển, hoặc là nó sẽ giúp tôi thắng lợi. Không bao giờ tôi có liên tiếp hai ngày thời tiếp xấu trong thời gian tôi ra khơi trên chiếc tầu ấy. Sau khi đã bắt được một số hải tặc đủ để lấy làm vui, tôi đã gặp may mắn khi trên đường trở về nhà, chạm trán với chính chiếc khu trục của Pháp mà tôi đang tầm nã. Tôi dẫn nó về Plymouth 3, và ở đây tôi được thêm một vận may. Chúng tôi vừa vào vịnh chưa đến sáu giờ đồng hồ thì có một cơn giông kéo dài bốn ngày đêm, và đáng lẽ kết thúc số phận của chiếc Asp già nua thân yêu chỉ trong phân nửa thời gian ấy; thử thách của chúng tôi trên Đất nước Vĩ đại 4 cũng không cải thiện tình hình. Hai mươi bốn giờ đồng hồ sau, đáng lẽ tôi đã là một Đại tá Wentworth dũng cảm, được nêu tên trong một đoạn ngắn ở góc một tờ báo 5, và vì biến mất trong một chiếc tầu nhỏ thì chẳng ai nghĩ đến tôi.
Chỉ có Anne rùng mình cho riêng cô; còn các cô gái mà Musgrove vừa cởi mở vừa thành thực mà thốt lên lời lẽ thương hại và kinh hoàng.
Bà Musgrove thì thầm như thể đang suy nghĩ thành tiếng:
– Thế thì, tôi đoán khi anh ra đi trên chiếc Laconia, anh gặp đứa con tội nghiệp của tôi. Charles, con yêu à (ra dấu cho anh lại gần bà), hãy hỏi Đại tá Wentworth xem lần đầu tiên anh gặp đứa em tội nghiệp của con là khi nào. Mẹ cứ quên mãi.
– Mẹ ạ, lúc ấy là ở Gibraltar, con biết mà. Dick đang dưỡng bệnh ở Gibraltar, và được chỉ huy của nó giới thiệu cho Đại tá Wentworth.
– À thế! Nhưng mà này Charles, nói với Đại tá Wentworth, anh ấy không nên e ngại nhắc đến Dick trước mặt mẹ, vì mẹ thấy vui được nghe một người bạn tốt như thế kể về nó.
Charles chỉ gật đầu và bước đi, vì biết rõ những gì có thể xảy ra.
Bây giờ hai cô gái trẻ đang dò tìm chiếc Laconia, và Đại tá Wentworth không thể từ chối niềm vui mà đưa tay đón lấy quyển danh bạ, và một lần nữa đọc to lên phần mô tả về con tầu, cho biết nó cũng là một trong những người bạn thân thiết nhất mà anh từng có.
– À há! Đấy là những ngày thần tiên khi tôi chỉ huy chiếc Laconia! Tôi nhanh chóng kiếm được tiền thưởng nhờ nó! Bạn tôi và tôi có chuyến tuần tra thắng lợi ngoài khơi Quần đảo Tây 6. Cô em à, tội nghiệp anh chàng Harville! Cô biết không, anh ta mong muốn kiếm tiền, còn mong muốn hơn cả tôi nữa. Anh ấy đã cưới vợ. Một anh chàng tốt mọi bề. Tôi sẽ không bao giờ quên được hạnh phúc của anh ấy. Anh cảm thấy rất sâu đậm vì muốn lo cho cô vợ. Tôi chúc anh được thêm may mắn vào mùa hè sau, khi tôi vẫn còn được may mắn trên vùng Địa Trung Hải.
Bà Musgrove nói:
– Tôi tin chắc rằng đấy cũng là một ngày hạnh phúc đối với chúng tôi, khi anh làm hạm trưởng con tầu ấy. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những cử chỉ tử tế của anh.
Nỗi xúc cảm khiến cho bà hạ thấp giọng. vì chỉ nghe loáng thoáng và có lẽ chưa kịp nghĩ đến Dick Musgrove, Đại tá Wentworth lộ vẻ căng thẳng, như thể đang chờ đợi bà nói tiếp.
Một trong hai cô gái thì thầm:
– Anh ạ, ma-man đang nghĩ đến Richard tội nghiệp.
Bà Musgrove tiếp:
– Đứa con thân thương tội nghiệp! Nó lớn lên khỏe mạnh, và siêng năng thông tin về gia đình khi đang phục vụ dưới quyền anh! À! Đáng lẽ là kết cục có hậu nếu nó vẫn tiếp tục làm việc với anh. Đại tá Wentworth ạ, xin anh tin rằng chúng tôi rất lấy làm tiếc khi nói rời xa anh.
Khuôn mặt Đại tá Wentworth biến đổi trong một khoảnh khắc, đôi mắt sáng khẽ liếc nhìn, làn môi đẹp trai khẽ cong lại. Do đó, Anne tin rằng thay vì chia sẻ với những mong ước hiền hòa của và Musgrove đối với đứa con trai, có lẽ Đại tá Wentworth cảm thấy khổ sở vì đã muốn tống khứ anh này. Tuy nhiên, phản ứng tự lấy làm vui của anh thoáng qua mà chỉ có người hiểu rõ về anh như Anne mới nhận ra được. Trong khoảnh khắc kế tiếp, anh hoàn toàn bình tâm và nghiêm túc, hầu như lập tức bước đến bên chiếc ghế bành nơi cô và bà Musgrove đang ngồi, ngồi xuống bên bà, rồi với giọng nhỏ nhẹ tiếp tục lại câu chuyện với bà về đứa con trai. Anh hành xử với vẻ cảm thông và ân cần tự nhiên, thể hiện mối quan tâm tử tế đối với tình cảnh chân thật và đúng lý của bà mẹ.
Ba người thật sự ngồi trên cùng một chiếc ghế bành, chỉ có bà Musgrove ngăn cách giữa anh và cô vì bà sẵn lòng nhường chỗ cho anh. Thật ra, đấy vẫn là sự ngăn cách đáng kể. Bà Musgrove có thân hình béo tốt, lại do thiên tính mà có tư thái vui vẻ và hài hước hơn là dịu dàng và tình cảm, và tư thái ấy có phần bị gò bó bởi thể hình thon thả và gương mặt đăm chiêu của Anne. Phải ghi công Đại tá Wentworth khi anh có thái độ chững chạc đồng cảm với những câu than thở u uất về số phận của đứa con trai mà khi còn sống không ai màng để ý đến.
Vóc dáng bề ngoài và nỗi đau trong tâm hồn chắc chắn không tương quan với nhau. Một ngoại hình phục phịch vẫn có quyền đau khổ ngang bằng ngoại hình mảnh dẻ nhất. Nhưng, dù công bằng hay không, đấy là mối tương quan không phù hợp mà lý lẽ không làm chủ được, óc thẩm mỹ không chấp nhận được, chỉ có việc chế giễu là chính.
Sau khi chắp tay sau lưng đi lại hai, ba vòng quanh phòng, vị Đô đốc được bà vợ nhắc nhở phải giữ trật tự, thế nên ông đi đến Đại tá Wentworth, và không cần biết mình có chen vào câu chuyện người khác không, ông chỉ quan tâm đến những ý nghĩ của mình mà nói:
– Này Frederick, khi cậu trải qua một tuần ở Lisbon vào mùa hè rồi, đáng lẽ cậu nên ghé thăm Phu nhân Grierson và các con gái của bà.
– Em phải làm thế hay sao? Thế thì em vui vì đã không ở thêm một tuần.
Vị Đô đốc trách anh thiếu lịch sự với phụ nữ. Anh chống chế, tuy nhìn nhận rằng mình chưa bao giờ mời phụ nữ lên con tầu anh đang chỉ huy, ngoại trừ một buổi khiêu vũ hoặc một chuyến thăm chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ. Anh nói:
– Nhưng mà, em tự biết mình không thiếu lịch sự với phụ nữ. Đấy chỉ là vì em nghĩ dù có cố gắng và hy sinh đến đâu vẫn không thể nào tiếp đãi phụ nữ trên tầu cho đúng mức. Đô đốc ạ, không thể nào thiếu lịch sự khi đặt ra yêu cầu thoải mái phụ nữ ở mức độ cao, và em đã làm thế. Em không thích nghe việc phụ nữ hiện diện trên tầu hoặc gặp gỡ họ trêu tầu, và chưa từng có chiếc tầu nào dưới quyền em chở phụ nữ đi đâu cả, khi em có quyền quyết định.
Bà chị Sophia Croft của anh nói:
– Ồ! Frederick! Chị không tin được em lại thế. Tất cả chỉ là ứng xử tinh tế khi nhàn rỗi! Phụ nữ có thể cảm thấy thoải mái trên tầu cũng giống như khi ngụ trong ngôi nhà tiện nghi nhất nước Anh. Chị đã từng sống trên tầu như phần đông phụ nữ khác, và chị không thấy gì tốt hơn những tiện nghi trên một tầu chiến. Chị chưa từng thấy thoải mái hoặc được buông thả, ngay cả ở Dinh thự Kellynch (cúi đầu hướng về phía Anne), hơn là trên các con tầu chị đã sống, và đấy là tổng cộng năm con tầu.
Em trai bà nói:
– Chẳng theo chủ đích gì cả. Chị sống với chồng chị, và là phụ nữ duy nhất trên tầu.
– Nhưng em, chính em, đã đưa cô Harville, em gái cô ấy, em họ cô ấy cùng ba đứa trẻ đi một vòng từ Portsmouth 7 đến Plymouth. Đấy có phải là sự chiêu đãi hết mực khác thường của em không?
– Chị Sophia à, tất cả chỉ là tình thân hữu. Em cố giúp đỡ bất kỳ bà vợ sĩ quan nào nếu có thể được, và em sẽ dẫn bất kỳ người thân nào của Harville đi chân trời góc biển, nếu anh ấy muốn. Nhưng đừng nghĩ em không thấy chính đấy là điều tệ hại.
– Chắc chắn là các phụ nữ đều hoàn toàn được thoải mái.
– Có lẽ em không thích họ hơn vì lý do này. Số phụ nữ và trẻ con như thế không thể đòi hỏi tiện nghi trên tầu.
– Frederick thân yêu, em ăn nói vu vơ quá! Này, nếu ai cũng có cảm nghĩ như em thì các bà vợ tội nghiệp của sĩ quan hải quân bọn chị sẽ ra sao khi muốn được đưa đi từ cảng này sang cảng khác?
– Chị thấy đấy, cảm nghĩ của em không ngăn cản em đưa cô Harville và bầu đoàn thê tử của cô đi Plymouth.
– Nhưng chị không thích em nói như một quý ông cao nhã và một phụ nữ nhưulà quý bà cao nhã, thay vì là những con người bình thường. Phụ nữ bọn chị cũng không mong đợi mọi ngày trong đời đều được êm ả.
Vị Đô đốc thốt lên:
– Ối dào! Em yêu, khi cưới vợ thì cậu ấy sẽ nói theo cách khác. Khi cậu ấy kết hôn, nếu chúng ta may mắn sống qua một cuộc chiến khác, thì ta sẽ thấy cậu ấy hành xử như em và anh, và như nhiều người khác. Cậu ấy sẽ mang ơn bất kỳ ai giới thiệu cho cậu ấy một người vợ.
– Đúng, ta sẽ làm thế.
Đại tá Wentworth đáp:
– Thế thì đời em đã được định đoạt. Một khi người đã kết hôn bắt đầu công kích em với câu “Ôi dào! Khi kết hôn anh sẽ nghĩ khác đi,” thì em chỉ có thể nói thế này: “Không, em sẽ không nghĩ khác đi”, và rồi họ nói: “Có, anh sẽ nghĩ khác,” và thế là chấm dứt tranh luận.
Anh đứng dậy và bỏ đi.
Bà Musgrove nói với bà Croft:
– Bà ạ, quả là bà được đi đây đi đó nhiều!
– Khá nhiều, bà ạ, trong cuộc hôn nhân mười lăm năm, dù nhiều phụ nữ còn đi nhiều hơn. Tôi đã vượt Đại Tây Dương bốn lần, một lần đến Đông Ấn rồi trở về, chỉ một lần. Ngoài ra, còn có những chuyến đi các nơi khác: Cork, Lisbon, Gibraltar. Nhưng tôi chưa đi qua vùng Streights 8, và chưa từng đến vùng Tây Ấn. Chúng tôi chưa ghé qua Bermuda hoặc Bahama, chị biết đấy, thuộc vùng Tây Ấn.
Bà Musgrove không có lời nào phản bác; suốt đời mình bà không quen làm thế.
Bà Croft tiếp:
– Bà ạ, hãy tin khi tôi nói rằng không gì tốt hơn tiện nghi trên tầu chiến; ý tôi nói đến mức cao nhất. Nếu bà ở trên một chiếc khu trục thì dĩ nhiên bị gò bó hơn, tuy rằng bất kỳ phụ nữ nào không khó tính quá đều hoàn toàn cảm thấy thoải mái. Tôi có thể nói khoảng thời gian vui nhất trong đời mình là lúc sống trên một con tầu. Bà biết không, khi chúng tôi bên nhau thì không có gì phải sợ hãi cả. Tạ ơn trời đất tôi có sức khỏe và thời tiết không làm cho tôi khó chịu gì cả. Hai mươi bốn giờ đồng hồ đầu tiên trên tầu luôn có một ít xáo trộn, nhưng sau đấy tôi chẳng đau yếu gì. Lần duy nhất tôi bị ảnh hưởng về thể chất hoặc tinh thần, lần duy nhất mà tôi nghĩ mình không được khỏe hoặc có mối hiểm nguy nào đấy, là vào một mùa đông mà tôi trải qua ở Deal 9, khi Đô đốc Croft (lúc ấy còn là Đại tá) phục vụ trên Biển Bắc. Lúc ấy, tôi luôn sống trong sợ hãi và luôn bị mọi loại bệnh tưởng vì không biết làm gì cho bản thân mình, hoặc không biết khi nào tôi được gặp lại anh ấy. Nhưng những khi ở bên nhau thì tôi chẳng bệnh tật gì, và không hề bị phiền hà gì dù là nhỏ nhặt.
Bà Musgrove hồ hởi đáp:
– Đúng là thế. Vâng, đúng thế. Bà Croft ạ, tôi đồng ý với bà. Không có gì tệ hại hơn khi sống xa cách. Tôi đồng ý với bà. Tôi biết cuộc sống ấy là như thế nào, bởi vì ông Musgrove luôn đi vắng lo công việc. Tôi rất vui mà thấy ông ấy chu toàn mọi chuyện và trở về bình yên.
Buổi tối kết thúc bằng khiêu vũ. Khi được yêu cầu chơi nhạc, Anne đáp ứng như thường lệ. Tuy rằng đôi lúc mắt cô long lanh giọt lệ khi ngồi bên chiếc đàn, cô rất vui được phục vụ, không đòi hỏi gì khác mà chỉ muốn mọi người đừng để ý đến mình.
Đấy là một buổi họp vui vẻ, hào hứng và không ai vui bằng Đại tá Wentworth. Cô nghĩ anh có đủ điều kiện để được mọi người chú ý và tán dương, đặc biệt là từ phía phụ nữ. Có vẻ như các cô gái nhà Hayter và các cô em họ khác được phép tự do giao thiệp với anh hầu như mong đi đến hôn nhân. Riêng hai cô Henrietta và Louisa đều luôn bận rộn vì anh, và chỉ có thiện ý giữa chị em mới ngăn hai cô trở thành tình địch. Nếu anh hư người vì được nhiều cô gái mến thích nồng nhiệt đến thế thì không ai lấy làm ngạc nhiên cả.
Đấy là những ý nghĩ vương vấn Anne trong khi các ngón tay cô bận rộn trên phím đàn, tiếp tục trong nửa giờ đồng hồ mà không vấp váp, không chú ý đến người khác. Có một lúc cô cảm nhận anh đang nhìn cô, quan sát dáng vẻ thay đổi của cô, có lẽ cố tìm lại nét nào đấy trên gương mặt cô có thời làm cho anh mê đắm. Có một lần cô đóan anh đang nói về mình, và chỉ biết chắc như thế khi cô nghe câu trả lời, biết rằng anh đang hỏi người kế bên rằng cô Elliot có bao giờ khiêu vũ hay không? Câu trả lời là:
– Ồ, không, không bao giờ; cô ấy đã từ bỏ khiêu vũ. Cô chỉ thích chơi nhạc. Cô không bao giờ chán chơi nhạc.
Cũng có một lần, anh nói với cô. Lúc ấy, cô đã rời khỏi chiếc đàn vì đã xong một bản khiêu vũ, và anh đã ngồi xuống để cố tỏ thái độ mà anh mong các cô nhà Musgrove nhận ra ý tưởng. Không có chủ ý, cô quay lại chỗ ngồi cũ trong gian phòng. Anh trông thấy cô, lập tức đứng dậy, với vẻ lịch sự có tính toán, nói:
– Tôi xin lỗi cô, đây là chỗ ngồi của cô.
Dù cô lập tức thối lui với thái độ từ chối hẳn, anh vẫn không muốn ngồi xuống lại chỗ cũ.
Anne không mong muốn nhìn thấy thêm cử chỉ và lời nói như thế. Vẻ lịch sự lạnh lùng và phong thái thanh nhã theo nghi thức của anh còn tệ hại hơn bất kỳ điều gì khác.
——————————–
1 Asp: tên chỉ một loài rắn độc. Chiếc Asp. thuộc loại tầu tuần tra nhỏ, chỉ có một cột buồm.
2 Tây Ấn: (nguyên bản: West Indies): từ cổ (tuy nhiên vẫn còn được dùng) chỉ vùng Caribê ngày này. Christopher Columbus đặt tên “Tây Ấn” do nhầm lẫn khi đến vùng này cho rằng mình đã đến vùng biển phía Tây Ấn Độ, chứ không biết đã khám phá một châu lục khác.
3 Plymouth: thành phố miền tây-nam nước Anh nhìn ra biển Manch, từ thời này đã là một trong những căn cứ hải quân quan trọng.
4 Đất nước Vĩ đại: cụm từ vào thời này thường chỉ nước Pháp vốn đã có vai trò bá chủ trên Châu Âu lục địa, ở đây Đại tá Wentworth nói với sự mỉa mai vì có ý nhắc đến việc anh bắt được một tầu khu trục của Pháp.
5 Đoạn ngắn ở góc một tờ báo: ý nói là cáo phó, báo tin cái chết của Đại tá Wentworth.
6 Quần đảo Tây: Quần đảo Hebrides trên Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển phía tây của Scotland.
7 Portsmouth: thành phố đông nam nước Anh nhìn ra biển Manch, từ thời này đã là một trong những căn cứ hải quân quan trọng.
8 Streights: Streight là cách viết cổ của strait (eo biển), tiêng Streights ở đây chỉ eo biển Gibraltar nối Đại Tây Dương với Địa Trung Hải. Trong câu này, Croft có ý nói mình chưa đi đến vùng Địa Trung Hải và Bắc Phi.
9 Deal: thị trấn ven bờ biển đông nam nước Anh, nhìn ra biển Manche.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.