Tội Ác Và Trừng Phạt
Chương 17
Raxkonikov đã vào nhà. Chàng bước vào với cái vẻ như đang cố hết sức nhịn cười. Razumikhin ngượng ngùng theo sau, mặt đỏ như hoa vông, nhăn nhúm lại vì tức giận, thân mình dài lêu nghêu trông hết sức vụng về. Bộ mặt và cả dáng người anh lúc ấy thật là một lời giải thích hùng hồn cho tiếng cười của Raxkonikov. Chưa kịp được giới thiệu, Raxkonikov đã nghiêng mình trước chu nhân đang đứng giữa phòng đưa mắt dò hỏi hai vị khách. Vừa bắt tay ông ta, chàng vừa làm ra vẻ cố hết sức nhịn cười và nói lấy đôi ba tiếng gọi là để tự giới thiệu. Song vừa mới nghiêm được nét mặt lại và lúng búng được mấy tiếng chàng đã lại dường như bất giác nhìn về phía Razumikhin, thế là không sao nhịn được nữa: tiếng cười vừa rồi bị nén chặt bao nhiêu, thì nay lại bật ra mạnh bấu nhiêu không sao cưỡng nổi. Cơn giận dữ điên cuồng của Razumikhin tiếp theo tiếng cười “hồn nhiên” đó của Raxkonikov đã tạo cho cái cảnh nầy một vẻ hoan hỉ thành thật và nhất là rất tự nhiên. Razumikhin tựa hồ như cố ý, đang giúp thêm vào màn kịch của bạn.
– Hừm! Đồ quỷ! – Anh gầm lên và vung tay một cái va ngay vào một chiếc ghế con trên đặt một cái cốc trà nhỏ đã uống cạn. Ghế và cốc rơi đánh xoảng một tiếng.
– Tại sao lại phá hoại bàn ghế thế, hở các vị, thiệt hại cho công quỹ đấy? – Porfiri Prtrovich vui vẻ kêu lên.
Màn kịch tiếp diễn như sau: Raxkonikov cười chán chê rồi, tay vẫn để quên trong tay chủ nhân, nhưng vẫn biết giữ mức vừa phải, chàng chờ dịp rút tay ra cho thật nhanh và thật tự nhiên. Razumikhin hết sức luống cuống với chiếc ghế đổ và cái cốc vỡ, ngẩn người ra nhìn mấy mánh cốc, vẻ mặt hầm hầm, đoạn nhổ toẹt một bãi nước bọt và quay phắt ra cửa sổ, đứng quay lưng về phía công chúng, mặt khó đăm đăm, nhìn bâng quơ ra ngoài cửa kính, chắc cũng chẳng trông thấy gì. Porfiri Petrovich cười, ông ta cùng muốn vui chung với khách, nhưng hiển nhiên còn đang chờ đợi người ta giải thích cho. Trong góc phòng, Zamiotov ngồi trên một chiếc ghế dựa. Hắn nhổm dậy khi thấy khách vào, và chờ đợi, môi nhoẻn một nụ cười, vẻ ngỡ ngàng và thậm chí hầu như ngờ vực nữa trước cái cảnh vừa diễn ra, riêng khi nhìn Raxkonikov thì hắn lại có vẻ bối rối nữa. Sự có mặt bất ngờ của Zamiotov khiến Raxkonikov ngạc nhiên và khó chịu.
“Lại thêm một điều cần phải suy xét?” – chàng nghĩ.
– Xin hai ông thứ lỗi. – Raxkonikov mở đầu, cố làm ra vẻ ngượng nghịu.
– Có gì đâu! Tôi rất, thích thú. Các anh đến chơi thật là vui vẻ. Sao, lại không thèm chào hỏi ai nữa kia à? – Porfiri Petrovich hất hàm trỏ Razumikhin nói tiếp.
– Quả tình tôi cũng không hiểu tại sao cậu ta lại tức giận tôi. Dọc dường, tôi chỉ nói là cậu ta giống Romco và và chứng minh cho cậu ta thấy, ngoài ra hình như không còn lý do nào khác.
– Rõ khỉ! – Razumikhin đáp, vẫn không ngoảnh lại – Thế thì chắc phải có những lý do rất nghiêm trọng cậu ấy mới có thể nổi giận lên như vậy vì mỗi một câu nói đùa cỏn con – Porfiri cười xoà.
– Chà, quan dự thẩm toà án đấy nhá! Thôi, ma quỷ bắt hết các cậu đi cho rảnh – Razumikhin cắt ngang và cũng bật cười theo, vẻ mặt vui hẳn lên tuồng như không có việc gì xảy ra cả. Anh đến cạnh Porfiri Petrovich.
– Thôi, đủ rồi! Toàn một lũ ngốc, vào việc thôi! Đây là bạn mình, Rodion Romanovich Raxkonikov, trước hết là vì nghe nói nhiều đến cậu nên muốn làm quen với cậu, sau nữa cùng có tí việc muốn nhờ đến cậu. Kìa, Zamiotov! Sao cậu lại ở đây? Thế hai người có quen nhau à? Từ bao giờ thế?
“Lại chuyện gì thế nầy nữa?” – Raxkonikov hoảng hốt nghĩ thầm.
Zamiotov như có vẻ ngượng nghịu, nhưng chỉ thoáng một chút thôi.
– Ấy chúng tôi mới quen nhau từ hôm qua, ở nhà cậu đấy hắn nói, giọng ung dung.
– Thế thì thật là Trời giữa tớ: tuần trước hắn cứ khẩn khoản mình tìm cách giới thiệu hắn với cậu, thế mà cũng chẳng cần gì kẻ nầy, các người cũng đã đánh hơi được nhau… Thuốc lá cậu đâu? Porfiri Petrovich ăn vận kiểu trong nhà: áo dài ngủ, đồ lót khá sạch, chân đi giầy vải vẹt gót. Đó là một người tuổi trạc ba mươi lăm, vóc dáng người hơi lùn, to béo và hơi có bụng nữa, râu ria cạo nhẵn, tóc cắt ngắn, đầu to tròn, gáy dô ra một cách kỳ quái. Khuôn mặt tuy tròn và béo phị, mũi hơi hếch, nước da vàng vọt song vẫn không thiếu vẻ hoạt bát và lại có phần hóm hỉnh nữa. Lẽ ra khuôn mặt ấy trông còn có vẻ thật thà là khác nếu không có cái thần sắc của cặp mắt sáng loáng như màu nước, ẩn dưới hàng mi bạc phếch luôn luôn hấp háy như muốn ra hiệu cho một người nào. Cái nhìn của cặp mắt đó tương phản lạ kỳ với toàn bộ con người trông như có dáng dấp đàn bà của ông ta và điểm cho nét mặt ông ta một vẻ nghiêm nghị hơn là người ta có thể tưởng khi mới nhác trông.
Vừa nghe nói ông khách có “tí việc” cần bàn với mình, Porfiri Petrovich lập tức mời khách ngồi lên ghế sofa, còn ông ta thì ngồi vào cuối ghế và chú mục nhìn Raxkonikov, chờ đợi chàng trình bày công việc, với cái vẻ quan tâm có dụng công và trang nghiêm quá mức khiến người ta phải lúng túng khó chịu, nhất là người chưa quen biết khi mới gặp lần đầu, và nhất là khi nghĩ rằng điều mình sắp nói ra lại không tương xứng với thái độ chăm chú trịnh trọng khác thường của ông. Nhưng Raxkonikov, qua mấy câu ngắn gọn và mạnh lạc, trình bày việc mình một cách rõ ràng, chính xác và thấy hài lòng với bản thân đến nỗi còn có đủ thì giờ quan sát, Porfiri khá ký. Porfiri Petrovich cũng nhìn khách không rời mắt trong suốt thời gian nói chuyện. Razumikhin ngồi bên kia bàn sốt ruột và háo hức theo dõi câu chuyện, mắt cứ luôn luôn chuyển từ người nầy sang người kia, chẳng chú ý mấy đến phép lịch sự.
“Thằng ngốc!” -Raxkonikov chửi thầm.
– Thế thì anh phải khai với sở cảnh sát. – Porfiri dùng một giọng đặc biệt sự vụ trả lời khách – Anh sẽ viết là vì được tin xảy ra sự kiện như thế – có nghĩa là vụ ám sát – nên cần báo cho viên dự thẩm phụ trách việc đó biết là có những vật nầy vật nọ thuộc quyền sở hữu của anh và anh muốn chuộc lại. Hoặc là thôi cũng chẳng cần rồi người ta sẽ viết cho anh.
– Nhưng phiền một nỗi là hiện nay? – Raxkonikov nói tiếp, cố làm ra vẻ thật ngượng nghịu: tôi cũng không sẵn tiền lắm, và ngay những đồ lặt vặt ấy, tôi cũng không thể… Ông ạ, bây giờ tôi chỉ muốn khai rằng những vật ấy là của tôi, rồi khi nào có tiền…
– Không hề gì – Porfiri Petrovich đáp, có vẻ dửng dưng đối với những lời giãi bày về tiền nong đó, – vả lại, nếu cần anh có thể viết thẳng cho tôi mấy chữ cũng theo kiểu như trên, đại ý: được biết thế nầy thế nọ, và kê khai những vật nầy vật kia là của tôi, yêu cầu.
– Thế viết trên giấy thường có được không? – Raxkonikov vội vã ngắt lời, một lần nữa tỏ ra quan tâm đến mặt tiền nong của công việc.
– Ồ, giấy gì ma chả được? – Và bỗng Porfiri Petrovich nhìn chàng với một vẻ giễu cợt ra mặt, nheo nheo đôi mắt tựa như muốn nháy chàng. Vả chăng, có thể là Raxkonikov tưởng tượng ra thế thôi, vì cái đó chỉ thoáng qua trong giây lát. Song ít nhất cũng phải có một chuyện gì đây. Raxkonikov cứ đinh ninh là ông ta đã nháy mắt với chàng, có trời biết tại sao. Hắn biết!” – Ý nghĩ đó vụt thoáng qua tâm trí chàng như một tia chớp.
– Xin ông thứ lỗi vì đã đến làm phiền ông vì những chuyện không đâu như thế! – chàng nói tiếp, hơi lúng túng. – Những vật ấy đáng giá cả thảy chỉ độ năm rúp, nhưng đối với tôi thì nó quý lắm, vì đó là những vật kỷ niệm của người thân, và xin thú thực là tôi rất lo sợ khi được tin…
– À, à, thế ra hôm qua khi nghe tớ nói với Zoximov là Porfiri đã tiến hành hỏi cung những người có cầm đồ, cậu đã giật nẩy mình lên là vì thế đấy – Razumikhin nói với một dụng ý lộ liễu.
Cái nầy thì thật quá thể. Raxkonikov không chịu được nữa, đưa đôi mắt đen sáng quắc lên giận dữ nhìn Razumikhin Nhưng chàng lại trấn tĩnh được ngay.
– Cậu muốn giễu tôi đấy hẳn? – Chàng nói với một vẻ tức giận giả vờ rất khéo – Tôi xin nhận rằng có lẽ tôi có lo lắng quá nhiều đến những vật mà dưới mắt cậu chỉ là những đồ bỏ đi; nhưng cũng không nên vì thế mà coi tôi là một thằng ích kỷ, một thằng tham lam, vì dưới mắt tôi những vật vô nghĩa đó rất có thể không phải là những đồ bỏ đi. Lúc nãy tôi đã nói với cậu là chiếc đồng hồ bạc chỉ đáng giá vài xu ấy là vật duy nhất của cha tôi còn để lại. Cứ tha hồ mà giễu tôi đi, nhưng kỳ tình mẹ tôi đã lên đây – chàng chợt quay sang nói với Porfiri – và nếu bà cụ biết – chàng lại vội quay về với Razumikhin và cố nói giọng run run, – nếu bà cụ biết chiếc đồng hồ ấy không còn nữa, tôi thề với cậu là bà cụ sẽ chết điếng đi. Ôi! đàn bà họ thật…
– Nhưng có phải thế đâu! Mình không hề có ý như thế. Ý mình trái hẳn lại! – Razumikhin khổ sở kêu lên.
“Thế có được không? Có tự nhiên không? Mình có cường điệu quá không? Raxkonikov lo âu tự hỏi – Sao mình lại nói “đàn bà”?
– Thế ra cụ nhà đã lên đây rồi? – Porfiri Petrovich hỏi, không rõ để làm gì.
– Vâng.
– Lúc nào?
– Chiều hôm qua.
Porfiri lặng thinh như suy tính điều gì.
– Những đồ vật của anh dù sao cũng không thể mất được, – hắn nói tiếp, giọng điềm tĩnh và lạnh lùng. – Mà tôi đợi anh ở đây cũng đã từ lâu.
Rồi, coỉ như khong có việc gì xảy ra, Porfiri sốt sắng trao cái gạt tàn thuốc lá cho Razumikhin, đang thẳng tay gạt tàn thuốc xuống thảm không chút thương tiếc. Raxkonikov giật nẩy mình, nhưng Porfiri dường như không nhìn chàng vì đang bận tâm với điếu thuốc lá của Razumikhin.
– Sao? Cậu đợi cậu ấy à? Thì ra là cậu biết cậu ấy có đồ cầm ở đằng ấy à? – Razumikhin kêu lên.
Porfiri Petrovich quay hẳn sang Raxkonikov nói.
– Cả hai thứ anh đem cầm đằng mụ ấy. – chiếc nhẫn và cái đồng hồ – đều được gói vào một mảnh giấy và tên anh được ghi rõ ràng bằng bút chì trên giấy gói, có cả ngày tháng nhận cầm.
– Sao ông nhớ kỹ thế? – Raxkonikov cười nhạt một cách vụng về, cố nhìn thẳng vào mắt ông ta, nhưng rồi không ghìm nổi và bỗng nói thêm: – Sở dĩ tôi nghĩ thế là vì có lẽ có nhiều khách cầm đồ lắm. Thành thử ông cũng khó lòng mà nhớ hết được. Thế nhưng đằng nầy, ông lại nhớ hết, mà rất rõ và và…
Ngốc thật! Kém lắm! Sao lại thêm câu ấy làm gì.
– Chả là hầu hết các khách cầm đồ đều đã đến gặp tôi, chỉ còn anh là người duy nhất chưa quá bộ đến đây – Porfiri đáp, trong giọng nói thoáng có một sắc thái giễu cợt khá rõ.
– Vừa rồi tôi hơi bị mệt.
Vâng, tôi cũng có nghe nói. Tôi lại nghe nói là anh còn có điều gì bối rối khó chịu nữa. Đấy bây giờ trông anh vẫn còn xanh lắm.
– Có xanh tí nào đâu, ngược tại tôi rất khỏe – Raxkonikov đột nhiên chuyển sang giọng cục cằn và giận dữ ngắt lời.
Cơn giận sôi sục lên trong người chàng, không tài nào nén được. “Cơn giận nầy sẽ phản mình mất – chàng chợt nghĩ “Sao họ lại cứ làm khổ mình như thế”
– “Tôi hơi bị mệt!” – Razumikhin kêu lên – Thật khéo nói. Mãi đến tận hôm qua cũng vẫn còn mê sảng đấy. Nầy Porfiri, cậu có tin được không, cậu ấy vừa mới tấp tểnh đứng dậy được, thế mà Zoximov với mình vừa mới quay lưng một cái là cậu ta mặc quần áo lặng lẽ chuồn đi; lang thang mãi tận đâu gần đến nửa đêm mới về, mà xin nhắc lại là đang mê sảng đấy nhé. Cậu có thể tưởng tượng được không? Một trường hợp đến kỳ quặc?
– Sao? Đang mê sảng à? Có thể như vậy được ư? – Porfiri lắc đầu với một cử chỉ trông như đàn bà.
– Chỉ nhảm? Ông đừng tin? Mà ông cũng có tin đâu – Raxkonikov buột mồm, không nén được cơn thịnh nộ. Nhưng Porfiri có vẻ như không nghe thấy những lời lẽ kỳ quặc đó.
– Nếu không mê sảng thì sao cậu lại có thể đi ra ngoài được? – Razumikhin bỗng nóng mặt lên đáp. – Tại sao cậu lại đi? Đi làm cái gì? Mà tại sao lại len lén như thế? Nào lúc ấy trí óc cậu liệu có còn minh mẫn không? Bây giờ cậu đã khỏi, tớ có thể nói toạc ra với cậu như vậy.
– Hôm qua, mấy cậu làm tôi ngấy quá – Raxkonikov chợt quay sang Porfiri nói với một nụ cười xấc xược và khiêu khích – Tôi phải trốn đi thuê một nơi ở khác, đi cho các cậu ấy không tìm ra được, tôi đã đem theo một mớ tiền. Ông Zamiotov đây cũng có trông thấy số tiền ấy đấy. Thế nào. Ông Zamiotov, hôm qua trí óc tôi có mình mẫn không, hay là mê sảng, ông phân giai hộ cho.
Lúc nầy hình như chàng chỉ muốn xông vào bóp cổ Zamiotov. Chàng khó chịu với cái nhìn và sự im lặng của hắn quá.
– Theo ý tôi thì hôm qua ông đã nói chuyện khá tỉnh táo, khôn ngoan nữa là khác, duy có điều ông quá cáu kỉnh – Zamiotov đáp xẵng.
– Hôm nay, – Porfiri chen vào, Nikodim Phomits có nói với tôi là tối hôm qua lúc đã khuya ông ta có gặp anh trong nhà người công chức vừa bị ngựa xéo.
– Đấy, cứ xét chuyện cái lão công chức ấy thì biết – Razumikhin nói tiếp – có phải là cậu đã hành động như một thằng điên ở nhà lão ấy không nào? Còn được bao nhiêu cậu đã đem cho mụ goá ấy hết để lo việc ma chay! Nếu muốn giúp thì cũng có thể cho mười lăm rúp, hay hai mươi rúp đi nữa, nhưng ít nhất cùng giữ lại lấy vài ba rúp chứ, đằng nầy lại vung hết cả hai mươi lăm rúp kia!
– Thế ngộ nhỡ tôi vừa tìm ra được một kho vàng thì sao? Có thể hôm qua tôi mới đâm ra hào hiệp như vậy. Đấy có ông Zamiotov biết rõ là tôi đã tìm ra được một kho vàng! Xin ông thứ lỗi, – chàng quay sang nói với Porfiri, môi run run, – chúng tôi đã làm mất của ông nữa tiếng đồng hồ vì những chuyện không đâu. Chắc chúng tôi làm ông bực mình lắm?
– Ấy không, ngược lại, ngược lại! Giá anh biết anh đã làm cho tôi quan tâm đến nhường nào! Tôi rất thích được nhìn anh, nghe anh nói, và xin thú thật là tôi rất hài lòng khi thấy anh rốt cục đã có nhã ý đến đây.
– Nhưng phải cho chúng tớ uống nước với chứ? Khô cả cố rồi! – Razumikhin kêu lên.
– Một ý rất hay? Chắc là các vị cùng vui lòng cả. Nhưng trước khi dùng trà có nên làm một tý gì… có “chất” hơn chăng?
– Thôi, vù đi!
Porfiri Petrovich đi sai người đun trà.
Những nghĩ cứ quay cuồng trong đầu óc Raxkonikov. Chàng đang tức lộn ruột lên.
“Tệ nhất là chúng nó cũng chẳng buồn vờ vịt hay giữ lễ tí nào nừa? Nếu mày không hề biết tao thì làm thế nào mày lại nói chuyện về tao với Nikodim Phomits được? Thế nghĩa là bọn chúng cũng không thèm giấu giếm là chúng đang theo vết mình như một bầy chó. Thật là chúng nhổ toẹt vào mặt mình! – Raxkonikov run lên vì tức giận. – Thôi các người cứ đánh trực diện đi chứ đừng vờn ta như mèo vờn chuột nữa! Vì như thế là vô lễ Porfiri ạ, mà có lẽ ta sẽ không cho phép người làm như vậy” Ta sẽ đứng đây và sẽ nói toạc vào mặt các người tất cả sự thật rồi các người sẽ thấy ta khinh các người đến nhường nào! – Chàng mệt nhọc thở hổn hển – “Nhưng, ngộ nhỡ chẳng qua chỉ là một ảo giác của mình thì sao? Nếu đó chí là một ảo giác, nếu mình lẩm từ đầu chí cuối, nổi xung lên một cách khờ khạo, rồi không đóng nổi vai tuồng ti tiện của mình thì sao? Có thể tất cả những lời nói, những cử chỉ ấy đều không có chú ý. Lời lẽ của họ cũng bình thường cả thôi, nhưng cũng có một ẩn ý gì bên trong. Những câu như thế người ta có thể nói trong bất cứ trường hợp nào, nhưng dù sao cũng vẫn có một cái gì đây. Tại sao hắn lại nói “đằng mụ ấy”? Sao Zamiotov lại thêm là mình ăn nói “khôn ngoan”? Tại sao chúng lại nói cái giọng như vậy? Đúng… cái giọng. Razumikhin cũng ngồi đây, sao hắn lại không nghi ngờ gì cả? Cái thằng ngây ngô ấy thì chẳng bao giờ nghi ngờ gì tất! Thôi, mình lại lên cơn sốt rồi! Lúc nầy, có phải Porfiri nháy mắt với mình không nhỉ? Vô lý, chắc là không, sao hắn lại phải nháy mắt với mình kia chứ: Phải chăng chúng định trêu ngươi mình, đó chỉ là ảo giác, hay là chúng nó biết thật… Ngay cả Zamiotov cũng tỏ ra xấc láo. Có thực Zamiotov xấc không? Đêm qua chắc hắn đã nghĩ lại. Mình cùng đã biết, là hắn sẽ nghĩ lại!
Ở đây hắn như ở nhà vậy, thế mà là lần đầu hắn đến đây Porfiri không coi hắn như khách, lão ta ngồi quay lưng lại phía hắn. Chúng nó đã ăn ý với nhau rồi! Chúng nó ăn ý với nhau chính là vì mình. Chắc chắn hai đứa đã bàn về mình trước khi mình đến! Không hiểu chúng nó đã biết là mình có đến đằng ấy chưa? Sao cho nhanh lên chứ. Lúc mình nói là hôm qua mình chuồn đi tìm thuê một nơi ở khác, hắn đã bỏ qua không nêu lại… Mình chuồi câu chuyện thuê nhà vào như thế mà hay đấy, sau nầy sẽ có ích! “Trong cơn mê sảng kia chứ! Ha, ha, ha! Hắn biết tất cả những việc xảy ra tối hôm qua, nhưng lại không biết mẹ mình mới đến? Con mụ phù thuỷ ấy lại ghi ngày tháng bằng bút chì kia à? Chỉ láo, không bịp được ta đâu. Vì đó chưa phải là những sự kiện mà chỉ la một ảo giác thôi! Tang chứng đâu, thử đưa ra xem nào! Ngay cả cái chuyện đi tìm nhà cũng không phải là một tang chứng, mà là chuyện mê sảng; mình biết cách nói với chúng rồi. Chúng có biết chuyện mình đến xem phòng không nhỉ? Chưa biết được điều nầy thì chưa về. Mà sao mình lại đến đây làm gì nhỉ? Bây giờ mình lại nổi giận lên: đó mới thật là một sự kiện! Hà! Sao mình lại nóng nảy thế. Cũng có thể như vậy lại hay, mình đóng vai người ốm mà… Hắn đừng thăm dò mình… hắn sẽ đánh lạc hướng mình. Mà sao mình lại đến đây?” Tất cả những ý nghĩ đó thoảng qua óc chàng như một tia chớp.
Một lát sau Porfiri Petrovich trở lại: trông ông ta vui vẻ hẳn ra.
– Cậu nầy, sau bữa chén tối qua ở nhà cậu, đầu mình cứ… Mà cả người cũng rã ra… – Ông ta vừa cười vừa nói với Razumikhin, giọng khác hẳn.
– Sao? vui chứ? Hôm qua bàn đến điểm thú vị nhất thì mình lại bỏ các cậu. Sau ai thắng?
– Tất nhiên chẳng ai thắng cả. Chúng nó lại chẹo vào cái vấn đề muôn thuở, lại bốc lên mây.
– Rodia nầy, cậu thử tưởng tượng hôm qua họ xoay ra bàn vấn đề: có tội ác hay không? Tớ đã nói với cậu đấy: chúng nó tha hồ phun ra đủ các thứ chuyện nhảm.
– Có gì là lạ! Cũng là một vấn đề xã hội thông thường. – Raxkonikov nói, giọng lơ đãng.
– Vấn đề không phải đặt ra dưới hình thức ấy – Porfiri chêm vào.
– Ô đúng, không hẳn như vậy, – Razumikhin tán thành ngay, vả lại sôi nổi lên như thường lệ – Rodia ạ; cậu thử nghe và cho biết ý kiến nhé. Tớ muốn thế! Hôm qua tớ toát mồ hôi hột ra với họ trong khi đợi cậu tớ cũng có nói với họ là cậu sẽ đến. Thoạt tiên chúng tớ bàn đến quan điểm của bọn xã hội. Còn lạ gì quan điểm ấy nữa: cói ác là một sự phản kháng chống lại cơ cấu bất hợp lý của xã hội, chỉ thế thôi, không hơn không kém, và họ không chịu nhận nguyên nhân nào khác hết.
– Cậu chỉ bịa? – Porfiri Petrovich kêu lên, vẻ phấn khởi trông thấy; ông ta vừa nhìn Razumikhin vừa cười luôn miệng khiến anh lại càng bốc lên ngùn ngụt.
– Quyết không thừa nhận nguyên nhân nào khác – Razumikhin hăm hở nói tiếp – Tớ không bịa đâu? Tớ sẽ giở sách của họ cho cậu xem, theo họ thì tất cả đều là do tác hại của môi trường cả, không có gì khác. Câu nói đầu miệng của họ đấy. Và từ đây suy thẳng ra là nếu tổ chức xã hội cho hợp lý thì mọi thứ tội ác đều sẽ biến đi ngay tức khắc, vì không còn có gì để mà phản kháng nữa, và chỉ trong nháy mắt mọi người đều sẽ trở nên lương thiện. Họ không đếm xỉa gì đến nhân tính cả, nhân tính bị gạt bỏ, nhân tính không đáng kể. Theo họ thì không phải là nhân loại cứ phát triển theo một quy luật lịch sử sinh động rồi cuối cùng sẽ tiến đến tự cái biến thành một xã hội hợp lý; mà ngược lại là một chế độ xã hội, phọt ra từ một bộ óc toán học nào đó, sẽ tức thì tổ chức toàn thể nhân loại lại và trong nháy mắt sẽ làm cho nhân loại công bằng và hoàn thiện, không cần đợi đến sự phát triển của sự sống, bất chấp hết thảy mọi con đường phát triển lịch sử sinh động. Chính vì thế mà họ ghét lịch sử một cách bản năng. Họ nói “lịch sử chỉ rặt những chuyện quái gở và ngu xuẩn” và mọi chuyện chẳng qua đều do ngu xuẩn mà ra cả. Cũng vì vậy họ không ưa cái quá trình sinh động của cuộc sống. Không cần đến tâm hồn sống. Tâm hồn sống đòi hỏi sự sống: nó không phục tùng máy móc, nó có tính đa nghi, nó vốn thoái bộ. Còn thứ tâm hồn của họ thì tuy có mùi xác chết, có thể làm bằng cao su cũng được, nhưng ngược lại nó không có sức sống, không có ý chí, nó ngoan ngoãn, nó không nổi loạn? Và kết quả là họ quy tất cả vào mỗi một việc: xếp gạch, chia dây chia phòng trong cái phalanstère(l). Phalanstère đựng xong xuôi đấy nhưng nhân tíỉnh của các ông thì lại chưa được chuẩn bị, mà nhân tính thì vốn muốn sống, nó chưa hoàn thành cả cái quá trình sinh tử, nó cho rằng bây giờ mà vào nghĩa địa thì hãy còn sớm. Không thể nào chỉ dùng luận lý để vượt qua nhân tính được. Phép luận lý chỉ mới đề ra có ba trường hợp mà thật ra thì có đến hàng triệu! Vất bỏ hết cả mấy triệu trường hợp ấy đi để quy tất cả lại thành mỗi một vấn đề tiện nghi. Cách giải quyết thật đến dễ dàng. Rõ ràng một cách hấp dẫn đấy chứ: chẳng cần gì phải suy nghĩ nữa! Cái chính là đừng suy nghĩ. Mọi bí ẩn của cuộc sống có thể tóm tắt trên hai tờ giấy in!
– Ấy đấy lại bốc lên rồi đấy! Lại dong kèn dong trống lên rồi! Phải giữ lấy tay hắn, – Porfiri cười đoạn quay sang Raxkonikov nói tiếp. – Anh thử tưởng tượng mà xem, hôm qua cũng thế đấy: một bản hợp xưởng sáu giọng trong một căn buồng; mà trước đó lại còn chuốc rượu Punch nữa, anh hình dung được chứ? Không, ông bạn tôi ơi, ông nói sai rồi: “môi trường” có ý nghĩa rất quan trọng trong các vụ án mạng: tôi sẽ chứng minh cho cậu thấy như vậy.
– Tớ cũng biết là nó quan trọng, nhưng cậu thử nói tớ nghe xem: một lão bốn mươi tuổi hiếp một đứa bé mười tuổi, có phải là môi trường đã xúi bẩy lão ta chăng?
– Hiểu một cách chặt chẽ thì cũng có thể nói được là môi trường – Porfiri đáp, vẻ quan trọng lạ thường – Khi một đứa bé rất có thể giải thích bằng ảnh hưởng của môi trường có thể lắm chứ?
Razumikhin cơ hồ như sắp sửa nỗi khùng lên.
– Được rồi – nếu cậu muốn: tớ sẽ chứng minh cho cậu ngay lập tức – anh gầm lên – là sớ dĩ mi cậu bạc chi vì cái tháp chuông nhà thờ Ivan Đại đế cao ba mươi lăm xagien. Tớ sẽ tuần tự chứng minh một cách rõ ràng chính xác, lại có sắc thái tự do chủ nghĩa nữa cho mà xem. Tớ cam đoan như thế. Nào, cậu có cuộc tớ không nào?
– Sẵn sàng! Chúng ta thử nghe xem cậu ấy chứng minh thế nào?
– Cậu thì chỉ vờ vịt suốt, quỷ thật. – Razumikhin nhảy chồm lên vung tay tức giận – Nói với cậu cũng bằng thừa! Rodion nầy, cậu chưa biết hắn đấy thôi, chứ hắn nói thế là cố ý cả đấy. Hôm qua hắn cũng đứng về phe bọn kia để rồi chơi xỏ lại hết thảy bọn chúng. Mà hôm qua hắn nói mới ghê chứ! Còn bọn kia thì cứ nở mày nở mặt ra? Hắn có thể tiếp tục như thế hai tuần liền. Hồi năm ngoái, hắn tự dưng nói cả quyết là sẽ đi tu: suốt hai tháng hắn cứ vẫn một mực như thế. Gần đây hắn lại nảy ra cái ý làm cho chúng mình tin là hắn sắp cưới vợ, là hôn lễ đã chuấn bị xong xuôi. Hắn lại còn may cả quần áo mới nữa. Chúng mình chúc mừng hắn. Thế rồi chẳng có cóc khô gì hết, cô dâu cũng chẳng thấy đâu: chẳng qua chỉ là một ảo ảnh.
– Cậu lại nói sai rồi! Tôi may áo từ trước kia, rồi nhân có bộ quần áo đó, tôi mới nảy ra ý nghĩ lòe các cậu.
– Thật à? Ông hay lòe đến thế cơ à? – Raxkonikov lơ đãng hỏi.
– Thế anh không tin? Được rồi, tôi cũng sẽ lòe cả anh nữa cho mà xem, ha, ha, ha! Không khoan hẵng, để tôi nói hết sự thật với anh đã. Nhân những vấn đề về án mạng, về môi trường, về những con bé ấy, tôi lại nhớ – vả lại bao giờ tôi cũng quan tâm – đến bài báo của anh nhan đề là “Bàn về tột ác”… hay một đầu đề gì tương tự, tôi cũng không nhớ rõ nữa. Cách đây hai tháng tôi đã được hưởng cái thú đọc bài ấy trong tờ “Ngôn luận Thời báo”.
– Bài của tôi? Trong “Ngôn luận Thời báo” – Raxkonikov sửng sốt hỏi. – Phải rồi, cách đây sáu tháng khi thôi học, tôi có viết một bài báo bàn về một quyển sách, nhưng tôi gửi đến tờ “Ngôn luận Tuần báo” chứ không phải tờ Ngôn luận Thời báo.
– Thế mà nó lại được đăng trên tờ Ngôn luận Thời báo đấy.
– Thôi phải rồi. Tờ “Ngôn luận Tuần báo” đình bản nên người ta không in được nữa.
– Đúng thế đấy, sau khi đình báo thì tờ “Ngôn luận Tuần báo” hợp nhất với tờ “Ngôn luận Thời báo” nên cách đây hai tháng bài của anh mới thấy đăng trên tờ nầy. Anh không biết sao?
Quả thật Raxkonikov không hề hay biết gì cả.
– Nầy, thế anh phải đòi người ta trả tiền nhuận bút đi chứ? Tính anh kỳ thật? Anh sống cô độc đến nỗi những việc dính dáng mật thiết đến bản thân anh, anh cũng không biết nữa, kể cũng lạ đấy.
– Hoan hô Rodia. Mình cũng không biết đấy nhá! – Razumikhin kêu lên – Ngay hôm nay, mình phải chạy ngay đến phòng đọc tìm một số mới được? Cách đây hai tháng phải không? Ngày nào? Không hề gì, mình sẽ tìm thấy! Hay đấy nhá! Thế mà cậu ta không hề hở ra!
– Nhưng sao ông lại biết bài báo đó của tôi? Tôi ký tắt kia mà?
– Chỉ là một sự tình cờ, mà cũng chỉ mới được mấy hôm nay thôi, do hỏi thăm ông chủ bút có quen… bài báo của anh làm tôi rất chú ý.
– Tôi nhớ là trong bài đó tôi phân tích tâm trạng của một kẻ sát nhân trong suốt quá trình hành động của hắn.
– Đúng thế, anh lại nhấn mạnh rằng hành động của kẻ sát nhân bao giờ cũng đi đối với một trạng thái bệnh tật. Rất độc đáo… rất độc đáo, nhưng thực ra không phải phần đó trong bài báo làm tôi chú ý, mà chính là cái ý anh chen vào cuối bài ấy, nhưng tiếc thay, ý ấy anh chi nói lướt qua thôi và diễn đạt cũng chưa rõ ràng lắm! Tóm lại, nếu anh còn nhớ thì trong đó có ám chỉ rằng trên thế gian nầy có những người có thể… hay nói cho đúng hơn không phải là có thể mà có toàn quyền làm đủ mọi việc ngang ngược, phạm đủ mọi tội ác, và với họ thì luật pháp không đụng chạm đến được.
Lối xuyên tạc vũ đoán và gượng ép đó khiến Raxkonikov mỉm cười.
– Thế nào? Sao? Có quyền phạm tội a? Thế chứ không phải là do “tác hại của môi trường” nữa à? – Razumikhin chen vào, có phần hoảng hốt.
– Không, không, không hẳn là như vậy – Porfiri Petrovich tiếp. – Trong bài của anh ấy, vấn đề là ở chỗ loài người chia ra làm hai loại, loại “bình thường” và loại “phi thường”. Loại bình thường thì phải sống phục tòng và không có quyền vượt ra ngoài luật pháp bởi vì, ấy đấy, vì họ là những người bình thường, còn loại phi thường thì có quyền phạm mọi tội ác và có thể vi phạm luật pháp đủ cách, chính bởi vì họ là những con người phi thường: Không biết ý anh có phải như vậy không?
– Thế nào? Không thể như vậy được! – Razumikhin ngơ ngác lẩm bẩm.
Raxkonikov lại cười nhạt. Mới nghe chàng đã biết ngay hắn muốn nói gì và muốn đẩy chàng đến đâu; chàng nhớ lại bài báo chàng đã viết. Chàng quyết nhận lời thách thức.
– Không hẳn như vậy, – chàng đáp một cách giản dị và khiêm tốn. – Tuy vậy tôi cũng xin nhận là ông đã trình bày gần trung thành ý nghĩ của tôi, thậm chí có thể nói hoàn toàn trung thành nữa là đằng khác (chàng dường như lấy làm thích thú khi thừa nhận là “hoàn toàn trung thành”). Chỉ có điểm khác biệt là tôi không hề nhấn mạnh rằng những người phi thường thì nhất thiế phải làm đủ mọi việc ngang ngược như ông nói. Tôi lại còn nghĩ rằng sở kiểm duyệt không đời nào cho in một bài báo như vậy. Tôi chỉ muốn nêu lên rằng con người “phi thường” có quyền, tôi không nói là cái quyền pháp lý mà chỉ là bản thân họ có quyền tự cho phép lương tâm mình vượt qua một số trở lực nào đấy, và chỉ riêng trong trường hợp nào việc thực hiện ý tưởng của họ đòi hỏi thôi (đôi khi ý tưởng đó có thể có một tác dụng cứu vớt nhân loại). Ông nói là bài báo của tôi không được rõ ràng, tôi sẵn sàng giải thích cho ông hiểu trong chừng mực có thể. Có lẽ tôi không nhầm khi nghĩ rằng đó chính là ý thích của ông: vâng, tôi xin chiều ý ông. Theo tôi, nếu vì một trường hợp nào đó mà những phát minh của Kepler, Newton không thể truyền bá được trong nhân loại bằng cách nào khác hơn là hy sinh tính mạng của một người, mười người, trăm người hoặc nhiều hơn thế vì họ ngăn trở sự phát minh đó hoặc làm thành một chướng ngại trên con đường thực hiện, thì Newton sẽ có quyền, và hơn nữa còn có bổn phận… loại trừ cái số mười người, trăm người ấy đi để truyền bá những phát minh của mình ra cho toàn thể nhân loại. Nói như thế không có nghĩa là Newton có quyền tuỳ tiện muốn giết ai thì giết hoặc hằng ngày ra chợ ăn cắp. Hơn nữa, tôi nhớ là đã có phát triển trong bài báo của tôi một ý kiến nói rằng mọi người… đây là nói những người chỉ đạo, những người cầm cân nảy mực cho nhân loại, từ những nhân vật cổ xưa nhất cho đến loại Licurg, Solon, Mohammet, Napoleon và những người sau đó nữa, muôn người như một, không trừ ai, đều là những kẻ tội phạm tất, vì chỉ nguyên cái việc ban hành ra một đạo luật mới tức là đã phải huỷ bỏ đạo luật cũ của tổ tiên để lại và được xã hội coi như thiêng liêng; và dĩ nhiên, họ sẽ không chùn bước dù có phải đổ máu, nếu như máu đó (đôi khi hoàn toàn vô tội, và anh dũng đổ ra để bảo vệ cho đạo luật cũ kia) có thể giúp họ hoàn thành ý đồ. Còn có một điều đáng chú ý là phần đông những vị ân nhân của loài người, những kẻ cầm cân nẩy mực cho xã hội đều là những kẻ khát máu ghê gớm. Tóm lại, tôi kết luận rằng tất cả, không riêng gì những bậc vĩ nhân, mà ngay cả những người chỉ vượt lên trên mức bình thường một tí thôi cũng vậy, nghĩa là tất cả những người có thể nói lên một điều gì mới mới, thì do bản chất của mình, họ đều nhất thiết phải là những kẻ tội phạm, tất nhiên là nhiều hay ít còn tuỳ. Nếu không, họ sẽ khó lòng thoát ra khỏi vết bánh xe cũ, mà nằm yên trong vết cũ thì cũng do bản chất, họ sẽ không thể nào cam tâm được và theo tôi họ còn có bổn phận không được cam tâm nằm yên như thế. Tóm lại. Ông cũng thấy những điều đó không có gì là mới mẻ cả. Nó đã được in ra, được đọc hàng nghìn lần rồi. Còn về chuyện phân ra thành loại người bình thường và phi thường thì tôi cũng thừa nhận là hơi võ đoán, song tôi không hề vạch ra những con số chính xác. Tôi chỉ tin chắc vào ý chủ đạo của tôi thôi. Nội dung của cái ý chủ đạo đó như sau: theo một quy luật của tạo hoá thì loài người, nói chung, chia ra làm hai loại: loại hạ đẳng (gồm những người bình thường) chỉ là những vật liệu dùng để sản sinh ra những kẻ như họ, và loại những người chân chính, những người có thiên bẩm hoặc có tài năng nói lên được một ý mới trong môi trường của mình. Tất nhiên còn có thể chia nhỏ mãi ra nữa, đến vô cùng, song những nét khác biệt của hai loại đó thì khá rõ ràng dứt khoát loại đầu, nghĩa là đám vật liệu nói chung, gồm những người bản tính bảo thủ, yên lành, sống trong sự phục tùng và vốn thích phục tùng. Theo tôi thì họ có bổn phận phải phục tùng vì công dụng của họ là như vậy, và đối với họ việc đó không có gì là nhục nhã cả. Còn đối với loại thứ hai thì họ đều vượt qua pháp luật, họ đều là những kẻ phá hoại hay có khuynh hướng phá hoại, tuỳ theo khả năng. Tội ác của những con người đó dĩ nhiên là tương đối và muốn hình muốn vẻ: với những chủ trương rất khác nhau, phần lớn những người nầy đều đòi phải huỷ bỏ cái hiện tại vì một cái gì tốt đẹp hơn. Nhưng nếu để thực hiện ý tưởng của mình, họ phải dẫm lên trên một xác người, băng qua một con sông máu, thì theo tôi lương tâm họ cũng có quyền cho phép họ làm như thế, song cũng còn phải xét cái ý tưởng kia, xét quy mô của nó nữa, – xin ông chú ý cho điểm nầy. Trong bài báo ấy tôi nói đến quyền phạm tội ác chỉ là theo nghĩa đó (ông nhớ cho rằng cuộc tranh luận của chúng ta xuất phát từ một vấn đề luật pháp đấy). Vả chăng, cũng không có gì đáng phải lo ngại cho lắm: hầu như không bao giờ đám đông thừa nhận cái quyền đó của họ cả, mà lại hành hình họ, treo cổ họ lên (tuỳ theo mức độ) và như vậy là đám đông đã thực hiện đúng cái sứ mệnh bảo thủ của mình, mặc dầu trong những thế hệ sau chính cái đám đông ấy lại sẽ đặt những người bị hành hình đó lên bệ thờ mà hương khói (ít nhiều tuỳ theo mức độ). Loại đầu bao giờ cũng là chủ nhân của hiện tại; loại sau là chủ nhân của tương lai. Loại đầu bảo tồn thế giới và làm cho thế giới tăng thêm về số lượng; loại thứ hai thúc đẩy thế giới và dẫn dắt nó đến mục đích. Mà loại nầy cũng như loại kia đều có đầy đủ quyền tồn tại như nhau. Tóm lại, theo tôi thì tất cả đều có quyền ngang nhau và vive la guerre éternelle (2) tức là cho đến Tân Jerusalem (3) dĩ nhiên!
– Thế anh cũng tin Tân Jerusalem à?
– Tin, – Raxkonikov đáp, giọng rắn rỏi – mặt vẫn cúi gằm xuống đất, vẫn dán mắt vào một điểm đã chọn trên tấm thảm như suốt trong thiên trường ngôn của chàng.
– Thế… anh có tin Thượng đế không? Xin anh bỏ qua cho thói tò mò của tôi.
– Tin! – Raxkonikov ngẩng mặt lên nhìn Porfiri nhắc lại.
– Thế anh có tin sự tích Lazaro phục sinh (4) không?
– Tin, nhưng sao ông lại hỏi như vậy?
– Anh tin theo nghĩa đen chứ?
– Theo nghĩa đen.
– Thế cơ đấy… Tôi cũng chỉ vì tò mò mà hỏi thế thôi. Xin lỗi anh. Nhưng, xin phép anh, ta lại trơ về chuyện ban nãy. Không phải bao giờ người ta cũng hành hình họ dảu; cũng có người…
– Đã chiến thắng trong sinh thời họ? À đúng, cũng có người đã chiến thắng trong sinh thời họ, thế và…
– Chính những người đó lại bắt tay vào hành hình kẻ khác?
– Nếu cần, mà ông cũng biết đấy đa số đều làm như vậy. Nói chung, nhận xét của ông rất tinh tế.
– Cảm ơn anh. Nhưng nầy, anh cho biết là làm thế nào để phân biệt được những con người phi thường ấy với những người bình thường? Mới sinh ra họ đã có một vài dấu hiệu gì hẳn? Tôi muốn nói là trong trường hợp nầy cần phải có một tiêu chuẩn chính xác hơn, hay nói cách khác là phải có một dấu hỉệu bè ngoài rõ rệt hơn: anh bỏ qua cho những thắc mắc tự nhiên ở một con người thực tế và trung tín nhưng trong trường hợp nầy có lẽ cần phải có một cách trang phục đặc biệt chẳng hạn, hay có một dấu vết gì? Vì chắc anh cũng nhận rằng nếu xảy ra một sự nhầm lẫn và một người nào đó thuộc về một loại nầy lại tưởng rằng mình thuộc loại kia rồi quay ra “loại trừ mọi trở lực”, như anh vừa nói một cách rất mình xác đó, thì…
– À! trường hợp ấy cũng thường xảy ra luôn. Lời nhận xét nầy lại còn tinh tế hơn lần trước nữa.
– Xin cảm ơn anh
– Không dám. Song cũng xin ông lưu ý là sự nhầm lẫn chỉ có thể có ở trong loại người đầu thôi, nghĩa là “những người bình thường” theo như cách gọi có lẽ cũng không hay ho lắm của tôi. Tuy bẩm sinh họ vẫn có khuynh hướng phục tùng, song vì một sự trở trêu nào đó của tạo hoá mà ngay cả con bò cũng không thoát khỏi, có nhiều người trong bọn họ thích tự cho mình là những kẻ tiên phong, những kẻ “phá hoại” rồi sa vào một “ý mới”, mà là một cách hoàn toàn thành thật. Đồng thời họ lại thường không hay chú ý đến những người thực sự mới, thậm chí lại còn khinh miệt những người nầy nữa coi người ta như những kẻ lạc hậu, tư tưởng thấp hèn. Song, theo tôi, đây không thể có một nguy cơ gì nghiêm trọng cả, và ông cũng không có gì đáng phải bận tâm, vì họ không bao giờ đi xa được. Để trị cái thói ngông cuồng ấy, dĩ nhiên cũng nên quất roi vào họ để nhắc nhở cho họ biết thân biết phận nhưng không nên làm gì hơn thế, vả chăng việc nầy cũng chẳng cần ai thi hành cả; tự họ quất vào họ thôi vì họ là những kẻ rất mực luân thường đạo lý, có khi thì làm hộ cho nhau, có kẻ lại tự tay mình quất vào mình… Ngoài ra, họ lại còn quy định ra những hình thức sám hối công khai để tự trừng trị nữa: kết quả thật là đẹp đẽ và bổ ích. Tóm lại ông không có lý do gì để phải lo lắng bận tâm cả… Có một quy luật như thế đấy.
– Ấy ít nhất về mặt ấy anh cũng đã làm cho tôi yên tâm được chút ít, nhưng lại thế nầy mới khó chứ: xin anh cho biết là những kẻ có cái quyền ám hại kẻ khác, những người phi thường ấy, có nhiều không? Lẽ tất nhiên tôi sẵn sàng nghiêng mình trước họ, nhưng dù sao anh cũng phải nhận là nếu họ quá nhiều thì cũng sởn gáy thật đấy, nhỉ?
– Ồ điều nầy nữa cũng xin ông đừng lo, – Raxkonikov nói tiếp, giọng vẫn như cũ – Nói chung, những người có một ý tưởng mới hoặc chỉ có khả năng nói ra một điều gì mới thôi, cũng ít lắm, ít một cách kỳ lạ nữa là khác. Chỉ biết rõ là cách phân phối người thành từng loạt và tiểu loại chắc chắn đã được một quy luật nào đó của tạo hoá quy định một cách chính xác và công bằng. Cái quy luật đó thì dĩ nhiên hiện nay chúng ta chưa biết, song tôi tin là nó tồn tại và sau nầy rồi có lẽ chúng ta sẽ biết. Cái đám đông to lớn, cái mở vật hệu ấy tồn tại trên mặt đất rốt cục cũng chỉ để rồi qua một quá trình bí ẩn nào đó, qua sự giao hợp phức tạp giữa các nói giống, chủng tộc, cố sức sản sinh ra cho được một con người, trong hàng nghìn người khác, ít nhiều có tính dộc lập. Những người có một trình độ độc lập cao hơn thì trong một vạn người mới có được một (đây tôi nói áng chừng thế thôi, cho dễ hiểu). Cao hơn nữa thì trong mười vạn chỉ có một. Và phải đến hàng triệu người mới có được một bậc thiên tài. Còn những vĩ nhân, những người nắm giữ vận mệnh của nhân loại thì có lẽ còn có một người xuất hiện sau khi hàng nghìn triệu người đã bước vào cuộc sống. Tóm lại cũng chưa bao giờ tôi ghé mắt vào cái lò đúc ấy của tạo hoá để xem quá trình nó diễn biến ra sao cả. Song chắc chắn là có và phải có một quy luật nhất định; ở đây không phải có sự ngẫu nhiên được.
– Nầy, sao, cả hai người đùa đấy chứ? – cuối cùng Razumikhin phải kêu lên – Hai người đang xỏ nhau hay sao đấy? Ngồi mà chế ngạo nhau có lạ không chứ? Rodia, cậu nói chuyện đứng đắn đấy chứ?
Raxkonikov lặng lẽ ngẩng bộ mặt nhợt nhạt và gần như buồn rầu lên nhìn bạn, không đáp. Bên cạnh bộ mặt trầm lặng và đau khổ đó, cái vẻ cay độc trâng tráo, lì lợm trêu chọc và vô lễ của Porfiri lại càng có vẻ lạ lùng đối với Razumikhin.
– Nầy cậu, nếu quả thật các cậu nói chuyện đứng đắn thì… Tất nhiên cậu có lý khi nói rằng vấn đề đó không có gì mới và cũng giống những điều mà chúng ta đã đọc, đã nghe hàng nghìn lần rồi, song cái điều thật sự độc đáo ở trong đó, cái ý mà quả thật là của riêng cậu ấy, một ý nghĩ khiến mình phải kinh hãi là cậu chủ trương có thể giet người theo lương tâm, mà, xin lỗi cậu, lại chủ trương một cách cuồng tín như vậy nữa chứ! Cho nên đó mới là cái chủ đạo trong bài báo của cậu. Theo mình, dung thứ kiểu giết người theo lương tâm lại càng kinh khủng hơn là một sự dung thứ chính thức, hợp pháp nữa.
– Rất đúng, thế lại càng kỉnh khủng hơn ấy, – Porfiri đệm theo.
– Không, cậu đi quá xa rồi đấy? Hắn là có một sự nhầm lẫn gì đây! Mình sẽ đọc bài báo… cậu đi quá xa rồi! Cậu không thể nghĩ như vậy được… Mình sẽ đọc.
– Trong bài báo không hề có những ý đó, mà chỉ có những ám dụ thôi! – Raxkonikov nói.
– Đúng, đúng – Porfiri tiếp ngay – bây giờ tôi đã gần thấy rõ được cách anh nhìn nhận tội ác nhưng… Xin anh bỏ qua cho cái tính dai dẳng của tôi (tôi làm phiền anh nhiều quá, chính tôi cũng thấy ngượng) đấy anh xem, lúc nãy anh có nói đi nói lại với tôi là cứ yên tâm về sự lẫn lộn có thể xảy ra giữa hai loại người, song… tuy vậy cũng có một số trường hợp thực tế làm tôi lo lắng. Chẳng hạn, ví thứ có một người đàn ông nào đó, một người thanh niên tự do cho mình là một Licurg hay một Mohammet… tương lai, cố nhiên, rồi anh ta bèn loại trừ tất cả những trở lực ngăn cách anh ta với cái tương lai đó. Anh ta nghĩ là phải thực hiện một cuộc viễn chinh, mà muốn viễn chinh thì phải có tiền… Thế là anh ta bắt đầu kiếm tiền cho cuộc viễn chinh ấy… anh biết chứ?
Zamiotov ngồi trong góc bỗng phì cười. Raxkonikov cũng không hề đưa mắt về phía hắn. Chàng đáp, giọng bình thản:
– Tôi cũng phải thừa nhận rằng những trường hợp như thế quả phải xảy ra. Và nhất là chỉ có những kẻ ngu xuẩn và hợm mình mới mắc vào lưỡi câu ấy; nhất là thanh niên.
– Đấy anh thấy đấy. Thế thì sao?
– Thì thế thôi – Raxkonikov cười khẩy – Không phải là lỗi tại tôi. Sự thể nó như vậy, và mãi mãi sẽ như vậy. Đây như cậu nầy (chàng hất hàm trỏ Razumikhin) vừa nói là tôi dung thứ việc giết người. Vậy thì sao? Chẳng phải xã hội đã được đảm bảo quá đầy đủ với những án đày, những nhà tù, những quan toà, những trại khổ sai rồi hay sao? Lo lắng mà làm gì? Các anh cứ tìm thủ phạm đi thôi!
– Và nếu chúng tôi bắt được hắn?
– Thì hắn phải đền tội.
– Dù sao anh cũng thật là logic. Nhưng còn lương tâm hắn thì sao?
– Cái đó thì có can hệ gì đến ông?
– Là tôi hỏi thế, cũng vì lòng nhân đạo thôi!
– Người mà có lương tâm thì sẽ đau khổ nếu nhận thức được lỗi lầm. Đó chính là hình phạt rồi, không nói chi đến ngục tù nữa!
– Nhưng mà, những bậc thiên tài – Razumikhin hỏi, mày cau lại, – những kẻ được quyền giết người ấy, chắc họ phải không đau khổ tí nào hết, dù đã làm đổ máu?
– Tại sao lại có chữ phải? Ở đây không có sự chuẩn y cũng không có sự cấm đoán nào cả. Ai thương hại nạn nhân thì người ấy đau khổ. Nỗi thống khổ bao giờ cũng là hệ quả tất yếu của một lương tâm rộng lớn và một tâm hồn thâm thuỷ. Những con người thật là vĩ đại, chắc phải chịu một nỗi buồn sâu rộng trên cõi đời nầy, – chàng bỗng nói thêm, giọng trầm ngâm không ăn khớp với phong thái của câu chuyện.
Chàng ngước mắt nhìn mọi người, vẻ tư lự, và cầm lấy mũ. Chàng quá bình thản so với thái độ của chàng lúc nãy khi bước vào, và chàng cũng cảm thấy như vây. Mọi người đều đứng dậy.
– Đây, dù anh có sỉ vả tôi, anh có giận tôi hay không, – Porfiri lại nói như để kết luận – thì quả tình tôi cũng không thể cầm lòng mà – xin anh thứ lỗi – hỏi thêm anh một câu nhỏ nữa (quà thật tôi quấy rầy anh quá) tôi chỉ muốn trao đổi qua một ý nhỏ, chẳng qua chỉ để cho khỏi quên thôi.
– Được, ông cứ nói cái ý nhỏ ấy ra – Raxkonikov đáp, gương mặt nghiêm nghị và nhợt nhạt, đứng trước mặt Porfiri chờ đợi.
– Thế nầy… Thật quả tôi không biết có thể nào cho rõ. cái ý nầy nó cũng quá ư kỳ quặc… một ý nghĩ có tính chất tâm lý học… Thế nầy, khi anh thảo ra bài báo, không thể nào, thì hì… anh lại không tự xem mình là ấy, dù chỉ chút đỉnh thôi, xem mình như một con người phi thường và đang nói lên một ý mới theo cái nghĩa anh hiểu… Có phải thế không nào?
– Rất có thể – Raxkonikov đáp, giọng khinh bỉ. Razumikhin rậm rựt như muốn nói điều gì.
– Đã thế thì phải chăng chính anh có thể… chẳng hạn để giải quyết một số thất bại, khó khăn trong cuộc sống vật chất hoặc để góp phần thúc đẩy bước tiến của toàn thể nhân loại – anh có thể quyết định vượt qua trở lực? Giết người, lấy của chẳng hạn?
Đoạn, hình như Porfiri lại bỗng nheo mắt trái và cười thầm, hệt như lúc nãy.
– Nếu tôi đã vượt qua trở lực tất nhiên tôi sẽ không nói với ông! – Raxkonikov đáp, với một vẻ khinh miệt đầy ý ngạo nghễ và khiêu khích.
– Không phải đâu, tôi chú ý như vậy chỉ để tìm hiểu bài báo của anh rõ hơn về phương diện văn học thôi!
“Hừ, thật là lộ liễu và trâng tráo!” – Raxkonikov kinh tởm nghĩ thầm.
– Xin ông lưu ý cho – chàng xẵng giọng đáp – rằng tôi không tưởng tượng mình là Mohammet hay Napoleon… cũng không phải là một nhân vật nào ở cỡ đó cả; cho nên, tôi không thể trả lời ông một cách thoả đáng là tôi sẽ hành động ra sao nếu ở vào địa vị họ.
– Thôi đi, ở nước Nga chúng ta thì hiện nay ai mà không tự cho mình là Napoleon? – Porfiri bỗng nói với một giọng thân mật khủng khiếp. Lần nầy ngay trong giọng nói của ông ta cũng có một cái gì đặc biệt rõ ràng.
– Không phải là tuần vừa rồi, một Napoleon tương lai đã khử mụ Aliona Ivanovna nhà ta đó sao? – Zamiotov từ trong góc ném ra một câu.
Raxkonikov lặng thinh đưa mắt chăm chú và rắn rỏi nhìn Porfiri. Razumikhin sa sầm mặt xuống. Từ nãy anh đã bắt đầu nghĩ là có một vấn đề gì đây, anh quay mặt giận dữ nhìn quanh. Một phút im lặng nặng nề trôi qua. Raxkonikov quay gót ra về.
– Anh đã đi đấy à! – Porfiri ân cần nói và chìa tay ra, vẻ cực kỳ thân mật. – Rất sung sướng, rất sung sướng được làm quen với anh. Còn về yêu cầu của anh, anh cứ yên chí. Anh cứ viết đại ý như tôi nói. Hay tốt hơn là anh tự đến đằng chỗ tôi làm việc vậy… một ngày nào đó, mai chẳng hạn. Mười một giờ có thể tôi cũng sẽ đến đấy, ta sẽ thu xếp mọi việc và sẽ nói chuyện… Anh lại là một trong những người cuối cùng đến đằng ấy có thể anh sẽ nói cho chúng tôi biết một điều gì chăng. – Ông ta nói tiếp với một vẻ hết sức chất phác.
– Ông muốn chính thức hoi cung tôi theo đúng thủ tục hẳn? – Raxkonikov xẵng giọng hỏi.
– Để làm gì mới được chứ? Lúc nầy thì hoàn toàn chưa cần thiết. Anh không hiểu tôi. Anh thấy đấy, tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào và tôi đã nói chuyện với hết thảy những người có cầm đồ, tôi đã thu nhặt được một số bằng chứng ở một số người… Anh lại là người cuối cùng… à, thật là vừa đúng dịp, ông ta reo lên như chợt có điều gì mừng rỡ – tôi nhớ đúng dịp quá, khá thật! – Porfiri quay về phía Razumikhin: cậu có nhớ là cậu đã làm mình bở hơỉ tai với cái thằng Nikolai ấy không… ấy mình biết, chính mình cũng biết, – y quay về phía Raxkonikov, – chính mình cũng biết hắn vô tội, nhưng làm thế nào được? Ấy ngay đến Mitka mà tôi cũng phải làm phiền. Thế đấy. Chuyện tôi muốn hỏi anh chẳng qua chỉ có thể nầy: khi lên thang gác, xin lỗi anh: anh lên đấy khoảng gần tám giờ phải không nhỉ?
Phải – Raxkonikov đáp, đoạn hiểu ngay rằng đáng lẽ mình rất có thể không trả lời như vậy.
Thế khi lên cầu thang vào quâng gần tám giờ, hẳn là anh có thấy ở từng hai trong một căn phòng buồng cửa mở rộng, anh có nhớ không? Có hai người thợ, hay ít nhất anh cũng thấy một trong hai người chứ? Lúc ấy họ đang sơn, anh không chú ý ư? Điều nầy rất quan trọng đối với họ!
– Thợ sơn à? Không, không thấy – Raxkonikov thong thả đáp, tựa như đang lục tìm trong ký ức, trong khi bao nhiêu tinh lực trong người chàng đều căng thẳng lên, trong khi toàn thân chàng đau buốt đến lặng người đi cố đoán xem cái bẫy căng ở chỗ nào, nhỡ ra mình có chỗ nào hớ chăng? – Không, tôi không thấy họ, và tôi cũng không nhớ là có một căn buồng nào mở cửa. Nhưng ở tầng gác thứ tư (giờ thì chàng đã khám phá ra cái bẫy và hân hoan đắc thắng), tôi nhớ là có một công chức đang dọn nhà… trước mặt buồng bà Aliona Ivanovna… Tôi nhớ, cái nầy thì tôi nhớ rõ lắm… có mấy người lính khiêng một chiếc đi-văng, họ ép tôi vào tường… Nhưng mấy người thợ sơn thì không, tôi không nhớ là có họ ở đấy. Và đâu như không hề có một buồng nào mở cửa thì phải. Không, không có.
– Cậu giở cái trò gì thế? – Razumikhin chợt kêu lên, dường như vừa sực tỉnh và hiểu ra. – Nầy, thợ họ quét sơn đúng vào cái ngày xảy ra án mạng, còn cậu nầy đến cách đấy hai hôm kia mà. Cậu hỏi vớ vẫn cái gì thế?
– Chà! mình lại nhầm lẫn rồi! – Porfiri đập trán – Mẹ kiếp, câu chuyện nầy làm mình rối tinh cả óc lên! – Ông ta quay sang Raxkonikov nói tiếp như để xin lỗi. – Cái việc cần biết xem có ai thấy họ trong căn nhà vào quãng tám giờ không nó quan trọng đến nỗi tôi đâm ra tưởng tượng là anh cũng có thể nói cho chúng tôi biết… Tôi thật đến lẫn tất!
– Phải thận trọng hơn một tí chứ – Razumikhin mặt sa sầm xuống.
Mấy câu sau nầy nói ở phòng ngoài. Porfiri Petrovich đưa hai người ra tận cửa một cách hết sức nhà nhặn. Hai người bạn bước ra đường, vẻ mặt lầm lì, cau có, và mấy hước đầu, không ai nói với ai một câu.
Raxkonikov thở ra một tiếng rất dài.
(1) Chỗ ở công cộng của nhân dân (trong chương trình của những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp (1771-1837)
(2) Chiến tranh vĩnh cửu muôn năm (tiếng Pháp trong nguyên văn)
(3) Tức thiên đường (chữ của các văn kiện thần bí giáo
(4) Lazaro là một người chết đi sống lại do phép lạ của Jesus
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.