Tội Ác Và Trừng Phạt

Chương 24



Về sau, khi hồi tưởng lại giây phút đó, Raxkonikov hình dung sự việc xảy ra như sau:

Tiếng ồn ào bên kia cửa ra vào bỗng tăng lên rất nhanh, và cánh cửa mở hé ra.

– Cái gì thế? – Porfiri Petrovich bực tức quát lên. – Ta đã dặn…

Thoạt tiên không có tiếng trả lời, nhưng cũng có thể đoán được là sau cánh cửa có một tốp người, hình như đang cố xô một người ra.

– Kìa, cái gì thế hả? – Porfiri Petrovich hỏi lại, giọng lo lắng.

– Chúng tôi giải tên tù đến, tên Mikolai đấy ạ, – Có tiếng ai đáp.

– Khoan hẵng! Dẫn đi! Đợi đã… Sao lại cho hắn vào đây? Lộn xộn quá chừng! – Porfiri chồm ra cửa quát lên.

– Nhưng hắn… – giọng nói lúc nầy cất lên nhưng rồi bỗng ngừng bặt.

Khoảng hai giây sau nghe có tiếng vật nhau huỳnh huỵch, rồi như có ai đẩy mạnh một người khác ra, rồi một người mặt tái mét bước thẳng vào phòng giấy Porfiri Petrovich.

Thoạt trông, dáng vẻ người ấy rất lạ. Hắn nhìn trân trân phía trước, nhưng tựa như không trông thấy gì cả. Mắt hắn ánh lên một quyết tâm dứt khoát nhưng mặt hắn lại nhợt nhạt như người chết, tưởng chừng như hắn đang bị đưa đi hành hình. Đôi môi trắng bệch của hắn khẽ run run.

Hắn còn rất trẻ, ăn mặc như hạng bình dân, tầm vóc trung bình, người gầy, tóc cắt thành hình cái gáo, nét mặt thanh tú và trông như khô khan. Người bị hắn xô lao vào phòng theo hắn trước tiên và nắm được vai hắn: đó là người lính đi áp giải, nhưng Mikolai quẫy tay một cái khiến hắn phải thả ra một lần nữa.

Một đám người hiếu kỳ xúm xít ngoài cửa. Có mấy người chực len vào. Tất cả những việc kể trên đều diễn ra trong một khoảnh khắc.

– Ra đi đã, chưa đến lúc! Đợi ta gọi hẵng vào chứ? Sao lại dẫn hắn đến sớm thế? – Porfiri Petrovich làu bàu, vẻ bực bội hết sức và dường như cuống quít lên.

Nhưng Mikolai bỗng quỳ xuống.

– Làm cái gì thế? – Porfiri quát, vẻ sửng sốt.

– Tôi có tội! Tôi xin thú! Tôi là kẻ giết người – Mikolai nói, giọng như hơi ngắc ngứ, nhưng khá to.

Mọi người lặng đi trong khoảng mười giây, như thể đều bị cấm khẩu; thậm chí người lính áp giải còn né người ra xa Mikolai, lùi dần về phía cửa và đứng sững ra đấy.

– Cái gì thế? – Porfiri Petrovich trấn tĩnh lại quát Tôi… là kẻ giết người… – Mikolai nhắc lại sau một phút im lặng.

– Sao… mày… Sao… Mày giết ai?

Porfiri Petrovich bối rối ra mặt. Mikolai lại im lặng một giây.

– Tôi giết Aliona Ivanovna và em gái bà ta, Lizaveta Ivanovna, tôi… giết… bằng rìu. Tôi bị quẫn trí… – vẫn quỳ như cũ, hắn nói thêm, rồi lại im bặt.

Porfiri Petrovich đứng yên một lát như suy nghĩ điều gì, nhưng rồi bỗng vùng vằng xua tay đuổi mấy người nhân chứng bất ngờ kia đi. Họ lui ra ngay, và cánh cửa khép lại. Porfiri đưa mắt về phía Raxkonikov đang đứng trong góc phòng ngây dại nhìn Mikolai, toan đi về phía chàng nhưng bỗng dừng lại nhìn chàng một lát rồi lập tức đưa mắt sang phía Mikolai, rồi lại nhìn sang Raxkonikov, rồi lại nhìn Mikolai, rồi đột nhiên như nổi xung lên, lại xông vào hắn.

– Mày đã vội nói chuyện quẫn trí với tao làm gì? – Porfiri quát lên, giọng gần như hằn học. – Tao đã hỏi mày có mù quáng hay không đâu, nói đi: mày giết người hả?

– Tôi là kẻ giết người… tôi xin cũng khai… – Mikolai nói.

– Chà? Mày giết bằng gì?

– Bằng rìu ạ. Tôi đã giấu sẵn.

– Chà! Vội thế! Một mình mày à?

Mikolai không hiểu câu hỏi.

– Một mình mày giết à?

– Một mình tôi. Còn Mitka không có tội tình gì, nó không can dự vào việc nầy.

– Nầy đừng có vội nói chuyện Mitka! Chà!… Thế lúc ấy mày làm thế nào chạy xuống thang gác? Mấy người gác cổng trông thấy cả hai đứa chúng mày kia mà?

– Đó là tôi muốn đánh lạc hướng… cho nên… mới chạy với Mitka, – Mikolai đáp vội, vẻ như đã nhằm sẵn từ trước.

– Thôi, đúng thật rồi! – Porfiri căm giận quát lên, – người ta mớm cho nó cái gì là nó tuôn ra y như thế! – y lẩm bẩm nói một mình: và chợt trông thấy Raxkonikov. Hình như ông ta mải chú ý đến Mikolai đến nỗi trong chốc lát quên bẵng cả Raxkonikov đi. Bây giờ sực nhớ ra và thậm chí còn lộ vẻ bối rối…

– Rodion Romanovich, anh ơi! Xin lỗi anh nhé, – y bước vội về phía chàng, – thế nầy không ổn đâu; xin anh… anh ở đây chẳng có ích lợi gì cả… chính tôi cũng… anh thấy đấy, thật là những chuyện bất ngờ! Xin mời anh…

Rồi cầm tay chàng, Porfiri chỉ ra cửa.

– Hình như ông không ngờ thì phải? – Raxkonikov nói, dĩ nhiên chàng cùng chưa hiểu gì lắm, nhưng đã có đủ thời giờ vững tâm hẳn trở lại.

– Thì anh cũng có ngờ đâu, anh bạn! Kìa tay anh vẫn còn run bắn lên kia kìa, hê hê…

Nhưng anh cũng run đấy thôi, ông Porfiri Petrovich ạ?

– Tôi cũng run. Tôi cũng không ngờ!

Hai người đã ra đến cửa. Porfiri sốt ruột đợi Raxkonikov ra.

– Thế ông không cho tôi xem cái trò bất ngờ kia nữa à? – Raxkonikov hỏi.

– Nói thì ra dáng thế, nhưng răng cứ đánh vào nhau côm cốp, hề hề. Anh có khiếu châm biếm lắm. Thôi, xin chào anh.

– Theo tôi thì xin vĩnh biệt mới đúng.

– Cái đó còn tuỳ ý Chúa, còn tuỳ ý Chúa! – Porfiri lẩm bẩm: môi có rúm lại thành một thứ nụ cười.

Khi đi qua vẫn phòng sở cảnh sát, Raxkonikov nhận thấy có nhiều người chăm chú nhìn chàng. Ở phòng mắc áo trong đám đông chàng kịp nhận ra hai người gác cổng ở nhà ấy. Hai người mà tối hôm kia chàng đã rủ lên quận cảnh sát. Họ đang đứng đợi cái gì không rõ. Nhưng vừa ra đến đầu thang gác, chàng bỗng nghe giọng nói của Porfiri Petrovich léo nhéo ở sau lưng. Ngoảnh lại, chàng thấy y đang chạy theo, thở hổn hển.

– Xin thưa một câu nữa, anh Rodion Romanovich ạ, về tất cả những việc nầy thì xin tùy ý Chúa, nhưng dù sao theo thủ tục sau nầy cùng cần hỏi thêm anh dăm câu… cho nên chúng ta sẽ còn gặp nhau đấy, thế đấy!

Và Porfiri tươi cười dừng lại trước mặt chàng.

– Thế đấy – Y nhắc lại.

Có thế phỏng đoán rằng y còn muốn nói gì nữa, nhưng chẳng hiểu sao không nói ra được.

– Còn tôi thì tôi xin ông bỏ qua cho những chuyện ban nãy, ông Porfiri Petrovich ạ… tôi hơi nóng, – Raxkonikov nói; bấy giờ chàng đã hoàn toàn vững tâm trở lại, đến nỗi cứ muốn lên mặt khiêu khích hắn chơi, một ý muốn không sao cưỡng nổi.

– Không sao, không sao, – Porfiri đáp, vẻ hầu như mừng rỡ… – Chính tôi cũng thế… Tính tôi thật độc địa, rất ân hận, rất ân hận. Đấy, chung ta sẽ còn gặp nhau. Nếu Chúa thuận tình, ta sẽ còn gặp nhau nhiều, còn gặp nhau nhiều?

– Và sẽ biết nhau đến nơi đến chốn? – Raxkonikov đệm thêm.

– Và sẽ biết nhau đến nơi đến chốn, – Porfiri Petrovich tán đồng, và nheo mắt nhìn chàng, vẻ rất nghiêm trang. – Bây giờ anh đi dự lễ thánh?

– Lễ an táng.

– À quên, lễ an táng! Anh chú ý giữ gìn sức khỏe nhé, sức khỏe ấy…

– Còn về phần tôi thì không biết chúc ông thế nào đây! – Raxkonikov đáp, chàng đã bước xuống cầu thang nhưng lại ngoảnh về phía Porfiri, – tôi cũng muốn chúc ông thành công, nhưng ông cũng thấy đấy, chức vụ của ông nó khôi hài quá.

– Sao lại khôi hài? – Porfiri Petrovich lúc bấy giờ đã quay đi, cùng lại lập tức vểnh tai lên.

– Còn sao nữa, đấy như cái thằng Mikolai khốn khổ kia chắc đã bị ông hành hạ giầy vò theo cái kiểu tâm lý học của ông mãi cho đến khi nó chịu nhận mới thôi; chắc suốt đêm suốt ngày ỏng cứ nhắc đi nhắc lại với hắn: “Mày là kẻ giết người, mày là kẻ giết người…” Thế rồi đến bấy giờ hắn chịu nhận, ông lại bắt đầu nhồi vào sọ hắn một bài khác: “Mày nói láo không phải mày là kẻ giết người! Mày không thể là kẻ giết người được. Người ta mớm cho cái gì cũng nói ra y như thế?”. Đấy, như thế mà còn bảo cái nghề của ông không khôi hài nữa hay sao?

– Hê – hê – hê? Thế ra anh cũng để ý vừa rồi tôi có nói với Mikolai là “mớm cho cái gì hắn cũng nói” à?

– Sao lại không để ý?

– Hê – hê! Anh sắc sảo lắm, sắc sảo lắm. Cái gì anh cũng nhận thấy hết. Thật là một bộ óc có khiếu châm biếm! Anh đã bấm đúng vào phím hài hước… hê – hê! Nghe nói trong số các nhà văn thì Gogol là người có khiếu ấy nhiều hơn cả phải không?

– Phải, Gogol.

– Phải, Gogol… xin chào, rất mong được gặp ông lại – Xin chào, rất mong được gặp ông lại…

Raxkonikov đi thẳng về nhà. Chàng mệt mỏi và hoang mang đến nỗi về đến nhà, chàng thả mình rơi phịch xuống đi-văng và ngồi thừ ra như thế trong mười lăm phút, chi để cho đỡ mệt và sắp xếp lại được phần nào những ý nghĩ đang rối tung lên trong đầu. Về Mikolai chàng cũng không buồn tìm cách cắt nghĩa xem sao nữa: chàng cảm thấy mình sửng sốt quá chừng, chàng thấy rằng trong những lời thú nhận của Mikolai có một cái gì vô lý, kỳ lạ mà hiện nay chàng không tài nào hiểu nổi. Nhưng những lời thú nhận đó là một việc có thật. Chàng thấy rõ ngay những hiệu quả của việc ấy trước sau rồi người ta cũng phát hiện ra hắn nói dối, và lại sẽ quay sang chàng. Nhưng ít nhất từ giờ cho đến khi ấy chàng cũng được tự do và nhất thiết phải làm một cái gì để tự vệ, vì nguy cơ nầy không sao tránh khỏi.

Nhưng nguy đến mức nào? Tình hình bắt đầu rõ nét ra; khi nhớ lại đại khái cuộc nói chuyện với Porfiri, chàng không khỏi một lần nữa rùng mình khiếp sợ. Dĩ nhiên chàng chưa biết hết chủ tâm của Porfiri, chưa thể hiểu thấu được tất cả những mưu mô của y lúc bấy giờ. Nhưng thủ đoạn của y cũng đã lộ rõ một phần, và dĩ nhiên, hơn ai hết. Raxkonikov hiểu rõ “nước cờ” của Porfiri đáng sợ đến nhường nào. Chí một chút nữa thôi là chàng đã có thể tiết lộ hoàn toàn, lần nầy có bằng chứng hẳn hỏi. Biết rõ cái tâm lý bệnh tật của chàng và ngay từ đầu đã nắm vững và soi thấu vào tim gan chàng. Porfiri đã hành động một cách tuy quá mạnh dạn, nhưng hầu như chắc chắn, không còn nghi ngờ gì nữa, lúc nãy Raxkonikov đã sơ hở quá nhiều, nhưng vẫn chưa đến nỗi tiết lộ những sự việc cụ thể; tất cả vẫn còn là tương đối. Nhưng dù sao, liệu bây giờ chàng có quan niệm được sự việc vừa xảy ra một cách đúng đắn hay không? Liệu chàng có lầm không? Hôm nay Porfiri muốn đưa đến kết quả nào? Cụ thể hắn muốn gì? Có thật là hắn đang chờ đợi một cái gì không?

Ví thử không có Mikolai xuất hiện bất thình lình làm cho cơ sự hỏng bét ra, hai người sẽ chia tay nhau như thế nào?

Porfiri đã để lộ gần hết các nước cờ của ông ta; dĩ nhiên như vậy cũng liều lĩnh, nhưng quả ông ta đã cố để lộ ra; và Raxkonikov có cảm tưởng rằng nếu Porfiri còn biết gì hơn, y cũng sẽ để lộ ra nốt. Cái “trò bất ngờ” ấy là cái gì? Một trò đùa dai chăng? Nó có nghĩa gì không? Nó có thể che giấu một cái gì giổng như một sự kiện, một lời buộc tội có căn cứ không? Con người hôm qua chăng? Hắn biến đi đàng nào? Hôm nay hắn ở đâu? Vì nếu Porfiri có nắm được một cái gì chắc chắn, thì dĩ nhiên cái đó phải có liên quan đến người hôm qua…

Chàng ngồi trên đi-văng, đầu gục xuống, hai khuỷu tay chống lên đầu gối, hai bàn tay bưng lấy mặt. Khắp người chàng vẫn còn run lên từng cơn. Cuối cùng chàng đứng dậy, lấy mũ, nghĩ ngợi một lát và bước ra cửa.

Không hiểu sao chàng cứ có cảm giác là ít nhất ngày hôm nay chàng có thể coi như mình ở ngoài vòng nguy biến. Chàng chợt thấy vui vui trong lòng: chàng muốn đi cho nhanh đến nhà Katerina Ivanovna. Đến dự lễ an táng thì dĩ nhiên là muộn mất rồi, nhưng dự tiệc tang thì còn kịp, và ở đây, chỉ lát nữa, chàng sẽ được gặp Sonya.

Chàng dừng lại suy nghĩ, và một nụ cười yếu ớt hiện lên trên môi chàng.

– Hôm nay! Ngay hôm nay! – Chàng nhẩm đi nhẩm lại một mình, – phải, ngay hôm nay: Phải thế mới được…

Chàng toan mở cửa thì đột nhiên cánh cửa tự nó mở ra. Chàng giật mình nhảy lùi lại. Cánh cửa mở từ từ và nhè nhẹ, và một bóng người bỗng hiện ra: con người hôm qua, con người từ dưới đất trồi lên.

Hắn dừng lại trên ngưỡng cửa, im lặng nhìn Raxkonikov và bước một bước vào phòng. Hắn vẫn y như hôm qua, cũng cái dáng dấp ấy, cũng ăn mặc như thế, nhưng vẻ mặt và khóe mắt của hắn đã thay đổi hắn: hôm nay trông hắn buồn rười rượi; hắn đứng yên một lát rồi buông một tiếng thở dài nặng trĩu. Chỉ thiếu đường hắn áp lòng bàn tay lên má, ngả đầu sang một bên nữa là sẽ trông hệt như một mụ đàn bà.

– Ông muốn gì? – Raxkonikov lặng người đi, hỏi.

Người kia im lặng một lát rồi bỗng cúi xuống gần sát đất chào chàng, ngón đeo nhẫn trên bàn tay phải chạm xuống sàn nhà.

– Ông làm gì thế – Raxkonikov kêu lên.

– Tôi có tội, – hắn đáp khẽ.

– Tội gì?

– Tội đã có ác ý với ông.

Hai người nhìn nhau một lát.

– Hôm ấy tôi bực quá. Hôm ấy ông đến đằng kia, có lẽ là đang say, bảo hai người gác cổng lên quận vả lại hỏi đến vũng máu, tôi rất bực mình khi thấy họ cứ để mặc ông, cho ông là người say rượu. Tôi giận đến nỗi đêm ấy không ngủ được nữa. Chúng tôi nhớ lại địa chỉ của ông, và hôm qua chúng tôi đã đến đây hỏi…

– Ai đến? – Raxkonikov ngắt lời, trong giây lát chàng đã bắt đầu nhớ ra.

– Tức là tôi ấy, tôi đã xúc phạm đến ông.

– Thế ông là người ở trong nhà ấy à?

– Vâng, tôi cùng ở đấy, lúc ấy tôi cùng đứng ở cổng với họ, ông quên rồi sao? Tôi cũng có một cửa hiệu ở đằng ấy, đã lâu. Chúng tôi làm nghề thuộc da lông thú, lĩnh việc về nhà làm… hôm ấy tôi bực nhất…

Và Raxkonikov bỗng nhớ lại rõ mồn một cả cái cảnh ngày hôm kia dưới cổng; chàng nhớ rằng ngoài hai người gác cổng còn có mấy người nữa đứng đấy, trong số đó có cả những người đàn bà. Chàng nhớ lại một giọng nói bảo cứ dẫn thẳng chàng lên quận. Diện mạo người nói câu ấy thì chàng không nhớ và ngay bây giờ chàng cũng không nhận ra, nhưng chàng vẫn còn nhớ là hôm ấy chàng có quay lại trả lời hắn…

Té ra cả cái cơn khiếp sợ ngày hôm qua của chàng chỉ vì thế. Khủng khiếp nhất là nghĩ rằng mình suýt chết, suýt làm hại mình chỉ vì một việc vô nghĩa như vậy. Thế nghĩa là ngoài chuyện đi thuê phòng và hỏi đến vũng máu ra, người kia không thể kể gì nữa cả. Thế nghĩa là Porfiri cũng không nắm được gì, không có gì hết, ngoài cái cơn mê sảng ấy, không có lấy một sự kiện nào ngoài cái tâm lý ấy ra, một căn cứ hai mặt, không có gì chắc chăn. Thế nghĩa là nếu không có sự kiện gì xuất hiện thêm nữa (mà nó không thể xuất hiện được, không được xuất hiện, không được) thì… thì chúng liệu có thể làm gì được chàng? Dù cho chúng có bắt chàng đi nữa, thì chúng lấy bằng cớ ở đâu mà kết tội chàng? Vả như thế cũng có nghĩa là mãi đến giờ, mãi vừa rồi Porfiri mới hiểu chuyện chàng đi “thuê phòng”, chứ trước đấy hắn không hề hay biết gì.

– Chính ông đã nói với Porfiri hôm nay… là tôi có đến đằng ấy? – Chàng kêu lên, chợt nẩy ra một ý đột ngột.

– Porfiri nào? viên dự thẩm à?

– Tôi nói đấy. Hai người gác cổng không chịu đi, cho nên tôi đi!

– Hôm nay?

– Tôi đến trước ông có vài phút. Tôi đã nghe họ nói, nghe hết, tôi biết ông ấy hành tội ông như thế nào.

– Ở đâu? Thế nào? Lúc nào?

– Thì ngay ở đấy, sau cánh cửa ngăn ấy; tôi ngồi suốt ở đấy!

– Sao? Thế ra ông là cái “trò vui bất ngờ” ấy đấy phải không? Sao lại có thể như thế được nhỉ? Ông thử nói rõ ra xem?

– Thấy hai người gác cổng không chịu nghe tôi đi lên quận – người kia nói – vì đã muộn rồi, họ nói thế, hơn nữa lại sợ các quan mắng vì không lên báo ngay lúc ấy tôi bực mình quá mất cả ngủ, thế rồi tôi đi dò xem ông ở đâu. Hôm qua tôi đã dò được, thế là sáng hôm nay tôi lên quận. Lần thứ nhất tôi đến thì ông ta đi vắng. Một giờ sau tôi lại đến, thì họ knông tiếp, lần thứ ba họ mới cho vào. Tôi mới kể hết cho ông ta biết, thế là ông ta lồng lộn lên chạy khắp phòng, đấm ngực thùm thụp: “Quân kẻ cướp, chúng mày làm ăn với tao như thế à? Tao mà biết thế thì tao cho lính đến giải hắn về đồn ngay!” Rồi ông ta chạy ra gọi một người nào đến rồi kéo ra một góc nói thầm thì xong lại đến hỏi tôi và chửi vung lên một hồi. Tôi thuật hết lại cho ông ta biết và nói rằng hôm qua, khi tôi nói câu ấy, ông không dám trả lời gì cả và không nhận ra tôi. Ấy thế là ông ta lại chạy lồng lộn, đấm ngực, tức giận điên cuồng, rồi khi có người vào báo là ông đến, ông ta mới bảo tôi ra ngồi sau tấm ván ngăn, ngồi cho yên, có nghe gì cùng không được cựa quạy. Ông ta thân hành ra lấy một chiếc ghế và khoá trái tôi lại, “có lẽ ta sẽ gọi đến anh”, ông ấy bảo thế. Và sau khi họ dẫn Mikolai đến. Ông vừa đi được một chút thì ông ấy tha tôi về ngay: “ta sẽ còn gọi anh đến hỏi nữa”, ông ấy bảo thế…

– Trong khi ông ở đây, hắn có hỏi Mikolai à?

Ông vừa ra khỏi thì ông ấy cũng dẫn tôi ra luôn, rồi mới bắt đầu hỏi Mikolai.

Người tiểu thương ngừng nói và bỗng lại cúi mình chào, ngón tay chạm xuống sàn.

– Xin ông tha thứ cho tôi đã tố giác, làm hại ông.

– Cháu sẽ tha tội cho ông, – Raxkonikov đáp, và chàng vừa dứt lời thì người kia lại cúi chào một lần nữa, nhưng lần nầy không chào sát đất mà chỉ nghiêng mình thôi, chậm rãi quay đi và bước ra khỏi phòng.

“Toàn những bằng cứ hai mặtt. Bây giờ thì toàn những bằng cứ hai mặt thôi” – Raxkonikov nhẩm đi nhẩm lại, rồi bước ra khỏi phòng, vững tâm hơn bao giờ hết.

“Bây giờ ta sẽ con vật lộn với nhau” – Chàng tự nhủ với một nụ cười hằn học trong khi bước xuống thang gác. Nhưng chàng hằn học là hằn học với bản thân mình, chàng khinh bỉ và hổ thẹn nhớ lại cái thái độ “hèn nhát” của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.