Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

CHƯƠNG 2 – MẸO TRỞ THÀNH TIỂU THUYẾT GIA CHẠY BỘ



NGÀY 14 THÁNG TÁM NĂM 2005 – KAUAI, HAWAII
Hôm nay là ngày Chủ nhật, ngày 14 tháng Tám. Sáng nay tôi chạy một giờ mười lăm phút, nghe Carla Thomas và Otis Redding trong máy nhạc MD. Buổi chiều tôi bơi gần 1.400 mét trong hồ bơi và buổi chiều tối thì bơi ngoài biển. Rồi sau đó tôi ăn tối – bia và cá – tại nhà hang Hanalea Dolphin ngay bên ngoài thị trấn Hanalea. Món cá tôi ăn là walu, một loại cá thịt trắng. Họ nướng cá cho tôi trên lò than, và tôi ăn cá nấu với xốt đậu nành. Món phụ là kebab rau, cộng với một đĩa xa lát lớn.
Đến tháng Tám này tôi đã tích lũy được chin mươi ba dặm. Từ lần đầu tiên tôi bắt đầu chạy đều đặn hàng ngày đến nay đã lâu lắm rồi. Cụ thể, đó là vào mùa thu năm 1982. Hồi ấy tôi ba mươi ba tuổi.

o O o

Không lâu trước đó tôi vẫn đang trông nom một kiểu câu lạc bộ nhạc jazz gần ga Sendagaya. Chẳng bao lâu sau khi học đại học – thực ra thì tôi quá bận bịu nghề tay trái đến nỗi vẫn còn thiếu một ít tín chỉ tốt nghiệp nên chính thức mà nói thì vẫn còn là một sinh viên – tôi mở một câu lạc bộ nho nhỏ tại lối vào phía Nam ga Kokubuniji và trông coi câu lạc bộ trong khoảng ba năm; khi người ta bắt đầu xây lại tòa nhà nơi tôi ở, tôi chuyển đến một địa điểm mới gần trung tâm Tokyo hơn. Chỗ mới này không lớn lắm, nhưng cũng không nhỏ. Chúng tôi có một cây đàn piano cánh và chỉ vừa đủ chỗ để chen thêm một bộ năm. Ban ngày chúng tôi phục vụ cà phê, ban đêm thì nơi đây là quán rượu. Chúng tôi cũng phục vụ thức ăn khá tươm tất, cuối tuần thì có trình diễn nhạc sống với tiết mục chủ đạo. Kiểu câu lạc bộ nhạc jazz sống này vẫn còn khá hiếm vào thời đó, vậy nên chúng tôi có một lượng khách đều đặn và doanh thu khá ổn.
Hầu hếtnhững người tôi quen biết đều tiên đoán là quán rượu sẽ không ăn nên làm ra. Họ cho là một việc kinh doanh mà lại làm kiểu như sở thích thì sẽ chẳng đi tới đâu, rằng người như tôi, khá ngây thơ và rất có thể là không có chút khả năng kinh doanh nào, sẽ không thể thành công được. Ấy thế mà, tiên đoán của họ trật lất. Nói thật, ngay cả tôi cũng không nghĩ mình có mấy khả năng kinh doanh. Tôi chỉ tính rằng, dù sao, vì thất bại không phải là cái mình muốn chọn, nên tôi phải làm hết sức mình. Ưu điểm duy nhất của tôi luôn là ở chỗ tôi chịu khó làm lụng và giỏi chịu đựng về mặt thể chất. Tôi giống ngựa làm việc hơn là ngựa đua. Tôi được nuôi dạy trong một gia đình trí thức, nên tôi không biết gì nhiều về kinh doanh, nhưng may thay gia đình bên vợ tôi có kinh doanh nên trực giác thiên phú của nàng giúp ích rất nhiều. Dù có là một con ngựa làm việc giỏi thế nào chăng nữa tôi cũng không thể tự mình thành công được.
Bản thân công việc ấy rất nhọc nhằn. Tôi làm việc từ sáng đến tận khuya, cho đến khi kiệt sức. Tôi đã kinh qua mọi kiểu vất vả, những thứ tôi phải vắt óc mình ra mà nghĩ, và rất nhiều nỗi thất vọng. Nhưng tôi làm việc như điên, và cuối cùng thì tôi cũng bắt đầu kiếm đủ tiền lời để thuê người khác giúp sức. Đến gần cuối độ tuổi hai mươi, rốt cuộc tôi đã có thể xả hơi. Để mở quán rượu tôi đã vay mượn hết mức có thể từ tất cả mọi nơi có thể cho tôi mượn, và tôi đã gần như trả hết. Mọi thứ đi vào ổn định. Mãi đến lúc ấy, kiếm vừa đủ tiền để trụ được vẫn là một vấn đề sống còn đơn thuần, và tôi không còn đầu óc đâu mà nghĩ đến bất cứ gì khác nữa. Tôi cảm thấy như mình đã lên đến trên cùng một cái thang dốc đứng nào đó và ló ra một nơi khá thoáng đãng, lòng tự tin vì mình đã lên được đấy bình an vô sự, mình có thể xử lý bất kỳ vấn đề nào có thể nảy sinh trong tương lai và mình sẽ sống sót. Tôi hít một hơi thật sâu, từ từ quan sát quanh mình, ngoái xuống liếc nhìn những bậc thang mình đã bước lên, và bắt đầu suy ngẫm về giai đoạn kế tiếp. Sắp sang tuổi ba mươi rồi. Tôi đang đến cái tuổi không thể nào được xem là còn trẻ nữa. Và gần như bất ngờ, tôi bỗng có cái ý nghĩ hay mình viết một cuốn tiểu thuyết.
Tôi có thể chỉ ra chính xác cái khoảnh khắc khi lần đầu tiên tôi nghĩ mình có thể viết một cuốn tiểu thuyết. Lúc đó là khoảng một giờ rưỡi chiều ngày 1 tháng Tư năm 1978. Hôm đó tôi đang ở Sân vận động Jingu, ngồi một mình ở sân ngoài uống bia và xem trận đấu. Lúc đó Sân vận động Jingu chỉ cách căn hộ của tôi một tầm đi bộ, và tôi là một fan khá cuồng nhiệt của đội Yakult Swallows. Hôm ấy là một ngày xuân tuyệt đẹp, không gợn mây trên bầu trời, ngọn gió ấm áp thổi. Hồi đó ở đấy không có băng ghế nào ở chỗ ngồi nơi sân ngoài cả, chỉ là một dốc cỏ.
Tôi đang nằm trên cỏ, nhấm nháp bia lạnh, thỉnh thoảng ngước nhìn bầu trời, và ung dung thưởng thức trận đấu. Như thường lệ mỗi khi có đội Swallows, sân vận động không đông lắm. Đó là trận mở đầu giải, và họ đang đấu với đội Hiroshima Carp trên sân nhà. Tôi còn nhớ là Yasuda đang ném bóng cho đội Swallows. Anh là kiểu cầu thủ ném bóng thấp người, chắc khỏe với một cú xoáy ác hiểm. Anh dễ dàng bị loại ngay đầu lượt một, và ở cuối lượt đấu cầu thủ đập bóng số một của đội Swallows là Dave Hilton, một cầu thủ trẻ người Mỹ mới tham gia đội bóng. Hilton được đón bóng xuống cánh trái. Cú đập bất ngờ gặp bóng ngay điểm giữa của gậy vang vọng khắp sân vận động. Hilton dễ dàng bất ngờ tấn công lại lượt đầu và vượt lên trước đến lượt hai. Và đúng vào khoảnh khắc ấy, tôi chợt nảy ra một ý nghĩ: Biết gì không? Mình có thể thử viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi vẫn còn nhớ được bầu trời bao la, cảm giác cỏ non cọ dưới thân mình, cú đánh bất ngờ mạnh khiến thỏa lòng. Có gì ấy từ trên trời bay xuống vào giây phút đó, và bất luận nó là gì, tôi cũng đã đón nhận.
Tôi chưa từng có tham vọng trở thành tiểu thuyết gia. Tôi chỉ có cái mong muốn mãnh liệt viết một cuốn tiểu thuyết. Không có ý niệm cụ thể nào về cái tôi muốn viết, chỉ là cái xác tín rằng giờ đây nếu viết nó ra thì tôi có thể có được cái gì ấy mà tôi thấy có sức thuyết phục. Khi nghĩ đến chuyện ngồi vào bàn làm việc của mình ở nhà và bắt tay vào viết thì tôi mới nhận ra là mình thậm chí còn chưa có lấy một cây bút máy cho ra hồn nữa. Vậy là tôi đến cửa hiệu Kinokuniya ở Shinjuku mua một thếp giấy kẻ và một cây bút máy Sailor giá năm đô la. Một đầu tư vốn liếng nho nhỏ về phần tôi.
Chuyện đó là vào mùa xuân năm 1978, và đến mùa thu thì tôi đã viết được một tác phẩm dày hai trăm trang viết tay trên giấy kẻ của Nhật. Sau khi viết xong tôi cảm thấy rất tuyệt vời. Tôi chẳng biết làm gì với cuốn tiểu thuyết khi viết xong, tôi chỉ gần như cứ để cho cái đà ấy cuốn mình đi, bèn nộp nó để dự thi một giải thưởng của một tạp chí văn học dành cho nhà văn mới. Tôi gửi nó đi mà chẳng sao lại một bản, vậy nên dường như tôi cũng không bận tâm lắm nếu nó không được chọn và mất tăm mãi mãi. Đây là tác phẩm đã được xuất bản với nhan đề Nghe gió hát (Hear the Wind Sing). Tôi quan tâm đến chuyện hoàn tất nó hơn là chuyện nó có bao giờ được biết đến hay không.
Mùa thu năm đó, đội thua triền miên Yakult Swallows giành được cờ đuôi nheo và tiến lên đánh bại đội Hankyu Braves ở Japan Series. Tôi thực sự phấn chấn và đi xem vài trận ở Sân vận động Korakuen. (Không ai lại nghĩ là Yakult thắng, nên họ đã thu xếp sân nhà của mình. Sân vận động Jingu, cho đội bóng chày của trường đại học sử dụng). Vì vậy mà tôi nhớ lúc đó rất rõ. Đó là một mùa thu rực rỡ lạ thường, thời tiết nắng ấm tuyệt vời. Bầu trời trong vắt, và mấy cây bạch quả trước Vườn lưu niệm Minh Trị vàng rực đến mức tôi chưa từng thấy bao giờ. Đó là mùa thu cuối cùng của những năm tuổi hai mươi của tôi.
Đến mùa xuân năm sau, khi tôi nhận được một cú điện thoại từ một biên tập viên của nhà Gunzo cho biết cuốn tiểu thuyết của tôi đã được vào danh sách sơ tuyển, tôi đã quên bẵng chuyện mình vừa tham gia cuộc thi. Tôi quá bận bịu với mấy thứ khác. Thoạt tiên tôi không biết ông ta đang nói gì. Nhưng cuốn tiểu thuyết đã đoạt giải và được xuất bản vào mùa hè. Nó được chào đón khá nồng nhiệt. Tôi ba mươi tuổi, và chưa rõ chuyện gì đang xảy ra thì bỗng thấy mình được dán cho cái nhãn một nhà văn mới nổi đầy triển vọng. Tôi cảm thấy khá bất ngờ, nhưng những người quen biết tôi còn ngạc nhiên hơn.
Sau chuyện này, trong khi vẫn trông coi việc kinh doanh, tôi viết một cuốn thứ hai là truyện vừa Pinball, 1973, và trong khi đang viết cuốn này tôi cũng viết một vài truyện ngắn và dịch một số truyện ngắn của F.Scott Fitzgerald. Cả hai cuốn Nghe gió hát và Pinball, 1973 được đề cử giải thưởng Akutagawa danh giá, người ta nói cả hai đều là những ứng viên mạnh, nhưng cuối cùng chẳng cuốn nào đoạt giải cả. Dù sao thì, nói thật ra, dù thế này hay thế khác tôi cũng không quan tâm. Nếu đoạt giải thì tôi sẽ đâm ra bận bịu nào người ra phỏng vấn, nào bài nọ bài kia phải viết, và tôi e ngại điều này sẽ gây trở ngại cho việc trông coi câu lạc bộ.
Suốt ba năm trời, ngày nào tôi cũng điều hành câu lạc bộ jazz của mình – quản lý sổ sách kế toán, kiểm hàng tồn kho, sắp lịch cho nhân viên, tự mình đứng sau quầy pha cocktail và nấu nướng, đóng cửa lúc mờ sáng – và chỉ khi đó mới ngồi xuống cái bàn bếp ở nhà mà viết cho đến khi buồn ngủ. Tôi cảm thấy như mình đang sống đủ cho hai đời người. Về mặt thể chất mà nói, mỗi ngày đều đã vất vả, thế rồi viết tiểu thuyết và kinh doanh cùng một lúc còn sinh ra đủ kiểu vấn đề khác nữa. Làm kinh doanh thiên về dịch vụ, nghĩa là ta phải chấp nhận bất kỳ ai bước qua cửa. Bất kể là ai đến, trừ phi họ thật sự khủng khiếp, bằng không ta phải chào đón họ với nụ cười thân thiện trên môi. Tuy nhiên, nhờ vậy mà tôi đã được gặp mọi hạng người khác thường và có những cuộc gặp gỡ lạ thường. Trước khi khởi nghiệp viết, tôi đã tiếp nhận một cách nghiêm túc, thậm chí là hồ hởi, nhiều loại kinh nghiệm. Nói chung thì tôi nghĩ tôi thích thú những trải nghiệm này và tất cả những kích bẩy mà chúng đem lại cho tôi.
Dù sao, dần dà tôi thấy mình muốn viết một loại tiểu thuyết lớn lao hơn. Với hai cuốn đầu tiên, Nghe gió hát và Pinball, 1973, về cơ bản thì tôi đã thích thú quá trình viết, nhưng có những phần tôi không hài lòng lắm. Hai cuốn tiểu thuyết đầu này thì tôi chỉ có thể viết rời rạc, tranh thủ từng tí thời gian chỗ nọ chỗ kia – nửa giờ ở đây, một giờ ở kia – và do tôi luôn mệt mỏi và cảm thấy như mình đang chạy đua với thời gian khi viết, nên chưa từng tập trung được. Với cái kiểu làm việc rời rạc này tôi cũng viết được dăm ba thứ thú vị, mới mẻ, nhưng kết quả thì còn lâu mới được là một tiểu thuyết phức tạp hay sâu sắc. Tôi cảm thấy như mình đã được trao cho cơ hội đặc biệt để trở thành tiểu thuyết gia – một cơ hội không phải ngày nào ta cũng có được – và một mong muốn tự nhiên trỗi dậy là hãy đẩy nó đi xa hết sức mình, viết kiểu tiểu thuyết mà mình cảm thấy hài lòng. Tôi biết mình có thể viết một cái gì tầm vóc hơn. Và sau khi suy nghĩ rất lung về điều đó, tôi quyết định ngừng kinh doanh một thời gian để chỉ tập trung viết. Vào thời điểm đó thu nhập tôi có được từ câu lạc bộ jazz nhiều hơn thu nhập nhờ viết tiểu thuyết, một thực tế mà tôi phải đành chấp nhận.
Hầu hết những người tôi quen đều kịch liệt phản đối quyết định của tôi, không thì cũng hết sức hoài nghi về điều đó. “Công việc kinh doanh của anh đang tốt đẹp.” họ nói. “Sao không để ai khác trông coi một thời gian trong khi anh bỏ đi viết tiểu thuyết?” Theo cách nhìn của mọi người thì điều này có lý hoàn toàn. Và có lẽ hầu hết mọi người không cho là tôi sẽ thành công như một nhà văn chuyên nghiệp. Nhưng tôi không thể theo lời khuyên của họ được. Tôi là kiểu người phải tận tâm tận lực với bất cứ cái gì mình làm. Tôi không thể làm một việc khôn ngoan như kiểu mình thì viết tiểu thuyết trong khi ai khác lo việc kinh doanh. Tôi phàm đã làm gì là cống hiến hết mình. Nếu thất bại, tôi có thể chấp nhận. Nhưng tôi biết rằng nếu mình làm mọi việc nửa vời và rồi chẳng đi tới đâu, tôi sẽ luôn luôn hối tiếc.
Bất chấp mọi người phản đối, tôi bán cơ sở kinh doanh đi và, dù có chút ngượng nghịu, treo biển rằng mình là tiểu thuyết gia và bắt tay kiếm sống bằng nghề viết. “Anh chỉ muốn được tự do trong hai năm để viết,” tôi phân trần với vợ. “Nếu chẳng tới đâu thì lúc nào tụi mình cũng có thể mở một quán rượu khác nho nhỏ ở đâu đó. Anh vẫn còn trẻ và tụi mình luôn có thể làm lại từ đầu.” “Được thôi,” nàng nói. Lúc đó là năm 1981 và chúng tôi vẫn còn một khoản nợ đáng kể, nhưng tôi nghĩ mình cứ làm hết sức đi, rồi xem mọi chuyện sẽ ra sao.
Tôi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết của mình và mùa thu năm đó đến Hokkaido một tuần để tìm hiểu. Đến tháng Tư năm sau tôi viết xong Cuộc săn cừu hoang (A Wild Sheep Chase). Tôi hình dung vụ này là một ăn hai thua đây, nên tôi làm hết sức mình. Cuốn tiểu thuyết này dài hơn cả hai cuốn tôi viết trước đó nhiều, lớn hơn về tầm vóc, và được dẫn dắt theo mạch truyện hơn nhiều.
Khi viết xong cuốn tiểu thuyết, tôi cảm thấy hài lòng là mình đã tạo ra được phong cách viết riêng. Toàn thân tôi rung động khi nghĩ thật tuyệt vời – và thật khó khăn – khi có thể ngồi tại bàn làm việc của mình, không lo nghĩ về thời gian, tập trung vào viết. Có những nguồn cảm hứng nguyên vẹn còn tiềm tàng trong tôi, tôi cảm thấy vậy, và giờ tôi có thể thực sự hình dung mình kiếm sống với tư cách một tiểu thuyết gia. Vậy là rốt cuộc cái ý nghĩ thối lui là mở lại một quán rượu nhỏ đã không bao giờ thành hiện thực. Dù vậy, có đôi lúc, ngay cả giờ đây, tôi vẫn nghĩ nếu mở một quán rượu nhỏ đâu đó thì thật là hay.
Các biên tập viên nhà Gunzo, vốn đang tìm kiếm gì đó theo dòng chính thống hơn, không thích cuốn Cuộc săn cừu hoang chút nào, và tôi vẫn nhớ sự đón nhận của họ mới lạnh nhạt ra sao. Dường như hồi đó (thể bây giờ thì sao, tôi tự hỏi) quan niệm của tôi về tiểu thuyết khá là không chính thống. Tuy nhiên, độc giả lại có vẻ thích cuốn sách mới này, đó là điều khiến tôi hạnh phúc nhất. Đây là một xuất phát điểm đích thực cho tôi với tư cách tiểu thuyết gia. Tôi nghĩ nếu mình cứ tiếp tục viết kiểu tiểu thuyết gia. Tôi nghĩ nếu mình cứ tiếp tục viết kiểu tiểu thuyết do bản năng mà có như từng viết hồi còn trông coi quán rượu – Nghe gió hát và Pinball, 1973 – thì có lẽ chẳng mấy chốc tôi đã đâm đầu vào ngõ cụt.
Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh khi tôi quyết định trở thành nhà văn chuyên nghiệp : làm sao để giữ cho mình khỏe mạnh. Tôi có cái tạng nếu không làm việc gì thì dễ tăng cân. Trông coi quán rượu đòi hỏi lao động chân tay nặng nhọc mỗi ngày, và tôi có thể giảm cân, nhưng một khi đã ngồi vào bàn suốt ngày để viết, mức sinh lực của tôi dần giảm sút và tôi bắt đầu tăng cân. Tôi cũng hút thuốc quá nhiều mỗi khi tập trung vào công việc. Hồi đó tôi hút sau mươi điếu một ngày. Mấy ngón tay tôi vàng khè cả, toàn thân tôi nồng nặc mùi thuốc lá. Chuyện này không thể nào tốt cho mình được, tôi nghĩ. Nếu muốn sống cuộc đời tiểu thuyết gia lâu dài, tôi cần phải tìm cách giữ cho khỏe mạnh và duy trì số cân nặng lành mạnh.
Chạy bộ có rất nhiều ưu điểm. Trước hết, ta không cần có thêm ai mới được, và không cần thiết bị đặc biệt. Ta không phải đến một nơi đặc biệt nào để chạy cả. Chỉ cần có giày chạy bộ và một con đường tốt là ta có thể chạy tùy thích. Quần vợt thì không như thế. Ta phải đến sân quần vợt, và ta cần ai đó chơi cùng. Bơi thì có thể thực hiện một mình, nhưng ta vẫn phải đến hồ bơi.
Sau khi đóng cửa quán rượu, tôi nghĩ mình sẽ thay đổi hoàn toàn lối sống, vậy nên chúng tôi dọn ra Narashino, quận Chiba. Lúc đó nó còn khá thôn dã, gần đó chẳng có cơ ngơi thể thao đàng hoàng nào cả. Nhưng lại có đường sá. Gần đó có một căn cứ Lực lượng Phòng vệ, cho nên họ bảo trì những con đường khá tốt cho xe cộ của mình. Và may mắn là trong vùng phụ cận còn có một sân tập của Đại học Nihon, nếu đi từ sáng sớm thì tôi có thể tùy nghi sử dụng – hay có lẽ phải nói là mượn không xin phép – đường đua của họ. Thành thử tôi không phải nghĩ ngợi quá nhiều nên chọn môn thể thao nào – thực ra tôi cũng có nhiều lựa chọn cho cam – khi quyết định sẽ chạy bộ.
Không lâu sau đó tôi cũng bỏ hút thuốc lá. Bỏ hút thuốc lá một kiểu kết quả tự nhiên có được nhờ chạy bộ mỗi ngày. Chẳng dễ mà bỏ được, nhưng tôi không thể cứ vừa hút thuốc vừa chạy. Cái mong muốn tự nhiên được chạy còn nhiều hơn nữa ấy trở thành động cơ mạnh mẽ giúp tôi không hút thuốc trở lại, và rất hữu ích để vượt qua các triệu chứng khi cai nghiện. Bỏ hút giống như một cử chỉ tượng trưng giã từ cuộc sống trước kia.
Tôi chưa hề ghét chạy cự ly dài. Hồi còn đi học tôi chưa hề quan tâm gì nhiều đến giờ thể dục, và luôn ghét Ngày Thể thao. Đó là vì những thứ này được áp đặt cho tôi từ bên trên. Tôi không hề chịu nổi nếu bị buộc phải làm điều gì tôi không muốn làm, và theo cách tôi muốn làm vào lúc tôi không muốn làm. Thế nhưng, mỗi khi tôi có thể làm gì đấy theo cách tôi muốn làm, thì tôi sẽ làm hết sức mình. Vốn không vạm vỡ hay có khả năng phối hợp cho lắm nên tôi không giỏi những loại thể thao nơi mọi thứ được quyết định chớp nhoáng. Chạy cự ly dài và bơi lội hợp với cá tính của tôi hơn. Gần như tôi luôn ý thức được điều đó, điều này có thể lý giải vì sao tôi có thể kết hợp nhuần nhuyễn việc chạy bộ vào đời sống thường nhật của mình.
Nếu bạn cho phép tôi lạc khỏi đề tài chạy bộ một chút, tôi nghĩ mình có thể nói đúng như thế về bản thân và chuyện học hành. Từ tiểu học lên đến đại học tôi chưa hề hứng thú với những thứ tôi buộc phải học. Tôi tự nhủ đó là một thứ phải làm cho xong, nên dù tôi không chểnh mảng hoàn toàn và vẫn có thể đi tiếp lên đại học, nhưng tôi chưa một lần nào thấy học hành hấp dẫn. Kết quả là, dù điểm số của tôi chẳng phải là thứ gì phải giấu giếm, song tôi không có một ký ức nào về chuyện được khen vì đạt điểm cao hay đứng đầu lớp trong môn này môn nọ. Tôi chỉ bắt đầu hứng thú học tập sau khi qua được hệ thống giáo dục và trở thành cái gọi là thành viên xã hội. Nếu có gì làm tôi quan tâm, và nếu tôi có thể nghiên cứu nó theo nhịp độ của riêng mình và tiếp cận nó theo cách tôi thích, tôi khá là có năng lực trong việc đạt được kiến thức và kỹ năng. Nghệ thuật dịch là một ví dụ hay. Tôi tự học dịch một mình, phương pháp vừa làm vừa học. Phải mất rất nhiều thời gian mới đạt được một kỹ năng theo cách này, và phải trải qua rất nhiều lần thử và sai, nhưng cái gì đã học được sẽ ở lại với ta mãi.
Điều hạnh phúc nhất khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp là tôi có thể ngủ sớm dậy sớm. Hồi trông coi quán rượu, thường là mãi đến khi gần hửng sáng tôimới được đi ngủ. Quán đóng cửa lúc mười hai giờ đêm, nhưng rồi tôi phải lau dọn, kiểm tra hóa đơn, ngồi trò chuyện, làm một ly để thư giãn. Làm tất cả những việc ấy xong thì đã ba giờ sáng và mặt trời sắp lên lúc nào không hay. Thường tôi ngồi tại bàn bếp nhà mình, viết, khi trời hửng sáng ngoài kia. Dĩ nhiên là, cuối cùng khi tôi thức giấc thì mặt trời đã lên cao trên bầu trời.
Sau khi đóng cửa quán rượu và bắt đầu cuộc đời tiểu thuyết gia, điều đầu tiên chúng tôi – chúng tôi đây là vợ tôi và tôi – làm là chỉnh đốn lại toàn bộ lối sống của mình. Chúng tôi quyết định sẽ đi ngủ sớm sau khi trời tối, và dậy sớm. Theo chúng tôi nghĩ thì điều này là bình thường thôi, kiểu đời sống mà những người đàng hoàng vẫn sống. Chúng tôi đã đóng cửa câu lạc bộ, vậy nên chúng tôi quyết định là từ nay trở đi sẽ chỉ gặp gỡ những người chúng tôi muốn gặp và, được chừng nào hay chừng đó, thu xếp cách nào đó để không gặp những người mình không muốn gặp. Chúng tôi cảm thấy, ít nhất là trong một thời gian, rằng có thể cho phép mình có được cái niềm vui giản dị xa xỉ này.
Đó là một thay đổi đường hướng lớn lao – từ kiểu sống khoáng đạt chúng tôi đã sống trong bảy năm, đến một cuộc sống khép kín hơn. Tôi nghĩ có được lối sống phóng khoáng ấy trong một thời gian là một điều hay. Tôi đã học được rất nhiều bài học quan trọng trong thời gian đó. Đó là trường đời của tôi. Nhưng ta không thể duy trì kiểu sống đó mãi. Cũng như với tôi trường học, ta đến trường, học được điều gì đó, rồi thì đến lúc phải ra đi.
Vậy là cuộc sống mới, giản dị và điều hòa của tôi bắt đầu. Tôi dậy trước năm giờ sáng và đi ngủ trước mười giờ tối. Người ta sung sức nhất vào những thời gian khác nhau trong ngày, nhưng tôi thì dứt khoát là người của buổi sáng. Đó là khi tôi có thể tập trung và hoàn tất công việc quan trọng tôi phải làm. Sau đó tôi tập luyện hay làm mấy việc lặt vặt khác không cần tập trung nhiều. Cuối ngày tôi thư giãn và không làm việc gì nữa cả. Tôi đọc sách, nghe nhạc, thư thả, và cố đi ngủ sớm. Đây là khuôn mẫu chủ yếu tôi đã theo cho đến ngày hôm nay. Nhờ thế, tôi đã có thể làm việc hiệu quả suốt hai mươi bốn năm qua. Tuy nhiên, đó là một lối sống không có chỗ cho cuộc sống về đêm, nên đôi khi mối quan hệ của ta và người khác trở nên có vấn đề. Một số người bạn thậm chí còn bực ta nữa, vì họ mời ta đi đâu đó hay làm gì đó cùng họ mà ta thì cứ từ chối mãi.
Tôi cho rằng trừ khi ta còn trẻ, nếu không ta thực sự cần phải biết cái gì là ưu tiên trong đời, xem xem nên phân chia thời gian và sức lực của mình theo thứ tự nào. Nếu đến một độ tuổi nào đó ta không đặt ra được kiểu tính trật tự ấy, ta sẽ thiếu trọng tâm và cuộc sống của ta sẽ mất cân bằng. Tôi dành ưu tiên cao nhất cho kiểu sống cho phép tôi tập trung vào viết lách, không giao du với tất cả những người xung quanh. Tôi cảm thấy rằng mối quan hệ không thể thiếu mà tôi cần tạo dựng trong đời không phải là với một cá nhân cụ thể, mà với một số lượng độc giả không xác định. Miễn sao tôi thu xếp được đời sống thường nhật của mình sao cho mỗi tác phẩm sau hoàn thiện hơn tác phẩm trước, thì nhiều độc giả của tôi sẽ còn hoan nghênh bất luận lối sống tôi chọn cho mình là gì. Chẳng phải điều đó nên là phận sự của tôi với tư cách một tiểu thuyết gia, và là ưu tiên hàng đầu của tôi sao? Ý kiến của tôi vẫn không thay đổi qua nhiều năm. Tôi không thấy mặt độc giả của mình, vậy nên theo nghĩa nào đó thì đó là một kiểu quan hệ con người chỉ trên ý niệm, nhưng tôi trước sau như một, vẫn xem mối quan hệ vô hình, mang tính ý niệm này là điều quan trọng nhất trong đời mình.
Nói cách khác, ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người.
Ngay cả trông coi quán rượu tôi cũng theo đuổi cùng một chính sách ấy. Có rất nhiều khách đến quán. Nếu như một mười người thích quán và nói y sẽ trở lại, vậy là đủ. Nếu một trong mười người khách là khách quen th́ quán sẽ tồn tại. Nói cách khác, nếu như hết chín trong mười khách không thích quán rượu của tôi thì cũng không quan trọng. Nhận ra điều này, tôi cất được một gánh nặng trên vai. Dù vậy, tôi phải chắc chắn là cái người nhận là mình thích đó, họ thích thực sự. Để chắc chắn là họ thích thực sự, tôi phải có thái độ sống và quan điểm rõ ràng, và kiên quyết giữ vững quan điểm đó trong mọi tình huống. Đây là cái tôi đã học được trong quá trình kinh doanh.
Sau Cuộc săn cừu hoang, tôi tiếp tục viết với cùng thái độ đã phát huy trong vai trò chủ doanh nghiệp. Và với mỗi tác phẩm, số độc giả của tôi lại tăng lên. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là tôi có rất nhiều độc giả trung thành, những độc giả quen một-trong-mười đó, đa phần họ là những người trẻ tuổi. Họ thường kiên nhẫn chờ cuốn sách kế tiếp của tôi xuất hiện và mua lấy đọc ngay khi nó vừa có mặt ở nhà sách. Kiểu mô hình hình thành dần dần này, với tôi, là một tình huống lý tưởng, hay ít nhất thì cũng rất dễ chịu. Không cần phải là người về nhất trong văn chương. Tôi tiếp tục viết những thứ tôi muốn viết, đúng như cách tôi muốn viết, và nếu điều đó cho phép tôi sống bình thường thì tôi không thể đòi hỏi gì hơn. Khi cuốn Rừng Na Uy bán chạy vượt xa dự kiến, cái vị trí dễ chịu tôi có buộc phải thay đổi chút ít, nhưng chuyện ấy thì rất lâu về sau.
Hồi đầu mới chạy, tôi không chạy đường dài được. Tôi chỉ có thể chạy chừng hai mươi phút, hay ba mươi. Chừng đó thôi mà đã khiến tôi thở dốc, tim đập thình thịch, chân run. Dù vậy, chuyện đó là bình thường, vì tôi đã không thực sự tập luyện trong một thời gian dài rồi. Ban đầu tôi cũng có chút ngượng nghịu khi người quanh hàng xóm thấy tôi chạy – cũng chính cái cảm giác tôi cảm thấy khi lần đầu tiên nhìn thấy cái danh xưng tiểu thuyết gia đặt trong ngoặc đơn đi sau tên mình. Nhưng khi tôi tiếp tục chạy, cơ thể tôi bắt đầu chấp nhận thực tế là nó đang chạy, và tôi có thể dần dà tăng cự ly lên. Tôi bắt đầu có được thể trạng của người chạy bộ, nhịp hít thở trở nên điều hòa hơn, mạch dần ổn định. Cái chính không phải là tốc độ hay cự ly mà là chạy mỗi ngày, không nghỉ.
Vậy là, như ba bữa ăn mỗi ngày – cùng với ngủ nghỉ, việc nhà, công việc – chạy bộ đã là một phần trong sinh hoạt hàng ngày của tôi. Khi nó đã trở thành một thói quen tự nhiên, tôi cảm thấy bớt ngượng ngùng hơn về chuyện đó. Tôi đến cửa hiệu đồ thể thao mua trang phục chạy bộ và vài đôi giày kha khá phù hợp với mục đích của mình. Tôi còn mua một cái đồng hồ bấm giờ, và đọc một cuốn sách về chạy bộ dành cho người mới bắt đầu. Tôi trở thành người chạy bộ như vậy đấy.
Giờ đây hồi tưởng lại, tôi nghĩ điều may mắn nhất là tôi được sinh ra với một cơ thể tráng kiện, khỏe mạnh. Điều này giúp tôi có thể chạy bộ hàng ngày trong gần một phần tư thế kỷ, lại còn thi thố trong một số cuộc đua. Chưa có lần nào chân tôi đau đến độ tôi không chạy được. Tôi không thực sự duỗi người gì mấy trước khi chạy, nhưng tôi chưa từng bị chấn thương, chưa từng bị đau, và chưa một lần ốm. Tôi không phải là tay chạy bộ cừ, nhưng tôi dứt khoát là một người chạy khỏe. Đó là một trong số ít khả năng tự nhiên của tôi mà tôi có thể tự hào.
Năm 1983 đến, và lần đầu tiên trong đời mình tôi tham gia một cuộc chạy đua. Chặng đua không dài lắm – năm kilomet – nhưng lần đầu tiên tôi có một con số ghim trên người, cùng với một nhóm nhiều người chạy đua khác, và nghe trọng tài hô, “Vào vạch xuất phát, chuẩn bị, chạy!”. Sau đó tôi nghĩ, À, không tệ lắm đâu! Tháng Năm, tôi có mặt trong cuộc chạy đua 15 kilomet quanh hồ Yamanaka, và tháng Sáu, vì muốn thử xem mình có thể chạy bao xa, tôi chạy nhiều vòng quanh Hoàng Cung ở Tokyo. Tôi chạy quanh bảy lần, tổng cộng 22,4 dặm, với tốc độ kha khá, và không cảm thấy nặng nề gì mấy. Hai chân tôi không đau gì cả. Chắc mình có thể chạy trong một cuộc marathon thật rồi đấy, tôi kết luận. Chỉ về sau tôi mới biết được qua kinh nghiệm xương máu rằng phần cam go nhất trong cuộc chạy marathon chỉ xuất hiện sau hai mươi hai dặm.
Xem lại mấy tấm hình chụp hồi đó, có thể thấy rõ là dạo ấy tôi vẫn chưa có được cái thể trạng của một người chạy bộ. Tôi chưa chạy đủ, chưa hình thành các cơ bắp cần thiết, còn hai cánh tay tôi thì quá gầy, hai chân tôi quá khẳng khiu. Tôi thấy ấn tượng là ḿnh có thể chạy marathon với một cơ thể như thế. Nếu bạn so sánh tôi trong mấy tấm hình này với tôi bây giờ thì sẽ thấy như tôi là một người khác hoàn toàn. Sau nhiều năm chạy, hệ thống cơ bắp của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng ngay cả hồi đó tôi cũng đã có thể cảm thấy những thay đổi thể chất diễn ra mỗi ngày, điều này làm tôi thật sự vui mừng. Tôi cảm thấy như dù đã quá ba mươi nhưng tôi và cơ thể tôi vẫn còn có triển vọng. Tôi càng chạy thì tiềm năng thể chất của tôi càng được bộc lộ.
Tôi thường dễ tăng cân, nhưng khoảng thời gian đó cân nặng của tôi ổn định ở mức cần có. Nhờ luyện tập mỗi ngày, một cách tự nhiên tôi đạt đến cân nặng lý tưởng của mình, và tôi nhận ra rằng điều này giúp ích cho thành tích của mình. Song song đó, chế độ ăn uống của tôi cũng bắt đầu thay đổi dần. Tôi bắt đầu ăn chủ yếu là rau, với cá là nguồn đạm chính. Dù sao thì tôi cũng chưa từng thích ăn thịt mấy, và cảm giác không thèm này trở nên còn rõ rệt hơn. Tôi cắt giảm cơm và rượu, bắt đầu dùng tất cả các thành phần tự nhiên. Đồ ngọt không phải là vấn đề vì tôi chẳng mấy khi ngó ngàng đến chúng.
Như tôi đã nói, nếu không làm gì cả thì tôi dễ bị tăng cân. Vợ tôi thì ngược lại, vì nàng có thể ăn bao nhiêu tùy thích (nàng không ăn nhiều, nhưng chưa khi nào có thể khước từ bất cứ thứ gì ngọt), không bao giờ tập luyện, vậy mà vẫn không tăng cân được chút nào. Nàng không có lấy chút mỡ thừa. Đời thật chẳng công bằng, là điều tôi vẫn nghĩ. Một số người phải làm đủ mọi cách mà không bao giờ đạt được cái mình mong muốn, trong khi những người khác thì lại có được nó mà chẳng tốn tí hơi sức nào.
Nhưng nghĩ kỹ tôi thấy, mình thuộc tạng người dễ tăng cân có khi lại là chuyện rủi hóa may. Nói cách khác, nếu không muốn tăng cân thì tôi phải tập luyện vất vả mỗi ngày, để ý cái mình ăn, và cắt giảm những thứ khoái khẩu. Cuộc đời có thể chẳng dễ dàng, nhưng chừng nào ta còn không ngừng cố gắng thì sự trao đổi chất của ta sẽ cải thiện đáng kể cùng với các thói quen này, và cuối cùng ta sẽ mạnh khỏe hơn nhiều chưa kể là mạnh mẽ hơn. Trong chừng mực nào đó, ta thậm chí còn có thể làm chậm lại các tác động của quá trình lão hóa. Nhưng những người vốn dĩ tự nhiên dù thế nào cũng không bị tăng cân thì không cần tập luyện hay theo dõi chế độ ăn uống của mình mà vẫn được thon thả. Chẳng mấy ai trong số họ khi không lại đi áp dụng những biện pháp phiền toái này khi họ chẳng cần phải thế. Đấy là lý do tại sao, trong nhiều trường hợp, thể lực của họ suy sút khi họ già đi. Nếu ta không tập luyện, cơ bắp của ta tự nhiên sẽ yếu đi, cũng như xương của ta vậy. Một số bạn đọc của tôi có thể là kiểu người dễ tăng cân, nhưng cách duy nhất để hiểu cái gì thực sự công bằng là biết nhìn xa về mọi sự. Vì những lý do tôi nói ở trên, tôi nghĩ cái phiền toái thể chất này nên được nhìn nhận một cách tích cực, như một điều may. Chúng ta nên thấy mình may mắn khi “đèn đỏ” lại rành rành như thế. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng dễ mà nhìn nhận mọi chuyện theo cách ấy.
Tôi nghĩ quan niệm này cũng đúng với công việc của tiểu thuyết gia. Những nhà văn may mắn có tài năng thiên bẩm có thể viết tiểu thuyết dễ dàng bất luận họ làm gì – hay không làm gì. Như nước từ một suối nguồn thiên nhiên, câu cú cứ lai láng, và với chút ít hoặc không có nỗ lực nào, những nhà văn này vẫn hoàn thành được một tác phẩm. Thỉnh thoảng ta sẽ gặp ai đó như thế, nhưng, thật không may, số này không bao gồm tôi. Tôi không phát hiện được một con suối nào gần kề cả. Tôi phải dùng đục mà đập đá và đào một cái hố sâu rồi mới định vị được nguồn sáng tạo. Để viết một cuốn tiểu thuyết tôi phải ép mình làm việc quá sức về mặt thể chất và bỏ ra rất nhiều thời gian công sức. Mỗi khi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết mới, tôi phải khơi một cái hố sâu khác. Nhưng nhờ duy trì kiểu sống này qua nhiều năm, tôi đã trở nên rất có năng lực, cả về kỹ thuật lẫn về thể chất, trong việc đào một cái hố trong đá cứng và định vị một mạch nước mới. Vậy nên ngay khi tôi nhận ra là một nguồn nước đang khô cạn, tôi có thể chuyển ngay sang một nguồn nước khác. Nếu những người dựa trên suối nguồn tài năng thiên nhiên bỗng thấy là mình đã cạn kiệt cái nguồn duy nhất của mình rồi, họ sẽ gặp rắc rối.
Nói cách khác, hãy cùng nhìn thẳng: đời cơ bản là không công bằng. Nhưng ngay cả trong một tình huống bất công, tôi nghĩ vẫn có thể tìm thấy một kiểu công bằng nào đó. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và công sức. Và có lẽ xem ra cũng không đáng vậy. Tùy mỗi người quyết định xem nó có đáng hay không.
Khi tôi nói với mọi người là mình chạy mỗi ngày, một số người thấy rất ấn tượng. “Anh chắc phải là người có ý chí mạnh mẽ lắm,” đôi khi họ bảo tôi vậy. Dĩ nhiên, thật hay khi được khen ngợi như thế. Hay hơn nhiều so với bị chê bai, điều đó dĩ nhiên rồi. Nhưng tôi không nghĩ chỉ mỗi mình sức mạnh ý chí giúp ta làm được điều gì. Cuộc đời không đơn giản đến vậy. Phải nói thật, tôi thậm chí còn không cho là có tương quan gì mấy giữa việc tôi chạy bộ mỗi ngày và tôi có ý chí mạnh mẽ hay không. Tôi cho rằng mình đã có thể chạy trong hơn hai mươi năm là bởi một lý do đơn giản: nó hợp với tôi. Hay ít ra là vì tôi không thấy khó nhọc gì lắm. Con người lẽ tự nhiên sẽ tiếp tục làm những gì mình thích, và thôi không làm những thứ mình không thích. Phải thú nhận rằng, cái gì đó gần với ý chí quả cũng đóng một vai trò nhỏ trong đó. Nhưng một người dù có ý chí mạnh thế nào chăng nữa, dù y có ghét thất bại bao nhiêu chăng nữa, song nếu đó là một hoạt động y không thật sự để tâm, y sẽ không duy trì nó được lâu. Cho dù y có làm, điều đó cũng sẽ không có lợi cho y.
Chính vì vậy mà tôi chưa hề khuyên ai chạy bộ. Tôi đã cố hết sức để không bao giờ nói điều gì như, Chạy bộ rất tốt. Ai cũng nên thế. Nếu một số người thích chạy cự ly dài, cứ để họ thích, tự họ sẽ bắt đầu chạy. Nếu họ không có hứng thú thì thuyết phục nhiều hay ít cũng vậy thôi. Chạy marathon không phải là môn thể thao dành cho tất cả mọi người, cũng như làm tiểu thuyết gia không phải là nghề của tất cả mọi người. Chưa hề có ai khuyên hay thậm chí mong muốn tôi trở thành tiểu thuyết gia – thật ra, một số người còn cố ngăn tôi nữa. Tôi có ý trở thành tiểu thuyết gia, và tôi đã làm thế. Cũng vậy, một người không trở thành người chạy bộ vì có ai đó khuyên. Cơ bản là người ta chạy bộ vì họ đã được đặt định như thế.
Dẫu vậy, có lẽ một số người đọc cuốn sách này xong sẽ nói, “Này, tôi sẽ thử chạy bộ xem sao,” và rồi nhận ra là mình thích. Và dĩ nhiên đó sẽ là một điều tốt đẹp. Với tư cách tác giả cuốn sách này, tôi sẽ rất vui nếu chuyện đó xảy ra. Nhưng con người có những sở thích và không thích riêng của mình. Một số người hợp với chạy marathon hơn, số khác thì hợp với gôn, nhưng kẻ khác lại hợp với bài bạc. Mỗi khi thấy các em học sinh trong giờ thể dục tất cả đều phải chạy một cự ly dài, tôi cảm thấy ái ngại cho chúng. Ép buộc những người không muốn chạy, hay những người không đủ phù hợp về thể chất, là một kiểu tra tấn vô nghĩa. Tôi luôn muốn khuyên thầy cô đừng ép tất cả học sinh trung học chạy cùng một đường chạy, nhưng tôi không tin có ai sẽ nghe tôi. Trường học là như thế đấy. Điều quan trọng nhất ta học được ở trường là cái sự thật rằng những điều quan trọng nhất ta lại không học hỏi được ở trường.
Dù chạy cự ly dài có phù hợp với tôi thế nào chăng nữa thì tất nhiên cũng có ngày tôi cảm thấy gần như uể oải và không muốn chạy. Thực ra, chuyện đó xảy ra nhiều. Những ngày như thế, tôi có nghĩ ra đủ thứ cớ có vẻ hợp lý để dẹp phứt chạy bộ đi. Có lần, tôi hỏi vận động viên chạy đua Olympic là Toshihiko Seko, ngay sau khi ông thôi chạy và trở thành huấn luyện viên đội tuyển của công ty S&B. Tôi hỏi ông, “Một vận động viên tầm cỡ anh có khi nào cảm thấy kiểu như hôm nay anh thích nghỉ chạy hơn, kiểu như anh không muốn chạy mà chỉ thích ngủ nướng hơn không?” Ông ta trố mắt nhìn tôi và rồi, bằng một giọng chứng tỏ rõ ràng là ông thấy câu hỏi mới ngớ ngẩn làm sao, đáp, “Dĩ nhiên. Bao giờ cũng vậy!”
Giờ đây nhớ lại chuyện đó tôi cũng thấy được câu hỏi thật ngớ ngẩn làm sao. Tôi nghĩ ngay cả hồi đó tôi cũng biết nó ngớ ngẩn thế nào, nhưng hẳn là vì tôi muốn nghe câu trả lời từ chình miệng một người tầm cỡ Seko. Tôi muốn biết rằng liệu, dù khác nhau một trời một vực về sức mạnh, khối lượng tập luyện và động cơ, nhưng sáng sớm khi ta buộc dây giày chạy bộ thì ta có cảm thấy như nhau hay không. Câu trả lời của Seko lúc đó làm tôi nhẹ cả người. Suy cho cùng tất cả chúng ta đều làm như nhau cả thôi, tôi nghĩ.
Mỗi khi cảm thấy không muốn chạy, tôi luôn tự hỏi mình cũng một câu: Mình có thể kiếm sống bằng nghề tiểu thuyết gia, làm việc tại nhà, sắp xếp giờ giấc cho mình, vậy nên mình không phải đi lại trên một toa tàu điện chật như nêm hay ngồi chịu trận những cuộc họp chán ngắt. Chẳng lẽ mình không thấy là mình may mắn thế sao? (Tin tôi đi, tôi có nhận thấy). So với chuyện đó, chạy một giờ quanh khu hàng xóm thì đâu có là gì, đúng không? Mỗi khi tôi hình dung mấy con tàu đông nghịt và những cuộc họp hành liên miên bất tận, nó giúp tôi có động cơ rõ rệt trở lại, thế là tôi thắt chặt dây giày chạy và lên đường mà không còn băn khoăn gì nữa. Nếu mi không kham được chuyện này, tôi nghĩ, thì đáng đời mi lắm. Tôi nói điều này khi biết rất rõ rằng có rất nhiều người sẽ sẵn sàng chọn lên một chuyến tàu chật kín người và dự những cuộc họp bất kể ngày giờ hơn là chạy bộ một giờ mỗi ngày.

o O o

Dù sao đi nữa, tôi đã bắt đầu chạy như vậy đó. Ba mươi ba là tuổi hồi ấy. Vẫn còn khá trẻ, dù không còn là một chàng trai trẻ nữa. Cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fizgarald bắt đầu xuống dốc. Cái tuổi khi tôi bắt đầu cuộc đời chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.