Nhưng ra khỏi bếp ăn công trường, thì Lưu Nhảy Vọt cũng giống như ông cậu ra khỏi nhà tù, nói năng chẳng đâu vào với đâu. Nói mà như không. Thế cũng chẳng sao.
Nhưng nói quá đà, sau lại phải gánh chịu hậu quả, thì to chuyện rồi. Gánh được thì không sao, nhưng nếu không gánh được, rồi lại cái sảy nảy cái ung, sự thể còn nghiêm trọng nữa. Nhưng, chết cái, lời quá đà đều là những lời đã mồm, phải khi xúc động lắm người ta mới nói ra.
Lưu Nhảy Vọt có thằng con trai tên Lưu Bằng Cử, đang học cấp 3 ở quê. Vì nó, Lưu Nhảy Vọt đã trót nói một câu quá đà. Khi ấy, nói thấy đã quá. Sau, câu nói ấy lại biến thành một quả núi, bắt Lưu Nhảy Vọt phải cõng mất sáu năm lận, đến oằn cả lưng. Nếu không vì thằng con trai, con người của Lưu Nhảy Vọt cũng chẳng đến nỗi bẩn thế, rõ ràng có tiền, nhưng cố tình dây dưa không trả Hàn Thắng Lợi. Trước 40 tuổi, Lưu Nhảy Vọt là người phóng khoáng. Sau 40 tuổi, có một câu nữa mà Lưu Nhảy Vọt thường hay tự lẩm bẩm một mình:
– Sao mình ra nông nỗi này cơ chứ?
Mọi bi kịch đều không có chỗ cho sự lựa chọn. Trong bi luôn có hài. Lưu Chấn Vân
Sáu năm trước, Lưu Nhảy Vọt ly dị vợ. Vợ gã là Hoàng Hiểu Khánh. Trước khi bỏ vợ, Lưu Nhảy Vọt làm đầu bếp ở nhà hàng Tường Ký trên thị trấn. Làm được một năm, gã nhằm dịp tỉ tê với ông chủ, để ông chủ đồng ý nhận vợ vào làm bưng bê, lau dọn bàn ghế. Lưu Nhảy Vọt làm đầu bếp, lương tháng được bảy trăm tệ. Vợ làm bưng bê, tạp dịch, tháng được ba trăm tệ. Ở mé tây thị trấn Lạc Thủy có một nhà máy rượu, ông chủ là Lý Canh Sinh, bạn học thời tiểu học với Lưu Nhảy Vọt. Hồi ấy, lớp có 50-60 đứa, nhưng Lý Canh Sinh hèn hơn cả. Hai thằng trong lớp đánh nhau. Đứa bị thua thể nào cũng tìm Lý Canh Sinh đá cho nó hai phát để xả giận. Lý Canh Sinh bị cả bọn trong lớp đá. Đương nhiên, cũng từng bị Lưu Nhảy Vọt đá. Lý Canh Sinh dáng cao to, có biệt hiệu “voi đần”. Không ngờ, 30 năm sau, “voi đần” làm tới chức tổng giám đốc Công ty rượu Thái Bình Dương. Mặc dù chỉ là một nhà máy nhỏ ở một thị trấn của Hà Nam, nhưng ngoài rượu Tiểu Kê Bảng, còn sản xuất cả rượu Mao Đài. Tiểu Kê Bảng hai tệ rưỡi một chai, Mao Đài ba trăm tám mươi tệ một chai. Thằng hèn khi xưa, sau 30 năm, gan mật đã to lên ối. Hôm ấy, Lý Canh Sinh cùng cánh bạn đến Tường Ký đánh chén. Nghe nói, nhân viên bưng bê là vợ của Lưu Nhảy Vọt, Lưu Nhảy Vọt đang làm đầu bếp ở đây, bèn lôi Lưu Nhảy Vọt từ dưới bếp lên, ăn nhậu cùng cả bọn. Lúc ăn uống nói chuyện phiếm, bạn của Lý Canh Sinh hỏi Lưu Nhảy Vọt, chị nhà anh làm ở đây, một tháng lương bao nhiêu? Lưu Nhảy Vọt bảo ba trăm tệ. Lý Canh Sinh liền nói, đến nhà máy em chắt rượu Mao Đài, một tháng sáu trăm tệ. Tự dưng có bánh nhân từ trên trời rơi xuống. Lưu Nhảy Vọt và vợ mừng rơn. Lý Canh Sinh chỉ vào Lưu Nhảy Vọt:
– Chẳng vì cái gì, vì cái đá đít của ông anh hồi nhỏ.
Cả bọn phá lên cười. Ngày hôm sau, Hoàng Hiểu Khánh rời Tường Ký đến Công ty rượu Thái Bình Dương chắt rượu. Mùa xuân năm sau, ả không chắt rượu nữa mà được chuyển sang bộ phận tiêu thụ, thường xuyên đi các nơi chào hàng cùng Lý Canh Sinh. Bán được hàng thì có phần trăm hoa hồng. Một tháng, Hoàng Hiểu Khánh kiếm được một nghìn rưỡi tệ, hơn ối lần lương đầu bếp của chồng. Lưu Nhảy Vọt đinh ninh ấy là nhờ sự ưu ái của “Voi đần” với bạn học cũ. Khi gặp nhau, Lưu Nhảy Vọt còn kéo tay Lý Canh Sinh, nói:
– Chú mày tốt với anh quá. Anh biết ơn chú mày.
Nhưng, cả thị trấn đều kháo nhau rằng, Lý Canh Sinh và Hoàng Hiểu Khánh tằng tịu với nhau. Người cả thị trấn này đều biết, mỗi Lưu Nhảy Vọt là mù tịt. Công ty rượu Thái Bình Dương có một tay bảo vệ là Trương Tiểu Dân. Vì là cháu con bà chị họ của Lý Canh Sinh, nên mới được gác cổng. Đêm đông chí năm ấy, Lý Canh Sinh uống rượu ở bên ngoài. Uống từ tối đến đêm, say khướt, rồi lái xe về nhà máy. Trương Tiểu Dân hôm ấy tụ tập đánh chén với đám bạn học, cũng làm 100 ml rượu, ngủ quay cu đơ trong phòng bảo vệ. Lý Canh Sinh gọi cửa, bên trong không có ai trả lời. Ngoài trời, tuyết lây phây. Rượu quá chén, nên chỉ cần một cơn gió thổi qua, là người Lý Canh Sinh run cầm cập. Hắn lại gọi cửa, vẫn không ai trả lời. Hắn cạy cửa nhảy vào, đạp tung cửa phòng bảo vệ, vớ ngay chiếc gậy gỗ trên bàn. Chiếc gậy này, khi trực ban, Trương Tiểu Dân thường đeo ở thắt lưng, trông như chiếc dùi cui. Đang cơn hăng của rượu, Lý Canh Sinh lấy gậy nện cho Trương Tiểu Dân – khi ấy đang nằm quay cu đơ trên giường – một trận. “Voi đần” ngày xưa giờ đã quen tay đánh người. Lúc vung gậy, còn đập vỡ cả chiếc gương đầu giường. Thủy tinh bắn tung tóe. Một mảnh văng vào mặt Trương Tiểu Dân thành một vệt dài. Thấy Trương Tiểu Dân tứa máu, nhưng Lý Canh Sinh vẫn không buông tha, nhổ bãi nước miếng vào bộ mặt máu me của thằng cháu họ:
-Mẹ kiếp! Nuôi mày, chẳng bằng nuôi một con chó!
Rồi vứt toẹt chiếc gậy, bỏ đi. Đánh, chửi, Trương Tiểu Dân đều có thể nhẫn nhịn. Nửa tháng sau, vết thương trên mặt đã lành, nhưng để lại sẹo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.