NGÀY 3 THÁNG MƯỜI NĂM 2005 – CAMBRIDGE, MASACHUSETTS
Ở vùng Boston mỗi mùa hè đều có vài ngày khó chịu đến độ ta cảm thấy muốn nguyền rủa mọi thứ trước mắt. Dù vậy, nếu ta qua được mấy ngày ấy thì phần thời gian còn lại không tệ. Người giàu chạy trốn cái nóng bằng cách đến Vermont hay Cape Cod, làm cho thành phố dễ chịu và vắng vẻ. Cây cối dọc lối đi ven sống cho rất nhiều bóng mát, và sinh viên hai trường đại học Harvard và Boston bao giờ cũng ra con sông lấp lánh để tập đua thuyền chèo. Mấy cô gái trẻ mặc bikini hở hang trải khăn tắm ra nằm tắm nắng, nghe nhạc bằng Walkmen hay Ipod. Một xe kem dừng lại và mở quán. Ai đó đang chơi guitar, một giai điệu xưa của Neil Young, và một con chó lông dài rủ đang chú mục đuổi theo một cái Frisbee. Một chuyên gia tâm thần học theo đảng Dân chủ (ít nhất đó là tôi tưởng tượng anh ta thế) chạy dọc con đường sông trên một chiếc ô tô Saab bỏ mui màu nâu đỏ nhạt.
Mùa thu riêng có của New England – ngắn ngủi và đáng yêu- thoáng ẩn thoáng hiện, và cuối cùng thì ở lại. Từng tí một, màu xanh sâu thẳm, tràn trề bao quanh chúng tôi nhường chỗ cho màu vàng nhàn nhạt. Khi tôi cần mặc quần dài thể thao ra ngoài quần soóc chạy bộ thì cũng là lúc lá úa chao lượn trong gió và quả sồi chạm mặt đường nhựa với một tiếng tách khô, nặng. Mấy chú sóc cần mẫn chạy đôn chạy đáo cố gom góp đủ lương thực dự trữ để qua mùa đông.
Một khi lễ Halloween kết thúc, mùa đông, như một nhân viên thu thuế giỏi giang, bắt đầu đến, nghiêm cẩn và lặng lẽ. Tôi chưa kịp nhận ra thì con sông đã phủ đầy băng và mấy chiếc thuyền đã biến mất. Nếu muốn, ta có thể bước trên mặt sông sang bờ bên kia. Những ngọn cây trụi lá, những cành cây khẳng khiu cọ vào nhau trong gió, lách tách như xương khô. Tít trên ngọn cây, ta có thể thoáng thấy mấy cái ổ sóc. Bên trong bọn sóc chắc hẳn đã ngủ say, mơ màng. Những đàn ngỗng từ Canada bay về, nhắc tôi phía Bắc nơi này còn lạnh hơn. Gió lùa trên mặt sông lạnh và cắt như một cái rìu mới mài. Ngày mỗi lúc một ngắn đi, mây thì dày hơn.
Những người chạy bộ chúng tôi đeo găng tay, mũ len kéo sụp xuống tai và mang khẩu trang. Ấy vậy mà, đầu ngón tay chúng tôi tê cóng lại và dái tai buốt nhói. Nếu chỉ là gió lạnh không thôi thì không sao. Nếu ta nghĩ ta có thể chịu đựng được nó, cách này hay cách khác thì ta cũng có thể. Đòn chí mạng xuất hiện khi có bão tuyết. Trong đêm đông lại thành những gò băng khổng lồ trơn trượt, khiến đường sá không thể qua lại được. Chừng đó thì chúng tôi đành bỏ không chạy, thay vào đó cố giữ khỏe mạnh bằng cách bơi trong hồ bơi trong nhà, đạp miệt mài trên mấy cái xe đạp vô dụng, chờ mùa xuân đến.
Dòng sông tôi đang nói là sông Charles. Mọi người thích thú được ở gần sông. Một số tản bộ, dắt chó đi dạo, chạy xe đạp hay tập chạy bộ, những người khác thì thích trượt ván. (Sao một thú tiêu khiển nguy hiểm như thế lại có thể vui được, nói thật là tôi không thể hiểu nổi). Như bị nam châm hút, mọi người tụ tập hai bên bờ sông.
Nhìn thấy nhiều nước như vậy mỗi ngày có lẽ là một điều quan trọng đối với con người. Nói đối với con người thì có lẽ có chút chung chung- nhưng tôi lại biết rõ nó quan trọng đối với một người: tôi. Nếu sống trong một thời gian mà không nhìn thấy nước, tôi cảm thấy như có cái gì trong tôi đang từ từ rút hết. Có lẽ nó giống như cảm giác một người yêu nhạc cảm thấy khi, bất kể vì lý do gì, y bị tách khỏi âm nhạc một thời gian dài. Việc tôi được lớn lên gần biển có lẽ liên quan đến điều đó.
Mặt nước thay đổi từng ngày: màu sắc, hình dạng của sóng, tốc độ của dòng chảy. Mỗi mùa đem lại những thay đổi rõ rệt cho cây cỏ và muông thú quanh dòng sông. Mây đủ mọi kích cỡ hiện lên rồi bay tiếp,và mặt sông, được mặt trời chiếu sáng, phản chiếu những hình thù màu trắng ấy khi chúng đến rồi đi, đôi khi một cách trung thực, đôi khi lệch lạc. Mỗi khi đổi mùa, hướng gió thay đổi thất thường như có ai bật cái công tắc. Và những người chạy có thể cảm thấy từng giai đoạn chuyển mùa nơi cái cảm giác gió tạo ra trên da thịt mình, mùi và hướng của nó. Đứng giữa dòng này, tôi nhận thức được bản thân mình như một mẩu nhỏ trong bức tranh khảm thiên nhiên khổng lồ. Tôi chỉ là một hiện tượng tự nhiên có thể thay thế, như nước sông chảy dưới chân cầu về biển.
Vào tháng Ba, băng cuối cùng cũng tan, và sau khi lớp tuyết tan khó chịu theo sau băng tan đã khô – vào khoảng thời gian người ta bắt đầu cởi bỏ mấy lớp áo choàng nặng nề và đổ ra sông Charles, nơi hoa anh đào ven sông sẽ chóng nở – tôi bắt đầu cảm thấy như cuối cùng, mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng, vì cuộc đua Marathon Boston đã gần kề.
Dù sao, lúc này chỉ mới bắt đầu tháng Mười. Trời bắt đầu có cảm giác hơi lạnh nếu chạy mà mặc áo thun tay cánh, nhưng lại vẫn còn quá sớm để mặc áo dài tay. Chỉ còn hơn một tháng nữa thôi là tới cuộc đua Marathon NewYork. Sắp đến giai đoạn phải giảm số dặm và tống khứ tình trạng kiệt sức dồn lại trong tôi. Đã đến lúc giảm cường độ. Từ đây trở đi, dù có chạy bao xa thì cũng chẳng giúp gì được cho tôi trong cuộc đua. Thực ra làm vậy có khi còn làm hỏng cơ hội của tôi là đằng khác.
Khi xem lại nhật ký chạy bộ, tôi nghĩ mình đã có thể chuẩn bị cho cuộc đua với một tốc đô kha khá:
Tháng sáu: 156 dặm
Tháng Bảy 186 dặm
Tháng Tám 217 dặm
Tháng chín 186 dặm
Cuốn nhật ký tạo thành một hình kim tự tháp rất đẹp. Quãng đường mỗi tuần trong tháng Sáu trung bình là ba mươi sáu dặm, rồi bốn mươi ba dặm, rồi năm mươi, rồi lại bốn mươi ba. Tôi hy vọng tháng Mười cũng sẽ khoảng bằng tháng Sáu, xấp xỉ ba mươi sáu dặm một tuần.
Tôi cũng đã mua mấy đôi giày chạy bộ mới hiệu Mizuno. Tại cửa hiệu City Sports ở Cambrige tôi đã mang thử mọi kiểu, nhưng cuối cùng lại mua đúng hiệu Mizuno tôi đang mang tập. Nó nhẹ, còn miếng đệm ở đế lại hơi cứng. Như mọi khi, phải mất một thời gian mới mang quen chân. Tôi thích ở chỗ hiệu giày này không có thêm mấy thứ thêm thắt trang trí nào cả. Đây chỉ là sở thích cá nhân của tôi, chẳng gì hơn. Mỗi người có những sở thích riêng của mình. Có lần khi tôi có dịp trò chuyện với một đại diện bán hàng của Mizuno, ông ta thừa nhận, “Giày của chúng tôi là kiểu giày bình thường và không nổi bật. Chúng tôi duy trì chất lượng của mình, nhưng giày lại chẳng bắt mắt mấy,” Tôi hiểu điều ông muốn nói. Giày này không có mấy cái mẹo quảng cáo, không ấn tượng thời trang, không khẩu hiệu lôi cuốn. Vậy nên đối với người tiêu dùng, nó có ít sức cuốn hút. (Nói cách khác, nó là Subaru[1] của thế giới giày). Vậy nhưng khi ta chạy thì đế giày cho cảm giác chắc chắn, tin cậy. Theo kinh nghiệm của tôi thì nó là bạn đồng hành xuất sắc để cùng ta qua ba mươi sáu dặm. Trong những năm gần đây chất lượng của giày đã tiến xa, vậy nên giày với cùng một mức giá nào đó, bất luận là của nhà sản xuất nào, thì sẽ không khác gì nhiều. Hơn nữa, người chạy cảm thấy những chi tiết nhỏ làm cho một đôi giày khác biệt với những đôi khác, và luôn tìm kiếm khía cạnh tâm lý này.
Tôi sẽ mang đôi giày mới này cho quen chân, vì chỉ còn một tháng nữa thôi là đến cuộc đua rồi.
Cái mệt mỏi đã tích tụ sau tất cả quá trình tập luyện ấy, và tôi dường như chạy không được nhanh lắm. Khi tôi thong thả chạy bộ dọc sông Charles, mấy cô gái hình như là sinh viên mới của đại học Havard cứ chạy vượt lên tôi. Hầu hết mấy cô đều nhỏ nhắn, mảnh mai, mặc đồ màu hạt dẻ có huy hiệu đại học Harvard, tóc vàng cột đuôi ngựa, có Ipod mới toanh,và họ chạy nhanh như gió. Ta dứt khoát là có thể cảm thấy một kiểu thách thức dạn dĩ toát ra từ họ. Họ dường như đã quen vượt qua mọi người, và có lẽ không quen bị vượt qua. Tất cả bọn họ trông rất sáng láng, rất khỏe mạnh, hấp dẫn, nghiêm túc, ngời lên vẻ tự tin. Với bước sải dài mạnh mẽ, cú nện chắc, dễ thấy họ là những người chạy cự li trung bình điển hình, không phù hợp với chạy cự ly dài. Họ được chuẩn bị tâm lý từ trước cho những cuộc chạy ngắn với tốc độ cao.
So với họ thì tôi khá quen với thất bại. Có nhiều thứ trên đời này vượt quá tôi rất xa, nhiều đối thủ tôi không bao giờ có thể đánh bại. Không phải huênh hoang, nhưng có lẽ mấy cô gái này không biết cái đau nhiều như tôi. Và, rất tự nhiên thôi, chắc là họ cũng không cần phải biết. Trong tôi chợt nảy ra những ý nghĩ này khi tôi nhìn mấy cái đuôi tóc kiêu kì của họ vẫn vung vẩy, những sải chân chạy mạnh mẽ của họ. Vẫn giữ nhịp độ thong thả của riêng mình, tôi tiếp tục chạy dọc sông Charles.
Đã bao giờ tôi có được những ngày rực rỡ như thế trong đời chưa? Có lẽ một ít. Nhưng cứ cho là hồi đó tôi nuôi tóc dài đi nữa thì tôi không chắc nó cũng đung đưa kiêu kỳ như đuôi tóc của mấy cô gái ấy. Và chân tôi cũng sẽ không thể nện xuống mặt đường dứt khoát và mạnh mẽ như họ. Có lẽ điều đó là bình thường thôi. Suy cho cùng, mấy cô gái này là những tân sinh viên của đại học Harvard có một không hai mà.
Mặc dù vậy, khá là tuyệt vời khi ngắm mấy cô gái ấy chạy. Khi đang ngắm họ, một ý nghĩ chợt sáng rõ trong tôi: một thế hệ tiếp nối thế hệ trước. Đây là cách mọi thứ được trao quyền trong thế giới này, vậy nên tôi không cảm thấy khó chịu lắm khi họ vượt qua tôi. Mấy cô gái này có tốc độ của riêng mình, cảm nhận thời gian của riêng mình. Và tôi có tốc độ của riêng tôi, tốc độ của riêng tôi. Hai thứ đó hoàn toàn khác biệt, nhưng nó phải như thế thôi.
Khi chạy ven sông vào buổi sáng, tôi thường thấy cũng những người đó vào cùng một thời điểm. Đầu tiên là một phụ nữ Ấn thấp người ra ngoài đi dạo. Bà độ sáu mươi, tôi đoán vậy, có nét mặt thanh tú, và lúc nào cũng ăn vận không chê vào đâu được. Thật lạ – dù có lẽ chẳng có gì lạ cả – mỗi ngày bà mặc một bộ khác nhau. Khi thì bà mặc một cái sari thanh lịch, lúc khác là một áo thể thao rộng quá khổ có tên trường đại học trên áo. Nếu tôi nhớ không lầm, tôi chưa từng thấy bà mặc lại cùng một bộ đồ. Chờ xem bà mặc đồ gì là một trong những niềm vui nho nhỏ của buổi chạy mỗi sáng sớm.
Người nữa tôi thấy mỗi ngày là một ông già da trắng cao lớn đi dạo rất lanh lợi với một dây đen to quấn bên chân phải. Có lẽ đây là hậu quả của một chấn thương nghiêm trọng nào đó. Sợi dây màu đen đó, theo như tôi biết, đã có ở đó bốn tháng rồi. Chuyện quái gì đã xảy ra với cái chân của ông ấy vậy? Dù đó là gì, nó cũng không làm ông chậm bước, ông đi khá nhanh. Ông nghe nhạc bằng cái tai nghe quá khổ, đi nhanh và lặng lẽ dọc lối đi ven sông.
Hôm qua khi chạy bộ tôi nghe Beggars Banquet của Rolling Stones. Cái điêp khúc “hô hô” sôi nổi trong Sympathy for the Devil là phần đệm lý tưởng khi chạy. Ngày hôm trước thì tôi nghe bài Reptile của Eric Clapton. Tôi thích mấy album này. Có cái gì ở chúng làm tôi xúc động, tôi chưa hề chán nghe – nhất là bài Reptile. Chẳng gì bằng nghe Reptile trong một cuộc chạy vào buổi sáng trong lành. Nó không quá xấc láo hay giả tạo. Nó có nhịp điệu đều và giai điệu hoàn toàn tự nhiên. Tâm trí tôi êm đềm cuốn hút vào nhạc, và hai bàn chân tôi chạy đúng theo nhịp. Đôi khi, lẫn trong điệu nhạc xuyên qua tai nghe của mình tôi nghe thấy ai đó quát to, “Cẩn thận bên trái!”. Rồi một chiếc xe đạp đua vút qua, vượt qua tôi từ bên trái.
o O o
Trong lúc chạy, tôi nảy ra một vài suy nghĩ khác về tiểu thuyết. Có đôi lúc người ta hỏi tôi như thế này: “Ông sống một cuộc sống lành mạnh như thế mỗi ngày, ông Murakami, vậy ông có nghĩ là một ngày nào đó ông thấy mình không thể viết tiểu thuyết nữa không?”. Khi tôi ở nước ngoài thì người ở Nhật có quan niệm viết tiểu thuyết là một hoạt động không lành mạnh, họ cho rằng đám tiểu thuyết gia có phần suy đồi và phải sống cuộc sống phóng túng mới viết sách được. Có một quan niệm phổ biến là chỉ cần sống một lối sống không lành mạnh nhà văn mới có thể đưa mình ra khỏi thế giới trần tục và đạt đến một kiểu thuần khiết có giá trị nghệ thuật. Quan niệm này đã hình thành qua một thời gian dài. Phim ảnh và kịch truyền hình duy trì mãi hình ảnh mang tính rập khuôn – hay, nói quá lên một chút, cái huyền thoại – ấy về nghệ sĩ.
Cơ bản thì tôi đồng tình với ý kiến cho rằng viết tiểu thuyết là một loại công việc không lành mạnh. Khi ta bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết, khi ta dùng cách viết để kể một câu chuyện, dù muốn dù không thì một kiểu độc chất nằm sâu bên trong mỗi con người cũng bộc lộ ra. Tất cả các nhà văn đều phải trực diện với độc chất này và ý thức được mối hiểm họa bao hàm, tìm ra một cách thức để đối phó với nó, vì nếu không thì sẽ không có hoạt động sáng tạo đúng nghĩa nào diễn ra được. (Vui lòng tha thứ cho sự so sánh lạ lùng: ví dụ như trong con cá fugu, phần ngon nhất là phần gần chất độc – điều này có gì tương tự với cái tôi muốn nói). Dù ta có giải thích nó thế nào chăng nữa thì đây cũng không phải là một hoạt động lành mạnh.
Vậy nên ngay từ đầu, hoạt động nghệ thuật chứa đựng các yếu tố không lành mạnh và phản xã hội. Tôi thừa nhận điều này. Chính vì vậy mà trong số nhà văn và nghệ sĩ khác, có rất nhiều người có đời sống thực suy đồi hay những người làm ra vẻ chống đối xã hội. Tôi có thể hiểu điều này. Hay, đúng hơn, tôi không nhất thiết phủ nhận hiện tượng này.
Những ai trong chúng ta hy vọng có một nghiệp văn chương lâu dài thì phải phát triển một hệ tự miễn nhiễm của riêng mình để có thể đề kháng lại chất độc nguy hiểm (trong một số trường hợp là chết người) bên trong. Làm vậy, ta có thể tống khứ hiệu quả hơn những chất độc còn mạnh hơn. Nói cách khác, ta có thể tạo ra những câu chuyện kể còn thuyết phục hơn để xử lý vấn đề này. Nhưng ta cần rất nhiều năng lượng để tạo ra hệ miễn nhiễm và duy trì nó một thời gian dài. Ta phải tìm thấy năng lượng ấy ở đâu đó, và còn có thể tìm thấy nó ở đâu khác ngoài chính trong thể xác của chúng ta?
Vui lòng đừng hiểu lầm tôi, tôi không lập luận rằng đây là con đường duy nhất mà nhà văn phải theo. Cũng như có nhiều loại văn chương, thì cũng có nhiều típ nhà văn, mỗi típ có thế giới quan riêng của mình. Vấn đề họ phải đương đầu khác nhau, cũng như mục đích của họ vậy. Vậy nên không có cái gì như một con đường đúng cho tiểu thuyết gia. Tất nhiên rồi. Nhưng, thật lòng mà nói, nếu tôi muốn viết một tác phẩm tầm cỡ thì tăng cường sức mạnh và sức chịu đựng của mình là một ðiều bắt buộc, và tôi tin ðây là cái gì ðó ðáng làm, hay ít ra thì làm thế cúng tốt hơn nhiều so với không làm gì cả. Đây là một ý kiến cũ rích, nhưng người ta nói: nếu có gì đó đáng làm thì nó đáng để ta cố gắng hết sức – hay trong một số trường hợp là vượt quá cả sự cố gắng hết sức của ta.
Để đối phó với một cái gì không lành mạnh, một người cần phải càng mạnh càng tốt. Đó là phương châm của tôi. Nói cách khác, một tâm hồn không lành mạnh đòi hỏi một thân thể khỏe mạnh. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đó là một điều tôi cảm thấy rất rõ rệt từ khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Lành mạnh và không lành mạnh không nhất thiết nằm ở 2 cực đối lập trong một quang phổ. Chúng không đứng đối lập nhau, mà đúng hơn là bổ túc cho nhau, và trong số một số trường hợp thậm chí còn kết hợp lại. Dĩ nhiên, nhiều người đang trên một lộ trình sống lành mạnh thì chỉ nghĩ đến sức khỏe tốt, còn những người đang trở nên không lành mạnh thì chỉ nghĩ đến sự không lành mạnh. Nhưng nếu ta theo kiểu quan niệm một chiều này, cuộc sống của ta sẽ trở nên vô nghĩa.
Một số nhà văn lúc còn trẻ viết những tác phẩm tuyệt vời, đẹp đẽ, ấn tượng, nhận ra rằng khi họ đến một độ tuổi nào đó thì sự cạn kiệt đột nhiên ập đến. Thuật ngữ cạn nguồn văn chương hoàn toàn phù hợp ở đây. Những tác phẩm về sau của họ có thể vẫn đẹp đẽ, và sự cạn kiệt của họ có thể truyền đạt ý nghĩa riêng biệt của nó, nhưng rõ ràng là năng lực sáng tạo của nhà văn này đang xuống dốc. Tôi tin rằng đó là kết quả của việc sinh lực thể chất của họ không thể vượt qua được chất độc mà họ đang phải đối phó. Sức sống thể chất cho đến nay vẫn một cách tự nhiên khắc phục được độc chất, song nay nó đã vượt qua đỉnh của nó rồi, và tác dụng của nó trong hệ miễn nhiễm của họ dần dần tiêu hao đi. Khi điều này xảy ra thì nhà văn khó mà vẫn còn khả năng sáng tạo bằng trực giác. Sự cân bằng giữa năng lực tưởng tượng và các năng lực thể chất duy trì nó đã rụn vỡ. Nhà văn chỉ còn cách vận dụng các kĩ thuật và phương pháp y đã trau dồi, sử dụng một kiểu nhiệt còn sót lại để đúc gì đó thành cái gì như một tác phẩm văn học – một phương pháp khiên cưỡng không thể nào là một hành trình thú vị. Một số nhà văn có thể tự vẫn vào giai đoạn này, trong khi những người khác từ bỏ viết lách và chọn con đường khác.
Nếu được, tôi muốn tránh kiểu cạn nguồn văn chương đó. Tôi quan niệm văn chương là một cái gì đó tự nhiên hơn, cố kết hơn, cái gì đó với một kiểu sức sống tự nhiên, tích cực. Đối với tôi, viết một cuốn tiểu thuyết cũng giống như trèo lên một ngọn núi dốc đứng, vật vã leo lên vách đá, lên đến đỉnh sau một thử thách dài và cam go. Ta vượt qua được những hạn chế của mình, hay ta không vượt được, cách này hay cách khác. Tôi luôn giữ cái hình ảnh tinh thần đó bên mình khi viết.
Khỏi cần phải nói, một ngày nào đó ta sẽ thua cuộc. Theo thời gian thân thể tất yếu sẽ hỏng hoại. Sớm muộn gì nó cũng bị đánh bại và biến mất. Khi cơ thể tan rã thì tinh thần cũng (rất có thể) không còn. Tôi ý thức rất rõ điều đó. Tuy nhiên, tôi thích trì hoãn, lâu hết mức tôi có thể, cái thời điểm khi mà sức sống của tôi bị độc chất đánh bại và vượt qua. Đó là mục tiêu của tôi với tư cách một tiểu thuyết gia. Và lại, lúc này tôi không có sự nhàn nhã để mà bị cạn kiệt. Đấy chính là lý do vì sao dù người ta có nói, “Ông ta chẳng phải là nghệ sĩ đâu,” tôi vẫn cứ chạy.
Ngày 6 tháng Mười tôi có một buổi đọc truyện tại MIT, và vì sẽ phải nói chuyện trước công chúng, hôm nay khi tôi chạy bộ tôi thực tập bài diễn văn (không đọc to lên, dĩ nhiên rồi). Khi làm việc này, tôi không nghe nhạc. Tôi chỉ lẩm nhẩm tiếng Anh trong đầu.
Ở Nhật tôi hiếm khi nói chuyện trước công chúng. Tôi không diễn thuyết gì cả. Ở Anh, dù sao, tôi có diễn thuyết đôi lần, và tôi mong rằng sau này, nếu có dịp, tôi sẽ diễn thuyết nhiều hơn. Thật kỳ lạ, nhưng khi phải nói chuyện trước một cử tọa, tôi thấy thoải mái hơn khi dùng thứ tiếng Anh còn lâu mới hoàn thiện của mình hơn là tiếng Nhật. Tôi cho rằng đó là vì khi tôi phải nói nghiêm túc một điều gì đó bằng tiếng Nhật thì tôi bị choáng ngợp trong cảm giác bị nuốt chửng trong biển từ. Có vô số lựa chọn cho tôi, vô số khả nãng. Là một nhà vãn, tiếng Nhật và tôi có mối quan hệ khãng khít. Vậy nên, nếu tôi sắp nói chuyện trýớc một nhóm ðông ngýời không xác ðịnh, tôi trở nên bối rối và thất vọng khi ðối mặt với cái biển từ mênh mông ấy.
Với tiếng Nhật, tôi muốn trung thành, hết sức mình có thể, với hành động ngồi một mình tại bàn của mình mà viết. Trong môi trường viết lách thân thuộc này tôi có thể nắm bắt được từ ngữ và văn cảnh một cách hiệu quả, đúng như tôi muốn, và biến chúng thành cái gì đó cụ thể. Suy cho cùng thì đó là nghề của tôi. Nhưng một khi tôi cố nói ra thành lời những điều tôi tin chắc mình đã nắm rõ, tôi lại cảm thấy rất rõ là có gì đó – cái gì ấy quan trọng – đã tràn ra và lẩn mất. Và tôi không thể chấp nhận cái kiểu phân ly lạc lối ấy.
Dù sao, hễ tôi cố gắng trình bày một bài diễn văn bằng tiếng nước ngoài, điều không tránh khỏi là các lựa chọn và khả năng ngôn ngữ của tôi bị hạn chế: dù tôi có thích đọc sách tiếng Anh đến đâu, song nói tiếng Anh dứt khoát không phải là sở trường của tôi. Nhưng điều đó lại khiến tôi càng ngày càng thấy thoải mái hơn khi diễn thuyết. Tôi chỉ nghĩ, Ngoại ngữ mà, vậy mình phải làm gì đây? Đây là một khám phá thú vị đối với tôi.
Dĩ nhiên là mất rất nhiều thời gian chuẩn bị. Trước khi bước lên bục tôi phải học thuộc lòng một bài diễn văn ba mươi hay bốn mươi phút bằng tiếng Anh. Nếu ta chỉ đọc y nguyên một bài diễn văn một bài diễn văn viết sẵn, toàn bộ sẽ tạo cảm giác tẻ ngắt đối với cử tọa. Tôi phải chọn những từ dễ phát âm để người ta có thể hiểu tôi, và nhớ chọc cười khán giả để cho họ thoải mái. Tôi phải chuyển tải đến những người nghe đó cái cảm nhận rằng tôi là ai. Dù chỉ trong một thời gian ngắn, tôi cũng phải làm cho khán giả đứng về phía mình nếu muốn họ nghe tôi. Và để làm điều này tôi phải tập dượt bài diễn văn nhiều lần, mất rất nhiều công sức. Nhưng luôn có phần thưởng đi kèm với một thử thách mới.
Chạy bộ là một hoạt động tuyệt vời để làm trong khi học thuộc lòng một bài diễn văn. Gần như không nhận ra, tôi vừa cử động hai chân vừa sắp xếp lời lẽ cho trật tự trong đầu mình. Tôi cân đo nhịp điệu của câu, vần điệu của nó. Khi đầu óc tôi đang ở chỗ khác, tôi có thể chạy một thời gian dài, duy trì một tốc độ tự nhiên không làm tôi kiệt sức. Có đôi lúc khi đang lẩm nhẩm một bài diễn văn trong đầu, tôi thấy mình đang làm đủ kiểu điệu bộ và biểu lộ trên mặt, và người đi ngang từ phía đối diện nhìn tôi lạ lùng.
o O o
Hôm nay khi đang chạy tôi nhìn thấy một con ngỗng Canada béo tròn nằm chết bên bờ sông Charles. Cả một con sóc chết nữa, nằm cạnh một cái cây. Cả hai trông như đang ngủ say, nhưng chúng đã chết. Vẻ mặt chúng thanh thản, như thể chúng đã chấp nhận kết cục của cuộc đời, như thể chúng cuối cùng cũng đã được giải thoát. Kế ngôi nhà thuyền cạnh sông có một người đàn ông vô gia cư khoác những lớp áo quần bẩn thỉu. Ông đang vừa đẩy một giỏ hàng vừa hát tướng bài “America the Beautiful”. Ông thực sự có ý nói thế hay đang mỉa mai sâu cay, tôi chịu không biết được.
Dù sao đi nữa, tờ lịch cũng đã qua tháng Mười. Tôi chưa kịp nhận ra thì một tháng nữa đã trôi qua. Và một mùa rất khắc nghiệt sắp đến rồi.
Chú thích
[1] Tên một hãng ô tô thuộc tập đoàn vận tải Fuji Heavy Industries Co., Ltd của Nhật Bản