Tội Ác Và Trừng Phạt

Chương 36



Cũng ngày hôm ấy, nhưng là vào khoảng bẩy giờ chiều, Raxkonikov đi đến nhà ở của mẹ chàng và em chàng, – Căn nhà của Bakaleyev mà Razumikhin đã thuê cho họ. Lối vào thang gác trông thẳng ra phố.

Raxkonikov lại gần, bước chân vẫn còn ngần ngại và như đang phân vân không biết có nên vào hay không.

Nhưng dù sao chàng cũng đã quyết không quay trở lại; chàng đã quyết định dứt khoát như vậy. “Vả chăng đằng nào cũng thế thôi, họ vẫn chưa hay biết gì, – Chàng nghĩ, – lọ đã quen coi mình như một thằng gàn…” Áo quần chàng mặc thật khủng khiếp; lấm be bét, dầm mưa suốt đêm, rách rưới, nhàu nát? Mặc chàng hầu như không còn trông ra mặt người nữa, vì mệt nhọc, vì dãi dầu mưa gió, vì thể chất suy nhược và vì cuộc giằng co với bản thân đến suốt một đêm một ngày.

Suốt đêm hôm ấy chàng đi một mình, có trời biết đi những đâu. Nhưng dù sao, chí của chàng cùng đã quyết.

Chàng gõ cửa; mẹ chàng ra mở. Dunia đi đâu vắng. Ngay cả người đầy tớ gái lúc ấy cùng chắng thấy đâu. Bà Punkheria Alekxandrovna thoạt tiên sững sờ ra vì ngạc nhiên và mừng rỡ; rồi bà cầm lấy tay chàng kéo vào phòng.

– Con tôi đây rồi! – bà mừng quá nói lắp bắp. – Con đừng giận mẹ, Rodia ạ, mẹ gặp con mà lại ứa nước mắt ra một cách ngu ngốc thế nầy con đừng giận nhé; mẹ cười đấy, chứ không phải khóc đâu. Con tưởng mẹ khóc sao? Không, mẹ mừng quá đấy, mẹ có cái thói ngớ ngẩn như vậy: mừng là cứ chảy nước mắt ra. Từ ngày cha con mất đi, động cái gì mẹ cũng khóc. Con ngồi xuống đây, con yêu quý của mẹ, chắc con mệt lắm, mẹ biết. Ô, áo quần con lấm hết rồi.

– Hôm qua con đi giữa mưa mẹ ạ – Raxkonikov mở đầu.

– Ồ không, không phải đâu? – Bà Punkheria Alekxandrovna hối hả ngắt lời chàng. – Con tưởng bây giờ mẹ lại bắt đầu hỏi vặn con theo cái thói quê mùa ngày trước của mẹ, con đừng lo. Mẹ hiểu rồi, mẹ hiểu hết, bây giờ mẹ đã học đòi được nề nếp ở đây, và thật tình mẹ cùng thấy ở đây họ phải hơn. Mẹ đã vỡ lẽ hẳn hoi: mẹ có đi đâu mà hiểu được nhưng điều con suy xét, tại sao mẹ lại cứ bắt con phải thưa trình bẩm báo. Chắc con có khối công việc, khối dự định trong óc, mẹ làm sao mà biết được, hay là con lại nảy ra những ý nghĩ mới gì đấy, lẽ nào mẹ lại cứ cừ lẽo đẽo theo hỏi con nghĩ gì? À, mẹ lại… Trời ơi! Sao tôi lại cứ nói nhăng nói cuội như con mẹ điên thế nầy? Ấy, mẹ đã đọc cái bài của con đăng trong báo đến lần thứ ba. Anh Dmitri Prokofich mang lại cho mẹ xem đấy. Trông thấy bài báo, mẹ cứ sửng sốt ra; đây nầy, con mụ ngốc, mẹ tự nhủ thế, con nó làm việc như thế nầy đây nầy, đầu đuôi câu chuyện là thế đấy! Chắc dạo ấy con nó đang có những ý nghĩ mới mẻ trong óc; nó đang mải suy nghĩ thế mà mình cứ quấy rầy, làm tội làm tình nó. Con của mẹ ạ, mẹ đọc nhưng dĩ nhiên có nhiều điều mẹ không hiểu; mà tất nhiên phải như thế: chứ mẹ thì hiểu sao nổi?

– Mẹ cho con xem một chút, mẹ ạ.

Raxkonikov cầm lấy tờ báo và nhìn qua bài báo của mình một thoáng. Tuy thật là trái ngược hết sức với tình cảnh và tâm trạng chàng lúc bấy giờ, nhưng chàng cũng vẫn không khỏi có cái cảm giác kỳ lạ, vừa bức bối vừa ngọt ngào, của một tác giả lần đầu tiên thấy mình được in, nhất là khi tác giả ấy lại mới hai mươi ba tuổi. Nhưng cảm giác đó chỉ thoáng qua trong chốc lát. Đọc được mấy dòng, chàng cau mặt, và một nỗi buồn khủng khiếp khiến lòng chàng se lại. Chàng chợt nhớ lại tất cả những cuộc giằng co vật vã tinh thần trong mấy tháng gần đây. Chàng bực dọc và kinh tởm vứt tờ báo lên bàn.

– Nhưng có một điều, Rodia ạ, tuy mẹ ngu ngốc thật, nhưng mẹ cũng đủ trí xét đoán để biết rằng chẳng bao lâu nữa con sẽ là một trong những người xuất sắc trong giới khoa học của ta, nếu không phải là người xuất sắc trong giới khoa học của ta. Thế mà họ lại dám nghĩ là con loạn óc. Ha – ha – ha! Con không biết chứ họ nghĩ thế thật đấy! Chà, đồ sâu bọ thấp hèn, họ làm sao mà biết được thế nào là trí tuệ! Thế mà Dunia cũng suýt tin đấy lạ thật! Sinh thời cha con đã có hai lần gửi bài đăng báo, lúc đầu là một bài thơ (mẹ còn giữ lại trong một cuốn vở, lúc nào mẹ sẽ cho con xem), rồi đến cả một truyện dài (chính mẹ xin cha con cho mẹ chép lại), và cha mẹ đã cầu trời mãi cho họ đăng – thế mà họ không đăng cho! Rodia ạ, cách đây sáu bảy ngày, nhìn áo quần, nơi ăn chốn ở của con mà mẹ đứt ruột ra? Nhưng bây giờ mẹ đã thấy mẹ thật ngốc, vì nếu con muốn thì với trí tuệ và tài năng của con, cái gì mà con chả kiếm được ngay! Thế nghĩa là hiện nay con chưa muốn, con đang bận những công việc quan trọng hơn nhiều…

– Dunia không có nhà hở mẹ?

– Không có nhà, con ạ. Nó hay đi vắng lắm, nó cứ để mẹ ở nhà một mình. May cho anh Dmitri Prokofich thường sang ngồi với mẹ và cứ nói chuyện con luôn. Anh ấy mến con, và trọng con lắm, Rodia ạ. Còn em con thì mẹ không có ý nói là nó không biết kính yêu mẹ đâu. Mẹ không có ý phàn nàn. Tính nó khác, tính mẹ khác; dạo nầy nó có những chuyện bí mật gì ấy; còn như mẹ thì chẳng có chuyện gì giấu các con cả. Cố nhiên, mẹ cũng biết Dunia là người rất thông minh, hơn nữa lại biết thương mẹ thương anh, nhưng mẹ cũng không biết những chuyện đó sẽ đưa đến đâu. Đấy, bây giờ con đến với mẹ thế nầy, làm mẹ sung sướng quá, còn nó thì đi chơi ở đâu đâu; khi nào nó về mẹ sẽ bảo; trong khi con đi vắng anh con có đến, còn con thì nãy giờ con đi những đâu? Rodia ạ con cũng đừng chiều mẹ quá: có thì giờ thì con ghé, không thì thôi, biết làm thế nào được mẹ sẽ đợi vậy. Vì dù sao mẹ cũng biết là con thương mẹ, đối với mẹ chỉ thế thôi cũng đủ rồi. Mẹ sẽ ngồi đọc bài của con, mẹ sẽ được nghe mọi người nói đến con, rồi thỉnh thoảng chính con lại ghé vào thăm mẹ, còn mong gì hơn nữa? Đấy như bây giờ con đến đây để an ủi mẹ, mẹ biết lắm…

Đến đây bà Punkheria Alekxandrovna bỗng khóc oà lên.

– Mẹ lại thế rồi! Con đừng nhìn mẹ, mẹ ngốc lắm!

– Trời ơi, sao tôi lại ngồi ì ra thế nầy, – bà đứng dậy kêu lên, – nhà có cà-phê, thế mà mẹ cũng chẳng pha cho con uống! Bà già là hay ích kỷ thế đấy. Mẹ pha ngay, mẹ pha ngay!

– Thôi mẹ ạ, con đi bây giờ đây. Con đến có việc khác. Xin mẹ nghe con nói.

Bà Punkheria Alekxandrovna rụt rè lại gần con.

– Mẹ ơi, dù có xảy ra chuyện gì, dù mẹ có nghe nói gì về con, dù họ có nói gì với mẹ về con, mẹ có còn thương con như bây giờ nữa không? – Chàng bỗng thốt ra tự đáy lòng, dường như không suy nghĩ, không cân nhắc lời lẽ.

– Rodia, Rodia, con có chuyện gì thế? Sao con lại có thể hỏi như vậy? mà ai sẽ nói gì với mẹ về con? Mẹ sẽ không tin ai đâu, dù ai cũng thế, hễ đến là mẹ đuổi ra ngay.

– Con đến để xin mẹ tin cho rằng xưa nây bao giờ con cũng vẫn yêu mẹ và bây giờ chỉ có một mình mẹ với con thế thế nầy, con mừng lắm, con lại còn mừng là không có Dunia ở nhà. – Chàng nói tiêp vẫn nhiệt thành như cũ, – Con đến đây để nói thẳng với mẹ rằng, dù sau nầy mẹ sẽ khổ sở chăng nữa, nhưng con cũng xin mẹ biết rằng bây giờ con thương yêu mẹ hơn cả bản thân con: và tất cả những điều mẹ và em đã nghĩ cho con, là con tàn nhẫn và không biết thương mẹ, thương em đều không đúng. Không có bao giờ con lại như thế… thôi, thế cũng đủ; trước đã con cũng nghi là phải đến nói với mẹ như thế…v bắt đầu như thế.

Bà Punkheria Alekxandrovna lặng lẽ ôm lấy con, siết chặt vào ngực và khóc thầm.

– Rodia ạ, con có chuyện gì thì mẹ không biết, – một hồi lâu, bà mới nói. – Suốt mấy hôm nay mẹ cứ nghĩ là mẹ và em quấy rầy con nên con phát chán, nhưng bấy giờ mẹ đã thấy rõ con sắp có chuyện gì khổ tâm lắm, cho nên con mới âu sầu như vậy. Mẹ đã đoán thế từ lâu, Rodia ạ. Mẹ nói thế con tha thứ cho mẹ; mẹ cứ nghĩ đến chuyện ấy mãi, đêm không ngủ được. Đêm qua em con cũng mê sảng suốt đến sáng và cứ nhắc đến con mãi. Mẹ cũng nghe được loáng thoáng, nhưng chẳng hiểu gì. Suốt buổi sáng hôm nay mẹ cứ như người sắp bị hành hình: mẹ cũng chờ đợi một cái gì, linh cảm thấy điều gì, thế mà bây giờ đâm ra thật? Rodia, Rodia, con sắp đi đâu? Hình như con sắp đi đâu xa phải không ton?

– Con sắp đi xa.

– Mẹ cũng nghĩ thế? Mẹ cũng có thể đi theo con, nếu con cần có mẹ. Cả Dunia nữa; nó thương con, nó quý con lắm, và cả Sofia Xemionovna nữa, nếu cần cứ để cho cô ấy đi với mẹ con mình; con thấy không, mẹ cũng sẵn lòng nhận cô ấy làm con mẹ. Anh Porfiri Petrovich sẽ cùng giúp ta sửa soạn một tay, nhưng… con đi đâu bây giờ?

– Con phải đi đây mẹ ạ.

– Sao! Ngay hôm nay à? – bà kêu lên, như thể sắp mất con vĩnh viễn.

– Con không ở lại được, con đang vội, con đang rất cần…

– Thế mẹ không đi với con được ư?

– Không, mẹ hãy quỳ xuống cầu nguyện Chúa cho con. Có lẽ lời cầu nguyện của mẹ sẽ thấu đến Chúa.

– Thế thì để cho mẹ làm dấu thánh ban phước cho con. Thế, thế. Trời ơi, mẹ con tôi đang làm gì thế nầy!

Phải, chàng mừng lắm: chàng rất hài lòng là lúc ấy không có ai, chỉ có hai mẹ con với nhau. Lòng chàng dường như bỗng dịu lại sau cả cái thời gian khủng khiếp ấy, chàng phục xuống trước mặt mẹ, hôn chân mẹ, và hai mẹ con ôm nhau khóc. Và lần nầy, người mẹ vẫn không ngạc nhiên, không gạn hỏi, từ lâu bà đã hiểu rằng có một chuyện gì khủng khiếp đang xảy ra với con bà, và nay giờ phút đáng sợ cho chàng đã điểm.

– Rodia, con yêu của mẹ, con đầu lòng của mẹ, – Bà thổn thức – Bây giờ con đã lại như hồi còn bé, hồi ấy con cũng đến với mẹ như thế nầy, cũng ôm hôn mẹ như thế nầy; hồi cha con còn sống: mỗi khi cha mẹ buồn, chỉ riêng một, việc có con bên cạnh thôi cũng đã đủ an ủi cha mẹ, rồi đến khi cha mất, đã bao lần mẹ con ta ôm lấy nhau như bây giờ, cũng khóc bên mộ cha. Còn sở dĩ mẹ đã khóc từ lâu, là vì lòng mẹ đã cảm thấy trước cơn hoạn nạn. Lần đầu tiên mẹ trông thấy con, tôi hôm ấy, con còn nhớ không, hôm mẹ và em mới lên đây ấy chỉ nhìn khóe mắt của con thôi mẹ đã đoán biết được ngay, tim mẹ cứ nhói lên, và hôm nay khi ra mở cửa cho con, mẹ trông thấy con là đã nghĩ ngay rằng giờ phút oan nghiệt đã đến. Rodia, Rodia, con không đi ngay bây giờ đấy chứ?

– Không ạ.

– Con còn đến đây chứ?

– Vâng… con sẽ đến!

– Rodia, con đừng giận nhé, mẹ không dám hỏi đâu Mẹ biết là không nên hỏi, nhưng cũng xin con nói cho mẹ một lời, con đi đâu có xa không?

– Xa lắm.

– Ở đấy con sẽ làm việc gì, sự nghiệp của con ở đây phải không?

– Đó là tuỳ ý Chúa… chỉ xin mẹ và em cầu nguyện cho con.

Raxkonikov đi ra cửa, nhưng bà mẹ níu lấy chàng và tuyệt vọng nhìn vào mặt chàng. Mặt bà rúm ró lại vì kinh hãi.

– Thôi, mẹ ạ, – Raxkonikov nói, lòng vô cùng hối hậ là đã nảy ra cái ý đến đây.

– Con chưa đi hẳn chứ? Con chưa đi mãi mãi đấy chứ. Con sẽ lại đến, mai con đến nhé!

– Con sẽ đến, con sẽ đến. Thôi con đi.

Cuối cùng chàng đã gỡ ra được.

Chiều hôm ấy ấm áp thoáng trời và quang đãng; mây đã tan từ hồi sáng. Raxkonikov trở về buồng; chàng vội lắm. Chàng muốn làm cho xong mọi việc trước khi mặt trời lặn. Từ bây giờ cho đến lúc ấy thì chàng không muốn gặp ai hết. Trong khi leo thang gác lên phòng, chàng nhận thấy Naxtaxia, đang lúi húi bên chiếc ấm lò, ngẩng lên nhìn chàng chăm chăm và đưa mắt trông dõi theo chàng. “Hay là có ai ở trên buồng mình?” – Chàng thầm nghĩ. Chàng kinh tởm nghĩ đến Porfiri. Nhưng lên đến buồng và mở cửa ra, chàng trông thấy Dunia, nàng ngồi một mình, đang nghĩ ngợi miêễn man, và hình như đã đợi chàng từ lâu. Chàng dừng chân trên ngưỡng cửa. Nàng hoảng hốt rời đi-văng đứng dậy và vươn thẳng người lên trước mặt chàng.

Mắt nàng nhìn chàng không chớp, biểu lộ sự sợ hãi và một nỗi đau buồn không thể nào xoa dịu nổi. Chỉ riêng cái nhìn ấy thôi cũng đủ cho chàng hiểu rằng nàng đã biết hết.

– Bây giờ anh phải thế nào, vào với em hay là đi chỗ khác? – Chàng hỏi, vẻ ngần ngại.

– Em ngồi cả ngày đằng chị Sofia Xemionovna; chúng em đợi anh. Chúng em nghĩ rằng thế nào anh cũng ghé lại đằng ấy!

Raxkonikov bước vào buồng và ủ rũ ngồi xuống một chiếc ghế.

– Trong người anh thấy suy nhược thế nào ấy, Dunia ạ. anh mệt lắm: thế mà trong giờ phút nầy anh cứ mong thật đủ sức tự chủ.

Chàng ngước mắt nhìn nàng, vẻ e ngại.

– Suốt đêm hôm qua anh đi đâu?

– Anh cũng không nhớ rõ nữa; em ạ, anh đã muốn định đoạt cho dứt khoát và đã nhiều lần đi men theo sông Neva; cái đó anh còn nhớ. Anh đã có ý muốn kết liễu ở đấy nhưng… anh không dành… – Chàng thì thào, mắt lại đưa về phía Dunia một cái nhìn e ngại.

– Đội ơn Chúa! Chính em với Sofia Xemionovna vẫn sợ như thế đấy! Thế nghĩa là anh vẫn còn tin ở cuộc sống; đội ơn Chúa, đội ơn Chúa!

Raxkonikov mỉm cười chua chát.

– Anh không có tín ngưỡng, thế nhưng vừa rồi anh với mẹ đã ôm nhau khóc; anh không có tín ngưỡng, thế nhưng anh lại xin mẹ cầu nguyện cho anh. Có trời biết tại sao lại như thế, Duneska ạ, anh chẳng hiểu ra sao hết.

– Anh có đến mẹ? Anh nói với mẹ rồi ư? – Dunia hoảng hốt hỏi dồn. – Chả nhẽ anh lại dám nói?

Không, thế không nói bằng lời; nhưng mẹ đã hiểu được nhiều. Đêm qua mẹ có nghe thấy em nói mê. Anh chắc mẹ đã hiểu được một nửa. Có lẽ anh ghé lại thăm mẹ như thế là không tốt. Anh cũng chẳng biết tại sao anh lại ghé nữa. Anh là một kẻ hèn hạ, Dunia.

– Một người hèn hạ, mà lại sẵn sàng đi chịu đau khổ? Vì anh đi đấy chứ?

– Anh đi. Đi ngay bây giờ. Phải, chính vì muốn tránh nỗi hổố thẹn ấy mà anh định tự tử, Dunia ạ, nhưng rồi khi đã ra đứng trên giòng nước, anh lại nghĩ rằng trước nay anh đã tự cho mình là người có sức mạnh, thì bây giờ không lý gì lại sợ xấu hổ, – Chàng nói hấp tấp như muốn nói hết ra cho thật nhanh. – Dunia, như thế có phải là tự hào không?

– Tự hào đấy, anh Rodia ạ.

Dường như có một ngọn lửa ánh lên trong đôi mắt đờ đẫn của chàng, chàng như lấy làm dễ chịu rằng mình hãy còn tự hào.

– Em ạ, thế em không nghĩ rằng chẳng qua vì anh sợ nước chứ? – Chàng hỏi với một nụ cười mếu xệch, mắt nhìn thẳng vào mặt nàng.

– Ồ anh Rodia, sao anh lại nói thế – Dunia kêu lên: giọng cay đắng.

Hai người im lặng khoảng vài phút. Chàng ngồi yên, đầu cúi gằm nhìn xuống đất. Dunia ngồi ở cuối bàn đối diện, đau đớn nhìn chàng. Bỗng chàng đứng phắt dậy.

– Muộn rồi, anh phải đi đây. Anh đi tự thú. Nhưng anh không biết đi như thế là để làm gì.

Hai hàng nước mắt chảy ròng ròng trên má nàng.

– Em khóc à, Dunia, thế em có thể đưa tay ra cho anh được không?

– Anh hồ nghi điều đó ư?

Nàng ôm chặt lấy anh.

– Anh đi để chịu đau khổ như thế là đã rửa được một phân nữa tội ác rồi còn gì? – nàng kêu lên, tay siết chàng thật chặt và hôn chàng.

– Tội ác? Tội ác nào? – Chàng bỗng quát lên trong một cơn giận dữ đột ngột, – anh giết một con rận ghê tởm, chỉ có hại, một mụ già cho vay lãi hoàn toàn vô dụng, một mụ già mà giết đi cũng đáng được ân xá bốn mươi tội lỗi, một mụ già hút máu người nghèo, thế mà lại là một tội ác ư? Anh không cho đó làmột tội ác, và anh không nghĩ đến chuyện chuộc tội. Tại sao xung quanh mọi người đều cứ thét vào tai anh: “Tội ác, tội ác!” Mãi đến bây giờ, anh mới thấy sự hèn nhát của anh nó vô lý đến nhường nào, mãi đến bây giờ, khi anh đã quyết định đi chuộc lấy nỗi hồ thẹn vô ích đó. Chỉ vì hèn hạ và bất tài nên anh mới quyết định như thế mà cũng có lẽ vì lợi nữa, như… thằng cha… Porfiri kia đã bàn với anh.

– Anh, anh, sao anh lại nói thế? Anh đã làm đổ máu kia mà! – Dunia tuyệt vọng kêu lên.

– Ai mà chẳng làm đổ máu. – Chàng nói tiếp, gần như điên dại, – trên đời nầy máu đang đổ và xưa nay vẫn đổ như thác, người ta đổ nó như rót rượu sâm banh, và người làm đổ máu được đội vòng lá nguyệt quế trên đền Capitoli (l) rồi về sau được gọỉ là ân nhân của loài người. Thì em cứ thử nhìn kỹ mà xem, tất sẽ thấy! Chính anh muốn làm điều thiện cho người đời và lẽ ra có thể làm hàng trăm, hàng nghìn việc thiện thay cho cái việc ngu xuẩn ấy. Cũng chẳng phải là ngu xuẩn, mà chỉ là vụng về thôi, bởi vì ý nghĩ ấy tuyệt nhiên không đến nỗi ngu xuẩn như bây giờ người ta có thể tưởng, khi thấy nó thất bại… (đã thất bại thì cái gì cũng có vẻ ngu xuẩn!) Làm cái việc ngu xuẩn ấy, anh chỉ muốn tạo cho mình một vị trí độc lập, đi bước thứ nhất, có được những phương tiện, rồi đến khi ấy việc kia sẽ được bù đắp lại bằng những việc hữu ích không biết bao nhiêu mà kể… Nhưng anh… chỉ mới bước bước đầu thôi anh cũng đã không chịu nổi, vì anh là một thằng hèn! Chung quy chỉ có thế! Tuy vậy, anh cũng sẽ không nhìn theo quan điểm của bọn họ, giá anh thành công, thì họ đã đội mũ miện lên đầu anh rồi, còn bây giờ thì họ gông cổ anh lại!

– Nhưng không phải thế, tuyệt nhiên không phải thế! Anh sao anh lại nói như vậy?

– À! Không phải cái hình thức ấy chứ gì, phải là một hình thức tốt đẹp hơn về phương diện thẩm mỹ chứ gì? Thật anh không tài nào hiểu được: tại sao dội trái phá lên đầu người ta trong một cuộc vây hãm chính quy lại là một hình thức đáng trọng hơn? Sợ mỹ học chính là dấu hiệu đầu tiên của bất lực! Chưa bao giờ, chưa bao giờ anh nhận thức được điều đó rõ như bây giờ, và hơn bao giờ hết, bây giờ anh không thể hiểu nổi tội ác của anh ở chỗ nào! Chưa bao giờ, chưa bao giờ anh có sức mạnh và lòng tin vững chắc như bây giờ!

Khuôn mặt xanh xao, hốc hác của chàng ửng đỏ lên. Nhưng trong khi nói câu sau cùng, mắt chàng tình cờ bắt gặp mắt Dunia, và trong đôi mắt ấy, chàng thấy biết bao nhiêu, bao nhiêu là buồn khổ thương xót vì chàng, đến nỗi chàng bất giác trấn tĩnh lại. chàng đã thấy rằng dù sao mình cũng đã làm cho hai người đàn bà đáng thương ấy trở thành nhưng con người khốn khổ. Dù sao, chính chàng cũng là nguyên nhân…

– Dunia, em yêu quý! Nếu anh có lỗi, em hãy tha thứ cho anh (tuy không thể nào tha thứ cho anh được, một khi anh có lỗi). Thôi từ biệt em! Ta đừng tranh cãi nữa! Anh phải đi, anh phải đi ngay đây. Em đừng đi theo anh, anh van em, anh còn phải ghé… Bây giờ em về ngay với mẹ đi. Anh van em hãy về với mẹ! Đó là lời cầu xin lớn nhất của anh đối với em. Em đừng rời mẹ ra một lúc nào; khi anh ra đi, mẹ đang lo lắng lắm, khó lòng mà chịu đựng nổi: rồi mẹ đến chết hay phát điên lên mất. Em hãy ở bên mẹ, Razumikhin sẽ bên cạnh mẹ và em; anh có nói với anh ấy… Đừng khóc vì anh: anh sẽ cố gắng can đảm và lương thiện suốt đời tuy anh là một kẻ sát nhân. Có lẽ đến một lúc nào đó em sẽ nghe nói đến tên anh. Anh sẽ không bêu xấu mẹ và em đâu, em sẽ thấy? Anh sẽ còn chứng minh được… còn bây giờ thì hẵng tạm biệt. – Chàng vội vã kết luận, chàng lại nhận thấy một sắc thái gì khác thường trong khóe mắt Dunia khi chàng hứa như vậy. – Sao em cứ khóc thế? Đừng khóc, em ạ đừng khóc; vì chúng ta có phải chia tay vĩnh viễn đâu. A, phải! Khoan đã, anh quên mất.

Chàng đến cạnh bàn lấy một quyển sách dày bám đầy bụi, giở quyển sách lấy một bức chân dung nhỏ cặp giữa các trang giấy, một bức vẽ bằng thuốc nước trên mảnh ngà voi, đó là chân dung người con gái bà chủ nhà, vị hôn thê cũ của chàng, chết vì sốt nhiệt, chính người con gái kỳ dị đó từng muốn đi tu. Chàng ngắm nghĩa khuôn mặt ốm yếu và đầy sức truyền cảm ấy một lát, hôn bức chân dung rồi trao cho Dunia.

– Đây, với người nầy anh đã nói nhiều đến việc ấy chỉ riêng với cô ta mà thôi! – chàng nói, vẻ trầm ngâm, – Anh đã thổ lộ cho cô ta biết nhiều về những việc mà sau nầy đã xảy ra ra một cách quái gở như vậy. Em đừng lo, – Chàng quay về phía Dunia. – Cũng như em, cô ấy không hề tán thành, và anh lấy làm mừng rằng cô ấy nay không còn nữa. Cái chính, cái chính là bây giờ mọi việc sẽ đi theo một hướng mới, sẽ đoạn tuyệt hẳn với dĩ vãng, – Chàng bỗng kêu lên, trở lại với nỗi buồn cũ, – Tất cả, tất cả, thế nhưng anh đã sẵn sàng đón lấy cái đó chưa? Bản thân anh có muốn thế không? Họ bảo là cần như thế để thử thách anh? Những cuộc thử thách vô nghĩa ấy phỏng có ích gì? Thử thách như thế thì được cái gì. phải chăng khi đã khổ cực đến đần độn đi, khi đã già yếu kiệt lực sau hai mươi năm khổ sai, anh sẽ nhận thức được rõ hơn bây giờ? Mà đến lúc ấy thì còn sống làm gì nữa? Tại sao bây giờ anh lại đành lòng sống như thế? Ôi, tảng sáng hôm nay, khi đứng trên sông Neva, anh đã biết anh là một thằng hèn!

Cuối cùng, cả hai cùng đi ra, Dunia cực lòng lắm, nhưng nàng vẫn yêu thương anh. Nàng bước đi, nhưng chỉ được dăm bước nàng lại ngoái lại nhìn anh một lần nữa, lúc còn có thể trông thế chàng. Nhưng đi đến góc phố chàng cũng ngoảnh lại, lần cuối cùng hai luồng mắt họ gặp nhau, chàng nhận thấy Dunia đang nhìn mình, chàng sốt ruột và thậm chí bực mình khoát tay bảo nàng đi đi, và quay ngoắt sang phố khác.

“Mình là một người độc ác, mình biết, – chàng tự nhủ sau một phút chàng đã lấy làm xấu hổ vì cái cử chỉ bực dọc vừa rồi đối với Dunia – Nhưng tại sao họ lại cứ yêu quý mình như vậy, một khi mình không xứng đáng! Ôi, giá ta chỉ có một thân một mình, không có ai thương yêu ta và ta cũng chẳng bao giờ thương yêu ai hết. Giá không có tất cả những việc nầy. Mà kể cũng lạ thật, phải chăng trong cái thời gian mười lăm hai mươi năm sắp tới tâm hồn ta sẽ khuất phục, ta sẽ kính cản sụt sùi trước mặt người đời, bạ đâu cũng tự xỉ vả mình là đồ trộm cướp? Phải, chính thế, chính thế! Chính vì ta mà bây giờ họ đày ta đi, chính họ cần như thế… Đây cứ lấy những kẻ đang lăng xăng lui tới trên đường phố, mỗi đứa trong bọn họ đều là một thằng hèn, một thằng kẻ cướp ngay từ bản chất của nó; tệ hơn nữa, lại là một thằng đần độn. Thế nhưng giá thử họ tha cho ta cảnh tù đày, thì tất cả bọn họ sẽ sôi sục một lòng căm phẫn thần thánh ngay! Ôi, sao ta căm thù tất cả bọn họ đến thế!”

Chàng đăm chiêu suy nghĩ: “Làm sao có thể diễn ra một quá trình cuối cùng đưa ta đến chỗ khuất phục trước bọn họ, không còn suy luận gì nữa, khuất phục một cách thành thực? Mà tại sao lại không kia chứ?” Dĩ nhiên phải như thế. Chả nhẽ hai mươi năm áp bức liên tục lại không dẫn đến một kết quả như vậy? Nước chảy đá mòn. Mà đã thế thì còn sống làm gì, sống làm gì nữa, tại sao bây giờ ta lại đi, một khi chính ta cũng biết là mọi việc sẽ đúng y như trong một cuốn sách, chứ không thể nào khác được!”

Kê từ tối hôm qua chàng tự đặt ra cho mình câu hỏi ấy dễ đến một trăm lần, nhưng rồi chàng vẫn cứ đi.

(1) Hình thức khải hoàn của người La Mã cổ đại dành cho các tướng có công


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.