Tội Ác Và Trừng Phạt

Chương 32



Chàng vội vã đến nhà Xvidrigailov. Chàng có thể hy vọng những gì ở con người nầy thì chính chàng cũng không biết. Nhưng trong con người ấy dường như ẩn náu một quyền lực nào đấy đối với chàng. Một khi đã nhận thức được điều đó, chàng không sao yên tâm được nữa, và hơn nữa bây giờ lại đã đến lúc cần phải gặp hắn.

Dọc đường, có một vấn đề khiến chàng băn khoăn khổ sở: Xvidrigailov đã gặp Porfiri chưa?

Cứ theo những điều chàng biết được thì chưa, chàng sẵn sàng thề như thế? Chàng suy nghĩ thêm, suy nghĩ nữa, ôn lại suốt buổi nói chuyện vừa rồi với Porfiri, và kết luận: không, hắn chưa gặp, chắc chắn là chưa! Nhưng nếu chưa gặp, thì liệu sau nầy hắn có đến tìm Porfiri hay không?

Hiện nay thì chàng có cảm tưởng là hắn sẽ không đến. Tại sao? Chàng cũng không thể cắt nghĩa được điều đó nhưng dù chàng có đủ sức cắt nghĩa đi nữa, thì bây giờ chàng cũng chẳng hơi đâu mà bới óc nghĩ cho ra. Tất nhiên những vấn đề đó giầy vò chàng rất dữ, nhưng đồng thời chàng dường như lại không thèm nghĩ đến. Thật lạ lùng, và có lẽ chẳng có ai tin như vậy, nhưng kỳ thật lúc bấy giờ chàng dường như dửng dưng, không lo nghĩ gì mấy đến cái số phận hiện đang chờ chàng. Chàng đang khổ tâm lo nghĩ đến cái gì khác quan trọng hơn nhiều, một cái gì phi thường, có liên quan đến bản thân chàng chứ không phải ai khác, một cái gì trọng yếu. Thêm vào đấy chàng lại thấy tinh thần mệt mỏi vô cùng, tuy sáng nay trí óc của chàng làm việc khá hơn mấy ngày trước.

Nhưng bây giờ đây, sau tất cả những sự việc đã xảy ra, liệu có cần phải hoài công cố gắng vượt qua những khó khăn tẹp nhẹp nầy nữa không? Chẳng hạn có cần phải mưu mẹo làm sao cho Xvidrigailov đừng đến gặp Porfiri không? Ai lại đi nghiên cứu, tìm hiểu tình hình, mất thì giờ vì một thằng cha Xvidrigailov nào đó? Ồ, chàng đã chán ngấy những chuyện ấy rồi!

Thế nhưng chàng vẫn vội vàng đến nhà Xvidrigailov; phải chăng chàng đang mong đợi ở lão ta một cái gì mới, những lời chỉ bảo, một lối thoát nào đó? Người ta vẫn sẵn sàng bám lấy một cọng rơm mà? Chẳng phải định mệnh, chẳng phải bản năng đã làm cho chàng với lão ta gần nhau đó sau? Có lẽ chỉ vì mệt mỏi, tuyệt vọng; có lẽ cần có một người nào khác kia, chứ không phải Xvidrigailov, chẳng qua vì tình cờ mà gặp phải Xvidrigailov thôi. Sonya? Ờ, tại sao bây giờ chàng lại đến nhà Sonya nhỉ? Lại đến xin mấy giọt nước mắt của nàng à? Vả lại chàng cũng thấy sợ Sonya lắm. Sonya chính là một lời tuyên án quyết liệt, một quyết định không thể nào thay đổi được. Ở đây chỉ có cách chọn lấy con đường của Sonya hay con đường của chàng. Nhất là trong giờ phút nầy chàng không đủ sức gặp nàng được. Không, có lẽ đến thử thách Xvidrigailov mà lại hơn; xem thử hắn là cái gì? Và trong thâm tâm chàng không thể không thú nhận rằng từ lâu chàng dường như đã bắt đầu cần đến hắn.

Ấy thế nhưng giữa chàng với Xvidrigailov phỏng có gì giống nhau? Ngay cả tội lỗi của hai người cũng không thể giống nhau được. Hơn nữa con người ấy lại rất khả ố, rõ ràng là truỵ lạc dâm ô đến cùng cực, chắc chắn là xảo quyệt, dối trá, và có lẽ rất độc ác. Cứ nghe những chuyện người ta kể về hắn cũng đủ biết. Quả tình hắn có lo cho con cái bà Katerina Ivanovna thật; nhưng có ai biết hắn làm như vậy để làm gì và việc đó có ý nghĩa gì? Con người ấy lúc nào cũng âm mưu, trù tính đủ chuyện.

Trong suốt mấy ngày hôm ấy còn có một ý nghĩ luôn luôn ám ảnh Raxkonikov khiến chàng đứng ngồi không yên, tuy chàng cũng đã cố xua đuổi nó đi vì nó làm cho chàng khổ tâm quá. Đôi khi chàng nghĩ: mấy hôm trước Xvidrigailov cứ luẩn quẩn quanh chàng, mà bây giờ hắn cũng còn đang luẩn quẩn như thế; Xvidrigailov đã biết được điều bí mật của chàng; Xvidrigailov đã từng có những âm mưu nhằm hại Dunia. Thế nếu bây giờ hắn vẫn có thì sao? Hầu như chắc chắn có thể nói là có. Bây giờ hắn đã nắm được điều bí mật của chàng và như thế là đã có được một quyền lực đối với chàng: thế nếu hắn muốn dùng cái quyền lực đó làm một vũ khí để hại Dunia thì sao?

Ý nghĩ ấy thỉnh thoảng, ngay trong giấc ngủ, lại đến giầy vò chàng, nhưng bây giờ là lần đầu tiên nó hiện lên trong ý thức một cách rõ rệt như vậy, trong khi chàng đi đến nhà Xvidrigailov. Chỉ riêng một ý nghĩ ấy thôi cũng đã đủ làm cho chàng hầm hầm tức giận. Trước hết là nếu vậy thì mọi việc sẽ thay đổi, ngay cả tình cảnh của chàng cũng thế, cần phải lập tức cho Dunia biết điều bí mật đó. Có lẽ nên đi tự thú, để cho Dunia khỏi làm một việc gì bất cẩn. Lại còn bức thư nữa? Sáng hôm nay Dunia vừa nhận được một bức thư gì đấy ở Petersbung liệu có ai có thể gửi thư cho nàng? Lugin chăng? Quả tình đằng ấy đã có Razumikhin canh giữ; nhưng Razunmikhin chăng? Nghĩ đến đấy Raxkonikov bỗng thấy kinh tởm.

Dù sao cũng cần gặp Xvidrigailov càng sớm càng tốt chàng quyết định dứt khoát như vậy. May quá, ở đây chi tiết không cần thiết bằng thực chất của vấn đề; nhưng nếu hắn có thể… hễ Xvidrigailov âm mưu một việc gì nhằm hại Dunia, thì… suốt thời gian ấy, suốt tháng vừa qua, Raxkonikov đã mệt mỏi đến nỗi bây giờ chàng không còn đủ sức giải quyết những vấn đề chi tiết bằng cách nào khác hơn là đưa ra một quyết định độc nhất: “nếu thế ta sẽ giết hắn”, – Chàng lãnh đạm nghĩ thầm trong cơn tuyệt vọng. Một cảm giác nặng nề trĩu lên tim chàng; chàng dừng chân ở chính giữa phố và đưa mắt nhìn quanh: chàng đang đi theo đường nào và đây là nơi nào? Chàng đang đứng trên đại lộ X. cách Chợ hàng Rơm mà chàng vừa đi qua khoảng ba bốn chục bước. Tất cả tầng thứ hai của ngồi nhà bên trái đều dành cho một tiệm rượu.

Bao nhiêu cửa sổ đều mở toang; cứ trông những bóng người thấp thoáng sau các khung cửa cũng biết là tiệm rượu đang chật ních những khách. Từ trong tiệm đưa ra những tiếng hát chen lẫn với tiếng kèn cra-ri-nét và tiếng vĩ cầm lanh lảnh, tiếng trống Thổ thì thùm.

Có thể nghe cả những giọng đàn bà rú the thé. Chàng ngỡ ngàng không hiểu sao mình lại rẽ vào phố nầy, và đã toan quay trở lại, thì bỗng trong một khung cửa sổ mở toang ở cuối tiệm rượu chàng chợt trông thấy Xvidrigailov ngồi bên một chiếc bàn trà, ngay sát cửa sổ mồm ngậm tẩu thuốc. Điều đó khiến Raxkonikov kinh ngạc đến nỗi phát hoảng lên.

Xvidrigailov lặng lẽ quan sát và theo dõi chàng, và có một điều lập tức đập mạnh vào mắt Raxkonikov, là lão ta hình như đang muốn đứng dậy để lẻn đi nơi khác, cố sao cho chàng khỏi trông thấy. Raxkonikov lập tức làm ra vẻ như mình cũng không trông thấy Xvidrigailov và đang mải nhìn sang hướng khác, nhưng vẫn không ngừng quan sát Xvidrigailov bằng khóe mắt.

Tim chàng đập rối loạn. Đúng thế thật: Xvidrigailov rõ ràng là không muốn cho người ta trông thấy mình. Hắn rút tẩu ra khỏi mồm, và đã toan lẩn đi; nhưng khi đứng dậy và đẩy ghế ra, hình như hắn bỗng nhán thấy Raxkonikov có trông thấy hắn và đang theo dõi hắn. Giữa hai người diễn ra một cái gì giống như trong buổi gặp gỡ đầu tiên ở nhà Raxkonikov, khi chàng đang ngủ. Một nụ cười tinh quái hiện lên trên gương mặt Xvidrigailov và mỗi lúc một nhoẻn rộng ra.

Raxkonikov cũng như Xvidrigailov đều biết rằng hai người đã trông thấy nhau và đang quan sát nhau. Cuối cùng, Xvidrigailov lớn tiếng cười ha hả.

– Nào, nào. Mời cậu vào đây cho vui; tôi đây! – hắn đứng bên cửa sổ quát xuống.

Raxkonikov leo lên gác tiệm.

Chàng tìm thấy Xvidrigailov trong một căn phòng sau rất nhỏ chỉ có một cửa sổ, ăn thông với gian phòng lớn có bày hai chục cái bàn con, nơi những người lái buôn, công chức và cả một lũ người ô hợp ngồi uống trà trong tiếng hát của một tốp ca đang đồng thanh rống thục mạng. Cũng từ phòng ấy vẳng ra tiếng lạch cạch của những hòn bi-a chạm vào nhau trên các bàn bi-a. Trên chiếc bàn con ở trước mặt Xvidrigailov có đặt một chai sâm-banh đã uống dở và một cái cốc lưng.

Trong phòng còn có một thằng bé hát rong đeo một chiếc phong cầm quay nhỏ và một cô gái khỏe mạnh, tuổi trạc mười tám, má đỏ, mặc chiếc váy sọc xắn gấu lên, đầu đội chiếc mũ ty-rôn có đính dai lụa. Bất chấp tiếng đồng ca từ phòng bên đưa sang, cô ta vẫn hát, cất cái giọng nữ trầm hơi rè hát một bài ca của hạng bồi bếp theo tiếng đệm của chiếc phong cầm quay:

– Thôi ủứ rồi! – Xvidrigailov cắt ngang khi thấy Raxkonikov vào.

Người con gái ngừng bặt và lm lặng kính cẩn chờ đợi. Vừa rồi cô ta hát cái bài thô tục ấy cũng với một vẻ mặt nghiêm trang và cũng kính như vậy.

– Ê, Philip, lấy cốc! – Xvidrigailov quát.

– Tôi không uống rượu đâu. – Raxkonikov nói.

– Tuỳ cậu, tôi gọi lấy cốc không phải để mời cậu.

– Uống đi Katia! Hôm nay chỉ thế thôi, không cần làm gì nữa đâu, đi đi! – hắn rót cho cô gái một cốc rượu đầy và đưa ra một tờ giấy bạc nhỏ màu vàng. Katia uống cốc rượu một hơi như đàn bà thường uống, nghĩa là môi không rời cốc, uống thành hai mươi ngụm, cầm lấy tờ giấy bạc, hôn bàn tay của Xvidrigailov giơ ra cho cô ta một cách khá trang trọng, và bước ra khỏi phòng. Thằng bé đeo phong cầm quay cũng lê gót ra theo. Cả hai đều được gọi ở ngoài phố vào. Xvidrigailov sống ở Petersbung chưa được một tuần lễ, thế mà xung quanh hắn như đã hình thành một không khí gia tộc, trong đó hắn là gia trưởng, Philip, anh hầu bàn trong quán rượu cũng đã là “người quen thân” và cứ xun xuê quanh hắn. Cánh cửa dẫn sang phòng bên đã đóng lại; trong căn phòng nầy, Xvidrigailov Raxkonikov cứ như ở nhà mình, và có lẽ hắn vẫn thường ngồi ở đây hết ngày nầy sang ngày khác. Tiệm rượu nầy vốn bẩn thỉu, uế tạp và thậm chí không phải thuộc hạng trung bình.

– Tôi đang định lại đằng nhà tìm ông, – Raxkonikov mở đầu, – nhưng không hiểu tại sao vừa rồi, đi qua Chợ hàng Rơm tôi bỗng rẽ vào phố nầy! Tôi chưa bao giờ đi vào phố nầy, thường thì đi qua chợ Hàng Rơm, tôi lẽ sang phải kia. Vả lại đến nhà ông không thể đi lối nầy. Thế mà tôi vừa rẽ vào đây đã gặp ngay. Lạ thật!

– Sao cậu không nói thẳng ra là: thần kỳ?

– Vì có lẽ đây chỉ là sự tình cờ.

– Đầu óc những ngưởì đây đến là ngộ nghĩnh – Xvidrigailov cười xoà. – dù trong bụng có tin là có phép thần kỳ, thì bề ngoài cũng không chịu nhận! Ấy chính cậu cùng nói “có lẽ” chỉ là sự tình cờ. Còn như ở đây họ sợ có một y kiến riêng đến mức nào thì cậu không tưởng tượng được đâu, Rodion Romanovich ạ! Đay tôi không nói cậu. Cậu thì cậu có ý kiến riêng và không hề sợ mình có ý kiến riêng. Chính vì thế mà cậu thu hút trí tò mò của tôi.

– Chỉ vì thế thôi à?

– Mà chỉ thế thôi cùng đủ.

Xvidrigailov rõ ràng đang ở trong một tâm trạng phấn khích, nhưng chỉ chút đỉnh thôi; hắn chỉ mới uống có nữa cốc rượu.

– Tôi thấy hinh như ông đến gặp tôi trước khi ông biết là tôi có thể có được cái mà ông gọi là ý kiến riêng đó thì phải? – Raxkonikov nói.

– À dạo ấy thì khác. Môi người có một đường đi nước bước riêng. Còn về phép thần thông thì xin nói với cậu rằng hai ba ngày gần đây hình như cậu mê ngủ thì phải? Chính tôi chỉ cho cậu cái tiệm nầy, và cậu đến đây không hề có gì là thần kỳ hết; chính tôi chỉ vẽ cho cậu từ đầu chí cuối muốn đến đây phải đi qua những lối nào, mô tả cả chỗ dọn quán rượu, lại lẫn cả những giờ có thể gặp tôi ở đây. Cậu nhớ chứ?

– Tôi quên rồi, – Raxkonikov đáp rất ngạc nhiên.

– Tôi tin là cậu quên thật. Tôi đã nói với cậu đến hai lần. Địa chỉ tiệm nầy đã in vào ký ức của cậu một cách máy móc. Cậu đã rẽ vào đây như một cái máy, thế nhưng vẫn đúng phoóc địa chỉ, tuy chính cậu cũng không biết. Còn tôi thì khi dặn dò cậu tôi cũng không hy vọng là cậu hiểu. Cậu ít sức tự chủ lắm, Rodion Romanovich ạ. Có cái nầy nữa: tôi tin chắc rằng ở Petersbung có lắm kẻ vừa đi vừa nói chuyện một mình. Đây là một thành phố của những người dở điên dở dại. Ví thứ ở nước ta cớ một nền khoa học, thì các nhà y học, luật học và triết học có thể tiến hành những cuộc nghiên cứu rất quý giá về Petersburg, mỗi ngành khảo sát một mặt. Hiếm có nơi nào có những anh hưởng đen tối, sắc cạnh, kỳ dị đối với tâm hồn con người như Petersburg. Chỉ riêng những ảnh hưởng khí hậu thôi cũng đã lắm chuyện rồi! Đồng thời đây lại là trung tâm hành chính của cả nước Nga, cho nên tính chất của nó tất phải được phản ánh ở khắp nơi Nhưng vấn đề bây giờ không phải ở chỗ đó, mà là ở chỗ tôi đã mấy lần đứng ở bên ngoài quan sát cậu. Mới ra khỏi nhà, cậu hãy còn ngẩng thẳng đầu lên. Đi được vài chục bước cậu đã cúi đầu xuống, hai tay chắp sau lưng. Cậu nhìn thì nhìn, nhưng rõ ràng là chẳng trông thấy gì ở trước mặt hay ở hai bên. Cuối cùng môi cậu bắt đầu lắp bắp nói một mình, thỉnh thoảng cậu lại gỡ tay ra, vừa nói vừa hoa lên rồi cuối cùng cậu dừng lại ở chính giữa đường một hồi lâu. Như vậy không tốt tí nào. Có lẽ ngoài tôi ra còn có người khác để ý như thế, và như vậy chẳng có lợi chút nào. Đôi với tôi thì thật ra cũng chẳng có nghĩa lý gì, tôi không chữa cho cậu khỏi được đâu, nhưng tất nhiên cậu cũng hiểu tôi đấy.

– Thế ông biết người ta đang theo dõi tôi à? – Raxkonikov hỏi, mắt nhìn hắn soi mói.

Không, tôi có biết gì đâu, – Xvidrigailov đáp, vẻ như ngạc nhiên.

– Thế thì thôi, cứ để mặc tôi, – Raxkonikov cau mày lẩm bẩm.

– Thì thôi, cứ để mặc cậu vậy.

– Tốt hơn là ông hãy nói cho tôi biết tại sao ông thường đến đây uống rượu và đã hai lần chỉ vẽ cho tôi đến đây gặp ông, mà đến khi tôi đứng ngoài phố nhìn vào cửa sổ thì ông lại muốn lẩn trốn đi? Tôi để ý thấy rất rõ như vậy.

– Hê! Hê! Thế tại sao khi tôi đứng ở ngưỡng cửa phòng cậu, cậu lại nhắm mắt nằm trên ghế sofa và giả vờ ngủ, trong khi cậu chẳng ngủ một tí nào? Tôi để ý thấy rất rõ như vậy.

– Lúc ấy tôi có thể có những… lý do… chính ông cũng biết đấy.

– Thì tôi cũng thế, tôi cũng có thể có những lý do riêng, mặc dầu cậu không thể biết được.

Raxkonikov chống khuỷu tay phải lên bàn, tựa cằm lên năm ngón tay phải và chăm chú nhìn Xvidrigailov. Suốt một phút đồng hồ chàng quan sát khuôn mặt hắn, khuôn mặt trước đây vẫn đập mạnh vào mắt chàng. Đó là một khuôn mặt kỳ dị, trông giống như cái mặt nạ: da trắng hồng, môi đỏ chót, bộ râu cằm màu vàng nhạt, bộ tóc vàng hãy còn khá rậm. Đôi mắt không hiểu sao trông quá xanh. Và cái nhìn dường như quá nặng nề và bất động. Có một cái gì khó chịu lạ lùng trong khuôn mặt tuấn tú vẻ trông trẻ hơn tuổi nhiều ấy. Xvidrigailov ăn mặc bảnh bao, đặc biệt trau chuốt các thứ đồ lót dưới bộ y phục mỏng mùa hè. Ngón tay hắn đeo một chiếc nhẫn to tướng giắt một viên ngọc đắt tiền.

– Chả nhẽ tôi lại còn phải rầy rà vì ông nữa hay sao, – Raxkonikov bỗng nói, sốt ruột hối hả đi thẳng vào đề – Mặc dầu ông có thể là một người hết sức nguy hiểm, nếu ông muốn hại ai, nhưng tôi không muốn cứ thắc mắc mãi thế nầy nữa. Tôi sẽ cho ông thấy ngay rằng tôi không quý cái thân mình cho lắm như ông có thể tưởng. Ông nên biết rằng tôi đến đây để nói thẳng cho ông rõ là nếu ông vẫn giữ ý định trước đây đối với em gái tôi và nếu ông định lợi dụng những điều đã phát hiện được gần đây, thì tôi sẽ giết ông, trước khi ông có đủ thì giờ cho tôi vào ngục. Tôi đã nói là làm, ông cũng biết tôi có thể giữ được lời hứa đó. Thứ hai là nếu ông muốn nói với tôi điều gì, – vì suốt thời gian gần đây tôi cứ có cảm tưởng như ông muốn nói điều gì với tôi – thì ông hãy nói ngay đi, vì thì giờ rất quý và có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ muộn mất.

– Nhưng cậu đi đâu mà vội thế! – Xvidrigailov hỏi, mắt tò mò nhìn chàng.

– Mỗi người có một đường đi nước bước riêng, – Raxkonikov sốt ruột nói, vẻ mặt hầm hầm.

– Vừa rồi chính cậu yêu cầu nói chuyện thẳng thắn, thế mà tôi mới hỏi một câu cậu đã không chịu trả lời. Xvidrigailov mỉm cười nhận xét – Cậu lúc nào cũng có cảm tưởng là tôi có những mục đich gì đấy, cho nên cậu cứ nhìn tôi với đôi mắt ngờ vực. Thôi được, ở vào đia vị cậu thì cái đó cùng rất dễ hiểu. Nhưng mặc dầu tôi hết sức muốn kết thân với cậu, tôi cùng chẳng hơi đâu mà đi cải chính điều cậu vẫn ngờ cho tôi. Thật tình cùng chẳng cần, mà tôi cũng không hề có ý định nói với cậu một cái gì đặc biệt cho làm cả.

– Thế tại sao dạo nọ ông lại cần đến tôi như vậy? Dạo ấy ông vẫn xun xoe quanh tôi kia mà?

– Thì chẳng qua cũng vì muốn quan sát một nhân vật thú vị. Cái tình cảnh quái đản của cậu làm tôi thú quá – thế đấy? Hơn nữa cậu lại là anh ruột một người mà tôi rất quan tâm, và cuối cùng là trước kia tôi luôn được nghe người ta nói về cậu rất nhiều chuyện, do đó tôi kết luận rằng cậu rất có ảnh hưởng đối với người đó; thế chưa đủ hay sao? Hê – hê – hế! Tuy nhiên cũng xin thú nhận rằng câu hỏi của cậu cũng rất phức tạp đối với tôi, và tôi thấy khó trả lời cho cậu rõ. Ấy đấy, chẳng hạn thế nầy nhé, cậu đến gặp tôi bây giờ không hắn là vì công việc, mà là vì một cái gì mới xảy ra, phải không nào? Phải không nào? – Xvidrigailov hỏi dồn, môi mỉm một nụ cười ranh mãnh, – Ấy, đã thế thì cậu hãy tưởng tượng rằng chính tôi khi ngồi xe hoả lên đây tôi cũng đã trông mong ở cậu, hy vọng rằng cậu cùng sẽ nói một cái gì mơi mới, và tôi sẽ vay mượn được của cậu một cái gì! Ấy, những kẻ giàu có như chúng ta là thế đấy!

– Vay mượn cái gì?

– Biết nói thế nào đây? Nào tôi cũng có biết là muốn gì? Cậu thấy đấy, tôi cứ ngồi suốt ngày trong cái tiệm rượu khô nầy, và tôi lấy thế làm thú, cũng chẳng phải thú lắm đâu, nhưng dù sao cũng cần có một chỗ nào mà ngồi. Đấy cứ lấy cái con bé Katia khốn khổ kia cậu trông thấy rồi chứ? Ấy, giá tôi là một tay “dĩ thực vi tiên”, một tay sành ăn ở câu lạc bó cho cam… đằng nầy tôi có thể ăn những thứ như thế kia kìa! – Lão giơ ngón tay chỉ một cái bàn con ở góc phòng, trên có một, cái đĩa sắt tây đựng một miếng bíp-tết khoai rán ăn dở, nom rất tởm – À tiện thế… cậu đã xơi bữa chiều chưa? Tôi chỉ ăn có một miếng, giờ không muốn ăn nữa. Như rượu chẳng hạn, thì tôi không uống. Ngoài sâm-banh ra tôi chẳng uống gì hết, mà ngay cả sâm-banh nữa suốt buổi tối tôi chỉ uống có một cốc, thế cũng đã nhức đầu rồi. Bây giờ sở dĩ tôi bảo dọn rượu là để lấy sức vì tôi sắp đến một nơi nầy. Cho nên cậu thấy tâm trạng tôi lúc nầy khá đặc biệt. Lúc nãy tôi lẩn trốn như một thằng học sinh là vì tôi sợ cậu làm phiền tôi; nhưng hình như (lão rút đồng hồ ra xem) tôi có thể ngồi với cậu đến một giờ nữa; bây giờ mới bốn rưỡi. Cậu có tin được không? Giá tôi được làm một cái gì: làm trang chủ, làm bố, làm kỵ binh, làm thợ ảnh, làm nhà báo gì cũng được… Nhưng tôi chả làm gì, chẳng có lấy một nghề chuyên môn gì! Đôi khi cũng chán. Quả tình tôi cứ nghĩ rằng cậu sẽ nói với tôi một điều gì mới.

– Nhưng ông là ai và tại sao lại đến đây làm gì?

– Tôi là ai ư? Cậu cũng biết đấy: là một người quý phái, đã tòng ngũ hai năm trong một đơn vị kỵ binh, tôi sống lang thang ở Petersburg, rồi lấy bà Marfa Petrovna và về ở thôn quê. Đấy, tiểu sử của tôi là như thế đấy!

– Hình như ông hay đánh bạc?

– Không, đánh bạc gì tôi ấy! Làm nghề cờ ạc bịp không phải là đánh bạc.

– Thế ông đã từng là một tay cờ bạc bịp?

– Vâng, cờ bạc bịp.

– Thế sao, có bị đánh không?

– Cũng đôi khi. Thế thì sao?

– Ấy thế tức là ông cũng có thể thách đấu súng… mà nói chung như thế cũng đỡ té.

– Tôi xin miễn bác lại, vả chăng tôi cũng không phải là tay giỏi triết lý. Xin thú thật tôi lên đây là vì đàn bà nhiều hơn.

– Ông vừa mới chôn cất xong bà Marfa Petrovna?

– Chính thế, – Xvidrigailov mỉm cười hả hê, trâng tráo. – Thế cậu nghĩ sao? Hình như cậu cho rằng tôi nói về đàn bà như vậy có gì xấu thì phải?

– Nghĩa là ông muốn hỏi, theo tôi thì dâm ô có phải là xấu không chứ gì?

– Dâm ô? Ra cậu muốn đi đến đấy! Tuy vậy tôi cũng xin trả lời tuần tự về đàn bà nói chung; cậu ạ, tôi đang đã muốn nói chuyện phiếm. Cậu thử nghĩ xem, như tôi thì còn kiêng nhịn để làm gì? Tại sao lại phải xa đàn bà, một khi tôi rất thích món ấy ít nhất đó cũng là một công việc.

– Thế ra ông lên đây chỉ để mà dâm ô?

– Thôi cũng được, thì dâm ô cũng được. Cứ cho là dâm ô? Ít nhất đó cũng là một câu hỏi thẳng thắn, tôi thích thế. Trong cái dâm ô ấy ít nhất cùng có một cái gì trường tồn, hơn nữa còn có cơ sở tự nhiên và không bị trí tưởng tượng huyễn hoặc chi phối, đó là một cái gì như một hòn than đỏ ở trong máu luôn luôn thiêu đốt người ta, và không dễ gì mà tưới cho tắt đi được nếu chưa đến một tuổi nào đó. Cậu cũng nên thừa nhận rằng đó cũng là một thứ công việc chứ?

– Có gì đáng cho ông mừng đâu? Đó là một căn bệnh, và là một căn bệnh nguy hiểm.

– À ra cậu muốn đi đến đấy? Thì cứ cho đó là một căn bệnh, cũng như tất cả những gì quá mức – mà ở ấy thì nhất thiết phải vượt qua mức bình thường – nhưng trước hết là ở mỗi người nó một khác, và thứ đến là dĩ nhiên cái gì cũng phải có chừng mực, đó là một lối tính toán khá ti tiện, nhưng biết làm thế nào? Nếu không thế thì có lẽ đến phải bắn vào đầu mà tự sát. Tôi xin thừa nhận rằng một người tử tế nhất định phải chán, nhưng dù sao…

Thế liệu ông có thể tự sát được không?

– Đấy đấy… – Xvidrigailov đáp, có ý khó chịu, – Xin cậu làm ơn đừng nói đến chuyện ấy – hắn vội vã nói thêm và thậm chí cái giọng huênh hoang rõ rệt trong tất cả những câu nói trước đây của hắn cũng không còn nữa, ngay cả gương mặt của hắn cũng dường như biến sắc đi. – Tôi xin thú thật là tôi yếu hèn một cách không thể tha thứ được, nhưng biết làm hế nào: tôi vốn sợ chết và không thích ai nói đến cái chết. Cậu có biết không, tôi là một người ít nhiều có theo thần bí giáo đấy.

– A! Vong hồn bà Marfa Petrovna hiển hiện! Sao bà vẫn đến đây chứ?

– Thôi cậu đừng nhắc đến chuyện ấy nữa! Ở Petersburg chưa có lần nào thấy hiện lên, thôi mặc xác bà ấy – hắn quát lên, vẻ như bực bội. – Thôi, tốt hơn là ta hẵng để chuyện ấy… phải, vả chăng… Hừm, chà, ít thì giờ quá, tôi không ngồi lâu với cậu, tiếc thật! Có một chuyện đáng nói lắm.

– Chuyện gì thế? Chuyện đàn bà chắc?

– Phải, một người đàn bà, một chuyện tình cơ, không, tôi không định nói chuyện ấy.

– Thế cái hoàn cảnh xấu xa ấy không có tác dụng gì đối với ông nữa à? Ông không còn sức lực để mà dừng lại nữa à?

– Thế còn cậu. Cậu lại dám cho mình có sức lực ư? Hê hê hê! Tôi cũng lấy làm lạ cho cậu đấy, Rodion Romanovich ạ, tuy tôi cũng biết trước là sẽ như thế. Chính cậu lại đi nói với tôi về chuyện dâm ô, về mỹ học. Cậu là một Schillef, cậu là người sống vì lý tưởng! Dĩ nhiên phải như thế, nếu khác đi thì mới đáng lấy làm lạ, nhưng dù sao trên thực tế cũng có chỗ là lạ. Chà, thật tiếc là ít thì giờ quá, vì cậu quả là một nhân vật thú vị! À nhân thể xin hỏi: Cậu có thích Schillef không? Tôi thì tôi thích lắm lắm!

– Nhưng ông quả là một tay chúa huyênh hoang! – Raxkonikov nói, như có chiều ghê tởm.

– Ấy, có trời chứng giám, không phải đâu cậu ạ! Xvidrigailov vừa cười ha hả vừa đáp – Tuy vậy tôi cũng không cãi làm gì, cứ cho là tôi huyênh hoang đi, nhưng việc gì lại không huênh hoang, nếu làm như vậy chẳng xúc phạm đến ai cả? Tôi đã sống bảy năm ở thôn quê trong nhà bà Marfa Petrovna, cho nên bây giờ gặp được một người thông minh như cậu, một người thông minh mà lại hết sức thú vị, tôi rất mừng được tán chuyện gẫu, vâng, hơn nữa tôi lại uống hết một nửa cốc rượu nầy và đã thấy bốc lên đầu chút đỉnh. Nhưng cái chính là có một điều làm cho tôi rất phấn chấn, thế nhưng điều đó thì tôi sẽ… không nói đến. Cậu đi đâu thế? – Xvidrigailov bỗng hỏi, vẻ hoảng hốt.

Raxkonikov rời ghế đứng dậy. Chàng chợt thấy khó chịu và ngạt thở, lại thêm một cảm giác như ngượng ngùng vì đã đến đây. Chàng đã đi đến chỗ tin chắc rằng Xvidrigailov là tên bợm rỗng tuếch và vô nghĩa lý nhất trên đời.

– Kìa! Cậu ngồi lại tí nữa chứ, – Xvidrigailov năn nỉ, – Cậu gọi cái gì chứ, ít nhất cũng uống tí trà. Kìa cậu ngồi đi tôi sẽ không tán nhảm nữa đâu, nghĩa là tôi không nói chuyện tôi nữa đâu. Tôi sẽ kể cho cậu nghe một chuyện. Ấy, nếu cậu thích tôi sẽ kể cậu nghe chuyện một người đàn bà đã “cứu vớt” tôi (theo như cách nói của cậu). Đó cũng là có thể xem là câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất của cậu, vì người đó chính là em cậu. Tôi kể được chứ? Vả lại ta sẽ giết được thì giờ.

– Ông kể đi: nhưng tôi mong rằng ông…

– Ồ xin cậu đừng lo, hơn nữa đối với Avdotia Romanovna thì dù một người xấu xa và rỗng tuếch như tôi cũng chỉ có thể có một lòng tôn kính sâu sắc mà thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.